Apr 23, 2024

Truyện ngắn

Dị Mộng
Dương Thượng Trúc * đăng lúc 07:40:20 PM, Apr 27, 2017 * Số lần xem: 1296
Hình ảnh
#1

Mặt trời lên chưa cao lắm. Chỉ vừa gác đỉnh mấy ngọn núi hướng đông mà ánh nắng đã chan hòa khắp nơi!
Nắng rực rỡ trên mảng đất Bazan đỏ thẫm bên những sườn đồi còn loang lỗ dấu vết của một thời chinh chiến điêu linh.
Nắng lượn lờ trên những trảng cỏ tranh theo từng cơn gió sớm.
Nắng lấp lánh từ hạt sương khuya còn đọng trên đầu những ngọn cỏ non vừa nhú mầm sau cơn mưa tuần qua.
Và nắng len lỏi qua tàn cây, nhảy múa trên chiếc áo trận bạc màu của gã trung niên đang gò lưng đạp chiếc xe thồ không vè, không thắng.
Không gian êm ả, chỉ có tiếng gió rì rào qua kẽ lá hòa cùng tiếng chim ríu rít chào đón bình minh, tạo cảm giác thật an bình.
Thế mà chỉ khoảng hơn chục năm trước đây thôi. Nơi này đã từng chứng kiến những trận thư hùng vô cùng khốc liệt giữa các đại đơn vị của hai miền Nam Bắc.
Vùng rừng núi âm u hiểm trở này kéo dài lên miền bắc đến tận ngã ba Tam Biên.
Lợi dụng hành lang biên giới khó kiểm soát của ba nước Việt Miên Lào. Bắc quân đã thiết lập một trục lộ chiến lược để vận chuyển binh lính, quân trang quân dụng xâm nhập miền Nam với ý đồ thôn tính mảnh đất Tự Do.
Những cuộc đụng độ lớn thường diễn ra vào thời điểm này, tức là vào giữa mùa mưa.
Bắc quân chọn mùa mưa để mở những chiến dịch lớn, vì sự yểm trợ về phi pháo cho Nam quân sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Trải qua gần năm năm trấn đóng vùng cao nguyên đất đỏ này, hắn đã chứng kiến biết bao đồng đội, chiến hữu nằm xuống trên những ngọn đồi, khe suối, thung lũng mà hắn đang đạp xe qua.


(Hình minh hoạ internet)

Tất cả đã trở về với cát bụi. Họ đã hoàn thành trách nhiệm người trai trong thời binh lửa. Riêng hắn, vẫn tiếp tục cuộc sống đọa đầy trên mảnh đất mà ngày xưa chính hắn cũng từng đổ máu xương để gìn giữ.
-Này anh kia! Dừng lại bảo này tý!
Đang miên man trong dòng hồi tưởng, hắn bỗng giật nẩy mình vì tiếng gọi lanh lảnh vang lên giữa rừng già thanh vắng.
Hắn vội thọc đại chân trái với chiếc giầy đi rừng đã cũ vào khoảng trống giữa sườn và bánh xe đạp để làm cái thắng cho xe dừng lại.
Hắn không giật mình vì nghe tiếng gọi bất ngờ, bởi chuyện này hắn vẫn thường gặp, khi thì lão tiều phu, lúc thì gã lâm tặc hoặc tên thợ săn. Mà hắn cảm thấy khó chịu với cái ngữ điệu trịch thượng, kẻ cả mà hắn đã phải nghe rất nhiều năm trong các trại tù khổ sai.
Đàn chim đang líu lo ca hát cũng ngưng bặt vì một âm thanh lạ, rồi bất ngờ cùng vỗ cánh tung bay như bị vỡ tổ.
Cũng may, đang bắt đầu lên dốc, nên chiếc xe cũ kỹ chỉ lết thêm một đoạn nữa thì dừng hẳn.
Chưa kịp quay đầu lại thì đã thấy có người đứng lù lù trước mặt. Đó là một phụ nữ, ở vào độ tuổi trên dưới ba mươi, gương mặt không đẹp, nhưng dễ nhìn với cái trán vồ bướng bỉnh và đôi mắt sắc, dáng mảnh mai, trong bộ đồng phục màu xanh của thanh niên xung phong, nón tai bèo đội lật ra phía sau, cái sắc cốt to vác trên vai. Nếu không có mái tóc cuộn tròn lủng lẳng đong đưa, thì hắn đã tưởng là một chàng thanh niên. Cô ta nói trong hơi thở hổn hển:
-Làm cái gì mà chạy như bị ma đuổi thế?
-Ơ hay! Chị nhìn xem, xe tôi đâu có thắng, nên phải từ từ mới ngừng được chứ!
-Ai rỗi hơi nhìn xe anh có thắng hay không…À! Mà “thắng” là cái gì thế nhỉ?
-Thì… Thắng là thắng chứ còn là gì nữa?
-Nhưng thắng để làm gì?
-Để làm cho xe ngừng lại.
-Phanh! Phải gọi là cái phanh chứ thắng với thiếc gì!
-Bà chị muốn kêu là phanh thì cứ tự nhiên còn tôi thì tôi cứ kêu là cái thắng.
Người phụ nữ ưỡn ngực đanh đá hỏi:
-Người ta như thế này mà gọi bằng bà hả? Chửa chồng đấy nhá!
-Lần sau ra đường đề nghị chị đeo tấm bảng “Chửa Chồng” trước ngực cho mọi người biết nhé!
-Hết bà lại đến chị!
-Phép lịch sự thôi!
-Quăng cái lịch sự của anh vào sọt rác đi! Tôi “nhớn” hơn anh hay sao?
Hắn vẫn ngồi trên yên xe, giả bộ nghiêng nghiêng đầu, ngắm nghía người phụ nữ với nụ cười nửa miệng, khiến cô ta xấu hổ xịu mặt xuống.
-Bà và chị đều không chịu thì gọi bằng cô vậy nhá!
Cô gái lặng thinh không phản đối.
-Tại sao cô lại lang thang một mình giữa rừng vắng thế này, và cô cần gì ở tôi đây?
-Tôi từ ngoài Bắc vào, theo phái đoàn đi khảo sát thực tế, chiều hôm qua mải mê ngắm mấy cành lan rừng, nên bị lạc. Bây giờ tôi cần ra đường cái để về Kon Tum nơi mà chúng tôi đang ở trọ.
Hắn ngẩng mặt nhìn trời, ra vẻ trầm ngâm một lúc rồi nói:
-Từ đây ra đến quốc lộ 14 còn gần hai mươi cây số, lại nhiều đèo cao suối sâu, cô đi có nhanh lắm thì cũng mất hơn bốn tiếng. Lúc ấy chắc chẳng còn xe cộ gì đâu.
-Ai bảo với anh là tôi sẽ đi bộ?
-Không lẽ cô bay?
-Anh đèo tôi!
Hắn bật cười trước lối nói chuyện như ra lệnh của cô gái:
-Tại sao tôi lại phải đèo cô nhỉ? Chúng ta đâu có quen biết gì. Hơn nữa tôi cũng đang bận…
Cô nàng xuống giọng:
-Chẳng nhẽ anh lại đành tâm bỏ một người phụ nữ giữa rừng vắng thế này à!
