Apr 18, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Băn khoăn và xao xuyến(Tiểu luận).
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:00:21 PM, Nov 04, 2008 * Số lần xem: 2109
Hình ảnh
Võ Doãn Nhẫn
#1
Hiện giờ tôi đang có tâm trạng băn khoăn hay tâm trạng xao xuyến? Nhiều nhà văn, nhiều nhà chuyên khảo thường lẫn lộn băn khoăn và xao xuyến. Khái Hưng trong một tác phẩm tiểu thuyết của ông có đề cập tới Băn Khoăn. Cảnh, một thanh niên trẻ tuổi thuộc một gia đình khá giả đem lòng yêu cô thiếu nữ có nhan sắc Hảo.Ông Thiện, chủ gia đình Cảnh, thân phụ của Cảnh, góa vợ, có ý định muốn tục huyền cùng với một thiếu nữ không ai khác hơn là Hảo. Hảo là một thiếu nữ khôn ngoan già dặn, mặc dù ông Thiện ra sức tấn công ráo riết hòng mong chiếm được người ngọc; riêng Cảnh chỉ là một thanh niên đời chưa từng trải chỉ biết lấy tình yêu chân thực Cảnh-Hảo mà đối đãi. Cuối cùng, Hảo đi đến một quyết định: gửi hai đương sự cha con Thiện- Cảnh hai thiệp cưới mời hai người tới dự đám cưới của cô dâu Hảo. Hảo không lấy ai, không lấy ông Thiện, không lấy Cảnh, dứt khoát khỏi phải băn khoăn.
Jean Lacroix, một triết gia thuộc trào lưu nhân vị thuyết personnalisme, có viết một tác phẩm đầy triết lý (Les sentiments et la vie morale(: Tình cảm và đời sống đạo đức. Trong tác phẩm đó, Jean Lacroix có viết khá nhiều đề mục trong đó có (Bản năng và chúng ta(, ( Tôn kính và bất kính(, ( Nghĩa tình yêu(, ( Thời gian và vĩnh cửu( và sau cùng ( Sự xao xuyến(.Tôi mạn phép được đề cập hai từ ngữ băn khoăn và xao xuyến bởi tôi nghiệm thấy hai từ ngữ ấy có những khác biệt rõ nét.
Trong tác phẩm tiểu thuyết Băn Khoăn, Khái Hưng chỉ nêu lên một vấn đề thuần túy văn học, không siêu hình triết lý, không huyền nhiệm tôn giáo; ông chỉ nêu một trạng thái, một nỗi niềm tâm lý. Băn khoăn là một thái độ đợi chờ khắc khoải, băn khoăn biết rõ đối tượng của mình. Nhân vật Cảnh băn khoăn bởi Cảnh biết rõ người Cảnh yêu là Hảo, chờ đợi việc cầu hôn cưới xin của Hảo. Ông Thiện băn khoăn bởi ông Thiện biết ông yêu thích người con gái Hảo và chờ đợi việc cầu hôn cưới xin của người con gái đương xuân. Cảnh và ông Thiện băn khoăn là phải bởi cả hai người không biết, chưa biết người con gái của họ sẽ phải quyết định lựa chọn ai là người có được diễm phúc . Cảnh là một thanh niên đường đường chính chính đã bộc lộ và bày tỏ tình yêu cùng với Hảo một cách thành thực không ngượng ngùng, không dối trá và chờ đợi tình yêu được đáp lại trong tâm trạng nỗi niềm băn khoăn. Ông Thiện, thân phụ của Cảnh, một người đàn ông tuy đã luống tuổi mặc dù ông không còn trẻ trung nữa, góa vợ, sống một cuộc sống sung túc đầy đủ không lo vì sinh kế đã yêu thích Hảo, muốn được cầu hôn cưới Hảo, chánh thất hay thứ thất thì độc giả không ai rõ. Sự cầu hôn này được ông Thiện chờ đợi và Hảo đi tới quyết định, chấp thuận hoặc từ khước sự cầu hôn được thể hiện trong nỗi băn khoăn. Hảo là một thiếu nữ khôn ngoan biết cân nhắc lợi hại, biết kết quả đường đi nước bước trong sự quyết định lựa chọn người bạn đời. các nhà tâm lý học cổ điển luôn luôn phân biệt một hành vi ý chí( acte volontaire) làm bốn giai đoạn: giai đoạn quan niệm, giai đoạn bàn tính, giai đoạn quyết định và giai đoạn thi hành. Ở giai đoạn đầu, Hảo biết Cảnh yêu mình, sau đó không lâu, ông Thiệu loan tin ông cũng yêu Hảo và muốn được cưới Hảo làm vợ. Nghe thì nghe vậy, biết thì biết vậy, Hảo không thể chưa thể có một bàn tính gì, một quyết định gì. Chuyện hôn nhân, chuyện trăm năm là việc quan trọng đâu phải chuyện chơi, chuyện trò đùa? Nhưng Hảo buộc lòng phải bước qua giai đoạn thứ hai, giai đoạn bàn tính, không thể không bàn tính, không thể để mặc con cá vàng nhởn nhơ lơ lửng được.
