Apr 19, 2024

Tùy bút - Bút ký

Viết, lách(Tùy bút).
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 06:05:22 PM, Mar 30, 2009 * Số lần xem: 1667


Bốn giờ sáng tôi đã trở mình coi như hết ngủ dù đã nhiều lần tôi cố gắng trở mình lăn qua lăn lại nhưng không thể nào tiếp tục giấc ngủ. Tôi vẫn biết các bạn già thường nói tuổi già ít ngủ. Sau bữa cơm trưa, người luống tuổi chỉ chợp mắt mười lăm phút là nhiều. Ban đêm, người già chỉ ngủ nhiều nhất năm tiếng; bác sĩ bảo ngủ thế là đủ. Lúc còn trẻ, người học trò bù đầu bù cổ chăm chăm chúi chúi mùa thi cử lo gạo lo tụng, vừa tới khuya mệt quá hai mắt nhắm ríu không thể mở nổi vừa buông mùng màn đủ vài chục giây tích tắc dằn mùng quanh chiếu tránh bầy muỗi mắt bu quanh, sĩ tử tương lai nằm lăn quay, không còn biết trời đất nhân gian thế sự. Nhờ trời và do nguyên do sức khỏe bẩm sinh từ khi tấm bé, mặc dù ngủ say như chết tôi không biết ngáy, không như những người đàn bà khác khi ngủ vẫn thường xuyên ( kéo gỗ).Cha tôi lúc còn sinh tiền mỗi khi ngủ thường xuyên há miệng một cách tự động và... ngáy một cách thoải mái tự do.
Chống khuỷu tay phải, bởi tôi không đủ sức chống khuỷu tay trái: tôi bị tổn thương ở bán cầu não bên trái, tung chăn ngồi dậy, khí trời bên ngoài phòng ngủ khá lạnh, tôi vội vàng vớ lấy chiếc mũ len chụp lên đầu, chờ đợi ít nhất ba phút. Tại sao tôi, một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nhì nhằng kéo dài gần mười năm đằng đẳng, phải chờ đợi ít nhất ba phút? Trong giây phút dường như có vẻ phù du ngắn ngủi ấy tôi phải loay hoay xếp gọn chăn mền, khăn gối, mang đôi vớ những ba đôi mới đủ sức ấm. Ánh sáng mù mờ của gian phòng ngủ khiến tôi không thể phỏng đoán chính xác mấy giờ. Kinh nghiệm rất đáng đồng tiền bát gạo đã khuyến cáo cho tôi biết rằng khi thức tỉnh sau cơn ngủ thâu đêm đừng hấp tấp lẹ làng đứng dậy xỏ dép bước phòng ngoài, phòng restroom chẳng hạn để tiểu tiện hoặc đại tiện. Gặp trường hợp nạn nhân bị tắc nghẽn mạch máu khiến máu không thể lưu thông trên hai bán cầu não, sự xuất huyết não chắc chắn sẽ xẩy ra, nạn nhân té ngã dẫn đến tình trạng hôn mê. Ðó là cái chết người anh ruột của tôi.
Tôi về quê với nhà tôi lo việc cưới xin dựng vợ gả chồng con trai chúng tôi. Sau lễ cưới, chúng tôi có ý định lưu lại một tuần trước khi về trở lại Mỹ. Hằng đêm, tôi thường giăng màn trải chiếu trước hiên nhà làm chỗ ngủ của tôi. Lúc về sáng tôi còn đang mải mê trong giấc ngủ, chợt có tiếng kêu ầm ỹ. Lắng tai nghe, tôi biết đó là anh tôi bị té ngã trong phòng bên cạnh, mê man bất tỉnh nhân sự không biết từ lúc nào.Lẽ tự nhiên anh tôi chưa chết, vẫn sống vất va vất vưởng tựa cái cây cằn cỗi bệnh hoạn chết dần chết mòn theo qui luật của Tạo Hóa đất trời. Dần dần sau khi ngã bệnh, tôi nghiệm ra rằng anh tôi sở dĩ bị cơn bệnh hiểm nghèo là vì anh tôi thiếu kiến thức phòng ngừa một khi anh tôi đã từ lâu bị huyết áp cao. Anh tôi đã không biết rằng lúc tỉnh giấc sau khi ngủ, anh đã điềm nhiên bước ra khỏi giường ngủ để đi tiểu mà không ngờ rằng óc não của anh khi ban đêm đã vỡ mạch máu li ti. Ðến lúc anh loạng quạng cố gắng bước ra cửa ngoài để mở thì ôi thôi sự cố đã quá trễ!
