Apr 20, 2024

Tùy bút - Bút ký

Hoài Niệm
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 01:47:04 PM, Dec 03, 2008 * Số lần xem: 1631
Hình ảnh
Võ Doãn Nhẫn & Cung Giũ Nguyên
#1
Thầy Cung Giũ Nguyên
#2
Hoài niệm.
( Ðể tưởng nhớ thầy Cung giũ Nguyên, người thầy đã khuất)

Vào năm 1950-1951 tôi theo học lớp đệ lục trường trung học tư thục Kim Yến. Giáo sư môn Toán là thầy Trương văn Như, hiệu trưởng của nhà trường. Thật tình, tôi vốn không biết gì nhiều về thầy Như, vì thầy Như nghiêm nghị quá, gần như thầy không bao giờ cười hoặc nói một câu bông đùa với lớp. Thầy tiếp tục dạy chúng tôi bắt đầu từ lớp đệ thất, phụ trách môn Toán, môn Hóa Học, rồi lớp đệ lục, cũng phụ trách môn Toán. Tới lớp đệ ngũ, thầy vẫn tiếp tục phụ trách môn Toán nhưng theo chương trình tiếng Pháp, thầy cho cả lớp chép bằng tiếng Pháp, tôi nhớ đại khái những tam giác đồng dạng( tiếng Pháp dịch là (Les triangles semblables(), Quỹ tích( tiếng Pháp dịch là ( Lieux géométriques(), phương trình bậc hai: ax2 (bx(c= 0, hàm số bậc nhất, hàm số bậc hai, vân vân. Của đáng tội, không biết tại sao vì nguyên nhân nào thầy Như lại thường xuyên gọi tôi lên bảng trả bài( về sau, lúc lớn lên tôi lại khoái trả bài!) đặc biệt môn Toán. Sau, tôi vỡ lẽ ra rằng sở dĩ thầy Như thường kêu tôi lên bảng là vì tôi sợ thầy và vì thầy quá ư nghiêm nghị. Tôi e sợ và sẽ rất bẽ bàng xấu hổ nếu tôi lười biếng ham chơi không chịu học bài. Kỷ niệm còn rành rành: năm tôi học lớp đệ lục môn Ðịa Lý do thầy Lê văn Ðào phụ trách. Ngày ấy thầy dạy bài học Trung Mỹ. Quần đảo Antilles. Ngày hôm sau sẽ có giờ học môn Ðịa Lý. Tuần lễ trước đó, thầy Ðào đã giảng dạy bài học Trung Mỹ. Quần đảo Antilles ấy rồi, nhưng lớp chúng tôi chưa có bài học, bài này thầy Ðào lo việc đánh máy và cho in rô nêô phân phát bài học cho chúng tôi. Chiều ngày hôm ấy chúng tôi vẫn chưa có bài Ðịa Lý khiến cả lớp chúng tôi ai nấy đều lo ngay ngáy. Mãi đến sáu giờ chiều, thầy Ðịa Lý mớI lò dò đến lễ mễ ôm theo bài học. Vội vã thầy Ðào thân hành phát bào cho lũ chúng tôi trong lúc gương mặt sắc diện thày Ðào lạnh như tiền.
Bài học Ðịa Lý được phân phát cho mỗi chúng tôi, mỗi đứa một trang. Nhìn trang bài học mà tôi chỉ biết than thầm, ngán ngẫm. Không biết thầy Ðào đánh máy bài học thế nào mà chữ được chữ mất, đôi lúc mực in bị nhòe lem luốc rất khó đọc, thày Ðào phải viết lại trên bảng từng chữ một, tuyệt nhiên thầy không giải thích một lời, đây là nước Mễ Tây Cơ, đây là nước Cuba, thủ đô La Havane, theo chế độ Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân, đây là quần đảo Tahiti.
Tói hôm ấy trời xui đất khiến, toàn bộ khu vực tôi đang ở bị công ty Ðiện Lực cúp điện. Tôi kêu khổ, đành phải lui cui thắp đèn cầy ra học cho ngày hôm sau.Tôi bỏ tất cả bài học ngày hôm sau để chỉ chú tâm vào một bài học độc nhất cho ngày hôm sau. Nói nào ngay và lương tâm của tôi không hề bị dằn co ray rứt, buổi tối hôm ấy tôi đã hết sức cố gắng chống lại ngọn đèn cầy ánh sáng lù mù lung linh buồn ngủ, tôi đã học thuộc được một nửa bài học, tôi dẹp một bên thu dọn sách vở lăn quay đánh một giấc tới sáng.
Qua ngày hôm sau vào giờ Ðịa Lý, tôi được trả bài! Nói (được )cho văn vẻ, hoa hòe hoa sói màu mè, kỳ thực tôi bị trả bài.Ðược trả bài đối với những ai, những học trò chuyên tụng, chuyên ( gạo ), bài học thuộc lòng như cháo, được thầy gọi là y như mở cờ trong bụng. Khi thầy để lọt mắt xanh gọi tên, tôi riu ríu bước lên bàn thầy, mang theo tập vẽ bản đồ Ðịa Lý.
