Apr 26, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Biết Ngỏ Cùng Ai. (phiếm luận)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 09:48:20 PM, Apr 14, 2009 * Số lần xem: 1916
Hình ảnh
Võ Doãn Nhẫn
#1


1.- Người đi đường với con chó.

Một người cưỡi ngựa tới đầu làng kia, có con chó đang ngủ giữa đường bỗng giật mình thức dậy chạy theo con ngựa sủa cắn mãi làm cho con ngựa sợ chạy lồng lên. Người cưỡi ngựa tức giận vô cùng, muốn giết ngay con chó, mới bảo rằng:
- Tao mà có súng thì cho mày một phát là hết cắn. Nhưng mà được, tao sẽ có cách làm cho mày chết.
Nói xong, người ấy chạy đến giữa làng, kêu to lên rằng:
- Chó dại! Chó dại!
Mọi người trong xóm nghe tiếng kêu “ Chó dại!”, vội vàng vác gậy vác xẻng chạy ra đuổi đánh chết con chó.
Gớm thay lời nói của người ta, có khi giết hại được hơn là đồ binh khí.
Xin mời quý độc giả đọc tiếp bài thứ hai:

2.- Chuyện một người thợ đá có lương tâm.

Người ta ở đời phải ăn ở cho trung hậu thành thực, dẫu có giàu sang mà làm điều trái đạo thì thế nào cũng không làm, mà làm điều ngay lành thì dẫu có cực khổ cũng cố làm cho được.
Xem như đời xưa ngươi Sái Kinh là một đứa gian nịnh có quyền thế, thấy bọn ông Tư Mã Quang là trung thần, không chịu vào đảng với mình thì đem lòng ganh ghét, sai thợ khắc các bia đá bày ra trước phủ huyện mục đích để làm cho xấu xa. Lúc ấy có một người thợ đá tên là An Dân, không chịu khắc nói rằng:
- Chúng tôi ngu dốt không hiểu ý làm sao, chớ như bọn ông Tư Mã Quang thì ai cũng khen là chính trực, sao lại bảo là gian tà, tôi không nỡ khắc.
Quan phủ giận, toan bắt tội, An Dân khóc mà rằng:
- Bắt thì tôi xin làm, nhưng xin tha cho, xin đừng bắt khắc tên người thợ đá ở dưới bia.
Quan phủ nghe câu nói ấy cũng cũng then mặt với người thợ đá.
Người viết xin trở lại bài thứ nhất” Người đi đường với con chó” và xin góp ý.
Một người có thể tự hủy mình, tự tử, không cần đồ binh khí nói chung vũ khí.Nói cho cùng dụng cụ một người sử dụng kết liễu đời người mạng sống là một phương tiện dẫn đến cái chết. Phan Thanh Giản thấy không hi vọng gì chuộc lại ba tỉnh miền Tây Nam Bộ trong ý đồ thực dân Pháp đã uống thuốc độc tự tử; sau năm 75, các tướng Phạm văn Phú, tướng Lê nguyên Vỹ, tướng Nguyễn Khoa Nam , tướng Lê văn Hưng đã dùng súng cá nhân tự sát, và gần đây sau năm 75, tướng Trần văn Hai đã thản nhiên uống chén độc dược tìm cái chết; thiếu phụ Nam Xương vì bị chồng là chàng Trương đi lính được trở về “phục viên“đã nghi ngờ lòng chung thủy không thể biện bạch không thể thanh minh nên phải tìm cái chết trên giòng nước. Thái sư Trần Thủ Ðộ quyết tâm diệt trừ dòng họ Lý nên Lý Huệ Tôn tuy đã cắt tóc đi tu vẫn không yên phận đã phải dùng dây thắt cổ tự vận. Những người chết đột tử như ông Phan Thanh Giản, vợ chàng Trương, Lý Huệ Tôn đã sử dụng phương tiện là chén thuốc độc, giòng nước trên sông, dây thòng lọng kết thúc chấm dứt cái chết.
Tuy nhiên, lời nói của người ta,” có khi giết hại được hơn là đồ binh khí”. Giả thử người cưỡi ngựa chạy đến giữa làng kêu to lên “chó dại, chó dại”, liệu con chó đang sủa đang cắn ấy sẽ ngã lăn đùng ra chết, không cần cậy, xẻng?

