Oct 14, 2024

Ký sự

Quê tôi Ðại Lộc
Webmaster * đăng lúc 11:30:48 PM, Jan 05, 2024 * Số lần xem: 5501
Hình ảnh
Tằm
#1
Gỏi Cuốn
#2
Quê tôi Đại Lộc
09.06.2008 20:25

Thơm ngon bánh tráng và gỏi cuốn Đại Lộc, Quảng Nam

Có thể nói, địa phương nào của Việt Nam cũng có bánh tráng. Bình Định nổi tiếng với bánh tráng dừa, Bến Tre là bánh tráng sữa, Tây Ninh có bánh tráng phơi sương..., nhưng bánh tráng cuốn thì không đâu bằng Đại Lộc xứ Quảng.



Bánh tráng Đại Lộc đã có "thương hiệu" và chỗ đứng trên thị trường. Người Đại Lộc thường dùng bánh tráng để làm quà. Trước khi đưa bánh đi xa, phải dùng vật nặng ép bánh xẹp xuống, tiện mang vác. Cồng kềnh là thế, nhưng khi về quê, nhiều Việt kiều vẫn thường mua bánh tráng mang đi. Ngay như trong Hội chợ Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội 10 năm của Quảng Nam vừa rồi, bánh tráng Đại Lộc bày ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, người Quảng Nam tự dưng cảm thấy vui vui và dậy lên một niềm tự hào...

Điều đặc biệt của bánh tráng cuốn Đại Lộc là nếu biết cách nhúng nước thì các miếng bánh không dính vào nhau, nhưng khi ăn lại dẻo "dính răng". Về hình thức, chiếc bánh tròn vành vạnh, trắng mịn màng, đều ri rí. Sau khi xay bột, người thợ tráng bánh dùng một cái rây có lỗ nhỏ li ti, lượt qua một bận, loại bỏ vỏ trấu lấm tấm, để bột bánh trắng mịn. Khi tráng phải nhanh tay quây cho đều, chậm một tí sẽ chỗ dày chỗ mỏng. Chiếc bánh mỏng mảnh nên khi phơi phải nhẹ nhàng, kẻo bánh rách bươm.

Trước đây, ở Đại Lộc, hầu như nhà nào cũng có dụng cụ tráng bánh và có thể tự tráng được theo kiểu "tay ngang". Chỉ cần có chiếc cối xay, vài tấm liếp tre, một cái nồi to có bịt khung vải, những lúc nông nhàn có thể tráng bánh để ăn lai rai quanh năm. Bây giờ đồ nghề vẫn còn đấy, nhưng ít ai tự tráng bánh mà chỉ còn những thợ chuyên nghiệp. Tất nhiên trước khi trở thành thợ, những người này đã phải "hy sinh" mấy chục cân gạo để tập cho tay nhuần nhuyễn. Cối xay tay bây giờ được thay thế bằng máy. Thay vào những tấm liếp tre là cả mấy chục chiếc vỉ bằng lưới nhựa căng cứng.

Giáp Tết là thời gian làm bánh tráng cao điểm, đây cũng là dịp bánh tráng được tiêu thụ nhiều nhất. Tuy nhiên, trong những tháng này thời tiết lại không thuận lợi cho việc phơi bánh. Không lẽ cứ đứng nhìn trời mưa mà đành chịu một cái Tết vô vị vì thiếu bánh tráng? Bánh tráng phải phơi được nắng mới dẻo, gặp trời tù mù là bánh sượng sượng, dở không chi bằng. Vậy là người thợ nghĩ ngay đến chuyện làm lò sấy bánh. Bánh tráng sấy bằng than, bán đắt hơn bánh tráng phơi nắng một chút, nhưng khách hàng vẫn chuộng.

Bánh tráng Đại Lộc nổi tiếng và người Đại Lộc ăn bánh tráng cuốn cũng... có tiếng. Trước đây, bánh tráng cuốn thường chỉ có mặt vào những ngày giỗ chạp, lễ Tết. Bây giờ thì quanh năm suốt tháng, nhà nào cũng có bánh tráng để sẵn trong nhà. Ăn điểm tâm, ăn nửa buổi, ăn bữa chính. Ăn mọi lúc, mọi nơi. Khách đến, chiêu đãi bánh tráng cuốn; xa quê lâu ngày, khi về làm ngay bữa bánh tráng cho đỡ nhớ, đỡ thèm. Bánh tráng cuốn với cá hấp, chấm mắm cái thì có vạt rau muống trồng sẵn trong vườn nhà; cuốn với thịt heo lại có buồng chuối chát, luống xà lách, mấy cây rau thơm. Thậm chí nếu không có thịt cá thì bánh tráng cuốn chấm nước mắm vẫn ngon như thường!





Đại Lộc nằm ở phía Bắc của Quảng Nam. Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng. Phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang.

Đất đai ở Đại Lộc bao gồm các loại đất cát, đất phù sa, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng.

Sông Vu Gia chảy ngang qua huyện theo hướng Tây - Đông.

Kinh tế xã hội

Trước đây Đại Lộc là huyện thuần nông, nay cũng đã xuất hiện một vài cụm công nghiệp nhỏ tại các vùng địa hình cao (không bị ngập lụt), chủ yếu là các nhà máy xay xát đá phục vụ nhu cầu xây dựng, hay các xí nghiệp may mặc, chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu. Vì nơi đây có nguồn lao động phổ thông dồi dào. Người dân Đại Lộc đa phần sinh sống bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ vôi, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi. Nổi tiếng nhất huyện là Thôn Bàu Tròn - xã Đại An, nơi đây là vùng chuyên sản xuất các loại rau như các loại rau cải, đậu tây, đậu đũa(đậu que), bí đao, khổ qua, dưa leo (dưa chuột), đu đủ, dưa hấu... Cung ứng cho nhân dân trong vùng và TP.Đà Nẵng. Thôn Bàu Tròn là địa phận giáp ranh giữa xã Đại An và xã Đại Cường(ngăn cách bởi chiếc cầu Quảng Huế bắc qua sông Vu Gia thơ mộng). Món ăn đặc thù là Mỳ Quảng và Bánh tráng cuốn thịt heo luộc, Hoặc Bánh tráng cuốn cá nục Trụng. Đại lộc ngày nay nhìn chung thì nền kinh tế đang trên đà phát triển, người dân thuần nông cây lúa ngày nào, chuyển đổi con, cây trồng là nền tảng để phát triển kinh tế, bên cạnh của việc chuyển đổi này là việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật. Thông tin gì mới, đều góp cho chính quyền và nhân Đại Lộc áp dụng sản xuất có năng suất cao hơn trước. Cụ thể như một số thôn của xã Đại An làm cây rau, Đại Hòa làm cây chuối (chuối già hương), mô hình vườn ao chuồng. Cây chuối phát triển thì các con vật nuôi cũng phát triển, hiện nay thôn Lộc Bình là thôn có số hộ chuyên canh cây chuối 100%. Đại Lộc hiện còn tiềm ẩn một nghề tay trái của lúc lão nông nhàn rổi, đó là nghề trông hoa và cây cảnh, nguồn cây mai, Đại Hoà Cây Thế trồng lâu năm, thị trấn Ái Nghĩa cây trồng từ nhiều nguồn. Đây là nguồn kinh tế đang trên đà phát triển. Khu kinh tế ngày càng nở rộ, kinh tế thương mại, hàng quán bán đủ các loại từ hàng tiêu dùng cho đến ngành xây dựng, điện máy, điện tử, xe máy vvv. Trung tâm khu vực này là xã Đại Minh, gọi là ngã tư Đại Minh, đang phát triển. Trung tâm của Huyện là thị Trấn Ái Nghĩa thứ nhì là Khu Kinh tế Quãng Huế thuộc Đại Hoà và Đại An, đây là hai khu vực trung tâm của Đại Lộc, cửa ngõ của huyện cung cấp hàng hoá cho thành phố Đà Nẳng phát xuất từ Quãng Huế và Ái Nghĩa. Quãng Huế trung tâm của ngõ của nữa huyện Đại Lộc, cũng như Ái Nghĩa đồng hành phát triển kinh tế thương mại chủ yểu của Đại Lộc. Đại Lộc cùng đẩy mạnh du lịch sinh thái như Đại Hoà Chuẩn bị quần thể trung tâm văn hoá xã hội, khu thưởng ngoạn câu cá Bàu Thạch Bộ, Thôn Văn Hoá Bộ Bắc, Làng Văn Hoá Bộ Nam. Đại Đồng khu Sinh thái Suối Mơ, khách thích thắng cảnh thiên nhiên này, chắc chắn sẽ cho Đại Lộc Ngành du Lịch Cùng Quãng Nam hòa nhập thành quần thể Du lịch chung cho tỉnh.

Ẩm thực

Xôi ngọt, bánh tổ, bánh nổ, bánh ít lá gai, bánh rò, bánh nậm, bánh ú, bánh ú tro, bánh đúc, bánh bèo, bánh xèo,bánh đập, bún, mỳ quảng, .Bánh tráng cuốn cá nục trụng, hoặc bánh tráng cuốn thịt heo luộc.Trong những năm xưa, ăn uống còn tuỳ thuộc nền kinh tế kém phát triễn, món bắp rang còn là món khoái khẩu đối với những lão nông tri điền, món bắp rang ăn với rau muống cọng được gấp lại chấm với mắm cái cá nục,bắp rang búp không nổ càng ngon hơn bắp nổ,nhất là bắp nếp , không như bắp ngô lai ngày nay, xin nói thêm món cháo bột bắp,có thể ngọt hoặc lạc tuỳ lúc, nhất là cháo bột bắp đường , để nguội ăn rất ngon. Ngoài ra còn có những món, cháo bột bình tinh, cháo bột chuối nước, khoai lang trụng, xôi lạc...nếp làm cốm , (là những hạt nếp tươi vừa gặt ngoài đồng về là đưa lên rang ngay và chế biên thành món cốm , khôn cần rang thành cốm mà ăn trong cung đoạn bán thành phẩm rất ngon.



Con tằm Đại Lộc xe tơ...
Con tằm Đại Lộc xe tơ

Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông…

Câu ca xưa ghi dấu bóng hình thương yêu: cây dâu và con tằm Đại Lộc. Đó là nơi mà một nhà thơ từng mô tả: "Người ơi Giao Thủy đôi dòng nước/ Gặp gỡ nhau chi để ngại ngùng…". Giao Thủy, nơi gặp gỡ của dòng Thu Bồn và Vu Gia, là nôi tằm tơ của Đại Lộc.

Nhờ phù sa sông mẹ bồi đắp, những ruộng dâu ven sông trở nên bạt ngàn xanh ngút tầm mắt. Nghề trồng dâu, nuôi tằm từng phát đạt, từng có Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy vang danh một thời.

Thời ấy, mọi chuyện "phải không", mua sắm, ăn học... của nhiều gia đình ở Đại Lộc, chủ yếu dựa vào con tằm. Con tằm đem lại nguồn thu nhập chính, "Làm ruộng ba năm không bằng nuôi tằm một lứa".


Tuy nhiên, nuôi tằm cũng vất vả trăm bề "Làm ruộng ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng". Vất vả là bởi, tằm không thể nhịn đói được lâu mà phải ăn liên tục, cứ 3 - 4 giờ, bất kể ngày đêm, khuya sớm, phải cho tằm ăn một lần. Làm ruộng, trời mưa hay mệt mỏi có thể không ra đồng đôi bữa cũng chẳng sao, nhưng nuôi tằm phải đội mưa đội gió hái dâu. Chưa hết, dâu ướt phải nai lưng ra quạt (hồi ấy chưa có quạt máy như bây giờ), vì tằm ăn dâu ướt là sinh bệnh ngay.

Những năm cuối thập kỷ 80, đầu 90 của thế kỷ trước, trừ khi dâu mới trồng chưa có lá, còn thì nuôi tằm hầu như quanh năm. Lứa tằm này chưa chín đã bắt đầu "phen" lứa khác. Đại gia đình, từ trẻ đến già, đều tham gia vào công việc này như một dây chuyền công nghiệp: người hái dâu, người cho tằm ăn, người trông bủa tằm, bắt kén. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Nhiệm vụ của bọn trẻ con là bắt tằm chín cho lên bủa và giữ bủa, canh chừng ruồi bu, kiến đậu. Làm riết rồi đâm ghiền và… thương con tằm lúc nào chẳng biết.

Tằm là con vật sạch sẽ và hiền lành nhất thế gian, hễ dâu kém sạch một chút hay môi trường chung quanh mất vệ sinh là đổ bệnh. Mỗi ngày phải thay phân cho tằm một lần, nếu không tằm cũng không thể "sống chung với phân" - dù đó là phân của mình - quá một ngày được. Nó chẳng bao giờ gây hấn với bất cứ con vật nào. Nó sinh ra chỉ để làm kén, nhả tơ, lặng lẽ...

