Mar 28, 2024

Tùy bút - Bút ký

Ba lần đi ngang qua Hà Nội
Thanh Khâm * đăng lúc 09:00:34 AM, Dec 03, 2008 * Số lần xem: 1778
(trích đoạn ) Chương 4

Ba lần đi ngang qua Hà Nội

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi bị kẹt ở lại Sài Gòn, vì không kịp di tản gia đình để đi lánh nạn Cộng sản. Ngày 10 tháng 6 năm 1975, nhà cầm quyền Cộng sản ra thông cáo kêu gọi Ngụy Quân Ngụy Quyền Sài Gòn ra trình diện đi học tập, mang theo tiền ăn một tháng .. Nhưng sự thật cái thông cáo đó, chỉ là thông cáo ma giáo của nhà cầm quyền Cộng sản lừa bịp. để bắt gọn những người trước kia từng đối kháng với Cộng sản. Do đó,tôi cũng bị bắt đi tập trung cải tạo ở trại Long Giao, Long Khánh và Trại Suối Máu, Biên Hòa, mất một năm, qua 2 trại ở tại miền Nam Việt Nam.

Ðến ngày 26 tháng 7 năm 1976, vào lúc giữa đêm, tất cả tù của trại Suối Máu bị bắt đưa xuống tàu Sông Hương, đậu ở bến Tân Cảng, Sài Gòn, để đưa tù ra miền Bắc Việt Nam. Con tàu oan nghiệt này chở đầy những người tử tù đi lưu đày biệt xứ. Trên chuyến hải hành này, có anh Nhiều, Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến đã tự tử chết trên đường đi, bằng cách uống nhiều thuốc viên ngừa sốt rét loại Chloroquine . Và trước đó mấy ngày cũng có anh Ðàm Minh Viêm, Trung tá Công Binh / QLVNCH cũng đã tự tử bằng uống nhiều thuốc Chloroquine, đã chết ở trại Suối Máu, Biên Hòa. Vì hai anh đã biết sẽ bị đưa đi đày ra đất Bắc Việt Nam.

Trên tàu Sông Hương,tù bị buộc ngồi chen chúc sắp lớp dưới khoang tàu. Hình ảnh này tương tự như những con tàu từ Phi Châu của thực dân da trắng ở cái thời chở nô lệ người da đen đem bán qua Mỹ Châu. Chỉ nhìn một cảnh này thôi cũng thấy rõ cái tính man rợ của con người với con người. Vì cách cư xử với đám tử tù còn thua đối với đám súc vật. Sau hai ngày đêm tàu cặp bến Hải Phòng, vào một buổi chiều tối, dưới ánh đèn vàng vọt, dưới ánh sáng mờ ảo của cái Xã hội Chủ nghĩa miền Bắc Việt Nam. Ðây là Xứ của Vua Lừa. Ðoàn tù bị lùa lên bến để chuyển qua tàu há mồm LCM 8( loại tàu đổ bộ của Pháp để lại sau năm 1954), để đưa tù vào tạm trú qua đêm ,tại một dãy nhà kho ở Hạ Lý, chờ hôm sau di chuyển tiếp..

Chiều ngày hôm sau, tù tiếp tục bị đưa đi Yên Bái bằng xe lửa. Do cuộc di chuyển tù bằng đường hỏa xa qua đêm cho đến tờ mờ sáng, khi con tàu dừng lại nơi ga Hàng Cỏ, để lấy nước cho đầu máy xe lửa.. Cũng nhờ vậy mà tôi được nhìn thấy một góc phố và dân chúng tại thủ đô của đất nước Cộng sản này. Ðây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi, mới nhìn thấy được một góc phố của thủ đô Hà Nội..

Ðặc biệt tôi thấy dân Hà Nội rất hiếu khách.! Tuy trời còn tờ mờ sáng, thế mà ga Hàng Cỏ cũng đã có đông nghẹt dân chúng, đủ mọi thành phần, do công an Cộng sản huy động và xúi giục ra chào đón tù Sài Gòn. Họ rất năng động và hùng hổ. Họ dùng đá dọc theo đường tàu ném tơi bời vào những toa xe chở tù. Họ cũng tỏ ra hặm hực và văng tục, chửi bới tù bằng những lời lẽ do Bác và Ðảng đã dạy, và trang bị trước cho họ. Ðám người này đã được chính quyền địa phương , bắt học tập trước khi cho họ ra đây để đón tù Sài Gòn !

