Apr 24, 2024

Truyện ngắn

Mai sau kiếp khác (*)
Tâm Thanh * đăng lúc 12:57:21 AM, Apr 05, 2018 * Số lần xem: 2243
Hình ảnh
#1


                                      Mai sau kiếp khác  (*)

 


* Tựa đề mượn từ một bài thơ của Trần Vấn Lệ, không cùng nội dung.

 
Tôi đeo găng tay, nhón từng cái quần, cái áo của Khâm, bỏ vào máy giặt. Mặc dù rất ghê tởm quần áo của chồng, tôi không dám đeo khẩu trang khi làm công việc này. Dù sao, tôi cũng còn sợ làm chồng đau lòng. Nhưng tôi nín thở để dồn cho nhanh mẻ giặt, vặn nhiệt độ 90, và bấm nút cho máy chạy. Tôi gỡ găng tay bỏ vào thùng rác, rửa tay bằng xà-bông và cồn khử trùng trước khi làm gói ăn trưa cho các con. Hai đứa con gái đang uể oải xúc cốm trộn sữa nhưng mắt vẫn theo dõi cử động của mẹ.

“Tại sao má phải đeo găng?” Phịu, con em năm tuổi hỏi.

“Má sợ vi trùng của ba,” con chị bảy tuổi rưỡi, trả lời thay.

 
“Đừng nói bậy, Phụng!” tôi nói nhỏ. Đúng lúc đó, có tiếng ho của ba chúng trong phòng. Tôi nói to “Tụi con uống dầu cá chưa, Phụng Phịu?”


“Dạ rồi!” chị em Phụng, Phịu mau mắn trả lời.

Thấy hai tô sữa cốm đã vơi hơn phân nửa, tôi cho là hai con đã ăn sáng tạm đủ, tôi tuồn hết phần còn lại vào bụng mình, rồi giơ hai cái tô nhẵn lên.

“Dễ ẹc mà tụi con nhơi nửa giờ chưa xong!” tôi nói.

“Má giỏi!” con Phịu nói.

“Má chưa uống dầu cá!” con Phụng nhắc.

 
Tôi viết trên miếng giấy con màu vàng ‘Anh phơi quần áo trong tủ sấy.’ Tôi uống thìa dầu cá, hớp một ngụm nước cam trước con mắt thanh tra của hai đứa trẻ. Xong, tôi mở sẵn cửa nhà, nói:
“Chúng ta đi!”

“Thưa ba con đi vườn trẻ,” Phịu nói.

“Thưa ba con đi học,” Phụng nói.

Khâm không đáp lại, nhưng chắc có nghe. Tôi khép cửa nhà, đẩy hai con vào thang máy. Con Phịu nhấn nút xuống ga-ra. Tôi bỗng nuối tiếc buổi sáng hôm ấy cả nhà ồn ào một mình một cõi thang máy, con Phụng kiểm soát xem ba nó có kéo phẹc-ma-tuya quần không, con Phịu nao nức với trận tuyết đầu mùa, vợ chồng ‘mi lén’ nhau trên đầu hai đứa trẻ... vô tội. Chín giờ mặt trời mới mọc, nhưng tôi cảm thấy lòng chan hòa ánh sáng. Còn nhớ cảm giác hôm đó về một gia đình bền vững, con tôi sẽ lớn khôn, xinh đẹp, chồng tôi sẽ tiếp tục mi tôi trong thang máy.

Trận tuyết đầu mùa năm nay, trong thang máy chỉ có ba người. May mà tôi lo xa, tuần trước mới thấy sương đóng trắng cành sồi, đã mang xe ra cây xăng cho người ta thay bánh đinh. Việc này mọi năm Khâm làm lấy cả. Cũng còn nhớ lời anh thường khoe “Hai mươi hai phút, đúng.” Và tôi thường ‘tưởng thưởng’ anh một tách cà-phê nóng. Bây giờ anh lủi nhủi như con nhím, chờ vợ con đi, mới ra khỏi phòng, đi kiếm đồ ăn. Anh sẽ lau mặt bằng cái khăn riêng — nếu anh biết điều giữ gìn cho vợ con.

“Má!” Phịu gọi.

“Gì con?”

“Tại sao má mang găng lúc giặt đồ cho ba?”

“Để... để xà-bông không ăn tay.”

“Tại sao má rửa tay bằng... bằng cái gì...”

“Cồn sát trùng,” Phụng nhắc em.

“Tại sao má rửa tay bằng... vi trùng trước khi làm matpakke(1) cho con?”

