Apr 24, 2024

Tin tức

Cuộc sống ở thị trấn 1 người Buford
Webmaster * đăng lúc 03:35:59 AM, Nov 13, 2016 * Số lần xem: 1559

Cuộc sống ở thị trấn 1 người Buford




 (NLĐO) - Buford là một thị trấn nhỏ nằm ở độ cao 2.400 m thuộc hạt Albany, bang Wyoming và chỉ có độc nhất một công dân suốt 32 năm qua: ông Don Sammons. Giờ đây, Buford đã trở nên nổi tiếng với người Việt Nam sau khi doanh nhân Phạm Đình Nguyên bỏ tiền ra mua nó.

Là thị trấn lâu đời thứ 2 ở Wyoming, Buford nằm ở độ cao 2.438 m trên con đường xuyên quốc gia Interstate 80, nối liền hai thành phố New York và San Francisco.

Thị trấn này có một tháp điện thoại di động, một cửa hàng, một trạm xăng, một ngôi nhà ba phòng ngủ và một vài căn nhà phụ nhỏ. Buford cũng có mã bưu điện và hòm thư riêng. Nơi đây rộng khoảng 4 hecta và phần lớn diện tích thị trấn này đều được rào kín.

Công viên Vedauwoo của toàn bang cũng nằm trong địa hạt của thị trấn này. Những năm 1860, nơi đây từng là một tiền đồn quân sự bảo vệ công trình đường sắt xuyên lục địa. Trong vài thập kỷ, Buford vẫn là điểm trung chuyển cho các trại chăn nuôi ở những khu vực xa xôi.

Ông Don Sammons bên cạnh biển hiệu thị trấn Buford (Ảnh: ABC NEWS)

Ông Don Sammons chuyển tới Buford từ năm 1980 cùng với vợ và con trai, sau đó mua thị trấn này từ năm 1992. Vợ ông qua đời năm 1995 và đến năm 2007, con trai ông cũng chuyển khỏi đây. Giờ đây, ông bán đấu giá thị trấn này để chuyển tới Colorado sống gần con trai.

Ông Don Sammons nói: “Tôi xây dựng lại tòa nhà này vào năm 2004 và tự mình cọ nhà tắm ít nhất 4-5 lần mỗi ngày hay mỗi sau khi có khách lui tới.”

Mặc dù sống một mình nhưng ông Don Sammons không hề cảm thấy cô đơn. Vào mùa hè, mỗi ngày lại có khoảng 1.000 khách du lịch ghé thăm thị trấn. Con số này giảm xuống còn 100 du khách trong mùa đông.

Cô Amy Bates, một người sống ở bang Oklahoma, cho biết: “Buford là một thị trấn có nhiều tiềm năng. Hy vọng nó sẽ là điểm du lịch hấp dẫn nhiều người”.

Vài năm trở lại đây, ông Sammons thỉnh thoảng cũng thuê người làm việc bán thời gian để ông có ngày nghỉ. Tuy nhiên, hầu hết thời gian ông dành để cắt cỏ quanh cửa hiệu và sửa chữa các thiết bị.

Bên trong cửa hiệu bán đồ tạp hóa của thị trấn (Ảnh: WHATSONNINGBO.COM)

Theo tài liệu đấu giá do công ty tổ chức đấu giá Williams & Williams cung cấp, lợi nhuận đem lại cho ông Don Sammons trong năm 2011 là 150.000 USD.

Ông Don Sammons cho biết tình hình kinh doanh đang đi xuống khoảng 50% kể từ năm 2009 (thời điểm ông kiếm được 1,2 triệu USD/năm). Năm ngoái, tổng tiền thu đạt 700.000 USD và năm nay chỉ còn 600.000 USD.

“Ngoài khoản nợ thế chấp của mình thì phí thẻ tín dụng là khoản chi tiêu lớn nhất của tôi. Tôi trả phí thẻ tín dụng còn nhiều hơn cả tiền điện”, ông nói thêm.

Người đàn ông 60 tuổi này chia sẻ: “Gia đình tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời ở đây. Nó khá cô quạnh nhưng thật thú vị khi được thưởng thức một nhịp sống chậm rãi”. Cũng theo ông Sammons, bất kỳ chủ nhân nào của thị trấn này đều phải trải qua những ngày cấm đường. “Mỗi năm, con đường bị “cấm” 20-30 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc không có phương tiện nào qua lại quanh cửa hàng cửa hiệu của tôi.”

