Oct 10, 2024

Truyện dài

Trăng Hoàng Cung
Phùng Quán * đăng lúc 05:44:43 PM, Dec 16, 2016 * Số lần xem: 2284
Hình ảnh
#1


Chương Một

Hai mươi mốt tuổi, tôi, người lính chiến bước thẳng vào làng Văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay kể chuyện những người vượt ngục thất bại. Ngay sau đó tôi được coi là nhà văn. Nhưng đối với tôi Thơ mới là tất cả. Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi… Tôi giương thơ như ngày nào ngoài mặt trận giương lưỡi lê đánh giáp lá cà với thói dối trá, đạo đức giả, tệ nạn quan liêu, lãng phí, bòn rút, ăn cắp của công – tuy ngày đó mới manh nha, nhưng tôi đã dự cảm sẽ là hiểm hoạ lớn đang rình phục Nhân dân tôi, Nước tôi; có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng, tốt đẹp, cao quý, mà cả triệu người không tiếc máu để xây dựng và bảo vệ.

… Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người đã tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
(“Chống tham ô lãng phí”, Giai phẩm mùa Thu, 1956)

… Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu…
(“Lời mẹ dặn”, Tuần báo Văn, 1957)

Và tôi đã trả giá cho thơ bằng ba mươi năm tốt đẹp của đời mình.
Từ năm hai mươi bốn tuổi đến năm năm mươi sáu tuổi, cơ chế quan liêu đã đánh trả tôi đến chí mạng. Tước đoạt của tôi quyền lao động thiêng liêng: sáng tác, xuất bản, quyền được sống cho ra một con người. Và dìm ngập tôi trong bùn-nhơ-lăng-nhục trước công luận.
Chịu chừng ấy đầy ải, lim thép ắt cũng gãy gục. Nhưng Thơ đã cứu tôi, giúp tôi đứng vững, dạy tôi dũng khí bền gan.

Nếu cần đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Để cuối cùng lại chấm hết ở đây!

Suốt ba mươi năm qua, câu thơ của Ga-bri-en Pê-ri − người anh hùng Cộng sản nước Pháp thét lên trước cọc xử bắn, là kinh nhật tụng của tôi.

Có những giây phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy

Từng ngày, từng tháng, từng năm, tôi tận sức mình gieo trồng gặt hái Thơ. Vụ được vụ mất, nhưng nhờ mấy chục năm trời tích luỹ mà không dùng đến, Thơ chất được thành lẫm, thành kho… Thơ chiến đấu, thơ thế sự, anh hùng ca, thơ xưng tụng cỏ cây, thơ tặng bạn hữu, thơ đùa vui, thơ tình, thơ rượu, thơ kể hạnh, thơ phúng người thân… Loại hạt nào trong kho lẫm cũng có.

Nhưng rồi bẵng đi một dạo, tôi không làm được thơ nữa. Cái giếng Thơ tưởng như bị cắt mạch, hoặc đã múc cạn đến gầu cuối cùng.
Giờ bất hạnh đời tôi đã điểm! Nhưng xuất thân là anh lính chiến đấu cứng đầu, chưa từng chịu bó tay trong hoàn cảnh gay cấn nhất.
Cạn thơ giữa cuộc đời, tôi quyết định rời bỏ thành phố, gia đình, bạn hữu, giữa cái tuổi năm mươi, lên rừng đào mạch tìm thơ giữa thiên nhiên.
Tôi đã sống suốt ba mươi năm giữa cái lán tranh lợp lá nứa, giữa một bãi phù sa cổ hoang vu, vùng đồi núi Thái Nguyên, mọc lút đầu cỏ dại và cây trinh nữ xanh. Xung quanh bãi đất hoang, con suối lớn Linh Nham vây bọc. Bàn ghế là rễ cây chết tôi lặn lên từ lòng suối. Giường nằm là cây Cơi cổ thụ bị bão xô bật gốc, con suối Linh Nham mang từ rừng đại ngàn về, dâng lũ đến tận thềm lán, trao tặng tôi. Tôi vạt bằng mặt trên thân cây bằng rìu, rồi đục lõm sâu xuống, phảng phất hình cái áo quan; mùa đông nằm vào đó tránh được giá rét và sơn lam chướng khí. Tôi sống với một con chó, một con heo, một bầy gà; ăn bắp, ăn sắn, rau lang, ốc suối, tôm cá tự đánh bắt lấy.
Mùa lũ kkông ai dám vượt suối dữ Linh Nham, nên có khi mười ngày liền không nói tiếng người.
Trong ba năm thì có hai người bạn lặn lội tìm đến thăm. Trần Quốc Vượng, giáo sư sử học; Đỗ Quốc Thuấn, một bạn làm thơ trẻ.
Trước mặt lán, sát bờ suối, tôi đào một cái huyệt rộng một mét, dài hai mét, sâu mét rưỡi. Tôi nguyền không tìm thấy thơ, tôi lăn xuống đó…

Đàn mối đất phù sa
Sẽ thay phu đào huyệt
Bao nghiệt ngã trần gian
Chỉ một tuần vùi hết…

Gặp phải lúc đau ốm, tôi tự chữa bệnh với lá xông, rượu tự cất bằng sắn và men lá, và tia cực tím mặt trời.
Những suốt ba năm ăn nằm với đất, với suối đục, sối trong, với cây hoang cỏ dại, tôi chỉ làm có độc bài thơ.

Ly-rượu-đời Thượng đế ban cho tôi
Quá bủn xỉn…
Tôi chỉ mới nhấp môi đã cạn
Khi chén-rượu-đời đã cạn
Mà túi rỗng không
Phải đứng lên và bước ra khỏi quán
Nghĩa là phải nhắm thái dương mình nổ súng
Hay xiết giây thòng lọng quanh cổ mình
Và trổ lên cuộc đời
Những câu thơ tuyệt mệnh
Những vết chàm xanh…
Các anh tôi đó
Mai-a và Essénhin… [1]
Nhưng tôi chưa sống cho tròn nợ sống
Tôi chưa yêu cho hết nợ yêu
Tôi phải lên rừng
Hái lá khổ sâm [2]
Tự mình cất ly rượu sống
Ôi, rượu khổ sâm đắng lắm!
Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian…
Bạn hữu thân thiết ơi!
Xin đừng trách cứ tôi
Sao trong câu thơ tôi cứ lẫn nhiều vị đắng
Chỉ vì
Tôi vừa ngâm ngợi câu thơ
Vừa cạn chén-rượu-đời
Cất bằng lá khổ sâm…

Chú Thích

[1]Hai nhà thơ lớn nhất của Liên bang Xô Viết và cả hai đều tự sát. Mai-a-cốp-ski tự sát năm 1930, anh 39 tuổi. Anh tự sát bằng súng lục, nổ vào tim, để lại mấy vần thơ tuyệt mệnh:
Chiếc thuyền tình mơ mộng thi ca
Va phải mỏ đá ngầm dung tục
Và tan nát…
Es-sê-nhin tự sát năm 1925, anh 30 tuổi. Anh tự sát bằng cách thắt cổ với chiếc cà-vạt, nhưng không buồn treo cổ, mà buộc cổ vào cột lò sưởi, ngồi trên ghế tựa rồi tự thít cổ mà chết. Trước khi tự giết, anh cắt máu ngón tay để viết bài thơ tuyệt mệnh tám câu. Hai câu cuối cùng như vết thương máu của thi ca:
Ở cuộc đời này chết chẳng có gì là mới
Nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn!
Đã nửa thế kỷ qua vết thương vẫn không sao lành được, và càng ngày càng nhức nhối hơn trong trí nhớ những người quyết sống và chết cho Thơ.
[2]Một loại cây mọc hoang trên các vùng đồi núi Trung du, lá cực đắng, được liệt vào cây thuốc nam có biệt tài thải độc trong cơ thể, nhất là các chứng dị ứng. Những năm đi lao động cải tạo, một lần tôi bị mắc phải chứng dị ứng khủng khiếp, tưởng chết. Tôi may mắn được một sư nữ già chùa Tăng Cầu cứu khỏi với mấy nắm lá khổ sâm hái ngay trên ngọn đồi sau chùa. Từ đó ơn cỏ cây cứu mạng, tôi mang canh cánh bên lòng.

