Apr 24, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Đọc Thơ Lên Trời Của Thái Quốc Mưu
Châu Thạch * đăng lúc 09:30:58 PM, Apr 13, 2017 * Số lần xem: 1162
Hình ảnh
Tác giả Châu Thạch
#1
#2

                                                       

    Chẳng biết nhà thơ Thái Quốc Mưu có phải là tiên là Phật hay không?. Nếu không phải là tiên là Phật thì đích thì ông là anh chàng ngông thuộc hàng bậc nhất thế gian. Bởi vì ông làm thơ lên trời nhiều lần mà xuống địa phủ cũng lắm khi. Thường thường, những người ngông thì hay kiêu ngạo khiến cho trời không dung đất không tha nhưng cái ngông trong thơ Thái Quốc Mưu lại làm cho người vui mà trời cười thoải mái.

Đọc cái ngông của Thái Quốc Mưu nhiều khi ta cũng thấy mình lâng lâng siêu thoát như cùng ông viếng Ngọc Hoàng, thăm địa phủ.

Trước hết hảy thưởng thức vài bài thơ tiêu biểu mà ông kể chuyện lên trời: 

 

 LÃO ĐIÊN CHẦU TRỜI  

Ngọc Hoàng hạ chiếu bảo về chầu
Vội lái phi thuyền diện kiến tâu
Quan chức ngồi nghe ngàn mấy trự
Bệ tiền tấu rỗi mỗi thằng tao
Cái tình dân tộc còn đâu - Chán!
Hai chữ nghĩa nhân cũng hết - Sầu!
Thượng Đế nghe xong liền vỗ án...
Tây Vương Thánh Mẫu thét: “Đau đầu!”


Atlanta, April. 7, 2012

Thái Quốc Mưu

 

 

Hai câu mở của bài “Lão điên chầu trời” đã cho ta thấy hai cái ngông của nhà thơ. Thứ nhất Thái Quốc  Mưu tự nhận mình là quan chức nhà trời, vì chỉ có quan chức nhà trời thì mới lìa thế bay lên khi nhận chiếu chỉ Ngọc Hoàng. Người trần mắt thịt của chúng ta chỉ bỏ thế gian khi Satan mang lưởi hái tử thần đến điều đi trong đau khổ. Cái ngông thứ hai là Thái Quốc Mưu tự cho mình là phi hành gia số một trần gian, vì cho đến nay chỉ có người cởi phi thuyền bay đến cung trăng chứ chưa hề có ai cởi phi thuyền mà lên đến tận trời, nơi thượng đế định cư. Hai câu mở tưởng là Thái Quốc Mưu chỉ nói đến hai cái ngông để cười, nhưng thật ra còn thêm một cái ngông ẩn trong hai câu thơ đó vừa cao siêu vừa thú vị. Đó là Thái Quốc Mưu tự cho mình có hai thân vị trong một con người. Thân vị là tiên khi ông nhận chiếu chỉ Ngọc Hoàng và thân vị là người khi ông cởi chiếc phi thuyền bay lên. Tiên thì chỉ về trời bằng mây hay bằng cá chép chớ không cởi phi thuyền mà đi được. Người thì chẳng bao giờ nhận được chiếu chỉ của Ngọc Hoàng triệu hồi về lại thiên cung. Thái Quốc Mưu được về trời, lại vể trời bằng phi thuyền của con người chế tạo, cho nên ông có hai thân vị của thánh thần và của nhân gian. Vì mang hai thân vị đó nên qua hai câu thơ ở vế trạng, nhà thơ Thái Quốc Mưu coi mình như bình đẳng với thánh thần nhà trời mà phát ngôn bằng những từ của giới bình dân trần thế: 

 

Quan chức ngồi nghe ngàn mấy trự 

Bệ tiền tấu rỗi mỗi thằng tao

 

“ Mấy trự” là mấy đồng tiền lẽ. “Thằng tao” thì thằng là tự coi mình tầm thường, “tao” là xưng hô với người ta không tôn trọng.

Quan chức nhà trời ngồi trên ngàn vị nhưng được xem chỉ như là “mấy trự”, có nghĩa là giá trị của họ chỉ bằng bạc cắt, bạc kênh thôi. “ Tấu rỗi” có nghĩa thong thả tâu, lai rai trình tấu. Hai câu trạng chứng tỏ tại sân nhà trời, Thái Quốc Mưu và thánh thần không có ai trên ai dưới, phẩm cách như nhau. Chữ “tấu” ở đây chỉ là cách nói lịch sự tôn trọng đám đông. Cách chơi chữ trong hai câu thơ nầy rất hay vì tác giả tự nhún nhường hạ mình xuống làm “ thằng” sau khi xem thường gọi đối phương nhà trời là ‘trự” và xưng “tao” với họ. Quan chức nhà trời ngồi nghe ở đây không thể nổi nóng mà dễ dàng cười thông cảm vì Thái Quốc Mưu dùng cách xưng hô như người Dân Tộc: ai cũng gọi bằng thằng và xưng lại là tau.

 

Qua vế luận, lão điên không còn điên nữa mà lời phát ngôn nghiêm chỉnh như một hiền nhân ưu tư về thế sự: 

 

Cái tình dân tộc còn đâu – chán! 

Hai chữ nghĩa nhân cũng hết –sầu!