 
“Sát trùng...” Phụng sửa. Tôi chờ cho con chị giảng giải thêm để tôi khỏi phải trả lời con em. Nhưng Phụng không nói gì thêm nữa. Nhìn vào gương chiếu hậu, tôi thấy nó, ngược lại, nó cũng đang chờ đợi câu trả lời của tôi. Tuyết bông to bay loạn trong ánh đèn.
 

“Để những con vi trùng trong tay má không dính vào gói ăn của tụi con,” tôi đáp.

“Vi trùng của ba, hả má?” con Phịu không chịu tha.

 
“Ở đâu cũng có thể có vi trùng...Thôi, xuống đi, con!” tôi dừng xe trước cổng vườn trẻ, tháo dây an toàn cho Phịu, dắt nó xuống. Một cô giáo đang xúc tuyết trên lối vào, dừng tay, đón con Phịu:
“Hi Vivi!” Vivi là tên thật của con Phịu.

 
“Hi Nina!” con Phịu chào cô giáo, rồi quay lại vẫn tay, “Ha det mamma! Ha det chị Phụng!” (2)

 
Phịu quay đi, tôi vẫn đứng tần ngần nhìn những hoa tuyết rơi trên người con bé bước đi đủng đỉnh. Tôi có cảm giác sợ nó tan theo những cọng tuyết. Gần bước lên tam cấp, nó quay lại, thấy tôi còn đứng ở cổng, nó chạy ra, giang tay cho tôi ôm hôn. Cử chỉ bịn rịn khác thường của con khiến tôi bồn chồn trong lòng.

Tôi lùi xe, xuýt quệt phải mẹ con một bà vừa xuống xe.

“Má!” Phụng gọi.

“Gì con?”

“Má cho con ngồi ghế trước, đi má!”

“Con nít phải ngồi ghế sau.”

“Con 151 cm rồi! Được phép ngồi ghế trước, má.”

“Con học luật lệ đó ở đâu vậy?”

“Dạ, trong trường,” nó trả lời. Tôi thấy ở xã hội này ‘ăn hiếp’ con nít không phải chuyện dễ. Tôi trả lời:
“Con coi tuyết như thế kia, chui ra chui vô mất công lắm. Khi khác má cho con ngồi ghế trước. Mà con 151 cm thật à? Con coi đàng sau có người không!”

“Không, má, nhưng có cái xe đang lùi ra.”

“À, con đo hồi nào?”

“Ngày nào con cũng đo.”

“Chi vậy?”

“Con muốn lớn mau để flytte ut.” (3)

Tôi điếng người. Không biết nói gì với con. Ngay trẻ con Na-uy cũng phải mười bốn mười lăm mới nghĩ tới chuyện ‘ra riêng’ và chờ tròn 18 mới dọn ra thật. Đằng này con tôi mới bảy tuổi rưỡi... Dù nó nói theo trào lưu hay nó là... thần đồng, tôi cũng vẫn rất đau lòng. Gần tới trường học của con, tôi mới lên tiếng được:
“À, con vừa nói con thích mau ra ở riêng. Con không thích ở với ba má sao?”

“Con thích ở với má. Nhưng ba không thích con...” Phụng nói.

“Tại sao con nói vậy?”

“Ba về Việt Nam kiếm con trai.”

Thì ra cũng là chuyện này. Tôi ngừng xe trước cổng trường, ghì con vào lòng, hôn túi bụi trên mặt nó.

“Con là tất cả của má. Má không cần kiếm cái gì khác,” tôi nói.

“Con thương má,” nó nói.

Nó đi lẫn vào đám trẻ trong sân trường rồi, tôi mới quay xe ra, miệng lẩm bẩm:
“Khâm ơi! Anh đáng tởm hơn nữa vì đã xúc phạm tới các con.”

Tôi muốn băm vằm anh ra cho hả giận. Đi tìm vui thú riêng mà lấy cớ nối dõi tông đường! Chính cái cớ đó đã lạc hậu, mà một người đàn ông ở thế kỷ 21, sinh trưởng ở Na-uy, lại có thể đưa ra làm chiêu bài được. Thật là hôn mê ám chướng. Giá anh cứ tiếp tục con đường mê muội đó thì tôi có thể coi anh là một lãng tử vô lương tâm; đằng này anh vác cái thây bệnh hoạn về nhà, tôi chỉ có thể gọi anh là vô liêm sỉ.