( Các nhà tâm lý học cổ điển đã phát biểu một hành vi ý chí là như thế: quan niệm, bàn tính, quyết định và thi hành. Nhưng theo một số nhà tâm lý hiện đại, quan niệm cổ điển trên đã bị đảo ngược, một quan niệm hoàn toàn mới lạ: giai đoạn thứ nhất: quan niệm, giai đoạn thứ hai và thứ ba: quyết định, giai đoạn thứ tư: thi hành, đó là quan điểm của nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre. Khi nói về một hành vi ý chí, Sartre viết:(Khi tôi bàn luận, những công việc đều đã thực hiện làm xong(( Quand je délibère, les jeux sont faits). Mà ví dầu một người cố thực hiện một hành vi ý chí rập khuôn của tâm lý học cổ điển, quan niệm, bàn tính, quyết định và thi hành, người ấy chỉ làm một hành vi giả tạo nói đúng hơn, một hành vi ngụy tín. Ðừng nghĩ rằng Kiều quyết định vì hiếu bán mình chuộc cha. Kiều đã quyết định bán mình cứu cha trước khi bàn tính. Quand Thúy Kiều délibère, les jeux sont faits. Mọi bi kịch đều được giàn dựng trước, mọi bi kịch chỉ là hài kịch. Mọi phán quyết của tòa án, của công tố viên sau vành móng ngựa đều có tính cách... tiền chế( sau vành móng ngựa, không phải trước vành móng ngựa).
Cô thiếu nữ Hảo đắn đo cân nhắc giữa hai nhân vật Cảnh và ông Thiện, trước hết là Cảnh. Hảo nhận thấy Cảnh là một thanh niên chững chạc, đứng đắn, tính tình vui vẻ dễ nói chuyện vui chuyện khôi hài, có thể với Hảo kết nghĩa trăm năm, mà tự thâm tâm, Hảo cũng có cảm tình với Cảnh. Nhưng để đó, xếp lại bản thăm dò lý lịch, không quyết định, không nông nỗi vội vàng hấp tấp. Hảo lại âm thầm đánh giá đạo đức ông Thiện. Hảo thường nghe dư luận thị phi rằng Hảo lấy chồng già, sống chung được vài năm ắt hẳn người chồng bắt buộc phải qui tiên. Nhưng dược cái là Hảo được đảm bảo an toàn về cuộc sống, nhưng, ( lợi thì có lợi nhưng răng không còn.( Mà nếu Hảo lấy Thiện bỏ Cảnh đành đoạn sang ngang ôm cầm thuyền khác thì trong thâm tâm, thực lòng Hảo không nỡ. Giá trần gian không có Thiện, đời sẽ dễ dàng biết bao, hôn nhân sẽ được kết hợp bằng hôn nhân tình ái, marriage dõamour. Giá đường đời không có Cảnh, cuộc hôn nhân sẽ không quá khó, hôn nhân sẽ được kết hợp sẽ được kết hợp bằng hôn nhân lý trí, marriage de raison.
(Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng môi son.(
Sau cùng, Hảo đi tới quyết định: Hảo không lấy ai cả, không cả Cảnh lẫn Thiện. Sắp tới ngày lễ vu qui, Hảo mời tất cả hai nhân vật Cảnh và Thiện dự lễ cưới. Thiện sững sờ, xôi hỏng bỏng không. Cảnh ngạc nhiên, đợi chờ công cóc. Người đẹp đã sang sông, chấm dứt băn khoăn.
Như một bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi tới thời kỳ lần thứ ba coi như hết thuốc chữa, bác sĩ dặn dò bệnh nhân lần cuối:
- Cụ nên về nhà yên tâm tịnh dưỡng, đừng suy nghĩ nhiều.
Từ ngữ (yên tâm( ngụ ý hết băn khoăn, chấm dứt băn khoăn, đoạn tuyệt băn khoăn, khỏi phải lo lắng gì nữa.

Tôi mạo muội đề cập danh từ sự xao xuyến, nghe mơ hồ trừu tượng mông lung, khác biệt từ ngữ băn khoăn. Sự xao xuyến là một loại danh từ phổ thông trong văn chương bình dân ít được sử dụng phổ cập; tôi không hề chưa hề nghe thấy đọc thấy sự xao xuyến, ngoại trừ một lần tôi nghe độc nhất. Ðó là ngày khai trường của người được giải thưởng Nobel văn chương Anatole France ( La rentrée des classes( tôi xin trích một câu ngắn(...il avait le coeur un peu serré: cõétait la rentrée(
Y cảm thấy trong lòng một chút xao xuyến: đó là ngày khai trường.