Chương Hai
Hãy gắng gỏi một lần cuối cùng, tôi tự khuyên mình, biết đâu còn cơ may. Tôi rời bỏ vùng rừng Thái Nguyên, con suối Linh Nham, cái lán xiêu vẹo, vài bộ quần áo chàm cũ bạc, chân vận đôi dép tự tay đục lấy từ cái lốp máy kéo hỏng, tôi lần về thành phố Huế quê nội. Tôi hy vọng trên mảnh đất chôn nhau, tôi sẽ đào bới tìm thấy lại mạch Thơ.

Chớm mùa thu năm đó, vào một buổi chiều mặt trời gác núi, tôi cúi mình rửa khuôn mặt nhọc nhằn, lấm bụi đường và mồ hôi, trên bến Văn Lâu. Thành phố quê nội xót thương tôi như người mẹ đông con với đứa con số phận rủi ro, quá nửa dời người gặp phải cảnh truân chuyên… Nay gót nhọc lòng đau, tìm về với Mẹ.

Ba mươi năm
Tôi bị dìm trong bùn-nhơ-lăng-nhục
Nhưng cuối cùng quê hương đã nhận ra
Trái-tim-thơ trong sạch
Và gương mặt thơ bi thiết của tôi

Đó là câu thơ đầu tiên khi gặp lại Huế tôi nức nở thành lời. Thi hữu và bạn hữu quê nội đùm bọc và chiều đãi tôi.
Thi hữu và văn hữu quê tôi nghèo lắm, có lẽ nghèo nhất đất nước này. Thế mà vẫn đãi tôi như các bậc hoàng đế, vương hầu thời Chiến quốc: ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn.

Rượu như lửa tôi uống tràn thay nước!
Tôi van các bạn: đừng cho tôi uống nữa, rượu đắt lắm!
Các bạn gạt đi:
Đất cố đô bao giờ chịu mang tiếng
Để một nhà thơ phải đói rượu giữa quê hương.

Tôi ngất ngưởng sống, ngất ngưởng say… Và tôi gặp Nàng… Như trong mê sảng, tôi tấu thơ cho nàng nghe.
“Anh chép tặng em những bài thơ anh đọc…”
“Những bài thơ cũ, sao xứng với em?” – Tôi nói trong cơn bốc – “Tôi sẽ xưng tụng em với một tập thơ mới.”

Nàng đứng lên, mở ngăn kéo, lục tìm cái gì trong đó, một cuốn sổ lịch, in chữ nhũ vàng trên bìa ni lông đen. Cuốn sổ lịch nhàm chán, tầm phơ, vụt hoá thành báu vật trong bàn tay có ngón dài thanh mảnh, trắng muốt như đá cẩm thạch tượng Rô-đanh. Ngón tay đeo nhẫn lấp lánh ánh vàng, mặt đá quý màu hồng ngọc.
“Em rất tiếc không tìm thấy cuốn sổ nào giấy trắng tinh. Cuốn sổ này các trang giấy đều có kẻ dòng… Em biết các nhà thơ đều thích viết thơ mình trên giấy trắng tinh…”
“Tôi thì ngược lại, tôi chỉ thích viết trên giấy có kẻ dòng.”

Sáng hôm sau tỉnh rượu, lòng tôi bỗng cồn lên nỗi nhớ. Tôi ao ước được nhìn thấy gương mặt huyền hoặc của Nàng. Trí nhớ tôi như phiến gỗ thông Đà Lạt, khoảnh khắc tạc lên mặt Nàng bằng bút lửa.
Tôi chợt nhìn thấy cuốn sổ bìa ni lông đen trên mặt bàn viết. Lời hứa bốc đồng hôm qua bỗng cộm lên trong trí nhớ như những viên sỏi có nhiều cạnh sắt… Chỉ hình dung ánh mắt thất vọng pha chế riễu của Nàng khi nhìn thấy tôi đến với hai bàn tay không, tôi đã muốn chui xuống đất vì xấu hổ.
Ôi, lời hứa của các nhà thơ!
Tôi ngồi xuống, giở từng trang cuốn sổ lịch mà chẳng hiểu để làm gì… Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng… Câu nói vô tình bỗng xuyên qua trí nhớ tôi như một ánh chớp. Cảm hứng thơ không biết từ cõi miền nào đột ngột dâng lên như cơn lũ suối Linh Nham, tràn ngập cả hồn tôi…
Và như cách nói một nhà thơ xưa: Bút đòi mực, mực đòi giấy, giấy đòi thơ…

Từ ngày mới tập viết
Nay gần trọn đời văn
Số chữ tôi đã viết
Có thể phủ kín một cồn Giã Viên
Một niềm yêu tôi không đổi thay
Một niềm tin tôi không thay đổi:
Viết trên giấy có kẻ dòng
Là nhà văn
Tôi đã viết suốt ba mươi năm
Là chiến sĩ
Tôi là xạ thủ cấp kiện tướng trung đoàn
Tôi có thể viết như bắn
Trên giấy không kẻ dòng
Nhưng tôi vẫn viết trên giấy có kẻ dòng
Như cái thuở vỡ lòng tập viết
Với nhiều người
Giấy kẻ dòng dễ viết đẹp
Nhưng với tôi
Không có gì đẹp hơn
Viết ngay và viết thẳng
Là nhà văn
Tôi yêu tha thiết
Sự ngay thẳng tột cùng
Ngay thẳng thuỷ chung
Của mỗi dòng chữ viết
Nhưng là nhà văn xạ thủ
Tôi biết
Khó vô cùng bắn trăm phát trúng cả trăm
Và càng khó hơn
Viết trọn một đời văn
Dòng đầu thẳng ngay như dòng cuối
Khi bàn tay đã đuối
Khi tấm lòng đã mỏi
Khi con mắt bớt trong
Khi dũng khí đã nguội
Trang giấy có kẻ dòng
Giúp các em bé vỡ lòng
Và nâng đỡ các nhà văn
Viết ngay và viết thẳng
Ngay thẳng thuỷ chung
Từ dòng đầu đến dòng cuối

