Mar 28, 2024

Tùy bút - Bút ký

Ði Bộ (tùy bút) .
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:18:10 PM, Apr 11, 2009 * Số lần xem: 1615
Hình ảnh
Võ Doãn Nhẫn & Cung Giũ Nguyên
#1



Cả tháng nay, máy vi tính của tôi gặp sự cố, không thể gởi bài viết cho các tạp chí hải ngoại được, lý do rất ư đơn giản: không thể gởi attachments cùng với những bài viết khác như tùy bút, phiếm luận, tạp luận, tiểu luận, triết luận, liêu trai, tân liêu trai, vân vân. Một chút chuyện riêng tư, tôi đã cạn đề tài, hết chuyên đề, nên tôi đành phải viết một bài tùy bút: đi bộ. Trước sau, tôi cũng đã mài miệt viết khá nhiều, khá dồi dào phong phú về chủ đề ấy, nhưng con tằm dù có nhả tơ, tới lúc hết tơ, tằm tất phải chết, qui luật của người cầm bút là vậy.
Cách nay dễ đã ba năm, kể từ lúc tôi bị đột quỵ, giản dị hơn bị trúng phong, đơn giản hơn nữa ai cũng biết là bị tai biến mạch máu não, bệnh trạng kể như nan y rất khó chạy chữa, tôi đành điền đơn xin vô làm hội viên của những vị cao niên hay những bệnh nhân luống tuổi tại trung tâm Horizons II ở đường University. Trung tâm Horizons II có lẽ sinh hoạt không khấm khá( tiền thuê hàng tháng quá đắt?) phải dời trung tâm đến một địa điểm khác ở đường Convoy. Bệnh nhân và người cao niên tại trung tâm này đa số người Hoa, số ít ỏi hiếm hoi còn lại là người Mỹ gốc Việt. Sở dĩ tôi phải gọi người Mỹ gốc Việt bởi những người Việt Nam ở trung tâm Quantum đã quá cao niên mà tiếng Mỹ nói không chuyên nên khi nộp đơn xin vô quốc tịch Mỹ, những vị cao niên ấy được may mắn thi bằng tiếng Việt hay được may mắn hơn, khỏi phải thi! Phần nhiều những vị cao niên hoặc bệnh nhân người Hoa nhưng lại hoàn toàn không biết nói tiếng Việt, chỉ biết trao đổi chút đỉnh bằng tiếng Quảng( ở đây là Quảng Ðông?), Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu. Ðọc nhật báo bằng Hoa ngữ, họ đọc được, nói tiếng Việt, họ chào thua. Vì vậy mà một khi nhóm người Hoa gặp nhau tại phòng tập thể dục thì y như rằng họ nhóm chợ, nói tía lia không kịp lành da non, không cần tập, cần nói hơn cần tập, bàn chân đặt trên bàn đạp không nhất thiết phải đạp, nói chuyện trao đổi hàn huyên điều đó mới tuyệt đại quan trọng. Tôi mới hỏi thử một nữ nhân viên mới thu nhận là cô Nathalie:
- - Do you understand what they said?
Thì cô chỉ mỉm cười khẩy nhỏ nhẹ:
- - Oh, no, I donot.
Tới lúc đồng hồ trên tường chỉ đúng mười giờ, thời gian trôi qua nửa tiếng, nhóm người quày quả bỏ đi, buổi tập thể dục coi như chấm dứt, hoàn tất, mọi người đều vui vẻ.
Tôi có được một ít vị cao niên, không dám hỏi niên kỷ được bao nhiêu, sợ bất lịch sự. Phái nữ giới tôi càng không dám, hỏi nữ giới đã có chồng, đã lập gia đình chưa, tôi lại càng không. Nếu bạo phổi hỏi giới phụ nữ, tôi chỉ có mỗi một câu trả lời độc nhất: im lặng. Sau tôi mới hiểu ra rằng khi muốn biết xuân xanh của nữ giới, câu trả lời gián tiếp cho tôi biết quê một cục. Cũng có thể người phụ nữ ấy cho biết xuân xanh của bà, nhưng không phải là xuân xanh thật.(Theo kinh nghiệm, người phụ nữ nói quá số xuân xanh của bà để người ngoài lầm tưởng )(bà ấy còn quá trẻ ).Tính tôi ai cũng biết xưa nay tôi vẫn (ăn ngay ở thật ): tuổi thật, tôi đã ngoài bảy chục, cũng giống cụ Uy Viễn khi cô hầu muốn biết tuổi thật của tiên sinh:
(Tân nhân dục vấn lang niên kỷ
Nguyễn công Trứ đã thành thật điềm nhiên trả lời
Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam).
Năm mươi năm trước, anh hai mươi ba tuổi; lang đây chỉ người đàn ông chỉ sự xưng hô thân thiết. Năm mươi năm trước, anh còn trẻ chán, chỉ mới hăm ba, tràn trề sinh lực, tuổi xuân hơ hớ, trở ngại nào cũng vượt, khó khăn nào cũng qua, thật sự anh hiện giờ đã bảy mươi ba, nhưng cần gì, cứ chơi nhiều vào là lãi đấy. Rồi tôi lại nghĩ đến tuổi trẻ qua mau(La fuite de la jeunesse) của nhà thơ lãng mạn kiêm nhà thơ trữ tình của Ronsard, tiếc là tôi không đủ khả năng nhớ trọn vẹn bài thơ, chỉ nhớ lõm bõm đứt đoạn từng câu: bài thơ tôi đã táo bạo dịch từ nguyên tác tiếng Pháp ra tiếng Việt:
(Quand gie suis vingt ou trente mois,
Sans retourner au Vendômois,
Pleins de pensées vagabondes
Plein de remords et d'un souci.
