Mar 28, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Hai Bài Thơ "Quê Hương" Hai Tâm Hồn Khác Biệt
Châu Thạch * đăng lúc 09:48:53 PM, Jan 05, 2024 * Số lần xem: 1471
Hình ảnh
#1

Hai Bài Thơ "Quê Hương"

Hai Tâm Hồn Khác Biệt

                                                 Châu Thạch

 

đất nước bài thơ “Quê Hương” của  Giang Nam với những câu thơ mở đầu “Thuở còn nhỏ ngày hai buổi đến trường/ yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/”Ai bảo chăn trâu là khổ?”/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” cũng được một lớp người Thơ về quê hương thì nhiều lắm, không có nhà thơ nào không viết về quê hương. Tuy thế những bài thơ quê hương đi vào lòng người trở thành những bài thơ thuộc lòng thì rất ít. Trước 1945 có bài thơ “Quê Hương” của Tế Hanh với những câu mở đầu “làng tôi vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông/ Khi trời trong, nắng nhẹ, sớm mai hồng/ Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá” rất nổi tiếng, sống lâu trong nhiều thế hệ như bài văn xuôi “Tôi  Đi Học” của Thanh Tinh. Sau ngày thống nhất nhắc đến luôn. Vào khoảng năm 1986 bài thơ “Quê Hương”(Bài học đầu cho con) của Đỗ Trung Quân được yêu mến  cho đến nay, hình như chưa có bài thơ nào thay thế được.

 

Vừa qua, Châu Thạch lang thang trên mạng, tình cờ đọc được bài thơ “Quê Hương” của một tác giả mà mình chưa quen biết. Bài thơ mới vừa đăng trên một vài trang web, vì thế tất nhiên bài thơ ít người biết đến, cho nên nó có đi vào lòng người hay không, có sống lâu hay phải chết yểu là số phận của nó. Tuy nhiên đối với Châu Thạch, bài thơ gây một ấn tượng tốt, khiến Châu Thạch liên nghĩ đến sự so sánh nó với bài thơ “Quê Hương” của Đỗ Trung Quân. Đó là bài thơ có tựa đề “Quê Hương” của tác giả Nguyên Lạc.

Mời bạn đọc đọc trọn bài thơ của Đỗ Trung Quân và bài thơ của Nguyên Lạc đăng ở dưới, ta sẽ thấy được ngay hai bài thơ đều nói về Quê Hương nhừng có hai tâm tình khác biệt. Với Đỗ Trung Quân quê hương đáng nhớ vô cùng vì quê hương êm đềm biết mấy:

 

Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy hãy yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

 

Với Nguyên Lạc quê hương cũng đáng nhớ nhưng không phải là một nơi êm đềm. Quê hương là một nơi mà ta rơi lệ khi nhớ đến nó:

 

Quê hương có gì để nhớ

Mà sao nước mắt lưng tròng?

               

1.

Quê hương. chiếc đò nho nhỏ

Qua sông. kham khổ từng ngày

Thân me vai gầy. gánh khổ

Thương con. chịu nổi đắng cay

 

Chỉ mới đọc vế đầu của hai bài thơ, chắc chắn mỗi chúng ta đều thấy lòng mình biến động rồi. Quê hương của Đỗ Trung Quân là thứ quê hương diễn ra qua lăng kinh tâm lý khi tuổi còn thơ ngây chưa chạm trán với đời. Quê hương của Nguyên Lạc là thứ quê hương thực tế trong thời thơ ấu. Chùm khế ngọt và con đường rợp bướm vàng bay đẹp thật đấy nhưng chắc chắn hình ảnh nó không bao giờ khiến ta nhớ  bằng hình ảnh “Qua sông, kham khổ từng ngày/Thân mẹ vai gầy, gánh khô”. 

