Mar 28, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Thơ Trần Thiện Hiếu
Trần Thiện Hiếu * đăng lúc 02:37:22 PM, Jan 22, 2013 * Số lần xem: 2331
Hình ảnh
#1

Tâm sự của mây

Gói tròn tâm sự gửi vào mây
Khi tôi ngồi xuống chiếc ghế trước mặt nhà thơ thì những gì để chuẩn bị cho một buổi uống trà đã sẵn sàng. Bếp lò đã nhóm. Bên cạnh là một bộ ấm chén màu gan gà.
Thứ nhất Thế Đức gan gà.
Tôi nhớ ngay đến câu thơ này mà Nguyễn Tuân đã dẫn ra trong Những Chiếc Aám Đất (Vang Bóng Một Thời) và nghĩ thầm chắc chắn mình sẽ được thưởng thức một “màn” trà đạo kiểu Việt Nam đây.
Nước reo sôi thật nhanh chóng. Nhà thơ bốc một nhóm trà cho vào ấm, rót nước sôi, đợi đôi phút cho ngấm rồi từ ấm chuyển ra chén. Từ chén này chuyển sang chén khác thật nhanh. Cái nhanh vội đã khiến những giọt trà sánh ra trên mặt bàn. Hình như điều ấy cũng chẳng khiến nhà thơ quan tâm. Cái nhà thơ để ý là chén trà nóng đã pha xong, cần phải uống ngay để bắt đầu câu chuyện.
Nghi thức pha trà chỉ giản dị, nhanh chóng có vậy và thực tâm tôi cũng chỉ mong đơn giản như vậy. Ở một tâm hồn phóng khoáng các thứ kiểu cách vẽ vời đều trở nên xa lạ. Và khi mang một tâm hồn lộng gió bước vào cõi thơ thì có lẽ nào thơ lại không bay bổng?
Nâng chén trà nhỏ nhắn, ấm áp trên tay, nhìn khói trà vờn nhẹ trong không khí đậm đặc của mùa đông, nói chuyện thơ và nhấm nháp hương thơm, vị ngọt của một thứ danh trà, tôi từ từ hiểu ra sự trân trọng của nhà thơ về một thứ hạnh phúc đang có. Chén trà nóng, buổi trà đàm, đôi tâm hồn thơ ngồi lại với nhau. Chỉ có thế thôi nhưng nhà thơ đã biến mỗi lần gặp gỡ thành một nỗi vui, một niềm hạnh phúc. Thứ hạnh phúc mà chỉ riêng những tâm hồn nhạy cảm về nỗi mất mát trong đời mới có thể nhận ra được:
Mắt biếc đậm hoài trong đáy cốc.
Từ cái tình của nhà thơ đối với những giây phút hiện tại tôi đã hiểu ra tấm lòng chung thủy của ông đối với quê hương và bằng hữu.
Viết để làm gì? Làm thơ để làm gì? Để làm gì và có ích gì trong tình cảnh những chiếc lá đã lìa ngàn, những thân cây đã bật gốc? Tôi trăn trở với câu hỏi này đã bao ngày và đây là một câu trả lời hết sức thành thật của nhà thơ:
Lúc chán nản tào lao viết lách,
Âu cũng là một cách quên đau.
“Một cách quên đau”, câu nói ấy thật buồn bã, thật khiêm tốn nhưng cũng thật đúng ở một con người đã trải qua nhiều cuộc biển dâu, đã vượt lên trên mọi ảo tưởng và bình thản nhìn những thứ hư trương phù phiếm đang diễn ra quanh mình:
Đành nhẽ nhân sinh vùng ảo ảnh,
Riêng tình với nghĩa khó phai màu.
Màu của “tình với nghĩa” quyện trong từng câu thơ khiến thơ ông trở nên thật đôn hậu, thứ đôn hậu của tình cảm Nguyễn Khuyến đối với Dương Khuê, của Bá Nha đối với Tử Kỳ. Một lần hiểu nhau là một đời mãi mãi nhớ nhau:
Từ phương trời Úc quay cuồng nhớ.
Làm sao có thể không nhớ những tháng ngày đầy thi vị nơi quê cũ, đào mai hớn hở trong buổi xuân tươi, chan hòa thơ với rượu, với những con người thơ như “Lão trượng Tam Lang”, người Hà Thượng hay các nữ sĩ tài hoa như Hoàng Hoa Trang, Thư Linh, Vân Nương?
“Quay cuồng nhớ”, cái nhớ nổi từng trận phong ba trong tâm khảm một nhà thơ ngồi im bóng nơi đất Úc. Cái nhớ nhiều phen bật ra những giọt lệ mà ông cũng chẳng cần giấu ai:
Vần thương gieo tận chân trời rộng.
Nẻo nhớ chôn sâu giọt lệ dài.
Ôi những dòng lệ của tình nghĩa đã khiến ông khi “gỡ kính” thấy “nhòe hình”, chập chờn nhìn vào một không gian tràn “màu cỏ áy” để thấy tất cả cái vô vị của một “ly rượu nhạt” hay những “chén trà ôi”.
Về đâu rồi một thuở “thanh xuân dưới rặng dừa” với những bằng hữu thân yêu và những tiếng thơ? Về đâu rồi một “giọng oanh ma quái”, một “cánh Điệp chơi vơi”:
Kim cổ hồng nhan năng bất hạnh,
Mong gì vĩnh cửu chút nhân duyên.
Miền cố quận mông lung xa vời với những “mảnh vỡ tan hoang, mảnh nát nhầu” ấy có còn một cách nào tìm lại? Kinh nghiệm trở về của Lưu Thần, Nguyễn Triệu thời xưa cũng như các chàng Từ Thức thời nay đều là những kinh nghiệm bẽ bàng và buồn tủi:
Dẫu có trở về nhưng tịch mịch,
Hình phai bóng lợt đâu còn chi.
(Vũ Hoàng Chương)
Bến xuân đã xa, những ngày vui cũ “dưới rặng dừa” cũng sẽ không bao giờ trở lại, lão trượng Tam Lang đã kéo chiếc xe về miền thiên cổ và “cánh Điệp” thực sự đã “chơi vơi” cùng với muôn ngàn sóng biển. Thế nhưng với nhà thơ Trần Thiện Hiếu ông đã có riêng cách trở về. Ông trở về bằng những áng mây.
Những áng “mây trắng đầy trời… phơi phới vạn hướng bay” vốn thuộc nẻo “tự viễn phương” sẽ quy cố hương với “một trời tràn thương nhớ”. Và khi mà “mộng tình ẩn hiện” với những áng mây bay thì ta thấy niềm bình an lại trở về cùng thi sĩ:
Có mây làm bạn, có tình làm vui.
Ngoài cách vượt thoát bay bổng này tôi không nghĩ ra một đường lối nào khác.
Tôi đi về hướng biển. Biển ở miền Nam bán cầu này cũng như ở Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc cũng vẫn chỉ nghe độc một âm thanh. Tôi đã đi gần hết một đời mà vẫn không hiểu gì lời biển. Hiểu biển có lẽ chỉ có mây. Chỉ có những áng mây đã “vo tròn mộng” hay đã “gói tròn” một niềm “tâm sự”.

