May 19, 2024

Tùy bút - Bút ký

Những Ngày Cuối Cùng Của Thi Sĩ Đông Hồ
Lê Trung Hoa * đăng lúc 06:51:15 PM, Jun 09, 2023 * Số lần xem: 798
Hình ảnh
#1

 

              

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG
CỦA THI SĨ ĐÔNG HỒ

                 
Cảm-mến cái hồn-hậu trong thơ văn, ngắm nhìn những đường nét thanh-nhã nơi bức chân dung, người ta chỉ hiểu một phần về thi-sĩ Đông-Hồ. Phải sống, phải gần-gũi, phải tiếp xúc, chúng ta mới có thể thông cảm trọn vẹn nhà thơ ấy.

Thi-sĩ đã sống và viết với nhiều thế-hệ văn-học - thế hệ 1913, 1932, 1945 và hôm nay. Mỗi khi gia nhập thế-hệ nào, thi-sĩ cũng đượcc đón nhận dễ-dàng và nồng-hậu. Sự cảm-thông của các văn nghệ sĩ đối với nhà thơ nầy, phần lớn nhờ tinh thần thích nghi trong văn-nghệ và ôn-hòa trong cách tiếp xử của người. Tinh-thần đó càng thể-hiện rõ-rệt hơn trong lối giao-tế với bằng-hữu, trong cái nhìn trìu mến và hòa đồng với kẻ hậu-sinh.

Từng ngập mình trong không-khí cổ-kính của lớp học cổ-văn Việt-nam - kẻ viết bài nầy - một trong những môn-sinh của Thầy - xin hân hạnh ghi lại đây vài đường nét liên-quan đến nếp sống tâm-tình và văn nghệ của nhà thơ. Những giờ sống với thầy Đông-Hồ chan hòa thơ và mộng. Mấy dòng nầy, về những ngày cuối cùng của Thầy, xin được viết ra như đốt nén tâm hương thương tiếc người vừa mới ra đi.

Chất thơ nơi người thơ

Sống với thầy Đông-Hồ là sống trong một không khí thơ. Chất thơ nơi thi sĩ thể hiện qua nếp sống nghệ-sĩ hào hoa, những lần tặng thơ, tăng sách.
Tôi kính thầy Đông Hồ vì, ngoài cái « nguồn xuân bất tận, suối thơ dài» (thơ Đông Hồ), Ngoài cái vẻ tiên-phong đạo cốt, tôi còn tìm thấy nơi thầy một người từ-phu luôn luôn bảo bọc tuổi trẻ bằng tình-thương. Thầy là một nhà thơ mà hình như những câu chuyện của thầy chỉ liên-quan đến thơ ! Câu chuyện nhỏ này là một thí-dụ điển-hình, thầy Đông Hồ kể:

«Một bữa kia ông Lâm-Ngọc-Huỳnh, Khoa trưởng Văn-khoa Huế, tỏ ý mời thầy ra dạy vài giờ văn chương quốc-âm. Thầy hẹn với ông để thầy về coi lại có thể đi được không. Sau, thấy tuổi mình đã già, sức đã yếu, đường di lại xa xôi, thầy quyết định là không thể đi được. Thầy định đánh điện tín trả lời như sau «Cảm ơn hảo ý của ông nhưng tôi không thể đi được »

Nhưng thầy lại nghi rằng mình là người đạy văn chương, hơn nữa là một người làm thơ, chả lẽ lại trả lời cọc-lốc như vậy. Nên thầy mới làm một bài thơ và gởi đi bằng điện-tín, »

Cả lớp phì cười. Thầy cũng cười và tiếp:

« Hôm đi gởi, cô nhân-viên bưu-điện ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, ông gởi gì lạ vậy ? Hinh như một bài thơ ?
- Ừ, bài thơ.
- Nếu người ta bỏ hết các dấu, làm sao người nhận đọc được ?
- Kệ nó. Cô cứ đánh nguyên văn. Còn được gì hay nấy.
Thầy, tủm-tỉm cười và đọc bài thơ đó như sau:

Đại-học xa đưa hương ngự-uyển
Tràng-an không tiện bước vân trình
Huệ lan ơn tạ lòng tri kỷ
Lỡ hẹn sông Hương, núi Ngự-bình!