…“Ái chà chà! Cũng biết vận dụng tâm lý chiến nữa nhỉ…”. Hắn cười thầm trong bụng.
-Đèo cô cũng được, nhưng còn cái của nợ ấy thì sao?
Vừa nói hắn vừa chỉ vào cái sắc để dưới chân cô nàng.
-Tôi ngồi đàng sau, đeo sắc đàng trước. Chỗ “ghi đông” ấy.
-Cô khéo tính toán nhỉ! Thế này thì ra đến đường lộ chắc cũng cũng chả còn xe cho tôi về Pleiku nữa rồi. Coi như hôm nay tôi gặp vận xui đi.
Nói là để dọa dẫm thôi, chứ thật ra hắn cũng đâu nỡ lòng bỏ cô ta lại trong hoàn cảnh ngặt nghèo thế này.
Loay hoay một lát rồi mọi chuyện cũng ổn, và chiếc xe cà khổ lại tiếp tục lăn bánh trên con đường thiên lý, bây giờ thì nặng nề hơn rất nhiều vì có thêm vị khách không mời.
Cơn mưa mấy ngày trước còn để lại hậu quả thật tai hại, con đường mòn ướt át và trơn trợt. Khi lên dốc thì nó cứ tuột ngược xuống vì quá nặng, người con gái phải nhảy xuống đẩy từ phía sau.
Lúc xuống dốc thì nó lao vèo vèo như tên bắn. Khiến cô nàng sợ khiếp vía. Ban đầu chỉ vịn vào yên xe, sau thấy nguy hiểm quá, cô đành ôm thắt lưng hắn, và càng lúc ôm càng chặt…
Để tránh bớt sự ngượng ngập, hắn gợi chuyện:
-Lúc nãy cô bảo là đi khảo sát thực tế, vậy chắc cô là chuyên viên địa chất?
-Không! Tôi theo Hội Phụ Nữ đi quan sát hiện trường để đưa dân xã tôi vào xây dựng vùng kinh tế mới.
-Trời đất ơi! Chỗ này chỉ toàn rừng và núi, ngay cả đến người Thượng, trước kia được sự trợ giúp của chính phủ miền Nam mà còn sống không được, các cô định đưa họ vào đây ăn đá à?
-Làm gì mà anh hét to thế! Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm mà !
-Đó chỉ là một câu khẩu hiệu…
Hắn kịp dừng lại ở hai chữ “láo toét” cuối câu…
-Trời sinh voi sinh cỏ, lo gì!
-Đúng, ở đây thì rất nhiều cỏ. Thế trước khi đi các cô có giải phẩu thay bao tử cho họ không?
-Sao lại thay bao tử, mà bao tử gì?
-Bao tử voi ấy, để họ có thể ăn cỏ được chứ!
-Anh nói chuyện cứ như đùa, một con voi trị giá bao nhiêu, mà lại lấy bao tử thay cho người?
-Theo cách nghĩ của các cô thì giá trị con người còn thấp hơn cả súc vật nữa à? Mà này!
-Gì thế?
-Trong danh sách đi xây dựng vùng kinh tế mới đợt này, có gia đình bí thư xã không?
Cô gái ngần ngừ một lúc mới trả lời:
-Không…
-Thế có chủ tịch xã không?
-Cũng không…
-Còn phó bí thư, phó chủ tịch thì sao?
-…Không nốt…
-Thế bây giờ cô đã rõ chưa? Chỗ nào béo bở thì có bọn họ, chỗ nào gian khổ thì có nhân dân đấy…
Cô gái lặng thinh không trả lời, một lúc sau cô hỏi lãng:
-Còn anh làm gì ở đây?
-Đốn củi hầm than.
-Trước đấy làm gì?
-Ở tù.
-Trộm cắp, hay xì ke ma túy?
-Cô nhìn tôi có giống cái hạng người ấy chăng? Mà sao cô lại nghĩ như vậy?
-Tại chúng tôi được học tập là ở trong Nam này cái thứ ấy đầy đường. Anh có vẻ không phải, vậy sao lại tù?
-Sĩ Quan chế độ cũ.
-À! Ngụy quân. Mà như thế phải gọi là học tập cải tạo chứ…
-Ngụy là ngụy thế nào? Quân đội chúng tôi thành lập có văn thư, có nghị định có sự hỗ trợ của các quốc gia đồng minh trong khối tự do. Còn học tập cải tạo à? Đem nhốt chúng tôi nơi rừng sâu núi thẳm, bắt lao động khổ sai ngày đêm, cho ăn bằng thực phẩm gia súc mà gọi là học tập sao?
-Thì báo đài vẫn gọi như thế mà.
Cô gái có vẻ xìu khi nghe giọng nói sẳng lè của hắn. Cảm thấy hơi bất nhẫn, hắn nhủ thầm:
“…Có lẽ cô ta cũng sấp sỉ ba mươi rồi, bằng ấy năm bị nhồi sọ, giáo dục như thế, làm sao có thể nghĩ khác, nói khác được. Mà hôm nay mình làm sao thế nhỉ? Thiếu hẳn cái sự tế nhị hàng ngày khi giao tiếp với phụ nữ. Chắc tại cô ta đã để lại ấn tượng không đẹp ngay từ phút giây gặp gỡ ban đầu. Người gì mà ăn mặc, cử chỉ cục mà cục mịch. Nói năng thì bất lịch sự kẻ cả, trịch thượng… Nhưng đâu phải chỉ mình cô ta, đại đa số người miền bắc mới vào nam, mà mình có dịp nói chuyện, đều dùng cùng một loại ngôn ngữ như thế cả. Bận tâm làm gì cho mệt …”. Hắn dịu giọng:
-Xin lỗi cô!
-Sao anh phải xin lỗi!
-Vì tôi hơi lớn tiếng với cô!
Cô gái bật cười khanh khách, tiếng cười khua động rừng già:
-Vẽ chuyện, ngoài bắc chúng tôi, đánh nhau vỡ đầu xong bắt tay cười xòa một cái là hòa cả làng.
-Bởi thế trong ngôn ngữ giao tiếp của người miền bắc xã hội chủ nghĩa ngày nay, hai chữ “Cám Ơn và Xin Lỗi” dường như đã hoàn toàn biến mất.
-Chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cả! Ối! Thôi chết rồi!
Nghe cô gái la lên thảng thốt, hắn đùa:
-Chuyện gì thế? B.52 thả bom hả?
-Anh nhìn lên trời kia kìa! Xem còn bỡn được không?
Hắn ngẩng đầu lên theo lời cô gái, cũng giật thót người. Từ nẫy đến giờ cắm cúi đạp xe dưới những vòm cây đan kín nên không hay biết gì cả. Khi ra ngoài khoảng trống thì mới thấy là bầu trời hướng đông đã bị phủ đầy mây đen, gió thổi cuồn cuộn…Hắn trấn an:
-Gió mạnh thế này, chắc mây sẽ tan mau thôi!
-“Cơn đàng đông vừa trông vừa chạy” đấy ông tướng ạ!
-Nhưng chạy đi đâu bây giờ? .