Cuối đông 97.
Đường Linh

*

Ngựa Hồ

Tôi được hân hạnh đọc bản thảo của tập thơ của Trần Thiện Hiếu - Tập thơ chưa có tên - là sưu tập những bài thơ có liên quan đến cuộc đời của Trần Thiện Hiếu. Cả một cuộc đời có biết bao nhiêu dịp làm thơ mà sao lại chỉ có ít bài như thế? Ấy vậy mà lại có điều hay, vì một trong những phê phán sáng suốt nhất về nghệ thuật là sự chịu đọc lại. Thơ còn được đọc lại và nhớ tới tức là đã qua được bước đường chông gai của thời thượng, và thành kiến để giữ lại được chân giá trị của chúng. Hơn thế nữa Trần Thiện Hiếu không làm thơ mới, chỉ dùng toàn thể thơ luật, hay các bài hành với niêm luật chặt chẽ. Những bài thơ dù chỉ nói rất khiêm tốn là để cho các thân hữu hiểu lòng mình, ý mình, nhưng không phải vì thế mà phần nghệ thuật bị coi nhẹ. Trái lại rất là đặc sắc. Tôi cảm thấy như tìm lại được cái mạch thư hương chảy trong huyết quản của các nhà nho truyền thống như Phi Khanh, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến thấp thoáng xuất hiện nơi những vần thơ của Trần Thiện Hiếu. Đã từ lâu không những chỉ riêng tôi có thành kiến với thơ cổ vì tính chất thù tạc của nó. Nhưng thực ra thơ của các nhà nho ưu thời mãn thế tuy có thể chỉ là những đề tài rất quen thuộc, thân cận với chúng ta lắm - nói như một số các thi sĩ nhà nghề - thì là xà xà mặt đất - nhưng thật sự đề tài không phải là yếu tính của nghệ thuật. Không phải làm thơ nói đến tiên mà thơ thành ra hay. Chúng ta đã rung động biết bao với Đỗ Phủ khi nhìn giọt mưa đọng trên đóa hoa cúc mới nở mà vẫn tưởng đến mùa hoa cũ ở chốn quê xưa:
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
(Khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà)
(Phan Huy Vịnh)
Với Trần Thiện Hiếu thì ánh trăng khuya cũng tạo cho nhà thơ nỗi nhớ quê hương da diết. Đỗ Phủ nhìn giọt mưa trên hoa ngỡ là nước mắt nhớ quê thì Trần Thiện Hiếu lại có hình tượng khác để nói lên nỗi nhớ thiết tha ấy:
Chênh chếch trăng khuya bờ cổ độ,
Mịt mù sương sớm rặng hoàng mai,
Vần thương gieo tận chân trời rộng
Nẻo nhớ chôn sâu giọt lệ dài.
Vốn không phải là một người phê bình thơ theo đúng nghĩa tức là biết phân tích, tổng hợp phê phán, đôi khi còn dựa cả vào lập trường tư tưởng, chính trị để đánh giá tác phẩm nghệ thuật; Tôi chỉ muốn tới với thơ để đi tìm một tấm lòng đúng như câu nói rất xưa: “Ta hồ văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ” (Văn chương là một tấc lòng mà để nghìn đời). Tấm lòng của Trần Thiện Hiếu là một tấm chân tình đối với cuộc đời. Cuộc đời muôn mặt xấu tốt buồn vui, con người thơ bắt buộc phải sống trong cái dòng trôi chảy phức tạp ấy. Sự biểu lộ ra thành thơ tất cả phản ứng của con người thơ trước thời cuộc là điều rất quý và cần thiết để mình soi rọi những biến cố lịch sử mà đôi khi lịch sử biên niên thật ra đã không ghi được vẻ sống động của những biến cố ấy. Làm sao ta quên được thái độ hiên ngang bước lên máy chém, cam sát thân để thành nhân của các liệt sĩ Yên Bái qua lời thơ của Trần Thiện Hiếu:
Mấy chục năm trời còn vọng mãi
Một mùa khởi nghĩa giữa trần ai.
Ngày tang Yên Bái lừng trang sử,
Thái Học phương danh đẹp tuyệt vời.
Công nghiệp vang vang đời ngưỡng mộ,
Sử xanh lồng lộng bốn phương trời.
Mười ba liệt sĩ mờ trời đất
Dầu rụng “thành nhân” miệng vẫn cười.
Không phê bình thơ, mà tìm cách để cảm được con người thơ, tôi nghĩ có lẽ thích hợp hơn cho thơ đông phương. Hòa được với tấm lòng của một người đã sống gần như trọn vẹn lịch sử biến động của Việt Nam trong thế kỷ 20 tức cũng như là đã tham dự vào mạch sầu của lịch sử Việt Nam. Từ tâm tư của những chàng trai bị tước bỏ mất quyền yêu nước và đóng góp vào lịch sử đất nước, khiến quay ra có phản ứng phẫn nộ tiêu cực, sinh bất phùng thời; cho đến tâm sự của người trước biến động quá to lớn vượt ra ngoài tầm tay của mình. Hai tâm sự não nề ấy không hẹn mà nên đã tạo ra hơi thơ u uất nói lên nỗi buồn thời thế:
Tâm sự mang mang khó giải bày,
Ngọn đèn in bóng ngất hồn say.
Đỉnh non xanh thẳm thương màu tóc
Ngọn suối trong veo uống tháng ngày
Một ván cờ thua vàng nội cỏ,
Mấy mùa trăng úa lạnh heo may.
Hỏi ai chung cảnh tình cô quạnh,
Xin cạn cùng ta chén rượu đầy.
Nỗi buồn thời thế là một nỗi buồn rất khó xác định. Thời thế nếu chỉ là những suy tư và cảm xúc về những biến chuyển của thời cuộc, thì đôi khi những người trực tiếp đóng góp vào thời cuộc lại không có thời giờ hoặc nhạy cảm để bày tỏ sự buồn lo cho thời thế. Hầu như lúc thời thế vượt khỏi tầm tay của mình thì mới tạo nên xúc động chân thật. Thực vậy, ngày trước Tú Xương, không biết rằng có tham gia cách mạng Đông Du, hay chỉ là người hưởng ứng thụ động ở quê nhà, ấy thế mà cũng tâm sự năm canh một ngọn đèn, nói lên cái hoài bão hay cái trách nhiệm nhà nho của mình lúc quốc gia vong “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Lương tâm của thời đại từ Đông sang Tây đều tìm ở từng lớp trí thức.
Có một thời, khi ta còn bị Pháp đô hộ, gọi là thời kỳ lãng mạn trong văn học nghệ thuật. Những tác giả lãng mạn này nếu không than van về tình yêu dang dở, thì cũng chỉ là nói lên cái ngông cuồng lạc điệu, vớ vẩn. Từ cái mơ không tưởng:
Tôi làm trạng nguyên, anh tể tướng.
Để khi tỉnh rượu thì:
Rút cục chỉ còn mộng với mơ.
Cho đến tâm tình cố làm ra hào sảng giống như lớp người xưa trong lịch sử Trung Hoa để đay nghiến, khinh miệt người khác.
Đã coi đồng bạc như non Thái
Còn học đòi theo thói Mạnh Thường.
(Nguyễn Bính)
Những hành động, tâm tư có tính chất kịch và rất giả tạo này khác với những tâm tư lo thời thế của người xưa và của một số trí thức thời đại. Họ không còn được lãng mạn nữa, mà là trực diện với thời thế.
Ngoài những nỗi lo lắng về vật chất, tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, họ còn phải đối diện trực tiếp với danh dự của lớp người mệnh danh là trí thức, lương tâm của thời đại, có trách nhiệm hướng dẫn dư luận. Ở bất kỳ xã hội nào, cho dù chế độ Cộng Sản đã chối bỏ, nhục mạ vai trò của trí thức, chúng vẫn phải thừa nhận dù không nói ra, vai trò kiến tạo xã hội ở mặt tinh thần của lớp người này. Tâm sự mang mang của những người này quả thật đã lưu truyền qua nhiều thời đại, để mỗi thời đại chỉ thay đổi cách diễn tả - tất nhiên là phải như vậy mới có sự tiến bộ và phát triển của văn chương - còn tâm tư thì vẫn là thế.
Bài thơ cho phép chúng ta thấy lại nhịp cầu thông cảm từ nghìn xưa đến nay có lẽ là bài “gửi nhau tâm sự”. Hai câu thơ:
Bơ vơ đất khách trăng tà
Đọc thơ Tạ Tỵ, nhớ Hà Thượng Nhân.
Làm người ta cảm thấy có gì riêng tư quá. Nhất là hai câu cuối:
Gửi nhau tâm sự quên mà nhớ
Quên cái thương mình trong nhớ ai.
Riêng thì vô cùng riêng, nhưng thật sự nó chính là tâm sự chung của bất kỳ ai trót mang nỗi sầu tư thời thế ở bất cứ đâu, còn trong nước hay đang sống tha hương nơi đất khách, để mỗi khi có chút biến chuyển, dù rất nhẹ nhàng của thời thế hay thiên nhiên, lại làm vang vọng trong tâm tư mối sầu không bao giờ nguôi đó. Tôi nghĩ đến mối sầu chung của những con ngựa Hồ cúi đầu lắng nghe gió bấc thổi, để tưởng về nơi quê hương đồng cỏ bát ngát thân yêu.
Nếu như thế thì tập thơ của Trần Thiện Hiếu không nên chỉ coi là sưu tập những bài thơ của khoảng 40 năm làm thơ, mà chính là tâm tư - há chỉ của riêng Trần Thiện Hiếu - của những người có cùng một tâm trạng, đã từng là nhân chứng trước bánh xe lịch sử.

