Apr 16, 2024

Ký sự

Những Con Dốc Đà Lạt Lấy Hồn Du Khách
Nguyễn Hàng Tình * đăng lúc 01:44:07 AM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 2611
Hình ảnh
#1
 

Những con dốc Đà Lạt lấy 'hồn' du khách

Cứ ráng mà bước, em ạ, thế nào rồi em cũng lên đến căn nhà của tôi, cho dù nhà thuê. Nhà càng nhiều dốc giá thuê càng rẻ - ở đây nó thế. Đừng chê trách căn nhà nơi tôi sống, và xứ sở đồi núi nối núi đồi chênh vênh trong lãng đãng khói sương này. Nếu em trách là trách chính mình vì lỡ chơi với những “thằng” ở Đà Lạt, hoặc vì sự thật là em mê Đà Lạt (chứ không phải mê tôi!)…

Đồi thông tin. Ảnh: Việt Anh
Trời xui khiến tôi sống ở Đà Lạt, rồi lại khiến em quen tôi. Tôi đày đọa em, còn Đà Lạt “đày đọa” tôi.
Bảo “đày đọa” là cố tình làm quá lên cho thậm thân, thậm sang, yêu thương, chứ mọi thứ thanh tịnh như các cửa Chùa em hay đến vãng cảnh. Và những mạch đường ở đây là thứ dễ ghét lắm. Cởi bỏ cái chảnh chẹ, kiêu kỳ, và đài các Hà Nội kia ra đi, anh sẽ đưa em “sống” thật với Đà Lạt, lạc vào chiều sâu kín nhất của xứ sở, như thời anh cuốc bộ đi giao hình chụp dạo cho du khách và như cô bác sinh đời sống kiếp với phố núi này…

Dốc Nhà Bò là con dốc để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

Cầu thang ai rải giữa trời 

Này nhé, em cứ mặc áo dài, vô tư với quần bò, thậm chí váy. Từ bến xe Tùng Nghĩa, thay vì đi vòng qua đường Tăng Bạt Hổ, Trương Công Định để xuống trục đường thấp nhất khu trung tâm phố núi là Phan Đình Phùng dưới kia cứ kẹp nách khách sạn Quang Vinh mà xuống. Từ đường này - đầu dốc - nhìn xuống đường kia - mà như nhìn vực sâu. Tôi mà xuống tới điểm cuối trước em ở trên đỉnh gọi ngược lên không nghe được đâu. Vực sâu thì có con đường “bắt” lên, nối với đồi. Cái con đường đi tắt với bảy mươi bậc tam cấp và đá cứ rêu phong bởi bóng đổ quanh năm của các tòa nhà ấy ở đây thiên hạ đặt tên là “Dốc sông Lô”. Chịu thở một chút mà cái vèo là xuống ngày chỗ có rạp xinê Giải Phóng xưa. 

“Dốc sông Lô” nổi tiếng vì từ một đồi cao xuống thấp nhanh, vì mệt nhừ bởi leo dốc và thở, chứ không phải vì cái khách sạn Sông Lô bình dân nhất phố núi một thời ở ngay cuối dốc. Nhưng ở vị trí khách sạn Cẩm Đô của con đường thấp nhất đó một cung đường đi tắt, với vô số bậc tam cấp phải bước ngược lên người Đà Lạt gọi là “Dốc Nhà làng”. Vào buổi Đà Lạt mới lập, người Việt vào theo mong muốn của người Pháp cần nhân công cho việc kiến tạo đô thị, rồi tiếp nữa theo nhu cầu của Vua Bảo Đại lên để lập “Hoàng triều Cương thổ”, khiến sinh ra cái đình làng trên đồi để cúng kính đất mới. 

“Dốc Nhà làng” là lối đi nhanh nhất để lên Nhà (chung) của làng kia, vậy thôi. Này nữa, ngay sát hông khách sạn Mimosa, muốn lên con đường Nguyễn Văn Trỗi bên trên thay vì vòng qua con đường trước mặt Chùa Linh Sơn, hay chạy hết con đường Phan Đình Phùng đến bùng binh Duy Tân để vòng lại đường Ba tháng Hai để vào được trung tâm phố là khu Hòa Bình, thì chịu khó bước theo tam cấp mà lên cho nhanh. 