 

Hai chữ “chán” và “sầu” nhấn mạnh như kết luận tình hình trần thế mà lão điên trình lên hội đồng thiên thượng cùng lời ta thán bày tỏ nỗi lòng lo âu vì thời cuộc thế gian. Điều đó chứng tỏ sự tỉnh táo trong tâm thần người đứng trước bệ tiền. Cái điên vừa qua chỉ là trò giả ngây ngô của một vì thần tiên pha cốt cách con người đóng vai hài hước tạo nguồn vui. Lão điên bây giờ trở lại nguyên hình là một sứ thần đầy uy tín. Do đó nhà trời tin ngay những lời ông nói mới “vỗ án”, “đau đầu”.

 

Bài thơ “Lão điên chầu trời” như một nụ cười diễu cợt nhà trời. Nụ cười đó mang đầy tính chất ngông nghênh, hài hước đem đến giữa thiên triều một không khí tươi vui nhưng cũng gián tiêp tỏ ra nhân phẩm của con người không thua chi thiên thượng. Đọc bài thơ ta thấy cõi trời và cõi người hầu như rất gần nhau và cái điên của lão điên là cầu nối thân thiện giữ con người cùng thượng đế.

Qua một lần khác, Thái Quốc Mưu không chầu trời với tư cách sứ thần mà với tư cách khách vãng lai:

 

 

VIẾNG TRỜI

 

 

 

Nhân tiện ngang qua ghé viếng Trời

Gặp ông Thái Thượng vểnh râu cười

Một đàn tiên nữ ra vồn vã  

Mặt ngọc Hằng Nga tỏa sáng ngời 

Phật Tổ giơ tay: “Chào Lão Đệ!” 

Quan Âm cất tiếng: “Á, Ông Lười!” 

Nước Trời trên dưới cùng tôn quý 

Khác với nhân gian lắm ngợm người 

Atlanta, Dec. 2, 2011

 

Thái Quốc Mưu

 

Toàn thể bài thơ trình bày một cuộc đón tiếp niềm nở của nhà trời với một người bạn thân thương. Vị thần mà tác giả gặp đầu tiên là Thái Thượng Lão Quân. Thái Thượng Lão Quân là tôn hiệu của một vị thần tiên trong Đạo giáo Trung Quốc. Trong thần thoại Đạo giáo, Thái Thượng Lão Quân có trước cả trời đất, chính là nguyên khí thời hỗn mang ngưng kết mà thành. Thái Thượng Lão Quân ở cung Đâu Suất, tại tầng trời thứ 33. Trong cung Đâu Suất có lò Bát Quái là nơi luyện các loại tiên đơn thánh thủy để trường sanh bất tử. Tiếp đó tác giả gặp Hằng Nga, Phật Tổ, Quan Âm và tiên nữ vui mừng chào thưa vồn vã. Bài thơ cho ta thấy một không khí nhu hòa, tươi vui, thân thiện chứng tỏ người đến thăm là người được nhà trời yêu thương mến mộ. Trong bài thơ nầy tác giả chỉ bày tỏ một thân vị thần thánh của ông qua lời lẽ trong thơ và qua cách đón tiếp của nhà trời. Lời thơ trong “Viếng Trời” không chế riễu, không coi nhẹ người nước trời nữa mà cuối bài ông còn ca tụng “Nước trời trên dưới cùng tôn quý”. Điều nầy dễ hiểu vì bây giờ ông và họ cùng đẳng cấp như nhau, cùng mang chung thân vị thần tiên nên không có sự tị hiềm ganh ghét . Trong bài thơ nầy tác giả thẳng thừng chê bai hạ giới : “Khác với nhân gian lắm ngợm người”. Điều nầy không đáng trách, vì khi tác giả đóng vai thần chánh hiệu thì phải nhận xét con người với tất cả công tâm. Có như thế bài thơ mới thoát tục và mang hương vị ở chốn cao sang, thánh thoát.

 

  Thái Quốc Mưu là một nhà thơ nhưng chính thơ ông sáng tác lại đóng vai diễn viên trên sân khấu. Khi điên thì cái điên cũng mượt mà, thanh nhã và chơn chất mà khi nghiêm chỉnh thì đường bệ, thanh cao. Dầu điên hay tỉnh Thái Quốc Mưu luôn có nụ cười hóm hỉnh, ý vị và hài hòa như lan ra giữa cõi trời một niềm vui thú, làm cho cõi trời trở nên một sân khấu cho khán  giả trút đi ưu tư phiền muộn trong tiếng cười. Rất nhiều thi sĩ đã về trời trong cơn say chếnh choáng. Rát nhiều thi sĩ đã đứng trước bệ tiền miệt thị cõi bề trên. Thái Quốc Mưu thì không như thế. Khi thì ông về trời trong thân vị nửa tục nửa tiên để hiểu thấu đáo niềm đau của loài người và nỗi khổ của đấng chí cao. Khi thì ông về trời trong thân vị một vị thần để thư giản cho chính mình và thư giản cho người thưởng thức thơ ông. Dầu về trời trong cương vị thế nào, thơ Thái Quốc Mưu đều tiềm ẩn trong đó một triết lý sống vui, nhẹ nhàng và thoải mái, làm cho người đọc sau nụ cười thì chiêm nghiệm được phong cách sống ở đời cho đẹp thêm lên ./.

 

Châu Thạch


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.