Những lời nguyền rủa nghe rất chữ nghĩa, mà người Cộng sản thường quen dùng, quen gọi. Nào là . Quân bán nước! ., Quân phồn vinh giả tạo ! . Quân ăn gan hút máu đồng bào! . Quân tay sai Ðế Quốc Mỹ .v.. v.. Khi tôi nghe qua những lời nguyền rủa rất độc đáo đó, xuất xứ theo chữ nghĩa cùng tư tưởng của Mác Lê Nin. Tôi thấy nó như đang ngùn ngụt bốc lên, nồng nặc mùi Cộng sản hiếu chiến hiếu sát. đầy tử khí.ở một góc phố.. Tôi thấy rõ đây là một màn kịch rất đáng thương hại. Tôi nhìn thấy đám đồng bào tại nơi này chỉ là đàn cừu của ông Panurge, hay gọi đúng hơn là đàn cừu của họ Hồ ?. Tôi thấy đau xót và thương hại đồng bào đã bị Cộng sản ép buộc và lừa gạt.để làm màn kịch này.

Tôi cũng liên hệ đến thân phận mình cũng bị lừa gạt như họ, nên bị đưa ra tận nơi này . Ðây cũng là lần đầu tiên, tôi nhìn thấy được một góc phố của thủ đô Hà Nội, thấy con người Hà Nội. Nhìn thấy một góc trời của đất Thăng Long, đất của ngàn năm văn vật, nhưng hôm nay thành một góc phố đang nặng mùi tử khí và sát khí, đằng đằng thù hận .. Nhưng khi nhìn kỹ thấy đám người này ,sao vẫn còn có chút giả tạo bị o ép ở nơi họ.

Ðoàn tàu chở tù lấy nước xong, rời ga Hàng Cỏ, tiếp tục đi về hướng Tây Bắc. Dọc theo đường sắt đi Việt Trì, rồi đi Yên Bái, đâu đâu cũng có đồng bào chào đón bằng những đợt ném đá tưng bừng, kèm theo những lời hò hét nguyền rủa thậm tệ, theo lệnh Bác và Ðảng chỉ dạy. Bà con dọc theo đường sắt chào mừng tù, rất chu đáo. Ngay cả ban đêm, họ cũng bị gọi ra để chửi rủa ,khi xe chở tù đi ngang qua đó. Ban ngày thì đầy sát khí, ban đêm có vẻ yếu ớt chiếu lệ.. Kể ra Bác và Ðảng đã giáo dục nhân dân thù hận tù Sài Gòn có phần chu đáo và cũng có đầy đủ thủ đoạn thâm độc.

Do đó, trong các chuyến tàu trước ,cũng có tù chết ngạt trong toa. Ngày đó nếu đoàn tàu của chúng tôi không đến kịp Yên Bái, tôi cũng bị chết vì nghẹt thở trong toa đen, loại toa chở hàng hóa và súc vật. Một phần vì cái nắng quá oi bức và toa xe đen không đủ thoáng khí. Nhìn 4 tên bộ đội vũ trang bằng súng AK47, canh giữ ở hai bên cửa mỗi toa xe, đã nhận lệnh cẩn thận của những tên cán bộ tại mỗi ga.Nhìn qua hình ảnh này, khiến tôi liên tưởng đến một đoạn phim của những tên SS của Ðức Quốc Xã di chuyển tù Do Thái, bằng đường xe lửa, đến các phòng hơi ngạt ở Auschwitz và DaChau, Ba Lan, trong thời kỳ Ðệ Nhị Thế Chiến ở Âu Châu. Tôi có cái cảm giác tương tự khi nhìn thấy cái cảnh thê thảm của những người tù nằm vật vã trên sàn tàu, mệt mỏi thiếp đi vì gần như kiệt sức, đang trên đường bị đưa vào trại tập trung lao cải tận miền rừng núi Hoàng Liên Sơn.Giờ phút đó những người tử tù đang mang một tâm trạng phó thác cho định mệnh, phó thác cho Thượng Ðế an bài..

Khi đoàn tàu đến ga Yên Bái, tù được lùa ra khỏi toa xe, xếp hàng đi nhận nước uống. Xếp hàng đi xuống bến phà Ô Lâu với sự canh giữ chặt chẽ của bộ đội và dân quân vũ trang. Tại Yên Bái cũng được đồng bào dàn chào bằng những lời nguyền rủa tương tự như cảnh ở ga Hàng Cỏ. Qua phà xong, lên xe vận tải kiểu Molotova của Nga Tàu ,có hơn 10 xe ờ bên kia bờ sẵn sàng chở tù vượt đèo Hoàng Liên Sơn, để về trại giam Sơn La và Nghĩa Lộ, tức Trại 2 gần Nông Trường Trần Phú ở Ba Khe.