 
Tới một khúc quanh cái xe, như con ngựa bất kham, xăm xăm lao thẳng xuống hố, bất kể tôi bẻ lái tay phải hay tay trái. Tôi hoảng hốt đạp thắng, tôi thấy trời đất xoay vòng vòng. Tôi chờ chết. Tôi hình dung hai đứa con ôm xác tôi khóc thảm thiết dưới trời tuyết. Sau đó, ai sẽ nuôi chúng? Nhất định người cha vô tích sự không có khả năng, không có tư cách gìn giữ hai kho tàng vô giá của tôi. Tôi chờ đợi một đụng chạm kinh hồn, tách linh hồn tôi ra khỏi xác... Tại sao tôi ra nông nỗi này! Phụng ơi! Phịu ơi! Các con cứu má! Chúa ơi! Xin hãy ra tay cứu con!

 
Tôi tỉnh dậy trong bệnh viện, ngơ ngác. Tôi lấy tay phải sờ tay trái, rồi sờ hai chân — còn nguyên. Tôi hít vào thật sâu — tim phổi chưa văng ra ngoài. Tôi sờ đầu — không băng bó chi cả. Tôi còn lành lặn.
 

 
Người đầu tiên tới thăm tôi là mẹ chồng, người sau cùng tôi chờ đợi. Người đã phản đối cuộc hôn nhân của chúng tôi, viện cớ tôi không chịu theo Đạo (hiểu là Công giáo). Người đã ngầm tán đồng việc đứa con trai Công giáo của bà về Việt Nam lấy vợ bé. Dù vậy, tôi đang mừng vì thoát chết, nên không ngoảnh mặt đi. Tôi nói, giọng thân thiện:
“Sao má biết con nằm đây?”

“Thằng Khâm báo,” bà nói, trao cho tôi bó hoa. “Giê-su, Chúa đã cứu con đấy!”

“Cám ơn má, má cứ để đó giùm con.”

“Để má đi tìm cái bình,” bà nói và ra ngoài. Tôi nghe tiếng Na-uy nhát gừng của bà oang oang ngoài hành lang, chắc bà nói với các cô ý tá, rồi thấy bà mang vào một cái bình hoa bằng thiếc, xun xoe cắm hoa. Cô y tá mở cửa nhìn tôi, mỉm cười, nháy mắt một cái rồi khép cửa lại. Nhìn những ngón tay móng tím rịm của bà mẹ chồng và những bông hoa cẩm chướng đỏ, loài hoa tôi ít có thiện cảm nhất, tôi tự hỏi không hiểu bà đang ‘mưu đồ’ gì.

 
“Má đi đón các cháu giùm con, được không?” tôi nói khi bà cắm hoa xong.
 

 
“Được chớ. Nhưng bây giờ còn sớm, chưa tan học.”
 

 
Tôi nhìn đồng hồ — một giờ hơn. Tai nạn xảy ra cách đây gần bốn tiếng. Không đầy bốn tiếng đồng hồ, xuýt nữa tôi đã thành người thiên cổ.
 

“Con nói trước như vậy, để má dễ thu xếp.”

“Con cứ yên tâm tĩnh dưỡng. Má sẽ lo cho xấp nhỏ,” bà nói rất ngọt, khiến tôi phát lo hơn là yên tâm.
 
Bà biết việc tốt nhất bà có thể làm cho tôi bây giờ là gì không? Đó là bà rước người con trai yêu quí của bà về nhà, hai mẹ con hú hí với nhau, để tôi một mình. Tôi đang rất cần ở một mình yên tĩnh, cần ghê gớm, như một người bị chụp thuốc mê buồn ngủ. Tôi thầm nghĩ, và nhắm mắt lại, thở dài. Bà biết tôi cần nghỉ ngơi, lặng lẽ bỏ ra. Tôi nghe tiếng oang oang của bà ngoài hành lang. Khi tiếng bà nhỏ dần, tôi mở mắt ra, như tuồng thuốc mê hết tác dụng. Tuyết vẫn lặng lẽ rơi ngoài cửa sổ, từ đêm qua tới giờ không ngớt. Lặng lẽ và dai dẳng. Tuyết dịu dàng phủ kín mặt đất và nhà cửa. Có khi nào đang bắt đầu một cơn hồng thủy trắng nhận chìm thế gian một cách êm ái chăng? Giả như có một cơn hồng thủy mới, tôi là người đầu tiên bình thản đón nhận. Cái cảm giác hốt hoảng khi xe tôi sắp lao xuống hố, rất ngắn ngủi; sau đó và bây giờ là tâm trạng phó mặc. Tôi thả hồn tôi rơi trong chân không giải thoát. Giải thoát khỏi cuộc đời vô vị này. Vâng, giải thoát khỏi cuộc đời không mặn không nhạt, không chua không ngọt này, không gì cả, trừ một chút vô tình... Giải thoát khỏi thế giới không màu sắc ấy, phải là một cơn hồng thủy trắng. Tôi nhắm mắt lại.
 