Vệ sinh cá nhân xong, tôi một mình lò dò xuống gian bếp chuẩn bị cà phê và thức ăn sáng. Căn hộ gia đình tôi hiện giờ chỉ một mình tôi (tạm trú): tuần lễ trước, nhà tôi đã đi tiểu bang New Mexico thăm gia đình tí hon con trai lớn, tuần tới nhà tôi sẽ về lại thị trấn San Diego này. Thức ăn sáng oatmeal không muối không đường là món ăn bất di bất dịch đã bao nhiêu năm tôi không nhớ. Chỉ cần một chén oatmeal là đủ. Sau dó tôi tự pha cà phê; thức uống này có khá nhiều loại, từ cà phê hòa tan pha liền nhãn hiệu Trung Nguyên, cà phê hòa tan pha sẵn Vinacafé đến cà phê nhãn hiệu Việt Nam, cà phê xay, dùng dồ lọc, pha thêm sữa bò nếu thích, nếu không chỉ phải thêm đường.
Trải qua bao nhiêu năm, mỗi sáng tôi có thói quen uống cà phê, nói nôm na là tôi đã từ lâu có tập quán uống cà phê mỗi sáng. L'habitude est une seconde nature. Tập quán là một bản tính thứ hai.
Trước khi về Việt Nam thăm quê hương, một ông bạn già trên tám mươi hỏi tôi:
Anh có muốn tôi qua lại Mỹ đem quà gì cho anh từ Việt Nam không?
Dĩ nhiên là tôi thích chớ, thích nhiều lắm. Thích... đủ thứ. Nhưng tôi chỉ đòi hỏi, chỉ yêu cầu nhơ ông bạn vong niên gởi cho tôi một ít cà phê gói hoà tan. Ông bạn vong niên phán:
Nhưng cà phê Việt Nam hiệu gì mới được chớ.
Tôi phải kề miệng vào lỗ tai, dí sát bên cốt để nghe cho được rõ ràng bởi ông bạn vong niên này là người Hoa, nói tiếng Việt lơ lớ:
Cà phê hoà tan, hiệu Trung Nguyên.
Thôi, anh chịu khó ghi lên giấy đưa tôi cất, tôi không thể nào nhớ hết.
Ngồi im lặng trầm ngâm nhâm nhi ly cà phê hiệu Việt Nam, tôi thấy cảm giác hương vị cà phê bây giờ không còn hương vị ngày trước nữa, hương vị ngày nay giờ này đã đổi khác. Cà phê đã trở nên kém đậm đà và lẽ tự nhiên kém thơm tho hơn trước. Có lẽ tuổi tác cùng với sự già nua đã làm cho vị giác kém mất mùi vị. ( Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ.)( Cung Oán ngâm khúc) Ăn một bát chè, đậu ván, chè trôi nước, tôi có cảm giác lưỡi tôi giờ đây đã kém ngọt ngào; cắn một miếng nem nướng xèo xèo nổi tăm trong chảo mỡ hoặc cắn một miếng thịt heo kho Tàu tôi cảm thấy miếng nem miếng thịt kho trong miệng đang nhai đã giảm lượng chất béo ngậy ngày trước( Ăn nem. O chuột. Tô Hoài) và ông bạn Phương lúc phì phà nhả khói thuốc mang địa danh Cẩm Lệ tỉnh Quảng Nam, liệu ông ta có còn y nguyên cảm giác khi hít khói thuốc? Lúc trưởng thành Marcel Proust nhớ lại hương vị mẩu bánh madeleine lúc ông đã nhúng tấm bánh ấy vào một chén trà nhưng hương vị của trà và mẩu bánh vào thời điểm này đã đổi khác rất nhiều và nhà văn thuộc trường phái lãng mạn Chateaubriand đã không còn cùng cảm giác khi ông nghe ngày xưa và ngày nay lúc ông nghe tiếng họa mi hót bên vòm cửa sổ. ( Có lẽ chim ca không đẹp nữa).
( Véo von thì có véo von,
Tiếng chim mi hót không còn như xưa.)