Tôi bị đưa về giam tại Trại 2, gần Nông Trường Trần Phú. Tại nơi này, tôi bắt đầu những ngày lưu đày trên rừng sâu đất Bắc. Tôi bị đi lao cải ở Trại 2 được một năm. Kế đến Trại 4 mất 6 tháng.Trại 4 này nằm sâu trong rừng phía Bắc của Nông trường Trần Phú. Rồi bị chuyển qua Trại 6 ở khu rừng nằm gần xã Cẩm Nhân ,dưới sự cai quản của Ðoàn 776 ( bí số 776 tức Ðoàn này thành lập tháng 7 năm 1976 để giam giữ tù Sài Gòn ) ở khu vực Thác Bà, cho đến tháng 7 năm 1979. Tù suốt ngày học tập cầm cuốc, cầm dao, cầm rựa,băng rừng lội suối, leo núi, vượt đồi , đốn cây, đốn tre nứa và bằng lao động khổ sai của người tử tù khổ sai biệt xứ. Vì CSVN cho là đám tù này đã vay nợ máu của nhân dân? Cái cảnh lao động khổ sai này còn tệ hại hơn lính thủ đời xưa :

. Ðốn tre đẳng gỗ trên ngàn,
. Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Ở đây con cá hết vẫy vùng..
( Lính thủ đời xưa, Quốc văn giao khoa thư )

Do cảnh lao cải khổ sai này, tù bị đói khát, kiệt sức, bệnh tật không có đủ thuốc men chữa trị. Nên chuyện tù chết cũng là chuyện thường ở nơi địa ngục trần gian này. Tù đành phải chịu cái cảnh chết dần chết mòn, trong các trại giam lao cải. Cũng có người chịu không nổi tìm cách bỏ trốn. Hầu hết đều bi bắt lại, bị xử bắn, hoặc bị đánh đập rất dã man cho đến chết., hay bị tàn phế. Như trường hợp tôi đã thấy anh Nguyễn Văn Năm, Ðại Úy Trưởng Ban 2 Chi Khu Ô Môn, Cần Thơ, trốn trại bị bắt lại cùng với 3 anh nữa . Theo lời kể của anh Năm, ba anh này bị đánh đập bằng báng súng CKC vở sọ chết. Anh Năm bị gãy xương quay hàm và xương bả vai ,nhưng không chết. Năm 1979 khi Trung Quốc đánh Việt Nam anh Năm được chở chạy về Trại Hà Tây. Sau đó bệnh tình quá nặng được đưa đi Bệnh Viện ở Hà Ðông, nơi đây anh được phóng thích với trường hợp Quan Tha Ma Bắt.

Năm 1979, Trung Quốc dạy cho đàn em CSVN một bài học thứ nhất., Trung Quốc đánh Việt Nam có không gian và thời gian, tức 6 tỉnh phía Bắc sát cạnh biên giới Trung Quốc và thời gian 3 tháng, để Trung Quốc lấy lại những gì Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam, điển hình như đã san bằng Tỉnh Lạng Sơn., và về sau đó đánh chiếm cao điểm Hảo Sơn và lấn chiếm Bản Dốc... Cũng do lý do này CSVN phải sơ tán tù Sài Gòn, chuyển về giam ở các trại tù trong vùng đồng bằng sông Hồng, gần thủ đô Hà Nội, như Hỏa Lò, Thanh Liệt , Hà Tây , Hà Nam Ninh, Tân Kỳ,Thanh Phong Thanh Hóa.. v.. v.. Mãi đến năm 1983, khi kinh tế miền Bắc kiệt quệ, lương thực không có cho dân ăn, lấy đâu ra nuôi tù. CSVN buộc lòng chuyển bớt tù về Nam, như về Long Khánh và Z30D...

Nhờ thế, tôi lại có dịp ghé qua Hà Nội lần thứ 2. Vì đoàn xe chở tù sơ tán về Trại Hà Tây, Hà Sơn Bình, đoàn xe phải đi ngang qua Hà Nội. Dù xe chở tù có mui vải che kín, tôi vẫn có dịp nhìn thấy Hà Nội, khi xe đi ngang cầu sắt Long Biên. Ðoàn xe chở tù chạy lạc đường. Có xe lạc qua phố Khâm Thiên, vì đường sá chật hẹp, xe đạp quá nhiều, nên lưu thông bị tắt nghẽn . Xe chở tù bị dừng lại, nên những người qua đường bu quanh, xem đông nghẹt. Họ bàn tán, chỉ trỏ, gọi bảo nhau ầm ĩ , bằng những câu:

- Ðịt mẹ, quân Tàu phù đây, quân Bành trướng đấy ( tức quân Trung Quốc ).

Có người cãi lại nói:

- Quân Pôn Pốt, quân Khờ Me Ðỏ .