-Hay mình dừng lại lấy áo tơi ra mặc đỡ.
-Với trận mưa này, thì mười cái áo tơi cũng chẳng che ấm được thân cô đâu! Cách đây không xa là lò than cũ, chúng tôi mới bỏ đi năm ngoái, ở đấy có một căn chòi chắc chắn và kín đáo, để tôi cố đạp nhanh lên, chúng ta vào đấy đụt…
-Này này! Nói năng sàm sỡ vừa vừa chứ ông nỡm!
Cô gái la lên vẻ giận dữ, át cả tiếng gió vù vù bên tai khi xe đang đổ dốc. Hắn cũng gào lên:
-Cô nghe được gì mà bảo tôi sàm sỡ?
-Anh nói gì thì anh biết, chứ sao lại hỏi tôi!
-Tôi bảo rằng gần đây có một cái chòi rất kín đáo, chúng ta vào đấy…đụt…tránh mưa.
Hắn ngắc ngứ trong cuống họng ở những chữ cuối cùng. Vấn đề là bất đồng ngôn ngữ đây mà! Vả lại trong lúc vội, hắn nói không tròn câu khiến cô gái hiểu méo mó. Hắn cười trừ, giải thích:
-Đụt mưa là chữ đồng nghĩa với tránh mưa của tiếng bắc đấy cô nương ạ! Cô hiểu đi đâu rồi vậy? Nghèo mà ham!
Nhận ra sự làm lẫn của mình, cô gái đánh trống lãng:
-Đạp mau mau lên! Mưa đến nơi rồi kia kìa!
Quả vậy, mưa đã bắt đầu rớt hột. Ban đầu còn nhẹ, sau nặng dần, và bất chợt đổ ập xuống như trút nước.
Hai người đến được nơi muốn đến thì đã ướt như chuột lột!
Hắn đạp thẳng xe vào bên trong căn chòi đang mở rộng cửa.
-Trời miền Nam lạ thật! Đang nắng chang chang muốn mưa là mưa…
Cô gái vừa phủi những hạt mưa trên tóc, vừa cằn nhằn.
Dựng chiếc xe đạp vào vách chòi, hắn nói:
-Cô có đem theo quần áo khô thì lấy ra thay đi. Đừng để bị cảm lạnh! Tôi nhóm lửa lên sưởi cho ấm!
Căn chòi mái tranh vách nứa, cửa làm bằng cây lồ ô kết lại chắc chắn, có lẽ đề phòng thú dữ, không rộng lắm, chiều ngang chỉ độ hai thước, chiều dài hơn ba thước. Từ cửa bước vào, bên trái là cái chõng tre vừa cho hai người nằm. Bên phải là bếp lò được dựng nên bởi ba cục gạch. Cạnh đấy có một cái khạp nhỏ chứa nước uống. Khoảng trống từ giường ngủ đến bếp được chất đầy củi khô. Chắc dự phòng khi lỡ bước.
Loay hoay xếp củi vào trong bếp xong, quay lại thấy cô gái vẫn đứng tần ngần bên cái sắc đặt trên giường, hắn hỏi:
-Sao cô còn chưa thay quần áo? Mặt mày xám ngoét vì lạnh rồi kìa!
-Làm sao thay được?
-Ơ hay! Thì cởi quần áo ướt ra, mặc quần áo khô vào chứ còn sao nữa! Rõ ngớ ngẩn…
-Nhưng …nhưng chả nhẽ…tôi …cởi quần áo…trước mặt anh…?
“…Cha mẹ ơi! Thì ra mình mới là thằng ngớ ngẩn…”
Hơn năm năm trong các trại tập trung chỉ toàn đực rựa với nhau, nên việc tắm rửa thay quần áo cứ tự nhiên như thời ông A-Dong còn chưa có bà E-Và. Rồi gần năm năm cùng với một đồng đội cũ làm “song kiếm trấn ải” giữa vùng rừng núi âm u này, hắn đã quên mất sự kín đáo cần thiết cho người phụ nữ thay đổi xiêm y! Vả lại, ngay từ giây phút đầu, hắn đã có cảm tưởng cô ta là một người đồng phái. Nên cứ thản nhiên bảo cô thay quần áo, mà quên mất sự có mặt của mình sẽ là một trở ngại không thể vượt qua đối với người phụ nữ. Hắn nhẹ giọng:
-Xin lỗi cô! Để tôi ra ngoài hút thuốc, cô khép cửa lại, khi nào xong thì cho tôi biết.
-Làm vậy không được! Bên ngoài trời còn đang mưa to, quần áo anh ướt sũng rồi, ra hứng mưa thêm cho bị ốm à?
-Không lẽ tôi ở trong này…ngắm cô…
-Đúng! Anh ở lại trong này, nhưng không được nhìn.
-Thế thì làm sao?
-Bây giờ anh ra khép cửa lại rồi chịu khó đến ngồi trong góc giường kia, quay mặt vào vách, nhớ nhắm mắt lại đấy nhá…
Hắn bước đến kéo cánh cửa vào, chèn cây thanh ngang cho chắc chắn, rồi nhảy tót lên cái chõng tre, bò đến sát góc, ngồi xếp bằng theo thế kiết già, mắt nhắm nghiền.
-Cô mau mau tay lên nhe! Tôi vốn không có căn tu mà bắt ngồi tham thiền nhập định kiểu này khó chịu lắm.
-Được rồi! Nhớ nhắm mắt lại đấy!
-Biết rồi! Khổ lắm nói mãi!
Cô gái cười khúc khích! Tiếng cười của cô hòa trong tiếng gió rì rào ngoài hiên, cộng với tiếng mưa rơi trên mái tranh, thỉnh thoảng lại còn có cả tiếng sấm vang động rừng núi!
Lạ thật! Giữa chuỗi âm thanh bừa bộn hỗn tạp ấy hắn vẫn nghe rõ mồn một tiếng sột soạt của vải khi cô gái cử động, mặc dù có vẻ như cô ta rất nhẹ nhàng…Cái tiếng động kỳ lạ ấy được tách riêng ra ở một thang bậc khác, không bị lẫn lộn, hòa trộn vào những nhiễu âm đang rầm rập chung quanh. Nó là một bè riêng trong giàn hợp tấu. Không lảnh lót về cao độ, không ngân nga về trường độ và lại càng không dồn dập về cường độ, thậm chí bị “temp mort” hơi nhiều nhưng vẫn rất rõ nét. Nó nhẹ nhàng, chơi vơi dễ đưa tư tưởng còn người đến một cảnh giới hoang mơ nào đó!
Hắn tự lấy làm ngạc nhiên về mình!
Chỉ mới qua cái tuổi “tam thập nhi lập” vài năm, mà sao lại không có chút xúc cảm nào trong hoàn cảnh cô nam quả nữ này. Hắn dửng dưng với bối cảnh chung quanh, tâm bình trí thản như một bậc tu hành chân chính. Lại còn điềm nhiên theo dõi tiếng động ấy để đoán xem công việc đã tiến triển đến đâu. Sau mỗi lần sột soạt là im lặng, và tiến trình ấy phải diễn ra đến lần thứ tư mới hoàn thành.