Nhưng xin viết một phụ chú: một đôi cảm giác tôi vẫn còn rất (nhạy cảm): cảm giác vị giác chua và cảm giác xúc giác. Mỗi lần nấu canh chua là mỗi lần bắt buộc tôi phải trân mình rùng mình khi húp phải một muỗng canh; nằm trên giường nệm lúc đã tắt đèn và trùm chăn kín mít từ đầu tới chân, tôi không chịu nổi sự nhột nhạt khi một góc mền đã chạm vào cổ vào cằm. Hóa ra con người chúng ta cũng rất ( nhạy cảm ) khi động chạm tiếp xúc với ngoại giới.

( Tiếng hót họa mi gần cửa sổ.
Gian nhà ngói nhỏ đangvui ở.
Ngày nào ríu rít tợ vàng son,
Hiện tại du dương như thái cổ.
Mặn lạt mùi đời điếc thúi thơm,
Ðắng cay tục lụy tê tân khổ.
Thói quen tập quán hóa chai lì.
Ðộc tố từ nay cương quyết bỏ.)

Ngồi trên ghế nhựa trầm ngâm độc ẩm tách cà phê, tôi nghĩ đến chuyện viết của tôi. Từ ngày ngã bệnh đến giờ, viết của tôi âm thầm trở thành một nghề không kèn không trống. Ngày xửa ngày xưa tôi nghe đọc sách, đọc tạp chí tôi biết những ông nhà văn nhà báo viết thuê kiếm tiền nhuận bút. Một tờ, một trang viết được trả được mấy đồng bạc Ðông Dương, như nhà văn Tam Lang, nhà văn Nguyễn cao Củng, nhà văn nữ Nguyễn thị Vinh, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Thứ Lễ tức Thế Lữ, vân vân. Sau năm 75 và sau năm 90 khi qua Mỹ tôi cũng tấp tễnh viết văn bởi sau cuộc đổi đời tôi có một mớ ý tưởng khá dồi dào buồn vui lẫn lộn. Lúc viết, tôi có cộng tác với tạp chí nguyệt san Thế Kỷ 21. Những bài đầu tay của tôi là ( Chuyện Nhà), ( Hồn tan Bóng Nguyệt ), ( Một phiên tòa) .Tiền nhuận bút đầu tiên của tôi được một trăm bạc, được biếu một số tạp chí Thế Kỷ 21. Từ đó về sau, tôi không còn nhận được tiền nhuận bút nữa, thỉnh thoảng đọc được một ít bài thơ được đăng trên tạp chí, thế cũng vui, cũng ( mừng ), cũng... hí hửng rồi. Mãy lúc gần đây nhà văn, nhà thơ bị xuống cấp một cách tệ hại thê thảm. Một số tác phẩm của nhà văn nhà thơ được in ấn, được ra mắt rồi được phát hành được quảng cáo được giới thiệu nghe rất ồn ào rất xôm tụ rất rùm beng rất rôm rả, rốt cục những tác phẩm những thi phẩm được tiêu thụ xem ra rất khiêm tốn. Lâu lâu mở thùng sử dụng giấy in những tác phẩm đã phát hành ra coi lại, sách vẫn nằm yên vô tội.
Viết phải có chủ đề, riêng tôi, với chủ đề thì nhiều vô số, từ chính trị, văn học, thi ca, tôn giáo khoa học đến triết học, từ hình nhi hạ đến hình nhi thượng học, chủ đề nào tôi cũng mon men, nhưng tôi không đủ trình độ khả năng quán triệt thấu đáo. Riêng chủ đề chính trị tôi lại khoái, lại thích, mặc dù chính trị vốn tự nghìn xưa là con thò lò sáu mặt. Tú Bà là con thò lò sáu mặt và Hồ tổng-đốc cũng là con thò lò sáu mặt. Nhưng nhà nước chính phủ kiểm soát dòm ngó mạng lưới tinh lắm, thỉnh thoảng tôi cũng hé lộ đôi chút về tình hình thời sự chính trị, cốt để xả xú báp. Nhưng người bạn nhận được mạng lưới thông tin của tôi tinh như ( Hai người tranh nhau con sò ) của nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine:
(- Nhờ trời, tôi mắt cũng tinh .
Cãi rằng: mắt tớ còn nhanh gấp mười ). 
Ðó là hai nhân vật, hai nạn nhân của nhân vật thứ ba là quan án nọ:
( Hai người đi trẩy hội chùa,
Qua nơi bãi cát gặp sò nổi lên.)