Tôi có một thắc mắc, một vấn nạn, cho tới ngày hôm nay đã gần đất xa trời vẫn không ai có cao kiến trả lời rành rọt. Ðịa dư và Ðịa lý, cùng một môn học có gì khác biệt? Từ lúc còn theo học những lớp Ðồng Ấu tức lớp Năm, lớp Dự Bị tức lớp Tư và lớp Sơ Ðẳng tức lớp Ba, tôi vẫn hằng ngày ôm theo tập sách giáo khoa tới. trường trong đó có môn Ðịa dư, Sử Ký Ðịa dư giáo khoa thư lớp Sơ Ðẳng. Tới ngày nay tôi vẫn còn ngây thơ, thắc mắc về thiên văn, tin tức dự báo về thời tiết nắng mưa gió bão, về địa lý, việc dự phòng báo trước về nhà cửa đất cát ruộng vườn phong thổ phù hợp hay không cuộc sống của những thành viên trong gia đình từ ông bà đến vợ chồng cha mẹ con cháu. Nếu tôi nhớ không lầm thì trước khi muốn mua hoặc muốn cất một ngôi nhà nào, trước tiên người chủ nhà tương lai phải quan sát xem xét cẩn thận kỹ càng phong thổ vị trí đất đai có thích hợp cuộc sống sau này của gia chủ không.Tôi còn nhớ như in một Thời khóa biểu lớp Tư tôi đã chép lại trong vở, ngày thứ ba, buổi chiều:
1.- Luận;
2.- Tập vẽ;
3.- Ðịa dư;
4.- Bài chường;
5.- Thể dục.
( Bài chường? Bài chường là môn học gì mà quái lạ, kỳ cục vậy?- Thưa, bài chường là Bài học thuộc lòng, tiếng Pháp là Récitation đấy ạ). Nhưng từ năm 1948-49, chương trình giáo dục được cải tổ, chủ yếu là dẹp bỏ tiếng Pháp, bộ môn Ám tả được đổi sang Chính tả, Ðịa dư được đổi thành Ðịa lý, Tiếng một được đổi thành môn Ngữ vựng.
Gương mặt thầy Ðào đã bắt đầu hầm hầm cau có bởi đã thầy đã kêu hơn nửa tá học sinh lên khảo bài mà chẳng có đấng nào thuộc bài, hiểu bài.
Thầy giáo Sử Ðịa nhìn qua quit vào tập bài học, phán một câu:
- - Ðọc quần đảo Antilles nghe coi.
Tôi toát mồ hôi, miệng lắp bắp được một đôi câu rồi lặng yên đứng đực, sượng sùng. Thầy nguệch ngoạc ký tên vô bài học, càu nhàu:
- - Bản đồ gì đâu mà vẽ xấu quá! Ði về chỗ, phát bài cho để học mà không chịu học.
Tôi muốn kêu to thanh minh thanh nga phân trần rằng thì là ( tối hôm qua nhà con bị cúp điện thầy ơi(.Nhưng mà tôi chỉ dám nghĩ thế thôi. Tôi ngượng ngập, sượng sùng, xấu hổ, cắm đầu lủi thủi về bàn, không dám nhìn một ai( kể cả mấy bạn gái).
Sau, tôi được biết trong sổ ghi điểm, thầy Ðào đã ưu ái cho tôi một con hai.
Tôi biết thầy Cung giũ Nguyên phụ trách bộ môn Pháp văn từ lớp đệ lục. Lớp đệ thất, giáo sư phụ trách môn Pháp văn là thầy Hồ đắc Tánh, nguyên giáo sư từ Quốc Học Huế chuyển vào. Thầy Tánh chỉ dạy duy nhất một năm rồi thôi không tiếp tục dạy nữa, không biết tại sao. Thầy vóc dáng người to con, khỏe mạnh, thích tập thể dục, buổi sáng nào thiên hạ cũng thấy thầy hăng hái vận động chân tay, múa may không khác gì một vận động viên. Ðặc biệt: thầy chỉ mặc quần sọt áo sơ mi ngắn tay, mang xăn- đan tay xách cặp da tới lớp.
Giờ học đầu tiên tôi được chứng kiến thầy Cung giũ Nguyên tận mắt. Trong lúc cả lớp đợi giờ học đầu tiên vì giáo sư đến trễ thì thầy Nguyên chợt đến. Cả lớp kín đáo đứng trên hàng hiên của lớp quan sát, tôi cũng để ý theo dõi. Thầy dáng người cao( nhưng không lớn), trạc độ trung niên, đầu tóc cắt gọn gàng chải lật, mang kính trắng, đạp xe đạp hiệu Mercier màu trắng toàn nhôm, mang đôi giày Tây, cặp da mang trên tay lái. Thầy xuống xe đạp, dắt xe bước vào cổng trường, cả lớp ùn ùn kéo vô lớp.
Vào giờ học đầu tiên thầy muốn biết trình độ chung của lớp nên thầy cho viết một đoạn dictée ngắn để thử sức. Tưởng cũng nên phân biệt dictée với orthographe. Dictée là chính tả, ngày trước gọi là ám tả. Trong một dictée, thầy đọc một đoạn hoặc ngắn hoặc dài, cả lớp chép lại, văn phạm hoặc ngữ vựng tức vocabulaire mới là quan trọng. Một từ ngữ vựng hoặc một vocabulaire nếu học trò viết khác sẽ có một nghĩa khác.Tôi nghĩ viết orthographe so với viết một bài dictée sẽ không khó mấy, tương tự (tập chép bài ), học trò yên tâm (sao y bản chánh )chép nguyên văn nguyên chữ trên bảng. Theo nguyên ngữ ortho= chính thống, graphe= chữ viết; orthographe= viết đúng chữ.