Như một triệu phú hoang tàn
Tôi đã bốc rời thơ tôi
Ném vung vãi tiêu xài không tiếc
Vàng nén thơ tôi đem làm đá lát đường
Cho những bàn chân lao lực
Với một lòng tin ngu dại ngây thơ
Thơ mình tiêu trọn đời không hết…
Nhưng rồi một hôm
Cách đây đã nhiều năm
Tôi choáng người lục túi
Túi rỗng không!
Vàng-nén-thơ tôi đã tiêu đến vụn cuối cùng
Nhà triệu phú phá sản
Túi rỗng không một đồng
Vẫn có thể sống
Bằng cách ngữa tay xin bố thí
Nhưng làm sao tôi có thể sống không thơ
Thơ
Tôi biết xin ai!
Ai cho?
Thơ với tôi là nước trên sa mạc
Đã nhiều năm nay
Tôi sống mà như đã chết
Cơn khát thơ thiêu đốt tim tôi
Tôi đã đi rao cùng thiên hạ:
– Ai đổi thơ lấy máu!
Không ai đổi
Vì máu của tôi không cùng nhóm máu họ [3]
Và thơ họ không cùng nhóm thơ tôi [4]
Giữa thành phố quê hương
Bất ngờ tôi gặp em
Rất thật mà như là ảo giác
Một ốc đảo bóng chà là xanh mát
Giếng sa mạc đầy tràn…
Tôi uống thơ từ đôi mắt em nhìn
Tôi vục môi uống không kịp thở
Cảm tạ em tôi đã hồi sinh…
Trong khoảnh khắc tôi lại trở thành triệu phú
Vàng-thơ em cho lại đầy ắp túi tôi
Em cho hào phòng
Như nguồn suối nơi phát tích
Em cho đầy tràn
Như cơm trong nồi đất Thạch Sach!
Cảm tạ em
Tôi đã hồi sinh…
Chú Thích
3]Nhóm A
[4]Một-mất-một-còn-với-thói-dối-trá-đạo-đức-giả-cơ-chế-quan-liêu

Chương Ba
Từ khi tôi biết em
Tôi không còn được ngủ trọn đêm
Cứ nửa đêm là tôi thức giấc
Có con chim gì mỏ rất sắc
Nó đậu trong tóc tôi
Nó mổ vừng-trán-trái-thơ chín mõm
Tôi bàng hoàng thấp thỏm
Sợ trái-thơ rụng trước bình minh
Tôi vùng dậy
Đốt đèn
Tôi hái…
Từ khi tôi biết đến em
Trái-thơ chín nhiều đến nỗi
Mỗi đêm tôi thức giấc nhiều lần
Đêm quên ngủ
Ngày quên ăn
Rượu như lửa tôi uống tràn thay nước [1]
Chắc chỉ một ngày gần đây
Tôi sẽ ngã gục
Dưới chân em
Chết kiệt sức vì thơ!

Chương Bốn
Nỗi khát được ngắm nhìn gương mặt nàng làm tôi bứt rứt, cồn cào như khát rượu. Vừa rời khỏi gương mặt Nàng chừng hút tàn điều thuốc, tôi đã tìm cớ quay lại với Nàng. Mà cớ thì thiếu gì! Quên mũ, quên túi xách, quên thuốc lá… “Không hiểu tôi có để quên ở đây không?…” Nàng mỉm cười như nghe một lời nói dối vùng về của con nít.
Nàng ngồi xuống trước mặt tôi, đưa bàn tay lấp lánh màu hồng ngọc vén cao làn tóc dày rậm, hơi quăn và đen như phím dương cầm, để lộ toàn vẹn gương mặt thiếu phụ kiều diễm mê hồn. Nàng nhìn tôi với sánh mắt nồng nàn pha chút giễu cợt.
“Cái mặt em như ri mà anh chộ cả ngày không chán răng anh?”

– Mới bước chân ra
Anh đà quay lại
Mặt em anh chộ cả ngày
Anh không chán răng anh…?
– Nói chi mà lạ rứa em
Có khi mô con chim bay chán trời xanh
Con cá lội chán nước
Ngọn lửa chán củi cành…
Chỉ khi mô
Con sông chán chảy
Ngọn gió chán thổi
Cây đờn chán giây
Bàn tay chán ngón
Cái nón chán quai
Vừng trăng chán soi
Rễ cây chán đất
Đến lúc chừ anh mới chán chộ mặt em…

Chương Năm
Huế đón con về Huế đổ mưa… Biết bao thế hệ thi nhân đã xưng tụng Huế: Huế đẹp, Huế thơ… Nhưng ai là Huế đích thực mới ngấm đòn thiên nhiên Huế: nghiệt ngã và dữ tợn

Nắng thì bùn hoá đá
Mưa thì đá hoá bùn…

Mùa đông, thời tiết cả nước khô hanh tạnh ráo thì Huế mưa… Mưa đã nhiều ngày vẫn không ngớt. Tôi và nàng dạo dọc bờ sông Hương dưới vòm trời tầm tã đan chéo mưa. Nàng ôn lại những kỷ niệm một thời hạnh phúc của Nàng… Giọng Nàng lúc gần lúc xa trong tiếng mưa và tiếng sóng vỗ về bờ cỏ ướt. Chốc chốc Nàng ngừng nói, đưa chót lưỡi liếm cặp môi nhạt nhoà nước mưa.

Em đã có lần sang Nga… Lần đầu tiên em được nhìn thấy tuyết… Em cùng mấy người bạn Nga, những nhà thơ nổi tiếng, đi dạo quanh Hồng Trường, chân dẫm lên tuyết trắng xốp đầu mùa trinh bạch đến sững sờ như những trang văn xuôi của I-van Bu-nin… Em ngắm không chán mắt những tượng đài của các nhà thơ: Léc-măng-tốp, Pút-skin, Mai-a, Essênhin… đứng sừng sững trong đêm trắng Pê-téc-bua… Em tưởng chừng như họ sắp mở những cặp môi đồng dính tuyết đọc cho em nghe những vần thơ tình kỳ diệu mà em thuộc lòng từ thời con gái… Năm ngoái em sang Căm-pu-chia trong đoàn ký giả. Em đến thăm kỳ quan Ăng-ko. Em trèo cả ngàn bậc đá lên đền Bai-om, ngôi đền cao nhất khu Chùa Tháp, chụp ảnh với tượng nàng Áp-sa-ra múa trong dáng lụa…
Những chuyện Nàng kể như một vành gai xiết lồng ngực tôi, mỗi lúc một xiết chặt hơn. Máu tim tôi sôi trào vì ghen… Tôi ghen với tất cả: bê tông Hồng Trường, đá lát nên Ăng-ko, những bông tuyết đầu mùa, đêm trắng Pê-téc-bua, với Pútskin, Léc-măng-tốp, Mai-a, nàng Áp-sa-ra…
Mưa mỗi lúc càng nặng hạt, càng xối xả. Giọng nàng tự nhiên nghẹn lại. Tôi ngoảnh sang nhìn. Qua màn mưa, gương mặt nàng tái nhợt.