Nhân dịp qua mạng lưới thông tin qua internet, tôi đã một đôi lần nhẹ nhàng đả kích phê bình về đường lối chính sách của chính phủ Việt Nam với bạn Phương cho vơi bớt nỗi bực tức bất mãn , hi vọng mỏng manh rồi ra, Phương sẽ dễ dàng hiểu cuộc sống của chế độ và một phần nào thông cảm người viết và gởi điện thư. Nhưng Phương đã lầm! Phương nín khe, coi như không biết, không nghe chuyện chính trị chuyện thời sự, Phương rất ngại chuyện đả động tới vấn đề thời cuộc.
Buổi sáng vào lúc bảy giờ, tôi thấy thời tiết khá nhiều mây mù, đồng thời nghĩ tới chuyện nắng mưa: nắng mưa là bệnh của trời... Nhưng khi tài xế lái xe đưa tôi cùng một số bệnh nhân tới Trung Tâm, trời lại nắng rực rỡ, tôi chỉ đội một cái mũ kết đen kiểu người già thường đội không mang kính, kính đây là kính đen đối với người già phải giải phẫu mắt. Sau khi giải phẫu, mắt có vẻ nhìn rõ hơn, trông rõ hơn, xem sách dễ dàng hơn, nhưng phải một cái tật là con mắt nhìn ánh sáng màu sắc bất kỳ màu gì cũng màu trắng và có vẻ chói mắt. Chính vì thế tôi phải mang kính đen cho dịu ánh sáng. Phải chăng sau khi giải phẫu, mắt tôi đã trở nên ( sáng mắt sáng lòng?) Kể cũng tội nghiệp cho Phương, giáo sư Việt Văn bị mất dạy sau năm 75 nhưng ngược lại được phước lớn không phải học tập cải tạo vì Phương bị động viên trong diện sĩ quan biệt phái, được điều động về bộ Quốc Gia Giáo Dục. Sau năm 75, Phương không chịu khai báo tình trạng hiện dịch là trung úy, chỉ khai chuẩn úy: tái ông thất mã.

( Nắng đẹp đột nhiên mưa nặng hạt.
Mưa phùn gió bấc bay xào xạc.
Trời Ðông tuyết đổ rét căm căm,
Ðất Bắc sương sa rơi lác đác.
Én liệng dập dìu chẳng thấy vui,
Hồng phô rực rỡ buồn lưu lạc.
Tha hương cố quốc pháo đì đùng.
Thưởng tách trà sen hương ấm áp).

Ðã viết tất lách. Lâu nay bạn còn viết lách gì không? Theo chỗ từ ngữ tôi hiểu, viết là động từ chính và lách chỉ là động từ phụ thuộc, bổ sung động từ chủ yếu viết, như viết truyện ngắn truyện dài, viết tiểu thuyết, viết lịch sử, viết truyện dã sử, truyện trinh thám, truyện liêu trai, truyện kiếm hiệp, truyện phong tình, viết tùy bút, viết tiểu sử, dật sử, đề tài viết về chính trị, phong tục, tập quán, văn hóa, xã hội vân vân. Nhưng một khi chính trị có liên quan tới việc an ninh xã hội, tất phải có vấn đề thẩm vấn, điều tra, xách nhiễu, hạch sách, tù tội. Nhẹ thì cảnh cáo răn đe, nặng thì tù tội, thủ tiêu một khi chính quyền đương nhiệm là một chính thể độc tài độc đoán, bịt miệng tiếng nói đề cao dân chủ, tự do ngôn luận hội họp tự do tín ngưỡng và hơn một lần nhà cầm quyền rất ( nhạy cảm ) đối với những yêu cầu đòi hỏi chính đáng ấy. Thủ đoạn ( kiểm duyệt ) báo chí truyền thông là ưu tiên số một hàng đầu của nhà đương cuộc. Viết nhưng phải với điều kiện dừng khiêu khích Ðảng, chính phủ và Nhà Nước phá rối trật tự trị an công cộng, nhân dân bị động chạm chẳng khác chi ( gái ngồi phải cọc.)