“Cô có thể về nhà rồi,” cô ý tá nói khi tôi thức giấc. “Cô muốn gọi người nhà đón, hay tôi kêu taxi?”
“Cô làm ơn kêu taxi giùm tôi, cám ơn.”

 
Thấy hai đứa bé đứng ở trạm xe buýt, tôi nói ông tài xế chạy vào trạm. Quả là con Phụng con Phịu. Hai đứa nhảy lên xe, ngồi hai bên. Tôi phủi những bông tuyết trên người hai đứa.
 

“Tụi con tính đi thăm má,” con Phịu nói.

Tôi hôn hai con, lắc vai con Phịu, nói:
“Tụi con thật là liều, dám đi một mình!”

“Đâu có một mình, má! Con đi với chị Phụng, má,” Phịu nói.

“Thì má nói là hai đứa con còn quá nhỏ để đi trên đường lạ!” tôi nói. “Lần sau phải có người lớn dẫn, nghe không?”

“Dạ... Má có đau không, má?” Phụng hỏi.

“Má không sao cả, nên bác sĩ mới cho về ngay.”

“Con không thích má về ngay,” Phụng nói.

“Ủa, sao lạ vậy?”

“Con muốn vào bệnh viện thăm má.”

“Con cũng vậy,” Phịu nói.

“Rồi đưa má về,” Phụng tiếp, “vậy mới sang.”

“Vậy để lần sau,” tôi cười nói “má đau nữa, nhé?”

Đã tới nhà.

“Sao má không trả tiền taxi?” Phụng hỏi khi thấy tôi chỉ đưa cho ông tài xế một tờ giấy.

“Bệnh viện cho giấy trưng dụng,” tôi đáp.

“Giấy trưng dụng là gì?”

“Là rekvisisjon, là tờ giấy bệnh viện nhờ taxi chở má về nhà, ông taxi chở xong thì nạp tờ giấy cho nhà nước lấy tiền.”

“Cám ơn ông,” tôi nói với ông tài xế, và xuống xe. Phụng vẫn còn thắc mắc về vụ trưng dụng, hỏi ông tài xế:
“Ông ơi! Nếu ba chở má, ba có được tiền không?”

 
Ông tài xế cười, giọng ngoại quốc:
“Hm, má cháu trả ba cháu bằng cái khác, hề hề...”

 
Mới có tám tiếng đồng hồ mà quang cảnh khu chung cư xa lạ như đi xa rất lâu về nhà. Tuyết trên lối vào đã được ủi thành hai bức tường ngang hông người; một lớp mới trắng bong đã trải lên. Những cái băng chúng tôi ngồi phơi nắng mùa hè trở thành những con gấu tuyết nằm phủ phục bất động.

 
Vẫn người tôi ít chờ đợi nhất trên thế gian đang lù lù hiện diện trong nhà tôi. Lúc tôi mở cửa vào, bà đang ngồi trong phòng khách, tay còn cầm cái bấm tivi. Nhà tôi không có đài Việt Nam, nên bà miễn cưỡng coi phim Hàn. Chắc anh con trai trốn vào phòng khi nghe tiếng mở cửa.
 

“Má tưởng con còn ở trong nhà thương lâu, má về coi mấy đứa nhỏ,” bà nói.

“Cám ơn má... May bây giờ con đã về rồi. Con tự coi chúng nó được mà.”

 
Bà không hiểu, hay làm bộ không hiểu rằng mình không được hoan nghênh, vui vẻ nói:
“Coi sao xuể! Con mới xuất viện, người coi vậy chớ không khỏe đâu, chưa khỏe hẳn.”

Tôi cúi xuống hỏi các con, vẫn đang nắm chặt tay tôi:
“Tụi con ăn uống gì chưa?”

“Dạ chưa,” hai đứa cùng nói.

“Hồi nãy bà nội bảo ăn cái gì rồi hẵng đi, cứ nằng nặc đòi đi ngay,” bà nói. “Để tao đi nấu cơm.”

“Không cần đâu, má,” tôi nói. “Tụi con đi làm bài đi. Làm bài xong thì có cơm ăn.”

Con Phụng dạ một tiếng, đi vào phòng. Con Phịu nói:
“Con tiếp má làm bếp.”

Khâm ra hỏi:
“Em không sao chớ?”

“Không sao,” tôi đáp, không nhìn lên.

Anh ta rút vào phòng.

Bà mẹ nói:
“Má làm gì tiếp con được?”

“Má cứ lên con phim, bao giờ cơm xong, cháu lên mời,” tôi trả lời.

“Phim Hàn chán chết...” bà thở dài. “Con còn giận má à?”

“Con có giận ai hồi nào đâu?”