Ta hãy tiếp tục nhìn quê hương của Đỗ Trung Quân để thấy những bức tranh tuyệt đẹp vẽ ra trong trí tưởng tượng một nơi an lành, hạnh phúc biết bao:

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

 

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay tro
ng giấc ngủ đêm hè

 

Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Tiếng ếch râm ran bờ ruộng
Con nằm nghe giữa mưa đêm

 

Quê hương là bàn tay mẹ
Dịu dàng hái lá mồng tơi
Bát canh ngọt ngào tỏa khói
Sau chiều tan học mưa rơi

 

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

 

Quê hương của Đỗ Trung Quân hầu như không có một chút gian khó nào. Tuổi trẻ của nhà thơ trôi qua quá êm đềm cho nên quê hương trở thành một nơi lý tưởng với những ngày tháng quá thần tiên. Cái quê gương đó thật ra nó có thể trọn vẹn trong tâm hồn nhà thơ nhưng nó không hoàn toàn như thế trong tâm hồn một đứa trẻ nông thôn, vì một đứa trẻ sống ở nông thôn thì dầu là con nhà giàu vẫn có một vài trăn trở hay một vài kỷ niệm của kiếp nghèo nơi nó sống.

Bây giờ ta hãy nhìn những bức tranh quê hương mà Nguyên Lạc vẽ ra trong thơ mình:

 

Quê hương còn đầy thương nhớ

Ngoại nhai tóm tém trầu cay

Mẹ mày. thằng cháu mất dạy

Rong chơi lêu lỏng suốt ngày

 

Quê hương làm sao không nhớ?

Cầu tre lắt lẻo sáng mai

Đường vui. trống trường réo gọi

Cây cao. chim hót từng bầy

 

Chia nhau từng viên đạn nhỏ

Bịt mắt. kiếm  tìm. Ai đây?

Chia nhau nỗi lo thầy gọi

Nhói đau. thước khẽ bàn tay

Chia nhau trái me keo  ngọt (+)

Chia nhau từng tiếng cười đầy

 

Quê hương làm sao không nhớ?

Dòng sông tuổi trẻ mênh mang

Bần de. phóng đùng. nước mát

Lặn tìm. chân bắt. la vang

Bờ sông. chị khàn tiếng gọi

Vết roi cha đánh. tím bầm!

 

Nhìn bức tranh quê hương của Nguyên lạc hình như ta thấy nó không có gì mơ mộng nhưng nó lại rất gần với ta. Bức tranh hiển hiện lại cho ta những ngày nhảy nhót ở đồng quê. Tiếng chữi của bà, thước khẽ của thầy, vết roi của cha, những trái me chua, những viên kẹo chia nhau, có tiếng cười, có nước mắt cho ta sống lại hoàn toàn một thời huy hoàng của tâm hồn nhưng khó nhọc bởi đời sống tại nông thôn.

Với nhà thơ Đỗ Trung Quân, quê hương “là dòng sửa mẹ/ Thơm thơm giọt xuống bên nôi” để đứa trẻ lớn lên hoàn toàn không biết chiến tranh, không biết chia ly, không biết tan tóc, không biết con người bị bắt buộc phải nhận một quê hương thứ hai cho đời mình. Vì vậy nhà thơ đã nói “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi” và trách cứ những người không nhớ quê hương:

 

Quê hương mỗi người đều có
Vừa khi mở mắt chào đời
Quê hương là dòng sữa mẹ
Thơm thơm giọt xuống bên nôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
.

 

Bài thơ Đỗ Trung Quân kết lại ở đây. Phải nói những câu thơ kết của tác giả thật  là tuyệt vời, như một chân lý mà mọi người phải nhớ. Tuy nhiên có lẽ cuộc đời được ưu ái, kỷ niệm của nhà thơ đối với quê hương chỉ là những ngày tháng quá êm đềm, dòng sông ký ức trong tâm tư tác giả quá lặng lờ nên ông dừng mạch thơ rất sớm. Ngược lại Nguyên Lạc không phải thế, tác giả còn nói nhiều về quê hương với biết bao trăn trở, với biết bao gian lao khổ cực mà ông phải gánh chịu nơi quê hương:

 

Quê hương đỏ màu phượng vĩ

Hè sang. ve sầu khóc vang!

Tạ từ. lời ca ly biệt

Buồn trao lưu bút. lệ tràn!

Biết rồi mùa sau gặp lại?

Hay rồi đôi ngả ly tan!