Tôi không nhớ thầy Nguyên đọc bài dictée đề bài gì, chỉ biết sau khi thầy đọc và cả lớp lui cui hí hoáy viết, thầy ra hiệu nộp tất cả bài dictée để thầy... bắt lỗi!
Hoàng đình Phiên có bổn phận thu nhận bài thầy Nguyên sửa trả lại cho mỗi học sinh. Khi Phiên trả bài tập cho tôi, Phiên chỉ nói vắn tắt:
- - Thầy nói (học Pháp văn được ).
Rồi Phiên tiếp tục trở lại bàn thầy giáo, tiếp tục trả bài tập cho học sinh trong khi tôi công khai lật bài viết dictée cho bàng quan thiên hạ xem: cinq fautes.
Tôi vốn rất lờ mờ u ám về lý lịch tiểu sử của thầy Cung giũ Nguyên, chỉ thấy ông lò dò xuất hiện thị xã Nha Trang hiền hòa bé nhỏ quê hương cát trắng từ lúc nào không biết, rồi tôi thấy thầy ôm cặp tới trường Kim Yến dạy chỉ được độ một đôi tháng thầy lại nghỉ dạy, bận việc công( ngôn ngữ bình dân gọi là ) (công tác ) đi xa một thời gian không biết rõ ngày nàotháng nàotrở về, giao cho một giáo sư khác, giáo sư phụ trách môn Pháp văn là ai, quý độc giả phỏng đoán là ai?
- - Lại thầy Trương văn Như.
Tôi chỉ biết qua loa, biết đại khái tiểu sử thầy Như qua văn bằng tú tài Tây dược đóng khung lộng kiếng trong văn phòng nhà trường: Tú tài triết học, Toulouse.Toulouse là thành phố phía Nam nước Pháp. Ấy thế thầy hiệu trưởng Như lại là giáo sư phụ trách môn Pháp văn, phụ trách bộ môn Toán, thật đáng nễ.
Bài luận Pháp văn đầu tiên thầy Như cho ra đề ( tả cảnh Tháp Bà ) (temple du Pol Nagar ), bài luận của tôi không biết múa may quay cuồng thế nào tôi lại được tám điểm, huit points.( biết thầy hiệu trưởng vốn dễ dãi rộng lượng trong cung cách phê điểm). Khi thầy Cung giũ Nguyên trở về tiếp tục dạy lại, thầy lại cho ra cả lớp đề bài ( tả một Tháp Bà Thiên Y Thánh Mẫu ), lập tức cả lớp nhao nhao:
- - Tháp Bà đã tả rồi thầy.
Thầy Nguyên rất mực điềm tĩnh:
- - Ai cho ( mấy người ) tả?
- - Thầy hiệu trưởng đó thầy.
- - ( Mấy người( tả lại. Tả lại cảnh Tháp Bà càng hay, càng giỏi, đâu có sao.
Thế là cả lớp lui cui ( tái tạo ) tác phẩm Tháp Bà. Trong thâm tâm tôi đã có hơi chán việc mô tả cảnh ấy, có khi nào ăn hơn một bận món ăn mà không thấy nhàm chán?
Giáo sư bộ môn Pháp văn có một thói quen, một tập quán gần như cố hữu khi phải trả bài luận Pháp văn. Nộp bài xong, lũ chúng tôi nôn nóng chờ đợi kết quả, muốn biết được bao nhiêu điểm. Về sau tôi mới vỡ lẽ nguyên nhân thầm kín của thầy: vốn là một nhà văn, thầy rất quý trọng thì giờ để sáng tác. Thầy không lười, nhưng quả thực thầy không có thì giờ để cà kê dê ngỗng ngồi lê dôi mach. Một tuần lễ đi qua, lẽ ra tới phiên thầy trả bài luận ( tả Tháp Bà Thiên Y A Na ), cả lớp ngong ngóng nghển cổ hướng mắt nhìn về cái cặp da của thầy, nhưng, giáo sư Pháp văn vẫn thản nhiên bình chân như vại. Mải một tháng trường, thầy mới chịu trả bài luận cho cả lớp.
Tôi được hai điểm!
Trên vở của tôi, thầy phê mực đỏ, nét chữ tuy li ti nhỏ nhưng rất sắc sảo rõ nét dễ đọc:grammaire, faute dõorthographe, très incorrect và còn vô số lỗi tôi không nhớ nỗi. Hòi tưởng lại bài luận lúc trước thầy Như đã phê tôi những tám điểm, tôi không tránh khỏi một chút trách móc thầm kín đã quá khoan dung dễ dãi với thầy, chả trách ( con hư tại mẹ, trò hư tại thầy).