“Má xin lỗi con.”

“Chết! Việc gì má phải xin lỗi con vậy?”

Tôi đổ rổ rau vào chảo nóng. Xèo!

“Chuyện gì, con biết đấy,” bà nói.

“Dạ không, con không biết.”

“Con biết.”

“Không, con không biết. Má cứ nói thẳng ra đi!” tôi nói. Tôi nghĩ nếu bà biết tự nói ra một lời, may ra tôi có thể tha thứ cho. Nhưng bà lại nói:
“Má sẽ trả lại công đạo cho con.”

Tôi xuýt bật cười thành tiếng. Tôi đổ chảo rau xào vào cái đĩa to, trong đầu nghĩ nên ăn trong bếp hay ngoài phòng ăn. Không biết hôm nay anh ta có ra ăn cơm với mẹ anh ta không?

Bà nói tiếp:
“Má muốn về đây ở.”

“Thêm một của nợ?!” Tôi nghĩ và buông đĩa rau xào xuống sàn.

 
Đêm. Nhìn đèn đường tôi biết tuyết đã ngừng rơi. Cơn hồng thủy trắng dâng nửa vời rồi ngưng lại, vừa ngập cái vạch đỏ trên những cây cọc mà mùa đông thị xã cho cắm dọc đường. Chắc Thượng Đế còn nghĩ lại, dung tình cho loài người. Loài người chưa đáng chết. Hay không đáng vùi trong tuyết trắng. Nhưng tôi uất ức. Mẹ con họ tưởng tôi là cái gì? — Một con giun để dày xéo? Một con khùng dễ lừa gạt? Tôi muốn nổi cơn thịnh nộ, tống cổ người đàn bà ra khỏi nhà tôi, nếu cần dùng lực thì tôi còn trẻ và khỏe hơn bà, nếu cần dùng lý thì tôi là chủ căn nhà này, nếu dùng tình thì chính bà từ đầu đã khước từ tình cảm của tôi, chính bà đã tìm mọi cách ngăn cản không cho con trai bà cưới tôi, đến khi tôi tôi có hai mặt con rồi, bà vẫn gieo rắc bao nhiêu lời độc địa... Tôi có thể nhấc điện thoại kêu cảnh sát... Khâm sẽ can thiệp? Bằng cách nào? Anh sẽ đem cái mạng cùi ra đọ với tôi? Điều này cũng đáng sợ thật, nhưng tôi có thể dùng cây lau nhà, à! có cả cái bình chữa lửa nữa, xịt một cái là anh co rúm người lại, như cái kén trong nồi nước sôi. Tôi sẽ dồn anh vào con đường cùng phải lựa chọn — một là vào bệnh viện nằm để nhà cửa được sạch sẽ, hai là ra khỏi nhà này như con chó ghẻ... Tóm lại tôi là kẻ chiến thắng, mọi mặt. Tâm trí tôi bay phóng túng trong một bầu trời đen, trẻ con, nhỏ mọn. Tôi biết đó là nhỏ mọn, nhưng để bù lại gần mười năm trời nhẫn nhục, tưởng không có gì là quá đáng. Họ luôn luôn là hai kẻ đáng khinh hơn đáng thương.
 

 
Có lúc tôi cảm thấy bị vây hãm bởi sự lì lợm của mẹ con họ. Khâm bỏ vợ con theo gái, tới thân tàn ma dại mà dám vác mặt về; bà mẹ nhân danh một thứ tôn giáo công bằng bác ái phủ nhận tôi, con trai làm điều vô luân, không nửa lời ngăn cản, bây giờ lại đòi về ở chung. Thật là không biết ngượng.
 

 
Từ trong bóng đêm, một khuôn mặt thân quen hiện đến bên giường. Nụ cười ba phần trách móc bảy phần thương hại. Quang! Quang, ngồi xuống bên giường vuốt tóc tôi. Anh nói:
“Em ơi, mình bắt đầu lại vẫn chưa muộn...”

 
Mẹ chồng, thức dậy từ sớm, chiên trứng gà, pha cà-phê thơm lừng trong bếp, thấy tôi từ nhà tắm đi ra, đon đả:
“Con ăn sáng để chuẩn bị đi làm. Để cho chúng nó ngủ thêm mười phút nữa hẵng đánh thức...”

 
Giấc mơ trong đêm khiến tôi có mặc cảm tội lỗi. Tôi bớt căng thẳng với mẹ chồng. Với Khâm, tôi sanh chút thương hại.
 

“Má không cần mất công như vậy,” tôi nói và ngồi xuống, uống một hớp nước cam tươi.

“Con!”

“Dạ, má nói chi?”