Nhờ nuôi tằm mà cha mẹ tôi và hàng nghìn gia đình khác cải thiện được kinh tế gia đình, có tiền cho con ăn học. Sau đó, vì chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cây dâu dần vắng bóng trên đồng ruộng. Số người nuôi tằm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy cũng giải thể. Để rồi, mỗi lần về ngang qua chỗ xí nghiệp đứng chân trước đây, không người dân nào của Đại An, Đại Hòa không nhớ đến tiếng thoi rộn rã một thời, và cảm thấy lòng bứt rứt như thiếu vắng điều gì. Những chiếc nong nuôi tằm trước kia nay nằm chỏng chơ.Đũi tằm cũng xếp xó.

Đồng đất Đại An, Đại Hòa trước kia nổi tiếng với những "bãi dâu lờ mờ bên sông", bây giờ cũng có tiếng với vùng rau chuyên canh; mỗi héc ta cho thu nhập trên dưới 50 triệu đồng. Mặc dù Nhà nước có chủ trương khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, ưu đãi cho những nông dân đi tiên phong trong việc này, nhưng người dân vẫn hờ hững, vì làm rau màu thu nhập cao hơn nhiều, lại ít tất bật hơn.

Hình ảnh cô thôn nữ nghiêng nghiêng vành nón lá, tay thoăn thoắt hái dâu, tay ươm tơ dệt lụa, đã thành dĩ vãng, có chăng chỉ còn trong những bài thơ, câu hát:
"Tay em hái lá dâu non
Tay em chăm nong tằm đỏ
Tay ươm tơ dệt lụa...".

Mặc tấm áo lụa tơ tằm mượt mát, hỏi mấy ai còn nhớ, con tằm đã phải rút ruột nhả tơ. Nhớ quá đi thôi tiếng rào rào của tằm ăn rỗi...
PHAN LÊ CHÂU NỮ




THƯ VỀ ĐẠI LỘC... nổi niềm của người lữ thứ

Cảm nhận về một bài thơ hay

Trong những tháng ngày phiêu bạt nổi trôi nơi đất khách quê người . Nổi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn bao giờ cũng canh cánh bên lòng của người lữ thứ tha hương . Nổi nhớ ấy càng dâng cao khi ta bắt gặp đâu đó trên nẽo đường xứ lạ hình bóng của quê hương như cây đa giếng nước con đò ... tên núi tên sông tên làng tên xã, một khuôn mặt gợi cho ta nhớ đến những hình bóng thân quên nơi cố quân. Và tôi cũng vậy mõi khi nhớ đến mãnh đất Đại lôc thân yêu của mình tôi lai lần tìm đến bài thơ " Thư Về Đại Lộc " của tác gia Hạ Đình Thao in trong tập thơ " Quảng Nam... chưa mưa đã thấm "

THƯ VỀ ĐẠI LỘC

Con ở phuơng xa nhớ về quê nội
Chắc mẹ buôn nhiều trong những đêm đông
Nghĩ đến tuổi già đời qua rất vội
Nghĩ đến thằng con lang bạt ruổi dong
**
***
Cũng muốn về thăm như từng mong đợi
Nhớ luỹ tre xanh, thương những con đường
Ngọt ngào à ơi ... khu nhà xóm núi
Nhịp chân vội vàn những sớm tinh sương
**
***
Nhưng về làm gì , ừ thôi - mẹ hiểu
Gần nữa đời con ,trên đường long đong
Gần nữa đời con ,chưa tròn manh chiếu
Như bây giờ ngôi chới với tay không
**
***
Con ngữa bàn tay tư bàn tương số
Đường đời thật dài , chắc sẽ sống lâu
Chắc sẽ qua mau , lẽ nao khổ mãi
Hạnh phúc đường này chắc sẽ đến mau
**
***
Con mong ngày vui trỡ về thật sớm
Để mẹ thôi buồn trong những đêm đông
Con vẫn hằng tin như ngày mới lớn
Nên còn miệt mài trên đường ruổi dong
Hạ Đinh Thao
Hoài Thanh tác giả nổi tiếng trong tập " Thi nhân Việt Nam " từng nói : "Thích một bài thơ hay thực chất là thích một con nguời đồng điệu " và " Một bài thơ hay là một cánh cữa đi sâu vào một tâm hồn " . Hay nói một cách khác muốn hiểu được thơ của nguời khác thì phải là tri âm của nhà thơ . Tôi không dám tự nhận mình là tri âm cảu nhà thơ . Tôi chỉ là một nguời con của Đại lộc xa quê và ôm trong mình một nổi nhớ khắc khoải về quê hương xứ sỡ . Trong suốt qua trình đi hoá giải cái nổi nhớ vô bờ đó tôi đã tìm và bắt gặp một tâm hồn đồng điệu . Đồng điệu với một thân phận , đồng điệu với nhưng vần thơ canh cánh của Hạ Đình Thao trong bài "Thư về Đại lộc "
Bài thơ đã đi vào lòng tôi như một sự đồng cảm ngọt ngào . Tôi đã thấy trong ấy dòng nước mắt nhớ quê nhớ mẹ của tác giả và cả những dòng nước mắt của tôi nhỏ xuống trang thơ khi nghi về quê hương
Một con người Đại lộc xa quê khi đọc dòng thơ của một xa quê như mình viết về quê mẹ thử hỏi làm sao không tìm thấy sự đồng điệu trong ấy
Cả một bài thơ dài tác giả không hề nhắc đến bất cứ câu nào về Đại lộc , ngoài trừ cái tiêu đề "Thư về Đại lộc " Bài thơ chỉ là một cánh thư của một đứa con trai trên bước đường lữ thứ gởi về cho mẹ hiền nơi quê hương . Nhưng nổi lòng và một lời tâm sự với mẹ về nổi niềm của một kẽ tha huơng , một thân phận long đong của một con người đang nổi trôi phiêu bạt . Đứa con nơi xa đang nhớ về mẹ muốm trỡ về với mẹ trong những đêm đông để mẹ không con ra ngõ ngóng trong người con ngoài sương gió .Nhưng than ôi bước đường nổi trôi vẫn còn dong ruổi trên những miền xa mù mịt , cũng muốn trỡ về thăm mẹ trong một ngày vui , nhưng xin mẹ thứ lổi đường công danh sự nghiệp của con vẫn còn quá mịt mờ. Còn chỉ có một gói tâm tình trong cánh thư nhỏ gởi về với mẹ....
Con ở phuơng xa nhơ về quê nội
Chắc mẹ buôn nhiều trong nhưng đêm đông
Nghĩ đến tuổi già đời qua rất vội
Nghĩ đến thăng con lang bạt ruổi dong
Cũng muốn về thăm như tưng mong đợi
Nhớ luỹ tre xanh thương những con đường
Ngot ngào à ơi ... khu nhà xóm núi
Nhịp chân vội vàn những sớm tinh sương...
Chỉ có bấy nhiêu thôi , nhưng nguời xưa nói thơ là " Ý tại ngôn ngoại " Nghĩa là ý ở ngoài những câu thơ . Cả một bài thơ tôi không thấy nhưng tên làng tên xã tên sông tên núi quê mình , nhưng tôi biêt Hạ Đình Thao đã gởi cả lòng mình trên trang thơ về Đại lộc thân yêu của tôi ... và tôi đã tìm thấy trong ấy hình bóng của quê mình
Bỡi nấp sau mõi câu chữ của anh tôi vẫn thấy đâu đó bên hiên vắng người mẹ già lưng còng tóc bạc đang dõi mắt trong con .Lấp lánh sau từng dòng thơ là hinh ảnh hai con sông Vu gia và Thu bồn đang uốn mình mang những dòng phù sa như sữa nmẹ bồi đắp cho làng quê yêu dấu . Hai con sông hẹn hò nhau về một nơi để hợp thành Giao Thuỷ truớc khi hoà mình vào Cữa Đại Cữa Hàn . Tôi thấy trong thơ anh có cánh đông lúa chín vàng trãi dài trên cánh đồng Đại hiệp thấp thoáng nhưng cánh cò trắng bay trong chiều nhạt nắng , xa xa là những ngọni đồi tím ngắt hoa mua hoa sim trên cánh núi Sơn Gà hùng vĩ . Tôi thấy những con đường làng " mõi sớm tinh sương " những giot suơng long lanh trên cành non lá biếc, nhưng con đường làng quanh co như một vòng tay xanh bao bọc làng quê yêu mến , núp dưới nhưng rặng tre ấy là mái đình làng rêu phong cổ kính do bàn tay điêu luyện của những thợ hồ Khánh Vân xây cất
Bài thơ đưa tôi về với Đại lộc những ngày xưa với một vùng quê dâu tằm vàng óng
" Con Tằm Đại lộc xe tơ
Bãi dâu Đại lộc lờ mờ bên sông "
Với trái loon boong ngọt liệm của Đại sơn , với cái mênh mông một vùng trời nước của buổi chiều Khe Tân khi hoàng hôn buông xuống . Tôi thấy cả cái xôn xao của những buổi chợ Ái nghĩa ,Phường Đông,Hà nha, Bên dầu , Quảng Huế trong nhưng ngày giáp Tết . Đâu đó trong mõi đoạn thơ hình như có tiếng hát Bài Chòi trong những đêm hội , có nhịp trống Đại Minh , tiếng đục đẽo vào trong từng hòn đá xanh của những nguời thợ Đại Chánh và có cả huơng vị thơm ngon đậm đà của tô mì Quảng ...
Tất cả những hình ảnh trên đã thôi thúc những tâm hồn tha hương lữ thứ hảy quay về với Đại lộc .
Hảy về đi dòng sông Thu vẫn còn đó trên cánh đồng làng vẫn còn nhưng cánh diều của tuổi thơ . Khe Lim Suối mơ vẫn róc rách tuôn nhưng dòng nước tưới xanh cho những cánh đồng bên chân núi và căn nhà xưa nơi tuổi thơ ta sống bên hiên nhà đầy lá rụng mẹ vẫn con ngồi , như ngay xưa mẹ thường nhắc nhỡ " bước lên thềm khoé té nghe con ! "
... Nhưng miếng cơm manh áo , bước công danh đường hoạn lộ , ngần ấy năm trời nơi đât khách con vẫn còn là kẽ trắng tay thì làm sao con về với mẹ !
Nhưng về làm gì , ừ thôi - mẹ hiểu
Gần nữa đời contển đường long đong
Gần nữa đời con chưa tròn manh chiếu
Như bây giờ ngôi chới với tay không
Dẩu vậy nhưng ta vẫn có niềm tin mãnh liệt về một cuộc đời hạnh phúc về một tuơng lai rạng rỡ vẫn con phia trước . Hình như lạc quan yêu đời tin tưởng vào cuộc sống là bản chất của mõi nguời Đại lộc !?
Con ngữa bàn tay tư bàn tương số
Đường đời thật dài chắc sẽ sống lâu
Chắc sẽ qua mau le nao khổ mãi
Hạnh phúc đường này chắc sẽ đến mau
Bỡi sâu thẳm của mõi linh hồn tha hương là quê hương yêu dấu đang thay đổi và lớn lên từng ngày mỡ rộng vòng tay che chỡ cho những trái tim muốn quay về .
Ừ con sẽ về thôi mẹ ạ con sẽ về để mẹ không còn chiều chiều dõi mắt về nơi xa ngóng " thắng con lang bạt ruổi dong ..."
Hởi những tâm hồn tha hương nơi đất khách . Nơi chốn xa làm gì có " Hòn Kẽm Đá Dừng " để:

Ngó lên hòn Kẽm Đá Dừng
Thuơng cha nhớ mẹ qua chừng lắm bậu ơi !

Bình Định 2004 Đại lộc 2006
Tiểu Vũ


ĐI HÁI BÒN BON

CUNG DIỄM

Sàng đầu lưu Bắc phiến
Giang thượng lạc Nam Trân

TÚ QUỲ

Nói đến bòn bon, lẽ ra phải nói rằng bòn bon thuộc họ nào và tên khoa học gọi là gì thì mới đúng bài bản nhưng lại nghĩ rằng đã có những nhà thực vật học làm cái việc ấy nên cái khoản mà mình không rành hay nói đúng hơn là không biết thì cứ "dựa cột" là chắc ăn.
Người Quảng Nam ít ai gọi là bòn bon mà đa số đều gọi là lòn bon, ngay trong câu hát ru em từ thế hệ này đến thế hệ khác cũng cứ:

À ơi lụt nguồn trôi trái Lòn bon
Cha thác mẹ còn nên chịu chữ mồ côi.

Cây bòn bon không phải riêng ở Quảng Nam mới có mà trong miền Nam cũng rải rác ở miệt Tây Ninh nhưng có điều trái bòn bon trong Nam nhỏ mà lại chua tuy không đến nỗi chua "lét" nhưng so với bòn bon Quảng Nam thì thua xa. Quảng Nam có hai nơi có loại quả này là vùng rừng thuộc huyện Đại Lộc và huyện Quế Sơn, tuy nhiên cây bòn bon ở Quế Sơn chỉ có một ít gần các nơi người Thượng ở như Làng Da và Làng Rô. Ở miệt này cứ đến mùa bòn bon là dân các làng như Dùi Chiêng, Bình Yên, Phú Gia cứ mang muối, rựa vào đổi bòn bon đem về ăn hoặc bán. Bòn bon ra trái từng chuỗi chứ không từng chùm như nho, khi chín có màu vàng nhạt như mỡ gà nom rất đẹp. Quả có từng múi, mỗi múi mang một hột bên trong. Hạt bòn bon rất đắng nên khi ăn ta chỉ nhấp nhấp để thưởng thức cái mùi vị thơm ngọt của bòn bon rồi nuốt luôn cả hột bởi vì không tách riêng được múi với hạt. Đặc biệt ở làng Dùi Chiêng có nhiều người đã đem cây bòn bon về trồng ở vườn nhà cùng với các loại cây ăn trái khác. Nổi tiếng nhất là vườn bòn bon của bà Bát Lợi, nhờ chăm sóc, cây xum xuê, cho nhiều quả và ngọt không kém mấy so với bòn bon rừng.