Lê Văn Ngọc

Đối Diện Đàm Tâm
Thưa anh Trần Thiện Hiếu,

Anh là người đã đạt được cái lẽ biến thông, đã trải qua nhiều dâu biển nên thơ anh trước sau có dễ đến hàng nghìn bài. Tại sao bây giờ tập thơ một đời của anh lại chỉ có bấy nhiêu? Trong tập thơ, còn những chỗ sửa sai, những bài cần phải xem xét lại. Phải chăng, thân nhân, bè bạn, hay biết đâu chính chị Hiếu hay các cháu nhà anh, nhân dịp anh thất thập cổ lai hi được mấy năm rồi, muốn tặng anh một món quà đặc biệt nên đã gom góp tác phẩm của anh thành tập thơ này. Do vậy nên anh mới phải sửa sai sắp xếp lại như thế. Sự kiện này làm tôi nhớ đến một vài trường hợp tương tự. Những người bạn cũ của tôi, cả một đời làm thơ, đã thành danh trong thi giới như Tô Thùy Yên, như Hà Thượng Nhân mà mới đây khi in tập thơ đầu tiên của cuộc đời, các anh ấy đâu có nhớ được thơ mình. Lại phải nhờ thân nhân, bè bạn gom lại mới thành một tập. Các nhà thơ ấy là một thứ chim “ngứa cổ hót chơi”. Hót xong là bay đi nơi khác mà không nhớ rằng mình đã để lại ở một không gian nào đó một chút tinh huyết, một chút tâm hồn mình. Có lẽ anh cũng ở trong trường hợp ấy chăng anh Hiếu?
Tập thơ tuy chưa đầy đủ theo ý anh muốn (tôi nghĩ vậy) nhưng nó cũng đã vẽ ra được phần nào chân dung Trần Thiện Hiếu. Thưa anh, như anh đã biết tôi không phải là một nhà phê bình văn học nên tôi cảm nhận thơ anh bằng cái chủ quan đầy cảm tính của mình. Anh làm thơ không phải để thành thi sĩ, mà làm thơ như một cách ứng xử tự nhiên trong cuộc sống. Anh là nho sĩ trước khi là thi sĩ. Cái tinh thần nhị nguyên của Tây phương (dualisme) khiến cho ta phải phân biệt rạch rồi như vậy nhưng với tinh thần nhất nguyên của Đông phương (monisme). “Ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai” thì một người vừa là nho sĩ có thể vừa là thi sĩ, vừa xuất thế vừa nhập thế, vừa sắm nắm lo cho thế sự mà cũng vừa muốn ẩn thân xa lánh cuộc đời; Điều đó, không có gì là trái lẽ.
Trần Thiện Hiếu viết:
Non còn xa nước đến bao lâu
Cho nhớ cho thương bạc trắng đầu
Hai nẻo trời chia chìm lận đận
Nửa con tim héo chứa u sầu
Mây vàng gió cuốn xa xa thẳm
Gốc tử trăng soi dãi dãi dầu
Thẹn tiếng nam nhi mà biệt xứ
Mai này nhắm mắt biết về đâu.
Nhắm mắt mà không về được chốn quê cha đất tổ là một niềm ân hận lớn. Cái tinh thần nước nước, non non ấy là yêu cầu bức thiết của nho sĩ. “Nước non nặng một lời thề, nước đi đi mãi không về cùng non. Nhớ lời nguyện nước thề non, nước đi đi mãi non còn đúng không. Non cao những ngóng cùng trông, suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã viết như thế. Nhưng cùng một lúc nhà thơ nho sĩ rất lớn của đầu thế kỷ 20 cũng nhắn chị Hằng:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Nho sĩ Việt Nam, tuy mệnh danh như vậy nhưng lại xuất thân từ một cái lò tam giáo đồng nguyên. Vừa là Nho giáo, vừa là Phật giáo, vừa là Lão giáo cho nên mới có thái độ vừa xuất vừa nhập, vừa làm vừa chơi, vừa lo cho đời lại muốn ẩn lánh cuộc đời như thế. Trần Thiện Hiếu là nho sĩ làm thơ. Anh thuộc dòng thơ núi Tản sông Đà, cho nên vừa đọc bài thơ chan chứa nổi đau thế sự, chúng ta lại gặp ngay một bài thuộc loại chào hoa, đón bướm:
Nhạc vọng mười phương đệm tiếng hài
Tiên đâu giáng thế giữa trần ai
Chào hoa, tay thảo dăm câu vịnh
Đón bướm rượu dâng mấy chén mời
Thế sự vùi sâu nơi khóe mắt
Lửa tình sưởi ấm góc thiên thai
Thanh Đa một sớm duyên tao ngộ
Sẵn ý đề thơ đã ngọt lời.
Nỗi đau thế sự bàng bạc suốt trong thơ anh là một nỗi đau có thật. Tôi có cái may mắn được gần những người bạn mà cũng là những đồng chí của anh trong những năm đấu tranh cho nền độc lập của xứ sở. Đó là ông tú Nga Son Nguyễn Hữu Loan, ông tú Hậu Lộc Hà Thượng Nhân. Anh cũng là người Thanh Hóa. Tôi biết các anh đã nghĩ gì làm gì trong những ngày đó. Anh một thời là cánh tay đắc lực của Hữu Loan, anh cũng là người bạn thiết chia sẻ những ngày gian khổ với Hà Thượng Nhân. Đọc lại những bài thơ “Đốt Trại Thanh Chương” hay “Nhớ ngày tang Yên Bái” để rồi cùng cảm khái.
Mấy chục năm trời còn vọng mãi
Một mùa khởi nghĩa giữa trần ai
Ngày tang Yên Bái lừng trang sử
Thái Học phương danh đẹp tuyệt vời
Công nghiệp vang vang đời ngưỡng mộ
Sử xanh lồng lộng bốn phương trời.
Mười ba liệt sĩ mờ trời đất
Đầu rụng “thành nhân” miệng vẫn cười…
Hơn năm mươi năm trước chàng trai quê Nguyễn Bính rầu rĩ khi thấy người yêu đồng nội của mình, sau khi thăm thành thị, đã có chiều thay đổi. “Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Cũng trong 50 năm ấy, người nho sĩ còn lại Trần Thiện Hiếu dù trải qua bao nhiêu gió Á mưa Âu vẫn không thay đổi chút nào. Trong hơn nửa thế kỷ qua thi văn Việt Nam đã tiếp nhận biết bao nhiêu làn gió mới: Từ cổ điển qua lãng mạn, rồi hiện thực, tượng trưng, siêu thực, v.v… Bao nhiêu làn gió mới ấy hình như không tác động đến thơ văn Trần Thiện Hiếu. Trước sau thơ anh vẫn là Đường luật thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, những bài hành theo điệu sở từ, rồi lục bát, song thất lục bát… Không, tôi có bắt được một đoạn thơ sáu chữ rất sắc của anh:
Nhớ thương tóc đã điểm sương
Ngày tháng vùi đầu trang sách
Hay đâu chữ vọng thê lương
Canh tàn nhịp theo tiếng phách.
Điều này chứng tỏ Trần Thiện Hiếu nếu muốn làm thơ mới, anh vẫn làm được như ai. Rắn rỏi nữa là khác. Nhưng đó chỉ là một lần dạo chơi trong vườn thơ mới theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, kỳ dư, anh vẫn cố thủ sau cái phòng tuyến nho sĩ của mình. có người cho rằng anh bảo thủ, không theo kịp trào lưu. Nhưng cũng có người cho rằng như vậy là anh can đảm và chân thật, dám sống đúng với cái “tạng” của mình. Như đã nói ở trên, anh làm thơ đâu phải để thành thi sĩ. Anh làm thơ như một thái độ ứng xử, anh làm thơ cho mình cho một số bằng hữu của mình. Tôi đồng ý cách ứng xử chân thật của anh, tôi tôn trọng tinh thần nho sĩ chân quê của anh.
Vậy nên bây giờ, thưa anh Hiếu, ở thành phố Sydney này, tôi thường đến thăm anh, để hy vọng chúng ta cùng sống với nhau một vài phút “chân quê”. Có khi chỉ lặng lẽ gặp nhau, uống với nhau chén trà, ly rượu là đủ. Ngày xưa mấy ông đồ già, chống gậy đi hàng nửa buổi thăm nhau cũng đâu có nói gì nhiều. Đối diện đàm tâm là như thế đấy chăng?