Ngay đường Nguyễn Văn Trỗi, muốn lên Lữ Quán Thanh Niên mà thời sinh viên phố núi cứ 4g30 mỗi sáng tôi tìm đến luyện môn võ Nhật Bản Karatédo và đi đọc thơ “gò” gái vào mỗi đêm chủ nhật (luôn thất bại!) là ở ngọn đồi cao trên nữa ấy, thuộc đường Lý Tự Trọng, cứ bước bốn lần cầu thang tam cấp như thế sẽ đến Nhà thờ Tin Lành. Rồi bước tiếp, em sẽ đi vào “con đường tình” lãng mạn nức tiếng một thời trước 1975 với cung đường rợp bóng thông dưới chân đồi “Dinh Tỉnh trưởng”. 

Dốc Tin Lành lên nhà thờ Tin Lành
Dân gian cứ gọi “Dốc Tin Lành” như một định vị dễ nhớ. Kìa nữa, ở con đường dưới trũng thấp khác, xưa khi chưa thành phố phường thì hẳn chính hiệu một dải thung lũng, đường Hai Bà Trưng, con đường đi tắt bước lên con đường nằm trên ngọn đồi cao hơn là đường Phạm Ngọc Thạch đấy được gọi là “Dốc Nhà thương”. Đơn giản vì ngay trên đỉnh của con đường buộc phải đi bộ này là Bệnh viện Đa khoa của phố núi. Mới hôm nào người Đà Lạt vốn thiện lành cứ gọi chỗ cứu chữa, làm phúc cho con người là “Nhà thương” chứ không phải “Bệnh viện”. Dân quanh đấy có thể cõng người bệnh lên thẳng Nhà thương, thay vì chờ 115.

Con dốc Ánh Sáng ngày xưa.
Từ con đường hạ lưu hồ Xuân Hương ở khu vực ấp Ánh sáng của dân Huế di cư muốn lên con đường nằm trên sườn đồi là Nguyễn Chí Thanh cũng phải đếm từng bước bộ qua “Dốc Ánh Sáng”. Con dốc ngang qua cái đình Ánh Sáng của người Việt. Cách đó không xa, một con dốc khác nối trên đồi với dưới đồi đổ thẳng hướng cầu Bá hộ Chúc bắc qua suối Cam Ly. Rồi, từ Mai Hoa Thôn ở đồi bên này có con đường sau chùa Linh Sơn muốn sang ngọn đồi bên kia với đường An Dương Vương cũng có vài ba con đường đi tắt như vậy. Mà từ Dinh Tỉnh trưởng trên ngọn đồi cao nhất nằm ngay giữa thành phố xuống trung tâm Hòa Bình cũng phải lê thê uốn lượn qua hàng trăm bậc tam cấp men theo sườn đồi như vậy. Phía sau chợ Đà Lạt, muốn lên đường Phan Bội Châu phải bước qua hai lần bậc tam cấp. Để rồi từ đường Phan Bội Châu, muốn lên tiếp khu vực Dinh Tỉnh trưởng cũng phải làm đường có bậc để leo lên. 


Chẳng đâu khuất lấp, từ bùng binh có tượng đài Phụ nữ ngay trước chợ Đà Lạt ngày nay, muốn lên cung đường bên trên vắn gọn nhất, thay vì đi xe vòng vo, cũng bước lên dãy cầu thang rộng ình. Thở chưa xong, vừa qua lề đường phía bên kia đã gặp bậc tam cấp. Qua tiếp lòng đường bên kia nữa lại giáp mặt với bậc tam cấp khác thì mới thông qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa được. Từ khúc cua của đường Hồ Tùng Mậu muốn gặp ngay hồ Xuân Hương ở vị trí cầu Ông Đạo cứ chỗ có lối tam cấp kia mà bước. Từ đường Hai Bà Trưng muốn gặp ngay nhà thờ Domaine de Marie cũng rảo qua một đường tắt nhiều bậc xi măng như vậy. Quanh khu vực Nhà Chung, từ vòng cung thung lũng đó lên nhà thờ Con Gà vẫn là những con đường bước bộ dày như mạng nhện thế đó. Dốc không lắp bằng đá granite chẻ ra từ núi đá ở Di Linh, Đức Trọng đưa lên thì cũng xây bằng bê tông.