Nhưng sao chỉ mới ba lần thì dừng lại khá lâu?
-Này anh ơi!
-Xong rồi hả? Tôi mở mắt ra được chưa?
Cô gái la lên hốt hoảng:
-Chưa! Chưa! Đừng mở mắt! Có sự cố!
Hắn bật cười:
-Thay quần áo mà cũng có “sự cố” nữa à? Sự cố thế nào?
-Hai cái móc áo ngực, ở tận sau lưng, tôi không cởi được.
-Sao lại phải thay cả áo ngực?
-Ướt hết rồi, hơn nữa cả ngày hôm nay mồ hôi mồ kê nhễ nhại…khó chịu lắm…
-Mà tại sao không cởi được? Trước kia ai làm cho cô?
-Tay tôi bị rét, cứ lóng nga lóng ngóng…Với lại từ bé đến giờ tôi có mặc đâu. Đây là lần đầu tiên đấy.
Hắn muốn bật cười khi nghe giọng nói vừa mặc cảm vừa e thẹn của cô gái. Tiếng cười chưa phát ra, thì bị tắt nghẹn nơi cuống họng.
“…Ông Địa ơi! Một phụ nữ sống gần nửa đời người mới có dịp tiếp xúc với món trang sức mà nhân loại đã bỏ biết bao công sức, tiền của để vẽ kiểu, tạo dáng, thiết kế cho ngày một hoàn hảo hơn, tiện lợi hơn hầu tôn vinh nét đẹp trời cho ấy. Thì đây chẳng phải là chuyện đáng cười! Mà là chuyện đáng thương…”
-Thế trước kia cô mặc gì?
-Miền bắc chúng tôi chỉ mặc yếm thôi! Có hai sợi dây, choàng vào cổ là xong ngay, chẳng móc miếc gì cho phiền hà. Nói thế chứ không phải ai cũng cũng có yếm mà mặc đâu nhá! Tiện tặn lắm mới được đấy!
-Vậy bây giờ cô muốn sao?
-Anh…Anh cởi hộ tôi…
-Chuyện này…khó coi lắm…
-Anh đừng mở mắt ra thì chẳng sao đâu! Hơn nữa, tôi quay lưng về phía anh mà…
-Nhắm mắt làm sao thấy đường mà cởi…
-Thì anh …sờ thôi…Nào anh ngồi gần ra mép giường đi. Đưa tay đây cho tôi! Nhớ là không được mở mắt đấy.
-Biết rồi…
Hắn làm theo lời cô gái như một cái máy. Di chuyển ra gần mép giường, mắt vẫn nhắm chặt.
Một bàn tay lạnh giá, run lẩy bẩy cầm lấy bàn tay phải của hắn đặt vào một nơi khác ấm áp hơn và rất mịn màng.
“…Sao cô ấy run thế nhỉ, chắc là lạnh lắm đây! Còn chỗ này là đâu mà cong cong thế này…Chắc là cần cổ… thế thì phải di chuyển bàn tay xuống mới gặp được cái móc…”
Hắn mỉm cười nghĩ đến chuyện mấy anh thày bói mù sờ voi…
-…Ấy ấy…anh sờ đi đâu đấy…
-Thì tìm móc chứ còn đi đâu nữa…
-Phải sờ lên cơ, chỗ ấy là thắt lưng…
-Tôi thì ngồi…còn cô đứng hay ngồi tôi không rõ, nên khó xác định vị trí. Lên thì lên…Được rồi, tôi đã thấy sợi dây ngang…Mà sao cô cứ uốn éo người như con rắn thì tôi cởi thế nào được…
-Bàn tay của anh…cứ như có điện ấy…buồn buồn bỏ sừ đi…
Lúc cởi đã khó, móc vào cho cô nàng càng khó hơn. Nhưng nhờ trước đây vợ hắn thỉnh thoảng làm nũng bảo hắn giúp, nên có kinh nghiệm. Rồi mọi chuyện cũng hoàn tất một cách êm đẹp và hắn cảm thấy mình giống một vị thày thuốc, sờ soạng trên da thịt người con gái xa lạ như đang chẩn bịnh chứ không hề vấn vương một chút tà niệm.
-Xong rồi! Anh mở mắt ra đi!
Trong ánh sáng nhá nhem còn sót lại của buổi chiều tà, trước mắt anh là một con người khác. Vốn dáng người thanh mãnh, bây giờ cô ta càng thướt tha hơn trong bộ đồ bộ màu tím nhạt, điểm bông vàng đỏ, tuy màu sắc có sặc sỡ, nhưng lại tôn vinh làn da vốn trắng xanh của cô!
-Anh làm gì mà nhìn tôi kỹ thế?
-À...Cô bắt tôi nhắm mắt lâu quá nên bây giờ mở ra bị chóa…Cô mặc bộ quần áo này đẹp lắm… ra dáng phụ nữ đấy…Tuy màu sắc có hơi sặc sỡ.
Cô gái e thẹn:
-Cám ơn anh! Cũng là lần đầu tiên. Trước kia chỉ áo vải nâu, với Kaky Nam Định.
-Cô bắt đầu nói năng có vẻ lịch thiệp rồi đó.
Cô gái cầm bộ quần áo màu xanh đưa hắn:
-Học được ở anh đấy! Anh cũng thay đi, người ướt sũng thế kia!
-Tôi ngồi hơ lửa một lát là khô ngay. Quần áo của cô bằng tý ấy tôi mặc sao vừa.
-Bộ này tôi mới lãnh chưa kịp sửa chữa, nên rộng lắm. Thay đi, mặt anh tái xanh rồi kìa! Không khéo bị ốm thì khổ.
Hắn không nỡ từ chối tấm lòng thiết tha của cô gái nên miễn cưỡng cầm bộ quần áo, nói đùa:
-Cám ơn cô! Bây giờ đến lượt cô ngồi vào vách, nhắm mắt lại đấy nhé.
Với tính cách nhà binh, chỉ loáng cái hắn đã tươm tất trong bộ quần áo còn thơm mùi vải. Rồi nhanh nhẹn đứng lên làm tiếp công việc dang dở.
Bỏ thêm mớ củi vào trong lò, hắn bật hộp quẹt.
Cô gái lôi trong sắc cốt ra cái bọc nhỏ và một tờ báo cũ. Trải mảnh báo xuống nền đất bên bếp lửa, cô bầy biện ra gói cơm nắm to bằng một trái bưởi non và một gói muối vừng. Dùng con dao nhỏ, cô cắt cơm như những múi cam.
-Từ trưa đến giờ mình chưa có gì bỏ bụng! Chắc anh cũng đói rồi, ăn đi lấy sức…
Hắn nhìn cô gái vẻ ngạc nhiên, cô trừng đôi mắt sắc lên, chọc lại hắn:
-Anh nghĩ sang đâu rồi? Ăn no lấy sức, ngày mai còn đèo tôi đấy! Đừng tưởng bở…
Hắn e dè cầm miếng cơm chấm vào gói muối vừng mà cô nàng vừa chấm, lòng cảm thấy nực cười vì hoàn cảnh oái oăm này.
Đã mấy mươi năm rồi, mới được ăn lại món cơm quê hương.