Trạm xăng - nguồn thu chính của thị trấn (Ảnh: KEKENET.COM)

Dù đây là một trong những thị trấn nhỏ nhất của nước Mỹ nhưng lịch sử của Buford không hề “nhỏ bé”. Burford được đặt tên theo Tướng John Buford, người anh hùng của nước Mỹ trong thời nội chiến. Năm 1869, Tổng thống đương nhiệm lúc đó là Ulysses S.Grant cũng đến thăm nơi này. Thị trấn Buford cũng ghi dấu ấn với sự có mặt của tay cướp ngân hàng lừng danh Butch Cassidy (tên thật là Robert Leroy Parker).

***************************************************************************************************

Buford! Buford! 

John Buford là tên của một vị tướng anh hùng của phe miền Bắc trong cuộc Nội Chiến của Mỹ hồi thế kỷ 19.Tên của ông được đặt cho nhiều địa danh của nước Mỹ trong đó có địa danh hiện tại của một thị trấn được biết như đơn vị hành chính nhỏ nhất ...... của Hợp Chủng Quốc với dân sỗ chỉ có duy nhất một người.

Thị trấn Buford này vừa trở nên nổi tiếng trong thời gian qua vì nó đã được ông chủ tên Don Sammons bán cho một người Việt Nam là ông Phạm Đình Nguyên một doanh nhân ở Sài Gòn qua một cuộc đấu giá với số tiền 900.000 đô la Mỹ. 

Báo chí thế giới và Việt Nam đã tốn khá nhiều giấy mực về vụ mua bán này nên mình không muốn đi sâu vào chi tiết nữa mà chỉ đưa ra một vài nhận xét cá nhân.

Thông tin của báo chí đưa ra có nhiều điểm dễ gây nhiễu nhưng chúng ta có thể tóm tắt được vài điều chủ yếu:

Buford là một thị trấn?

Đúng và không đúng lắm. Buford là một đơn vị hành chính được gọi chính thức bằng thuật ngữ unincorporated community. Dịch qua tiếng Việt hơi khó. Kiểu như là “cộng đồng không thuộc về chính quyền” hoặc “cộng đồng riêng biệt”, “cộng đồng không kết hợp”. Ý là nó không phải là một chính quyền nằm trong hệ thống ngân sách nhà nước. Nó tự quản tự cấp tự túc, hoàn toàn độc lập mội mặt với chính phủ tiểu bang và liên bang ngoại trừ do yếu tố lịch sử nó có mã số bưu điện riêng từ thời xa xưa. Nói nôm na theo dân gian Việt mình “community” được gọi là xã. “Thị Trưởng” của thị trấn là một dạnh vị tự phong. Quy mô của Buford hiện tại nhỏ hơn cấp làng và nên được gọi là “làng” thì chính xác hơn chữ “thị trấn” nhưng như đã nói, do yếu tố lịch sử người ta vẫn quen gọi nó bằng từ thị trấn từ trước và do nó cũng từng có một thời hoàng kim với dân số gần 2000 người khi nằm trên lộ trình mở tuyến đường sắt xuyên bang của Mỹ. Người Mỹ tôn trọng lịch sử và muốn vinh danh tướng John Buford nên họ không hề thấy phiền khi duy trì “thị trấn” này. Báo chí Mỹ chắc một phần thiếu hiểu biết, một phần muốn marketing cho những vụ bán đất về sau để thu tiền cho nước Mỹ nên cũng chẳng thèm phân tích sâu xa thuật ngữ hành chính chi cho mệt.

Buford là “thị trấn” nhỏ nhất nước Mỹ?

Đúng.

Buford là “thị trấn” lâu đời thứ 2 của bang Wyoming?

Đúng. Buford được thành lập năm 1966, một năm sau khi Nội Chiến kết thúc.

Buford là tọa lạc trên một mảnh đất rộng 10 mẫu?

Đúng và không đúng. Mảnh đất này rộng 10 mẫu Anh (acre) chứ không phải bằng một hecta như bên Việt Nam. 1 acre tương đương 4000m vuông, 10 acres tương đương 4 hecta, là 40.000m vuông. 4 hecta thì cũng khá rộng nhưng quá nhỏ so với quy mô một thị trấn bình thường. Cứ thử hình dung các đơn vị đo lường sẽ ra quy mô mảnh đất.

Ngoài Bắc Việt Nam khi nói một sào tức là 240m vuông.

Trong Nam nói một công là 1000m vuông.

Nói một mẫu đất tức 1 hecta là 10.000m vuông.

Diện tích Buford là 4 hecta, 40.000m vuông. Đại để là một miếng đất nếu là hình vuông sẽ có mỗi cạnh khoảng 200m và tương đương khoảng 6 sân đá banh gộp lại. Thấy cũng khá lớn nhưng để lọt thủm vào một cánh đồng lúa hoặc một sa mạc lại thấy nhỏ.