Viết phải lách, đó là tiêu biểu cho tác phẩm đồ sộ Thái Huyền, tác giả là thầy Cung giũ Nguyên hiện giờ đã quá cố. Thái Huyền, tự nó vốn đã là một sự lách rồi. Thầy Nguyên viết vô thưởng vô phạt, thú thật tôi chẳng hiểu một ly ông cụ nào dù cố gắng đã đọc hằng mấy mươi trang sách. Những nhân vật trong Thái Huyền như Amdo, Calame, Domicella, Pergorain, Katharima... theo tôi hiểu là những mật ngữ trong các mật mã bị rối nùi trong mê hồn trận, cho tới bây giờ trước lúc thầy Nguyên ra đi thầy bảo những nhân vật ấy đã được ( giải mã ) từ lâu! Tôi dám thách thức quý độc giả vui lòng làm công việc ( giải mã ) các nhân vật Thái Huyền để người đọc được nhờ! Ai chẳng biết xã hội chủ nghĩa là ( xạo hết chỗ nói, xếp hàng cả ngày), chính phủ là ( chú phỉnh), sáng ăn khoai có nghĩa là ( khoái ăn sang), thày giáo có nghĩa là ( tháo giày ), phấn khởi nói lái là ( khới phẩn ).
Trong bài tựa của Thái Huyền, thầy Nguyên có viết một câu duy nhất khiến tôi phải lo ngại giùm nghề viết văn của thầy mặc dù thầy biết khá nhiều nhân vật cán bộ chuyên nghiệp như ông Hồ Ngọc Nhường, bí thư tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa, ông Cung giũ Hốt tức Cung giũ Phú, giám đốc sở Thông tin Văn Hóa( ông Hốt tức ông Phú là bào đệ của thầy Nguyên): Không thiếu gì sách, bất luận giá trị đã sống lâu hơn những chế độ muốn tiêu diệt chúng( Thái Huyền, trang ììi). Tôi nghi tác phẩm Thái Huyền của thầy đã bị chạm nọc mất rồi. Dĩ nhiên ban văn hóa kiểm duyệt không đời.. nào để yên bỏ qua những dòng chữ nghe ra cực kỳ phản động, nhưng họ đành ( nín thở qua sông ).Dù gì ông Nguyên vẫn là một nhà trí thức kỳ cựu, không thể xem thường qui kết chụp mũ được. Không biết, không hiểu mật ngữ của Thái Huyền, họ cay lắm, nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Một chuyện buồn cười cũng khá hay, tôi nghĩ câu chuyện có khá nhiều ẩn ý nói đúng hơn có khá nhiều mật ngữ mà ban văn hóa an ninh kiểm duyệt không tài nào cảm nghiệm được. Một người cháu gái hiện giờ là một cô hiệu trưởng (chưa hay không chịu lập gia đình) có khoe với tôi rằng cô ấy rất thích nghe bài hát ( Mùa xuân đầu tiên ) của cố nhạc sĩ Văn Cao. Quả thực khi nghe bài hát ấy của Văn Cao, tôi không mường tượng nổi âm điệu của bài hát, nhưng rồi tôi cũng cố gắng đặt cho cô hiệu một câu hỏi cốt để đùa nghịch châm chọc cho vui câu chuyện. Tôi hỏi:
Bài hát ( Mùa xuân đầu tiên ) hay là bài hát ( Mùa xuân cuối cùng ) vậy, thưa cô Hiệu?
Tôi nghĩ là cô Hiệu có khả năng trực giác rất nhặm lẹ nên hiểu ý nghĩa thầm kín sâu xa của tôi nên không trả lời, trực giác của nữ tính trời cho. Sau tôi nghĩ lại có vẻ chín chắn hơn và có vẻ nghiêm túc hơn: nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ( Mùa xuân đầu tiên ) trong tình huống hoàn cảnh trường hợp nào? Sau năm 1954, khi chiến cuộc Quốc Cộng tới hồi tạm kết thúc, Cộng quân kéo nườm nượp kéo về chiếm cứ thủ đô nên nhạc sĩ Văn Cao sung sướng xúc động hồ hởi phấn khởi sáng tác bài hát mong chờ đã bao lâu, ( Mùa xuân đầu tiên ) tương tự bài hát rất hùng dũng, khí thế tràn đầy của cố nhạc sĩ Y Vân ( Anh về Thủ Ðô), hay là sau năm 1975 Cộng quân miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam nên cố nhạc sĩ cũng sáng tác một bài hát tương tự trong bối cảnh đó, cũng tương tự bài hát lạ lùng kỳ cục vô duyên của nhạc sĩ đã mất ( Nối vòng tay lớn ).