Lúc mới di cư, mẹ vẫn nắm cơm cho hắn mang đi học.
Nhưng lúc ấy chỉ làm trò cười cho mấy đứa học trò lý lắc.
Nên mỗi khi ăn cơm nắm trong lớp học là một cực hình đối với hắn. Thế mà miếng cơm hôm nay ngon chi lạ…
Ngoài kia, màn đêm đã buông xuống tự lúc nào. Mưa cũng đã ngớt. Trong căn chòi nhỏ, hai người ngồi gần bên nhau, ăn chung một nắm cơm, chấm chung gói muối vừng…
Qua ánh lửa bập bùng gương mặt của cô gái hồng hào lên, có lẽ do đã ấm áp lại, mà cũng có thể do một điều gì đó, hắn chẳng hiểu.
-Cơm này cô nắm từ bao giờ thế?
-Sáng hôm qua!
-Thế mà không bị thiu nhỉ!
-Nếu biết kỹ thuật nắm, cơm có thể giữ được ba bốn ngày ấy chứ!
-Kỹ thuật như thế nào?
-Cơm phải nấu thật nhão, lúc còn nóng cho vào một miếng vải bóp nặn càng nhiều càng tốt, cho hạt cơm dính vào với nhau. Đợi khi nguội, bọc một lớp lá chuối rồi cho vào bao nylon…
-Bọc lá chuối làm gì thế?
-Để cơm không bị khô!
-Thì ra thế!
Hắn nhớ lại, khi còn trong tù, nếu thuốc lào bị khô, anh em thường bỏ vào một miếng lá chuối cho dịu lại…
Cơm nưóc xong rồi, hắn vuôn vai đứng dậy:
-Cô có mang mùng mền không?
-Là cái gì cơ?
-À! Là chăn màn ấy mà…Cô làm tôi nhớ lại lúc nhỏ đi học, khổ sở nhất là khi bị mấy thằng bạn quỷ quái người nam phát hiện ra mình là dân bắc. Mỗi sáng xếp hàng chào cờ, tôi phải đứng tuốt ở phía sau, nếu đứng hàng đầu hay hàng giữa là chúng nó xúm lại sau lưng xem tôi có lòi cọng rau muống ra không. Lúc bấy giờ có bài hát “Khúc Nhạc Đồng Quê” của Nhạc Sĩ Thúc Đăng rất được phổ biến.
…“Quê hương tôi gió chiều về trong nắng vàng…
-Anh hát hay nhỉ!
-Thế mà tụi nó sửa lời lại để nhạo dân bắc kỳ như thế này:
…Quê hương tôi, cái mùng mà kêu cái màn…
Cô gái bật cười khanh khách, tiếng cười lan dài trong căn phòng vắng.
-Thôi bây giờ anh giúp tôi mắc “mùng” rồi đi ngủ…
-Cô cứ tự nhiên, tôi sẽ ngồi đây đến sáng…
-Cho muỗi nó khiêng anh đi à? Rồi ngày mai ai đèo tôi?
-Chả lẽ mình ngủ chung? Ngại lắm…
-Chỉ có một cái giường, một cái màn và một cái chăn, không ngủ chung thì ngủ riêng thế nào được. Tôi là phụ nữ còn không ngại, anh lo gì?
-Tôi sợ…tai tiếng cho cô…
-Không sao cả. Tôi thấy ngoài hiên có một bụi chuối. Bây giờ anh ra chặt vào đây cho tôi một cây. Nhớ chặt bỏ hết tàu lá nhé.
Hắn rút con dao nhỏ trong cái túi máng trên xe, mở cửa bước ra ngoài làm theo lời cô gái, mà chả biết để làm gì.
Khi vác cây chuối trở vào thì mọi chuyện đã xong xuôi, cô gái ngồi sẵn trong mùng, sát vách.
-Anh chui vào đây! Nhớ đem theo cây chuối. ..
Hắn còn lưỡng lự, cô gái lại lên tiếng thúc giục:
-Mau lên, đứng đấy làm mồi cho muỗi rừng à?
Hắn ngần ngại vạch mùng chui vào.
-Đặt cây chuối ở giữa cho tôi! Đây là vùng phi quân sự! Anh miền Nam, tôi miền Bắc. Cấm không bên nào được vi phạm đấy nhá! Nằm xuống đi!
Cô gái nói xong thì nằm xuống. Hắn cũng rón rén ngã lưng xuống, mùi hương bồ kết từ tóc cô gái thoang thoảng quyện vào mũi hắn, tạo cảm giác vừa xa lạ vừa quen thuộc. Quen thuộc vì ngày xưa, mẹ cũng gội đầu bằng thứ quả này. Và xa lạ vì từ bao năm rồi, mùi bồ kết đã được thay bằng mùi hương của Zest, của Dial…
Vì là màn một, nên phải giăng thật thấp mới đủ chỗ cho hai người nằm. Bởi vậy không gian bên trong rất chật hẹp, quay qua bên phải đụng vách mùng, quay lại bên trái đụng…cây chuối…
Cô quăng một nửa phần chăn sang cho hắn:
-Chung chăn nhưng không được vượt tuyến đấy!
Hắn nực cười với lối suy nghĩ và cách hành xử của cô gái nên chọc:
-Chúng tôi có bao giờ vi phạm đâu, chỉ có miền bắc là hay xâm nhập miền nam thôi…
-Miền bắc chi viện để giải phóng miền nam mà…
-Thế đêm nay…cô có vào giải phóng…tôi không?
-Anh ấy à! Tập trung cải tạo…
-Eo ơi! Sợ quá…
-Miền nam các anh cũng hay lái máy bay ra đánh bom miền bắc đấy thôi!
-Đó là chuyện của mấy ông phi công. Còn bộ binh chúng tôi chỉ gởi lính ra thu thập tin tức!
-Bây giờ đã mở cửa rồi, cứ việc tham quan tự do, không cần phải làm cái công việc dọ thám nữa nhá.
Cô cười rúch rich vì cho đó là một câu nói đùa thâm thúy.
Không muốn chuyện đi quá xa, hắn chuyển hướng:
-Cô quê quán ở đâu vậy?
-Thày tôi người Nam Định, còn u tôi thì ở Quỳnh Lưu Nghệ An.
-Ái chà! Cùng quê với Hồ Xuân Hương đấy nhỉ!
-Bà ấy là ai? Ủy viên trung ương đảng hả?
-Lúc ở trung học cô không được học về nhân vật này sao? Đó là bà chúa thơ Nôm.
-Chả bao giờ! Chỉ học về các đồng chí lãnh đạo cao quý thôi!
-Thế cha mẹ cô vẫn khỏe mạnh cả chứ?
Cô gái im lặng một lúc khá lâu mới lên tiếng, giọng có vẻ bùi ngùi:
-Thày tôi mất lúc nào chả biết, tôi về sống ở quê u, trong một căn chòi chắc cũng bằng ngần này, chỉ hơn được một chái bếp. Rồi u chết năm tôi vừa tròn mười tuổi, cũng vào một đêm mưa tầm tã như đêm nay. Ngày ấy, tôi đang bị sốt nặng, nằm liệt giường vì vừa không có thuốc, vừa không có thức ăn. Trong nhà chỉ còn nửa bơ gạo, u tôi đang định đi nấu nồi cháo thì trời đổ cơn mưa. U bảo để u đi bắt còng về ram cho tôi ăn cháo.
