Apr 16, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Thơ Con Cóc Có Phải Là Thơ?
Phạm Đức Nhì * đăng lúc 12:13:17 AM, Sep 09, 2022 * Số lần xem: 8471
Hình ảnh
#1

Trong bài Nhân Cuộc Tranh Luận Về Thơ Con Cóc, Thụy Khê đã viết:

Khi Nguyễn Hưng Quốc thách Đỗ Minh Tuấn phải chứng minh được rằng Thơ Con Cóc không phải là thơ, Đỗ Minh Tuấn đã vội lo "đây là một thách thức triết học nghiêm túc, nhưng lại là một vấn đề ngụy tạo". Những lo lắng của Đỗ Minh Tuấn thật sự không cần thiết vì ở đây cũng chẳng có vấn đề triết lý triết học gì cả. Chỉ có một lẽ dễ hiểu là xưa nay chưa ai định nghĩa được một cách chính xác Thơ là gì? …

Và bà đưa ra kết luận nước đôi:

 Vậy Thơ con cóc, bảo nó là thơ cũng được. Mà bảo không phải là thơ cũng xong. (1)

Tôi tự mình chưa nghĩ ra được một định nghĩa cho thơ, nhưng nếu hỏi

“Thơ Con Cóc có phải là thơ hay không?

thì tôi hy vọng có thể trả lời được. Ít nhất là sẽ cố thử xem.

 

Những Câu Thơ Dọn Cảnh

Từ trước cả cái thời có giai thoại “Thơ Con Cóc” các cụ của chúng ta làm thơ thường theo trình tự Tức Cảnh – Sinh Tình. Cảnh là cái cớ; cốt tủy của Thơ nằm ờ chữ Tình. Vì thế, bài thơ thường mở đầu bằng những câu dọn cảnh, qua đó tác giả phác họa khung cảnh của bài thơ. Tôi gọi tắt là những câu Cảnh.

Cảnh có thể là một người, vật, cảnh vật, sự việc hay ý tưởng xuất hiện trước mắt hay trong đầu của tác giả; tác giả tạo ra những câu Cảnh, xem đó là cái nguyên cớ, cái gợi ý để Tức Cảnh Sinh Tình, nghĩa là dựa vào Cảnh viết thêm những câu thơ khác biểu lộ tâm sự, cảm xúc của mình.

  • Thí dụ hai câu đầu trong bài Chân Quê của Nguyễn Bính:

Hôm qua em đi tỉnh về

Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Ở đây tác giả đã tạo ra và bước vào khung cảnh của bài thơ, đã đứng ở con đê đầu làng để chờ người yêu về (tâm đối cảnh). Chúng đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để gọi là thơ. Bởi chúng mới chỉ là những câu Cảnh; phải chờ tác giả Sinh Tình – nghĩa là dựa vào Cảnh để viết tiếp những câu chứa đựng cái Tình, cái tâm sự của mình.

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi.

Đến đây, Tình đã phát sinh, cảm xúc của tác giả đã xuất hiện. Hai câu cảnh, đứng riêng lẻ thì chưa thể gọi là thơ. Chỉ đến khi tác giả đã hoàn tất hai câu Sinh Tình thì hai câu cảnh mới tự động trở thành thơ và tất cả đã hợp cùng với những đoạn sau để trở thành một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính.

 

  • Hai câu đầu của bài Bạc Tần Hoài (Đỗ Phủ):

               Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa

               Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia

               Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát

               Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia

Tác giả đã có mặt tại bến Tần Hoài để ngắm cảnh khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát; ở đây tâm đã đối cảnh. Nhưng 2 câu này vẫn chưa thể gọi là thơ vì chưa có bóng dáng của cảm xúc. Phải chờ 2 câu sau:

               Thương nữ bất tri vong quốc hận

               Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

               Cô gái không hay buồn mất nước

               Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa (2)

                      (Trần Trọng San dịch)

thì mới thấy bóng dáng của chữ Tình; đó là nỗi buồn xé ruột của một sĩ phu yêu nước. Hai câu đầu - đóng vai những câu thơ dọn cảnh - cũng được ăn ké theo thành 2 câu thơ cuả một thi phẩm tuyệt tác.