“Em yếu tim, em bỗng thấy tim đau nhói” – Giọng nàng thì thào run rẩy – “Em không sao chịu thấu cái mưa Huế khủng khiếp này… Anh đưa em về…”
Trái tim em không được bình yên!
Bức điện khẩn tôi nhận từ đáy mắt em
Nói dại dột
Một sớm mai nào đó
Em bỗng bay mất
Tôi sẽ tan thành mưa Huế những ngày đông
Tôi sẽ xối xả xuống tất cả những nơi nào em đã đặt chân
Đá Ăng-ko Thom
Và bê tông Hồng trường
Sẽ phải xói lở
Vì những cơn mưa dai dẳng dữ dội
Đêm trắng Pe-téc-bua sẽ sẩm tối
Đền Bai-on ngập lụt phải đi thuyền
Léc-măng-tốp
Pust-skin
Mai-a
Nàng Áp-sa-ra
Đồng và đá
Lần đầu tên được nếm mùi mưa Huế
Họ liếm những cặp môi ướt đẫm
Và kêu lên:
– Ôi cái mưa khùng điên
Mưa không còn biết gì tới chừng mực!
Mưa Huế trả lời trong tiếng rơi sầm sập:

– Làm gì có chừng mực thơ
– Làm gì có chừng mực mưa
– Làm gì có chừng mực yêu
– Làm gì có chừng mực thiên tài!
– Làm gì có chừng mực khổ đau!

Chương Bảy
Một hôm, Nàng nói với tôi:
“Thật ra, anh cũng xứng đáng làm vua… Em muốn mời anh làm vua.”
“Làm vua!”
“Đúng, anh sẽ là vua của tất cả các vì vua. Anh sẽ trở về thăm lâu đài cung điện của anh.”
“Bằng cách nào vậy?”
Tôi mỉm cười hỏi Nàng, tự nhủ: có lẽ Nàng đang coi mình là đứa trẻ và Nàng là bà ngoại đang kể chuyện cổ tích… Nàng nhìn tôi đăm đăm và giọng Nàng không hề có chút gì là đùa cợt:
“Em đã hợp đồng thuê người gác cổng Ngọ Môn, tám giờ tối nay em sẽ mở cổng chính cho anh vào hoàng cung. Đêm rằm, trăng tuyệt đẹp…”
“Có đắt không em?”
“Cũng chẳng lấy gì làm đắt, giá chừng năm bát bún bò giò heo… loại sang.”

Ngọ Môn quan là cổng chính đi vào hoàng cung. Cổng Ngọ Môn có năm cửa: cửa chính với con đường Trung Lộ lát đá Thanh dẫn đến sân Đại Triều và điện Thái Hoà – nơi vua và quần thần hội nghị việc nước; cửa chính chỉ mở vào những ngày đại lễ, dành riêng cho vua đi. Cửa Tả và cửa Hữu dành cho các quan đại thần. Cửa thứ tư và thứ năm dành cho các chức quan nhỏ và quân cấm vệ. Từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, vương triều nhà Nguyễn bị phế truất, hoàng Cung thuộc quyền quản lý của cơ quan Bảo tồn bảo tàng. Cửa chính thường đóng kín để giữ lại vẻ uy nghiêm cũ của hoàng cung. Khách tham quan chỉ ra vào cổng phụ.

Ý tưởng khôn ngoan đến bất ngờ của Nàng làm tôi thực sự bàng hoàng và không khỏi chút đớn đau… Ôi, thì ra… nếu có chút đầu óc tháo vát, người ta có thể thực hiện những mộng tưởng hoang đường với giá năm bát bún bò giò heo… Nếu biết cách xoay xở, một nhà thơ bầm dập có thể phút chốc làm lễ đăng quang dưới bầu trời lộng lẫy màu trăng… với cá giá chẳng lấy gì làm đắt lắm – như lời Nàng.

“Một vị hoàng đế bao năm lưu lạc trở về thăm lại lâu đài cung điện của vương triều mình, mà phải lủi thủi một mình thì buồn quá…” Tôi nhìn sâu vào đáy mắt Nàng và nói.
“Em sẽ cùng đi với anh… Em sẽ là hoàng hậu của anh.”

Trong những giờ phút khắc khoải đợi chờ làm lễ đăng quang, tôi đã uống tràn không biết bao nhiều chén đầy chén vơi thứ rượu làng Chuồn, cháy nồng được cất bằng lửa.
Ha ha! Rượu là bậc thiên tài tạo nên những ảo tưởng! Đêm đó, bầu trời rằm Cố đô không một gợn mây, không một vì sao. Vừng trăng kiêu sa, lộng lẫy như một vị hoàng đế cô độc trị vị giang sơn trống rỗng, đẹp mà đơn điệu đến kinh hoàng.

Đã đến giờ G. Hoàng đế râu tóc rối bù, áo long bào vải chàm cũ bạc, chân dận dép lốp máy kéo nặng như cặp cùm, hơi thở men rượu, khoác tay hoàng hậu áo pun quần bò mốc, mí mắt tô xanh, móng tay móng chân sơn đỏ; theo con đường Trung lộ tiến vào cửa chính Ngọ Môn quan.
Người gác cổng Bảo tàng di tích hoàng cung đã đứng tuổi, dáng gầy sắt, gương mặt lầm lỳ. Anh ta nhìn hoàng đế, hoàng hậu thập kỷ tám mươi, cười ngạo…
Cửa chính Ngọ Môn có hai cánh gỗ lim tán đinh sắt hao hao giống những dầm cầu Tràng Tiền. Dưới mỗi cánh cửa có bánh xe gỗ niềng đai sắt. Cửa rất nặng, anh ta chỉ mở hé một cánh vừa một người qua lọt, nói với giọng còn ngạo hơn:

“Xin mời Ngài ngự thất cơ lỡ vận vô chơi…”
Tôi quắc mắt nhìn y và nói với giọng rượu nức mùi quyền uy của đấng thiên tử:
“Có lẽ nào vua với hoàng hậu trở về thăm lại lâu đài miếu mạo của mình lại phải chui lách qua Ngọ Môn quan như đạo tặc? Ta thà quay về làm kẻ thứ dân còn hơn!”
Chắc không phải y hãi cái giọng quyền uy nức mùi rượu của đấng thiên tử thất cơ lỡ vận, mà vì số tiền tạm ứng của hợp đồng y đã lỡ tiêu mất rồi. Y đành hậm hực, nghiêng vai gắng hết sức đẩy, mở rộng cánh cửa:
“Thì đó, xin mời…”
“Từ khi có hoàng cung đến nay, ta chưa bao giờ nhìn thấy một vị hoàng đế nào đi qua Ngọ Môn quan mà cửa chính lại chỉ mở có một cánh! Phải mở rộng cả hai cánh ta mới đi!”
Y tức lắm nhưng buộc lòng nghiêng vai mở rộng cánh cửa thứ hai.