“Con... xử lý vụ việc của má hôm qua thế nào?”

Từ ngày chạy được hồ sơ hưu tàn phế, bà không làm việc gì khác ngoài coi VTV4. Đã nhập tâm.

 
Tôi hỏi lại:
“Về việc má về ở đây, phải không ạ?”

“Đúng vậy. Con thấy sao?”

Thật ra, nhà vẫn còn một phòng trống, chỗ ở không thành vấn đề, nhưng tôi cảm thấy bất an khi sống chung với một người đàn bà như bà có đạo mà thiếu đức. Tôi nói:
“Má đang ở trên đó thảnh thơi một mình một nhà. Má không thấy xuống đây chật chội sao?”

“Thì tạm thời trong tuần lễ con không có ô-tô, chủ yếu là má đưa đón hai đứa đi học...”

 
Tôi quên không nghĩ tới điều này. Tôi gật đầu:
 
“Dạ, cũng được, trong tuần này...” Ý tôi là chỉ chấp thuận cho bà ‘tạm trú’ một tuần thôi; có gia hạn hay không thì hậu xét. Ít nhất tôi được một tuần lễ không phải hầu hạ cơm nước và đụng chạm tới quần áo dơ của Khâm.

 
Sissel, trưởng dự án và bạn thân nhất của tôi trong sở, khuyên tôi nên đi bác sĩ tâm thần. Trong cuộc họp nhóm, nó không giao công tác mới cho tôi, bảo coi lại việc cũ. Ai cũng thông cảm tôi đang gặp chuyện buồn trong gia đình, đụng xe chỉ là một hậu quả trông thấy. Họp xong, Sissel vào văn phòng tôi, nói tiếp:
“Bị áp lực như vậy sẽ thành bệnh,” nó nói.

 
“Tao chịu đựng được,” tôi nhìn nó biết ơn, nhưng nói cứng. Thực ra, trong lòng, tôi không biết tôi chịu đựng được bao lâu. Nhìn mặt Sissel và mấy đứa con gái làm chung, tôi biết chúng đang chê tôi khờ dại, phải như chúng nó, chúng nó đã đá đít thằng chồng mắc toi ra ngoài cửa. Còn tôi chỉ biết... chịu đựng.
 

 
“Chịu đựng!,” nó cười khẩy, “Có phải đó là truyền thống của người đàn bà Việt Nam không?”
 

“Tao mấy phần là Việt Nam, mấy phần Na-uy, mày biết. Tao chịu đựng, không phải vì tao là đàn bà Việt Nam, nhiều đàn bà Việt Nam đốt chồng, cắt cu, chớ không phải giỡn, nhưng tao chưa biết nên làm thế nào để không phải hối hận, để không ảnh hưởng tới các con tao.”

“Nếu vậy, mày có thể đi gặp cố vấn gia đình. Họ có những lời khuyên chuyên môn, thế nào là tốt nhất cho các con, cái gì làm mà không phải hối hận...”

“Để tao coi.”

“Nói chuyện với mày như nước đổ đầu vịt. Thôi, tao về phòng tao đây. Tuần này mày muốn đến giờ nào thì đến, về giờ nào thì về. Nhưng mỗi ngày phải tới sở trình diện tao. Không được... tự tử.”
 
Sissel nói đùa. Nhưng biết đâu tự tử chẳng là một giải pháp hay...

 
Hình như châm ngôn Trung Hoa có câu đại khái nói một vạn bước phải có một bước đầu. Cái bước đầu đơn giản nhất để tôi mở cửa cho Khâm là anh đi khám bệnh và chữa bệnh. Nhưng anh cứ trốn chui trốn nhủi trong phòng như con gián. Không biết anh bệnh gì, nguy hiểm tới đâu? Thái độ của anh có nghĩa là gì? Đầu hàng bệnh tật và cuộc đời? Hổ thẹn với vợ con và xã hội? Ân hận? Tuyệt vọng? Ăn vạ? Muốn cho tôi có thể ứng xử thỏa đáng, ít ra anh phải mở đường cho tôi. Đằng này, anh không hề nói trong trường hợp nào bị bệnh, đã khám bệnh ở Việt Nam chưa, bác sĩ hay ông lang, thầy pháp ở bên đó nói gì. Anh chưa mở miệng long trọng xin lỗi. Anh chưa minh nhiên nói xin được trở về. Anh là người đọc Kinh Thánh, ít nhất anh phải biết ‘Người con hoang đàng’ nói gì khi quay về — ‘Thưa Cha, con đã phạm tội đối với Cha và đối với Thượng Đế. Con không xứng đáng làm con của Cha nữa.’ Mẹ anh coi vậy mà khá hơn, có lẽ kinh nghiệm đời giúp bà một thái độ, khi cần, có thể khiến người ta dễ tha thứ cho hơn.