Aux rochers gie me plains ainsi,
Aux bois, aux antres et aux ondes.)

( Thoắt đã hai ba chục tháng
Mà chưa trở lại Vân Dương
Ðầy ắp ưu tư phóng đãng
Hồn ta ngập nỗi đau thương
Với đá đôi lời than vãn,
Rừng cây, hang cội, sóng cồn. )

Ðá hỡi vài mươi thế kỷ
Tang thương chẳng chút dãi dầu,
Bản chất hình hài bền bỉ
Còn ta tuổi trẻ bóng câu,
Chợt thấy xuân tàn bong xế xế,
Tóc xanh phút chốc ngả màu.
Nhớ lại nền văn học văn chương của nước nhà, tôi thấy Nguyễn công Trứ tuy lận đận long đong trên hoạn lộ, xem ra Uy Viễn tiên sinh vẫn dập dìu tấp nập những thê cùng thiếp, từ hầu non đến nàng hầu dồi dào phong phú đếm không xuể, đến nỗi trong chốn buồng the có một nàng hầu đã bạo phổi(tướng công được những mấy cái xuân già:
( Tân nhân dục vấn lang niên kỷ)
Tiên sinh đã không chút ngần ngại ngượng ngùng mà trả lời cùng người hầu thiếp rằng:
( Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam).Năm mươi năm trước, ta mới hăm ba. Thành thực, đứng đắn, nghiêm túc, người quân tử trước sau không hề nói dối.

Nhìn mái tóc bạc phơ buộc trên đầu của một bà cụ, tôi đoán non đoán già niên kỷ bà ấy có lẽ ngoài bảy mươi. ( Muốn biết niên kỷ, hậu sinh xin đừng ).Trong số người Việt tôi quen, có vợ chồng ông bà Nguyễn Sức( Sức là tên người chồng, Châm là tên bà vợ), cả hai người vốn điềm đạm không hay chuyện vãn, chỉ trả lời những lúc có ai hỏi và gợi chuyện, ngoài ra ông chồng chỉ biết chúi đầu vô trang sách hoặc báo như Người Việt San Diego, Thời Mới, đặc biệt là tuần báo Sàigòn Nhỏ. Ông chăm chú xem báo đến nỗi không còn lưu tâm để ý một sự việc gì khác ngoài việc chờ bữa cơm trưa lúc mười hai giờ. Hai ông bà có mỗi một tật là lúc dùng bữa xong, cả ông lẫn bà đều không chịu thân hành đứng lên thu dọn dĩa giấy và những thức ăn thừa vứt vô giỏ rác, chỉ biết hối hả đẩy xe ra ngoài xe vì tài xế đợi sẵn. Ðiều này khiến bà Kim Thành vốn tính khó khăn nên đã than phiền lắm bận nhưng chứng nào tật nấy(bà Thành vốn là hội viên trong các vị cao niên ở trung tâm). Riêng tôi, tôi chỉ có... có vỏn vẹn ba ông bạn già: ông Phan Ðỗ, ông Âu Dương Hữu và ông Trương Trung. Ông Phan Ðỗ vốn người Việt gốc Hoa, nói tiếng Trung quốc rành hơn tiếng Việt, không biết nói tiếng Mỹ nhưng đọc được nhật báo Hoa ngữ. Ông đến trung tâm một tuần hai bận, thứ ba và thứ tư. Tài xế trung tâm chở ông vào chuyến thứ ba, chuyến chót. Nom ông Ðỗ còn tương đối khỏe, đi lại không phải chống gậy như tôi. Ông Âu Dương Hữu người Việt gốc Hoa, nói tiếng Việt lẫn tiếng Pháp(ông Dương vốn là học sinh theo học chương trình Pháp ngày trước), vợ ông mất đã lâu, sống độc thân, được housing ở Marlborough Ave, đi lại phải chống gậy, một tuần ông tới trung tâm ba bận, thứ tư, năm và sáu, đi bơi( nói cho đúng ông chỉ tắm hơi) một tuần hai bận, thứ hai và thứ sáu.
Tôi tính nhẩm, bảy mươi ngoài, thời gian sao mà đi nhanh quá mà tôi vẫn như thực hiện chưa được gì. Khi còn nhỏ, tôi thấy thời gian trôi đi sao mà quá chậm, trôi lê thê dằng dặc. Thuở cha tôi còn sinh tiền, người đã sáu mươi, tôi thấy thơi gian quá dài, tôi tự hỏi biết làm gì cho hết một ngày mà chừng như cha tôi không mảy may quan tâm để ý. Khi lớn lên, đi học, làm việc, lập gia đình, xây dựng cơ ngơi nhà cửa, dần dần tôi cảm nghiệm ra rằng thời gian cứ âm thầm lặng lẽ trôi qua mà tôi không cảm thức được, mặc dù vẫn biết nhà thơ Xuân Diệu cứ hăm he thúc giục tôi hãy mau mau gặt hái thu nhận tuổi trẻ. Ngày xuân qua mau, cái già xồng xộc nó thì đến nơi.