Trước mặt tôi hiện ra toàn cảnh sân Đại triều và điện Thái Hoà ngập giữa biển trăng… Tôi khoác tay Nàng bước qua vòm cổng tối thâm u, thoáng mùi tàn tạ, rêu mốc. Người gác cổng bỗng gọi giật tôi lại, chắp tay nói với giọng lễ phép mà một vị hoàng đế thật chắc ông đã hạ lệnh lấy đầu:
“Xin báo cáo để Ngài ngự liệu chừng. Theo đúng hợp đồng đã thuê thì đến 11 giờ là tôi đóng cổng chính. Nếu quá giờ Ngài đừng càm ràm… Không khéo lúc vô là hoàng đế mà lúc ra là lính trơn!”
Tôi cười phá lên, vỗ vai y:
“Nhà ngươi cũng là thi sĩ! Cái xứ Huế mình lạ thiệt, đến xó mô cũng đụng đầu các nhà thơ!”
Tôi và Nàng đi dạo khắp hoàng cung. Các con đường đầy ổ gà, thuê dệt bằng cây, nức mùi hương hoa sứ. Rải rác đây đó những bãi phân bò, phân lợn, phân dê… (các cơ quan, công xưởng đóng trong hoàng cung chăn nuôi) nằm lẫn với những hoa sứ rụng. Và kỳ diệu thay, tất cả dưới trăng đều đẹp.
Ôi, cái vương triều Nguyễn chỉ còn lại những phế tích hoang tàn.
Khi chân đã mỏi nhừ, tôi và Nàng ngồi bó gối trên bậc đá sân Đại Triều, lặng lẽ ngắm trăng…
Nàng bỗng đứng bật dậy, xem đồng hồ tay, giục:
“Ta về thôi anh! Muộn quá rồi, còn năm phút nữa là họ đóng cửa chính Ngọ Môn… »
– Em nán ngồi lại với tôi
Một phút nữa thôi…
– Ừ, hay xin em hai phút…

Ôi, trăng hoàng cung đêm nay đẹp đến não lòng…
Tôi sắp phải từ giã ngai vàng
Từ giã hoàng cung
Giã từ mộng tưởng
Giã từ em…
Phảng phất hương hoàng lan
Từ Tử Cấm Thành hoang tàn đổ nát
Tôi sắp phải trở lại cuộc đời cay cực
Qua cửa chính Ngọ Môn…
Ôi, có lẽ nào
Tất cả đêm nay là có thực!
Em với mái tóc đen dày che nửa mặt
Hồ sen như gấm trải quanh hoàng cung
Điện Thái Hoà
Điện Kiến Trung
Tàng Thư lâu… Hiển Lâm các
Sân Đại triều mênh mông trăng…
Ôi, có lẽ nào
Tất cả những đêm nay là có thực!…
Không!
Tôi không tin…
Tất cả là do trăng bày đặt
Trăng thương tôi
Một đời lao lực
Một đời cay cực
Một đời thơ…
Vỗ về tôi như trẻ nhỏ
Trăng ru…
Như bà ngoại
Trăng dắt tôi vào cổ tích
Cô Tấm với nàng Bạch Tuyết
Hằng Nga ngủ trong rừng
Con yêu râu xanh…
Tôi biết
Trăng là một nhà bày-đặt thiên tài
Lều trăng bày đặt thành cung điện
Vườn hoang thành vườn Thượng Uyển
Vũng nước tù bày đặt thành hồ sen…
Nhưng tôi không biết
Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em…
Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vũng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa dại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương…
Giọng em nói
Tiếng em cười
Và nỗi buồn phảng phất trên làn môi…
Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt?…
Trăng hoàng cung đêm nay ai ơi!
Trăng nhân hậu
Trăng thiên tài
Cảm ơn Trăng thương tôi mà bày đặt
Nhưng cái tuổi tin vào cổ tích tôi đã qua rồi…

Chương Tám
Sáng chủ nhật. Ngài ngự Mặt Trời khoác long bào chói lọi hào quang, từ Tử-Cấm-thành-biển-Thuận-An xa giá lên vòm trời cổ tích Cố đô: ban nhạc cung đình chim sáo, chim cà cưỡng, chim sẻ, chim sâu… khắp các lùm cây trong thành phố ríu ren tấu nhạc. Con sông Hương tắm vàng nấu chảy. Tôi đứng ngẩn ngơ trước cửa phòng Nàng? Các cửa sổ đóng kín, cửa chính khóa ngoài. Tôi như người mất hồn, cất tiếng gọi Nàng, gọi một lúc một to. Người đàn bà hàng xóm thò mái đầu bù rối qua cửa sổ nhìn tôi, nói giọng ngái ngủ cáu gắt:

“Người ta đã khoá cửa ngoài rồi còn gọi làm chi mà ầm cả phố!”
“Nàng đi khỏi nhà từ khi mô rứa chị?”
“Từ lúc mặt trời chưa mọc tê. Đi đò về cửa Thuận An tắm biển.”
“Nàng đi một mình?”
“Đi tắm biển ai người ta chịu đi một mình! Có mà điên! Đi cả một đoàn đông, toàn người ăn mặc lịch sự” – Người đàn bà lắm mồm liếc xéo bộ cánh chàm cũ bạc trên người tôi – “xách mang nào lèn, nào túi, cười nói vui hơn tết!”
“Tối qua tôi còn gặp Nàng, răng không thấy Nàng nói chi với tui?”
“Tôi biết mô chuyện hai người, hỏi chi mà ngơ ngơ…”
“Chị cho biết cỡ mô thì Nàng mới về?”
“Ít ra cũng tắt mặt trời đò mới lên thấu bến… Mà vui bạn bè thì họ ngủ luôn dưới bãi biển cũng chưa biết chừng.”

Chiều. Nắng còn chói chang. Tôi đã ngồi bất động trên bến sông, ngóng về phía cửa Thuận, đợi đò Nàng lên…
Sông Hương ơi!
Giói thổi chi nhiều rứa…
Sóng vỗ làm chi rối ruột cả hai bờ!
Tôi ngồi đá mọc thành thơ
Ngóng về cửa Thuận tôi chờ đò lên
Một đò lên…
Hai đò lên…
Ba đò lên…
Mà tôi chẳng thấy bóng em trong đò
Bến sông đá tạc thành thơ
Đá thơ thơ ngẩn ngẩn ngơ đợi đò
Một đò lên…
Hai đò lên…
Ba đò lên…

Chương Chín
Nàng có vẻ xấu hổ với bạn bè về cách ăn mặc của tôi. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hai bộ áo quần vải chàm sờn bạc mang từ núi Thái Nguyên về. Nàng thường gọi đùa tôi là người nghĩa quân sót lại của cuộc kháng chiến Ma-trang-lơn. Có lẽ vì vậy mà Nàng đã không mời tôi cùng đi cửa Thuận An tắm biển. Có lần không nhịn được, Nàng buột miệng hỏi tôi:

“Lúc nào nom anh cũng bầm dập, rách rưới… Anh là nhà thơ kia mà?…’’ Và tôi buột miệng trả lời:
Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?
Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?
Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở?
Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa?
Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?
Dù tôi là thiên tài
Dù tôi là thi nhân
Dù tôi chót vót tận đỉnh cao quyền lực!
Tôi có quyền gì?
Tôi có quyền gì?
Tôi có quyền gì?