 

Quê hương. buồn vui gác trọ

Thả hồn. giọng Khánh Ly khàn

Chia nhau. chút đầu thuốc vụn

Khói bay. theo khúc tình tan

 

Quê hương của Đỗ Trung Quân và của Nguyên Lạc ở những khổ thơ trên chỉ gói gọn ở nơi một làng quê hay một vùng quê nào đó. Qua những khổ thơ nầy, quê hương của Nguyên Lạc được mở rộng ra, không còn là làng quê và tuổi thơ nữa. Quê hương bây giờ là đất nước, nơi có chia biệt, có ly tan, nơi mà tác giả thật sự sống làm người. Thế nhưng chưa hết, quê hương còn là nơi mà tác giả nhận chịu khổ đau với bao nhiêu nghịch cảnh xảy ra cho đời mình:

 

Bao năm đời này vẫn nhớ

Xuân nao. thay đổi phận người!

Bể dâu. biệt ly. mong đợi!

Khổ đau thay thế nụ cười!

 

Bao năm chém tre đẵn gỗ

Bạn bè. chết không nắm mồ!

Mẹ già vượt đồi núi khổ

Thăm con. lệ cạn mắt khô!

 

Con ơi. vợ con Kiều đó

Bán thân. lo giúp cho chồng!

Chữ Trinh. thôi đành phụ bạc!

Đoạn trường. con biết hay không?!

 

4.

Bao năm đời này vẫn nhớ

Đêm thâu. xuôi mái theo dòng

Người đi. không lời từ biệt

Buồn ơi. tím biếc dòng sông!

 

Quê hương ta ơi. thôi nhé!

Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!

Rặng cây quê hương mờ bóng

Có còn gặp lại được không?

 

 Cuối cùng Nguyên Lạc khác với Đỗ Trung Quân. Đỗ Trung Quân khuyên phải nhớ quê hương vì quê hương có bao điều tốt đẹp,  Nguyễn Lạc muốn quên quê hương vì quê hương “Muộn phiền cay đắng mà thôi” nhưng rồi muốn quên mà không quên được, lại còn làm cho nỗi nhớ dâng cao:

 

Quê hương hoài mong thương nhớ

Cô thân. lưu lạc phuơng người

Chiều nay. nhớ dòng sông ấy

Lục bình hoa tím hoài trôi!

 

Quê hương ta ơi ...đừng nhớ!

Muộn phiền. cay đắng mà thôi!

 

Cố quên. sao lòng vẫn nhớ!

Quê hương nhớ lắm... người ơi!

 

                ***

 

Quê hương còn gì để nhớ?

Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!

 

Quê hương sẽ còn để nhớ?

Quê hương đáng nhớ không người?!

 

Đọc đoạn kết trong bài thơ “Quê Hương” của Nguyên Lạc ta có cảm tưởng hình như có câu trả lời cho hai câu thơ của Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành  người”. Câu trả lời ấy như sau: không ai không nhớ quê hương, bởi vì muốn quên mà quên không được. Khổ thơ cũng cho ta một suy luận: có lẽ người có thể quên quê hương, người có thể phá quê hương là những người đang ở trên quê hương. Bởi những người đi xa, không có quê hương nên mới nhớ, không thể không nhớ được. Họ cũng không cầm vận mệnh quê hương trong tay nên cũng không làm sao phá được bằng những người trực tiếp với quê hương.

 

Người viết đặt hai bài thơ bên nhau là một phương pháp “tá khách hình chủ” trong nghệ thuật viết. Mục đích đặt cái đẹp bên cái đẹp để mỗi nét đẹp khác nhau phô bày tường tận trước mắt người nhìn nó. Hai bài thơ “Quê Hương” của hai tác giả đối với người viết như hai bông hoa đồng loại  nở ra ở hai mùa khác nhau. Nhìn vào chi tiết của hoa ta thấy mỗi bông mang riêng một sắc thái của mùa mà nó tích tụ hương trời đất. Ai thích hoa nào tùy ý, nhưng hoa nào cũng là hoa cả! ./.