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em em ơi, tình non sắp già rồi.
Tình thổi gió, mầu yêu lên phấp phới,
Nhưng mai ngày, tình mới đã thành xưa.
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết... 

Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến,
Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành!
Chưa làm được thành tích sự nghiệp gì ra hồn, thoắt đã hoa râm bạch phát, mà mắt đã hoa, chân tay bắt đầu run rẩy cầm bát nước không vững, ký ức bắt đầu đi vào sương mù lờ mờ tựa kẻ đi đêm loạng quạng,đêm đêm trằn trọc thao thức chập chờn chiêm bao mộng mị, sáng thức dậy hồi tưởng lại giấc chiêm bao không nhớ nội dung sáng tỏ, lại càng không hiểu nội dung tiềm ẩn, Freud gọi continues manifestes và continues latentes, không biết mình hóa bướm thật hay chỉ là hóa bướm giả hình như Trang Chu.
Trong bốn người già, ông Ðỗ, ông Sức, ông Dương và tôi mỗi khi gặp mặt nhìn thấy nhau, bốn người nói chuyện trên trời dưới đất sau buổi điểm tâm, vô thưởng vô phạt, riêng chuyện thời cuộc chính trị thì...( chúng em chả ).Chúng tôi già rồi, chuyện chính trị chính em xin rửa tay gác kiếm.Vả, chính trị có tới một ngàn lẻ một chuyện, triền miên bất tận tưởng không bao giờ chấm dứt. Vả, nhàn cư vi bất thiện, người ta lên nhật báo tuần báo, tạp chí hai tuần hoặc nửa tháng một kỳ để đả kích nhau, bôi nhọ nhau, mạ lị nhau, ủng hộ lập trường hoặc thân Cộng hoặc chống Cộng. Mà ví dầu lịch sử hiện đại kể lại những sự kiện lịch sử như hang Pác Bó, ngôi nhà sàn của Trung Bộ Phủ, quảng trường Ba Ðình, lăng mộ cha già dân tộc, cái chết của thủ tướng Phạm văn Ðồng, cái chết hơi mờ ám của thủ tướng Võ văn Kiệt ở bệnh viện Mã Lai Á, cái chết vốn có những ba bà vợ của tổng bí thư Lê Duẩn, của chủ tịch nhà nước Lê đức Anh, của cựu thủ tướng Phan văn Khải( hiện giờ vẫn còn sống?), của tổng bí thư đảng nổi tiếng ba phải Nông đức Mạnh, của chủ tịch nhà nước Nguyễn minh Triết, đối với riêng tôi thì, (à m'est égal! )
Sáng nay như thường lệ, tôi ngồi trên chiếc xe van do tài xế Nghĩa lái tới trung tâm. Cũng sáng nay, thời tiết trở, mặt trời không xuất đầu lộ diện, suốt ngày không nắng, suốt ngày không mưa, vạn vật đất trời toàn vùng bao phủ một màu xám xịt, gió lạnh từng cơn, ai nấy đều khoác lên người chiếc áo ngự hàn, trời bắt đầu tháng tư sao như mùa đông. Ngồi yên trên ghế, tôi chạnh nghĩ tới tuổi già, tới bệnh tật và tự động tới cái chết tất yếu. Tôi liếc nhìn người tài xế Việt Nam, lạnh lùng vô tư như người không suy nghĩ chỉ biết máy móc lái xe vì bổn phận. Thời tiết đã thật sự đi vào mùa xuân mà sao như vẫn còn mùa đông.
Lúc đi vô trung tâm Quantum, ngồi nhấm nháp ly cà phê lạt tựa nước vối( chưa bao giờ tôi được uống một bát nước vối miền quê trung châu Bắc Việt thời kỳ còn xôi đậu chiến tranh), tôi thấy ông Sức đủng đỉnh thong thả chống cây gậy đi vô bàn ngồi. Tôi khẽ chào ông bạn cao niên. Ông Sức đừng lại,nói một câu gây sự chú ý:
- Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng quyết định đệ nạp đơn xin từ chức rồi.
Tôi hỏi lại, cốt để thêm nhiều chi tiết hơn:
- Nguyễn tấn Dũng quyết định xin từ chức? Anh nghe đài nào nói vậy?
- - Nghe đài RFA, đài Á Châu Tự Do. Ông Dũng nói thiên hạ dư luận ngày càng chống đối ông càng nhiều, nhất là vụ Trung quốc đưa công nhân mỗi lúc một nhiều, đặc biệt là vụ tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, khiến ông Dũng không thể làm việc được.