Nếu so với bòn bon Đại Lộc thì Quế Sơn chẳng thấm vào đâu Đại Lộc từ ngã sông Con đi lên có nhiều cây bòn bon mọc thành rừng và nổi tiếng ngon. Nếu Hưng Yên có nhãn ngon để "tiến" vua - gọi là nhãn tiến = thì quả Nam Trân của Quảng Nam cũng chẳng chịu nhường. Tương truyền rằng khi Đức Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn tức vua Gia Long khi còn chống với Tây Sơn đã có lần nhờ trái bòn bon của Đại Lộc để đỡ đói trên bước đường bôn tẩu. Các ông bà già lão còn nói rằng trong múi của trái bòn bon có một vết bấm đó là vết móng tay của vua khi xưa. Lúc còn bé, mỗi lần ăn bòn bon là tôi cố tìm cho được cái vết ấy để rồi vênh mặt lên kể cho mấy thằng bạn hàng xóm về cái "hiểu biết" của mình. Quả là... trẻ con.

Như đã nói trên, bòn bon Đại Lộc mọc thành rừng, dân chúng không được vào ra trừ dịp vào hái trái khi bòn bon đã chín. Để bảo vệ khi còn Pháp thuộc - huyện sở tại chọn một người tại địa phương làm chức Quản Viên để coi sóc. Mỗi năm khi đến mùa hái quả Quản Viên hái một ít mang trình quan huyện sở tại, huyện lại đưa về Tỉnh để xem xét việc làm này gọi là "chạy kiểu". Khi quan Tỉnh thấy bòn bon đã thu hoạch được thì thông sức cho địa phương chọn hái những loại ngon, ngọt, lớn trái đóng vào những giỏ lớn mang ra Huế dâng Vua. Xong việc này, huyện địa phương báo cho Quản Viên biết là thông sức cho xã biết ngày giờ nhập viên để hái quả. Khi được thông báo, dân chúng ai muốn đi hái thì chuẩn bị cơm ghe bè bạn, ngược sông Con để đến nơi ấn định mà Quản Viên đã cho biết. Sông Con là một nhánh sông nhỏ chảy xuống từ Thượng nguồn huyện Thượng Đức và gặp sông Thu Bồn ở Giao Thủy để cùng đổ ra cửa Đại Chiêm. Đã là sông Con nên càng về thượng nguồn càng hẹp dần. Tất cả những ghe thuyền đi hái bòn bon đều dừng lại ở thác Trưởng để đợi lệnh nhập viên, Thác Trưởng không chảy xiết lắm và có một loại cây mọc dưới nước gọi là Rì ngang qua sông từ bờ này đến bờ kia. Có nhiều đàn khỉ cứ nương theo cây rì để qua sông kiếm ăn, do đó dân địa phương mới gọi là Thác Trưởng, thậm chí còn gọi là thác ông Trưởng chỉ vì muốn tránh tiếng khỉ nên gọi né đi. Sở dĩ như thế vì giống họ nhà khỉ vốn liếng thoắng, tọc mạch phá phác nên dân quanh vùng không dám gọi đích danh. Khi không có người trong thuyền, họ hàng nhà khỉ rủ nhau vào lục lạo tử niêu cơm, trả cá, thức gì ăn được thì chúng giành giựt nhau chí chóe, cái gì không bỏ vào mồm được như con dao, cái rựa... chúng bèn quảng tung cả xuống sông. "Ông Trưởng". Té ra những loại chuyện phá hại nồi cơm chén mắm của dân chúng đều được dân chúng tôn bằng Ông cả. Ông Cọp, ông Voi, ông Trưởng, ông Tí, ông Sói...và còn rất nhiều "ông" khác nữa.


Những người đi hái bòn bon đều chuẩn bị gồng gánh và một cái "xà lắc" còn gọi là cái "gùi" mang sau lưng để đựng khi leo lên cây. Vào giờ Dần, khoảng từ 4 đến 6 giờ sáng, ngày đã định, Viên Quản Viên cho đánh một hồi lại ba dùi trống lớn, tan hồi trống, mọi người ùa nhau vào vườn đề mong vớ được những cây sai quả. Có điều không phải tất cả đều là cây bòn bon mà còn có các loại cây khác mọc chen vào. Vào cái giờ ấy, giờ Dần, trời chưa tờ mờ mà rừng cây lại rậm rạp thì cứ kể như là còn tối như om, nên mọi người sờ soạng và ôm đại một gốc để choáng phần rồi chờ sáng rõ mới trèo lên để hái. Vui nhất là những người chưa có kinh nghiệm cứ ôm khư khư một gốc cây đến khi sáng ra xem lại thì chẳng phải là cây bòn bon mà lại là một cây rừng khác. Người có kinh nghiệm khi ôm gốc cây lúc trời còn tối đều gặm vỏ cây nếm thử để xem có đúng là cây bòn bon hay không, nếu chẳng phải thì lập tức tìm một cây khác. Người dân Quảng Nam vốn ăn chắc mặc bền, tính bộc trực có răng nói rửa nhưng rất tất bụng, có điều khi tranh luận điều gì thì "phe ta" nhất định phải cho ra ngô ra khoai mới chịu. Quảng Nam hay cãi là thế. Những người không may vớ phải những cây không phải là bòn bon dĩ nhiên là không hái được để mang về thì được bà con chia cho mỗi người một ít nên không đến nỗi phải đi không về rồi.

Thế rồi tại các chợ như Ái Nghĩa, Quảng Huế, Phú Thuận, Phường Đông...đều có bòn bon do các người đi hái được mang về thì ban 1. Lại có người không đi hái được thì bỏ tiền mua sỉ để xuôi về Hội An trước là bán kiếm lời sau lại có dịp thưởng thức một vài tô Cao Lầu, Hoành Thánh, hai món nổi tiếng của Faifo hoặc ít ra cũng "làm" một bụng "mì ghe" - mì bán trên sông - để nghe giọng rao ngọt lịm của cô hàng: A...a...a...i...mì...hô...ô...ông. Đây là chuyện đi hái bòn bon vào những năm xưa dễ chừng non nửa thế kỷ, còn về sau này thì không còn như thế nữa. Thời cuộc thay đổi, rừng núi cũng đổi thay, lớp người trẻ nghe kể lại cứ há mồm, vểnh tai như nghe một Chuyện Cổ Tích. Hiện thời, bòn bon Đại Lộc vẫn còn nhưng không tú mậu như thuở xa xưa. Cây cằn cỗi, trái nhỏ đi, đến mùa quả chín, chính thuyền địa phương cho đấu thầu, ai đấu được thì vào rừng thu hoạch rồi lại mang đi Đà Nẵng, Vĩnh Điện, Hội An để bán kiếm lời và cũng kiếm một số bòn bon hoặc để cho bạn bè, biếu xén và cũng để cho con cháu ăn tóp tép... vui mồm.
ĐẠI LỘC NGÀY XƯA

Trần Đình Nhân

Đại Lộc ngày xưa tôi nhớ lắm. Vài lần đi củi, lên núi Ngọc Linh nhìn xuống thấy huyện Đại Lộc quê tôi đẹp như tranh, những mảng màu xanh bên những dải dài màu trắng lóng lánh chính là những thôn làng quê tôi đang bám lấy các dòng Vu gia, Thu bồn đó. Dòng Vu Gia lượn lờ quanh co, bắt nguồn từ xã Đại Sơn, băng qua hầu hết các xã trong huyện, để rồi chia tay ở Đại Hòa, Đại Hiệp trước khi chảy về với huyện Hòa Vang. Sông Thu Bồn như là ranh giới huyện về phía nam, bọc từ vùng núi Đại thạnh cho đến những bãi dâu Đại hòa.


“Tôi đi giữa một cánh đồng,
Ngóng sông bên nọ, ngóng sông bên này.”
Hai câu thơ này của ai đó (không biết tôi trích có đúng không?) hình như nói về hai dòng sông trên của quê tôi.
Quê tôi còn có sông Giao Thủy nữa, đó là dòng nối giữa sông Vu Gia và sông Thu Bồn, sông cạn lắm, mùa hè đã mấy lần tôi lội qua.
Người dân quê tôi mang ơn sông nhiều lắm. Nhờ sông mà những cánh đồng lúa quê tôi luôn được tưới mát, ba mùa lúa nước đã phần nào giúp quê tôi lo được cái ăn. Bây giờ người dân quê tôi không chỉ sống dựa vào dòng sông khi mà nhiều ngành nghề khác đã phát triển.

Ngày xưa Đại Lộc rộng lắm, đi cả ngày không hết. Mỗi lần huyện tổ chức mit-ting, dân các xã xa phải đi từ hôm trước. Tôi và nhiều bạn ở vùng B, vùng C đi học trường huyện cũng phải ở lại, cuối tuần mới về thăm nhà một lần. Nhiều bạn nhà không gần trường nhưng cố đi về trong ngày nên suốt ngày cứ đi trên đường, thời gian đi có khi bằng thời gian học, đúng là đi-học. Bây giờ Đại Lộc như nhỏ lại, có lẽ bởi chúng tôi hầu như ai cũng có xe máy, đi lại thăm nhau dễ dàng, nếu không đến với nhau thì chỉ do thiếu tấm lòng mà thôi.


Đại lộc ngày xưa nghèo lắm. Tôi nghèo, bạn tôi nghèo, mọi người nghèo, cũng may nhờ nghèo đều như thế nên không ai thấy mình nghèo. Những năm quê tôi còn làm theo cơ chế HTX nông nghiệp, năng suất lúa quá thấp do đồng ruộng không được xã viên chăm sóc, chúng tôi thậm chí không đủ gạo để ăn. Những ngày đi học và ở trọ lại thị trấn Ái nghĩa, buổi tối chúng tôi thường đi dạo ngang qua quán chè Cây Dừa (hình như tên như thế và sau này nghe nói là của gia đình bạn An học cùng trường) nhưng chúng tôi không bao giờ dám vào, vì chúng tôi thậm chí không đủ gạo 60 lon một tháng để nộp cho chủ nhà trọ. Sau này dân được khoán ruộng để canh tác nên đời sống có khá hơn. Chúng tôi không có nhiều áo quần mặc đến trường như bọn trẻ bây giờ, nhờ thế nên giờ khi nhớ đến bạn bè ngày đó vẫn có thể nhớ cả cái áo cái quần mà bạn mình hay mặc. Nhà đứa nào khá giả thì có chiếc xe đạp để đi học, còn không thì cuốc bộ với đôi dép lốp. Tôi may mắn có chị làm thương nghiệp (hồi đó làm ngành này oai lắm) nên được chị cho chiếc xe đạp. Bây giờ mọi người ai cũng khá hơn, gặp nhau là nhậu, quí nhau là phải nhậu hết mình với nhau. Chúng tôi ngồi nhắc lại những năm tháng thiếu thốn ngày xưa, nâng niu quá khứ khổ cực và tự hào bởi mình có được những kỷ niệm đẹp như thế (có khi còn thấy mình may mắn hơn lớp trẻ bây giờ vì được cực nhiều hơn)!

Ngày xưa Đại lộc không có nhiều người được đi học đến nơi đến chốn. Mỗi xã chỉ có vài đứa may mắn được cha mẹ cho đi học tiếp cấp 3. Bạn tôi hàng trăm đứa ở xã Đại minh phải bỏ học ở cấp 2, ở nhà làm ruộng hoặc đi học nghề. Lên cấp 3 chúng tôi không có nhiều thời gian cho việc học, đến mùa gặt có khi cả tuần chúng tôi nghỉ để cùng làm với gia đình. Chúng tôi chỉ có vài cuốn sách sách giáo khoa, chúng tôi không biết đến sách bài tập toán là gì vì ngay cả các bài toán trong sách bài học chúng tôi còn không làm hết. Bây giờ con cái chúng tôi sướng hơn khi chúng được học cả ngày lẫn đêm, học trong giờ, học ngoài giờ, học cả ngày nghỉ, sách vở nhiều đến oằn cả vai (không biết có sướng thật không)!