Trong lúc trả bài cho lớp, thầy Nguyên khuyên chớ nên ( cóp nhặt( một số câu, một số đoạn văn gọi là hay của một số nhà văn đã nổi tiếng trên văn đàn. Thầy nói:
- - Ðừng nên bắt chước những nhà văn nổi tiếng rồi đem chắp vá vào, chẳng khác chi một bao bố đem khâu vá thành một miếng nhung miếng lụa miếng nỉ màu mè ra khoe, coi không được. Nếu mấy người nói: ( Ủa, đây là nguyên văn của Victor Hugo, của Alphonse Daudet, của Anatole France chớ chơi sao?(, thì tui không biết phải nói thế nào.( May thay, tôi chỉ biết viết cây nhà lá vườn, đâu dám thêm, đâu dám bớt).
Qua năm học 1952-53, thầy Nguyên phụ trách thêm bộ môn Quốc văn, môn Pháp được thay thế bằng thầy Nguyễn Hải, vốn là một công chức tại Hải Học Viện Cầu Ðá. Vào năm học này, môn Quốc văn được bắt đầu bằng khả năng lý luận, giải thích và bình luận, chẳng hạn giải thích và bình luận câu sau đây:( Người chê ta mà chê phải là thầy ta; người khen ta mà khen phải là bạn ta; còn người khen ta mà khen bậy chính là người thù địch ta vậy).
Khả năng bài giải thích và bình luận của tôi ngày xưa quả thực non nớt, nông cạn và ấu trĩ. Tôi không biết đào sâu một chủ đề, không biết xoáy sâu vào một chủ đích, một trọng tâm, rốt cục chỉ quanh quẩn lập lập lại một đề tài, khiến người làm nghị luận đi lan man vào trong ngõ cụt. Ðây là một thí dụ, một mẫu mực điển hình cho nhược điểm vào đề lan man và lại thiếu kết luận:
(Khi cơ thể khỏe mạnh, ta điều khiển nó. Khi cơ thể bệnh hoạn, nó điều khiển ta.) Một sự thật, một chân lý rành rành sờ sờ trước mắt không ai chối cãi biện minh. Cách nay non nửa thế kỷ, lúc tôi còn là một thanh niên, tuổi trẻ bừng bừng chan hòa sức sống. Một quả tạ năm mươi ký lô gram, tôi có thể cử quả tạ ấy một cách dễ dàng không phải cố gắng nổi gân lấy sức, tương tự hổ tướng thời Thuyết Ðường Lý ngươn Bá ( cử kim sư Lý ngươn Bá tranh hùng(, bởi vì một chân lý cực kỳ đơn giản ai chẳng biết ( khi cơ thể khỏe mạnh, ta điều khiển nó(; nhưng giờ đây sự thật cũng rất tự nhiên khi đã già nua bệnh tật đau yếu. Một quả cân chỉ nặng 5 ký lô gram mà cơ thể tôi dường như không đủ sức đưa lên:( Khi cơ thể bệnh hoạn, nó điều khiển ta.( Lúc tôi còn khỏe mạnh sung sức thì ( muốn thì có thể, thì được(: vouloir, cõest pouvoir; nhưng từ khi tôi bị ngã bệnh thì ( muốn thì không thể(, vouloir, ce nõest pas pouvoir. Tôi ước muốn cử động được bàn tay trái, cánh tay trái, muốn được cầm quả tạ nặng năm bảy pounds đưa lên khỏi đầu nhưng không thể, không thể được. Ý chí bất lực hoàn toàn!
Vào năm lớp đệ tứ, các lớp phải thi văn bằng trung học đệ nhất cấp, thầy Cung giũ Nguyên phải một lần nữa tiếp tục đảm trách bộ môn Việt văn, một bộ môn chính, được xem là rất quan trọng. Chủ đề các bộ môn Việt văn phải được kể là Tỳ Bà Hành, Ðoạn Trường Tân Thanh tức Kim Vân Kiều, Nguyễn công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Dương Khuê, Hồ xuân Hương, vân vân.
Người bạn cùng lớp với tôi là Lê hữu Sùng, sinh quán Ninh Hòa, ra Nha Trang trọ học. Sùng học hành chăm chỉ cần cù, khả năng không lấy gì làm xuất sắc. Ðộ ấy lớp đang học chủ đề Ðoạn Trường Tân Thanh, thầy Nguyên đang giảng một đoạn thơ ( Kiều ở lầu Ngưng Bích(, tôi mạn phép trích lại hai câu thơ được xem là... bất hủ:
(Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.(
Giáo sư Việt văn hỏi Lê hữu Sùng:
- - Anh hãy giải thích ( có khi gốc tử đã vừa người ôm(.
NgườI bạn trẻ ngập ngừng rụt rè sau một vài giây:
- - Dạ, dạ, ( có khi gốc tử đã vừa người ôm( ngụ ý những người em Thúy Vân và Vương Quan có thể đã vừa người ôm tức là... tức là có thể lấy vợ lấy chồng được rồi ạ.
Thầy Nguyên vỗ bàn, lập nghiêm:
- - Tầm... bậy!
Cả lớp được một trận cười no nê. Mấy (nàng( nữ sinh như Loan Anh, Mỹ Liên, Minh Tâm, Diệu Ái, Thu Tuyết, Minh Châu, Tuyết Hoa, cũng bật cười nhưng không dám cười hô hố. Họa hoằn mới có một lần.
