Mar 28, 2024

Tùy bút - Bút ký

Tình Tự Võ Bị
Phan Thị Linh * đăng lúc 08:08:55 PM, Jan 29, 2018 * Số lần xem: 1532
Hình ảnh
#1

 



Tình Tự Võ Bị

 

                                                     Phan Thị Linh K28/1

 

Thú thật trước khi lấy chồng, tôi không biết gì về Trường VBQGVN, ngôi trường mà chồng tôi được thụ huấn trong bốn năm để trở thành một sĩ quan của QLVNCH. Thật vinh dự cho những ai được xuất từ quân trường nỗi tiếng này. Mới đây tôi được đọc qua cuốn sách Trường Võ bị Quốc Gia Việt Nam -Theo Dòng Lịch Sử mới hiểu nhiều hơn về tính cách đa dạng của Quân trường lớn nhất Đông Nam Á này.

 

Nhớ lại năm xưa khi tôi gặp chồng tôi ở một vùng quê nghèo của Tỉnh Quảng Trị.  Tỉnh địa đầu giới tuyến. Anh ấy ở cạnh làng tôi, tuy hai làng nhưng đi chung môt con đường gọi là Đường Phượng Bay, vì hai bên đường có rất nhiều cây hoa phượng đỏ dẫn đến ngôi trường tiểu học mà chúng tôi cùng học thưở thiếu thời. Anh ấy học hơn tôi một lớp, nhà nghèo nhưng anh học giỏi thường đứng đầu lớp và lãnh phần thưởng danh dự cuối niên khóa. Xã của tôi học sinh học Trung học rất ít, vì nhà nghèo không đủ điều kiện đi học hơn nữa trường Trung học Nguyễn Hoàng ở tận thị xã Quảng Trị nên vấn đề giao thông đi lại rất khó khăn. Anh ruột tôi cũng học Trường Nguyễn Hoàng nên anh ấy thường đến nhà tôi chơi. Lúc đó tôi coi anh ấy chỉ là người bạn hàng xóm vui vẻ hiền hòa và tốt bụng. Thế rồi học xong Trung học anh ruột tôi và anh ấy đều gia nhập quân đội Việt Nam Công Hòa.

 

Thời chinh chiến làm trai phải xông pha nơi chiến trường đó là lẽ thường tình nhưng gia đình tôi rất thương nhớ người anh trai duy nhất phải xa gia đình vào quân đội. Và anh bạn hàng xóm của tôi được vào học trường sĩ quan Đà Lạt nghe nói anh ấy được học trong bốn năm văn võ song toàn. Còn tôi sau khi tốt nghệp đại học trường làng (tiểu học) tôi không có điều kiện học thêm nữa nên phụ Mẹ buôn bán sống qua ngày.

         

Sau năm 1975 anh ruột tôi và anh hàng xóm đều bị bắt vào trại tù cải tạo hơn 3 năm, ở trại tù Tây Ninh và Long Khánh. Vùng quê tôi lúc đó rất nặng nề về tư tưởng chính trị, những người cán bộ CS từ Bắc vào họ muốn loại bỏ ảnh hưởng chế độ tự do của miền Nam và trang bị cho người dân tư tưởng tôn thờ chủ nghĩa CS Mác Lê. Tuy thế nhưng người dân vùng quê tôi rất sợ hải với chủ nghĩa tàn độc của CS vì họ đã từng sống với CS trong thời kỳ chiến tranh. Sau năm 1975 gia đình tôi và gia đình anh ấy bị triệu tập đi học chính trị hàng đêm vì trong nhà có người là “Sĩ Quan Ngụy”. Nhưng trong lòng tôi không bao giờ tin vào những gì CS tuyên truyền và nhồi sọ cho những người thanh niên chúng tôi thời bấy giờ. Ở đâu đó những câu thơ truyền miệng mà chúng tôi thường truyền cho nhau: “Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ.Nón tai bèo che khuất ánh tương lai” Những người thanh niên trẻ như chúng tôi lúc đó bị đưa đi lao động ở những vùng rừng thiêng nước độc với danh từ “Thanh niên xuân phong”. Không có tương lai, không có tự do lưạ chọn. Có những người phải bỏ xác nơi rừng sâu núi thẳm vì thiếu ăn hay bệnh tật.