Những “đốc-tờ” ở Đại Lộc

28-03-2008 23:08:57 GMT +7


Bác sĩ chuyên khoa I Lê Tấn Dũng (trái) tại phòng khám Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam
Nghề “đốc-tờ” hiện nay với người dân Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam không còn là chuyện trong mơ - Bệnh viện có 50 bác sĩ (8 thạc sĩ y khoa, 21 bác sĩ chuyên khoa I) thì 47 bác sĩ là con dân Đại Lộc

Đại Lộc quê tôi chưa ai gọi là vùng đất học, dù Quảng Nam luôn tự hào là xứ “Ngũ phụng tề phi”. Họ Hồ ở làng Phú Mỹ (Đại Minh, Đại Lộc) được Quốc triều Hương khoa lục ghi “Cha con, chú cháu cùng đỗ” đã là oai ngất trời, nhưng đếm tới đếm lui cũng chưa đầy một bàn tay. Chuyện kể rằng, sinh thời, cụ Hồ Ngận, cử nhân cuối cùng của khoa thi chữ Hán có người con vào học ban A ở Trường Quốc học - Huế. Cụ rất tự hào con mình đang học ban... “đốc-tờ”, nhưng anh này thành đạt với nghề luật sư! Điều đó cho thấy nghề “đốc-tờ” là mong ước của nhiều bậc cha mẹ - nhưng là những bậc cha mẹ khá giả, chứ còn những nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì ai lãng mạn lắm cũng chỉ có trong giấc mơ đẹp.

Chuyện như trong mơ!

Thầy thuốc ưu tú - thạc sĩ y khoa Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, kể cho tôi nghe nghề bác sĩ ở Đại Lộc chẳng khác nào chuyện mở đầu bằng những tiếng “ngày xửa ngày xưa”. Sau ngày 30-4-1975, huyện Đại Lộc không có bác sĩ nào, ngành y tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng điều về một bác sĩ để góp phần chăm lo sức khỏe cho dân. Đó là bác sĩ Cao Ngọc Trản. Người dân Đại Lộc nhìn bác sĩ Trản với cặp mắt ngưỡng mộ và không hề nghĩ, ngày nào đó đồng đất Đại Lộc sản sinh được vài ba bác sĩ để chăm lo sức khỏe cho dân mình, bởi người Đại Lộc có thời nào dư ăn, dư mặc đâu mà nói đến chuyện học, nhất là học để trở thành bác sĩ. “Bệnh viện hiện có 50 bác sĩ, trong đó có 8 thạc sĩ y khoa, 21 bác sĩ chuyên khoa (BSCK) I, đảm trách chăm sóc sức khỏe cho bà con 5 huyện miền núi: Đại Lộc, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Trong 50 bác sĩ ấy đã có 47 bác sĩ là con dân Đại Lộc. Anh thấy có giống chuyện cổ tích không?”- thầy thuốc ưu tú Tô Mười tự hào.

Phần lớn bác sĩ là con dân Đại Lộc làm việc ở đây, ngày giải phóng là lớp quàng khăn đỏ, còn lại được sinh sau ngày đất nước thống nhất. BSCK I Nguyễn Hoài Mảnh, chi đội trưởng măng non của hơn 30 năm trước, nói như tâm tình: “Lớp trẻ sau ngày giải phóng siêng học lắm. Họ gắng học để thay đổi cuộc đời dãi nắng dầm mưa bên luống cày mà cái nghèo, cái khổ cứ bám dai như đỉa đói”.

Lớn lên từ đồng đất quê nhà

Bác sĩ Lê Bốn là tấm gương hiếu học, vượt khó đáng trân trọng. Anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ngày giải phóng, Lê Bốn mới học lớp ba, anh chị chưa ai qua tuổi 20, phía sau còn 2 người em. Cuộc sống rất khó khăn, tưởng chừng sống không nổi nói gì đến chuyện học. Ngày ngày trên đường từ trường về, Lê Bốn để sách vở trên bờ, xuống ruộng cuốc đất, nhổ mạ, mò cỏ lúa cùng với anh chị. Bà con trong làng thương lắm nhưng họ cũng nghèo nên chẳng giúp được gì ngoài việc tranh thủ cuốc giúp lưng nửa lối đất, nhổ giúp cho mươi túm mạ, mò cỏ giúp cho một vài hàng lúa... Nghị lực và đồng đất quê nhà đưa anh vào giảng đường đại học, nay anh đã là BSCK I Tai - Mũi - Họng.

Ông Nguyễn Văn Ca (thương binh, xã Đại Đồng) ngày ngày trằn lưng ra ruộng nuôi 6 đứa con nhỏ ăn học. Nay, nhà ông có 4 bác sĩ (2 thạc sĩ y khoa, một BSCK I, một bác sĩ đang hành nghề tại Mỹ), 2 kỹ sư. Nói tới chuyện chịu khổ chịu khó học hành, bác sĩ Tô Mười cho biết năm rồi, anh em thích học thêm quá, bệnh viện cho 3 BSCK I dự tuyển BSCK II, ai ngờ đậu cả 3. Thế là phải động viên một bác sĩ lưu kết quả 1 năm. Như vậy khoảng 4-5 tháng nữa, Đại Lộc có 3 người theo học BSCK II. Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Mảnh - người chuẩn bị theo học BSCK II, đội ngũ thầy thuốc ở Đại Lộc không muốn chuyển tuyến bất cứ bệnh nhân nào vì “năng lực hạn chế”. Ngoài ra, một số bác sĩ quê Đại Lộc đang phục vụ nhiều nơi khác trong nước cũng như cho nhân loại tại nhiều nước tân tiến.

Ông Nguyễn Văn Ngũ, Bí thư Huyện ủy huyện Đại Lộc, tự hào: “Đây là thành tựu lớn nhất của Đại Lộc. Ngày nay, con dân Đại Lộc hành nghề bác sĩ ở khắp nơi và tụ lại 47 người thế là rất quý. Mong Nhà nước có chính sách thích hợp để bất cứ nơi nào trên đất nước này cũng chỉ có tụ mà không có tan”.

Thầy thuốc ưu tú - BSCK - Nguyễn Chín, Trưởng Phòng Y tế huyện Đại Lộc:

Thật đáng tự hào

Nghề “đốc-tờ” hiện nay với người dân Đại Lộc không còn là chuyện trong mơ. Trước năm 2001, tất cả các trạm y tế đều có bác sĩ. Khi tỉnh thành lập Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam thì phần lớn các bác sĩ được điều động về bệnh viện. Đại Lộc hiện có 14/18 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia y tế cơ sở. Tất cả các bác sĩ này đều là dân Đại Lộc. Thật đáng tự hào, bởi nghề bác sĩ không phải như bao nghề khác mà phải qua sự sàng lọc khá gắt gao cả “đầu vào”, lẫn “đầu ra”. Ở bất cứ quốc gia nào, muốn vào nghề bác sĩ phải là những học sinh rất giỏi trong số những học sinh giỏi...

Học bổng cho sinh viên đậu Y Khoa năm 2008
Thi sĩ Tân Văn từ Canada sẽ cấp 5 học bổng mỗi học bổng 1.000.000$ cho sinh viên từ Đại Lộc thi đậu vào trường đại học y khoa năm 2008,
xin liên lạc ngovantan@yahoo.com


Bài và ảnh: VU GIA







Giải cờ tướng Quảng Nam 2007: Nữ tướng Đại Lộc chiến thắng
16:11 09/03/2007


Nguyễn Tấn Lịch để vuột mất chức vô địch một cách đáng tiếc.

Giải cờ tướng Quảng Nam 2007 (tổ chức vào 2 ngày 27 và 28-2) quy tụ 74 kỳ thủ đến từ 9 huyện, thị xã, thành phố và 6 cơ quan, đơn vị đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của giải đối với những người chơi cờ trong toàn tỉnh.

Đáng chú ý là vài năm trở lại đây, đã xuất hiện một số gương mặt mới, tạo ra những bất ngờ thú vị tại giải, thậm chí đoạt chức vô địch. Năm 2006, kỳ thủ còn khá lạ đến từ Hội An là Phạm Thành Tâm đã qua mặt một số kỳ thủ đàn anh để bước lên ngôi cao nhất khi không thua ván nào. Vậy nên, mọi sự chú ý tại giải năm nay đều tập trung vào Tâm với hy vọng liệu chàng trai phố cổ này có lập lại được thành tích cũ? Cạnh đó, không thể không nhắc tới Nguyễn Tấn Lịch, kỳ thủ kỳ cựu của giải và là người đang nắm giữ nhiều chức vô địch nhất. Hơn nữa, 2 năm qua, Lịch đã không có được kết quả cao tại giải, thậm chí còn rơi xuống vị trí thứ 19 ở giải năm 2006. Thế nhưng, khi mà Phạm Thành Tâm thi đấu không thành công thì Tấn Lịch lại tràn đầy khả năng đem niềm vui cao nhất về cho Tam Kỳ. Tại ván đấu cuối cùng, chỉ cần có được kết quả hòa thì Nguyễn Tấn Lịch nghiễm nhiên bước lên bục vinh quang và thực tế tại ván đấu ấy, anh đã có được thế trận hơn hẳn đối thủ đến từ Đại Lộc là Phạm Văn Sơn. Thật bất ngờ, Tấn Lịch đã bại trận trước Sơn sau khi bước vào thi đấu tính giờ. Thất bại này cũng đồng nghĩa với việc anh không hoàn thành nhiệm vụ dù cho trước đó đã gần chạm tay vào chức vô địch, đành chấp nhận vị trí thứ nhì. Ngược lại, với trận thắng ngoạn mục này, Phạm Văn Sơn lần đầu tiên đoạt chức vô địch một cách xứng đáng với 6 điểm.



Hứa Kim Loan bảo vệ thành công chức vô địch nữ.

Nếu như đoàn Tam Kỳ tiếc rẻ khi Nguyễn Tấn Lịch để vuột mất chức vô địch thì việc kỳ thủ Lê Bá Đức của họ giành giải ba lại là một phần thưởng bất ngờ. Dù sau 5 trận đấu khá thành công trước các đối thủ nhẹ ký (4 thắng, 1 hòa), ít ai nghĩ rằng, Bá Đức sẽ có được một kết quả tốt trước đồng đội Nguyễn Tấn Lịch. Vậy nhưng, bất ngờ đã xảy ra, Đức đã chia điểm với Lịch để có được 5 điểm. Bước vào ván đấu cuối cùng trước một đối thủ rất khó chịu là Nguyễn Xuân Nhi và đi sau, một lần nữa anh lại thủ hòa. Ngoài nhà vô địch Phạm Thành Tâm thi đấu không thành công, giải năm nay còn chứng kiến sự thất bại của 2 kỳ thủ giành giải nhì và ba năm 2006 là Lê Đăng Vũ (Điện Bàn) và Nguyễn Quang Phương (Hội An). Chỉ có Nguyễn Ngọc Hùng (Tiên Phước) là thi đấu ổn định khi tiếp tục xếp vị trí thứ 4.

Ở nội dung nữ, khác với giải năm trước, sự căng thẳng và hấp dẫn đã diễn ra cho đến tận phút chót của ván cuối, nhất là chức vô địch. Dù yếu thế hoàn toàn trong ván đấu cuối cùng với Nguyễn Thị Bé (Tam Kỳ) nhưng với bản lĩnh cộng với sự may mắn, cô gái đến từ Đại Lộc Hứa Kim Loan đã bảo vệ thành công chức vô địch một cách xuất sắc bằng một chiến thắng đầy bất ngờ. Trong khi đó, sau một năm không thành công, Huỳnh Thị Giỏi (Tam Kỳ) đã trở lại với ngôi vị thứ nhì quen thuộc. Bất ngờ nhất ở nội dung này chính là Phan Thị Thanh Hiền, một đồng đội của Huỳnh Thị Giỏi. Không được đánh giá cao, nhưng Hiền lại khiến cho các đối thủ phải nể phục bằng một lối đánh khá tự tin và chắc chắn. Kết quả, cô gái trẻ này đã giành được giải ba một cách xứng đáng.

Với 6 giải cá nhân cao nhất được chia đều, 2 đoàn Tam Kỳ và Đại Lộc đã thể hiện được sức mạnh vượt trội của mình tại giải cờ tướng tỉnh Quảng Nam 2007. Huyện Tiên Phước hoàn toàn xứng đáng khi được trao giải ba toàn đoàn. Ngược lại, 2 đơn vị có truyền thống và được đánh giá cao là Hội An và Điện Bàn lại thất bại nặng nề trong mùa giải năm nay.

TRƯƠNG TƯỜNG VY

Truyện Ngắn: Phố Hoài 08.06.2008 21:41
Đại học Đà Nẵng, nơi mời ông về thỉnh giảng, khi biết ông muốn thăm phố cổ Hội An, đã cho xe đến đón nhưng ông từ chối. Ông muốn đi xe đò, hay nói đúng hơn thằng Dậu đòi đi xe đò...



Vẫn loại xe buýt cổ lỗ sĩ từ thuở thằng bé đi nhưng người thì ép nhau như mắm. Kẹp ông vào giữa là hai cha con. Ông bố tỉnh bơ hút thuốc phả khói vào không khí sặc mùi xăng. Còn con bé khoảng mười một mười hai trông rất tinh ranh. Nó quan sát ông rồi bảo:

- Việt kiều mà đi xe đò!

- Thế cháu hay đi xe đò không?

- Chủ nhật, lễ hội là gâu (1)

- Ngày xưa Phố êm đềm lắm không hội hè chi cả.