Chú Thích
[1]Các thi sĩ của tôi ở Huế thích đảo ngược đảo xuôi câu thơ này để đùa vui
Nước như lửa tôi uống tràn thay rượu
Rượu như nước tôi uống tràn thay lửa
Lửa như rượu tôi uống ràn thay nước
vân vân và vân vân…
[2]Tiếng địa phương Huế là “thấy”

Chương Mười
Gian phòng nàng chật cứng khách. Các nghệ sĩ đủ tầm cỡ, cán bộ, giáo viên, các chàng trai mới lớn, các người có chức danh ở địa phương… Tôi ngồi trong một góc phòng, nơi Nàng thường dựng cây chổi đót quét nhà. Tôi lặng lẽ ngắm Nàng cười nói tiếp khách với tất cả vẻ duyên dáng kiểu kiễm mà một thiếu phụ cỡ tuổi Nàng có thể có… Từ đáy sâu cõi lòng tôi, tràn ngập một thứ dự cảm kinh hoàng: mối tình thống thiết của tôi sẽ kết thúc một cách hài hước và bi thảm.
Nàng báo tin, mai là ngày sinh nhật của Nàng. Mọi người hứa tranh nhau mang hoa, bánh trái, rượu, đồ nhậu… và những món quà sinh nhật sẽ làm Nàng bất ngờ!

“Còn nhà thơ?’’ – Nàng quay lại mỉm cười hỏi tôi – “Anh sẽ tặng em quà gì ngày sinh nhật? Một bài thơ tuyệt bút nhé?’’
“Tôi sẽ tặng em một trái bí xanh.’’
Mọi người cười ồ. Đúng là một món quà sinh nhật có một không hai, cổ kim chưa từng thấy! Họ đua nhau nhao nhao châm chọc chế riễu tôi. Còn Nàng thì có vẻ giận:
“Các nhà thơ hay đùa quá trớn!’’
Tôi không chút nao núng:
“Trái bí xanh tặng vật của tôi nặng mười lăm kí lô, và trên da bí tôi đề thơ…’’
Tôi có một người bạn ở làng quê, từ thời để chỏm, cùng đi chăn châu cắt cỏ, và cùng học lớp một ở trường làng. Tuần trước tôi đến chơi, anh dắt ra vườn, chỉ lên giàn bí xanh:
“Cả một đời trồng bí, nhưng chưa bao giờ mình trồng được một trái bí lớn và đẹp đến như thế. Mình muốn tặng cậu.’’

Tôi nhìn trái bí bạn tặng nằm nặng trĩu trên giàn nom như một khối ngọc bích khổng lồ. Tôi xiết chặt tay bạn.
Tôi đến nhà bạn vào buổi sáng ngày sinh nhật Nàng, mang theo bút vẽ và sơn dầu màu tím Huế. Tôi xin bạn trái bí. Hai chúng tôi khó nhọc lắm mới đưa được trái bí xuống giàn. Tôi đề thơ lên trái bí, rôi mượn bạn chăn bông cũ, bao tải rách, áo quần rách mà bạn có ở trong nhà, bọc lại. Tôi lo ngại trên đường vận chuyển, trái bí sẽ bị bầm dập.

Dưới nắng trưa bùn hoá đá, tôi xăn quần móng lợn, đạp xe chở món quà theo con đường quê khúc khuỷu, đầy ổ gà, từ quê nội đến nhà Nàng.
Đường khá xa mà tôi không đám đạp nhanh nên tôi đến hơi muộn. Khách bạn đến dự sinh nhật Nang đang giữa chừng tiệc rượu. Mọi người ngừng gắp, ngừng và, ngừng uống, nhìn ra cửa, cùng kêu lên:

“Trời ! Quà sinh nhật của nhà thơ giống cái bao tải mùn cưa!’’
Tôi vén vạt áo lau gương mặt đẫm mồ hôi, lặng lẽ cởi tháo bao bì, vứt la liệt trước cửa phòng Nàng, ùn cao như đống rạ.
Tôi nâng trái bí với những dòng thơ màu tím Huế bằng tất cả gân sức của hai cánh tay gần cháy nắng. Tôi bước đến trước mặt Nàng, nói trong tiếng thở gấp:
“Tặng vật tôi mang từ làng quê mừng sinh nhật em đây…’’
Mọi người vội vàng dẹp hết cốc chén, hoa, rượu la liệt trên mặt bàn, hối thúc tôi:
“Nhà thơ để xuống đây cả nặng.’’
Hai cánh tay tôi bỗng run lên. Đến lúc này tôi mới cảm nhận hết sức nặng ghê gớm của tặng vật.
“Nhưng tôi sợ da bí bầm dập… Nó xanh và đẹp đến thế này kia mà…’’
Nàng vội chạy ra sau bức màn gió, cầm ra chiếc gối còn dính vài sợi tóc của Nàng, đặt ngay ngắn trên bàn:
“Anh đặt lên đây.’’
Tôi đặt khối ngọc bích khổng lồ lên mặt gối thêu một bông hồng, dằn lên những sợi tóc dài và đen mướt đến huyền hoặc.

Hơn cả mang bình nước trường sinh trong cổ tích!
Hơn cả mang cây đèn thần trong nghìn lẻ một đêm!
Hơn cả mang trái đào tiên
Cắn một miếng sẽ trở thành bất tử
Mà trái cây bầm dập sẽ hết thiêng…
Tôi mang trái bí xanh
Chút tặng vật quê mùa hèn mọn
Mừng sinh nhật em…
Trên da bí
Màu men ngọc Lý
Tôi tạo câu thơ buồn như lửa
Hoả táng vào trái tim…
Tôi ngồi lặng nhìn em
Cổ cháy khát cơn thơ
Môi rát bỏng những lời giã biệt
Tôi đã trải qua nỗi kinh hoàng của người tù vượt ngục
Khi bẻ cong chấn song sắt nhà tù
Mà tôi phải cưa kiên nhẫn suốt mùa thu
Lao vào bóng đêm ngàn cân treo sợi tóc
Những nỗi kinh hoàng này đã thấm vào đâu
Với nỗi lo trái bí xanh bầm dập
Trên con đường từ nhà tôi đến nhà em…
– Đến nơi rồi!
Trái bí vẫn lành nguyên!
Tôi đã reo như người tù vượt biển
Khi năm đầu ngón chân bỗng chạm đất liền…
Em đưa bàn tay cho tôi
Và tôi đã nắm chặt…
Trong khoảnh khắc ấy tôi bỗng nôn nao chóng mặt
Toàn thân run lên một dự cảm kinh hoàng
Trên vực thẳm vô cùng của hạnh phúc
Tôi bỗng thấy mình đang đứng quá cheo leo

Chương Mười Một
Một buổi chiều trời chạng vạng, tôi đến nhà Nàng. Cửa ra vào khép hờ. Định đẩy cửa bước vào, tôi bỗng nghe bên trong tiếng Nàng đang la mắng, nhiếc móc đứa con gái nhỏ vì một lỗi lầm gì đó.
Tôi gần như nín thở vì hoảng sợ và đau đớn. Tôi không bao giờ tưởng tượng nổi cái miệng xinh đẹp của Nàng lại có thể tuôn ra những lời thô lỗ, nanh nọc, cay nghiệt đến như thế!
May sao nàng chưa nhìn thấy tôi…