Ðặc biệt, nhà văn Le fils de La Baleine Con ông Nam Hải không cười, không nhếch mép. Ðầu óc hài hước u mặc đã có sẵn trong dòng máu của người thầy. Năm 1957, tôi đang theo học lớp đệ nhị tại trường trung học Bán Công Lê Quý Ðôn, một dãy nhà dài thiết kế bằng khung sắt mái lợp tôn. Lớp học đệ nhị sĩ số chỉ trên dưới bốn mươi. Trường Kim Yến vào năm học ấy không mở lớp đệ nhị vì không đủ số học sinh. Nộp đơn xin nhập học có trường Bán công ấy là học sinh Lê tấn Hường, lớp đệ nhị. Nhận xét chủ quan của tôi thì Hường là một học sinh tuy tuổi không còn trẻ nữa nhưng tính tình hiền lành ít nói.
Hôm ấy vào giờ Lịch sử thế giới, nói gọn là Thế giới sử. Tôi chỉ nhớ lúc ấy vào thời kỳ cách mạng 1789 và Lê tấn Hường được hân hạnh trả bài. Hường đang say sưa nói về vua Charles X, Hường phát âm vua Charles Ðís. Nghe Hường nói thế, lập tức giáo sư Sử Ðịa phản pháo lập lại nguyên văn nguyên chữ không thêm không bớt:
- - Sạt đít?
- - Cả lớp ai nghe được thì cười ồ, ai không nghe được vì đang nói chuyện xầm xì, ngạc nhiên cất tiếng hỏi , không ai trả lời. Lại một lần nữa, giáo sư u mặc ngậm miệng làm thinh.
Sau Tết Nguyên Ðán, học sinh lục tục đi học lại, không khí còn đượm mùi bánh tét, mứt, dưa hành, lô tô, xóc dĩa, tôm cua lục cục. Thầy Nguyên đang chăm chú giảng bài Pháp văn, thuộc trường phái Lãng mạn vào thế kỷ mườI tám: Chateaubiand, Lamartine, Victor Hugo, Alfred de Vigny, Afred Musset. Chợt cả lớp có tiếng ồn ào huyên náo, một nhóm quay mặt hướng về phía cửa sổ, xầm xì bàn tán, giáo sư phải ngưng giảng bài, trầm tĩnh cất tiếng hỏi:
- - Có gì lạ lắm phải không? Mấy bà Bắc kỳ di cư vén váy đứng đái hả?( Có tiếng cười khúc khích, nhận thấy lời nói quá ư trực ngôn của thầy). Một giọng nữ người đất Thần kinh ỏn ẻn:
- - Dạ không phải thầy. Mấy người Bắc kỳ đang làm thịt chó.
- - Làm thịt chó có gì lạ, có gì vui đâu mà coi. Thôi, học.
Cuối năm học hình như năm học chấm dứt 1970-71, thầy Cung giũ Nguyên được mời làm diễn giả cho buổi thuyết trình nhân lễ trao giải thưởng cuối năm học. Hôm ấy, học sinh đã tề tựu đông đủ, tất cả đều ngồi ngay ngắn vào những dãy ghế học trò trước nhà chơi, ông hiệu trưởng trường trung học Bán Công Lê Quý Ðôn kiêm giáo sư môn Pháp văn tức thầy Cung giũ Nguyên đang đứng trên bục thuyết trình nói về lịch sử của Bà Thiên Y A Na, tức Bà Thiên Y Thánh Mẫu, tức sự tích Tháp Bà Xóm Bóng. Trong lúc diễn giả đang mê mải trong việc kể lể sự tích, một chiếc xe gắn máy dừng lại ngay tại cổng trường lúc ấy đang khép kín. Ông cai Ðiềm ra mở cổng, một người đàn ông ngồi xe gắn máy chạy thẳng vô sân, xuống xe tắt máy, vội vả bước vô nhà chơi, yên vị tại ghế, lúc ấy diễn giả mới chịu ngưng kể câu chuyện thuyết trình dang dở, cất tiếng ngụ ý (chọc quê(ông tới trễ:
- - A, thì ra ông Lê văn Ðào. Sao ông Ðào tới trễ vậy?
.......
- Hãy để người đã mất yên nghỉ. Gợi lại những kỷ niệm là gợi lại kỷ niệm người thầy một thời đã sống, những (biến cố( nay đã đi vào dĩ vãng. Nhắc lại một thời đã qua, thầy đã có thể là một kịch sĩ và tôi là một nhân chứng đang khách quan đứng nhìn những (biến cố( ấy.
Là một nhà văn vừa sáng tác bằng quốc văn vừa sáng tác bằng tiếng nước ngoài đặc biệt Pháp ngữ, thầy Nguyên vốn hào hoa, đàng khác vừa hóm hỉnh vừa u mặc, nói chuyện trao đổi rất quyến rũ rất có duyên khiến những người khác đồng tính dễ dàng bị mê hoặc, chỉ phải cái tội là ngoại hình của thầy không lấy gì đẹp trai, nhưng tác phẩm đầu tay ( Le Fils de La Baleine ) ( Con ông Nam Hải) khiến hơn một nữ sinh lớp đệ nhị C xin giấu tên đã thầm yêu trộm nhớ.