- Chừ tua-rua (2). Nhờ rứa kiếm chác được.

- Kiếm gì?

- Mơ-ni (3). Con bé phát ngôn như trộn món hổ lốn.

Thằng Dậu quay đầu nhìn ra ngoài. Hắn từng háo hức ra khỏi phố cổ đến một thành phố hiện đại và náo nhiệt. Bốn mươi năm sau, vẫn cái vẻ hăm hở không nguội lạnh ấy, ông lại mải mê nhìn những đụn rơm ngất nghểu, những nón sắn khoai phơi vô tư trên mặt đường, những con trâu đủng đỉnh bước không hề mang vẻ tất bật sợ hãi của con người... Băng qua con đường gập ghềnh còn nét thôn dã ấy, ông đi tìm lại thời gian đã mất.

*

Bỏ đôi thùng đã múc đầy nước cho mẹ gánh, thằng Dậu chạy một mạch đến trường Trần Quý Cáp. Chiều nay công bố kết quả thi tuyển vào lớp đệ nhất (4). Bài làm gần như trọn vẹn, hắn vẫn lo. Hỏng là ở nhà đi bán bánh ít lá gai.

Thủ khoa... Nguyễn Văn Dậu, sinh ngày 10-2-1945... Tai hắn lùng bùng. Tiếng xì xào vang lên. Thằng Dậu con bà gánh nước thuê đó! Đúng mình mà! Thằng bé chui ra khỏi đám đông, chạy một mạch về giếng Bá Lễ. Mẹ đang đặt gánh lên vai. Nước òa ra đất. Mẹ òa khóc.

Phần thưởng mẹ dành cho thủ khoa là một tờ mười đồng mới toanh, tờ bạc đầu tiên thằng bé sở hữu. Mẹ bảo ăn gì tùy thích. Hắn nắm chặt tờ bạc và ra phố. Hắn đi qua gánh lục tào xá, qua tiệm mì Quảng, cao lầu, qua mẹt xôi ngọt, rổ bánh ít lá gai của con bé gần chùa Cầu. Nước bọt tứa qua kẽ răng nhưng thằng bé cứ đi thẳng. Hắn đi ra bến xe.

- Cháu có mười đồng... cháu muốn ra ngó Đà Nẵng cho biết. Chú cho cháu đi với!

- Rứa mi có quay vô không?

- Có.

- Đi khứ hồi mà mười đồng thì bèo quá nhưng tau đang ế khách. Cho mi đi nhưng xuống bến cũng ngồi trên xe nghe chưa! Tau quay vô là mi hết về. Đưa tiền đây, quý ông!

Thằng bé nhìn thấy Đà Nẵng từ trên xe - một trời náo động! Hắn tự nhủ nhất định sẽ ra đấy học. Hắn sẽ bay đến những thành phố náo nhiệt và to hơn nữa, bay qua cơ cực đói nghèo bằng đôi cánh học vấn.

Vâng, ông đã bay rất xa! Để bất chợt chiều qua, khi khách sạn dọn tráng miệng bằng món bánh ít lá gai của Phố, con chim hải âu lại thèm làm con chim sẻ, chí chát đánh chuyền bằng âm thanh trên một mái cổ thấp lè tè, rêu phong cũ kỹ. Ông đã ăn lại món thèm thời thơ ấu trong nỗi cồn cào khó tả và bỗng nhớ những đốm sáng lập lòe trong nhà xe nơi mẹ ông cô đơn khát khao rít từng hơi thuốc Cẩm Lệ.

Phố không là quê nhưng là một mảng đời ông, một cuộc đời cứ như bị chặt khúc theo từng bước mưu sinh nhọc nhằn của mẹ. Cha bỏ mẹ. Mẹ bỏ làng với cái thai trong bụng. Quê hương chính là những nơi bao dung với kẻ phiêu bạt bất hạnh trong đó dịu dàng nhất vẫn là Phố! Đêm ấy ông ngồi vẽ nguệch ngoạc trên giấy khung trời tuổi nhỏ của mình. Hai dãy phố hẹp thân tình chập chùng mái ngói âm dương uốn lượn. Những ngôi nhà sâu hun hút, cũng như nếp nhà cổ cất giữ kỷ niệm ở phố Hoài. Ông vẽ con hẻm có cái giếng Chăm tuổi ngót nghìn năm cho nước ngọt ngào trong vắt. Hồi ấy gần như nhà nào cũng uống nước giếng Bá Lễ. Người ở Phố tin thiếu thứ nước ấy, bát cao lầu trở nên nhạt, chén trà sớm vô duyên. Giếng được rào che chắn bốn bề. Người vào gánh nước đi qua một lối nhỏ. Lấy nước sẽ sàng, không vương vãi, không được tắm. Mẹ thuê một góc nhà vừa kê cái chõng và nuôi ông ăn học bằng nghề gánh nước thuê cho Phố. Mười năm trời, giếng là nguồn sống của mẹ con ông. Ông vẽ cái chõng của hai mẹ con bằng một hình chữ nhật bé tí và chất lên đó những chấm tròn - cái thúng đựng đồ linh tinh của mẹ, cái rương nhỏ bằng gỗ đựng sách vở của ông trong đó có quý nhất là xếp giấy khen và bức tranh phác họa chùa Cầu bằng bút chì, phần thưởng của thầy giáo lớp nhất (5)... Hồi ấy ông nổi tiếng nghèo nhưng thông minh học giỏi. Thị xã nhỏ biết cái thằng bé không cha, con chị gánh nước thuê không chồng, quanh năm suốt tháng đi học với cái bị lát, sách toàn mượn chép. Chép xong coi như học xong.

*

Quý khách vui lòng xuống đây. Mọi phương tiện giao thông đều không được đem vào phố cổ trong ngày lễ hội. - Bác tài thông báo. Con bé ngồi cạnh tỉnh bơ lôi từ trong bị bộ quần áo cũ rách choàng lên bộ cánh đẹp. Tích tắc, hai vị khách ngồi bên ông biến thành hai nhân vật cái bang.

- Bye! - Con bé nheo mắt tinh quái rồi hai cha con biến mất trong dòng người. ánh mắt và nụ cười nó khiến ông phải đưa tay sờ túi! Cái ví ông để một ít tiền tiêu vặt đã không cánh mà bay!

Chưa bao giờ Phố đông như thế! Con đường nhỏ bề ngang vừa một chiếc xe bốn bánh ngập tràn khách nội, ngoại và phóng viên. Những ngôi nhà rêu phong cũ kỹ, thấp lè tè, sâu hun hút bị khuấy động tỉnh giấc thập thò nhìn những vị khách đẫm sắc mầu hiện đại.

"Ông có thấy con chó mầu đen có hai chấm vàng ở mắt không... hu... hu... đông quá, nó lạc rồi!" - "Chó khôn lắm, biết đường về nhà mà!" - "Cháu về rồi, không có" - "Cháu ở mô?" - "Đường Nguyễn Huệ" - "Hay quá! Hồi nhỏ ông cũng ở gần đó. Cháu có biết cô Rêu con thầy Toản không?" - "Cháu không biết, hu... hu... Milou ơi!". Ông chợt nhận ra ông đang hỏi thằng bé khoảng mười tuổi, trái tim bé bỏng đang tan nát. Thầy Toản mất lâu rồi. Con Rêu cũng chẳng phải là tên chị. "Chị thích rêu, mầu của Phố! Gọi chị là Tường Rêu!" - "Răng không gọi là ngói rêu?" - Chị tủm tỉm cười khoe đôi lúm đồng tiền xinh lắm. - "Đừng khóc. Ông cháu mình đi tìm". Ông và thằng bé như bị cuốn đi bởi thác người. Thỉnh thoảng ông nghe tiếng nó nức nở khóc gọi con chó nhưng không thấy nó. Gần như cả Đà Nẵng đổ về. Từ thời hiện đại, đi có ba chục cây số để trở lại thời quá khứ nên quá đi chứ! Ông đã chứng kiến trên đường về Hội An những chiếc xe máy của đám thanh niên choai choai sốt ruột lội bừa xuống ruộng để vượt lên cái đám đặc kín mặt đường. Càng về đêm càng nhốn nháo. Người khuấy động Phố. Phố bị che khuất bởi người. Đáng lẽ ông đừng trở lại vào ngày hội. Hồn Phố sẽ tan biến trong náo động, mầu mè. Ông ghé vào quán cao lầu ông ăn lần đầu cách đây bốn mươi hai năm. Anh chàng phục vụ đóng bộ áo tàu đen cài khuy với cái quần jean và giày đinh bưng tới cho ông một bát.

"Mang tiếng ở Phố mà chừ ăn cao lầu lần đầu hả? Tội chưa? Chị kêu cho tô nữa hỉ? Ăn từ từ mới thấm cái ngon. Ngó ri chớ không nơi mô bắt chước được. Thiếu nước giếng Bá Lễ, tro củi cù lao Chàm, rau sống Trà Quế, cao lầu dở ẹt!".

Ông húp nuốt vội vã như thằng bé được ăn bát cao lầu đầu tiên. Cổ nghẹn lại vì hồi ức. Sau này cũng vẫn những món ăn đó, không có chị ngồi trước mặt, hương vị Phố nhạt hẳn.

Hân, Phi, Cẩm, Phô... Dậu... Chị Rêu ngân nga xướng ngược thứ tự năm cái tên đứng đầu lớp trong tháng - 5 tên được miễn phí theo thông lệ của thầy Toản. Thầy vốn là một công chức rất giỏi tiếng Pháp không hiểu vì lý do gì lại nghỉ việc ở nhà mở lớp dạy Pháp văn. Giàu nghèo không kể, con ai không biết, hễ xếp từ thứ nhất đến thứ năm thầy không lấy tiền. Hồi hộp nhất vẫn là đứa đứng nhất. Đứa ấy được con gái kiêm phụ tá của thầy thưởng riêng một món đặc sản Phố. Chị Rêu biết thế nên công bố vị thứ như kiểu người ta công bố kết quả hoa hậu, đứa giỏi nhất sau cùng. Có lần thằng Dậu đã khóc nức nở khi bị tước niềm vui lớn đó. Chị Rêu mắng: "Con trai mà mu khóc (6), tham ăn. Mi ăn hoài để cho đứa khác ăn với chứ! Con khỉ!".

"Con khỉ" năm ấy mười ba, còn chị Rêu mười tám có đôi má lúm đồng tiền và tiếng - cười - bánh - đập. Cười đã xinh mà nghe cười còn mê hơn nữa. Xốn xang rộn ràng. Chị thích những món có bánh tráng còn thằng Dậu thích nhìn chị ngồi ăn bánh tráng nướng ở góc đường. Chị ăn như đứa bé. Tần ngần khi bẻ mảnh đầu chiếc bánh tròn vành vạnh điểm những "vì sao" hột mè sau đó mê mải, giòn tan, say sưa cho đến mẩu cuối cùng. Người Quảng thích bánh tráng. Nhưng hắn chưa thấy ai ăn bánh tráng với ánh mắt long lanh, với niềm vui thơ trẻ giòn tan say đắm như chị.

Chị yêu cũng giòn tan say đắm. Chị yêu thầy Tường dạy văn nổi tiếng thị xã. Chị mê thầy như hầu hết những đứa con gái học thầy nghe thầy dạy Truyện Kiều. Thầy giảng Kiều như kẻ bị Kiều ám. Thầy thuộc Kiều như kẻ ngoan đạo thuộc kinh. Thầy vẽ cả sơ đồ mười lăm năm lưu lạc của nàng Kiều. Cứ nghe thầy thao thao bất tuyệt về tình yêu của Kiều và chàng thư sinh Kim Trọng tụi học trò há hốc miệng. Rồi hết học hết mê. Chị Rêu không thế. Hết học thầy, chị tiếp tục có mặt trong giờ văn của thầy bằng cách nghe kể lại.