 

Sau ba năm anh trai tôi được trở về từ trại cải tạo Trản Táo - Long Khánh . Gia đình tôi rất vui mừng vì cứ tưởng cảnh tù tội cực khổ, ăn uống thiếu thốn sợ anh tôi không kham nổi . Anh hàng xóm cũng được trở về sau anh tôi vài tháng. Tôi vẫn coi anh ấy như là môt người anh đáng kính. Anh trai tôi và anh ấy rất thân nhau. Hình như họ cùng hoàn cảnh cùng tâm trạng nên thường gặp nhau để nói chuyện về đời lính về những kỷ niệm đẹp ngày xưa họ đã bị đánh mất. Có những lúc tôi thấy hai anh trò chuyện, chơi cờ tướng hay hát những bản nhạc xưa sau những chén trà cốc rượu. Những lần như vậy tôi phải đóng cữa nhà để bảo vệ tính cách riêng tư của hai người và tránh sự nghi ngờ dòm ngó của kẻ xấu. Dù được tha về nhưng công an vẫn thường xuyên theo dõi quản chế những người sĩ quan “Ngụy”vì họ cho là thành phần nguy hiểm.

                                                                        ****                         
  

Thế rồi một buổi chìều mùa thu bầu trời trong và đẹp, ánh nắng vàng chiếu qua hàng cây dương liễu trước mặt nhà tôi. Đàn chim sẻ sau vườn líu lo hót. Anh bạn hàng xóm đến chơi với bộ áo quần chỉnh tề hơn mọi khi, tôi rót nước mời anh ấy.“ Hôm nay anh Lực em đi vắng sao anh không báo cho anh ấy biết là anh đến chơi” “Không sao anh đến có chút việc muốn hỏi em”. Tôi lúng túng không biết anh ấy hỏi gì về tôi. Nhưng tôi linh cảm có niềm vui nào đó sẽ đến với mình. Anh ấy mời tôi ngồi rồi chậm rải nói “ Từ lâu anh rất có cảm tình với Linh nhưng chưa có dịp bày tỏ. Vậy Linh có thể cho anh  cơ hội để tìm hiểu em không?” Nghe anh ấy nói xong tôi lúng túng và trả lời cộc lóc “ Em không biết chi hết”. Rồi tôi cảm thấy bối rối bỏ chạy vào buồng không kịp chào anh ấy. Tôi là một cô gái nhà quê lớn lên giữa hương đồng cỏ nội chưa bao giờ nhận được lời tỏ tình từ một ai. Trong mắt tôi anh ấy là một người hoàn hảo, học thức cao và siêng năng làm việc, có hiếu thảo với cha mẹ. Nếu như CS không cưỡng chiếm miền Nam thì tôi làm gì có cơ hội được làm người yêu của anh ấy. Một năm sau đó anh bạn hàng xóm của tôi trở thành người chồng ăn đời ở kiếp với tôi.Chúng tôi tổ chức một đám cưới nghèo, thế là đôi bạn nên duyên vợ chồng cho đến ngày hôm nay.

 

Rồi chúng tôi được cha mẹ cho ra ở riêng. Một căn nhà tranh nhỏ được dựng lên, và những đứa con thơ ra đời. Cuộc sống tuy vất vả nhưng chúng tôi rất hạnh phúc. Những lúc nhàn rổi anh ấy kể cho tôi nghe chuyện quá khứ hào hùng khi anh còn là một SVSQ trong quân trường Võ Bị Đà Lạt. Nhất là anh kể cho tôi nghe chuyện “Tám tuần huấn nhục” Chuyện thành phố Đà Lạt sương mù những ngày cuối tuần đi phố sánh bước bên người yêu, và có những em gái cao nguyên má đỏ môi hồng. Một chút ghen tức khi anh kể cho tôi nghe chuyện “Người xưa” của anh ấy từ Huế vào Đà Lạt thăm anh. Là SVSQ năm thứ hai chưa có phép đi phố đêm nên anh phải măc áo lính Cà vượt cổng Tôn Thất Lễ ra Đà Lạt thăm người yêu.Nhưng tôi đâu có quyền ghen vì đó là chuyện quá khứ của những chàng trai Võ Bị hào hoa phong nhã khi đang còn thụ huấn trong quân trường có lắm kẽ nhớ người thương.

                                        Inline image
                          

Lúc còn sống ở Quảng Trị hàng năm cứ đến ngày 24 tháng 12 chồng tôi và vài người bạn cùng khóa sĩ quan  Đà Lạt trước năm 1975 gặp nhau để liên hoan kỷ niệm ngày nhập trường. Họ vui cười kể lại chuyện xưa: Chuyện các anh bị phạt trong tám tuần huấn nhục. Anh kể cho tôi chuyện “Tình Tự Võ Bị” khóa đàn anh thương khóa đàn em hơn anh em ruột một nhà. Mỗi lần hội họp lại các anh thường nói với nhau những  từ ngữ nghe lạ và ngộ mà tôi chưa từng nghe ai nói như: “ Tiểu xảo, tà tà, lác đác như lá rụng mùa thu vân vân” Có lần tôi hỏi chồng tôi:” Tại sao các anh gọi nhau là Cùi, mà không bằng những từ khác nghe hay hơn. Chồng tôi giải thích chỉ có những người xuất thân từ Trường Võ Bị Đà Lạt mới gọi nhau bằng “Cùi”. Cùi là biệt danh của những người SQĐL thương yêu bảo bọc nhau dù bất cứ hoàn cảnh nào, trong quân trường hay ngoài chiến trận.