“Giết nhau chẳng cái dao cầu,
Giết nhau bằng cái ưu sầu, độc chưa!”

Dao cầu là con dao dùng để giết lợn, giết bò, giết dê, giết trâu, sắc như nước, họa hoằn người chán sống có thể sử dụng dao cầu như một phương tiện quyên sinh, cầm dao đâm cổ, rạch bụng như những võ sĩ đạo đã từng hara - kiri sau thế chiến hai. Ðiều đáng buồn là người cưỡi ngựa la lớn” chó dại, chó dại”khan cả họng rát cả cổ chẳng có người nào đủ can đảm vác gậy vác xẻng chạy ra đuổi đánh chết con chó, quả thật chó dại hay không, chỉ có ... bác sĩ thú y rành nghề mới biết, hãy giết cho bảo đảm an toàn, giết cho chắc ăn! Nhưng cũng có những trang phụ nữ quần bận yếm mang đã tự nguyện tìm lấy cái chết không cần một tấc sắt trong tay, như người con gái trong tiểu thuyết rất phong tình rất lãng mạn Tố Tâm tác giả Song An Hoàng Ngọc Phách đã xuất giá và đã quá đau khổ hao mòn suy nhược đến chết, định mệnh trớ trêu đã vô tình”giết hại một cuộc tình đau khổ không cần đến binh khí”.
Tâm lý quần chúng(psychologie de la foule) nói một cách nghiêm chỉnh là một tâm lý... đáng sợ. Phong trào một khi được hô hào, được cổ xúy, được huy động sẽ thành một sức mạnh mà một tập thể khó bề kìm hãm. Lịch sử đã chứng minh nhiều biến cố nhiều vụ việc khiến trời long đất lở. Nhiều chuyện tuyên truyền “ rỉ tai” lâu ngày sẽ có sức thuyết phục cực mạnh. Rõ ràng và điển hình nhất có kết quả mỹ mãn rực rỡ thành công là vụ “ cải cách ruộng đất”.Ấn tượng nhất sâu sắc nhất là màn “cách mạng văn hóa vô sản” Trung quốc mà nạn nhân là chủ tịch nhà nước Lưu Thiếu Kỳ và Ðặng Tiểu Bình. Ðám tập thể quần chúng thanh niên vô sản đua nhau tố khổ hai nạn nhân trên gồm những thành phần ưu tú tinh hoa đất nước gồm những ai, độc giả có biết không?
- Hồng vệ binh tức vệ binh Ðỏ!
Vào thời buổi nạn nhân Lưu Thiếu Kỳ bị tố khổ đến chết mà đám vệ binh Ðỏ đã trực tiếp sát hại không cần, không “thèm”cần đến đồ binh khí cuốc xẻng gậy gộc. Lời nói của người ta, quả thực đáng sợ!
Người viết xin mạn phép... hội luận bài viết thứ hai “Chuyện một người thợ đá có lương tâm”.
Nhân vật người viết chú mục ở đây là An Dân và An Dân là một người thợ đá, nhà nghèo, thuộc thành phần vô sản:” dẫu có giàu sang mà làm điều trái đạo thì thế nào cũng không làm, mà làm điều ngay lành thì dẫu có cực khổ đến đâu cũng cố làm cho được.”( trích nguyên văn)
Quan phủ ra lệnh mọi thợ đá khắc tên vào bia đá ấy bày nơi các chốn công đường nhằm bêu diếu nhục mạ trung thần Tư Mã Quang không chịu phục tùng phe đảng của Sái Kinh. Thợ đá An Dân ở vào thế kẹt, hoặc từ chối cương quyết không chịu khắc những lời lẽ nhục mạ Tư Mã Quang mà hậu quả là tù tội; hoặc đồng ý cam chịu khắc vào bia đá và ký tên bên dưới những lời phỉ báng. Lúc đầu An Dân từ chối việc làm khắc bia, viện lẽ” bọn ông Tư Mã Quang thì ai cũng khen là chính trực, sao lại bảo là gian tà tôi không nỡ khắc”.
Nếu không chịu khắc, An Dân sẽ bị bắt tội, viện cớ ngàn lẻ một lý do: tên thợ đá cứng đầu ngoan cố bướng bỉnh, không chịu ngoan ngoãn phục tùng nghe lời dạy bảo cấp trên, cơm không chịu ăn lại đòi uống rượu phạt. An Dân đứng giữa một cổ hai tròng:

“ phú quý bất năng dâm,
bần tiện bất năng di,
uy vũ bất năng khuất”.

Giàu sang phú quý, An Dân không có thói tật chơi bời đồi trụy, cái đó khỏi lo; nghèo hèn khốn khó thiếu trước hụt sau, An Dân vẫn... trước sau như một không hề lay chuyển lạc lòng; riêng chuyện hù dọa áp bức răn đe tra tấn tù tội oan khuất dưới chế độ hung tàn bạo ngược thì... An Dân phải coi lại. Chắc phải “nín thở qua sông” thôi. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Ði với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Gặp đàn sói hãy gào với sói.
Kết quả là An Dân khứng chịu khắc bia trên đá, nhưng An Dân cũng ngại sợ tiếng đời tiếng bia thiên hạ dè bỉu rẻ rúng khinh bỉ An Dân, người thợ đá bèn lên tiếng van xin quan phủ “ bắt thì tôi xin làm, nhưng xin ngài tha cho, xin đừng bắt khắc tên người thợ đá ở dưới bia.”
Ở đây, gặp tình huống oái oăm này, người viết tưởng không cần biết viên quan phủ có còn một chút “ nhất điểm lương tâm” để còn xấu hổ, để còn thẹn mặt với người thợ đá An Dân. Chẳng biết viên quan phủ có đồng ý chấp thuận An Dân khỏi được khắc tên y dưới bia hay không. Nếu viên quan phủ đã muối mặt, không chấp thuận, buộc An Dân phải khắc họ tên vào bia đá. Nếu viên quan còn một chút liêm sỉ, một chút lương tri, viên quan phủ ấy cho phép. Vậy An Dân quả thực là một người thợ đá có lương tâm? Nhưng thế nào là một người có lương tâm?
Người có lương tâm là người có nhận xét, có phán đoán, biết phân biệt nhận định đúng sai hành vi của việc mình đã làm, buồn hay vui lúc đã biết kết quả của hành vi ấy, đồng thời cố gắng thực hiện hành vi ấy ngày một tốt đẹp hoàn hảo hơn.
Tôi nghĩ người thợ đá An Dân có một lương tâm an bình thanh thản vì đã làm một công việc, một hành vi cho là đúng, đã dược nhận xét đánh giá đúng, phù hợp với một hành vi nhân tính, hành vi đạo đức. Lương tâm thanh thản vì đã hoàn tất khắc xong bia đá nhưng đỡ lương tri dằn vặt dày vò vì đã khỏi phải khắc tên người thợ đá dưới bia, nhưng thật sự An Dân có một ngụy tín.
Ngụy tín tiếng Pháp là mauvaise phoi, một thuật ngữ của nhà triết học hiện sinh Jean - Paul Sartre. Ngụy tín là nói dối nhưng biết mình nói dối. Thiết tưởng cần phân biệt nói dối với ngụy tín.Nhưng nói dối không phải là nói sai sự thực, bởi đôi lúc nói sai sự thực mà vì hoặc vô tình hoặc dốt nát mà ta không biết. Một đứa trẻ vì không biết nên đã nói sai sự thực; nó nói mẹ nó đang giặt quần áo trong lúc sự thật mẹ nó đang... cho em bú.
Lại một thanh niên nọ xin được gặp hẹn một bạn gái từ trước đã thân quen tại một công viên tạm gọi tên là công viên Tao Ðàn.... Nguyên nhân?- Có chuyện muốn nói. Chiều thứ bảy, nắng vàng êm ả, giọng ve ra rả vang vọng khắp lối đi, người con gái đến nơi sớm hơn thường lệ vài phút.