Tôi vốn bán tín bán nghi không biết hư thực đúng sai thế nào đành im lặng, bụng bảo dạ: sớm muộn trước sau gì rồi cũng biết ông Dũng có thực sự từ chức hay không và như thế, phải đợi đến chiều, sau khi đài TNT chấm dứt chương trình (Radio Mẹ Hằng Cứu Giúp ) thời lượng sáu mươi phút, lúc đó mới biết tin tức chính xác. Bản tin đài RFA tức đài Á Châu tự do tuyệt nhiên không đả động gì đến ông Dũng từ chức cả, thế là thế nào, thả quả bóng thăm dò, hậu quả của dư luận bàn tán xôn xao về khai thác thăm dò quặng bauxit? Thật tình, tôi không mấy quan tâm những chuyện ( ruồi bu ) này, viện dẫn lý do bauxít quặng nhôm không khai thác đủ nguồn lợi kinh tế và nhất là khi khai thác quặng nhôm môi trường bị ô nhiễm môi sinh rất nặng, đó là những ý kiến của các chuyên gia, của các nhà khoa học. Hàng vạn công nhân Trung quốc thất nghiệp từ lâu nay đổ xô về miền Ðắc Nông Ðắc Lắc Tây nguyên hăng hái tham gia lao động quặng mỏ bô xít, ăn dầm nằm dề tại đó. Tiền lương công nhân ngày trước bên Tàu thì rẻ mạt, coi như cho, nay công nhân nước Tàu thì tiền lương... chưa rõ, nhưng chắc chắn đồng lương công nhật vốn đã được qui định sẵn từ trước rồi. Nhà nước và chính quyền Trung quốc lúc nào cũng lo nghĩ tới nhân dân tạo công ăn việc làm ổn định đời sống.
Sáng nay, sau khi điểm tâm uống thuốc hằng ngày, tôi tập tễnh ra ngoài sân tập đi bộ. Sân là một diện tích khá rộng, tráng xi măng, dùng để xe cộ ngoài sân tới lui qua lại. Ði bộ nhờ một cây gậy bốn chân, tôi chưa đủ trình độ khả năng đi bộ bằng cách chống gậy một chân: dù sao đi bộ chống gậy bốn chân an toàn bảo đảm hơn vì không phải ngã. Mỗi lần đi bộ, đầu óc tôi tập trung suy nghĩ, chú ý từng bước đi không dám lơ đễnh sơ xuất, rủi ro chểnh mảng nếu không ngã, bước đi của tôi sẽ vì thế mà chập choạng. Thì đã bảo: cẩn, tắc vô ưu mà lỵ.
Những lúc đi bộ mỏi chân tôi ngồi nghỉ trên bục thềm xi măng trên hiên nhà ngoài bên cạnh ba chiếc tam cấp từ dưới bước lên. Ngồi đặt mông lên bục xi măng, tôi thả đầu óc tâm tư suy nghĩ miên man. Trời đã đi vào thực sự tiết xuân, nắng gió chan hòa. Trên hàng dây điện chạy song song, một con chim cu cất tiếng gáy ( cúc cù cu ) nghe đơn độc, chẳng nghe tiếng bạn gọi đáp lại. Bây giờ là mùa của tình yêu, mùa yêu đương mùa làm tổ đẻ trứng, mỗi năm một lần, bầy chim nhỏ một khi biết bay sẽ tung lên giữa bầu trời cao rộng để rồi bầy chim nhỏ ấy lại réo gọi tình yêu, làm tổ và đẻ trứng tiếp nối kiếp chim trời, không biết bầy chim nhỏ nhoi trẻ trung ấy đủ năng lực sức sống hầu tiếp tục thiên chức thiêng liêng bảo tồn và phát huy giòng giống.
Tôi nhớ cách nay dễ đã bốn mươi năm, sau năm 75, lúc tôi còn dạy học tại một ngôi trường phổ thông trung học cấp ba, vào dịp nghỉ hè, thời khắc rảnh rang thong thả. Nguyễn Chuyên là đồng sự, cùng đi dạy, môn Sử. Một hôm, Chuyên rủ cùng tôi đi đánh lưới cá tại con sông nhỏ Cầu Dứa, dòng sông nhỏ ấy trôi qua xã Vĩnh Xuân, nhập vào sông Cái rồi chảy thẳng ra biển. Sông Cầu Dứa là sông cá nước ngọt, tôi nghĩ giăng lưới cá tại sông này chắc không có cá, nhưng vì ham vui, nhất là vì rời xa thị trấn thành phố Nha Trang gió biển này để hưởng cái thú lánh xa phồn hoa đô hội, thế cũng vui rồi.
Hai chúng tôi cùng cỡi hai xe gắn máy chạy vượt qua con lộ Mả Vòng, chạy thẳng lên Chợ Mới. Lúc gần tới Cầu Dứa bên cạnh dòng sông, chúng tôi dừng xe, tắt máy.Không thể đem cả hai xe gắn máy tới sát bờ sông giăng lưới bắt cá, chúng tôi đành để hai xe bên cạnh lề đường, hai tay ôm lỉnh kỉnh một mảng lưới tai một vượt qua hai con lạch cạn nước. Hai chúng tôi lội xuống sông sâu tận ngực, ánh nắng mặt trời lấp lánh phản chiếu những tia phản xạ khiến chúng tôi nheo mắt. Nhìn quanh, từ trong nhà đến ngoài đồng vắng hoe không thấy một ai, tôi nghĩ giờ này mọi người đều đã làm đồng. Chúng tôi thong thả giăng lưới mà tịnh không nghe một tiếng động, một tiếng cá bâng quơ đớp mồi, ngoại trừ tiếng động cơ xe máy nổ ngoài con lộ. Thả lưới xong, hai chúng tôi rủ nhau lội vào bờ. Thấy một bóng râm bên cạnh lũy tre, chúng tôi đặt lưng nằm nghỉ, hai tay đặt bên dưới ót, thả hồn mơ mộng vu vơ, lắng tai nghe tiếng chim cu rúc gù nhau du dương tình tự, tiếng chim chào mào chóp quạch ríu ra ríu rít tán tỉnh yêu nhau, trời đất thanh bình êm ả, nghe như không có chẳng biết binh đao khói lửa bao giờ. Tiếng xe ngựa gõ lọc cọc trên con đường nhựa báo cùng bàng quan biết thời kỳ hoàng kim ngựa xe như nước nay không còn thuộc hiện tại nữa.