 
Tôi đi làm về, trễ hai tiếng, thấy con cái đã ăn uống đàng hoàng, con Phụng đã làm xong bài, đang ngồi bên con Phịu chờ chương trình tivi trẻ em. Tôi về trễ vì ngồi trên xe điện hầm Sognsvann, đi qua nhà Quang, tới trạm chót, nơi chúng tôi năm xưa thường xuống để vào rừng chơi. Hôm nay tôi đi một mình bằng đôi chân buồn bã, vô hồn, không tà ý. Đầu óc tôi trống rỗng, tai chỉ nghe tiếng sắt lăn rền, thỉnh thoảng rít lên ở một khúc quanh, đau đớn. Có lúc tôi chảy nước mắt mà cứ tưởng tuyết từ khe cửa sổ tạt vào.
 

“Đi xe buýt vất vả thế đó. Bao giờ cái xe xong, con?” mẹ chồng ngồi ghế bên bàn ăn hỏi.

“Dạ, họ nói một tuần... Má lấy gạo ở cái bao nào vậy — bao nhiều hay bao ít?”

“Không nhiều, không ít. Má mua gạo mới, gạo mới năm nay. Con thấy ăn được không?”

“Con thấy không ngon nên mới hỏi.”

“Vậy mai má sẽ đem đổi.”

“Không cần, má, để ăn cũng được.”

 
Tôi không biết bà bê bao gạo 45 pounds từ phố về bằng cách nào, tôi thương hại, nhưng không hỏi. Tự cảm thấy mình hơi ác. Tôi đánh rớt một chiếc đũa, bà lấy chiếc khác cho tôi. Trước đây khi thấy tôi làm như thế, bà đã chê bai là tôi sạch rởm, bắt chước Tây.
 

 
Bà bắt lại câu chuyện xe cộ:
“Con bảo hành mấy chiều?”

“Dạ hai chiều.”

“Vậy lẽ ra họ phải cho con mượn ô-tô miễn phí.”

“Con biết, nhưng con muốn đi xe buýt cho thảnh thơi.”

 
“Một người như con, cái gì cũng xoay xở được trên đời,” bà ôm bằng hai tay bàn tay tôi đang đặt trên đùi. “Nhưng thằng Khâm, nếu con không thương tình, nó không sống được. Còn má, nếu nó chết, má cũng không thiết sống nữa.”
 

“Con thương anh ấy cũng vô ích, nếu chính ảnh không biết thương mình. Má khuyên anh ấy phải đi khám bệnh. Đó là điều tiên quyết để giải quyết việc này.”

“Nhưng sau đó, con không bỏ nó chớ?”

 
Tôi im lặng đứng lên, xếp chén đĩa vào máy. Chính tôi không biết nếu Khâm khỏi bệnh, tôi sẽ phải làm gì tiếp theo.

 
Các bậc khôn ngoan dạy tôi phải sống giây phút hiện tại. Nhưng phen này tôi bị kẹt cứng, tôi không thể cắt ngày hôm qua ra khỏi hôm nay, hôm nay ra khỏi ngày mai. Quá khứ, hiện tại, tương lai là một chuỗi liên tục không tách lìa nhau. Cái hôm qua đơn độc sẽ chỉ có một Khâm nồng nàn đến bỏng cháy. Cái hôm kia riêng rẽ sẽ chỉ có một Quang thơ mộng đến dại khờ. Không có Khâm, đâu có cái hiện tại quằn quại này! Không có Quang làm đối trọng, tôi đâu có cân nhắc và nghiêng cán cân về Khâm! Kết quả là hai đứa con, mà nếu không có ngày mai của chúng, ngay bây giờ tôi có thể tống vào mồm trọn chai thuốc ngủ với một ly nước lạnh. Không gì đơn giản hơn một hiện tại riêng rẽ.
 

 
Tôi trằn trọc mãi tới khi một người đàn ông có mùi nhựa thông của rừng Sognsvann hiện đến nhìn tôi bằng đôi mắt đẹp ba phần trách móc, bảy phần xót thương. Khuôn mặt như mây ngàn năm hạ đỉnh non.
 

“Em phải sống. Mình sẽ chắp nối lại tình xưa,” Quang nói trong mơ.

Ba rưỡi chiều, trời đã tối. Tôi cầm mobil trên tay lâu lắm, phân vân có nên gọi cho Quang không, tất nhiên chỉ để nói chuyện cho khuây khỏa thôi. Cái máy reng, tôi giật mình như kẻ trộm bị người bảo vệ đứng sau vỗ vai.