Buổi học cuối cùng người thơ nằm xuống trong tiếng Thơ
Những buổi học với thầy Đông Hồ cứ êm đềm và thân mật trôi qua, với một mái đầu tuyết trắng và những mái đầu xanh, với những cái nhìn gởi trao dung-dị của một thế hệ - hay nhiều thế hệ - cho một thế hệ mới đến ...

Nhưng, sáng hôm đó, thứ ba 25-3-1969 cái giờ khắc-nghiệt làm ranh giới giữa ở lại và ra đi đã xảy đến ! Như thường lệ, chúng tôi có hai giờ học văn chương quốc âm với thầy, từ 10 giờ đến 12 giờ. Tuần trước, thầy đang giảng dở dang ở cảnh I lớp 3 trong tuồng Kim-Thạch Kỳ-duyên của cụ Bùi-hữu-Nghĩa.

Sáng nay tôi đến trường hơi sớm khoảng hơn 9 giờ. Vừa đến sân trường, tôi đã thấy thầy Đông-Hồ ôm cặp chậm rãi bước lên những bậc thềm. Thầy vẫn có thói quen đến truờng sớm, và chuyện trò thân mật với sinh viên.

Thấy thời gian chờ đợi vào lớp hơi lâu, tôi quay xe ra đường Lê-Lợi với ý định mua vài quyển sách. Sẵn dịp, tôi thả rông lung tung, không sợ vào trễ. Mà có vào muộn, tôi cũng chẳng lo chép thiếu bài, vì tôi đã có kinh nghiệm , rằng trong giờ đầu, rất hiếm khi thầy giảng vào bài. Cả giờ đó, thầy thường kể những giai thoại về văn chương, hoặc tặng sách, hoặc ngâm rồi cho sinh-viên chép những bài thơ của thầy... Vì vậy, tuy chúng tôi học với thầy hơn nửa năm mà số trang ghi chép lời giảng dạy chưa vượt quá con số 15. Trong khi đó cũng với số giờ như vậy, các vị giáo sư khác cho chúng tôi ghi chép hàng năm bảy chục trang. Để giải-thích sự kiện này, thầy vẫn nói với chúng tôi: «Các con đã thâu-thái được cái học cao xa của thầy Khoa-trưởng, các con lại được học cái kiến thức rộng rãi của thầy Thanh Lãng, các con cũng đã thưởng-thức cái thâm-trầm của thầy Nghiêm-Toản, còn những giờ của thầy chỉ là một thứ hoa nào đó trang điểm thêm cho trường Văn-Khoa, Có thầy cũng được, không có thầy cũng chẳng sao. Còn những điều thầy nói với chúng con tuy thông có trong bài nhưng cũng thuộc phạm vi văn chương cả...

Chính cái tính thích nói chuyện xa xôi đó của thầy đã làm cho một số sinh viên chán nản, không đi học giờ thầy. Một số khác chỉ đến ghi tên vào cuốn số của thầy rồi sẽ lén bỏ về. Chỉ có thầy Đông-Hồ dùng cuốn số nầy. Buổi học nào thầy cũng bắt sinh viên chuyền nhau ghi tên và ký vào đó. Đây là một mối lo ngại cho những ai không thích hoc giờ thầy ; sợ rằng thầy sẽ căn cứ vào sự hiện diện trong niên học để cho điểm khi chấm bài thi hay hỏi vấn đáp trong kỳ thi cuối năm. Thật ra không phải thế. Có lẽ người ta nên hiểu cá tính nghệ-sĩ của thầy. Thầy rất thích sống với những kỷ niệm. Những tên họ và những chữ ký kia phải chăng, trong một buổi chiều nào đó, sẽ gợi lại trong thầy những khuôn mặt yêu mến mà thầy đã gặp gỡ trên những chuyến đò đưa khách sang sông.

Hôm nay là ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch. Lễ kỷ-niệm Hai Bà Trưng vừa đuợc cử hành hai hôm trước. Vì thế, sực nhớ lại chuyện cũ, thầy kề cho chúng tôi nghe một giai-thoại văn chương có liên quan đến Hai Bà:

« Hồi tiền chiến, nhân lúc sửa lại đền kỷ niệm của Hai Bà ở làng Đồng Nhân, người ta có tổ chức một cuộc thi thơ để chọn một bài hay nhất khắc vào tấm bia trước đền. Cái khó nhất của người làm thơ là làm thể nào tránh không lặp lại những điều mà các thi sĩ đi trước đã nói rồi. Ngoài ra, đây là một bài thơ đề miếu, chứ không phải là một bài thơ vịnh. Vì vậy, nhiều người đã lạc đề, bởi không để ý cái điều thứ hai đó. Và bài thơ chiếm giải nhất đó như sau :

ĐỀ MIỂU HAI BÀ TRƯNG

Ngựa Gióng đã lên không
Rừng Thanh voi sổ lồng
Một chồi hoa nụ Lạc
Muôn dặm nước non Hồng
Trăng tơ gương hồ Bạc
Mây tan dấu cột đồng
Nén hương lòng cố quốc
Xin khẩn một lời chung ».

