Apr 24, 2024

Tùy bút - Bút ký

Hà Nội, Ngày Tháng Cũ..
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 08:15:34 PM, Oct 31, 2008 * Số lần xem: 1688
Hình ảnh
#1
Hà Nội, ngày tháng cũ..

Hà Nội băm sáu phố phường, tác phẩm của nhà văn Thạch Lam, Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng.
Tôi sẽ phải viết gì, nói gì về Hà Nội nhỉ?
Tôi không thể kể lại, viết lại về Hà Nội, khung trời Hà Nội với trí tưởng tượng hoang mang hỗn tạp ngổn ngang chồng chất một núi đồ sộ về Hà Nội, một chuỗi liên tưởng tiếp giáp có lẽ của David Hume, một chuỗi liên tưởng tương tự có lẽ của Aristote và một chuỗi liên tưởng tương phản. Nghĩ và nhớ đến Hà Nội, tôi hồi tưởng Hà Nội với quảng trường Ba Ðình địa điểm tọa lạc của lăng chủ tịch, tôi liên tưởng đến hồ Hoàn Kiếm nôm na hồ trả Gươm, liên tưởng cầu Long Biên và hình dung sông Nhĩ Hà tắc nghẽn cả dòng nước đi vô lịch sử:( Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông((Ngày trước tôi đã ngu ngơ khờ dại dốt nát không biết (chàng Tôn( là nhân vật nào, chỉ nghe ông Trần Trọng Kim viết lại Sử Ký lớp Sơ đẳng, viết là ( tướng Tàu): tướng Tàu phải bỏ cả ấn tín mà chạy. Ðầu óc ấu trĩ của tôi không đủ khả năng phong phú để tưởng tượng( chàng Tôn), chàng thanh niên tuổi trẻ đơn thân độc mã trên yên chiến mã chân khập khiễng mà về sau khi đọc truyện Tàu, tôi hằng tưởng tượng ( chàng Tôn( chính là Tôn Tẫn, địch thủ của Bàng Quyên; còn ai vô đó nữa! Thật đáng thương quan tổng đốc họ Tôn bị dồn chân tới bước đường cùng nên hỗn quân hỗn quan chạy thục mạng liều chết khiến cầu sông Nhị sập thây chết nổi lềnh bềnh.
Rồi tôi tiếp tục cuộc liên tưởng theo triều lưu của định luật tiếp giáp, như ông bạn già Phan Ðỗ ngồi cạnh ghế bên cạnh ghế của tôi, bên cạnh ghế bà Kim Thành, bên cạnh ghế bà Sáu, bên cạnh ghế bà Lưu Cẩm. Một người Hoa gốc... Tàu đang say mê ngồi đánh đàn piano kế cận tập nhạc đặt trên giá nhạc; tôi liên tưởng đến những người bệnh những người cao niên mỗi lần di chuyển tới trung tâm Quantum bắt buộc như tôi phải chống gậy hoặc phải ngồi xe lăn( ấy thế mà có một bà lão người Hoa vì bị ngã tại nhà riêng đã nhất định từ chối chiếc xe lăn chỉ vì một nguyên nhân giản dị ( ngồi xe lăn giống như một bà già!(; những bệnh nhân trót nghiện thuốc lá phải kín đáo phì phà nhả khói phòng ngoài bay tận nơi khinh không; riêng bản thân tôi mỗi buổi sáng ngồi im lặng nhâm nhi tách cà phê hoặc một chén trà ngát khói; tôi liên tưởng đến chủ tịch Hồ chí Minh vô vàn kính yêu với chiến thắng Ðiện Biên trời long đất lở, vụ ( cải cách ruộng đất( năm 1952-1954 đất lở trời long gió thảm mưa sầu( được những đồng chí vĩ đại sang cố vấn mách nước đôn lên tăng nhiều nạn nhân địa chủ ác ôn), vụ án Nhân Văn Giai phẩm khiến bao nhiêu văn nghệ sĩ phải lao đao khốn đốn vào tù ra khám như Nguyễn hữu Ðang, như Trần Dần, Ðặng đình Hưng, Lê Ðạt, Phùng Quán, Văn Cao. Rồi tôi lại liên tưởng đến những nhân vật một thời nổi tiếng như Lê Duẩn, Ðặng xuân Khu, Lê đức Thọ, Võ văn Kiệt, Nguyễn văn Linh( lúc còn sống ông Linh đã có ý đồ canh tân cải cách nhưng khí trễ), Phan văn Khải, vân vân và vân vân. Tôi vốn có tật xấu là liên tưởng và liên tưởng đến lúc mệt nghỉ. Tôi liên tưởng theo luật tương phản: nóng nghĩ đến lạnh, xấu nghĩ đến tốt, thí dụ độc tài nghĩ đến dân chủ tự do, vô thần nghĩ đến cuồng tín, hỏa ngục địa ngục nghĩ đến Niết Bàn Thiên đường Tây phương cực lạc.