Nhưng tiêu biểu nhất cho sự đếm bước leo đồi mà người từ nơi khác đến nhìn đã thấy “mất hồn” ở Đà Lạt là cái “Dốc Nhà Bò” để lên trục đường nằm trên khu C5 kế Dinh III, nơi ở của Vị Hoàng đế cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam - Bảo Đại. Từ trên vị trí cao nhất nhìn xuống đáy của thung lũng những tưởng không thể nào xuống đó được. Ấy vậy mà con người có thể xoay xở, quẫy đạp tạo ra cho được một lối đi xuống đấy nhanh nhất. Chịu leo dốc mất năm phút, so với vài giờ đi hết đường Đào Duy Từ, vòng qua đường Lê Hồng Phong, vòng tiếp đường Triệu Việt Vương, vòng tiếp đường C5, em chọn đường nào (!?). Trại nuôi bò của ông Tây Lafairo thời thuộc địa xa xưa nay nổi tiếng với chiếc “cầu thang đô thị rải giữa trời” dài hiểm trở và nhiều bậc tam cấp nhất Đà Lạt thế đó… Có những con đường đi tắt xuống lên như thế có nhiều chiếu nghỉ. Dừng lại nghỉ cho đỡ mệt, thở chút, rồi leo bước tiếp. Cứ thế nhé, hỡi những tiểu thư đài các buổi dồi dào tiền bạc của Sài thành…

Đây là con dốc 'lấy hồn' biết bao nhiêu du khách.
“Gen” phố núi

Dốc Sông Lô lên khu Trung tâm thành phố Vị trí nào, khu vực nào, hướng phố nào, trong lòng đô thị Đà Lạt, cũng xuất hiện những con đường tam cấp nối trên với dưới, vực sâu với đồi cao, đồi này với đồi kia như vậy đấy. “Cầu thang” ở đâu sẵn và nhiều mang ra lắp khắp phố phường thế, Trời! Đó là những “cầu thang” của đô thị núi non. Đó là “đặc sản” đô thị bước ra từ núi đồi, rừng xanh. Chỉ Đà Lạt mới có “đặc sản” kia vì Đà Lạt là đô thị xây trên núi đồi, chứ không phải từ những rừng phẳng, bình nguyên mênh mông… Đây mới đích thị là đô thị đại diện tính chất “núi”. Mà đâu chỉ ở không gian phố, nhà chung chung kia, ngay chính trong khuôn viên các ngôi nhà cũng phải tạo ra những con đường đi tắt, những cầu thang đi lại như vậy. Và cũng phải rảo bước trên con đường Thánh Mẫu, từ lòng đường nhìn lên, mặt phố cứ như chiếc bao lơn trải dài nhìn xuống thung lũng, để bước lên Nhà thờ Thánh Mẫu. 


Chùa Linh Sơn ra đời xa xưa cũng vậy, mà Thiền viện Trúc Lâm gần đây cũng thế. Em phải bước bở hơi tai, trút hết đài cát phù phiếm kia ra thì mới chạm được vào cảm giác tinh túy trong ngần của thiên nhiên từ đỉnh chùa ở Thiền viện Trúc Lâm đến khi chạm mặt nước hồ Tuyền Lâm. Tôi đã nói rồi mà, từng “cầu thang” lên xuống, vắt qua vắt lại những ngọn đồi, lũng sâu với núi cao, khe với núi, suối với nhà,… như thể Thượng đế có sẵn một “núi” cầu thang trong túi rồi trong những phút thăng hoa tạo tác đô thị đã mang vung ra kia như phím của những cây dương cầm.

