Apr 25, 2024

Tùy bút - Bút ký

Thuốc lá
Phạm đức Thân * đăng lúc 06:21:40 PM, Jan 14, 2024 * Số lần xem: 418
Hình ảnh
#1
* đăng lúc 03:02:43 PM, Sep 27, 2022 * Số lần xem: 260

 

 

 

THUỐC LÁ

 

 

 

Sau mấy thế kỷ tung hoành tại nhiều nước, thuốc lá (nicotiana tabacum) ngày nay đã lui vào sân sau, gần như bị liệt vào loại cấm, do tác hại của nó đối với sức khỏe con người. Mặc dù vậy, số người hút thuốc vẫn còn cao (khoảng hơn 1.4 tỉ - riêng Trung quốc khoảng 0.4 tỉ). Trước đây, thuốc lá đã từng nhiều lần bị lên án. Giữa thập niên 1600s Giáo hoàng Urban VIII và Innocent X rút phép thông công tu sĩ hay giáo dân nào hút thuốc. Năm 1603 Nhật hoàng ra chiếu cấm hút thuốc. Năm 1633, vua Hồi Murad IV thị sát mặt trận ở Constantinople ra lệnh chặt chân tay, phân thây, treo cổ, chém đầu binh sĩ nào hút thuốc. Năm 1634 Nga hoàng Michael Fedorovich phạt người hút thuốc bằng cách xẻ rạch lỗ mũi, có khi cắt hẳn mũi. Năm 1640 vua nhà Minh Trung hoa ra lệnh xử tử người lưu hành hay tiêu thụ thuốc lá. Nhưng tất cả các ngăn cấm trên đều không mấy hiệu quả, thiên hạ vẫn không bỏ hút thuốc, cho thấy đây là một hiện tượng xã hội rất phức tạp, vì hút thuốc mang nhiều ý nghĩa văn hóa mà bài này cố gắng tìm hiểu.

 

Hút thuốc lá là hình thức phổ quát trong thời hiện đại, nhưng từ xưa tới nay thuốc lá còn được tiêu thụ dưới nhiều hình thức: ngậm, nhai, hít, hút tẩu, hút cigar, hút thuốc lá điện tử (vape)... dán dịt, xông khói, bơm thụt, nhỏ giọt... Thuốc lào (nicotiana rustica), có người cho xuất xứ từ nước Lào, là một dạng thuốc lá với lượng nicotine cao gấp 9 lần. Cho nên cũng dễ hiểu khi xem youtube thấy du khách ngoại nhân hút thử thuốc lào ở VN bị say ngã bổ ngửa. Thuốc lào gây nghiện mạnh, rất khó bỏ hút. VN từng ví von: "Nhớ ai như nhớ thuốc lào - Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên." Ngoài ra còn miêu tả cảnh hút thuốc lào bằng điếu bát thật sinh động:

 

Lưng tròn vành vạnh đít bảnh bao

Mân mân mó mó đút ngay vào.

Thủy hỏa âm dương sôi sùng sục

Âm dương nhị khí sướng làm sao!

 

Thuốc lá gốc gác từ Mỹ Châu, có lẽ được trồng khoảng thời điểm 6000 BC. Christopher Columbus năm 1492 thấy dân Arawak vùng Carribean hút thuốc lá bằng ống gọi là tobago, và thế là tobacco trở thành tên gọi của thuốc lá. Đưa tới Tây Ban Nha năm 1556, thuốc lá được giới thiệu qua Pháp bởi nhà ngoại giao Jean Nicot, và rồi nicotine trở thành tên gọi chất gây ảo giác, gây nghiện chiết xuất từ cây này. Năm 1585 nhà hàng hải Anh, Sir Francis Drake, đưa thuốc lá vào Anh quốc, và hút tẩu liền đó trở nên phổ biến, nhất là trong giới quý tộc thời Elizabeth. Thuốc lá phát triển nhanh chóng khắp Âu Châu. Tới thế kỷ XVII thuốc lá, qua các thương nhân Bồ Đào Nha, đã vươn tới Trung Hoa, Phi luật Tân, Nhật Bản, các nước duyên hải Tây Phi, và nhiều nơi khác trên thế giới. Thuốc lá (đóng gói, cuốn sẵn thành điếu) chỉ xuất hiện ở VN từ thời Pháp thuộc. Trước đó VN có thuốc lào, thái sợi nhỏ gọi là thuốc rê, vấn bằng giấy quyến thành điếu thuốc để hút. Thuốc rê còn được hút bằng điếu cầy, điếu bát, điếu ống (hay điếu dóng)..