Chị thương thằng Dậu vì hắn nghèo mà học giỏi và vì... hắn đang là học trò cưng của thầy Tường! Buổi nào có giờ văn, chị túm hắn bắt tường thuật. Từ cái áo thầy mặc, đến bài thầy giảng, lời mắng mỏ khen chê học trò... Chị trả công tường thuật bằng sách. Chị cho hắn mượn sách của chị và đôi khi còn cả gan lén cho hắn mượn một đôi quyển trong tủ sách gia đình. Thầy Toản quý sách hơn cả của cải. Sách được xếp ngay ngắn trong tủ, đánh số, xếp thứ tự theo từng loại nên nhìn vào biết ngay thiếu đủ. Ngôi nhà cổ thâm nghiêm trở nên thân tình và đầy mê hoặc. Hắn thích sờ vào những đồ vật gợi dĩ vãng hào phú sang trọng, ngắm những kèo cột chạm trổ tinh vi, kinh ngạc về vẻ đẹp thách thức thời gian của chúng. Thầy Toản ngoài giờ dạy học thường ra hậu viên chăm sóc cây kiểng và hòn non bộ. Vũ trụ được thu nhỏ trong vuông sân, khoảng trời bé bằng manh chiếu. Căn nhà ấy hẳn già cỗi và lặng lẽ lắm nếu không có tiếng cười của chị Rêu. Dường như để át tiếng thì thầm của quá khứ trong mọi góc xó, chị cười to lắm. Tiếng cười không tan ngay mà vang vọng như trò cút bắt trong rường cột, tường vách rồi ẩn trong tâm hồn thằng Dậu. Hắn thích nghe chị cười nên giành mẹ đổ nước cho nhà thầy. Trông hắn cõng nước, chị Rêu không thể nín cười được. Hắn còn cố ý ve vẩy như mụ đàn bà để chọc chị cười. Đổ nước xong chị Rêu thường mở vung nồi cơm cho hắn một khoanh khoai Trà Đỏa mật vàng ươm, nóng hôi hổi. Hắn ngồi ăn, còn chị ngồi hỏi chuyện thầy Tường. Chị kể hồi ấy, chị ngồi gần cửa sổ. Suốt giờ học chị chống tay lên má say sưa quan sát sự chuyển động của cục yết hầu thầy, nơi phát ra những ngân rung sâu thẳm. Khi giảng bài, ánh mắt thầy thường tìm chỗ đậu như để neo lại nếu thầy đi xa quá. Vô tình đúng chỗ chị Rêu ngồi, bên cửa sổ lớp. Thầy nhìn chị mà! - chị Rêu khăng khăng. Thằng Dậu cũng khăng khăng: Chừ em ngồi chỗ nớ. Thầy cũng ngó em.

*

"Tưởng thấy xe ngựa, xe kéo, hình bóng người xưa té ra toàn dân hiện đại. Thị xã như sân khấu" - Người khác bước bên cạnh ông nói. - "Nhưng đêm diễn hoành tráng đấy chứ! Trên cạn, dưới nước, đủ mọi loại hình văn hóa".

- "Theo tui mọi ngày ở đây đều là ngày phố cổ. Làm ri tuy yêu Phố nhưng lại khuấy động không khí cổ tự nhiên của Phố. Du lịch phát triển, tui sợ Phố không còn là Phố ngày xưa..." - Rứa xa Phố Hoài bao lâu rồi?" - "Hai mươi sáu năm" - "Còn tui... bốn mươi năm!".

Bốn mươi năm, đủ để đời người vụt qua, để nước dưới cầu cạn. Dưới mắt các nhà khoa học, sau bốn thế kỷ tồn tại, chùa Cầu đang bị lún nghiêng, già rạc nhưng dưới mắt ông, trong ánh sáng huyền ảo dịu dàng của những ngọn đèn lồng, cầu vẫn diễm lệ như mỹ nhân cổ. Chị Rêu đứng bên tê cầu, gần tượng hai chú khuyển. Tóc chị buộc túm bằng khăn mùi xoa trắng. Má chị hồng và mắt chị long lanh. Thằng Dậu đứng bên ni cầu, cạnh tượng hai chú hầu. "Mi ngó tề! Hai con khỉ ngó hai con chó mấy trăm năm rồi không chán nhau!".

Khuya. Hội tàn. Người hăm hở về rồi lũ lượt đi. Còn những ngọn đèn lồng thức trước hiên vỗ về mấy dãy phố cổ chưa kịp hoàn hồn bởi đông đúc náo động bằng thứ ánh sáng mờ ảo xao xuyến. Phố lấy lại vẻ rộn ràng trong yên tĩnh. Nhà thồi thụt, mái lô nhô, những nét lượn mềm mại, nao lòng. Loanh quanh luẩn quẩn cho lòng bớt sóng sánh, ông về lại nhà thầy Toản. Ông nhận ra ngôi nhà bởi vẻ tàn tạ cũ kỹ và bướng bỉnh kiêu hãnh của nó. Vẫn hai cái bát quái lót vải điều tròn xoe như mắt cửa ngoái nhìn quá khứ và canh chừng hiện tại. Vẫn bậc thềm, ngưỡng cửa, vách gỗ tự tại trong cũ càng. Tựa lưng vào quá khứ, ngôi nhà vẫn tạo cho ông cảm giác bí hiểm và cuốn hút như ngày nhỏ. Hồi còn sống, thầy Toản không bao giờ để bàn tay nào chạm vào tu sửa. Thầy theo Tây học nhưng ngọn gió thời đại dường như không lọt qua nổi hai ô cửa nhỏ trên cái gác thấp lè tè, nơi những bức tranh cổ họa về hoa, điểu, tứ thời, bát tiên... của ông cha án ngữ. Mùi xạ thơm dường như vẫn phả ra từ căn gác tối sâu hun hút ấy. Thỉnh thoảng khi thầy vắng nhà, thằng Dậu được chị Rêu cho lên gác thăm lão đầu hói, mặt tròn, cười trong râu mà chị giới thiệu là lão Lạt Ma. Hắn thích lão lắm. Trông lão thật sống động từ cái liếc mắt đến nụ cười, dáng vẻ đến nếp áo. Cái vẻ hồn nhiên tự tại của lão rất dễ thân thiết.

Ông ngồi tựa vào vách. Còn thằng Dậu nhào qua lần cửa đóng đi tìm chị Rêu, đi thăm lão đầu hói, thăm tủ sách nơi nó đã từng ước mình là con mọt để chui vào... Ông vuốt ve những khe gỗ nứt nẻ bởi thời gian và có cảm tưởng nghe chúng đáp trả bằng tiếng thì thầm bí mật của xa xăm.

- Trò Dậu, trò lấy ở mô những bài thơ vịnh các nhân vật Truyện Kiều rứa? - Thầy Tường cầm quyển vở thuyết trình hỏi:

- Dạ... trong sách.

- Cho thầy mượn sách một hôm được không?

Nghe hắn về kể, chị Rêu hối hả bảo hắn đưa sách cho thầy, còn nảy ý tặng luôn cho thầy bản Kiều cổ mà ba chị rất quý. Thằng Dậu được giao nhiệm vụ trao sách với lời dặn: đừng nói tên thật của chị vì hồi học với thầy chị dốt văn lắm! Hắn mở trang đầu đọc dòng chữ nắn nót: Thương quý tặng thầy, người dạy Kiều hay nhất. Học trò cũ. Tường Rêu.

- Học trò của thầy không có đứa mô tên ri cả. Tên ngộ quá hè! - Thầy Tường ngỡ ngàng.

- Thầy khen rứa hả? - Chị đỏ mặt như nhận một lời tỏ tình.

Niềm vui âm thầm nhảy múa suốt mùa đông bởi cứ sau mỗi cơn mưa, chị lại rủ thằng Dậu đi ngắm phố rêu. "Mầu thời gian không xanh. Mầu thời gian tím ngát..." (7). Còn với chị, mầu thời gian xanh mướt. Từ mái đến tường, từ hẻm đến phố chợ... tất cả được khoác tấm áo nhung rêu óng mượt. Những sắc độ xanh chồng chồng lớp lớp, gối lên nhau như những mảng thời gian được lưu trữ. Chị bảo chị không thể xa Phố được vì chị lỡ say rêu. Chị có thể ngồi lặng cả giờ để ngắm một bức tường rêu phủ. Rêu chảy từ trên mái xuống tường, non nỏn đến dại lòng, thăm thẳm đến tê tái. Đôi cây hoa dại cheo leo trên mái học đánh đu nghịch ngợm trên tường, hồn nhiên toét miệng cười. Mái ngói âm dương như những khuôn mặt thời gian đủ mầu đủ vẻ, sau mưa chợt ngời sáng bởi vô số nụ hoa rêu li ti rộn ràng. ấy là lúc phố đẹp đến mềm lòng.

Tình yêu non dại của chị âm ỉ như lò than nướng bánh tráng. Mỗi buổi học, thằng Dậu lại về kể chuyện thầy Tường, cả chuyện học trò cáp đôi thầy với cô Hoa dạy Sử ở đường Bạch Đằng, chuyện gặp thầy đi ăn chè với cô Hoa, chuyện hai người ra Đà Nẵng xem phim... Chị vẫn cười khi nghe kể, có điều tiếng cười như tiếng thủy tinh vỡ.

Đám cưới thầy Tường với cô Hoa diễn ra chóng vánh và độc đáo. Chú rể rước dâu đi bộ qua phố cổ, qua khỏi chùa Cầu mới lên xe về Đà Nẵng. Học trò rồng rắn đi coi cười nói tưng bừng. Chị Rêu đứng ở cửa nhìn ra. Chị cười nhiều hơn cả. Khi đám cưới khuất cuối phố, nụ cười vẫn đông cứng trên môi chị. Đôi lúm đồng tiền lún sâu kéo theo hai khóe miệng căng ra tưởng chừng không thể khép lại được. Cứ thế chị cười đến chảy nước mắt. - "Răng chị cười dữ rứa?" - "Tau cười con ranh ngốc nghếch". Sau đó chị quạt lò nướng bánh tráng, ăn một lần ba cái đến sình bụng, bỏ cơm. Năm ấy, chị rớt tú tài vì chỉ học một mình môn văn. Vỡ luôn tiếng - cười - bánh - đập. Tết, thầy Toản tìm bản sách cũ bói Kiều phát hiện mất sách quý, cái tủ sách chỉ mình thầy và cô con gái được đụng vào. Thầy hỏi. Chị im lặng. Im lặng ngay cả khi chịu đòn. Vẻ trơ lì đó càng khiến thầy giận đánh dữ. Thằng Dậu núp bên ngoài chịu không nổi chạy vào nằm sụp xuống tự nhận mình trộm sách. Thầy buông roi. Nhưng ánh mắt bỏng rát hơn roi quất. Đứa học trò cưng bị cấm cửa từ đó.

Ông đã bước ra khỏi ngôi nhà cổ này năm mười sáu tuổi. Nỗi buồn còn hôi hổi tựa hôm qua. Chị Rêu bắt kịp ở mái hiên ôm chầm thằng Dậu òa khóc. Nước mắt chị mặn hơn nước biển cửa Đợi. Da chị mịn mướt hơn rêu Phố. Hắn vùi mặt trong tóc chị hít hương thơm dìu dịu, ngai ngái mùi hoa cỏ và cảm thấy dễ chịu đến bàng hoàng. "Thằng ranh, mi làm chi rứa?" - Chị ngạc nhiên xô hắn ra.

Thỉnh thoảng, mái hiên đầy bóng tối và nước mắt ấy lại hiện về trong giấc mơ thằng Dậu. Cả cảm giác đớn đau ngất ngây bàng hoàng chưa hề gặp trong đời ấy. "Thằng ranh, mi làm chi rứa?". Tuổi mười sáu của hắn chưa kịp xanh đã chớm vàng trong nỗi quay quắt được thành người lớn. Lớn mau, lớn mau, hỡi thằng ranh con!

Hết năm, thằng Dậu chuyển ra Đà Nẵng học. Bốn năm sau, một mình quay lại Phố. Bấy giờ hắn cao hơn một mét bảy, đã đỗ tú tài toàn hạng ưu, vừa được một suất học bổng ở nước ngoài. Hắn đứng trước ngôi nhà đóng kín cửa, cao hơn cửa, choán hết cửa. Hàng xóm bảo chị Rêu lấy một người Hoa gốc Hội An vào lập nghiệp ở Chợ Lớn. Người lớn đứng khóc, nước mắt rỏ ướt thềm.

*
* *

Ông sờ lên những vệt nước mắt. Ông tin Phố lưu lại tất cả bởi thời gian nơi đây không trôi, chỉ quẩn quanh rồi dừng lại. Trăng gầy như nét vẽ. Mái cúi thấp để trời thêm cao. Ai đó ném một tiếng ho khan vào tĩnh lặng.

Thằng Dậu đã ra, theo sau là chị, vừa đi vừa cười. Tiếng - cười - bánh - đập roi rói tươi nguyên như mới lấy ra từ hoài niệm. Họ đi qua ông. Ông đứng dậy theo họ. Ông nghe tiếng chị:

- Lần ni mi ưa ăn chi?

- Bánh tráng đập.

- Mi ưa gặm bắp nướng rưới nước mắm ở bờ sông mà!

- Em ăn ngó. Ngó chị ăn bánh đập đủ ứa nước miếng. Ăn như mở toang cảm giác tận hưởng hương vị.

- Đợi cả tháng để ăn ngó à, thằng ngu! Không chi khổ bằng ăn ngó mi biết không? Nì, thầy Tường có thích ăn bánh tráng đập không hỉ?

- Chị làm con ruồi chui vô nhà thầy thì biết.

Tiếng cười đuổi nhau loăng quăng trong phố hẹp rồi mất hút ở một khúc quẹo mềm mại.