“Thằng Khâm chết rồi!” tiếng mẹ chồng, và tiếng nấc.

Khâm đã chờ lúc mẹ xuống phố đổi gạo, vào phòng tôi lấy chai thuốc ngủ.

Vì cái chết bất bình thường, bệnh viện phải giảo nghiệm. Họ xác nhận Khâm tự vẫn bằng thuốc ngủ. Tờ trình, ngoài ra, cũng cho biết anh bị bệnh ‘psoriasis’, hình như tiếng Việt gọi là bệnh vảy nến, một bệnh có thể di truyền, nhưng không lây nhiễm. Bệnh đó xuất hiện ở Bắc Âu và Mỹ nhiều hơn Việt Nam, có nghĩa là chưa chắc anh lây bệnh từ cô gái kia. Nhưng chắc chắn ‘mối tình chat’ đã hủy hoại tinh thần lẫn thể xác anh tới cùng cực. Cuộc đi hoang đã để lại trong tâm hồn anh những vết thương chết chóc, đâm rễ vào thể xác sẵn hao mòn. Anh chui rúc trong bóng tối vì hổ thẹn với tôi và các con. Anh còn biết đau đớn, tủi nhục, chung qui cũng vì anh còn lương tâm. Nghĩ đến điều này tôi bật khóc. Tôi ân hận vì những ý nghĩ ác độc trong đầu mình. May mà chưa bao giờ tôi thốt ra. Nhưng sự lạnh nhạt, tránh sao anh không thấy.

Mẹ chồng lấy khăn cho tôi chậm nước mắt, những giọt nước mắt mà tôi biết đang làm bà nhẹ lòng và biết ơn.

Khâm tính toán rất khéo, gởi một điện thư vào hộp thư của tôi vào 11 giờ đêm thứ sáu, trước ngày mai táng.

Thư viết:

 
“Em yêu,
 
Đã đến lúc chính anh không còn chịu đựng được mình nữa... Cuộc lẩn tránh đã tới đường cùng. Anh không còn mặt mũi nhìn em, nhìn các con.
 
Cám ơn Em về mười năm yêu thương, mà khi anh biết trân quí cũng là lúc vĩnh viễn mất đi. Cám ơn Em vì đã chứa chấp anh, chịu đựng trong hơn một tháng trời qua. Nợ tình còn đó, kiếp sau anh xin đền trả. Nếu không có kiếp sau, mà chỉ có địa ngục đang chờ anh, anh vẫn yêu Em trong địa ngục. Anh biết cái chết anh tự chọn chỉ chấm dứt được cảm giác đau đớn và lòng ân hận, không mong rửa sạch tội lỗi. Anh van xin Em và các con lòng tha thứ, như một ân huệ cuối cùng. Anh biết Em bản tính nhân hậu sẽ tha thứ cho anh. Nhưng cũng chính vì biết Em nhân hậu mà anh càng khó tự tha thứ cho mình. Anh viết những giòng này mà mười ngón tay run rảy vì sợ hãi.
 
Xin Má tha thứ cho đứa con bất hiếu.
 
Tất cả chỉ vì một phút lỡ lầm.
 
Nhắn với những bạn bè quen biết: đừng bao giờ tìm bắt ảo ảnh!
 
Vĩnh biệt mọi người.
 
Khâm”

Tôi cố giữ vẻ u sầu kín đáo trước mặt mọi người. Nhưng khi mọi người ra về, tôi ở lại đứng bên huyệt mộ, đất nâu trộn với tuyết trắng.

“Em đã sẵn sàng tha thứ cho anh từ lâu rồi. Sao anh ngỏ lời trễ như vậy?”

 
Nói được hai câu ấy xong tôi bật khóc. Tôi càng khóc càng đau đớn. Nỗi thương xót anh thì chắc anh đang chứng giám, hai con đứng đằng sau với bà nội đang nhìn vai tôi rung, nhưng chất cay đắng trong nước mắt chỉ mình tôi nếm được — cay đắng của oán hận. Anh đã phá hoại tình yêu của chúng ta, lại không đủ khiêm tốn trỗi dậy, không đủ can đảm xây dựng lại. Anh là vậy, tình yêu thừa đam mê mà thiếu sâu xa, anh chưa hiểu lòng một người đàn bà như tôi. Một giòng thương xót với một giòng đắng cay cứ thi nhau tuôn ra, một thân tôi khôn cầm.

 
Tâm Thanh
 
Chú thích
1. matpakke: gói ăn trưa
2. ha det bra: tạm biệt
3. flytte ut: ra ở riêng

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.