Phan Lạc Phúc

Mạn đàm về con người và thơ của
Trần Thiện Hiếu

Bác Hiếu làm thơ đã trên 40 năm nay. Tập thơ Bác có lẽ dày lắm, dày như cuộc đời ngang dọc đa đoan và nhiều tâm sự của Bác. Thơ ông thật dồi dào phong phú và đa dạng ông làm thơ thật dễ dàng, đối cảnh tức tình và ông rót thơ, rót thơ như rót rượu.
Quả thực vậy, đọc thơ Trần Thiện Hiếu ta thấy hiện lên cả một bầu trời, bầu trời tâm sự ngổn ngang, nơi đây chằng chịch chịch chằng những tơ trời giăng mắc. Trong đó nhà thơ say mê bay nhảy quay cuồng nhào lộn cùng với vợ con, người tình, bạn bè và quê hương xứ sở. Ôi! Trái tim ngục tù!
Antoine de St Exufery trong le Petit Prince có câu:
Tu es responsible de ta rose
Tu es responsible de ce que tu as apprivoise.
Trần tiên sinh đa đoan ôm đồm và dín mắc nhiều quá! Vợ con bạn bè quê hương chí hướng v.v… là những gạch ngói, những xi măng, những vôi hồ để ông xây đắp nên một thế giới ngọc ngà nhưng phiền lụy để rồi nhà thơ ung dung tự nguyện bước vào và tự ngục từ mình trong đó.
Những sợi tơ trời giăng mắc đầy lãng mạn của thi nhân nay biến thành những giây oan nghiệt khi liên hệ đến bạn bè đồng chí và vận mệnh của quê hương tổ quốc. Nó gây nhiều dằn vặt, trăn trở đau đớn khôn nguôi nơi người thơ.
Tiếng thánh nhạc đêm giáng sinh nơi quê người. Như “Tiếng chuông chùa” của Khái Hưng - khởi dậy lòng thương nhớ quê hương.
Đêm nay mây trắng sương mờ
Nghe vang thánh nhạc bất ngờ nhớ quê
Tình ngây ngất dạ đê mê
Hồn dâng tay chúa, chúa về cùng con.
Đêm nghe thánh nhạc
Đẹp sao là nước là non
Mười năm mất nước hỏi con tội gì?
Chập chờn cơn tỉnh cơn say
Càng vang thánh nhạc, càng cay lệ trào…
Đêm nghe thánh nhạc
Đối với bạn bè đồng chí ông cảm thấy vô cùng bơ vơ đơn lẻ khi thiếu vắng họ.
Khi nhớ tổ chim còn ngưng hát
Mình nhớ mình lệ ngập trời xuân.
Vời vợi nhớ cố nhân
Quả thực Trần Thiện Hiếu là con người quá đa đoan, đa tình và đa cảm. Ta nếm thấy mùi vị lãng mạn ấy nơi tâm hồn và thơ ông.