Người khoác áo tơi ra đi, bỏ mình tôi nằm thiêm thiếp với giấc mơ cháo còng.
Làng quê tôi là đồng chiêm trũng, mỗi khi mưa nhiều, nước khắp nơi đổ về, những cánh đồng trước nhà biến thành biển cả mênh mông.
Mưa càng to, bụng tôi càng cồn cào. Tôi nghĩ đến lúc được cắn cái chân còng ròn tan mà ứa cả nước bọt. Còng chỉ rang muối thôi! Chứ nhà làm gì có mỡ. Tôi thiếp đi trong cơn đói lả như thế với những cái chân còng rang muối.
Giật mình tỉnh dậy thì trời đã sáng, gọi mãi chẳng thấy u trả lời. Tôi chạy vội ra sân và la to cầu cứu. Mọi người xúm lại đi tìm. Và đã phát hiện ra u tôi chết đuối tự lúc nào bên một bờ ruộng sâu. Tay trái người cầm cái giỏ, tay phải còn nắm chặt một con còng to…
U tôi chết cong queo như một con cá khô, loắt choắt…
-Xin lỗi cô! Tôi đã vô tình gợi lại mối thương tâm ..
-Anh có lỗi gì đâu! Hơn nữa tôi cũng đã nguôi ngoai dần. Gần hai mươi năm rồi còn gì. Tôi chỉ thương u…và hình ảnh u tôi cong queo với con còng trên tay không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi cả…
Cô gái nói giọng ráo hoảnh, mà chất chứa bao nỗi ngậm ngùi.
-Tôi nói thật mong cô đừng buồn, nếu cuộc sống khó khăn gian khổ vậy, thì thà bác ra đi như thế còn thanh thản hơn.
-Anh nói vậy để an ủi tôi thôi, chứ con sâu cái kiến còn muốn sống huống chi con người!
-Con sâu cái kiến sống vì bản năng, con người sống còn có lý trí nên đôi lúc cũng là một sự giằng co, đối kháng rất mãnh liệt…
-Thôi đừng nhắc chuyện của tôi nữa, nói về anh đi…
-Tôi theo cha mẹ di cư vào Nam lúc mới hơn bốn tuổi. Ăn học và trưởng thành trên mảnh đất hiền hòa và cũng đầy lòng nhân ái này. Cha mẹ muốn tôi học hành đỗ đạt, để có một cuộc sống an nhàn về sau. Mà lúc trước ở miền Nam, việc ấy thật dễ dàng, chỉ cần chịu khó, chăm chỉ học hành, sẽ có kết quả tốt. Học giỏi thì có trường công, học không giỏi hoặc kém may mắn trong khi thi tuyển thì các trường tư thục đầy dẫy. Chỉ đóng học phí hàng tháng, và khi đi thi thì bình đẳng chứ không phân biệt công hay tư. Mọi chuyện tưởng sẽ êm đềm trôi qua như những gì mình mong ước. Nhưng rồi đến năm ấy, họ đem chiến tranh vào thành phố. Họ cướp đi của tôi một đứa em gái, họ phá hủy toàn bộ công lao gầy dựng của cha mẹ tôi trong bao năm trời. Và khi lang thang ở các trại tạm cư, được chứng kiến sự chiến đấu vô cùng hiểm nguy, gian khổ của những người lính trẻ, tiếp xúc trao đổi cùng họ, tôi tự cảm thấy xấu hổ với lòng. Bấy nay dấu mình trong ốc đảo vị kỹ, mà tưởng là khôn ngoan hơn người. Thật ra mình chỉ là một thằng hèn. Biết bao người đã phải hy sinh xương máu để tôi có được những giây phút an bình lo chuyện học hành, lo chuyện xây đắp tương lai. Mấy tháng sau, tôi tình nguyện nhập ngũ, rồi được thuyên chuyển ra đóng ở vùng này, hơn bốn năm. Sau bẩy lăm bị tập trung đến cuối năm tám mươi mới về, theo một đồng đội cũ lên đây đốn củi hầm than sống qua ngày.
-Còn gia đình anh?
-Cha mẹ và các em tôi còn ở Saigon…
-Ý tôi muốn nói vợ con anh kìa…
-…Chùng dây lạc phím tơ đồng.
Người ôm cầm bước sang sông lỗi thề…*
Cô ấy đi thăm nuôi hơn ba năm thì bặt tin. Đến khi được thả về, mới biết thuyền đã sang sông. Chẳng dám trách ai, ngày tôi vác ba lô đi tù…à quên đi tập trung, cũng vào một buổi chiều mưa như hôm nay, nhìn cô ấy mong manh trong tấm áo mưa đưa tiễn mà nghe đứt từng đoạn ruột. Chẳng có một chút tài sản nào để lại. Cô ấy bồng con về ngoại tá túc qua ngày…Rồi đến một lúc nào đó…vượt quá khả năng chịu đựng của con người thì đành thôi….
-Các bà các cô vợ Sĩ Quan trong này sung sướng quen rồi, nên khi gặp cảnh trái ngang, khó tránh khỏi ngã lòng. Nhất là khi họ đã có cả một chính sách?
-Chính sách thế nào?
-Vợ Ngụy ta xài, con Ngụy ta sai, nhà Ngụy ta ở…Đó là câu tâm nguyện nằm lòng của những người đi B.
-Nói thế chứ đâu phải ai cũng sa ngã…Còn cô, kén chọn quá à?
-Anh nghĩ xem, từ những năm đầu thập niên 60 tất cả trai tráng trong làng đều được động viên lên đường vào Nam. Đi mười phần, ngày về còn năm, trong năm ấy thì có đến ba phần là què quặt, mù lòa. Hai phần còn lại thi hành chính sách trên. Tôi quen tên đội trưởng thanh niên xung phong của xã, hắn đang định tìm người đến dạm ngõ tôi thì có lệnh vào nam công tác. Chỉ hai năm sau đã cuỗm được một bà: da trắng như ngà, môi đỏ như son…
-Thế là hắn bỏ cô?
-Có ở ngày nào đâu mà bỏ. Chẳng phải riêng tôi, phụ nữ lứa tuổi ngoài ba mươi cho đến năm mươi ở xã tôi cứ là ế chỏng gọng ra. Nhiều người buồn tủi quá, họ quan hệ bừa để tìm một đứa con an ủi lúc tuổi già. Ban đầu gia đình xã hội còn lên án, sau đành chấp nhận, vì gần như nhà nào cũng có…
Bất chợt tiếng gà rừng gáy vang ngắt ngang câu chuyện của cô gái:
-Ấy chết sáng rồi cơ à!
-Chưa đâu, buổi chiều mưa, gà đi ngủ sớm, bây giờ đẫy giấc, giật mình tưởng trời sáng, nên gáy vậy mà. Tôi gặp cảnh này hoài.
-Thế mà tôi tưởng đã sáng rồi…thì phí quá!
-Cô bảo gì?