Có vài người trông hung dữ hơn, định xông lên xe đánh tù, bị mấy anh bộ đội vũ trang trên xe, dùng súng ngăn lại . Chúng tôi thấy vậy mới lên tiếng:

- . Không phải là quân Bành Trướng hay quân Pôn Pốt đâu, đây là tù Sài Gòn

Khi nghe chúng tôi lên tiếng, họ đồng bảo nhau:

- - . Ồ tù Sài Gòn
.
Sau đó họ bèn bảo nhau lần lần bỏ đi hết.

Thời điểm này, người dân Hà Nội đã quên lời Bác dạy về Tình hữu nghị Việt Trung rồi.. Mối tình hữu nghị lúc này không còn thắm thiết. và Trung Quốc không còn là hậu phương lớn của Ðảng và Nhà Nước ta nữa !

Tuy thế, tôi thấy người Hà Nội, đã được Cộng sản tẩy não. Ðã trở thành con người mới của Xã Hội Chủ Nghĩa, theo kế hoạch trồng người của Ðảng và Bác.Ðã thấm nhuần học thuyết Mác Lê, đã mù quáng làm theo lời Bác và Ðảng dạy. Nên lúc nào cũng có thái độ căm thù hung hãn, hiếu chiến với quân Bành Trướng và Ðế Quốc. Nhưng nhân dân Hà Nội có biết đâu? Có ngờ đâu ? Bác và Ðảng đang sửa sai . Ðã và đang bán nước cho ngoại bang ?. Ðảng đã bắt đầu trở mặt và ôm chân, quân Bành Trướng Trung Quốc và Ðế Quốc Mỹ. Mục đích để tự cứu và tồn tại? Bởi lý do Liên Xô đã tan rã. Nếu thời cuộc cứ biến chuyển theo chiều hướng bất lợi cho CSVN, dưới sức ép của Quân Bành Trướng bằng tư tưởng Ðại Hán của Trung Quốc và Ðế Quốc Mỹ, khiến CSVN hết cách chọn lựa. Cũng vì vậy, nên phải quay ra ôm chân hai thế lực này. Âu cũng là xu thế thời đại đã xoay chiều.

Nếu không có Mỹ, có lẽ tù cải tạo như tôi chắc hẳn phải mục gông trong nhà giam của Cộng Sản Hà Nội? Do chính sách và đường lối trước sau như một mà CSVN đã học của Nga Tàu.Và bắt người , giam giữ người, hủy diệt con người là sở trường của CSVN..

Cuối cùng đoàn xe chở tù gặp nhau tại thị xã Hà Ðông để về trại tù Hà Tây. Tôi bị giam cầm ở Trại Hà Tây mất 4 năm. Năm 1983 , tôi bị chuyển trại về Nam Hà,tiếp tục bi giam giữ tại Trại Ba Sao, Nam Hà, Hà Nam Ninh, thêm 3 năm.nữa. Trong thời gian ở trại Nam Hà, có nhiều anh em vì bệnh tật, kiệt sức, không có đủ thuốc chữa trị, phải qua đời trong đau thương. Như trường hợp của anh Trần Quốc Huy, cựu Trung tá Công Binh/ QLVNCH, bị xuất huyết bao tử, không có máu để tiếp, phải qua đời ở bệnh viện Phủ Lý. Như anh Háu Cấm Pẩu, Trung tá Bộ binh/ QLVNCH bị kiệt sức phải qua đời.. Như Tướng Quảng.thuộc Lực Lượng Ðặc biệt, bị tim và chết bất ngờ, Tướng Nhu của Cảnh sát cũng đã bị chết vì lao phổi. .. v.v .

Thời cuộc lúc này đã có những biến chuyển rất thuận lợi cho tù cải tạo, may mắn cho những người còn sống.sót.. Cũng nhờ Mỹ thỏa hiệp trao đổi với Cộng sản Hà Nội, tù cải tạo mới được phóng thích, về trở lại đất Sài Gòn..

Ngày 09 tháng giêng năm 1985 tôi được thả ra cùng chung với 78 người ở Trại Ba Sao, Hà Nam Ninh, Bắc Việt. Ngày tôi được thả ra trại, được Cộng sản Hà Nội làm một màn trình diễn rất công phu, dành cho Phái đoàn quay phim của Ðông Ðức và Phần Lan. Ðoàn này được CSVN mướn quay phim để giải độc ở Tây Âu.

Lần này, tù được xe đò loại chở hành khách đưa ra Hà Nội, thay vì xe quân sự Molotova chở đi như những lần trước đây. Ðoàn xe chở tù được phóng thích, được ngừng từng nơi như Phủ Lý, Thường Ðức . Mục đích để tiện quay phim chụp hình cho việc trình diễn này. Tù cải tạo lúc này là tài sản đáng giá của Xã Hội Chủ Nghĩa miền Bắc Việt Nam..