Cũng sau năm 75, tình trạng kinh tế hậu chiến Việt Nam rơi vào túng quẫn kiệt quệ. Viện trợ tiếp tế cho quân viễn chinh Mỹ làm gì có nữa( dĩ nhiên viện trợ quân sự lại càng không), nhân dân Việt Nam đi lên vùng gọi là ( kinh tế mới ) đối với những người trước kia đã từng làm sĩ quan công chức của miền Nam ngày trước. Chiến lợi phẩm sau ngày súng bị gãy tôi không biết phe chiến thắng đã làm những gì, chỉ biết đêm đêm hàng đoàn xe lửa nối tiếp từng wagons đóng kín cửa wagons lầm lũi chạy suốt từ Nam ra Bắc. Thực phẩm bắt đầu khan hiếm, cơm không có mà ăn, áo chẳng có mà mặc, điểm tâm chỉ độc nhất có ( khoái ăn sang ) và ( bánh xe lịch sử ).( Khoái ăn sang) chắc quý độc giả đã biết nhưng tôi đố quý độc giả ( bánh xe lịch sử ) là cái giống gì.
Nhiên liệu khan hiếm, than củi cũng không dồi dào, máy móc động cơ trang thiết bị thì bị đưa về Bắc để chính phủ và Ðảng ta nghiên cứu hòng lên án tàn dư của chế độ Mỹ Ngụy. Nhân dân Việt Nam lại phong phú đầu óc sáng tạo. Xe cút kít được sáng chế bằng xe ( cải tiến ), không dùng sức đẩy của máy nổ mà chỉ tận dụng sức người; xe hơi không còn được sử dụng bằng nhiên liệu xăng nữa mà bằng than củi. Một cái lò gang được trang bị cho một cỗ xe con cóc sản xuất từ đời từ thuở nào (có lẽ hiệu xe là Renault?), lò đốt than đá được đốt phụ bằng than củi săng, được gắn ngay sát cạnh cái thang sắt bắc trên mui xe, bên trên, người phụ (ết)có thể chuyên tải bất cứ: than củi, mạt cưa, gà vịt, đôi khi heo chó, tội nghiệp khi con vật đáng thương ị trên mui là một lần khách đi buôn trong xe phải nín thở để tiếp tục hành trình. La vie de l'homme, a-t-on dit, c'est un voyage. Mais ce n' est pas surtout un voyage agréable, car nous avons à passer orage sur orage.
Một ngày kia, sau khi chở vợ xuống chợ Ðầm Nha Trang lo việc mua bán quần áo, tôi thong thả đạp xe về nhà, trên quốc lộ Một, tôi thấy một chiếc xe hơi hiệu con cóc đang mệt nhọc ì ạch di chuyển về một vùng tôi đoán chừng kinh tế mới, đàng sau xe tôi thấy hành khách ngồi chen chúc trong xe, một lò than đỏ đang hừng hực cháy, hơi nóng bốc lên tỏa ra khiến người tưởng tượng khá giàu phong phú như tôi cũng phải ngộp thở. Chiếc xe chậm chap từ từ lăn bánh, trông khó nhọc khổ sở tựa con ngựa đã về già, nếu một người đạp xe đạp nhanh, người ấy có thể qua mặt chiếc xe cà khổ dễ dàng.
Có một vật gì di chuyển trong lúc chiếc xe hơi (cải tiến) đang lên một quãng đường dốc: một nắm than từ chiếc lò đang bốc cháy đỏ lăn lông lốc trên mặt đường. Hành khách trên xe vẫn tiếp tục câu chuyện gần như không có một sự cố gì. Một người đàn ông trung niên đạp xe đạp sau chiếc xe, nhìn những cục than hồng lăn trên mặt đường nhựa một cách chăm chú đoạn cất tiếng:
Vàng. Vàng đó. Vàng xã hội chủ nghĩa đó.
Người đạp xe đạp quay lại nhìn tôi, đoạn cất tiếng cười khùng khục, khoái trá, tương tự chính sách của Ðảng và Nhà Nước chủ trương chính sách ( kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,) và cũng cách nay ngót hai mươi năm, đất nước ta cương quyết (Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.)
Lẽ đương nhiên, trong tình hình hiện tại, đã viết thì phải lách. Lách là luồn lọt, là né tránh sao cho khéo khiến người phụ trách công việc kiểm duyệt khó có thể tìm và khám phá ra sơ hở. Người đọc nếu tinh ý thường dễ phát hiện sự luồn lách của người viết, người này cần có ít nhiều đầu óc u mặc, mỉa mai kín đáo, dễ chọc cười người đọc.
Ngày nay, người Việt Nam ngày càng ít đề xướng ít giương cao khẩu hiệu chủ trương chính sách kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.