Hà Nội ngày tháng cũ có dáng em tôi nghiêng nghiêng đường chiều..
Năm 1989, tôi một mình ra Hà Nội xem tình hình hồ sơ xin toàn bộ gia đình xuất cảnh theo chương trình ra đi có trật tự gọi tắt là ODP, nộp đơn từ năm 1980. Từ bấy đến nay bộ phận công an chuyên trách về (phòng Quản lý người nước ngoài và xuất nhập cảnh( mở cửa làm việc tại phố Ðộc Lập, trước kia là hiệu buôn Hoa Kiều chuyên bán bánh kẹo Lý Xuân giờ đây đã được đổi tên thành đường Thống Nhất. Cùng đi vời mỗi một tôi có Lý Bá Tô bạn học ngày trước. Trước năm 75, Bá Tô đã từng làm chi trưởng chi Công An tại Suối Dầu, thành tích hoạt động chống cộng nghe đâu cũng khá hùng hồn quyết liệt. Sau năm 75, Tô sớm được trả tự do vì biết ăn năn sám hối. Về nhà đoàn tụ xum họp vợ con, Tô thoải mái tiêu dao ngày tháng, từ sáng sớm tới trưa nắng chói chang, Tô ung dung vác súng rình rập bắn chim, từ xó vườn cho tới góc sân Tô không bỏ sót chỗ nào, tuyệt nhiên người trong xóm không nghe một tiếng súng nổ. Phải chăng chim chóc biết đánh hơi tìm đường lẩn trốn?
Trước năm 75, tôi có dịp vào thủ đô Sài Gòn làm giám thị kiêm giám khảo kỳ thi Tú tài. Không rõ nguyên nhân lý do gì mà Lê Bá Tô biết rõ tôi làm giám thị & giám khảo tại Sài Gòn nên ngỏ ý nhờ tôi một việc: đem bức thư dán phong bì dày cộm đến đường Võ Tánh trao cho ông chuẩn tướng tổng giám đốc Cảnh Sát Trần văn Hai. Tôi không lạ chuẩn tướng Hai, ngày trước ông làm phó ty Công An tỉnh Khánh Hòa. Vào năm 1948-49, tôi bị bắt vì có tham gia chút chút chính trị cùng một nhóm học sinh từ lớp Nhì tới lớp Nhất, nói chung nhóm học sinh hỉ mũi chưa sạch, chẳng biết đường lối chính sách của (cách mạng( ra sao nên cứ việc hăng hái tham gia hoạt động bừa. Ðộ ấy ông Hai làm phó ty Công An đã giũa te tua đám học sinh một trận, rằng (tụi mày ngu hơn chó ăn cứt nên theo chúng nó(.(kể ra ông Hai chửi rủa mắng nhiếc (cách mạng( không phải vô lý hoàn toàn. Sau đó ít lâu, ông Hai vô trường võ bị Liên quân Ðà Lạt, tốt nghiệp ông trực tiếp tham dự cuộc chiến, hành quân không ngưng nghỉ lên tới chức vụ trung đoàn trưởng trung đoàn 44 Biệt động quân .Sau ngày lịch sử sang trang, chuẩn tướng Trần văn Hai uống thuốc độc quyên sinh cùng với đất nước. Thành thực mà nói, trước, tôi không có mấy cảm tình với ông Hai bởi ông có lập trường dứt khoát, nay thời cuộc đổi thay, thế sự thăng trầm, tôi bùi ngùi thương tiếc những trung thần nghĩa sĩ của nhà thơ Nguyễn đình Chiểu:
( Tinh thần hai chữ phau sương tuyết,
Khí phách ngàn thu rỡ núi non.(
Trở lại chuyện Lê Bá Tô nhờ trao phong thư của chính đương sự cho ông tổng giám đốc Cảnh sát Công An. Vào thời điểm bấy giờ, tôi vốn không liên hệ trong môi trường quân sự chính trị; tôi chuyên về Văn hơn võ. Tuy vậy, tôi nghĩ bụng: Tô vốn đồng môn của tôi từ thuở hoa niên, bạn bè xa cách đã lâu không liên lạc, nay bỗng nhiên bất ngờ đột ngột nhờ sự giúp đỡ một phen, sao đành từ chối?