Ðến Hà Nội, tù được đưa vào một khách sạn quốc doanh, gần ga Hàng Cỏ. Tù được tạm trú qua đêm, để sáng hôm sau ra ga Hàng Cỏ, tiện lên tàu về Nam.Ðồng thời cũng tiện cho việc quay phim chụp hình để tuyên truyền

Ðến khách sạn, gọi là khách sạn cho sang, nhưng trông kém vệ sinh. Vì tôi nhìn thấy có đầy đủ dán, chuột và rệp, xuất hiện chào đón chúng tôi, ở nhà tắm, chân tường và trên giường chiếu. Ðêm đó là đêm không ngủ.Nếu có ngủ cũng không yên với những mùi lạ, chưa quen... Ðêm đó tôi phải thức, mục đích đi xem qua cho biết phố xá Hà Nội ban đêm.

Hôm ra tù , tôi có một ít tiền của bạn bè chia sẻ cho.Tôi thuê một xe xích lô đạp để đi các nơi. Nhờ chú tài xế xích lô sẵn sàng hướng dẫn. Chú tài xế là bộ đội phục viên, từng vào miền Nam để giải phóng. Có lẽ, chú này nhờ có vào Nam 3 năm, vào tận vùng Bặt Liêu, Cà Mau. Thấy tận mắt và nghe tận tai các sự thật ở đất miền Nam , nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ thế chú cũng được sáng mắt.phần nào. Nên khi biết tôi là tù Sài Gòn, chú nói chuyện nghe cũng êm xuôi. Chú chở tôi dạo phố đêm, đi xuyên qua các phố Tràng Tiền , Chợ Ðồng Xuân, khu Ba Ðình, Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch v.. v. Tôi lang thang hết đầu đường cuối phố, mà lòng sao thấy ngậm ngùi, khi nhìn qua cảnh của quê hương quá nghèo, nên cũng có ghi lai đôi dòng cảm nghĩ :

Ðêm hôm đó suốt đêm thăm Hà Nội
Thành phố quá nghèo không được chỉnh trang
Công viên Lê Nin nằm ngay giữa phố
Cùng khu Ba Ðình giữa phố Hàng Ngang

Tôi đi ngang qua khu Hồ Hoàn Kiếm
Lòng ngậm ngùi như nhớ lại thời xưa
Lê Thái Tổ nhờ thần qui trao kiếm
Ðánh đuổi quân Minh giữ vững cõi bờ

Ðền Hai Bà thua bảo tàng Cách mạng
Ðền Tổ Tiên trông quá thảm thương
Công ơn Lê Nin giờ là trên hết
Nhắc làm gì công đức Nữ Trưng Vương

Có dịp ngang qua Thủ Ðô Hà Nội
Mới trông qua cũng đủ tủi lòng
Thủ đô nước Việt quá nghèo quá cũ
Nhìn thấy đau lòng cố thổ Thăng Long

Trước bao cảnh Lô Sơn Yên Tỏa (1)
Có đến tận nơi mới thấy thực hư
Hồ Gươm xưa tiền nhân không còn nữa
Chỉ có Lê Nin và Cách mạng mùa thu ?
............
( Trích đoạn bài Tôi đi ngang qua Hà Nội, thơ Thanh Khâm)


Ði suốt đêm, đến gần 5 giờ sáng, tôi cảm thấy đói, cần ăn sáng. Chú tài xế xích lô đưa tôi đến một tiệm phở quốc doanh gần chợ Ðồng Xuân. Tại nơi đó thấy cũng đông khách. Những người khách thấy tôi đang mặc cái áo lạnh kiểu quân đội Mỹ, họ đoán biết ngay là tù Sài Gòn. Chiếc áo tôi đang mặc, dù đi tù hơn 10 năm, tôi chỉ mặc chiếc áo này vào mùa đông khi ngủ, nên vẫn còn khá tốt.. Họ đến gạ tôi hỏi mua chiếc áo:

- Anh về Nam thời tiết nóng đâu cần đến chiếc áo này

Tôi không có ý muốn bán, nên họ lại giục. Cuối cùng tôi lại đổi ý, nên hỏi họ:

- Anh muốn mua với giá bao nhiêu ?