Người nữ học sinh ấy thường xuyên tới nhà thầy với lý do thực chính thống: nhờ thầy chỉ cách làm thơ tiếng Pháp! Tôi cũng xin nói thêm người nữ học sinh ấy là con nhà gia giáo lễ nghi, gọi dạ bảo vâng vào ra khuôn phép. Thân phụ cô là một công chức làm việc tại tòa Tỉnh, thân mẫu lo quán xuyến nội trợ. Ngôi biệt thự tọa lạc trên con đường H. T. C. tương đối vắng bộ hành, cổng biệt thự lúc nào kín cổng tường cao, trong sân biệt thự trang hoàng vài ba chậu cảnh, vắng bóng bông hoa, có lẽ chủ nhân ông nghĩ rằng bông hoa không cần thiết. Là nhà văn, kẻ chấp bút đâu cần những loài hoa xinh đẹp.
Với tư cách một người thầy, hơn nữa một nhà văn, thầy Nguyên khó có thể dễ dàng từ chối. Hơn nữa, thầy là người xưa nay vốn chuộng thanh sắc. Lửa gần rơm lâu ngày tất phải cháy.
Thiên hạ đồn đại gần xa, cuộc tình đổ bể. Người thiếu nữ phải bỏ học đi xa, tới một thị trấn cao nguyên sương mù quanh năm( giống nước Anh cát Lợi) chờ ngày sinh nở, con trai, con gái, tôi không biết rõ. Người cha khi đã biết cuộc tình vụng trộm (trai trên gái dưới ) giận lắm, nộp đơn kiện người thầy. Sau vành móng ngựa, giáo sư Pháp văn kiêm giáo sư Triết kiêm nhà văn chỉ nói một câu vắn tắt:
- - Tôi chỉ muốn có một đứa con.
Rốt cục, toà án đành xếp hồ sơ thụ án, kết thúc bãi nại.
Theo chỗ tôi biết, người mẹ người thầy (muốn có một đứa con ) là một người con gái, nhưng dường như không được thừa nhận. Về sau, người mẹ lập gia đình cùng một giáo sư Bửu S. làm việc tại nơi chuyên sản xuất nước mắm. Cuộc tình kết thúc không lấy gì suôn sẻ chấm dứt nơi đây. Việc xây dựng giữa hai người thầy và cô Nguyên suốt mấy mươi năm vẫn không có con trai để nối dõi và câu nói ( tôi chỉ muốn có một đứa con ) sau vành móng ngựa tại pháp đình đối với riêng tôi còn là một bận tâm.
Một cựu môn sinh ngày trước của tôi, học lớp đệ nhất A1 giáo sư Nguyễn Thừa, phụ trách các lớp đệ nhất cấp của trường trung học Bán Công do thầy Nguyên đảm nhiệm. Một điều thầy nhắn nhủ cảnh giác: làm nghề nhà giáo phải biết điềm tĩnh, khoan hòa chừng mực, điều tối kỵ là tránh bạo hành không nên xuẩn động.
Một hôm, vào giờ Việt văn, vào lúc hỏi bài, giáo sư Thừa có hỏi một nam sinh; y học lớp đệ ngũ, nhưng không trả lời được. Thầy Thừa hỏi đi hỏi lại nhiều lần, y lặng thinh không trả lời, thầy nổi nóng, đưa tay xách tai học sinh du đi du lại, y vùng vằng, la lớn:
- Thầy không được xách tai tôi.
Buổi học trôi qua, không khí lớp học ngột ngạt nặng nề.
Sáng ngày hôm sau, lớp học bắt đầu. Trong khi thầy Thừa đang thao thao giảng bài học, một người con trai còn rất trẻ có lẽ là học sinh, xông vô cửa lớp, không nói không rằng rút một thanh gậy gỗ vuông giấu đằng sau lưng cầm thanh gỗ hai tay phang mạnh vào sống mũi thầy Thừa. Thầy ôm mặt, không kêu một tiếng, máu mũi chảy đỏ cả áo trắng thầy đang mặc. Cả lớp kêu to, la hoảng, hung thủ sau khi giáng một đòn đích đáng rút lui, xa chạy cao bay. Tiếng kêu cứu lớp vang động tại văn phòng, cô thư ký Trương thị Long Ái vội vã chạy đến, dìu nạn nhân về phòng cầm máu, thương tích khá trầm trọng.
Thầy Nguyên biết rõ mọi sự cố xảy ra, nhưng thầy chỉ yên lặng không nói gì. Vào giờ học thầy chỉ nói một câu nhưng ngụ ý khuyên kín đáo:
- - Một con chó phải mở cho nó một lối thoát, đừng đóng cửa. Nếu đóng cửa, không có một lối thoát, con chó sẽ cắn.

