Mar 28, 2024

Tùy bút - Bút ký

Biển Của Mỗi Người
Nguyễn Ngọc Tư * đăng lúc 02:37:55 PM, Apr 04, 2018 * Số lần xem: 1175
Hình ảnh
#1

                  

                                        Biển Của Mỗi Người
                      

Ông già nói Tết này chắc ông đi Phú Quốc, còn nếu mua vé máy bay không được, ông sẽ xuống Hà Tiên nằm chơi ít bữa. Đứa trẻ gặp ông lần thứ năm, hay thứ bảy, nó cũng không còn nhớ, chỉ nhớ gặp lần nào nó cũng có vài chuyện để ngớ ra, vì bất ngờ, vì những điều nó chưa biết. Và ngồi ở cái quán café Sài Gòn, chung quanh rựng nắng lên, lần đầu tiên đứa trẻ hay, Tết nào thì ông bạn già nó cũng đi về phía biển.

Đứa trẻ biết ông yêu biển, có chuyến đi chung, ông làm nó ấm ức không thôi, vì nó thích đá, thích rừng ông lại sướng rơn khăng khăng đòi đi biển. Tập thơ mà ông tặng nó chỉ ba mươi bài, thì đã có mười bài ông viết về biển, những bài có chữ “biển” nó không tính. Có một bài thơ rất cảm động, ông đứng ở ngôi “tao” viết cho con chó đã chết của mình, “Tết Canh Tý tao đi tìm buồn ở biển. Mày đau nằm liệt ở góc nhà…”. Đứa trẻ thích bài thơ này, và cứ nghĩ ông bạn già đi biển chỉ vì không muốn nhìn thấy con vật gắn bó với mình đau đớn lìa đời.

Nhưng hóa ra, năm nào ông cũng đi, lúc thì Nha Trang, Vũng Tàu, khi thì Mũi Né, Phú Quốc… Sáng mồng Một, ông đóng cửa, khép rào và làm một chuyến đi tới mênh mông. Đứa trẻ hỏi, “rồi chú làm sao?”. Ông già cười, “châm một bình trà ngồi uống ngó biển chơi”.

Ở đó, ông cũng một mình như lâu nay sống một mình trong căn nhà rộng và sân vườn rộng. Cái sự một mình này ông không giải thích với ai. Ông yêu vẫn yêu nhưng một mình thì vẫn một mình. Và trong sáu ngày đầu tiên của một năm, quãng thời gian người ta sum họp, đoàn viên, ông lại ngồi chơi vơi trước biển, “hồi trẻ ở rừng hoài, mắc chán rồi”, cái lý do đơn giản này che giấu một điều đơn giản khác, ông sợ hãi cái không khí Tết, khi mà sự gặp gỡ, sự trở về của mỗi người đều soi chiếu, nhắc nhớ nỗi cô đơn, xa vắng con người.

Đứa trẻ dĩ nhiên đoán được, nó tợp ngụm café, ngồi ngẫm ngợi, bỗng nhớ tới ông già khác, cũng là bạn thiết của ông bạn này. Cũng một đặc trưng cho mẫu người sợ hãi Tết, năm nào cũng đưa ổ khóa cho hàng xóm khóa cửa ngoài giùm, rồi trốn ru rú trong nhà, vật vờ như một hồn ma. Ông chỉ đặt bốn cái ghế ở phòng khách của mình, như một quy định ngầm, đoàn nào kéo tới năm bảy người, ông tái tê vì khó chịu. Càng khó chịu hơn khi mình lui cui bày biện một lúc thì khách đứng lên ra về, để lại mấy đĩa bánh mứt chưa ai chạm vào, những tách trà chưa ai ghé môi. Thôi, đóng cửa cho khỏe.

Và trong căn nhà gỗ thanh vắng, ông già cũng làm cuộc hành trình đi tới biển cô đơn, theo kiểu của ông. Đứa trẻ không ngạc nhiên với cách ứng xử hơi lập dị đó, khi một ngày nó nhận ra càng ồn ào lễ hội người ta càng cô đơn, càng đông đúc chung quanh ta càng đơn độc, bởi có những tâm hồn không ai chạm thấu được.

Đứa trẻ chỉ buồn cười, chơi với hai ông già, một ở Sài Gòn, một miền tây, gặp ông này nghe nhắc ông kia, và ngược lại. Như sáng nay, trong lúc nắng lên cao, ông già lại hỏi thăm bạn mình có khỏe, đứa trẻ vọt miệng nói luôn, như bắt lại một ý nghĩ bất chợt, sợ nó tan đi mất, “sao chú không xuống ông Chín chơi, ở với ông Chín, Tết này…”.

Ý tưởng của đứa trẻ không phải sáng tạo gì cho lắm, nhưng làm ông già ngỡ ngàng, ờ, tại sao không? Bọn ông sẽ vẫn đóng cửa, trốn trong nhà, pha bình trà quạu, ngồi nói vài câu chuyện phiếm, ngồi cười người đời đang chạy rần rần ngoài kia, không hiểu sao chỉ có được mấy ngày nghỉ, họ không chịu khép cửa lại, để âu yếm yêu thương mà cứ phải tất tả ngoài đường. Hoặc vả, bọn ông chỉ uống trà, không cần nói gì hết, chỉ ngồi đó nghe tiếng sóng của biển cô đơn vỗ rất xa rồi.

Ông già lẳng lặng đặt một vé máy bay. Ông không nhắn gì cho bạn, vì muốn tạo bất ngờ. Mồng Một ông đặt chân lên cái thềm nhà treo lủng lẳng mấy giò lan. Ông gọi cửa. Không có ai. Ông dựa vali ngồi chờ đến trưa, người hàng xóm ngang qua kêu lên, “Ông Chín về quê rồi, hết Tết mới ra”. Ông gần ngồi chèm bẹp, và bỗng dưng thấy biển xanh ngằn ngặt trước mặt mình. Chưa bao giờ ông thấy biển mênh mông, sâu thẳm như vậy, ông lần túi lấy thuốc hút, điện thoại chạm khẽ vào tay. Hy vọng lóe lên rồi lại tắt ngay, bạn chủ trương sống giản tiện hết mức, ghét cái đồ công nghệ mới này, bạn không xài. Ông bỗng nhớ đứa trẻ, cũng sống đâu đó ở thành phố này.

Thời điểm đó, đứa trẻ hoàn toàn rảnh rỗi, thanh thản nằm nghe nhạc, xem phim. Nó hoàn toàn không hay ông bạn già đã lần theo nét vẽ bâng quơ của nó để đến… một biển khác. Nó tắt điện thoại, đó là cách nó tuyệt giao với thế giới này, như bạn bè vẫn thường làm, theo kiểu của họ, người đi núi, người tìm biển, người khóa trái ngoài… Đứa trẻ hoàn toàn không biết ở hiên nhà người, trên đất người, ông bạn già của nó bơ vơ ngồi lau đôi kính ướt. Ông không biết tìm bạn mình ở nơi nào, vì không biết quê quán, không biết bạn đến từ đâu.

Và ở nơi nào đó mà người ta gọi là quê, cũng có một ông già khác, treo võng ngoài bìa vườn, chờ ngày qua, chờ cho hết cuộc hội hè đình đám, chờ cho qua hết cuộc nhắc nhớ sự cô đơn.
Họ sống với biển của mình lâu tới mức, lúc cần tìm người, họ hoàn toàn mất dấu tích của nhau.

 Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.