Thấy phong thư dày cộm, tôi phỏng đoán chắc hẳn bên trong có sự biện bạch cầu xin nhờ cậy thượng cấp. Ấy là tôi chỉ đoán non đoán già, xưa nay( thơ từ tự cổ vô bằng cớ(, sức mấy mà tôi dám cả gan cóc tía lột mở phong thư ra xem ra đọc, vả, phong thư lại cẩn thận niêm phong dán kín! Thôi thì, cẩn, tắc vô ưu vậy.
Mấy ngày làm giám thị trung tâm hội đồng khảo thí hoàn tất, tôi mới rảnh rang có chút thì giờ tới địa điểm cần phải tới. Ðịa điểm tọa lạc phía tay phải con lộ, xe cộ ra vô nườm nượp, ngoài cổng địa điểm có một trạm gác, tôi trao thư gởi ông tổng giám đốc cho người gác cổng. Trong khi chờ đợi, tôi hướng cái nhìn bên trong khu vực. Quả là cẩn thận phòng gian bảo mật: một nhân viên cảnh sát đưa sát máy dò vũ khí che giấu bên dưới bộ phận động cơ bị phát hiện hay không, nếu không có sự cố gì, chiếc xe cho phép đi ra khỏi phạm vi khu vực. Lại thêm một lần nữa, cẩn, tắc vô ưu.
Tới thủ đô Hà Nội, tôi lóp ngóp đi theo Lê Bá Tô, bởi tôi lần đầu tiên đến nơi gọi là ngàn năm văn vật,hoàn toàn lạ nước lạ cái. Mà Tô cũng chẳng hơn gì tôi, mới tới lần đầu, nhưng Tô có vẻ thành thạo xông xáo đường đi nước bước hơn tôi.
Tôi lẽo đẽo bước theo sau Tô, mạnh dạn bước vô khách sạn , khách sạn hiệu gì tôi không nhớ, một tay vẵn xách túi xách tay, một tay cầm chiếc vợt lưới. Tại quay tiếp khách, cô nữ nhân viên báo cáo hết phòng thuê, cô giới thiệu những phòng khác còn trống chỗ. Tô quay quả lên bậc cấp thang lầu, một lần nữa tôi lẽo đẽo đi theo. Lại một lần nữa khách sạn hết phòng, ông nhân viên bèn giới thiệu nên thuê tại Nhà Khách công cộng ở phố Tây cách một quãng khá xa. Bước xuống cầu thang, Tô đi thẳng Nhà Khách, chúng tôi dĩ nhiên lội bộ, từ chối những câu năn nỉ chào mời của mấy người phu xe xích lô mặc dù giờ này trời đã khá trưa.
Ði bộ cho khỏe người, trời còn sớm, chưa tới mười hai giờ.
Chúng tôi tiếp tục đi ngang phố Tây ngày trước, đường phố lát gạch toàn xi măng có kẽ ô vuông ngang dọc cốt ý dễ đi, phố Tây phần nhiều xây cất nhà lầu, giờ này nhà cửa im ỉm đóng kín, tôi e đó là nhà cửa cơ ngơi của những cán bộ cao cấp, những gốc cây cổ thụ bấy giờ trờI đã sang thu hơi thu heo may vi vu thổi từ phía sông Hồng nghe se sắt lạnh.
Nhà Khách công cộng là một dãy nhà xây cất lầu hai từng, nom có vẻ khang trang sạch sẽ. Hai chúng tôi bước lên lầu hai, nhân viên cho biết chúng tôi được ăn ngủ miễn lệ phí nhưng chế độ ăn uống thì tự túc. Lê Bá Tô chọn một phòng ngủ tương đối nhỏ nhưng thoáng mát; tôi cũng chọn lấy một phòng như Tô. Tất cả đều gối nhưng không có nệm, chỉ có chiếu lác. Một giờ trưa, chúng tôi ra phố tìm một hàng quán để ăn trưa. Nói ăn trưa, kỳ thực chúng tôi chỉ gọi một bát phở, chúng tôi thừa biết trong bát phở có pha thêm rất nhiều mì chính tức bột ngọt, thời buổi kiệm ước khó khăn.
