Tôi Về Em Bao La

 

Anh nhắc em Đồi Cù, em nói nay-còn-đâu!  Anh nhắc em Bích Câu, em ngước đầu chớp mắt…Anh nhắc hoài Đà Lạt, nhiều chuyện em thở dài.  Anh với em, không ai nói “ra ngoài” đất nước…Anh biết anh trở ngược một quá khứ mơ hồ.  Anh biết anh đi mô…cũng chỉ một con dốc áo dài em gió phất như cờ bay cờ bay…

 

Anh nắm em bàn tay ôi bàn tay năm ngón anh thương em ngàn năm anh thương em ngàn năm…(*).  Lời hát đó, âm thầm như tiếng tim anh đập, như em từng đứng khuất bên trụ đèn, nhớ không?  Vậy mà bao mùa Xuân!  Vậy mà bao mùa Hạ!  Chị đẹp đi tìm lá, Trời ạ lá-diêu-bông!  Ai biểu chị sang sông, lấy chồng năm mười bảy?

 

Đơn Dương thật hết thấy xe lửa chun đường hầm.  Đức Trọng bao nhiêu lần anh gọi tên Tùng Nghĩa không nghe ai đếm xỉa một địa danh “thân thương”!  Kìa, phi trường Liên Khương!  Kìa, ngôi trường An Hiệp, gặp ai hồi tiền kiếp…bao giớ mới kiếp sau?  Tôi đứng bên cội đào, Ba trồng cho Mạ ngắm.  Những mùa Xuân hồng thắm, những mùa Xuân xa xăm… 

 

Bàn tay em năm ngón anh thương em ngàn năm bàn tay em anh hôn…hỡi ơi trời sương tuyết! Lẽ nào non nước Việt, tôi về em…bao la? 

 

Trần Vấn Lệ 

 

(*) Bàn tay em năm ngón tôi thương em ngàn năm – lời một bái hát của Trịnh Công Sơn.

 

 


Đường Xa Mấy Cũng Thành Gần

 

 

Em nghiêng chiếc nón nghiêng chiều

Nghiêng con én liệng rồi nhiều cái nghiêng…

 

Cái gì tròn khuyết cũng duyên

Đóa hoa hé nụ có riêng nỗi niềm:

 

Là ai đó chỉ là em

Trăng kia sáng tỏ bên thềm một trăng!

Em nghiêng nón lá bâng khuâng 

Đường xa mấy cũng thành gần trong mơ!

Em ơi nhớ tự bao giờ?

Hôm qua nói nhớ, bây giờ nhớ hơn…

 

Liệu rồi lát nữa hoàng hôn

Không thấy khói tỏa, ai buồn hơn ai?

 

Trần Vấn Lệ