 

Trường Hợp Bài “Thơ Con Cóc”

Chàng Ngốc thứ nhất xuất khẩu:

        Con cóc trong hang

        Con cóc nhảy ra

Đây là 2 câu mào đầu, dọn cảnh. Trường hợp này tâm đã đối cảnh; chính mắt chàng Ngốc đã thấy con cóc nhảy ra; tác giả đã có mặt trong khung cảnh của “bài thơ”. Hai câu này đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để được gọi là thơ. Nếu lúc này tác giả đọc thêm vài câu nữa (Sinh Tình) thì sẽ thành bài thơ. Nhưng cái cảm xúc đang óc ách trong lòng chưa kịp biểu lộ thì đã … hết lượt (hết thời gian dành cho mình, đến lượt người khác).

Nếu Chàng Ngốc Thứ Hai dùng 2 câu của Chàng Ngốc Thứ Nhất làm phần mào đầu, gợi ý rồi đọc mấy câu Sinh Tình của mình thì đã không bị gọi là Chàng Ngốc và đã không có giai thoại ‘Thơ Con Cóc”. Đàng này thấy con cóc vẫn cứ ngồi đó (chắc hơi lâu) nên chàng đã đọc 2 câu mào đầu của chính mình:

         Con cóc nhảy ra

         Con cóc ngồi đó

Thế là hết giờ, đến lượt người khác. Do đó cái tâm sự không thoát ra được, đành phải để âm ỉ trong lòng. Đến đây chúng ta cũng vẫn chưa có Thơ.

Chàng Ngốc Thứ Ba tiếp tục mắc lỗi lầm của Chàng Ngốc Thứ Hai nên cũng chỉ được thêm 2 câu thì hết giờ:

         Con cóc ngồi đó

         Con cóc nhảy đi.

Cả 6 câu của 3 Chàng Ngốc hợp lại, tuy dài hơn, có thứ tự lớp lang như một câu chuyện, cũng chỉ là cái phần mào đầu, dọn cảnh (Cảnh), chưa có ai Tức Cảnh Sinh Tình nên vẫn chưa có Thơ.

Giá như một trong ba chàng Ngốc (ai cũng được) làm thêm đoạn dưới đây:

         Nhìn con cóc nhảy

         tôi nhớ những ngày xưa

         thơ dại

         tôi cùng cô bé bên nhà

         sau cơn mưa

         cầm giỏ đi bắt cóc nhái

         chơi mở quán bán hàng

       (PĐN chế ra để minh họa)

thì đã có chút cảm xúc, thương nhớ, vấn vương một kỷ niệm thời nhỏ dại. Và chúng ta đã có Thơ (hay dở lại là chuyện khác).

Như vậy, “Thơ Con Cóc”, tuy đã vượt lên trên các loại ca dao, vè, kệ, văn vần … , là “những câu thơ dọn cảnh” đã qua được cửa ải “tâm đối cảnh”, nhưng vì không có những câu Sinh Tình để bám vào ăn theo nên cũng chỉ mới có điều kiện cần, chưa đủ để được gọi là Thơ.

Nếu cách giải thích này may mắn được độc giả chấp nhận thì “Thơ Con Cóc” không phải là thơ. Những ai cho “Thơ Con Cóc” là một bài thơ hay, hoặc dở (3) không những chỉ … trật lất mà còn … trật lất đến hai lần.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

Chú thích:

1/ thuykhe.free.fr/tk97/concoct.html

2/ hoasontrang.us/tangpoems/duongthi.php?loi=42

3/ “Thơ Con Cóc” là trường hợp quá đặc biệt, nằm trong cái ngách hẹp giữa ranh giới của thơ và những thứ không phải thơ, nên có dạo trong bài Thầy Trò Tam Tạng Và Thơ tôi đã lầm lẫn gọi nó là thơ; và là thơ dở vì không có cảm xúc. Tôi viết bài này gọn hơn, chi tiết hơn, đi xa hơn để làm rõ điểm lầm lẫn của mình.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.