Buford có trường học, bưu điện cây xăng và nhà trên đó?

Đúng vừa vừa. Thị trấn này có zipcode riêng, tức là mã số bưu điện. Ông Sammons dùng một góc trong tiệm tạp hóa làm bưu điện của “thị trấn”. Trường học được đề cập ở đây chính là tiệm tạp hóa sau khi được cải tạo lại. Cách đây 150 năm chỉ cần một căn nhà nhỏ có bàn ghế, bảng đen là đã có thể được gọi là một trường học rồi.

Nói Buford là một “thị trấn làng” nhưng thực ra nó chỉ là một cây xăng như vô số các cây xăng vô danh khác tọa lạc trên mọi nẻo đường của các xa lộ Hoa Kỳ. Xa lộ xuyên bang 80 tên chính thức là Interstate 80 chạy từ San Francisco, California qua tới Teaneck, New Jersey- New York. Đoạn ngang qua Buford là địa hình đồi trọc và núi.
Khí hậu khắc nghiệt.

Mình không xa lạ gì với xa lộ 80 này. Cách đây 2 năm khi băng ngang nước Mỹ lần thứ 2, mình đi theo lộ trình đường 80.

Xuất phát từ San Francisco nhưng khi tới thành phố St. Louis, Missouri đành phải ngưng rồi rẽ xuống phía Nam đi Florida chứ không tới New York được. Lý do là vì quỹ thời gian không đủ, thêm một lý do phụ nữa là khi đó thời tiết bắt đầu chớm Đông lạnh quá nên hành trình mất vui. Đang tháng 11 mà mấy vùng núi phía Bắc đã thấy nước đọng trên vỉa hè đóng băng rồi…

Hồi đó mình vi vu xe bus của hãng Greyhound- xe bus hình con chó- bằng vé Ameripass, loại vé mua có giá trị nửa tháng hoặc một tháng muốn đi đâu dừng đâu bất kỳ trong khoảng thời gian đó cũng được. Tiện như vậy nên mình rong ruổi theo xa lộ Interstate 80. Đi xuyên qua Nevada rồi Utah rồi Wyoming rồi Colorado… Cứ đi dọc đường thấy city nào có vẻ vui là lại nhảy xuống la cà. Chán chê xong lại bắt xe khác của hãng này đi tiếp. Du lịch kiểu “nhảy cóc” trên đường như vây thành ra cũng thấy muôn mặt nước Mỹ…

Bang Wyoming phong cảnh vùng núi rất đẹp nhưng riêng đoạn dọc theo xa lộ 80 toàn đất đồi sỏi đá. Có lẽ người Mỹ khi làm đường cố ý chọn địa hình bằng phẳng để khỏi mất công tốn tiền phá núi, vượt đèo… Nhớ lần vào tiểu bang này trời tối rồi mà xe chạy mãi không thấy đô thị nào hết. Chỉ thấy đèn pha chiếu được xa lộ trước mặt mà thôi còn hai bên đường tối um um luôn. Cứ đồng không mông quạnh mãi vậy. Mình sốt ruột quá hỏi mấy người Mỹ trên xe họ nói bên ngoài toàn là sa mạc nên tất nhiên không thấy ánh sáng phố phường là đúng rồi.

“Desert!”

Khi nghe mình hỏi “What is outside?” họ còn nhướng mắt ngạc nhiên nữa kìa.

Đối với họ là dân sống trong vùng, xung quanh toàn là sa mạc là lẽ đương nhiên. Họ đâu có hiểu được thắc mắc của mình. Mình bước ra từ Việt Nam, nước nhỏ bằng một tiểu bang của họ. Ở Việt Nam đi đến đâu cũng dễ nghe tiếng người lao xao, làng xóm cũng ra vẻ chứ có đâu như xứ Mỹ bao la này. Đi hoài cả trăm cây số hơn mà thấy bên ngoài giống như không có sự sống vậy.

Tấm biển quảng cáo chụp ông Sammons với thị trấn mình cũng thấy mấy lần trên đường nhưng hồi đó không lưu tâm lắm nên cứ nghĩ là người đàn ông trong hình là cư dân số một, công dân danh dự của thị trấn!!! Vì xe Mỹ lao trên xa lộ nhanh vù vù nên cũng chỉ lướt mắt qua thôi chứ đọc không kỹ được. Mãi bây giờ có vụ Buford này bị bán mới nhớ lại thị trấn bên đường đó. Nhưng Buford là thị trấn nhỏ nên không nằm trong lộ trình dừng chân của xe bus Greyhound.

Thật sự nó nằm lẫn trong hàng ngàn cây xăng của hành trình vạn dặm trên nước Mỹ ngoài điều khác biệt là chỉ có một cư dân!