Thầy cắt nghĩa toàn bài, đại ý như sau :

Câu đầu nhắc lại một sự kiện lịch sử xảy ra trước lúc Hai Bà Trung ra đời - chuyện Phù-Đổng Thiên Vương. Câu dưới nhắc lại một sự kiện xảy ra sau cuộc khởi-nghĩa của Hai Bà chuyện bà Triệu. Như vậy tác-giả đã giới hạn thời điểm mà Hai Bà xuất hiện. Hai câu ba, bốn diễn ý rằng chỉ một đóa hoa (Bà Trưng) của quê hương ta rụng xuống cũng đủ tô thắm cho giang-sơn gấm vóc nay. Cái hay của tác-giả là đã ghép hai chữ Lạc-Hồng liền nhau. Hai bà đã giao chiến với Mã-Viện nơi Hồ Lãng-Bạc; công nghiệp của Hai Bà vẫn sáng chói như mặt hồ nghìn thu lấp lánh ánh trăng soi. Trái lại, cái cột đồng là biểu-tượng sức mạnh kiêu căng của Mã-Viện đã theo thời gian gãy đổ đi như áng mây kia chẳng mấy chốc tiêu tan trước gió. Tất cả 6 câu trên chỉ mới ca tụng công đức Hai Bà, chưa nói gì đến việc đề thơ trước miếu . Các chữ nén hương, và xin khẩn ở hai câu thơ 7 và 8 đã nói đến đều đó...

Sau khi giảng xong, sực nhớ đến tên tác giả bài thơ, thầy bảo rằng bài này của ông Hoàng-thúc-Hội, thân sinh ông Hoa-Bằng Hoàng-thúc-Trâm. Nghỉ hơi một lát thầy kể tiếp:

« Sau nay có một lần, thầy và ông Hoàng-thúc-Trâm đi lên thăm miếu Hai Bà, thầy thấy câu thơ thứ nhất đã được sửa lại là Núi Sóc ngựa lên không . Thầy ngạc nhiên hỏi. Ông Hoàng-thúc-Trâm bảo rằng chính cha ông không vừa ý nên sửa lại. Về sau, thầy thấy ông Trần-trọng-Kim cũng có cho in bài thơ này trong cuốn Việt thi của ông và có chú-thích rằng ban giám-khảo đã sửa lại câu thơ đó. (1).
« Các con thấy, mỗi người nói một cách. Theo thầy đoán có lẽ ban giám khảo thấy bài thơ chưa được toàn bích nên đề nghị và chinh tác giả sửa lại... »
« Nếu sửa lại câu thơ đầu như thế, theo ý thầy, bài thơ hay quá ! Đố các con hay ở cho nào ? »

Thầy vừa hỏi vừa đi xuống lối đi giữa lớp học, tay chỉ vào các sinh viên ngồi hai bên và hỏi:

- Biết không ?... Biết không ?...

Sinh viên nhaɔ nhao :
- Thưa, vì hai câu đầu đối nhau.

-...vì nhắc được một địa-danh lịch sử...
Thầy mĩm cười ôn tồn:

- Đúng rồi. Hay vì hai câu đầu đối nhau, nhưng đổi nhau mà vẫn tự nhiên. Và câu thơ sửa lại đã loại được chữ "đã" dư.

Nghỉ một lát, thầy nói sang chuyện khác:
« Hồi năm 1941 hay 43 gì đó, có một bài thơ đã làm cho giới văn-nghệ-sĩ hết sức ngạc nhiên. Đó là bài thơ vịnh Hai Bà của nữ sĩ Ngân-Giang. Bài thơ đó dài, nhưng chỉ có bốn câu thơ cuối đáng nói mà thôi:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Chênh chếch trăng tà bóng lẻ soi!