Năm 1975, đất nước quê hương lật một trang sử mới. Tôi bị mất dạy vì không một chính sách chế độ giáo dục nào lại để tôi tiếp tục dạy Triết, môn học phản động. ( Môn học phản động!) Thật tình, tôi vẫn chưa thấm nhuần quán triệt ý nghĩa danh từ ( môn học phản động ).( Phản động!) tính từ này tương đương với ý nghĩa tính từ ( lạc hậu, dâm ô đồi trụy ) nhưng nặng nề và hiểm nguy hơn. Thầy Nguyên bị mất chức hiệu trưởng, về dạy lại môn Pháp văn cho nhân viên cán bộ tại một trường Trung cấp Y tế Khánh Hòa. Thảng hoặc, tôi có ghé lại thăm thầy, mục đích để dò la tình hình và nhờ thầy vấn kế. Thầy kể lại có một lần, ông bí thư Tỉnh ủy Hồ ngọc Nhường ghé lại thăm thầy nhân dịp Tết Nguyên Ðán, đồng thời dò la tìm hiểu số sách đồ sộ của thầy, xem có gì biểu lộ tính chất phản động trong ( phạm trù ) văn học hay không. Nhìn mớ sách đồ sộ của thầy tiếng Việt có, Anh ngữ có, Pháp ngữ có, viên bí thư Tỉnh ủy bị (no ngang(, có lẽ kiến thức tiếng Tây từ lâu bị bỏ dở, không đủ trình độ để tìm hiểu. Mà bây giờ, trình độ kiến thức tiếng Tây tỏ ra là một thứ ngôn ngữ xa xí phẩm. Ông phó trưởng ty Giáo Dục Ðặng Thanh Phương khi đánh giá trình độ kiến thức tiếng nước ngoài nói chung và tiếng Tây nói chung đã nói một câu xanh dờn:
- - Ngày trước tụi tui học tiếng Tây cốt chỉ để ve gái.
Ngày nay ông Ðặng Thanh Phương đã từ rất lâu tậu được một ngôi nhà cao cửa rộng rất đỗi khang trang bề thế sáng sủa, rõ ra cơ ngơi của một cán bộ cao cấp. Khi nói về tình trạng tham nhũng mua quan bán tước, thầy Nguyên đã nói một câu chắc nịch:
- - Bọn chúng nó sẽ chết vì tệ nạn tham nhũng.
Hơn ba mươi năm sau, (bọn chúng nó vẫn chưa chịu chết, trái lại giàu thêm), tiền của đem ký gửi các ngân hàng ngoại quốc bên cạnh chính sách tiết mục rửa tiền.
Năm 1974, giai đoạn lịch sử Việt nam lâm vào tình trạng hiểm nghèo dầu sôi lửa bỏng sau một trận hải chiến Trung quốc- Việt Nam không cân xứng lực lượng. Quần đảo Hoàng Sa Trường Sa bị quân lính Trung quốc chiếm giữ, tự coi là lãnh hải của bọn chúng. Thầy Nguyên than thở về tình trạng suy yếu của đất nước, lãnh hải bị ngoại nhân xâm chiếm mà không có một phản ứng gì.Thầy so sánh tình trạng hèn yếu nhu nhược của nước ta với tình trạng khiếp sợ của Mạc Ðăng Dung khi dâng đất cho quan Tàu là Cừu Loan và Mao Bá Ôn. Tôi cũng ngạc nhiên vì thấy thầy mặc dù đã cao niên mà trí nhớ của thầy vẫn còn rất bén nhạy.
Tôi đến nhà thầy Nguyên vào dịp Tết Nguyên Ðán, Tết năm nào tôi không nhớ. Vào thư phòng, tôi thấy thầy đang ở trần, chỉ mặc một chiếc quần dài ta, thầy đang làm việc, tiếp tục gõ vào bàn máy đánh chữ.
- - Máy đánh chữ hết mực, phải ra phố mua thêm mực, về nhà đánh tiếp, thời buổI kinh tế khó khăn.
- - Tết thầy nên nghỉ xả hơi, phải tiếp khách, nhất là mấy ông cán bộ đầu tỉnh.
- - Chính vì thế tui đâu dám nghỉ.
- - Thầy định sáng tác đề tài gì vậy thầy?
- - Tôi đang viết dở Le Boujoum đây, hơn năm trăm trang giấy pelure, không biết khi nào Le Boujoum mớI hoàn tất.
Rồi thầy Nguyên đưa tay chỉ chồng giấy đánh máy ngổn ngang viết dở:
- - Bản thảo của Le Boujoum đây.
Le Boujoum? Tôi thầm nghĩ nhanh trong trí. Có phải đây là bản thảo của tác phẩm sáng tác bằng Pháp ngữ Le Boujoum? Le Boujoum hay là Le Bonjour? Chính bạn tôi Huỳnh đức Phương đã mách cho tôi biết tác phẩm chưa hoàn thành của thầy chính là Le Boujour không khác. Hay là bạn tôi những lúc gần đây đã chứng kiến những điều trông thấy nên đã ( sáng mắt sáng lòng ) trông gà hóa cuốc? Tôi chỉ dám hỏi một câu hỏi thầy vô thưởng vô phạt:
- - Le Boujoum có nghĩa là gì vậy, thưa thầy?
- - Chẳng có nghĩa gì cả, sở dĩ tôi lấy nhan đề Le Boujoum cốt để che mắt thiên hạ thế gian. Ðã nhiều phen tôi gởi một tập bản thảo đánh máy xong tới nhà xuất bản Pháp, nhưng bản thảo có gởi mà không được nhận, một là bản thảo bị thất lạc, hai là nhà ( đương cuộc) muốn coi và muốn đọc những bản thảo ấy muốn nói cái gì, nhưng( chúng nó) hiểu bản thảo như vịt nghe sấm, một phần vì dốt, một phần ví tức nên quăng vô sọt rác cho bõ ghét.