Những khi đi bộ mệt, tôi đặt mông ngồi nghỉ trên bục xi măng, ngang tầm mắt cùng chỗ ngồi. Một người đàn bà ra mở nước tưới cỏ, tia nước văng tung tóe, định thần nhìn kỹ hóa ra hình ảnh của một cầu vồng đủ bảy màu tuy không rõ màu sắc nhưng tôi biết có học Quang học vào năm xa xưa lớp đệ nhị: đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím. Ngày trước mỗi khi trời mưa, tia nắng mặt trời chênh chếch chiếu vô màn mưa cũng tạo cảnh sắc như thế.
Ngửng mặt nhìn lên, tôi thấy vợ chồng đôi chim cu đang lướt cánh về một hướng trời nào đó không thể phân định được vị trí, phút chốc đà mất hút. Lạ một điều mùa xuân không thấy bóng chim én dù chỉ một:
( Mùa xuân chim én chẳng đưa thoi;
Chín chục thiều quang quá sáu mươi.
Thời tiết năm nay đào nở muộn,
Thanh Minh Tảo Mộ ở quê người.)

Ði bộ là đi bộ. Theo định nghĩa, đi bộ là tay phải cầm chiếc gậy bốn chấu bịt đầu cao su một cách vững vàng, xong xuôi đâu đó đoạn đứng dậy, cất một bước ngắn bằng chân trái( chân trái của tôi bị liệt vì bị tai biến mạch máu não); khi chân trái đã tương đối vững, cất một bước ngắn bằng chân phải. Nếu sự việc ổn định không có sự cố gì, đi bộ sẽ tiếp tục. Nếu đi bộ gặp phải triền dốc xuống, đi bộ gặp khó khăn. Nếu đi bộ gặp phải triền dốc đi lên, tất nhiên đi bộ cũng sẽ phải gặp khó. Thần trí đầu óc lúc nào cũng tập trung không thể lơ là chểnh mảng, bởi rủi toàn bộ thân người không may té ngã, không biết hậu quả sẽ ra sao.
Ði bộ là đi bộ. Tại phòng vật lý trị liệu dành riêng cho bệnh nhân tại trung tâm Quanum, tôi thường đi bộ. Phòng tập có một bục, cao độ 5 tấc tây bằng gỗ. Mỗi bục có ba bục gỗ nhỏ hơn, chiều cao độ 1 tấc tây. Bên ngoài bục gỗ có những thanh gỗ lớn độ một cườm tay, được đóng chặt. Mỗi khi cất bước tập đi, việc đầu tiên của tôi là nhấc bàn chân trái( bàn chân tôi bị liệt bởi bị tai biến tôi đã nói rồi) đặt trên bục gỗ ngay ngắn, tay phải của tôi giữ chặt lấy thanh gỗ. Khi cảm thấy cả chân trái lẫn tay phải ổn rồi, tôi nhấc bàn chân phải bước lên một bước khá cao, không phải bước lên bục gỗ tôi đã đặt bàn chân trái đâu à nghe, lên bục thứ hai bục gỗ, nên nhớ tay phải vẫn luôn luôn nắm chặt thanh gỗ không dám sơ hốt, nếu có bề gì thì... té, chỉ có vậy thôi. Vấn đề là làm sao giữ được thăng bằng cho cả hai bên chân trái và chân phải.
Trong tư thế không thể quay ngược một vòng 180 độ, tôi đành phải xoay từ từ, từ phải sang trái, tay phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Thấy có thể từ từ bước xuống, luôn luôn chân trái, tôi từ từ chầm chậm đặt chân trái lên bục gỗ thứ hai( tay phải luôn luôn nắm chặt thanh gỗ); sau khi sự việc bình thường, tôi đặt chân phải xuống bục gỗ thứ nhất, không phải đặt chân xuống bục gỗ thứ hai nữa. Cứ như thế, tôi đặt chân trái xuống thảm và tôi đặt chân xuống thảm, tôi làm sự việc này không quá khó đối với kẻ tàn phế như tôi, tôi đã hoàn tất làm xong công việc thứ nhất. Công việc này phải có một nữ trợ tá giúp đỡ, bà đó là người Philippine tên Zennie. Bà này năng động, sốt sắng thường xuyên giúp đỡ. Cứ như thế, tôi phải hoàn tất cho xong mười lăm vòng mới được xem là (good jobs!( Mười lăm vòng, tôi nghĩ đâu phải chuyện dễ. Tôi biết tôi biết rõ tôi thấy mệt.