Về tới Nhà Khách, tôi mệt nhoài nằm dài lăn ra ngủ. Khi thức giấc, trời đã xế chiều. Nghĩ về Nhà Khách, nghĩ đến những ngày còn nhỏ, tôi hằng nghe thân phụ tôi nói về ( công quán(.( Công quán( là một nơi cơ ngơi nhà cửa được xây cất có tính cách công cộng nhân dân quần chúng, toà Hòa Giải Rộng Quyền trước kia tọa lạc tại đường Graffeuil chính là (công quán(: nhà rộng mênh mông, được thiết kế trang trí theo kiểu Tây, dành riêng tiếp nhận những viên chức cao cấp khi công tác được tá túc ăn ngủ nơi đây, tương tự các vị nguyên thủ, các bậc lãnh đạo một nước khi đi công tác nước ngoài đã có máy bay đặc biệt dành riêng chực sẵn; khi tới nơi phi cơ đáp xuống phi trường thì đã có hàng chục hàng trăm cảnh sát công an sẵn sàng tiếp đón, an toàn vững như bàn thạch. Nơi ăn chốn ở đã có khách sạn quốc tế dành riêng như khách sạn Hilton, khách sạn Caravelle, khách sạn năm sao, khách sạn Sáu sao, Bảy Sao, vân vân, tiện nghi vô vàn tả xiết. Lễ nghi quốc thể. Quan trên trông xuống, người ta trông vào, không được luộm thuộm như thế, người thiên hạ cười cho. Chỉ mỗi một mối lo là làm sao trốn được đám dân xin tị nạn biểu tình phản đói, an toàn nhất là trốn chui cửa hậu, mặc đám dân chửi bới hò hét hoan hô đả đảo nín thở qua sông. Có ai cắc cớ hỏi chuyến này công cán ra sao? Thì cứ việc, coi như học thuộc làm lòng, kết quả thành công mỹ mãn.
Tôi khẽ mở cửa phòng khép hờ của Tô, định nói Tô ngày mai hai đứa sẽ tới bộ Nội Vụ, phố hàng Bài, cho biết hồ sơ xin xuất cảnh đến giờ đã tới đâu, nhưng Tô đã đi từ lúc nào, không biết đi đâu. Tôi thơ thẩn bước xuống thang lầu, cũng không biết phải đi những đâu. Còi tàu điện tới trạm, rúc lên ò e inh ỏi vang động khắp mặt hồ Gươm. Bấy giờ trời đã vào thu thật sự không còn tiếc nuối gì nữa, mặt nước hồ Gươm tĩnh lặng không xao động, tháp Rùa chễm chệ đứng giữa mặt nước tựa thi gan cùng phong sương tuế nguyệt; tôi bách bộ thả bước trên những lối đi của Hà Nội ngày tháng cũ. Hà Nội, bất tri tam bách dư niên hậu ngày nay không còn nữa, chỉ thấy cửa Bắc của thủ đô, xe ngựa dập dìu đã vắng bóng, tôi hình dung qua tưởng tượng thủ đô thành phố Paris, Les dimanches de la ville dõAvray, những cỗ xe song mã lóc cóc gõ nhẹ trên những mặt đường của những phố phường cổ kính, Phạm Lãi Tây Thi trở lại Ốc Oa thành ngày trước giờ đây chỉ còn lại hoàng tàn đống gạch vụn đổ nát điêu tàn buồn rầu chất ngất; cúi lượm một miếng ngói tàn dư thành trì ngày trước, gái nước Việt ngẩn ngơ tựa kẻ vô hồn.
( Long Thành cầm giả ca(, bài hát người đánh đàn thành Thăng Long, tác phẩm của Nguyễn Du. Hà Nội ngày tháng cũ. Hà Nội ngày nay là Long Thành, là Thăng Long thuở trước, lúc người nữ đánh đàn giúp vui cho ban nhạc cung đình còn là một thiếu nữ son trẻ tài sắc, cống hiến triều đình nhà Lê, nay trở thành người đàn bà đánh đàn tóc bạc dung nhan tàn tạ, không còn cống hiến giúp vui quan lại triều Lê mà là triều Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Du chứng kiến tận mắt cảnh trí hỗn quân hỗn quan. Hà Nội ngày tháng cũ giờ đây không còn nữa, chỉ còn khói lửa mịt mù, chỉ còn đất nước tang thương.