Xao xuyến ở đây là một ít nội tâm se sắt, một chút rộn ràng nôn nao khó diễn tả như tâm trạng nỗi niềm cậu bé con lần đầu tiên tới trường đi học.
Sự xao xuyến. Ðó là một danh từ chuyên môn, một danh từ triết học, đồng thời sự xao xuyến cũng là một danh từ tâm bệnh-học, một loại bệnh tâm thần, một lo lắng vu vơ, một sợ hãi không nguyên nhân, như nỗi sợ không gian aérophobie, nỗi sợ động vật zoophobie. Xao xuyến, xao xuyến... tiếng Pháp là (angoisse(; thật khó mà diễn tả trọn vẹn thấu đáo ý nghĩa sâu xa tâm trạng bồn chồn, bâng khuâng, lo lắng không yên lòng yên bụng. Phải chăng xao xuyến đồng nghĩa với khắc khoải, một nỗi niềm ưu tư mất nhà mất nước quê hương điêu linh của nhà thơ Tam nguyên Yên Ðổ?
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ.
Cuốc đêm hè vọng tiếng kêu khắc khoải! ( Kêu khắc khoải( là tiếng kêu của người vong quốc giọng nghe buồn thảm não nùng ai oán thê lương, ( hồn đây tưởng đó mất như còn(, tựa Thục đế nhà vua ham chơi đến nỗi phải mất nước, như Ðường Minh Hoàng, như Ngô Phù Sai; khắc khoải như hồn ma đỗ quyên chưa yên phận hóa thân làm loài chim nước sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ đêm đêm thao thức trằn trọc tựa hải đảo ngoài khơi bị cưỡng chiếm.
Trong một phút giây phù du nào đó, tôi mạo muội nghĩ sự xao xuyến đồng nghĩa với mối ưu tư khắc khoải, và chỉ mạo muội thôi, không lấy gì khả dĩ khách quan, xác thực.
Từ xao xuyến được đặc biệt dành riêng cho các triết gia chủ trương thuyết hiện sinh như Kierkegaard, Gabriel Marcel, Martin Heidegger, Albert Camus, Karl Jaspers, và Jean Paul Sartre. Nhưng thuyết hiện sinh hiểu gì về sự xao xuyến?
Một cách tổng quát, thuyết hiện sinh chủ trương hiện sinh(existence) có sau yếu tính(essence), khác biệt với thuyết yếu tính có sau thuyết hiện sinh. Riêng con người thuyết hiện sinh có trước thuyết yếu tính. Khi lọt lòng mẹ, một hài nhi không khác gì một động vật chỉ biết thở và khóc oe oe, con người chưa có thể mệnh danh một nhân sinh, một hiện sinh. Nhưng cùng với thời gian, hài nhi ấy dần dần trưởng thành, từ bú mớm đến ăn uống ngủ nghỉ, thành một em bé, sau cùng thành một thanh niên khôn lớn trưởng thành. ( Nuôi con khôn lớn nên người(.Từ một yếu tính, một hài nhi trở thành một hiện sinh độc đáo. Nếu bất hạnh một trẻ sơ sinh bị khuyết tật bẩm sinh chậm phát triển, trẻ sơ sinh ấy không thể trưởng thành trở nên người lớn (hiện sinh(( nói theo nhà tâm-sinh-lý-học) được. Riêng những người có đức tin tôn giáo, thuyết yếu-tính có trước thuyết hiện sinh. Trước khi sáng tạo con người, Thượng Ðế phải phác họa trước những đường nét, những yếu-tính sao cho phù hợp những đường nét những yếu-tính của nhân tính, phù hợp với lương tri ( nhân chi sơ, tính bản thiện(.
Chủ trương thuyết hiện sinh của Sartre là tự do. Mỗi hiện sinh là một tự do. Con người bị lên án tự do. ( Lõhomme est condamné à être libre(.Mỗi hiện sinh là một ý thức mà ý thức là hư vô. Mỗi hiện sinh, mỗi ý thức sẽ tự tạo cho mình một nhân cách một cách tự do, vì ngay từ thuở ban đầu, ý thức vốn là ý thức thuần túy. Hiện hữu hoặc hư vô hoàn toàn tùy thuộc tự do của mỗi chủ thể. Mỗi hiện sinh phải tham gia cuộc sống, phải nhập thế, phải tạo ( những bàn tay dơ bẩn((Les Mains sales). Từ Hải phải quyết định đầu hàng triều đình hay quyết định tiếp tục chiến đấu, hiện hữu hoặc hư vô kể từ giờ phút này.( Shakespeare đã chí lý khi nói rằng(To be or not to be, thatõs the question(: hiện hữu hoặc không hiện hữu, đó là vấn đề. Tướng Dương văn Minh đã biểu lộ một niềm xao xuyến cân nhắc đầu hàng Bắc quân hay không vào ngày 30 tháng tư năm 75. Vị tổng thống bốn ngày có tự do quyết định nhưng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước giờ lịch sử dân tộc. Tự do, trách nhiệm sao mà nặng! Hiện hữu, hư vô, bé cái lầm.( Nói nào ngay, việc đầu hàng Bắc quân đã hình thành sẵn trong đầu óc của tướng Minh rồi, biến cố chính trị chỉ là... tiền định: quand le Général délibère, les jeux sont faits). Rốt cục, tướng Minh không hiện hữu mà trở thành hư vô. Tôi đầu hàng, vậy chúng ta không hiện hữu.( Je capitule, donc nous ne sommes pas(.