Ngồi nghỉ một lát, tôi phải chống gậy bốn chân đi về bàn cũ ngồi, không quên nhờ cô nữ y tá Mariasa đo huyết áp. Huyết áp bình thường của tôi là từ 120 tới 140. Cô y tá cho biết đối với người già, huyết áp từ 130 tới 140, 150 là chuyện bình thường. Ấy vậy mà mỗi buổi sáng trước 7 giờ tôi lúc nào cũng phải ăn một chén oatmeal ( cháo ngô), lạt, không đường, không muối, riết rồi tôi quen, cho tới hôm nay dễ đã 5 năm.
Ði bộ là đi bộ. Ði bộ không phải là đi chơi, đi bách bộ tham quan ngoạn cảnh. Những người già thường xuyên sáng nào cũng đi bộ tập thể dục, cốt để giảm huyết áp, giảm cholesterol chất đường trong máu và đây mới là điều quan trọng: đi bộ để giảm chất đường trong nước tiểu, nôm na là trị bệnh tiểu đường.
Hai đứa chúng tôi nằm yên trên bãi cỏ xanh im lặng, chiếc mũ vải nằm úp trên khuôn mặt, tôi nghĩ có lẽ hai mắt của chúng tôi đều nhắm, mặc cho gió thổi vi vu rì rào bên ngoài, chuyện đời như thoát khỏi vòng tay thế sự nhiễu nhương. Thời gian trôi qua đã khá lâu, hai chúng tôi bảo nhau đi bắt cá khi cá dính lưới. Rốt cục, hai đứa chúng tôi không bắt được một con nào. Trong lúc thu lại mảng lưới, tôi ví von bảo Chuyên:
- Nếu ngồi câu trên sông Vị, Khương Tử Nha có bao giờ gặp thời cơ mà câu được cá?
Học lịch sử văn chương lịch sử văn học, tôi chỉ nghe nói về điển về tích của Khương Tử Nha, tuyệt nhiên sử sách không ghi lại thành tích của việc câu cá: (Hiêu hiên nhiên điếu Vị canh Sằn).
Tôi nghĩ đi bộ, cũng là một cách, một phương pháp thiền, thiền hành, vừa đi bộ vừa thiền, vừa đi bộ vừa tư duy về giáo lý của Phật Pháp, về kinh Ruột, tức Bát Nhã Tâm kinh, vừa tư duy về kinh Thủ Lăng Nghiêm. Vừa đi bộ vừa đọc Tâm kinh Bát Nhã, tôi còn cố gắng đọc được; nhưng khi muốn đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm, tôi chịu, vì lời lẽ nội dung trong kinh tôi thấy quá khó, quá tối. Tôi thấy qua một số hình ảnh của tăng đoàn đang thiền hành trên một con đường có trải nhựa đường, tăng đoàn bước độ vài bước, tất cả đều dừng lại, chắp hai tay cúi xuống vái một vái, thì ra lúc này tôi phác hiện một hành vi mới: tam bộ nhất bái, ba bước, lạy một lạy.
Tôi tiếp tục ngồi bên trên bục xi măng quan sát cảnh vật: một con quạ đen đang đứng yên trên một trụ điện, hai mắt nhìn quanh, ý chừng tìm bạn. Nhưng người bạn tình hiện đang ở đâu đó, trong một bụi cây, trên một trụ điện và biết đâu đang dung dăng dung dẻ đong đưa cái đuôi dài tìm thức ăn. Quạ đen kêu khẽ một tiếng nhưng dường như chẳng động vật chúng sinh nào đoái hoài, con vật đen đành phải bay sà xuống bãi cỏ, nhón chân đậu, có lẽ con trống cũng đang tìm mồi thức ăn. Mùa này là đang mùa xuân, chim muông đang tưng bừng chan hòa sức song, tôi nhớ một đoạn thơ ngắn trữ tình của thi sĩ Ronsard:
(Cueillez, cueillez votre jeunesse.
Comme à cette fleur la vieillesse,
Fera ternir votre beauté.)
Ôn lại vài tác phẩm tôi đã sáng tác đã hoàn thành cách nay trên dưới đã mười năm, văn tản văn vần không thiếu. Nếu nhẩm tính, tác phẩm tôi viết xong xấp xỉ một vài trăm trang, có thể in thành một tác phẩm thứ ba, nhưng sau đó tôi đã cười buồn một mình: làm sao tôi có đủ khả năng kinh tế tài chánh cho ra đời như thế?Cho tới bây giờ tôi vẫn không nghĩ vẫn chưa mường tượng tên một tác phẩm. Nhưng sau đó tôi tự an ủi: viết gởi bạn bè, gởi những người thân đọc chơi được rồi, hiểu được ý nghĩa nội dung, tốt, tối nghĩa, cũng tốt. Không thiếu những tác phẩm, những đứa con tinh thần của tôi đã chau mày nặn óc sau khi đọc xong; nó muốn học đòi bắt chước tác phẩm dày trên bảy trăm trang viết bằng tiếng Pháp của người thầy quá vãng Cung Giũ Nguyên Le Boujoum. Ý chừng lúc còn sinh tiền, trong lúc sáng tác Thái Huyền tức Le Boujoum, tác giả hẳn đã mỉm cười thích thú một mình bởi chẳng có ai người nào hiểu được ý nghĩa của tác phẩm cuối cùng. Tôi thật tình một chút buồn lòng khi chép miệng: rồi đây, Thái Huyền sẽ đi vào quên lãng, mặc dù Thái Huyền là một chứng tích của lịch sử và của văn học.