Từ trước đến giờ, thầy tiếp, chỉ có đàn ông ngâm vịnh công đức Hai Bà. Đây là lần đầu tiên một nữ sĩ ca tụng Hai Bà. Do đó, vì cùng mang nữ-tính, Ngân-Giang đã đề cập tới một khía cạnh chẳng ai ngờ tới. Đó là lúc Bà thắng trận rồi, tuy Bà mặc giáp vàng theo nghi lễ, nhưng lòng bà vẫn nguội lạnh vì chiếc khăn tang (khăn trở) vẫn nhắc nhở cho Bà nỗi sầu cô-phụ. Hơn nữa, lúc về kbuya, một mình cô đơn trên điện ngọc, đối diện với vầng trăng lẻ bóng, tâm tư Bà làm sao không đau xót bi thương.

Thầy vừa ngâm vừa đọc. Chúng tôi chép xong. Thầy ngâm lại cả đoạn thơ. Đúng vào lúc thầy ngâm câu thơ thứ tư, một anh bạn ngồi phía sau dùng cán bút thọc vào hông tôi, hỏi nhỏ :
- Ông có cảm nổi cái giọng ngâm thơ của thầy không ?

Tôi bộc-trực trả lời:
- Người Nam các anh ngâm thơ không hay. Nhưng tôi thích nghe vì giọng thầy hồn hậu quá!

Nói xong, tôi quay lên bàn thầy. Tôi nghe giọng thầy tự nhiên lạc hẳn. Mặt thầy đỏ lên, đôi môi mấp máy, đôi mắt lờ đờ nhìn xéo lên trần nhà và chân thầy run run đứng không vững. Hai anh sinh viên ngồi ở trên vội chạy lên. Một anh đỡ thầy; một anh vội kéo cái bàn sang một bên. Các bạn khác đỡ thầy từ từ ngồi xuống ghế. Cả lớp nhốn nháo ùa lên bàn thầy. Tưởng thầy trúng gió, các bạn vội lật cả áo thầy, bắt gió, xoa dầu, giựt đỏ cả hai bả vai. Một mặt, chúng tôi vội chạy xuống phòng giáo sư để báo tin. Nhưng lúc đó, khoảng 11 giờ rưỡi,
không còn ai cả.

Thấy bệnh trạng thầy có vẻ nguy ngập, các bạn vội đỡ thầy xuống tầng trệt, vì phòng thầy đang dạy ở lầu hai, lộng gió.

Chúng tôi theo sát bên thầy. Mắt thầy nhìn ngược hẳn lên, trắng bệch. Lúc ấy tôi ngỡ thầy nhìn lại chúng tôi, cảm động mà không nói được. Đưa thầy vừa xuống tới bực thềm, một người đàn ông đứng tuổi chạy đến bảo đã có xe đưa thầy đi. Khi chúng tôi đưa thầy vào băng sau chiếc xe, thầy vẫn thiêm-thiếp. Chiếc xe lao vun-vút ra khỏi cổng trường Văn-Khoa hướng về bệnh viện Grall, giữa bao nhiêu ánh mắt ngậm ngùi nhìn theo, thương xót...

Vườn Thơ đã mở Hội.

Thầy mất rồi! mầy nghe tin chưa Hoa?
Một người bạn hỏi tôi.

Một cảm-giác nghèn nghẹn dâng lên cổ. Tôi không ngờ lần cuối cùng chúng tôi còn thấy thầy là lần thầy nằm xuống giữa lớp học!

Tôi vội vã cởi xe xuống trường Văn-Khoa.
Một tẩm bảng đen lớn viết chữ trắng giăng ngang sân trường: ĐẠI GIA - ĐÌNH VĂN -KHOA CHỊU TANG THẦY,. Nước mắt tôi ứa ra. Khi tôi đặt chân lên bực thềm, nơi tôi từng thấy Thầy lững thững buớc lên, tôi không cầm được nước mắt nữa. Cơn xúc động mạnh quá khiến tôi phải tìm một nơi vắng vẻ cho nước mắt tuôn trào. Một vần thơ đẫm lệ chợt nở ra trong hồn tôi

Thầy nằm xuống giữa lòng lớp học,
Cho chúng con tiếng khóc nghẹn ngào!