Ông lang thang trong phố theo họ. Thỉnh thoảng dừng bước trước một căn nhà say ngủ. Nhà thằng Phan hồi ấy ông đến học ké sách bằng cách giải cho hắn chép giờ là ngôi nhà tân thời, mầu vôi trắng bệch, mái ngói đỏ tươi. Nhà con Hòa béo, học trò đầu đời của ông còn nguyên cái bảng hiệu bằng gỗ. Con bé dữ tợn ấy ra sao rồi nhỉ? Hồi ấy, đỗ đầu trong kỳ thi tuyển vào đệ nhất trường Trần Quý Cáp, thằng bé nhà nghèo học giỏi được ngay một chủ tiệm vải thuê kèm đứa con gái học sau hai lớp. Được trả tiền, được cho vải may quần áo chỉ khổ nỗi con học trò mười tuổi coi thằng thầy mười hai tuổi không ra chi. Có gì không vừa ý, bà chằn lập tức thò tay, nghiến răng ngắt véo thằng thầy đến bầm tím da. Thầy bỏ dạy vì trò dọa: "Ba tau nói mi học giỏi, sau gả tau cho mi. Khi nớ ngày mô tau cũng ngắt mi chảy máu".

Ông về lại xóm giềng, đi qua trường Nam tiểu học, trường Trần Quý Cáp... ánh sáng huyền hoặc của trăng non và đèn lồng soi đường cho ông tìm về dĩ vãng.

Phố hẹp, loanh quanh. Đường ngắn, luẩn quẩn. Khi trời sáng, ông nhận ra mình đang ở trong một con hẻm nhỏ, trước cánh cửa hông nhà chị. Ngày xưa, chị hay tựa cửa chơi trò đố rêu nói gì trên bức tường trước mặt. Mùa rêu, bức tường tựa như tấm thảm kỳ diệu biến đổi từng ngày dưới đôi tay người thợ dệt tài hoa. Chị đọc bao nhiêu điều, tưởng tượng bao nhiêu cái từ nét mục rêu ngẫu hứng trên bức tường loang lổ mầu thời gian ấy. Thằng Dậu vắt trí tưởng tượng giải mã ngôn ngữ rêu bí ẩn ấy như chơi cút bắt với tâm hồn chị.

Bức tường ấy đang hiện ra trước mắt ông còn chị hiện ra trên rêu, ngửa cổ cười.

*

Phố thức dậy với tiếng chân, tiếng rao quà. Những cánh cửa lần lượt mở. Những cây dù, tấm bạt lại được căng ra. Cư dân hiện đại trong lòng Phố bắt đầu một ngày mới thong thả, khẽ khàng. Một người đàn ông lam lũ chở bắp luộc bằng chiếc xe đạp dừng bên mời ông mua mở hàng. Ông mua hai quả bắp nóng hổi và trả bằng tờ giấy bạc 50.000 vì ví tiền lẻ đã bị mất trên xe buýt. "Cháu đã bán chi mô. Bác đợi cháu đi đổi hí!". Ông gật đầu. Thằng Dậu hối hả lột, gặm nhai bằng những chiếc răng đã mòn của ông. Quả thứ hai hắn gỡ từng hàng, ăn từng hạt như sợ hết. Hắn ăn mê mải không để ý người bán bắp đã quay trở lại với mớ tiền thối. Anh ta mỉm cười nhìn vị khách sang trọng ngồi mút nước ngọt từ cái cùi bắp - "48 ngàn tiền thối đây bác?" - "Hồi nhỏ bác còn nhai cả cùi nữa kia! Ngọt lắm! Còn chỗ tiền thối, cháu bán cho bác trái nữa để hắn ném từng hạt vào miệng" - "Hết rổ bắp của cháu cũng chưa hết chỗ tiền nầy bác ạ!" - "Ăn thương ăn nhớ giá khác, cháu cứ cầm đi!".

ấm bụng, ấm lòng, ông ngồi ngắm những nụ hoa rêu nhỏ nhắn lấm tấm bên trên mái cổ. Trên gương mặt chập chùng lô xô những con sóng thời gian kia là mầu biển lặng, lặng đến độ soi mình thấy lòng thanh thản. Lâu lắm, ông mới được hưởng một buổi sáng thư thái như thế này. Một niềm bình an kỳ lạ xâm nhập tâm hồn ông khiến ông có cảm giác mình đang đứng dưới bóng râm thời gian đợi chị mở cửa với lời chào quen thuộc: "Mi tới đổ nước hả?".

Quê Hương

--------------------------------------

(1) Tiếng Anh: go (đi)
(2) Tiếng Pháp: toujours (luôn luôn)
(3) Tiếng Anh: Money (tiền)
(4) Lớp đầu tiên của cấp phổ thông cơ sở.
(5) Lớp cuối cùng của cấp tiểu học.
(6) mau khóc
(7) Thơ Đoàn Phú Tứ

Cựu học sinh và VK họp mặt hàng năm

Sáng nay, ngày 01-5-2008 Tại Hội trường Trường Phổ thông Trung học Huỳnh Ngọc Huệ, huyện Đại Lộc đã tổ chức họp mặt định kỳ theo thống nhất chung. Tham dự cuộc họp mặt gồm Thầy giáo VĩnhThông, Thầy Nguyễn Thiều và hơn 25 cựu học sinh của 3 khối lớp A,C,D khóa 1977-1980, đặc biệt năm nay Thầy Nguyễn Văn Lơ đã đến dự và có lời phát biểu nặng tình cảm thầy trò, anh em.

Mở đầu chương trình, Thầy Thiều thay mặt sự ủy nhiệm quỹ ủng hộ gia đình thầy Phan Đình Cưỡng của cựu học sinh chủ trì bàn bạc phương thức sử dụng quỹ, đã đi đến thống nhất mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng thương mại để thuận lợi cho việc tiếp tục huy động thêm đóng góp đồng thời ủy nhiệm chi cho hai cụ thân sinh thầy Cưỡng sử dụng số tiền này. Trong cuộc họp mặt này, ý tưởng về việc tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày ra trường (năm 2010) và phát triển diễn đàn o­nline của khối lớp được lưu tâm.

Như thông lệ, tiếp theo là phần sinh hoạt tiệc trà thân mật, chia sẽ tình cảm bạn bè, thăm hỏi sức khoẻ, công việc, tặng quà lưu niệm . Năm nay không tổ chức hát karaoke do dành thời gian còn lại viếng Thầy Cưỡng


VideoClips




Quảng Nam: Huyện Đại Lộc thu hút nhiều nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp

Qua 4 năm triển khai đề án phát triển công nghiệp địa phương, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) được xem là một điểm sáng về thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư với quy mô ngày càng lớn.
Hiện nay, huyện có 7 cụm công nghiệp (CCN) đã và đang được triển khai xây dựng gồm: Đại Hiệp, Đại Đồng, Mỹ An, Đại Nghĩa, Khu 5 thị trấn ái Nghĩa, Đồng Mặn, Đại Tân. Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động tại địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, kiêm Trưởng ban quản lý các CCN của huyện: Hiện nay, Đại Lộc đang xúc tiến kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào một số lĩnh vực như: xây dựng và kinh doanh khu du lịch cao cấp, khu vui chơi giải trí; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị mới; các dự án thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng; dự án sản xuất và kinh doanh thuộc các ngành công nghiệp, chế biến nông sản, cơ khí, điện tử, công nghiệp sạch và có kỹ thuật công nghệ cao và đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng các CCN và hạ tầng kinh tế xã hội khác...
Nhiều nhà đầu tư đến với Đại Lộc bởi nơi đây nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, đặc biệt có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua quốc lộ 14B nối liền Đại Lộc với các tỉnh Tây Nguyên thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và thông thương hàng hoá qua các cửa khẩu quốc gia như: Bờ Y (Kom Tum), Đắc Ốc (huyện Nam Giang, Quảng Nam). Huyện Đại Lộc còn cách sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, khu kinh tế mở Chu Lai gần 120 km về phía Nam và cách thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km. Bên cạnh đó, Đại Lộc có nhiều tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp và có nhiều tài nguyên khoáng sản như: vàng, felspat (tràng thạch) đá xây dựng, đá sa thạch, cao lanh, đất sét, than đá, đá vôi, mica, uran…. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Đại Lộc đang dần khẳng định và phấn đấu vươn lên trở thành huyện công nghiệp của tỉnh Quảng Nam vào năm 2015./.

(Nguồn: TTXVN)

Học Bổng Quảng Nam.
Học bổng cho học sinh QN tại Sài Gòn

Hoc Bổng Quang Nam hàng năm cấp cho sinh viên Quảng Nam đang học tạ SG. Tiêu chuẩn cấp xét như sau:
1.Kết quả hoc tập 2 ki : ĐTB >=8.0
2.Nộp đơn vào tháng 9-10 hàng năm.
Tất cả các SV hội đủ tiêu chuẩn xin gởi hồ sơ,gồm:
-Bảng điểm 2 hoc kì
-Các ưu tiên khác (gia đình nghèo,vv...)
Nộp đơn tại : bác Lê Ngọc Tòng ,6/18 Yen The,p.2,Q.Tan Binh, Sài Gòn
Đien thoai : (08)8421591
Qũy học bổng kêu gọi các vị mạnh thường quân từ khắp trong và ngoài nước giúp đỡ để cho các em sinh viên nghèo được tiếp tục việc học trở nên người hữu dụng cho dân tộc.

VIỆT NAM TRONG TRÁI TIM
TRẦM TỬ THIÊNG

- Trầm Tử Thiêng,
người chép sử lưu vong bằng âm nhạc

*HUY PHƯƠNG


Một người đã sống một cuộc đời khắc khổ, đạm bạc pha đôi chút cô đơn, lúc ra đi bình thản, lặng lẽ nhưng đã để lại cho đời một kho tàng âm nhạc vĩ đại, vĩ đại không ở chỗ nhiều người nghe, nhiều người thuộc như các tác giả thời danh khác, mà ở ông tấm lòng của một người lưu lạc, luôn luôn tin tưởng vào đất nước một ngày mai. Nơi ông, suốt đời và nhất là những năm cuối cùng, hai chữ Việt Nam luôn luôn như một lời réo gọi chứa chan thương yêu ngọt ngào và đầy hy vọng.

Nguyễn Văn Lợi (tên thật của ông) ra đời tại quận Đại Lộc, Quảng Nam năm 1937, đã lớn lên và trải qua thời thơ ấu trong Liên Khu Năm Nam Ngãi, những năm tháng chiến tranh và ông đã hiểu thế nào là một đời sống trong chế độ Cộng Sản nhất là với tuổi ấu thơ. Khi mảnh đất này được tự do, ông vào Saigon theo học trường Sư Phạm Nam Việt và trở thành một thầy giáo, chăm sóc đám trẻ thơ của đất nước. Bản chất của ông cũng như nghề nghiệp đã đào tạo Trầm Tử Thiêng thành một người nhân hậu nhưng thẳng thắn, cương quyết đi đến tận cùng, nếu cần để tranh đấu cho lẽ phải.

Những ca khúc đầu tay cũng như những sáng tác trong thời gian bị động viên: “Mưa Trên Poncho”.”Đêm Di Hành”, “Quân Trường Vang Tiếng Gọi” đã đưa ông từ quân trường về Phòng Văn nghệ, Cục Tâm Lý Chiến, nơi ông có thể đành tất cả thời gian cho việc sáng tác và sinh hoạt âm nhạc của ông. Tuy ở trong một môi trường mà những ca khúc của ông có thể phổ biến mạnh mẽ trên thị trường để đem lại no ấm cho ông như các nhạc sĩ thời thượng vào lúc bấy giờ, Trầm Tử Thiêng đã chọn con đường đi của mình. Đó là Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ của thời đại với những nỗi buồn vui chung, không phải của riêng ai. “Đưa Em Vào Hạ”, “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy”, “Hương Ca Vô Tận”, “Bài Vinh Thăng Cho Một Loài Chim”... là những ca khúc của một thời chinh chiến mà những người như Trầm Tử Thiêng đã sống và cảm nhận, trang trải với những âm thanh làm xúc động lòng người.

Nhạc của Trầm Tử Thiêng mang âm hưởng dân ca như những bài “Trộm Nhìn Nhau”, “Hương Ca Vô Tận”, “Đưa Em Vào Hạ”, “Cha Đàng Ngoài, Mẹ Đàng Trong”, và lời thì trau chuốt, ngọt ngào, trong nội dung, quê hương và tình yêu luôn luôn là những đề tài của nhạc ông. Vào thời bấy giờ, trong chiến tranh, nhạc ông đã có những ước mơ về hoà bình và những lời kêu gọi quên hận thù: “Ta gánh chung đau thương một trời, Nam Bắc ơi, yêu thương tình người”(Hoà Bình ơi! Việt Nam ơi!) hay:”Thù hằn anh em bỗng ngày mai, nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà” (Kinh Khổ).

Năm 1990, Trầm Tử Thiêng được biệt phái trở lại ngành giáo dục và làm việc tại Trung Tâm Học Liệu, tại đây ông đã có cơ hội làm việc với các nhạc sĩ đàn anh như Hùng Lân, Lê Thương...và cho ra đời tuyển tập nhạc dành cho thiếu nhi “Hãy hát Lên Tuổi Thơ”.

Sau tháng 4 năm 1975, bản thân của Trầm Tử Thiêng hoà vào niềm đau chung của cả dân tộc, ông là một trong những người vượt biển, tù đày, bị lao động cưỡng bức trên nông trường. Đây là giai đoạn ông viết “ Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biển”, “Hành Ca Trên Nông Trường Oan Nghiệt”, “Du Ca Trên Thành Phố Đỏ”...Bối cảnh những cuộc vượt biển, chia ly, chết chóc thể hiện trong: “Gởi Em Hành Lý”, “Người Ở Lại Đưa Đò. “Mẹ Hậu Giang”, “Trại Tỵ Nạn Galang”.