Là nghệ sĩ
Tôi cũng như em
Rất dễ nổi khùng
Trước những điều băng hoại vô luân
Nhưng tôi vẫn quỳ xuống xin em:
Ngay cả những phút nổi khùng
Em cũng đừng nói những lời chua chát
Em cũng đừng nói những lời cay độc
Tôi biết
Em đâu phải Hằng Nga ngủ trong rừng
Em có con phải nuôi
Có chồng phải bỏ
Em phải biết giá rau ngoài chợ…
Nhưng tôi vẫn quỳ xuống xin em
Ngay cả những phút nổi khùng
Em cũng đừng nói những lời chua chát
Em cũng đừng nói những lời cay độc
Chỉ vì
Tôi không thể nào chịu nổi
Tất cả những gì hiện hữu ở em
Mà không đẹp!
Ngay cả nước bọt em nhổ vì ghê tởm
Tôi vẫn có thể nhặt nước bọt em nhổ lên
Ép vào giữa trang sách
Như cái thuở lên chín lên mười
Tôi ép những cánh bướm những bông hoa…
Em là gì?
Em là ai?
Em từ đâu tới?
Tôi không cần biết!
Tôi chỉ biết với riêng tôi
Em là mái nhà
Giữa đồng hoang, trên sa mạc
Cho tôi ẩn trốn những trận mưa xấu xa dung tục
Những trận mưa làm thối mục cuộc đời
Những trận mưa ngày càng nặng hạt

Chương Mười Hai
Tôi vẫn đinh ninh một cách xuẩn ngốc: tôi sẽ không còn biết ngạc nhiên trước điều gì. Vì những khổ nhục trần gian mà tôi đã nếm trải đủ chất đầy một thế kỷ sống. Nhưng do khi tình cờ tôi biết được sự thật đắng cay về Nàng, tôi như người bị chấn thương sọ não… Tôi không đủ sức để bước ra khỏi nhà. Và tự dìm mình vào một cơn say miên man, bất tận…
Ôi rượu là bậc thiên tài tạo nên những ảo tưởng! Lần này tôi hy vọng rượu cũng sẽ là bậc thiên tài làm tôi nguôi quên… Nhưng rượu đã bất lực trước nỗi phiền muộn sâu thẳm của con tim.

… Ta đã khóc rượu xoàng
Uống hoài vẫn tỉnh…

Chỉ còn một cách nấu chảy và đúc sự thật bằng ngôn từ; như những người thợ nhà in nấu chảy chì thiếc đúc thành các mẫu tự. Sự thật có hình khối, con người sẽ đủ sức chấp nhận nó dù có cay đắng đến đâu. Vết thương trừu tượng là vết thương không cách gì lành được.

Tôi đã ngã nhào trước ngõ nhà em
Ngã chúi mặt…
Miệng môi tôi đày cát!
Nhưng không buồn lau mặt
Tôi muốn đi thẳng vào nhà em
Như bao nhiêu lần khác…
Ngồi xuống và tôi đọc câu thơ
Câu đầu tiên cũng là câu cuối cùng:
Tôi đã bị dối lừa…
Tôi tin em với niềm tin trẻ dại:
Trăng hoàng cung em chỉ tặng riêng anh!
… Em dắt tôi đi
Trên con đường lát những phiến trăng thanh
Ôi những phiến trăng có mùi hoa sứ
Em nói với tôi:
Đây con đường Trung Lộ
Xưa chỉ có vua đi và đêm nay anh đi…
Trong khoảnh khắc ấy
Tôi bỗng thèm tự sát
Để vĩnh viễn
Thành Thơ, thành Đá, thành Trăng…
Trước khi tự giết
Mười đầu ngón tay tôi cắn dập
Viết đỏ sân Đại Triều lời di chúc:
“Tôi là người hạnh phúc nhất thế gian!“
Ôi, còn nỗi thống khổ nào hơn
Tình cờ tôi chợt hiểu
Một tháng có nhiều đêm trăng
Và thời buổi ngày nay
Vào hoàng cung là chuyện quá dễ dàng
Cả con bò con dê cũng đi trên Trung lộ
Những gì em nói với tôi hôm đó
Em đã nói với nhiều người…
Ôi, những câu thơ này nó vượt quá sức tôi
Tôi không thể cất lên được thành lời
Nếu miệng môi tôi không đầy cát!
Nhưng tôi vẫn không vào nhà em
Tôi quay về và…
Tôi khóc
Tôi khóc niềm tin yêu tan nát
Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng
Tôi khóc Trăng hoàng cung bị lấm bẩn
Tôi khóc không biết lấy gì để gột sách Trăng…

Tôi không chép thơ này tặng Nàng. Và cũng không đọc cho ai nghe. Tôi muốn chôn vào một nấm huyệt, chỗ tận cùng của con tim, chôn nó như chôn một lỡ lầm không gì cứu vãn nổi. Còn Nàng thì vẫn hy vọng, chờ đợi bài thơ mới tôi viết tặng.
Hôm đó gian phòng Nàng lại chật cứng những bạn khách. Tôi cũng có mặt, ngồi lặng lẽ ở góc phòng quen thuộc. Nàng quay lại nhìn tôi, vẻ sửng sốt:

“Sao nom anh hốc hác xanh xao thế?”
“Tôi bệnh…” – Tôi mỉm cười buồn rầu trả lời Nàng – “chảy máu…”
“Dạ dày?” Giọng Nàng hoảng sợ
“Không, thơ… Bọn tư bản mắc bệnh chảy máu vàng, tôi mắc bệnh chảy máu thơ…”

Giọng tôi khản đặt, run rẩy – Tôi không sao thoát khỏi cơn say bất tận.
Mấy người bạn cười, hối thúc tôi:

“Đề nghị cho chúng tôi nghe bài thơ mới viết tặng người đẹp.”
“Đáng tiếc” – tôi nói giọng líu lưỡi – “giếng thơ tôi đã múc cạn đến gầu cuối cùng…”

Thi hữu họ Ngô nói to át giọng mọi người:
“Tôi biết anh vừa mới viết xong bài thơ tình thứ mười hai, và theo tôi đó là bài thơ tôi ưng nhất trong cả chùm thơ tặng Nàng.”
Tôi tái mặt suýt tỉnh rượu:
“Bạn đọc nó ở đâu vậy?”
“Trong sổ tay của anh, trưa hôm kia… Đến chơi, thấy anh đang ngủ. Tôi ngồi đợi, tình cờ thấy nó trên bàn viết…”