Thầy Nguyên ước tính Le Boujoum dày dộ bảy trăm trang khi tác phẩm này hoàn tất.
- - Những nhân vật trong Le Boujoum chỉ là tưởng tượng nhưng không phải hoàn toàn vô lý. Họ chỉ được sáng tỏ khi những nhân vật tưởng tượng ấy được ( giải mã), bao giờ, khi nào, chưa biết.
- - Có bao giờ thầy có ý định, một ao ước sẽ chuyển Le boujoum được dịch sang tiếng Việt?
- - Tôi cũng có ý nghĩ ấy nhưng hiện giờ thì chưa. Bản dịch Le Boujoum sang tiếng Việt là Thái Huyền.
Nhưng rồi tôi cũng nghiêm túc cẩn thận đọc tác phẩm từ nguyên tác sang bản dịch Thái Huyền, tất cả hơn mười bận, rốt cục vẫn không nắm được chủ đề, vẫn không hiểu được những nhân vật trong truyện. Tôi chỉ hiểu lờ mờ, đại khái, nhưng khi muốn làm công việc khác thường ( giải mã) những nhân vật chập chờn khi ẩn khi hiện, tôi bất lực, không thể, bất khiển dụng. Tôi đành phải cầu cứu nhờ thầy làm công việc ( giải mã) bằng phương tiện truyền thông qua e mail, tác giả Le Boujoum bảo rằng đã ( giải mã( rồi, nhưng tuyệt đối thầy không chỉ đường mách nước ( giải mã(, rốt cục con số không vẫn hoàn số không. Cho tới giờ này, thầy Nguyên đã hóa thành người thiên cổ, nguyên tác Le Boujoum được dịch thành tiếng Việt Thái Huyền vẫn chưa thực sự hoàn tất, những ai muốn tìm hiểu ý nghĩa uyên áo sâu xa của bản dịch vẫn còn trong trận đồ bát quái.
Dù sao đi nữa thì tôi cũng phải liệt kê những gì tôi sao chép lại rất đại cương, rất khái quát về Thái Huyền hầu mong quý độc giả hiểu biết.
Trong (Tựa(, tác giả của Thái Huyền có đề cập ít nhiều đến triết luận Thái Huyền của Dương Hùng( 35 trước Công Nguyên).
( Dương Hùng xem Huyền là căn bản của vũ trụ mà người cùng vũ trụ chung một thể với nhau. Huyền là nguồn gốc và nguyên nhân của mọi vật, ở khắp nơi và có quan hệ đối đảo một cách siêu nhiên. Âm và Dương là đối đảo. Huyền là Tuyệt Ðối trên cả Âm Dương. Huyền của Dương Hùng là Ðạo của Lão Trang.
Triết luận Thái Huyền là của Dương Hùng, tự là Từ Vân, người Thành Ðô đất Thục, sinh năm 35 trước Công Nguyên, dưới thời Tuyên đế, mất năm 18 sau Công Nguyên, đời Vương Mãng nhà Tần, làm chức Hoàng Môn Lang vào cuối đời Tây Hán, rồi làm đại phu đời Vương Mãng. Dương Hùng mô phỏng Luận ngữ mà soạn bộ Pháp ngôn để điểm phần hình nhi hạ tức là đạo lý thực dụng. Dương Hùng còn nổi tiếng về thi phú, rất khâm phục và chịu ảnh hưởng trong phạm vi này, Tư Mã Tương Như.)
Cách nay dễ đã năm, sáu năm, sau khi tôi bị đột quỵ, một bạn học cũ ngày trước gọi điện thoại nhờ tôi giới thiệu vài hàng về Boujoum tức Thái Huyền sẽ ra mắt sách trong nay mai. Lễ ra mắt sách sẽ qui tụ một nhóm bạn hữu gần xa như Nguyễn hữu Trí, Nguyễn Hoàng Sanh, Trương Hồng Sơn, Nguyễn Hoàng Bắc( nhận làm người điều khiển chương trình MC).
Tôi vội vội vàng vàng dứt khoát từ chối việc giới thiệu buổi lễ ra mắt tác phẩm đồ sộ ấy, viện lẽ rất ư chính đáng rằng ( tôi nào biết gì về tác phẩm mặc dù đã đọc đi đọc lại hàng chục lần, hàng chục trang sách, hàng chục chương, rốt cục nội dung ý nghĩa của Thái Huyền vẫn trơ trơ vững như bàn thạch, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời một cách ví von mai mỉa )

Nhưng rồi buổi lễ ra mắt sách cũng được tổ chức rình rang xôm tụ. Tôi hi vọng những bạn hữu gần xa rồi sẽ hiểu cặn kẽ tường tận ý nghĩa uyên áo nhưng rất ẩn khúc của Thái Huyền. Buổi lễ ra mắt sách hoàn tất, thành công mỹ mãn, nhưng dư âm của Thái Huyền chìm đi trong yên lặng. Tôi nghĩ đến một danh ngôn của triết gia hiện sinh Kierkegaard khi ông nói về giá trị ý nghĩa của ngôn ngữ:(Có một lối liên lạc bằng sự im lặng)./.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.