Những thời còn học tiểu học, tôi có khuynh hướng yêu văn, thích văn. Lúc làm luận văn ngắn không quá một trang giấy học trò, những lúc trả bài cho học sinh, tôi thường được điểm cao điểm tốt. Ðiều ấy chẳng lấy gì khó hiểu. Sở dĩ tôi được bài luận có điểm tốt, tôi đã viết đúng mẹo luật, nói đúng là viết đúng văn phạm Quốc văn. Mà chính tôi cũng chẳng rõ nguồn cơn lý lẽ gì. Sau, tôi nghiệm ra rằng sở dĩ tôi viết đúng mẹo luật, đúng văn phạm quốc văn chính vì tôi đã học thuộc lòng nhồi nhét quá kỹ. Lúc còn rất nhỏ rất nhỏ tôi đã tập tò đọc được sách. Không biết phải làm gì cho qua ngày hết giờ, tôi phải lần mò lén lút tìm những sách những vở của anh chị tôi đã học những năm về trước ra... đọc, ra coi, riết rồi tôi thuộc lòng những bài học những trang anh chị tôi đã học. Như bài thơ không biết tác giả ( Ngọc thanh xuân ), như bài thơ của nhà thơ Huy Cận ( Hỡi chàng trai mười lăm tuổi vào trường ).Khổ một nỗi là ký ức tuy đã luống tuổi của tôi, nhưng bài thơ ( Ngọc thanh xuân ) khiến tôi vẫn nhớ rõ mồn một, tôi xin viết lại một vài đoạn:
( Thở khoan khoái hít cả trời vào ngực,
Lòng lâng lâng mở rộng hứng gió ngàn.
Miệng đầy ca theo điệu nhảy nghênh ngang,
Chân quá lỏng và sân trường quá hẹp.
Ôi sung sướng khi thầy khen chữ đẹp!
Ôi thần tiên được điểm tốt văn hay!
Cả trời thơ như thu lại một ngày,
Và vũ trụ là trăm nghìn yêu quý.
Và bàn ghế ghép bao lời ý nhị,
Lần đầu tiên tình bạn trổ hoa thơm,
Lần đầu tiên rạo rực cả tâm hồn,
Nhìn thế hệ, một tương lai xán lạn.
Làm sao sống luôn luôn trời quang đãng?
Ðời học sinh lấp loáng ngọc thanh xuân.)
Xin phép trở lại bài viết gọi là ( tùy bút ).Cuối năm học 1951-52, tôi lén mở ( Học bạ ) của tôi coi trộm, xem các ông thầy phê phán đánh giá trình độ học lực của tôi ra làm sao.Riêng môn Việt văn, giáo sư nhận xét:
( Nhà văn tương lai ).
Biết thì biết vậy, nghe thì nghe vậy, tôi để bụng không dám khoe khoang hó hé một ai, một mình mình biết, một mình mình hay. Nếu tôi lỡ đem ra khoe môn khiếu Văn cùng một nhóm bạn học cùng lớp, nếu ngày nay tôi không đủ trình độ tài năng để làm một...( nhà văn(, tôi chỉ có nước độn thổ trốn chui trốn nhủi cho đỡ ê mặt!
Nhưng vị giáo sư môn Việt văn đã phóng bút lỡ tay tán dương nức nở là vị giáo sư khả kính nào vậy? Tôi biết gia đình thầy hiện đang ở đường Phan Ðình Phùng, không không nhớ số nhà, chỉ biết nhà của thầy ở Xóm Cây Bàng; họ và tên thầy là Nguyễn Ðình Long, làm việc tại một Tòa án ở thành phố tỉnh. Bẵng một thời gian, mải lo học hành, tôi quên béng người thầy năm xưa, tuyệt nhiên không để lại một dấu tích gì. Ngẫm nghĩ cùng với một ít nhận xét của tuổi thơ non nớt, ngày trước thầy Long vốn có sẵn đầu óc thiên Cộng. Chỉ xin đan cử một bài học, một bài giảng văn ngày trước làm tiêu biểu. Bài giảng văn ấy là một đoạn thơ năm chữ, thuộc loại ngũ ngôn, bài chiều, tác giả là Tố Hữu; tôi xin đọc bài thơ ấy:
Chiều.
Lão ngồi bên cửa sổ
Trong nắng nhạt chiều thu,
Còng lưng đan chiếc rổ
Mai bán lấy vài xu.

Bàn tay khô lẩy bẩy
Kéo mũi lạt tre vàng
Theo điệu buồn run rẩy
Trên làn môi khô khan.

Cho tới khi chiều tắt,
Ðôi ngọn lá vàng rơi
Vô tình qua trước mắt,
Lão buông lạt trông trời.
Rất thành thực, rất hồn nhiên, một cách chủ quan tôi thấy bài thơ chiều ấy hay, hay và buồn, hay mà đơn sơ mộc mạc không cầu kỳ, tựa tâm hồn của một ông lão gần đất xa trời.