 

                                      Châu Thạch

 

****

 

Quê Hương

Thơ: Nguyên Lạc

 

"Ôi lịch sử những dòng đời cay nghiệt,

Những tự hào hoá giải với oan khiên".

 

(Trần Kiêm Đoàn)

...

 

Quê hương có gì để nhớ

Mà sao nước mắt lưng tròng?

                   ***

1.

Quê hương. chiếc đò nho nhỏ

Qua sông. kham khổ từng ngày

Thân me vai gầy. gánh khổ

Thương con. chịu nổi đắng cay

 

Quê hương còn đầy thương nhớ

Ngoại nhai tóm tém trầu cay

Mẹ mày. thằng cháu mất dạy

Rong chơi lêu lỏng suốt ngày

 

Quê hương làm sao không nhớ?

Cầu tre lắt lẻo sáng mai

Đường vui. trống trường réo gọi

Cây cao. chim hót từng bầy

 

Chia nhau từng viên đạn nhỏ

Bịt mắt. kiếm  tìm. Ai đây?

Chia nhau nỗi lo thầy gọi

Nhói đau. thước khẽ bàn tay

Chia nhau trái me keo  ngọt (+)

Chia nhau từng tiếng cười đầy

 

Quê hương làm sao không nhớ?

Dòng sông tuổi trẻ mênh mang

Bần de. phóng đùng. nước mát

Lặn tìm. chân bắt. la vang

Bờ sông. chị khàn tiếng gọi

Vết roi cha đánh. tím bầm!

 

2.

Quê hương đỏ màu phượng vĩ

Hè sang.   ve sầu khóc vang!

Tạ từ. lời ca ly biệt

Buồn trao lưu bút. lệ tràn!

Biết rồi mùa sau gặp lại?

Hay rồi đôi ngả ly tan!

 

Quê hương. buồn vui gác trọ

Thả hồn. giọng Khánh Ly khàn

Chia nhau. chút đầu thuốc vụn

Khói bay. theo khúc tình tan

 

3.

Bao năm đời này vẫn nhớ

Xuân nao. thay đổi phận người!

Bể dâu. biệt ly. mong đợi!

Khổ đau thay thế nụ cười!

 

 

Bao năm chém tre đẵn gỗ

Bạn bè. chết không nắm mồ!

Mẹ già vượt đồi núi khổ

Thăm con. lệ cạn mắt khô!

 

Con ơi. vợ con Kiều đó

Bán thân. lo giúp cho chồng!

Chữ Trinh. thôi đành phụ bạc!

Đoạn trường. con biết hay không?!

 

4.

Bao năm đời này vẫn nhớ

Đêm thâu. xuôi mái theo dòng

Người đi. không lời từ biệt

Buồn ơi. tím biếc dòng sông!

 

Quê hương ta ơi. thôi nhé!

Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!

Rặng cây quê hương mờ bóng

Có còn gặp lại được không?

 

5.

Quê hương hoài mong thương nhớ

Cô thân. lưu lạc phuơng người

Chiều nay. nhớ dòng sông ấy

Lục bình hoa tím hoài trôi!

 

Quê hương ta ơi ...đừng nhớ!

Muộn phiền. cay đắng mà thôi!

 

Cố quên. sao lòng vẫn nhớ!

Quê hương nhớ lắm... người ơi!

 

                ***

 

Quê hương còn gì để nhớ?

Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!

 

Quê hương sẽ còn để nhớ?

Quê hương đáng nhớ không người?!

 

Nguyên Lạc    

 

*

 

Bài Học Đầu Cho Con

 

Đỗ Trung Quân

 

Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy hãy yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

 

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

 

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

 

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

 

Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Tiếng ếch râm ran bờ ruộng
Con nằm nghe giữa mưa đêm

 

Quê hương là bàn tay mẹ
Dịu dàng hái lá mồng tơi
Bát canh ngọt ngào tỏa khói
Sau chiều tan học mưa rơi

 

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

 

Quê hương mỗi người đều có
Vừa khi mở mắt chào đời
Quê hương là dòng sữa mẹ
Thơm thơm giọt xuống bên nôi

 

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

 

Đỗ Trung Quân

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.