Người mua trả lời :

- - - Tôi xin trả anh 18 ngàn ( trong lúc đó giá vàng ở thị trường khoảng 7 hay 8 ngàn 1 lượng )

Trong lúc tôi chưa kịp trả lời, anh chủ quán bên trong khoát tay tôi ra hiệu bằng 2 ngón tay, tức 20 ngàn. Thật ra tôi nào có biết giá cả gì đâu, ngay cả chuyên sử dụng tiền đồng của miền Bắc XHCN lúc đó. Vì kẹt trong tù quá lâu, nên chuyện mua bán bằng tiền giấy, vào thời điểm ấy ,tôi còn bỡ ngỡ. Tôi cũng không đồng ý, bảo:

- Nếu anh muốn thì anh trả thêm, nếu được, tôi sẽ bán.

Người mua không tiếp lời, bèn bỏ đi. Có lẽ đi lấy tiền và chờ tôi thay đổi ý kiến. Chú tài xế chen vào góp ý:

- - - Nếu họ trả 22 ngàn anh nên bán. Họ mua để bán lại cho mấy ông Liên Xô, họ có lời khoảng 3 ngàn. Mấy ông Liên Xô thích áo loại này lắm

Tôi chợt nói :

- Ồ, Liên Xô mà cũng thích áo Mỹ sao?

Nói xong,tôi chợt giật mình và thầm bảo . Sao bạo mồm bạo miệng thế, phải cẩn thận, vì tư tưởng phản động vẫn còn, chưa tẩy não hết, sẽ nguy hiểm lắm cho bản thân

Nói xong, nhưng tôi cũng chợt nghĩ thầm. khi nghe anh tài xế xích lô nói tiếng Ông Liên Xô. Thảo nào, mà ngay cả cán bộ Cộng sản trong trại tù, cũng thường gọi Ông Liên Xô. Khiến tôi nghĩ dân Sài Gòn thường gọi Mỹ là Thằng Mỹ hoặc thời Tây là Thằng Tây. Như vậy, là do giáo dục lễ độ để tôn vinh mấy quan thày ? Hay do đầu óc nô lệ.mà sử dụng tiếng Ông. .. với cố vấn Liên Xô như vậy? Dân Sài Gòn khác với dân Hà Nội là ở điểm này? Vì dù cho Mỹ giúp dân miền Nam chống Cộng sản. Dân miền Nam cũng không bao giờ gọi Mỹ bằng Ông. Như vậy, qua sự thể hiện của Cán Bộ và nhân dân ở miền Bắc ngày đó, đối với các cố vấn Liên Xô và Trung Quốc, dân Hà Nội phải tôn vinh họ như thần, như thánh. Như vậy nơi nào nặng đầu óc nô lệ hơn nơi nào?

Tôi đang nghĩ ngợi, người mua áo trở lại với gói bạc trong tay và trả giá tiếp:

- - - Vậy anh bán với giá 20 ngàn được không ?

Tôi vẫn còn do dự, người mua có vẻ kết cái áo lắm, nên vội trả thêm 1 ngàn nữa. Cuối cùng tôi quyết định bán áo, vì thấy cũng cần có tiền để đi về Nam. Thế là chiếc áo đã theo tôi trên 10 năm lao lý, giờ tôi phải cởi chiếc áo ấy ra. Thật tình mà nói, về Nam tôi cũng không dùng đến, mà giữ lại cũng chẳng có dịp dùng. Vì vậy mà tôi phải bán đi để đáp ứng nhu cầu đời sống hiện giờ. Tôi cần tiền.cho những ngày trên tàu về Nam, bù lại những ngày đói khổ nơi lao tù

Tôi vội vã trả tiền phở, quay về lại khách sạn, trước 8 giờ sáng, để kịp lên tàu. Khi về tới khách sạn, mới biết số tiền bán áo, không cánh mà bay lúc nào, tôi cũng không hay không biết. Tôi đã bị móc túi.sạch. Chỉ còn tự trách mình quá khờ dại, bởi bản tính quá tin người .Tôi tự an ủi, coi như mình bị lột áo dọc đường. Ðó là chiếc áo lính còn sót lại.trên bước đường bị đi lưu đày ra đất Bắc.. Cuối cùng rồi cũng bị trấn lột. Tôi thấy nuối tiếc chiếc áo quá. Nhưng nghĩ cho cùng, tôi thấy mình vẫn còn được cái mạng sống, để về là may lắm rồi.Thôi thì của đi thay người vậy!