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Trên đây ta vừa trình bày con người cá nhân và sinh hoạt tình cảm của người thơ Trần Thiện Hiếu. Khi tâm sự về thân phận mình cùng với thân phận thê lương của Tổ quốc thì giọng thơ và tứ thơ của ông đổi khác.
Từ quê hương bạc vàng ngàn năm con người chân phương Trần Thiện Hiếu đã dấn thân lên đường chinh chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Thật tội nghiệp! Thế hệ bác Hiếu có tuổi thanh xuân nở hoa vào mùa ly loạn, đất nước ngập trời lửa đạn đao binh. Trần Thiện Hiếu và sau đó là chúng ta đã sinh lầm thế kỷ. Ôi, gió táp mưa sa! Hoa trái Việt ngàn đời nơi ta có bao giờ được sanh sôi nẩy nở. Cái dòng giống hồng lạc này, cái DNA tinh hoa hơn 4000 năm rực rỡ vàng son này nay còn đâu? Thân phận Trần Thiện Hiếu là thân phận của tổ quốc Việt Nam, của đồng bào ruột thịt thân thương, ở đây cũng như nơi quê nhà xa xôi vạn dặm.
Đau vì thế kỷ sinh lầm
Đau vì quân tử phải dầm bùn tanh
(Ừ… thì viết)
Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Trần Thiện Hiếu chưa bao giờ một phút thờ ơ với vận mệnh dân tộc, cái thờ ơ mà Nguyễn Khuyến đã vạch trần nơi một số quan chức triều Nguyễn qua bài thơ “Ông Phổng Đá”.
Ông đứng làm chi đó hỡi ông
Trơ trơ như đá vững như đồng
Đêm ngày coi sóc cho ai đó
Non nước đầy vơi có biết không.
Nguyễn Khuyến
Thời xưa đã vậy, thời nay ông phổng đá càng nhiều thêm, đầu làng cuối ngõ đi đâu cũng gặp.
Những người như Tam nguyên Yên đỗ Nguyễn Khuyến hoặc Trần Thiện Hiếu càng lúc càng thiếu vắng… Chả lạ gì mà bác Hiếu thường hay tâm sự với tôi là bác thật cô đơn. Hãy nghe bác tâm sự:
Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày
Tạm lãng phù du góp nụ cười
Đón chén rượu mời ngời ánh mắt
Nghe lời tâm sự ngát vành môi.

À hôm nay họp mặt
Rượu mừng say khướt giữa đàn ca
Trong say thấp thoáng hờn vong quốc
Bên chén bâng khuâng nhớ hận nhà
Lừng danh tài tử
Nức tiếng giai nhân
Chẳng lẽ ngàn năm nương đất khách
Để lạnh quê hương tủi gốc phần.

Năm nay năm nữa dẫu trăm năm
Hóa dễ quên sao mộng ước ngầm
Cho dẫu rượu này men có hả
Có vần thơ hận vẫn cuồng ngâm.

Hôm nay nâng chén bên trời Úc
Ngầm hẹn cùng nhau lúc trở về
Gom cả tinh hoa trời đất lại
Cho bừng thơm ngát mảnh vườn quê.
Nghe lời tâm sự
Thế mà trông người, người càng vắng ngắt, vẫn mịt mờ như kẻ vọng dương (Bình ngô Đại cáo - Nguyễn Trãi).
Vứt bỏ lợi danh nhẹ mối sầu
Mang mang tâm sự mấy dòng châu
Hoa thơ hợp ý tưng bừng nở
Bằng hữu tâm giao thỏa thích cầu
Nửa kiếp giang hồ thân đã mỏi
Trọn đời phiêu lãng xác như đau
Mười phương tám hướng ai tri kỷ
Hò hẹn chờ nhau mắt đỏ ngầu
Hò hẹn và hẹn hò… nhưng có bao giờ bác đến tôi?
Tính sổ mà sang chuyện trước sau
Phất phơ danh lợi gió đùa lau
Tung hoành bốn cõi thân chưa nát
Ngang dọc mười phương áo cũng nhầu
Hiện tại nhập nhòe tay vẫn trắng
Tương lai mờ mịt thế còn lâu
Bạn bè tản mác lo cơm áo
Duy chỉ mình ta vọng nguyệt cầu.
Nhẹ mối sầu
Và nay già lắm rồi, thưa bác, mà bác chưa có chịu nghỉ hưu!
Nhớ ngày nào.
Từ thuở non sông lầm cát bụi
Tình riêng ngùn ngụt mỗi đêm trăng
Lòng trinh trai tre trao hồn nước
Một kiếm vung trời, vạn xác tan
Hẹn với tri âm
Cái hào khí với nước với non này quả thực nó bàng bạc ẩn tàng ở nơi mỗi người con nước Việt. Ở Nam bộ, ta nghe hào khí này qua giọng buồn cải lương một đêm trăng nơi xóm vắng bên bờ Cửu Long giang.
Chí trai tựa như cánh chim Bằng tung lướt gió… Trên đôi vai còn nặng nợ sơn hà, chứ anh đâu có đành xem nhẹ tình nhà… để cho khỏi phụ phàng duyên tơ tóc… ơ ơ…
Thật là nóng bỏng và ắp đầy lãng mạn cái thứ “tình riêng ngùn ngụt đêm trăng” của chàng trai Trần Thiện Hiếu.
Mùa thu 1945 “Từ thuở non sông lầm cát bụi”. Thanh niên Trần Thiện Hiếu đã cùng với đồng bào cả nước tham gia kháng chiến để dành lại Độc lập và Tự do cho Tổ quốc và nhân dân.
Độc lập Tự do dành được từ tay Ngoại Bang nay phải trả một giá quá đắt: Nhà tan cửa nát, chia rẽ hận thù khốn khổ đọa đày dưới ách thống trị của các người chủ mới, các đồng chí cùng chiến hào với ông, đồng bào ruột thịt của ông, những người cộng sản. Trần Thiện Hiếu bị bỏ tù 5 năm ở Thanh Hóa.
Bị phản bội… ông vượt ngục vào Nam tiếp tục chiến đấu cho lý tưởng.
Trần Thiện Hiếu luôn là người tình với vợ con bè bạn và luôn trung nghĩa với tổ quốc quê hương. Ông vừa là thi sĩ vừa là chiến sĩ, cái thi sĩ làm cho ta thấy chữ NHÂN và cái chiến sĩ cho ta thấy chữ NGHĨA. Hai dòng sóng nghiệp thực này (Karmic waves) cứ đan quyện vào nhau… biến thành thơ… thơ Trần Thiện Hiếu!
Trần Thiện Hiếu rất nghiêm cẩn nho phong khi nói đến nghĩa vụ đạo đức đối với tổ quốc.
Mang thân giữa cõi ta bà
Áo cơm khôn tỏ chẳng thà chết non…
Nhưng cái thân thương tình người chân chất vẫn luôn ở nơi ông.
Thân vong quốc xóm làng mờ mịt
Sống qua ngày Bị Thịt trời ơi
Những đau mà nghẹn cả lời.
Gặp được đồng chí tri âm giọng ông trở nên đỉnh đạc.
Đạt mộng trượng phu vò thế sự
Rửa hờn sông núi hẹn mười năm
Giang hồ chợt mỏi đêm trừ tịch
Một thoáng trăm ngàn nhớ cố nhân.