Sự tu học trong Phật giáo có một cái nhìn khác lạ và độc đáo. Tu học diệt dục theo quá trình tuần tự khổ đế,tập đế, diệt đế và đạo đế, ấy là tôi đã học được theo quan điểm Phật học cơ bản. Người tu sĩ suốt đời an nhiên tự tại tuần tự nhi tiến. Lúc trẻ, đầu óc tư tưởng còn quá nhiều háo thắng và hãnh tiến, tôi hằng có nhiều câu hỏi nghi vấn. Có một lần, trong lúc mạn đàm về quan điểm và cứu cánh giải thoát Phật giáo với một công nhân thợ mộc đang loay hoay chăm chú tập trung công việc thường nhật đục cưa bào giũa, miệng vẫn tiếp tục câu chuyện sôi nổi tranh luận hoặc giải thích cùng tôi đang đối thoại. Xin quý độc giả lưu ý: ông công nhân thợ mộc khá am tường kiến thức đạo Phật, ông biết hằng đêm khoác áo tràng, cầu nguyện, ăn chay, thường xuyên đi chùa tu học. Ðộ nọ, tôi chất vấn người tu học tại gia:
- Ðức Thích Ca dạy chúng sinh theo bản chất hình nhi thượng học là vạn sự khổ, phải không anh Năm?
- Dạ, Phật dạy vậy.
- Vạn sự khổ tất phải diệt dục, phải diệt tất cả mọi sự khổ. Vậy tui hỏi anh: diệt khổ bao hàm một ước ao, một ham muốn diệt khổ, thế, phải chăng ngụ ý một nghịch lý, một mâu thuẫn?
Một cách điềm đạm, người công nhân trả lời:
- Một khi quyết định tìm con đường giải thoát, người tu sĩ không có một giải pháp nào khác là diệt khổ. Ðường giải thoát diệt khổ còn nhiều gian nan trắc trở chông gai, chắc chắn không thể tu một kiếp mà thành chánh quả, nhưng phải trải qua vô số hằng hà kiếp.Ðoạn đường tu học mà tu sĩ đã trải qua lâu hay mau, nhanh hay chậm, không ai biết, nghiệp đã trả xong chưa không ai hay, máy huyền vi mở đóng khôn lường. Con đường duy nhất phải đi là tu sĩ phải tiếp tục tu học. Thái tử Tất Ðạt Ða làm sao biết được ngài từ giã gia đình, bỏ vợ đẹp con thơ và ngài được giác ngộ sau bốn mươi chin ngày khổ tu trở thành Phật? Kinh Thủ- Lăng- Nghiêm còn cho biết từ loài người nếu không tu theo chính pháp để tự giải thoát ra khỏi sự sống chết, riêng tu theo vọng niệm, mong muốn thân xác sống mãi không chết, có thể thành mười thứ tiên ở những nơi vắng vẻ không người. Ðạo tiên thật khó tu, phải chuyên tâm trì chí tu hành lâu ngày thì mới thành tiên được. Nhưng bao giờ, lâu bao nhiêu năm mới được đắc đạo thành tiên?
Quả là thiên nan vấn!
Trộm nghĩ: tu theo đạo nào cũng tốt cũng quý nhưng đừng chờ mong làm tâm thần mỏi mệt chán nản, thất vọng bỏ cuộc đầu hàng, rồi lại tiếp tục luân hồi triền miên trong vô lượng kiếp thì quả thật khổ!
Chớ băn khoăn và cũng đừng xao xuyến.
Ðể chấm dứt bài tiểu luận người viết xin được cống hiến một đoạn thơ tứ tuyệt:
( Hãy cứ tu đi thực thủy chung,
Tu đi rồi hiến đóa sen hồng.
Bao giờ đắc đạo thành tiên nữ,
Sống thọ thiên thu tựa Cát Hồng(1)./.
(1) Cát Hồng, một nhà đạo sĩ sống theo thuật dưỡng sinh và luyện phép tu tiên.

Võ Doãn Nhẫn

Track 6 -

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.