Sáng hôm ấy ga Hàng Cỏ thấy đông nghẹt người. Rất đông như ngày nào. Cách đây hơn mười năm, trong lần đầu, tôi ghé ngang qua nơi này.Cũng tại ga Hàng Cỏ này. Tôi đã thấy toàn những cảnh căm thù giả tạo, như trò hề ném đá và nguyền rủa.bằng ngôn từ của Ðảng Cộng Sản Việt Nam.đã trang bị cho dân ngày đó. Nay thì trái ngược, đồng bào vẫy tay chào mừng tù, mang bánh trái đến biếu tặng chúng tôi với ánh mắt cũng tỏ ra đầy thiện cảm ! Tôi thầm nghĩ không biết họ có thật tâm thật ý hay không ?. Trong lúc phái đoàn phim của Ðông Ðức rầm rộ quay phim .Trước khung cảnh tưng bừng được dàn dựng và đạo diễn do nhà cầm quyền CSVN.Tôi đâm ra hoài nghi và tự hỏi, . tù được phóng thích mà cũng quan trọng như thế sao? Người dân Hà Nội lúc nào cũng nặng về phần trình diễn kiểu cách đa dạng như vậy sao? Kể ra cũng khéo làm trò ảo thuật ! Mới ngày nào thù hận ngất trời, giờ thì làm ra bộ vui vẻ săn đón khác thường ! Ôi lòng dạ con người, biết nói sao mà nói cho hết ?

Thực chất, sự việc diễn ra ngày đó, không phải do lòng nhân đạo, mà vì lý do thủ pháp chánh trị. Vì sở trường CSVN không làm một hành động nào mà không tàng ẩn vấn đề chánh trị đi theo?. Vì lần này, chính dân Hà Nội không có một chút e dè lo ngại , hoặc đã hiểu ngầm với những tên công an đứng canh gác gần đấy.. Vì dân Hà Nội thường khi nghe qua hai chữ cải tạo tập trung đều cũng khiếp sợ ! Vả lại làm sao có sự săn đón những người từng là tử thù vay nợ máu của nhân dân như vậy. Một khung cảnh đầy kịch tính diễn ra làm tôi thấy ái ngại cho lòng dạ con người hôm nay trên xứ sở này ..

Cán bộ của Bộ Nội Vụ ra lệnh tù xếp hàng, lần lượt lên toa xe dành riêng cho tù, để tiện cho việc quay phim chụp hình.Chúng tôi đương nhiên trở thành những hình nộm của một khúc phim thời sự ngày đó.. Ðây cũng là lần thứ ba, tôi có dịp ghé qua Hà Nội, với số thời giờ cũng tạm đủ. Tôi cũng có dịp giao tiếp với một số người dân Hà Nội trên đường phố Hà Nội đêm đó. Nên cũng được biết qua tình cảnh và tình người ở đây là như vậy.

Ngày xưa, trước năm 1975 khi tôi làm việc ở Sài Gòn, tôi chỉ nghe biết Hà Nội qua sách vở báo chí và truyền khẩu của những người bạn gốc ở Hà Nội và Nam Ðịnh từng kể cho tôi. Khi nghe qua sự mô tả về Hà Nội, tưởng chừng như một huyền thoại tuyệt vời. Giờ có ra tận nơi mới thấy thực hư.Quả là cảnh như Lô Sơn Yên Tỏa của nhà thơ Trung quốc có tên Tô Ðông Pha. Có thể Hà Nội ngày tôi có dịp ghé qua, Hà Nội vào thời điểm đó, đã biến thể chăng. Hà Nội đã bị nhuộm đỏ, đã trở thành là hang ổ của sắt máu, thù hận và chém giết. đầy trời.. Ðồng thời là trung tâm đầu não chỉ đạo cuộc chiến xâm lược miền Nam, theo lệnh của Nga Tàu. Do Hồ Chí Minh là tên sen đầm tay sai khu vực, được phe Cộng sản quốc tế ủy nhiệm. Mục đích, để đánh tư bản Mỹ, bành trướng chủ nghĩa Cộng sản xuống khu vực Ðông Nam Á. Cũng vì vậy mà thành phố Hà Nội ngày đó không có cơ hội phát triển, vì cuộc chiến tranh ủy nhiệm này. Khiến cho nhân dân Việt Nam quá nghèo khổ. Người dân bị kềm kẹp từ cái ăn cái mặc, bị gò bó trong cái chỉ đạo tư tưởng.ngoại lai. Thêm vào bị Mỹ đánh bom tàn phá, nên trông phố xá tiêu diều và trông tệ hại quá..

Qua 3 lần, tôi có dịp ghé qua Hà Nội , tôi thấy Hà Nôi cũng không có gì.đáng để gọi là thơ mộng. Có thể những nhà văn nhà thơ cố tạo nên cái cảnh hữu tình bằng cách tô son trét phấn.. Tôi cảm thấy xót xa.nhiều cho xứ sở quê hương .Tâm trạng tôi như Tô Ðông Pha đến vùng Triết giang chỉ thấy lô sơn yên tỏa (1) Khi chưa đến chưa biết thì ước mơ, cho rằng nếu không đến được thì ân hận. Nay đến được rồi , chỉ thấy khói sương bay trên sông Triết giang mà thôi. Hà Nội lúc đó cũng vậy ,ngày tôi ghé qua, tôi thấy khác hẳn, Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch quá dơ bẩn và không đủ tiêu chuẩn vệ sinh , đường sá, nhà phố bị xuống cấp tiêu điều. Dân tình thiếu ăn thiếu mặc, hốc hác bơ phờ vì ốm đói, do chế độ cai trị bằng lối bóp nghẹt bao tử của dân để khống chế tư tưởng..