Trần ai những tưởng khôn ly biệt
Cuộc thế ai ngờ lụy đến ta
Mái tóc - ngày xưa… còn gợn sóng?
Hình hài… chắc hẳn… vẫn gầy mai?

Hẹn với tri âm ngày tái ngộ
Cạn tuần rượu ước… nửa đời trông
Mắt ai còn biếc… tình ai đượm
Mộng lớn còn tươi… chí chửa cùn.
Rồi ông tự vịnh
Bảy mươi cuộc thế còn xanh mộng
Gối vẫn chưa chồn bước dọc ngang
Mộng lớn thơm lừng trang sử sách
Tình con một khối lộng trời trăng.
Hẹn tri âm
Chiến sĩ Trần Thiện Hiếu. Có bao giờ ông thấm mệt? Mộng ông bao giờ thành? Sự nghiệp quê hương bao giờ tươi sáng?
Ôi! Ở với lửa hương cho vẹn kiếp
Thử xem đá sắt có bền gan.
Trần Khánh Dư
Lòng Trần Thiện Hiếu vẫn trung trinh. Một nhà thơ vẫn tươi xanh như mùa xuân xanh tươi bất diệt của Tổ quốc.
Trần Thiện Hiếu là một kể sĩ dấn thân…
Đời con là đời của giang san
Dầu gió táp mưa sa đâu thiết kể.
Thế Lữ
Tuổi 50, rồi 60, rồi 70 ông luôn kiên cường hiên ngang và khí khái. Sức mạnh tinh thần nơi ông thật là kỳ diệu. Phải chăng đây là sức mạnh văn hóa, sức mạnh Phù Đổng Thiên Vương.
Hùng khí núi sông và âm vang anh hùng liệt sĩ đang réo gọi ray rứt trong thâm sâu nơi mỗi người con đọa đày thế kỷ chúng ta mà Trần tiên sinh là tiêu biểu.
Nửa mảnh giang san giữ chẳng rồi
Trêu nhau chi lắm cái đầy vơi
Quê người khó lấp cơn sầu dậy
Đất khách thêm tràn mối hận khơi
Công nghiệp tiền nhân tiêu tán bụi
Tiếng tăm hậu thế mỉa mai đời
Xóa tan vong quốc ê mày mặt
Tuốt kiếm ta về lộng khắp nơi.
Xóa tan vong quốc
Đất nước của ông đã mất… nhưng ông và chúng tôi hôm nay vẫn còn đây.
Bác Hiếu thương quý… chúng ta vong quốc nhưng chưa bao giờ vong thân. Xin hẹn cùng ông và các bạn tri âm hạnh ngộ vào một ngày vinh quang của Tổ quốc không xa.
Để rồi tay trong tay ta đi tới:
Con tiên rồng phăng phăng đi tới
Cháu lạc hồng phơi phới đi lên
Thét voi hô sóng vang rền
Máu thù đã rợp một màu cỏ hoa.
(Ừ… thì viết)
Thật là lẫm liệt oai phong.
Nhưng đây chỉ là những tính toan và toan tính, mơ mộng và mộng mơ.
Chao ôi là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy nay?
Hàn Mặc Tử
Mộng chưa bao giờ thành, chí chưa bao giờ thỏa. Cuộc đời tình cảm của Trần Thiện Hiếu quả luôn đượm sợi buồn… buồn thế sự, buồn vong quốc và buồn chí bình sanh chưa thỏa.
Bao năm ngang dọc vạch đôi trời
Lưu tiếng anh hùng toại chí trai
Gác kiếm giờ đây sầu chất ngất
Sao chưa tạo thế… đợi chi thời.
Nợ sông hồ