Với một cây xăng như vậy mà ông Nguyên đã mua với giá 900.000 đô thật sự mình nghĩ là quá cao. Danh xưng thị trấn chỉ là một hình thức. Ông Nguyên đã phát biểu rằng ông đã thực hiện “một giấc mơ Mỹ” và đã mong ước “được sở hữu một phần nước Mỹ”.

Có lẽ ông đã nhầm lẫn ở đây. Bỏ tiền ra mua một miếng đất không có nghĩa là một giấc mơ Mỹ. Tất cả chỉ mới bắt đầu mà thôi. Nếu ông đầu tư tiền của vào Mỹ sẽ còn rất nhiều điều chờ đợi ông ở phía sau. Điều hành cho mảnh đất đó sinh lãi trong một địa hình khắc nghiệt và heo hút như vậy không phải dễ dàng. Công cuộc kinh doanh của cây xăng Buford đang đi xuống, doanh thu chỉ còn 600.000 đô một năm. Thu nhập hiện tại chỉ còn trông vào tiền bán xăng mà nếu dân Mỹ họ cắc cớ không muốn đổ xăng của chủ mới người Việt thì họ sẽ chạy cố đến cây xăng kế tiếp trên xa lộ. Người Mỹ coi vậy chứ cũng khó lường. Họ không kỳ thị nhưng đâu có ai ép họ được phải vào đổ cây xăng của một thị trấn Mỹ mà do người ngoại quốc làm chủ. Còn việc giới thiệu sản phẩm Việt Nam ở vùng đất xa xôi này cũng không khả thi chút nào, ở một nơi phố thị thì còn khả dĩ.

Mình đồ rằng ông Nguyên mua miếng đất này vì ông dư tiền muốn mua cho vui hoặc đứng tên cho một ai đó phía sau chứ không tính toán hơn thiệt gì nhiều Không ngoại trừ ông và bạn bè biết dưới lòng đất Buford có mỏ dầu lớn? Nếu không với số tiền đó ông có thể mua được cả một cánh rừng trên đất Mỹ. Nước Mỹ rộng mênh mông, giá đất ở những vùng ít người ở rẻ không tưởng tượng được luôn. Mình lên bang Maine thấy quảng cáo rao bán nguyên một khu rừng hơn một trăm mẫu Anh mà giá chỉ trên 200.000 đô thôi. Rừng Bắc Mỹ đẹp như tranh vẽ, có hồ có suối có hươu nai đàng hoàng, mùa Thu mê ly luôn. Ai muốn làm lãnh chúa rừng xanh hoặc chúa đất cứ qua Mỹ là thực hiện được liền chứ không khó như ông Nguyên chia xẻ “mong ước được sở hữu một phần nước Mỹ”. Người Việt mình bên Mỹ ai cũng đang sở hữu một phần nước Mỹ cả nếu không ở nhà mướn hoặc nhận nhà trợ cấp của chính phủ. Đất ở bang Georgia nhiều người Việt mình mua để làm nông trại nuôi gà cũng rộng bát ngát trên 100.000m vuông mà giá chỉ khoảng 600.000 đô thôi. Mà trang trai cũng nằm nơi thị tứ chứ không phải heo hút như trên sa mạc của Wyoming đâu!

Người Mỹ có câu “Behind the scene”. Chẳng biết vụ đấu giá của ông Nguyên có gì “phía sau cánh gà” không mà trong 25 người đấu chỉ có 5 người hiện diện, 20 người kia đấu online bằng điện thoại. Người đấu lên tới giá 750.000 đô cũng đấu qua điện thoại nên ông Nguyên không có cơ hội quan sát đối thủ về nhì của mình và phóng giá 900.000 đô luôn. Luật đấu giá cho phép người mua được bỏ cuộc và chịu mất tiền coc. Chẳng biết người đấu lên tới 750.000 đô là quốc tịch nước nào, có phải người Mỹ không. Nếu là người Mỹ mà đấu tới giá đó kể cũng gan thiệt.

Hay là họ đang chơi game với ông Nguyên?

Nếu bây giờ ông Nguyên cắc cớ muốn bán mảnh đất ngay không biết có ai chịu mua giá 900.000 đô không nữa?

Mình có linh cảm vụ mua bán thị trấn Buford này sẽ không có dư âm tốt cho ông Nguyên nên có vài suy nghĩ về việc này.

Không biết có đúng không hay thầy bói sờ voi?

Chắc chúng ta cũng sẽ sớm biết kết quả và Buford này sẽ còn lên báo của người Việt mình nữa.

thanhhong0070 (viethaingoai)

Reply With Quote*************************************************************************************************************************************


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.