Ảnh: Việt Anh
 Đà Lạt ra đời trong rừng, toàn núi và đồi. Đường men theo đồi, nương theo núi, đường này chồng lên đường kia, lắp ghép như những đường đồng mức trong một khối thể địa chất. Đà Lạt không phẳng như Kon Tum, không sơ sơ dốc như Pleiku, không “đồng bằng” mênh mông như Buôn Ma Thuột, mà là sự dữ dội của địa hình. Dày đặc núi, chồng chất đồi, bạt ngàn thung lũng, len lỏi suối khe. Thì nhà cửa ở một khái quát nào đó như thả trên núi, đậu trên đồi, giăng ra sườn vách, rải xuống thung sâu. Nhưng lịch sử gần 120 năm, vẫn chưa xuất hiện một chiếc cầu treo nào phải nối ngọn núi này sang ngọn núi kia, đồi này qua đồi nọ. Vậy thì những con đường đi tắt là một giải pháp kết nối, một sự sáng tạo thuận theo tự nhiên. Chả có qui hoạch nào mách bảo việc tạo ra những con đường với từng bậc đá thong thả như vậy cả. Cũng chả có kiến trúc sư nào vẽ ra nó cả. Người Pháp đẻ ra lối qui hoạch và tổ chức đô thị theo mô hình bàn cờ, áp đặt xuống Paris cho tới khắp các thuộc địa của Pháp trên thế giới thì với Đà Lạt họ cũng để cho ngoại lệ, không thể xài đến tư duy lý tính đó, mà thuận theo sự thông thái của thiên nhiên. Những đường phố chính cứ lòng vòng vậy, nương theo đồi núi, tự nhiên dẫn dắt. Những “tiểu” mạch giao thông trong lòng đô thị cư dân tính, xoay xở. 


Người Pháp đã “đọc” ra đất trời Đà Lạt, nắm được cái “gen” Đà Lạt, nên triết lý cho đô thị Đà Lạt là “nương” theo tự nhiên, nép mình, chan hòa vào thiên nhiên. Cứ thế, cư dân Pháp xưa, và người Lạch, người Việt từ đấy đến giờ cứ thế làm theo. Mà cư dân Đà Lạt không làm theo thì cũng không có lựa chọn nào khác, vì “đô thị” đã lỡ thả trên núi trên đồi. Trong cái khó ló cái tinh túy: Làm cầu thang thả ra đồi núi. Thế thôi. Nên “cầu thang phố núi” thuộc về trí tuệ của trời kết hợp trí khôn của dân gian. Bá tánh Đà Lạt tự xoay xở để thích ứng với sinh hoạt, cho tồn tại của mình. Bây giờ xe máy tràn lan, chạy đường vòng có tốn xăng cũng cứ chạy. Nhưng ai ưa cuốc bộ thì cứ tiếp. Độ 25 năm trước, dân Đà Lạt phổ biến đi bộ, mà đi bộ không chọn những con đường tắt như thế thì làm sao. Ngày đó, phương tiện di chuyển của cư dân trên phố nếu không cuốc bộ thì chỉ có xe lam của Ý và xe ngựa của các bác xà ích. Bao giờ cũng vậy, vào những buổi sớm giá lạnh, vừa lê bước trên từng bậc tam cấp, vừa nhả hơi khói ra nơi miệng, để thở, thì đúng chỉ “hình ảnh” Đà Lạt rồi.


Đó là bản sắc thân thương của Đà Lạt. Em ạ, đó là cái “gen” Đô thị sinh ra từ núi đồi. Đó là giai điệu phố núi. Đó là hơi thở phố núi. Đó là ký ức nhắc nhớ về núi đồi, rừng xưa. Đó là những mạch máu lặng lẽ của Đà Lạt. Là cái duyên, cái hồn, cái thi vị, cái khổ ải, cái thách đố, nhưng cũng là cái vui riêng của Đà Lạt. Ông nhạc sĩ Lam Phương tài hoa viết “Thành phố nào vừa đi đã mỏi” là vậy. Quá tuyệt khi người Đà Lạt bước thấp bước cao, vừa leo vừa thở, vừa cười vừa nhăn, vừa thong thả vừa thu ngắn đường đi… Cứ thế, chầm chậm mà bước. Dân dã mà phong lưu. Thuận tiện mà… sinh thái. Vừa được việc vừa… tập thể dục. Vừa tới nơi nhanh mà không tốn xăng. Thành phố này vì thế được gọi “Thành phố thong thả”, sống chậm. Sống chậm đang là ao ước của bất cứ ý tưởng đô thị chất lượng cao nào ngày nay trên thế giới. Ở đây người ta đi không vội, ăn không nhanh, nói không hét cũng là dễ hiểu. Nhiều lý lẽ để Đà Lạt bây giờ vẫn là thành phố duy nhất ở Việt Nam không xài đến đèn xanh đèn đỏ. Chính yếu tố núi non, đồi dốc, cao thấp, ẩn hiện, lượn lờ, “Địa đô thị” và “Địa thị dân” đưa đến những nét riêng tự nhiên đó. Cứ như thế nhưng mà “là mình”. Còn hơn làm cho Đà Lạt ngày càng “phẳng” giống Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ. Đô thị bế tắc là một đô thị sinh ra theo kiểu “nhân bản vô tính”. Đà Lạt giống Hà Nội em có còn làm thơ về Đà Lạt như lâu nay? 