Tôi lại chìm vào cơn say miên man như người không biết bơi chìm vào vực nước sâu nhất của con suối Linh Nham… Tôi nói như trong mê sảng:
Trong nhiều chuyện cổ tích Đông, Tây, có một lép-mô-típ rất giống nhau, Một anh chàng vớ vẩn nào đó, thường là khách giang hồ hay dân du đảng, nếu là nhà thơ thì cùng nòi với Ês-sê-nhin: “Tôi không thành nhà thơ, Thì cũng thành trộm cướp”. Lo quá mãi chơi, anh ta lạc bậy vào động Thiên thai. Chủ động là một nàng tiên, tất nhiên là tuyệt đẹp… Nàng liền đem lòng yêu mến chàng… Ấy cái giống tiên lại hấp dẫn với loại khách giang hồ, dân du đảng… Nàng mời chàng ở lại để cùng… khi chén rượu, khi cuộc cờ… khi xem hoa nở… Rồi một hôm, Nàng phải đi công chuyện, sợ Chàng ở động một mình, buồn… Dù là động tiên đi nữa mà phải sống một mình cũng buồn lắm. Nàng trao cho Chàng một chùm chìa khoá và nói: “Vắng thiếp, chàng có buồn thì mở các gian phòng bấy lâu khóa kín để giải buồn. Trong các phòng ấy có chứa rất nhiều thứ lạ mắt mà thiếp chắc chắn rằng trong kiếp sống trần gian, chàng chưa được nhìn thấy bao giờ. Nhưng chỉ xin chàng, riêng gian phòng cuối cùng phải mở với chìa khóa vàng to nhất, thì đừng mở. Nếu không nghe lời thiếp dặn, chàng sẽ không tránh khỏi tai hoạ”. Kết cục, chàng bao giờ cũng không nghe lời nàng, táy máy mở cho bằng được gian phòng cấm kị… Vì thế chàng nghĩ rằng: những gian phòng kia đã tuyệt diệu như thế, thì gian phòng nàng định cấm ta, chắc còn tuyệt diệu gấp trăm ngàn lần… Và… thế là hết. Điều bất hạnh đã xảy ra: chàng bị hổ vồ, beo xé xác, quỷ sứ địa ngục ném vào vạc dầu… Nhưng khủng khiếp hơn cả là chàng phải trở về cuộc sống nghiệt ngã trần gian.
Vậy lỗi tại ai? Chính Nàng là người có lỗi. Nàng cấm kị nhưng Nàng lại gợi ý xúi giục Chàng phạm tội. Nàng chơi khăm, xô đẩy Chàng vào cái kết cục bi thảm của thiên tình sử hoang đường. Nàng muốn cảnh cáo, trừng phạt không phải chỉ riêng Chàng, mà sự ham hố vô độ của con người.
Sự ham hố vô độ là cội nguồn của vô luân, của tội ác. Nếu Nàng thật bụng muốn tránh cho Chàng tai hoạ, thật dễ dàng, nàng chỉ việc tháo cất cái chìa khóa ấy đi.

Tôi yêu thật lòng… Tôi rút kinh nghiệm hài hước và bi thương trong phần kết của những câu chuyện cổ. Tôi cất giấu tận đáy huyệt tim tôi chiếc chìa khóa của gian phòng cuối cùng…
Nàng là người sắc sảo, thông minh. Nhưng vì lòng ham hố vô độ muôn thuở của con người, đã khiến Nàng không hiểu nổi một điều đơn giản đến như vậy. Nàng vật nài, phụ họa với các thi hữu của tôi, đòi nghe cho bằng được bài thơ trên. Nếu không Nàng sẽ giận… Tôi buồn rầu nói:

“Người ta vẫn tin chuyện cổ tích là trí khôn của nhân loại ngàn đời, được đúc kết và hình tượng hoá… Nó sống dai dẳng với một sức mạnh siêu phàm mà con người dù khôn ngoan đến mấy cũng khó lòng cưỡng lại và chối bỏ… Giờ bất hạnh đời tôi đã điểm!”

Nghe xong bài thơ, Nàng vụt đứng ngay dậy, trút bỏ toàn bộ vẻ dịu dàng kiều diễm, nói với tất cả giận dữ, bằng cái giọng nanh nọc, cay nghiệt mà tôi có lần được nghe…

“Mời anh ra ngay khỏi nhà tôi! Anh đã coi tôi như một con điếm!” – Nàng bĩu môi chuyển sang chế giễu, khinh miệt – Anh tưởng là tôi yêu anh à! Tôi yêu anh từ bao giờ vậy? Gian phòng tôi chật chội, nóng như thiêu sa mạc, ngày này qua ngày khác, anh đến ngồi ám suốt từ sáng đến chiều. Khách bạn tôi đến chơi, thấy anh họ đều muốn bỏ về… Vì lịch sự tôi đành phải giới thiệu: Anh là nhà thơ! Nhiều người ngạc nhiên, hỏi nhỏ tôi: Nhà Thơ! Đẹp như thơ kia mà! Sao mà nom anh ta rách rưới bầm dập đến phát khiếp! Không khéo lại bị mắc lừa đấy! Mời… anh… ra!…

Chương Mười Ba

Trái tim tôi như trái cây bị dập nát
Rụng xuống từ cành cao
Tình tuyệt vọng là ngọn sào
Chọc cho trái cây rụng xuống…
Trái cây rụng
Vẫn mơ giấc mơ… hoang tưởng
May ra được gót chân em giẫm nát
Để trước khi tan vào bụi đất
Còn được hôn gót chân yêu…
Nhưng em la lối phàn nàn:
– Gian phòng tôi nóng như thiêu sa mạc
Anh đến ngồi quá lâu
Càng thêm nóng bức!
Anh thở như người sắp chết khát
Chút khí trời ít ỏi của tôi!
Quá đau khổ
Tôi hoá thành lì lợm
Tôi xin em bớt giận…
Nếu không được ngồi
Thì tôi xin đứng
Cùng với cây chổi em dựng xó nhà
Nếu không được thở…
Tôi sẽ nín thở
Như cái ngày còn đi chăn trâu cắt cỏ
Tôi suýt chết ở đáy giếng làng
Vì mãi lặn mò con cá bống thần cô Tấm bỏ quên…
Em giận dữ la lên:
– Đứng trong xó nhà cũng không được đứng!
… Thì tôi xin ra đứng trước hiên…
– Đứng trước hiên cũng không được đứng!
… Thì tôi xin ra đứng đầu đường
Tôi nhìn vào khung cửa nhà em
Môi rát bỏng những lời yêu thương…
– Đứng đầu đường cũng không được đứng!
Lời yêu thương cũng không được nói!
… Thì tôi xin chết!
Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt
Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh…
Dù hoả táng
Dù chôn chín tầng đất
Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình!
Tôi lì lợm gửi tặng Nàng bài thơ tình thứ mười ba, với lời ghi chú:
“Tôi yêu em. Mối tình đầu cũng là mối tình cuối của tôi. Tôi đã rứt trái tim khỏi lồng ngực dâng hiến em như một tông đồ dâng hiến mạng sống mình cho Chúa. Và buồn thay, con người lại không có trái tim thứ hai. Và nhà thơ, không có tim tôi biết hát bằng gì!”
Nhưng điều khủng khiếp và cũng là tai họa thường trực đối với các nhà thơ: sự thật còn lớn hơn cả tình yêu, lớn hơn cả trái tim. Chối bỏ sự thật, ôi điều này nó vượt quá sức tôi, ngay cả khi miệng môi tôi đầy cát…
Hậu từ
Thượng đế ơi!
Tôi đã làm gì?
Mà Ly-rượu-đời Người ban cho tôi
Đắng thế?…

Tiểu thuyết dù là tiểu thuyết huyền hoặc nhất đi nữa cũng đều xuất xứ từ những mẫu hình có thực. Cuốn tiểu thuyết kỳ cục này với hình thức thơ, văn, xôi đỗ, lúc đầu tôi đâu có định viết. Nó xuất xứ từ những bài thơ tình tôi viết tặng mối tình si mê, hoang tưởng và… trong cơn say bất tận…
Đến lúc tỉnh mộng, tỉnh mê, tỉnh say… và đã ở cách xa Nàng ngàn dặm, tôi đọc lại, thêm vào những lời chú giải. Và thế là, tự nhiên, không khiến, cuốn tiểu thuyết thành hình.

Phùng Quán

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.