Sau 75, tôi cũng tấp tểnh học làm thơ qua ngày đoạn tháng, thơ đủ thể loại cũng như tôi viết văn xuôi nhiều thể loại khác nhau. Ngoài sáu mươi, giấc mơ (nhà văn tương lai( năm xưa của tôi hóa ra trở thành hiện thực. Không phải nhà văn nghiệp dư tài tử mà nhà văn chính hiệu. Mỗi khi có ai viết thư gửi cho tôi, người gửi thư đã gửi đi một cách nghiêm túc:
Kính gửi nhà văn... Và mỗi bận có vị nào muốn biếu tặng tôi một văn phẩm thi phẩm mới phát hành, vị ấy đã gửi mà không kém phần kính trọng:
Kính biếu nhà văn kiêm nhà thơ...
Có được bao nhiêu nhà văn nhà thơ Pháp từ xưa đến giờ?Vô số, nhiều không xuể, đếm không hết. Nhưng tôi nghĩ số nhà thơ Pháp nhiều nhan nhản, nhà văn Pháp từ thời thượng cổ, tôi chịu dốt, không biết. Tôi xin hỏi: con số nhà văn Việt Nam từ thời thượng cổ, thời trung cổ, thời hiện đại? Tôi chịu dốt, nhưng những nhà văn Việt Nam hiện đại ngày nay quả thực tôi có biết qua.
Nhà văn, văn sĩ, nhà thơ, thi sĩ giống khác nhau ra làm sao?Theo tôi hiểu, (nhà( chỉ một người có ảnh hưởng lớn khiến khách bàng quan sinh lòng kính nể khâm phục. ( Nhà Việt Nam(, (nhà thờ họ(, (nhà văn lớn(, (nhà triết học(, (nhà khoa học gia(trật sổ bộ đời!Vô hình chung, tôi được bạn bè thân hữu bà con chòm xóm gọi tôi là nhà văn lúc nào không biết; nhưng thói đời thiên hạ, gọi, kêu mà nín thinh, 99% có nghĩa bằng lòng. Nhìn quanh, ngó trước trông sau giáo dát, tôi thấy hầu hết cộng đồng người Việt hải ngoại lưu vong có sáng tác ít nhiều một đôi tác phẩm, đều mạnh dạn vui vẻ hồ hởi tự xưng là nhà văn, nhà thơ, là... nữ sĩ cả. Nhưng mỗi khi cộng đồng ngươi Việt hải ngoại đề cập gần xa tới ( nhà văn ), tác phẩm ( Rừng Phong, Thu Ðã... và  Ðứng Ngắm Phù Vân ), thật tình tôi hơi nhột và hơi ngượng bởi được thổi phồng.

Tôi ngồi ngó mông qua bên kia đường Ulric, đường chưa tới giờ tan sở nên bộ hành thưa thớt. Dãy trường mẫu giáo, trường tiểu học mái ngói san sát, các cửa chớp cửa sổ đều đóng im ỉm: thì ra nhà trường đang trong dịp nghỉ Spring Break, tức dịp nghỉ tiết xuân. Tôi nhớ lại bài thơ của... thi sĩ( không phải nhà thơ) Huy Cận gởi tặng em Triệu, bài thơ( Hỡi chàng trai mười lăm tuổi vào trường(, kết thúc một bài tùy bút kể lể dài dòng xa đề, (Hỡi chàng trai mười lăm tuổi vào trường ) đẹp như giấc mơ, êm như giấc mộng.
( Giờ náo nức của một thời trẻ dại,
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương,
Hỡi chàng trai mười lăm tuổi vào trường,
Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc.
Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học,
Buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên.
Trong sân trường tưởng dạo giữa Ðào viên,
Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ.
Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ,
Tim run run muôn tình cảm rụt rè,
Tuổi mười lăm xếp sách lại lắng nghe,
Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp.
Tựu trường đó, chúng tôi vừa bắt gặp
Nỗi xa xôi thầm lặng trong đáy rương
Của chàng trai mười lăm tuổi vào trường,
Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ.
Người bạn nhỏ! Cho lòng tôi theo ghé,
Không có gì có thể vuốt ve hơn.
Ðêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn,
Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát.
Chân non dại và tim run run, người học trò mới lớn tuổi mười lăm lần đầu tiên xin vào trường trọ học, lần đầu tiên nhìn những người học trò mới xin vô học như mắt nai ngơ ngác, ( chân non dại, tim run run ), chẳng khác chi lần đầu tiên tôi cắp sách bỡ ngỡ đến trường tại trường làng Mỹ Lý, quê hương của Thanh Tịnh. ( Mến tặng em Triệu ), em Triệu đây là Nguyễn tường Triệu, được nhà văn Nhất Linh Nguyễn tường Tam cho nhà văn Khái Hưng làm dưỡng tử vì lúc bấy giờ vợ chồng Khái Hưng hiếm muộn.
Bây giờ bước vào đầu tháng 4 năm 2009, ông thủ tướng nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lên tiếng từ chức cùng bộ Chính Trị. Từ bấy đến nay, ông thủ tướng im hơi lặng tiếng, lâu lâu cất một câu gọi là ( đùa dai ) cho đỡ nhạt, cho bớt buồn tẻ bởi có khi nào ông nở một nụ cười cùng nhân dân quần chúng, mặc dù vẫn biết bây giờ người Tây phương bảo tháng này là ( cá tháng Tư ).Học đòi nếp sống văn minh gần ba mươi lăm năm, vứt nón cối, dẹp dép râu từ khuya, không biết hay sao?/.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.