-Không …không có gì…Miền nam có câu ca dao nói về cảnh gà gáy đêm, anh nhớ không?
-…Canh khuya gà gáy ó o …
-Rồi cái gì nữa?
Hắn ngáp một tiếng khá lớn, nói tiếp:
-…Nguyên bản thì tôi không nhớ… mà bây giờ là:
…Gà gáy cứ gáy, anh khò mặc anh…
Và sau đó là tiếng ngáy khò khò của hắn nổi lên. Để cho người phụ nữ một mình độc thoại giữa đêm trưòng thanh vắng về một ước mơ ngoài tầm tay với: ước mơ làm mẹ.
***
Tiếng gà rừng xao xác làm hắn bừng tỉnh. Trời chưa sáng hẳn, nhưng cũng đã nhận rõ hình bóng người con gái đang đứng tựa cửa ngẩn ngơ, nhìn xa vắng.
Hắn tung mình ngồi dậy, bước xuống giường, vừa gỡ mùng vừa nói:
-Cô thức sớm vậy?
-Đêm qua rét quá, ngủ chẳng được…
-Rét trong này sao đã bằng ngoài bắc…
-Rét ngoài bắc là rét ở da thịt, còn rét đêm qua là rét trong tâm hồn…
Hắn nói lãng:
-Cô ít ngủ như thế hôm nay đi đường mệt lắm đấy, còn phải qua nhiều đồi núi…
-Lo thân anh đi!
-Tôi à? Cô yên tâm! Khỏe như voi!
…mấy núi cũng trèo.
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua…mà…
-Ba hoa chích chòe…
-Sao cô lại bảo tôi ba hoa?
-Suốt đêm qua chỉ có mỗi cây chuối cũng chẳng trèo qua nổi, mà bây giờ đòi vượt mấy núi, mấy đèo…
Hắn buông rơi góc mùng, đứng sững người vì câu nói hết sức bạo dạn của cô gái.
-Thì như câu ca dao đấy …phải thương nhau mới trèo chứ…
-Không có khả năng còn đổ vạ cho ngoại cảnh…
-Có lẽ cô cũng biết, cây chuối không phải là trở ngại, mà chính là khoảng cách giữa hai tâm hồn, đã không có sự hòa hợp thì đừng nói một đêm, cho dù là trăm đêm đồng sàng đi nữa cũng đành dị mộng mà thôi. Mong cô thông cảm.
Cô gái cúi đầu, vẻ cam chịu:
-Tôi hiểu…
Thời tiết hôm nay có vẻ tốt, nên họ lên đường thật sớm, sau khi ăn qua quýt mỗi người một miếng cơm nắm.
Thế mà khi ra đến Quốc lộ 14 thì trời cũng đã gần đứng bóng.
Trong lúc cô gái cặm cụi gỡ những mảng đất đỏ dính chặt ở đôi dép lốp, hắn lôi trong túi áo ra cây bút Paker từ thời còn ngồi ghế trung học, xé cái bao thuốc đang hút dở, hý hoáy viết.
Khi cô gái đứng lên, hắn bước đến trao mảnh giấy cho cô và nói giọng bùi ngùi:
-Bây giờ thì cô đi hướng bắc để đến Kontum, còn tôi chờ xe xuôi nam về Pleiku. Chúng ta như bèo mây tan hợp, nhưng chắc rằng phút giây này sẽ khắc sâu trong lòng tôi. Chẳng biết còn có cơ duyên gặp lại nhau chăng. Tôi xin gởi cô bài thơ làm kỷ niệm.
-Anh làm thơ tặng tôi?
-Tôi có làm thơ! Nhưng không có tài xuất khẩu, nên đành mượn tạm bài thơ của người khác, mong cô thông cảm.
Cô gái cầm mảnh giấy, bỏ vào túi áo trên, chớp chớp mắt ra chiều cảm động:
-Thơ của ai cũng được, hễ có chữ của anh là tôi vui rồi.
-Cám ơn cô! Thôi xe đã đến rồi kìa! Cô lên đường bình an! Nhớ là khi về đến nhà mới được mở thơ ra đọc nhé!
Hắn đỡ cái sắc lên cho cô gái xong rồi, đứng lặng bên lề đường cho đến khi chiếc xe đò khuất dạng.
***
Xe chạy đã khá xa, mà cô gái vẫn tần ngần đứng nơi bực thang lên xuống, khiến anh lơ phải la to:
-Đi vào trong ngồi đi. Bịn rịn thế sao chẳng ở lại với nhau…
Cô gái bước theo hướng tay trỏ của anh lơ về cuối xe, mặt cúi gầm, cố che dấu những giọt lệ long lanh nơi khóe mắt.
Cô cảm thấy như mình vừa đánh mất một cái gì đó rất quý giá:
“…Ngay cả đến tên anh ấy, mình không biết nữa, thật là đoảng”
Sờ lên túi áo cô mừng thầm, vì nghĩ sẽ có tên người viết trong ấy, rồi lại ngần ngừ:
‘…Anh ấy dặn về nhà mới được đọc mà…Nhưng bây giờ mình với anh ấy càng ngày càng cách xa, có đọc bây giờ hay về nhà thì cũng vậy thôi!
Cuối cùng sự nôn nóng đã thắng, cô mở cái bao thuốc lá ra, trong đó không chứa đựng những gì cô mong đợi, mà chỉ có một bài thơ như sau:
Bài Thơ Đeo Sắc.

Nhờ tôi đeo sắc lúc qua đèo.
Chẳng nỡ chối từ, phải cố đeo.
Sắc nặng dốc dài, đeo mà ốm.
Cù vân đèo má, sức đâu trèo.
Ghi đông xe đạp, đeo vào đấy.
Kẻ đèo người nắm, dắt nhau leo.
Mai kia gặp lại, đèo em nhé.
Một bận nên quen, cứ phải đèo.
Khuyết Danh.

Cô ấp cái bao thuốc lá vào ngực một cách trìu mến:
“…Không hiểu anh chàng mượn thơ của ai tả cảnh thật hay, thật sát thực tế.’
Cô hình dung lại những hình ảnh đã trải qua và nghiền ngẫm từng câu thơ, thấy nó đúng làm sao ấy.
“…Lúc bắt đầu đeo sắc lên, thấy mặt anh chàng cứ thuỗn ra, mệt lắm chứ chẳng chơi. Phát ốm ấy chứ lại! Rồi khi lên dốc, đường trơn trợt kẻ thì đèo người thì nắm. Mà mình có đi qua cái đèo Má nào không nhỉ! Chắc phải có thì mới đưa vào thơ chứ! Lại còn hẹn ngày gặp lại, cứ phải đèo nữa cơ chứ. Bài thơ này có khác gì lời hẹn ước. Ôi! Con người mới lịch lãm và tế nhị làm sao. Cả một đêm nằm bên mình mà không hề tỏ ra khiếm nhã. Chẳng bù với thằng bí thư xã, mỗi lần mình lên họp hội phụ nữa là y như rằng hắn cũng có mặt, rồi tìm mọi cách để nói chuyện lăng quăng chẳng ra đầu ra đũa gì! Mình ghét nhất đôi mắt lươn ti hí của hắn, nhìn mình như muốn lột trần cả mấy lớp vải kaki ra vậy. Nói năng thì như dùi đục chấm mắm cáy. Đã thế lại cứ áp sát cái hàm răng vẩu vào mặt mình, đến là tởm.