 

Trước ngày gia đình tôi rời Việt Nam để đến định cư ỡ Mỹ theo diện HO, chồng tôi dẫn mấy mẹ con tôi đến du lịch thành phố Đà Lạt mấy ngày.Tôi có dịp đi thăm những nơi mà chồng tôi và tất cả các SVSQ Đà Lạt một thời trải qua. Tôi được biết những nơi như Đồi 1515, Hồ Than Thở. Núi Lâm Viên, nơi mà trước khi gắn Alpha các anh Tân Khóa Sinh phải leo núi chinh phục đỉnh Lâm Viên có độ cao trên 2000m. Hồ Than Thở nơi đó anh và đồng đội cùng khóa đã trải qua những bài học chiến thuật. Anh kể cho tôi nghe, anh sợ nhất là hình phạt “bò nhúng dấm” thêm một từ ngộ và lạ nữa. Anh kể khóa đàn anh cho Tân Khóa Sinh xuống Hồ Than Thở nhúng nước sau đó lên bờ đứng yên mà trời Đà Lạt mùa Đông lạnh khủng khiếp, khi đứng nghiêm trong 10 phút anh cảm thấy cái lạnh đến tận tim.Càng biết tôi càng thán phục sức chịu đựng của các anh Tân Khóa Sinh trong thời gian huấn luyện.Chồng tôi dẫn đến thăm mộ anh Tâm và chị Thảo, mối tình thương tâm mà sau này trở thành bản nhạc nổi tiếng “Đồi Thông Hai Mộ” do nhạc sĩ Hồng Vân sáng tác.Nhìn hai ngôi mộ hoang phế không ai chăm sóc tôi thấy thương cảm cho hai linh hồn đã khuất, họ đã từng yêu nhau từ dương gian cho đến tuyền đài. Tôi đọc được hai câu thơ trên tấm bia mờ của  chị Thảo để lại sau khi gieo mình xuống Hồ Than Thở tự vẩn:               Inline image
    

                   Tà áo trắng nay tình đã hết

                   Chút tình này xin trả lại cho nhau

 

 Nghe nói anh Tâm cũng là một Niên Trưởng khóa đàn anh xuất thân từ Trường Võ Bị Đà Lạt.    

   

Hôm nay đọc quyển TVBQGVN Theo Dòng Lịch Sử tôi biết thêm lịch sử cả 31 khóa của quân trường nổi tiếng nhất Vùng Đông Nam Á. Những hình ảnh hào hùng từ khi được huấn luyện trong quân trường cho đến khi ra mặt trận, họ cũng là những vị anh hùng làm cho Cộng quân khiếp vía. Tôi thân phận nữ nhi, vợ của một CSVSQ K28, khóa mà khi ra trường được đặt tên là “Thiếu Úy Chín Ngày” Họ đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng, trong quân sử đã ghi lại sự hi sinh hào hùng giờ thứ 25 của các anh Khóa 28 và Khóa 29. Chồng tôi rất hãnh diện điều đó. Anh thường bảo tôi” Ước gì con mình cũng nối nghiệp cha để phục vụ cho quê hương thứ hai này”. Và hôm nay anh ấy đã mãn nguyện. Con trai út của  chúng tôi đã lên đường  phục vụ trong quân đội Mỹ. Cháu Lê Trọng Hùng, hậu duệ của Võ Bị nối nghiệp cha anh chọn đường binh nghiệp và đang phục vụ trong Hải Quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

 

Gia đình tôi xin cám ơn Ban Biên Soạn quyển TVBQGVN Theo Dòng Lịch Sử. Cám ơn tất cả CSVSQ 31 khóa đã góp công góp của làm nên cuốn sách này. Chúng tôi coi đó là một di sản lớn của các CSVSQ/TVBQGVN. Nhờ di sản này mà mãi mãi về sau con cháu chúng ta sẽ hiểu biết về cội nguồn dân tộc, về lịch sử hào hùng của ông cha đã hi sinh và chiến đấu vì Tổ Quốc, vì Quê Hương Việt Nam và vì hai chữ Tự Do.

Trước thềm năm mới Mậu Tuất gia đình tôi xin cầu chúc Đại Gia Đình Võ Bị ở Hải ngoại và trong nước một năm mới an khang và thịnh vượng.

 

                                      San Jose Ngày 26 tháng 1 năm 2018

                                                  Phan Thị Linh. K28/1

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.