Vả lại, còn cái khác nữa là lòng tôi mang một tâm trạng quá phũ phàng và lạc lõng. Một khi lòng buồn thì cảnh vật thấy có gì vui đâu? Cái tâm trạng của tôi là tâm trạng của một người Việt, bị người Việt lưu đày trên quê hương mình. Bị người Việt mình hành hạ và ngược đãi trên quê hương mình. Bị người Việt mượn danh nghĩa khoan hồng nhân đạo để lừa gạt mình. Khi nói chuyện với một vài người dân Hà Nội ngày đó, tưởng chừng như họ e dè, nghĩ mình không phải là người cùng giống nòi, không phải là người Việt với họ. Không thấy có chút tình người, vì sợ sệt và hoài nghi, Chính điều này, cái e dè lo sợ, rào trước đón sau, làm cho tôi thấy chua xót và bẽ bàng. Thật ra, chỉ vì họ sợ hãi !

Cũng chính vì mang cái tâm trạng đau thương ngày đó, Hà Nội đã bị xóa mờ trong tâm tư của tôi. Mặc dù trong đời tôi, khi còn ở Sài Gòn trước năm 1975, tôi cũng đã từng làm việc chung và giao tiếp nhiều với những người gốc là dân Hà Nội.Tôi có nhiều thiện cảm khi nghe họ kể về Hà Nội.Tôi tự nghĩ có lẽ những người Hà Nội mà tôi đã gặp năm xưa, đã tiêm nhiễm cái khí hậu và phong thủy hiền hòa của đất miền Nam, nên họ đã trở thành rất nhân hậu và tử tế hơn. Không phải như những người Hà Nội sau năm 1975 . Con người Hà Nội mới Con người đã được Bác và Ðảng giáo dục và uốn nắn lại, vun trồng lại, đó là Con người mới của Xã Hội Chủ Nghĩa !.

Ðó là những con người Hà Nội mới mà tôi có dịp gặp, sau 3 lần tôi ghé qua Hà Nội. Kể ra cái tư tưởng bị nhuộm đỏ, đầu óc công thần, giả nhân giả nghĩa, cũng đáng làm cho tôi bị ngờ vực và bị xa lánh rồi. Kể cả con người và đất nước bị nhuộm đỏ như vậy, cũng nên lánh xa, càng xa càng tốt. Có lẽ cũng vì thế mà Hà Nội ngày đó, cũng không còn thơ mộng như các nhà thơ nhà văn đã mô tả trong sách báo ngày xưa trong lòng tôi nữa! Tôi cảm thấy ghê sợ và cảm thấy mình bị lừa , cũng như toàn dân đã bị lừa...

Ngày bỏ nước ra đi, lòng tôi không còn thấy gì luyến tiếc.. Vì xét ra không có nơi nào làm mình đau khổ bằng chính nơi quê hương mình, và chính con người của quê hương mình làm mình tủi nhục.và đau đớn ê chề. Dù đất nước mình vẫn như thuở nào, còn nằm trơ đó, như nhà thơ Ðỗ Phủ viết Quốc phá sơn hà tại, Thanh xuân thảo mộc thâm, Cảm thời hoa tiễn lệ, Hậu biệt điểu kinh tâm. . Cũng do con người thống trị quá gian ác ,quá ghê tởm,quá tàn bạo,mất hết tính người, làm đất nước dù có đẹp xinh cũng vương nhiều ám khí . Dù cho cây cỏ có xanh tươi, nhưng muông chim cũng buồn tủi, khi phải tiễn người ra đi. Khiến lòng tôi nhìn thấy càng thêm đau xót cho quê hương mình khi bị buộc lòng phải bỏ xứ ra đi.

Cũng vì vậy mà tôi đành phải chấp nhận ra đi ,sống lưu vong nơi xứ lạ quê người. May ra nơi đất tạm dung mới hi vọng còn tìm ra được chút ít tình người./

Ghi chú:
(1) (1) (1) Lô Sơn Yên Tỏa Triết giang triều
Vị đáo sinh thành hận bất tiêu
Ðáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Triết giang triều ( Tô Ðông Pha )

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.