***
Suốt đoạn đường hôm ấy và cho đến khi về tới quê nhà, thì hình bóng của người đàn ông một lần tình cờ gặp gỡ vẫn lởn vởn trong tâm trí cô rõ mồn một.
Và rồi, một buổi chiều kia cô đã đem những háo hức ấy chia sẻ hết với người bạn ở gần nhà, vốn học chung từ cấp hai.
Cô này có chồng là dân miền Nam, vào bưng năm Mậu Thân rồi được đưa ra bắc học tập.
Hai người bàn ra tán vào về bài thơ và về con người huyền thoại chỉ một lần tao ngộ:
-Tao nghĩ anh chàng có vấn đề đấy mày ạ! Chứ ai lại giữa rừng khuya thanh vắng, chung chăn gối với một cô gái mơn mởn như mày mà chẳng làm gì sất thì lạ thật …
-Mày tưởng ai cũng háo sắc như mấy cái thằng vô học ấy à! Người ta là Sĩ Quan, ăn nói nho nhã lại biết làm thơ, nên tình yêu cũng phải nhẹ nhàng lãng mạn chứ.
-Mày từ lâu ao ước có một đứa con, vậy sao hôm ấy không giải phóng anh chàng luôn…
-Ai lại “cột đi tìm trâu” bao giờ! Với lại mình phải có cái gì với người ta mới thế được chứ…
-Xời ơi! Bây giờ “Ăn cơm trước kẻng” cứ là vô tư…
-Muốn ăn trước kẻng thì cũng phải có cơm chứ!
-Tại mày ngố quá chứ gì?
-Chứ có tý kinh nghiệm nào đâu!
-Việc quỷ ấy cần quái gì kinh nghiệm, cứ tấn công bừa thì dù Tiên hay Thánh cũng phải sa địa ngục …
…”Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn.
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ…”** Mày giữ kẽ như thế, nên đánh mất cơ hội rồi…
-Các cô đang nói về cơ hội gì đấy?
Hai người giật mình vì chồng của cô bạn vừa về đến, lên lên tiếng hỏi to.
-Bạn em nó quen được một anh chàng trong nam, thơ văn ra phết.
-Đâu đưa đây xem thử!
-Khéo! Anh đừng làm rách. Nó quý như báu vật đấy.
Người đàn ông cầm cái vỏ bao thuốc lá đã mềm nhũn trong tay, đưa lên chăm chú đọc.
Bỗng gã ta cười phá lên, cười sặc sụa, cười văng cả nước mồm nước miếng vào mặt hai cô gái đang ngồi trước thềm cửa.
-Làm cái gì mà cười như điên thế!
Gã chạy vào bàn rót vội cốc nước, uống tồng tộc, để dằn cơn cười xuống, một lát sau mới bước ra, nói:
-Các cô là hậu duệ của bà Hồ Xuân Hương mà không biết lối chơi chữ trong bài thơ này thì tệ thật đấy.
-Chơi chữ chơi nghĩa gì, nói mẹ nó ra đi còn ở đấy mà dài dòng văn tự nữa.
Cô vợ sốt ruột mắng chồng.
-Mà cũng phải thôi! Tựa đề bài thơ và câu thứ nhất họ dùng lối thêm dấu nên các cô không để ý…
-Thêm dấu ra làm sao?
-Ngày xưa ở trong Nam có một ông soạn giả cải lương rất nổi tiếng. Nghệ danh của ổng là Quy Sắc. Các cô có biết tại sao không, tại vì ổng tên là Quý - Nguyễn Phú Quý nên ổng lấy nghệ danh là “Quy Sắc…Quý”…
-À! Hay nhỉ!
-Còn nhiều chuyện hay nữa. Hồi xưa còn đi học thấy cô nào đỏng đảnh quá thì chọc quê như vầy nè: Em có nụ cười thật xâu sắc, và đôi mắt thật mơ huyền.
-Vậy là khen cô ta, chứ chê bai gì nào.
-Các cô lầm rồi! Em có nụ cười thật “xâu sắc xấu” và đôi mắt thật “mơ huyền mờ” đó. Nụ cười thật xấu và đôi mắt thật mờ thì khen hay chê?
-Thế có liên quan gì đến bài thơ?
Gã ta lại bật cười lên sặc sụa:
-Bài thơ này có bẩy câu dùng cách nói lái, lái hai chữ, lái ba chữ, câu thơ thứ sáu còn lái tới bốn chữ. Tựa đề bài thơ và câu đầu là cách thêm dấu. Cô nghĩ xem cô nhờ anh ta “đeo…sắc”…
Cô gái chồm lên chụp mảnh giấy từ tay gã đàn ông, rồi phóng nhanh ra cổng chạy một mạch về căn chòi nhỏ.
Hướng đông, từng đám mây đen đang vần vũ kéo về.
Tối hôm ấy, không ăn uống, cô lên giường nằm với cái chăn mà hai người đã đắp chung.
Ngoài trời mưa rơi tầm tã càng khiến cho cô nhớ lại kỷ niệm đêm nào:
-…Người gì mà ngốc nghếch. Cỗ bàn bầy sẵn không hưởng dụng, lại còn hẹn gặp lại để “cứ phải đèo…”
***
Hắn trở lại lò than chiều hôm sau. Trời quang mây tạnh, tối đó hai anh em ngồi nhâm nhi mấy xị rượu đế hắn mới mang về.
Nghe lý do về trễ một ngày của hắn, người bạn bật cười, nhất là kể đến đoạn đọc hai câu ca dao:
-Cậu đắc đạo đến nơi rồi đấy! Người ta đã bầy tỏ thái độ như thế mà cậu vẫn dửng dưng thì lạ thật!
-Từ phong thái, đến cử chỉ ngôn ngữ, chẳng có bất cứ một chút đồng cảm nào cả, cậu bảo mình phải làm sao? .
-Thế cậu còn đưa bài thơ cho người ta làm gì?
-Cô ấy là người cùng làng với bà chúa thơ nôm, mình muốn dùng chính phong cách ấy để cho cô ta một bài học vậy mà …
-Cậu làm thế là ác lắm, gieo vào lòng người ta những ngộ nhận, rồi đưa đến tơ tưởng viễn vông…

Hắn hơi băn khoăn trong lòng vì những lời nói hữu lý của bạn.
Từ đấy trở đi, mỗi đêm rừng đổ cơn mưa, thì hình bóng cô gái trán vồ, mắt sắc lại lởn vởn trong tâm trí. Nhưng hắn vẫn tự khẳng định với lòng mình, khi hai tâm hồn không cùng một hướng nhìn, thì dù có nằm chung hàng ngàn đêm chăng nữa, vẫn cứ đồng sàng mà dị mộng. Tuy thế, hắn cũng cảm thấy hơi ân hận vì đã nghịch ngợm trao cho cô ta “…Bài Thơ Đeo Sắc…”.



Dương Thượng Trúc.
Wichita, Vào Hạ 2012
(batkhuat.net)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.