Khi cơn xúc động lắng xuống, tôi đi tìm gặp vài người bạn học cùng lớp bên Đại-học sư-phạm, tỏ ý muốn tổ-chức đi phúng thầy. Tất cả đều tán thành, không do dự Chúng tôi bàn ngay đến việc mua lễ vật. Chúng tôi phân vân giữa các thứ lễ vật, không biết thứ nào cho hợp với tình thầy trò, lại vừa với số tiền sẽ thu được trong lớp. Sau cùng chúng tôi đến thỉnh ý-kiến của một vị lão thành : Thầy Lê-ngọc-Trụ. Nghe chúng tôi trình bày, Thầy đáp ngay:

- Các anh không nên mua vòng hoa. Vừa đắt tiền vừa làm giàu cho mấy tiệm bán cườm, vô ích. Các anh nên mua liễn thì hay hơn.

Việc mua vải may liễn thì dễ rồi. Song còn câu đối, chúng tôi chưa có.Mà thời hạn đi phúng chậm nhất là chiều nay vì ngày may lễ an-táng đã cử hành. Tôi đọc thử hai câu thơ song thất vừa nghĩ ở trên cho các bạn nghe. Các bạn tạm chấp nhận. Có kẻ lại đề nghị :

- Mình viết bằng chữ nôm đi. Nó vừa có tính chất cổ điển, vừa có tính chất dân tộc, lại vừa đẹp, vừa lạ.

Ý kiến đó được đồng ý và được khen là hay.

- Nhưng mượn ai viết kiểu chữ cho đây ? Mình đâu có biết hết các chữ nầy.
- Mượn thầy Bửu-Cầm. Bữa nay thầy có dạy ở đây.

Chúng tôi từ giã nhau và hẹn buổi chiều sẽ gặp lại tại trường ĐHSP. Tôi không về nhà ngay, đi thang lên chợ Bến Thành. Đúng 12 giờ trưa. Các sạp hàng đã dẹp nghỉ. Tôi chạy dọc theo đường Lê Thánh Tôn. Một tiệm vải còn hé cửa. Tôi mua một thước rưỡi sa-tanh trắng. Tôi hỏi thăm chỗ bán mực tàu và bút lông. Họ cho biết các vật đó có bán ở đường Ký-Con. Tôi đến tìm nhưng không thấy. Tôi rẽ sang tay trái, qua đường Nguyễn-công-Trứ. Nơi đây tôi đã mua được bút lông và mực tàu.

Buổi chiều, chúng tôi tập trung tại trường Sư-phạm rồi dẫn nhau đi mua hương đèn. Tìm trên một khúc đường Thành-Thái không có, rẽ sang đường Trần-binh-Trọng, cũng không có, sau cùng, chúng tôi mua được trong một tiệm nằm trên đường Nguyễn-Trãi.

Khi ở nghĩa-trang Mạc-đỉnh-Chi buớc ra, tôi chợt nhận thấy một sự gặp gỡ là lạ. Vải may liễn, mua trên con đường mang tên một ông Vua thi sĩ : Lê-Thánh-Tôn. Bút mực viết liễn, mua trên con đường mang tên một ông quan thi-sĩ : Nguyễn công-Trứ. Hương đèn, mua trên con đường mang tên một vị anh hùng thi-si: Nguyễn Trãi. Và thầy đã an-nghi ở một nghĩa-trang mang tên một ông trạng thi sĩ : Mạc-đỉnh-Chi. Nghĩa trang ấy lại mở cửa nhìn ra một con đường kỷ-niệm nhà ái-quốc thi sĩ: Phan-Thanh-Giản.

A, phải rồi ! Có lẽ vườn thơ đã mở hội. Chiếu thơ đã trải ra. Nhưng dường như còn thiếu một người. Có phải các thi-gia tiền-bối đang chờ thầy đề xướng họa ca ngâm ?

Thầy là một thi-si. Nếp sống của thi-sĩ Đông-Hồ là cả một bài thơ. Và cái chết cũng thật nên thơ!

Thầy đã nằm xuống giữa lòng trường Đại Học Văn-Khoa, nơi tiêu-biểu cho nền văn hóa dân-tộc, khi tiếng ngâm thơ của thầy đang ngân ra, giữa những cánh tay của đám môn-sinh yêu kính thầy!

----

(1) Thật ra chữ số lồng (câu 2) và chữ
nụ lạc (câu 3) trong sách Việt-thi > in là
chửa lồng và « nhị lạc , trang 65.

LÊ-TRUNG-HOA
(28-3-69)
Tạp Chí Bách Khoa 296.

Nguồn : chia xẻ từ facebook
Dung tran

 

 *

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.