- Em đợi có lâu lắm không?
- Chỉ mới vài phút.
Ðôi bạn cùng ngồi trên một ghế đá, nắng chiều tha thướt trải dài trên lối đi rải sỏi, gió mát miên man mơn trớn vuốt ve. Người thanh niên nhìn xuống bàn tay thiếu nữ đặt lửng lơ trên đùi chiếc quần lụa phin trắng mỏng trong suốt, bất ngờ chàng cầm lấy bàn tay nâng lên, khẽ nắm chặt, sự cố bất thình lình khiến thiếu nữ thảng thốt lúng túng lâm vào tình huống khó xử, hoặc thiếu nữ phải rút tay về, tỏ ý không hoặc chưa khứng chịu, hoặc bàn tay để yên bất động. Nếu thiếu nữ rút bàn tay lại, thái độ ấy không khác chi một thái độ từ khước, một từ chối người thanh niên đã bấy lâu mong mỏi đợi chờ từ trước, nếu có phải buồn ý phật lòng: đành vậy, con nhà lễ nghi gia giáo không thể lăng loàn liễu ngõ hoa tường, nhưng thâm tâm, lòng người thiếu nữ lại không nỡ đành đoạn rút bàn tay về, thôi đành... thôi đành để bàn tay nằm yên bất động như thể không biết, không nhìn thấy và không cảm giác. Chỉ có một cách bình dân xem ra hiệu quả cao nhất là giả tảng, là phe lờ, là đánh trống lảng trong khi bàn tay của chính đương sự đang nằm yên chẳng khác chi bàn tay của Trương ngoan ngoãn”tọa lạc”trên đùi của Thu trong truyện Bướm Trắng. Thiếu nữ đánh trống lảng, xóa tan im lặng, sách lược xem ra hiệu quả nhất:
- Trời sắp mưa rồi, mây mịt mù khắp mọi phía, thiên hạ chạy mưa hết kia kìa.
Thanh niên dáo dác nhìn trời, nhìn quanh quất, cất tiếng:
- Mưa đâu mà mưa, chỉ có gió.
Lúc này thiếu nữ đã rút bàn tay của mình về, không thể để lâu hơn, mặc dù thích bàn tay minh để yên.
Trở lại chuyện An Dân có lương tâm hay không có lương tâm. An Dân có lương tâm, bởi An Dân lên tiếng can gián viên quan phủ không nên sai thợ đá khắc lên bia đá những câu nói bêu diếu Tư Mã Quang, nhưng tiếng nói lương tri của An Dân không quyết liệt, không đủ sức mạnh, rốt cục An Dân vẫn tuân theo lệnh quan phủ, chỉ cầu xin quan phủ đừng bắt phải khắc bên dưới bia đá. Không ai biết được lệnh “công đường”có cho phép hay không. Trong tiểu thuyết Bướm Trắng, Thu đã tỏ ra rất khôn ngoan và không một chút ngụy tín nào: biết đặt bàn tay của người bạn trai lên đùi mình, thân mật gần gũi như một đôi vợ chồng, nhưng cũng rất sáng suốt, rất... biết chừng mực khi nào cần phải chấm dứt màn cảnh thân mật tình tứ ấy.
- Thôi, em về.
Bài viết nói về cách xử thế, đạo làm người, thợ đá An Dân cũng chỉ là một thân phận làm người. Trong lúc hành xử, An Dân không làm điều gì đáng trách chỉ tiếc là An Dân đã phải chịu khuất phục trước quyền uy của bạo lực mà Nho giáo đã thường xuyên nhắc nhở” uy vũ bất năng khuất”. Gặp thời thế, thế thời phải thế. Kẻ thức thời, thôi đành” nín thở qua sông”./.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.