Các đô thị đồng bằng phẳng lì nhan nhản kia hẳn ghen tị với Đà Lạt của tôi. Còn em, nếu không thích kiến tạo Đà Lạt theo lề thói bạt đồi bạt núi, kéo mọi con đường xuống thấp, mọi căn nhà thành dãy, thành lớp, thẳng tắp sau trước như đô thị đồng bằng vốn đang như cơn lũ quét qua… là em đã giống như bất kỳ kiến trúc sư có tầm nhìn và yêu văn hóa chân thành nào trên đất nước này khi góp vào cho tương lai Đà Lạt rồi. 


Thời gian tôi đến xứ này đủ để cho một cánh rừng thông trồng lên bước vào cái kỳ tỉa cây làm củi. Mặt tôi nhàu như khi người ta mở đại lộ vô Đà Lạt, kéo cho núi thấp xuống, san cho những cung đường cheo leo cong queo kia bằng nhau. Giày tôi nhàu như tôi biết ấp phố nào có nhà gái đẹp. Mắt tôi long lanh khi tôi biết chiều nay có báo trả nhuận bút để leo dốc uống cà phê pha mù sương. Tôi nhai lại mình như nhai lại những bản tin mà bình minh lên tờ báo nào cũng giống nhau như đúc. Sáu lần cắt tóc trên 20 năm, vì lười, vô tình đủ để một kẻ sắt đá vô sầu vô cảm, ghê ghét thơ ca và bất tài với chữ nghĩa cũng bị cô bác đánh đồng và “nghi ngờ” là… Thi sĩ, mỗi lần leo dốc ở phố núi. Hàng quán từ vực sâu đến đỉnh dốc thuộc nhẵn mặt đến độ không còn chỗ ký nợ. Một gã lang thang, ly hương, lạc nhà, mất bếp, không đủ bạc vàng để mở khách sạn nhìn xuống rừng thông sau Dinh II, nhìn sang Đồi Cù… thì em cũng cho ta nhớ những nếp phố, mạch đường bé bỏng mà hàng ngày ta “trao đổi chất” với nó nhỉ…


Tôi viết cái Bút ký đầu tiên về những chiếc cầu thang giữa trời ở thành phố trên cao nguyên Langbian này không là cái “loa” cho bất cứ ai trong quảng bá ngành du lịch mà thành tâm nghiêng mình cảm phục trước thiên nhiên và sự khéo léo của con người trong tồn tại (nếu có là tí thầm ý khoe khoang với em về cái đô thị tỉnh lẻ nhưng em không bao giờ dám coi là “lẻ”!) với trời đất. Em có siêng thì vác máy vào mà quay, chắc chắn sẽ có một phim tài liệu về “đặc sản” của một thành phố ở cao nguyên phương Nam, mà tôi tin rất đáng để phát trên Discovery mà không sợ thiếu người xem. Nên em có trở lại nhà tôi, hay đến bất kỳ nhà ai ở thành phố cao nguyên này, nếu có leo dốc hãy cố thích nghi, coi như chuyện bình thường, em nhé. Bước hoài em sẽ thích. Leo hoài em sẽ ghiền. Nhưng này em, nếu bỗng một ngày có ý định định cư nơi này thì đừng vì những bậc tam cấp kia nhé (kể cả căn nhà trọ của tôi). Chẳng lẽ… tôi… không hấp dẫn hơn những chiếc cầu thang kia sao, em (!?).

Bút ký: NGUYỄN HÀNG TÌNH. Ảnh: Việt Anh, Trương Ngọc Thụy

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.