( Rồi tháng ngày qua,
Biển dâu đổ xuống quê nhà,
Vườn cũ hoa xưa mất còn hương sắc?
Ta lang thang trong bóng chiều tà,
Trời cuối thu, tịch dương ánh buồn hiu hắt.
Nét cũ phôi pha,
Ðiêu tàn phiêu giạt,
Ngày võ vàng mưa giăng mắc lối về.(
Hà Nội, ngày tháng cũ, có bóng dáng em nghiêng nghiêng đường về. Hà Nội thanh bình, ngày xưa, thuở trước. Em người thiếu nữ nghiêng nghiêng chiếc nón lá trên đường làng quê về chợ. Ðường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng. Ðường chiều dịu nắng, bóng em đi, áo nâu in đường trăng. Nhưng thật hết rồi, bóng người lầm lũi đi,im lìm xa vắng, lạnh lùng nghi kỵ dò la, mật báo, ăn-ten, công an, mật vụ; quê hương đất nước trở nên cằn cỗi, thiên tai, nghèo nàn, lạc hậu. Buổi chiều nhạt nắng bên khu vườn cũ tiêu điều xơ xác.
( Tôi thương làng tôi, mái nghèo không manh liếp che, tia nắng phai mau ngoài đầu hè; tôi thương làng tôi, khóm tre xác xơ tiêu điều, người buồn u uất ôm tình sâu.(( Nhạt Nắng-Xuân Lôi)
Hà Nội ngày tháng cũ, áo trắng Tây Sơn Trưng Vương đường về. Thảo-cầm-viên tức Sở Thú Sài Gòn tập trung nhiều trường trung-học, từ trường Võ Trường Toản đến trường Nữ trung học Trưng Vương, riêng trường Nữ trung học Gia Long ở đường Phan Thanh Giản. Trước năm 1975, tan trường là một quang cảnh rộn rịp vui nhộn, không khác gì tan cảnh chợ trưa chợ chiều. Tiếng còi xe, tiếng động cơ nổ, tiếng người gọi nhau ơi ới. Tất cả học sinh đều đồng phục; nam sinh thì... tùy nghi mặc gì cũng xong. Trên đường về nhà, từng cặp học sinh đồng trang lứa chen vai thích cánh trên đường Cổ Ngư, ngày nay được đổi tên thành đường Thanh Niên. Xe đạp, tà áo trắng tung bay phất phới, nón lá nghiêng nghiêng theo làn gió nhẹ đong đưa từ cầu Long Biên thổi lại. Ngoài những trường trung-học và Nữ Trung-học ra, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là những trung-tâm giáo dục khác nữa: tổng Nha trung tiểu-học và Bình Dân Giáo Dục, Nha Trung-Học, Nha Tư-Thục, Nha Khảo Thí. Chẳng biết Hà Nội ngày nay có còn tiếp tục làm trọng trách công tác giáo dục ngày trước hay không. Ðề thi trung học toàn quốc? Ðề thi văn-bằng Tú tài Một, Tú tài Hai? Tôi nghĩ đến sách vở được in ấn kể từ ngày hôm nay xét ra không thật sự cần thiết nữa: học tủ, học vẹt, học... mượn đề thi, học... mướn, bán văn bằng học vị bằng cấp tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Cái học ngày nay thấm mệt rồi
Chín người học đại, một người chơi.
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Cậu Tú tương lai, khắc khoải ngồi.
Cô hàng sách của Trần Tế Xương ngày trước giống người bán một gian đồ cổ, chỉ biết trưng bày không một khách tới lui lai vãng riết rồi chóng chầy trước sau cũng đi tới chỗ dẹp tiệm.( Bụi trên mái rơi xuống hay bụi của tháng ngày dần dà lấp chôn mọi vật? Xuân Diệu-Tâm sự cái giường hư). Tôi cũng như một kẻ lạc đường, hành nhân ngơ ngác lầm lũi cắm đầu rảo bước. Một cách nào đó, thân phận nữ sĩ Nhàn Khanh, thân phận Tố Như cũng là thân phận những kẻ lạc đường và ông Tú Vị Xuyên là những kẻ ( bất phùng thời( khi đêm khuya thao thức nằm nghe( sông lấp Nam Ðịnh(.
Sông kia rày đã lên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Ðêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Hà Nội ngày tháng cũ như mây như mưa trong cuộc tình tôi( Song Ngọc)./.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.