Mừơi năm sau biến cố điêu linh của đất nước, Trầm Tử Thiêng đến được bến bờ của Tự Do, “Mười Năm Yêu Em” mang ẩn dụ mười năm khao khát được thấy ánh sáng ý nghĩa của cuộc đời nhưng đồng thời cũng cùng với những đắng cay của nó. Trầm Tử Thiêng đã sống qua thời thơ ấu trong chiến tranh, lớn lên cùng chiến tranh và người nhạc sĩ này đã đi theo nhịp bước của những con người Việt Nam bình thường, khoác áo trận, ngã nghiêng vì vận nước, tù đày, xót xa cùng thân phận chung của những người vượt biển, bỏ nước ra đi.

Được đến bến bờ tự do dù là muộn màng, Trầm Tử Thiêng, người nghệ sĩ chân chính, không lo chuyện cơm áo mà thấy mình có bổn phận của con người nhớ đến con người. Trầm Tử Thiêng còn biết nhìn lại những trại cấm, đêm ngày đang vẳng tiếng kêu siết của những người đói tự do, đuổi người trở lại biển khơi hay trói người trả lại nơi khổ nhục mà nơi đó họ đã ra đi, trong chiến địch “cưỡng bức hồi hương” để viết nên “Nói Với Hồng Kông”, hay “Thà Chết Nơi Này”. Người nhạc sĩ đã thoát ra từ nỗi khổ đau của riêng mình, để hoà nhập trải lòng ra với những nỗi khổ đau của con người, đó là lúc ông nghĩ đến những đồng bào đang “mắc cạn” trên những hòn đảo trong Thái Bình Dương, mà giấc mơ nhìn thấy ánh sáng tự do tàn phai cùng năm tháng. Tấm lòng của Trầm Tử Thiêng lại giạt dào : “Ta Hát Tình Thương Về Biển Đông”!

Trong thời gian định cư tại quận Cam, Trần Tử Thiêng đã tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng như thành lập Thư Viện Việt Nam với du Miên, Trần Đức Lập..., làm cố vấn cho Tổng Hội Sinh Viên VN tại Nam Cali, cũng như góp một bàn tay vào phong trào vận động các gia đình Việt Nam khuyến khích con em học Việt Ngữ. “Vang Vang Tình Việt Nam” là một bài hát mà Trung Tâm Việt Ngữ nào ở Nam Cali cũng biết tới, với câu “tiếng quê người hoà chung tiếng mẹ ru.”

Trầm Tử Thiêng đóng góp cho phong trào du ca không phải là ít, nhất là từ khi ra hải ngoại, tuy ông không muốn đứng trong phong trào du ca, nhưng ông vẫn sáng tác đều và tham gia hoạt động du ca nối dài là “hát cộng đồng”, rất được giới trẻ tham gia, phong trào rất được phổ biến vào cuối thập niên 90 tại Hoa kỳ, nhất là vùng California, với những nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, Nhật Ngân, Nguyễn Đức Quang và Xuân Điềm về sau này.

Cho tới khi Trầm Tử Thiêng gặp được Trúc Hồ, con người sinh ra sau ông gần một thế hệ mà gần gũi như một người bạn tri kỷ. Cả hai cùng nhìn về những người bất hạnh hơn họ, nhìn về những đứa trẻ thơ thiếu may mắn hơn tuổi thơ của họ, sinh ra và lớn lên trong vòng rào kẽm gai của những trại tỵ nạn, không hề có tương lai. Xúc cảm, Trúc Hồ đã viết nên những dòng nhạc chan chứa yêu thương, và Trầm tử Thiêng đã diễn dạt bằng lời hát ngọt ngào, kêu gọi “Bên Em Đang Có Ta”. Đây không là một bản tình ca của một người, mà là bản tình ca nhân ái dành cho đồng loại. Cũng với tấm lòng đó, trước khi qua đời, Trầm Tử Thiêng muốn thành lập một “foundation” mang tên ca khúc “Bên Em Đang Có Ta” dành cho những em bé tỵ nạn đang còn bơ vơ trong các trại cấm. Ngày nay không còn những trẻ em sau hàng rào kẽm gai trong trại cấm tại các hòn đảo trên Thái Bình Dương, nhưng tại quê nhà vẫn còn nhiều trẻ em nghèo đói, thất học, lam lũ giữ chợ đời, trên đường phố để kiếm miếng cơm, thì quỹ “Bên Em Đang Có Ta” vẫn còn nghĩa vụ hướng về các em bé bất hạnh tại Việt Nam.

“Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” nói lên giai đoạn “cưỡng bách hồi hương” đã chấm dứt, khi đồng bào đã tìm được đất dung thân trên đất Phi, và đó cũng là lời tiên tri cho những năm tháng sau cùng, nhờ sự vận động của Luật sư Trịnh Hội và các tổ chức thiện nguyện ở hải ngoại tiếp tay cứu vớt họ đến bến bờ tự do.

Đánh dấu 20 năm bỏ nước ra đi của người Việt tỵ nạn, trung tâm Asia đã thực hiện chương trình “1975-1995” như một tác phẩm đánh dấu nỗi gian nguy, ghi nhớ những người đã khuất cũng như ngỏ lời cám ơn những bàn tay rộng lượng khắp năm châu đã dang tay đón nhận những người tỵ nạn. Đó là “Bước Chân Việt Nam”, do Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ viết chung, như một bản quốc ca cho những người Việt Nam thống khổ, lưu vong. Trong niềm tin tất yếu vào tương lai, người nghệ sĩ khẳng định về một ngày mai của đất nước, một ngày mai có tự do, dân chủ và nhân quyền, “Một Ngày Việt Nam” hợp soạn giữa hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng & Trúc Hồ chính là nỗi mơ ước ấy. Chính chúng ta, những người Việt lưu vong sẽ bước trở về theo nhịp bước đồng hành reo vui của “Một Ngày Việt Nam”như nỗi ước mơ của bao người, thế hệ này không thành thì hy vọng đến đời sau.

Về phương diện chính trị, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có thái độ đứt khoát, như lời thổ lộ với bạn bè: “Sẽ về Việt Nam nhưng về với tư cách nào?”. Nhìn lại toàn bộ nhạc phẩm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, chúng ta thấy con người của ông hình như sinh ra để sống và viết cho người khác hơn là cho cõi riêng tư của ông, và nếu có thì cõi riêng tư đó cũng mang niềm vui hay đau xót chung của cả dân tộc. Từ một bài hát từ quân trường của ngày nhập ngũ đến ca khúc bát ngát tấm lòng nhân ái đối với con người và đất nước, Trầm Tử Thiêng đã đi hết con đường trong gai góc của chiến tranh, tù đày, vượt biển và lưu vong, cho nên có thể nói toàn bộ nhạc phẩm của người nhạc sĩ này phản ánh đời sống và tâm trạng của một con người Việt Nam lưu vong.

Trầm Tử Thiêng ra đi vào ngày 25 tháng 1 năm 2000 sau một thời gian chữa bệnh nan y theo cách riêng của ông và đã chết vì kiệt lực khi mỗi ngày chỉ nhấp vài giọt nước. Trước đó, năm 1972 Trầm Tử Thiêng đã viết bài “Tưởng Niệm” như một định mệnh. Ông viết bài “Hẹn Nhau Năm 2000”, nhưng đầu năm ấy, ông đã bỏ bạn bè ra đi quá sớm. Trong số những nhạc sĩ sáng tác có nhiều gắn bó với quê hương nhất thì Trầm Tử Thiêng là một tên tuổi sáng chói với rất nhiều nhạc phẩm đã đi vào lòng người từ trước năm 75 cho đến khi ông qua đời vào hồi 8 giờ 15 sáng ( giờ California ) ngày Thứ Ba 25 tháng 01 năm 2000 tại bệnh viện Anaheim West Medical Center, nam California thuộc thành phố nơi ông cư ngụ. Hồ sơ bệnh lý của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ghi lý do đã đưa đến cái chết là bị ngộp thở do bệnh tim, sau khi được đưa vào bệnh viện vào ngày hôm trước. Ông ra đi không một lời trăn trối mặc dù có người cháu trai bên cạnh. Ông sống đời độc thân cho đến khi nhắm mắt, trong khi gia đình ông còn ở tại Việt Nam.

Trầm Tử Thiêng chết không trẻ, giữa lúc ông đã đến tuổi 64, nhưng hình như nơi ông, chúng ta tìm thấy hình ảnh một ông thầy giáo khắc khổ, sống đạm bạc và cô đơn cho tới lúc cuối đời, hơn là một người nghệ sĩ nổi tiếng hiện diện giữa đám đông hay dưới ánh đèn sân khấu. Trầm Tử Thiêng ít bộc lộ cuộc đời riêng của ông, những mối tình ít người biết cũng như cả bệnh tật ông mang vào những ngày cận tử. Nhưng dưới mắt bạn bè, Trầm Tử Thiêng là một người đạo đức nhân hậu, rộng rãi và thẳng thắn, tuy đôi khi nóng nảy. Anh cũng được tiếng là người trọng nghĩa khinh tài.

Trầm Tử Thiêng ra đi là một niềm mất mát lớn, trong phạm vi nhỏ là với những trung tâm băng nhạc ông đã cộng tác, mà nhất là Asia, nơi mà Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ đã chung sức và tâm huyết viết nên những ca khúc để đời. Nếu mai sau, dất nước không còn Cộng Sản, không còn thù hận, đố kỵ giữa con người chung một quê hương, thì những bản nhạc của riêng ông hay viết chung với Trúc Hồ là những bản nhạc mang tính chất lịch sử, phải được đời sau nhắc nhở.

Có thể nói, Trầm Tử Thiêng chết đi cho đến giờ này, bảy tám năm sau, cho tới giờ này, hải ngoại vẫn chưa ai có thể thay thế ông. Bảy năm, người bạn vong niên của ông, Trúc Hồ như mất nguồn cảm hứng, nếu không nói như Bá Nha đập vỡ cây đàn khi Tử Kỳ không còn nữa, đó là điều mà người đời gọi là tri âm, tri kỷ.

Ông không còn sống để chờ những “tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, nhưng ông đã trao lại cho thế hệ trẻ tuổi niềm tin vào một buổi sáng bình minh của đất nước, để chúng ta có thể trở về như lời tiên tri của ông:“người về một giờ một đông hơn !”trong bài “Kinh Khổ”.





See all 34 videos Nhạc audio Nhạc phẩm

Huy Phương 04-2007

Dự án thành lập trường Cao Đẳng Đại Lộc

Hiện nay tại huyện Đại Lộc có gần 200.000 dân nhưng không có trường dạy sau cấp trung học, các em học sinh học xong không có phương tiện ra Đà Nẵng trọ học thì coi như bao nhiêu công trình học hành trở nên lãng phí vì không có nghề nghiệp chuyên môn, nhiều em thất nghiệp suốt đời hoặc đi làm nông, chạy xe ôm, tương lai tăm tội

Nhằm giúp các em có cơ hội học tiếp nghề chuyên môn, một nhóm người có thiện chí muốn mở một trường cao đẳng dạy nghề chuyên môn ngắn và dài hạn, các chuyên khoa như canh nông, chăn nuôi, kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí, hàn xì, mộc và sinh ngữ, quản trị xí nghiệp, tiếp thị v.v... Rất mong quý vị hảo tâm hưởng ứng dự án hữu ích dài hạn nầy, các trường ở Canada và Mỹ sẵ sàng giúp đỡ cho trường cao đảng Đại Lộc nếu địa phương đứng ra thành lập, xin e-mail: ngovantan@yahoo.com



Giải thưởng sáng tác ca khúc Đại Lộc

Trong mục tiêu ca ngợi thắng cảnh quê hương và con ngýời nhân hậu, giản dị, chất phác, cần cù Đại Lộc, thi sĩ Tân Văn từ Canada sẽ ủng hộ 3 giải thưởng sáng tác âm nhạc chủ đề Đại Lộc

Điều kiện: Mỗi tác giả được tham gia không hạn chế số ca khúc

Những tác phẩm phải là mới sáng tác bởi chính người dự thi, chưa hề công bố trên bất cứ phương tiện truyền thông nào bất cứ nơi nào trên thế giới.Tác phẩm phải có đầy đủ hai phần nhạc và lời tiếng Việt, có kèm CD tham khảo càng tốt.

Những công dân Đại Lộc, những ai có quê hưõng Đại Lộc hiện cý ngụ trên bất cứ nõi nào trong hoặc ngoài nýớc kể cả các nhạc sĩ chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp

Giải Thưởng:

Giải danh dự: 2.000.000$VN

Giải ưu hạng: 1.000.000$VN

Giải thượng hạng: 500.000$VN

Những bản nhạc trúng giải sẽ được công bố trong và ngoài nước, tác giả được giữ bản quyền và nhận tác quyền khi được xử dụng. Xin liên lạc với ngovantan@yahoo.com

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.