Chốn anh bình và hương quan mộng
Bác Hiếu năm nay đã gần 80, nhưng trông bác còn khỏe lắm, bác còn sống với chúng ta vài chục năm nữa. Và chúng ta sẽ còn lắm dịp vui như hôm nay.
Bác khỏe là nhờ bác biết sống, bác có nghệ thuật sống. Đó là mỗi lúc bác Hiếu “chán cái sông hồ” oan nghiệt của mình thì ông tìm về chốn bình yêu của riêng ông nơi đây có thơ có rượu, có bạn tri âm, có trăng có gió, có mây, có lũy tre xanh v.v… Thế là nhà thơ tung cánh hạc.
Thì thôi làm gió vân du vậy
Lãng uyển tiên cầm đón quý phi.
Chán cái sông hồ
Từ chuyến “Vân Du” đó bác mộng về quê hương ngàn đời yêu dấu của tuổi thơ, của thanh bình, của xóm làng bà con bè bạn, của rượu của trăng của mây của gió.
Hãy nghe ông hàn huyên với bạn trang lứa:
Bác bảy chục chẳng lo cô quạnh
Có bạn bè ấm lạnh cùng nhau
Phẩy tay phất áo chụm đầu
Làm cho rõ cái nhiệm mầu rồng tiên
Trăng vẫn tỏ bóng xiên bờ vách
Lũ chúng mình trống phách đêm nay
Rồi ra tay lại cầm tay
Cạn ly mỹ tửu mừng người bảy mươi.
Gửi Hoàng Công Duyên
Và mơ về những ngày thanh bình quê xưa:
Hương quan mộng dưới cây bàng cội
Nam nữ trao tình bóng nguyệt trong
Bát ngát trời mây đàn sếu lượn
Đầy vơi sông nước cánh buồm dong
Anh cò ngơ ngác nhìn sao chổi
Chị Hĩm bâng khuâng đón gió đồng
Trong cảnh thanh bình nơi xóm cũ
Lũy tre gió động bóng mênh mông.
*
Hương quan cảnh cũ nhớ nhung nhiều
Vạn dặm dâng về một chữ yêu
Dẫu nổi dẫu chìm đời lận đận
Vẫn say vẫn tỉnh chí cao siêu
Qua thơ thấp thoáng cung đình cũ
Thoảng gió bâng khuâng giấc mộng chiều
Áo gấm vẫn mong về cố quận
Mà thương thân thế nỗi cô liêu.
Hương quan mộng
Ta thấu cảm cái nổi cô liêu và cái buồn tê tái của nhà thơ và biết đâu chăng là cái cô liêu quan tái nơi nỗi chúng ta những cánh chim xa xứ!
Quả thực đêm nay là một đêm thật tuyệt vời.
Chúng ta đang lạc vào một lầu Hoàng hạc tráng lệ vàng son của Thi Ca Trung Quốc và Việt Nam.
Qua thơ Trần Thiện Hiếu ta thoáng thấy bóng hạc vàng lãng đãng đâu đây.
Nơi nhà thơ của chúng ta như có “chút thơm rơi” của tiền nhân phảng phất.
Và thưa quý Bạn, Tôi thương quý cụ Hiếu ở chỗ đó.
Xin cảm ơn tất cả

Nguyễn Xuân




Chim Hải viết về thơ Trần Thiện Hiếu

Một lần di tản vào Nam, nhà thơ đã một lần đau nỗi đau xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn. Nhà thơ còn không cái chan chứa nồng nàn đối với quê hương mà hơn nửa đời người đã gắn bó. Rặng tre phơi phới tình ngây ngất, hương lúa lâng lâng nghĩa mặn mà. Còn không cái nhiệt tình rực lửa trước vận nước nổi trôi, nghiêng vai ghé phần gánh lấy cái nợ Núi sông gọi… vang vang lời thề nguyện. Đem thân mình bảo quản lấy con sông. Mộng trai trẻ, máu đào hàng đêm luyện. Chí nam nhi, thân thế… tựa lông hồng.
Giờ đây nơi đất khách quê người, thêm một lần đau niềm đau vong quốc. Tóc đã trắng, tuổi đã cao. Nhà thơ còn không cái gan lì của tuổi thanh xuân, mang hoài bão chàng trai đất Việt hồn trao sông núi bốn phương trời. Còn không những trở trăn thao thức, những nhung nhớ khôn nguôi để tiếng lòng bật lên từng câu hỏi Trời đất vô cùng sâu mấy trượng? Ta bà vạn hưởng biết về đâu? Còn không một lão thi ngồi bên án thơ, lãng mạn trôi vào từng góc nhớ. Giờ đất khách lạc nhau buồn rười rượi. Bút đã cùn, nghiên cạn, mực nào tươi? Từ mất nước lòng trai ngừng phất phới. Bảy mươi rồi râu tóc ngắm trăng lơi…
Phải chăng đọc thơ ta như đọc người, như đi thẳng vào nội tâm, như muốn xẻ tim thơ để tìm xem tại sao ướp cái phù sinh vốn bọt bèo, tại sao bút hạ dăm vần sao mắt cay tại sao và tại sao đừng phí tuổi xanh đừng tiếc nuối, mà đem tâm sử gửi vào thơ hay gặp nhau dốc chén cười ha hả, múa bút đề thơ dẹp quách sầu… Để rồi có lúc lòng lạnh lắng, nhà thơ với thế sự mang mang râu tóc bạc, chạnh buồn hải giác nhạn cô phi đã phải có lần một mình nơi góc lặng, nhỏ lệ tương tri lòng đau đau quá bạn hiền ơi!
Vẫn nợ sông hồ vẫn trả vay
Vo tròn thế sự thắm men say
Nghiêng nghiêng khóe mắt nhìn thiên hạ
Phơi phới mây trời vạn hướng bay.
Đọc thơ lão thi Trần Thiện Hiếu ta như đang đọc một Đặng Dung với kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma. Ta như đang bềnh bồng trôi vào từng tâm sự. Thấy nhà thơ lao vào từng thách đố, ngồi lên trên những bủa vây, sảng khoái một trận cười trước thăng trầm nghiệt ngã. Nhà thơ, trong một phút bàng hoàng xúc động, cho ta nhìn ngắm được cái thế sự vo tròn kia, tại sao vẫn nợ sông hồ vẫn trả vay.

Chim Hải - Đinh Thái Sơn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.