 

Các tên gọi tobacco, cigar, cigarette không chỉ ra được đây là một loại dược phẩm. Chữ thuốc lá của VN nêu rõ dược tính của cây này vì nicotine chính là một loại thuốc độc, với 40 - 60mg có thể làm chết người; nhưng thuốc lá chỉ có 9mg và hút dưới dạng khói thì bị cháy tiêu chỉ còn 1mg cơ thể hấp thụ. Tuy nhiên nghiện ngập hút lâu dài thì tác hại lớn đến các bộ phận cơ thể, nhất là ung thư phổi.

 

Mỹ Châu có một số cây (datura, mescal, ayahuasca, tobacco...) giống ma túy, gây ảo giác mà tobacco là phổ biến nhất. Dân bản xứ tin rằng nó có tính chất huyền bí mãnh liệt và chữa bệnh hiệu quả. Tobacco dùng trong các buổi lễ (vd khi nam nữ truởng thành) và được pháp sư dùng trong hiến tế, coi như thực phẩm làm dịu cái đói của các thần để cầu xin các thần ban ơn huệ hoặc chữa khỏi bệnh. Mặt khác, tobacco cũng được dùng phổ biến trong xã hội vì ngoài là thuốc chữa bá bệnh (panacea) nó còn là chất xúc tác của mọi xã giao, giao dịch, kết ước... trở thành một thứ hàng giải trí thường ngày, có khi còn dùng làm phương tiện để hoán đổi giống như một loại tiền tệ.

 

Trước khi bị phát hiện gây nghiện và có hại, trong khoảng 350 năm (1500 - 1850) tobacco được dùng để chữa nhiều bệnh. Thoa bôi ngoài da dưới dạng tro bột, dung dịch, dầu, cao... tobacco làm giảm đau gây ra từ trong hay ngoài cơ thể, chữa bệnh ngoài da, vết thương, vết cắn...(các bà nội trợ VN vẫn còn dùng thuốc lá để dịt vết thương, cầm máu...) Tùy chỗ đau mà chữa bệnh qua nhiều cách: thổi khói thuốc lá vào tai, rửa mắt bằng dung dịch thuốc lá, cho nhai viên thuốc lá trong miệng, thổi hoặc hít bột thuốc lá vào mũi. Thầy thuốc có thể thổi khói vào miệng hoặc thổi tro bột vào lỗ mũi để tobacco vào phổi; cho uống nước thuốc (có thể đã đun sôi) để tobacco vào dạ dày; chà xát tro bột tobacco trong miệng hoặc trên răng... tùy theo muốn chữa bộ phận nào bên trong cơ thể. Cũng chữa sôi bụng, táo bón bằng bơm thụt khói hoặc dung dịch tobacco vào ruột qua hậu môn, chưa kể lại còn chữa bệnh phụ nữ bằng đưa thuốc lá vào âm đạo.

 

Mặc dù nicotine liều lượng thấp gây hưng phấn, liều lượng cao làm trầm cảm, nhưng người hút thường cảm thấy tâm thần bình ổn, thư giãn, trí óc và ký ức như được tập trung, nâng cao; cho nên tobacco càng được ưa thích, nhất là văn nghệ sĩ, trí thức.thường hút thuốc để tìm hứng.

 

Chính vì các đặc điểm trên mà khi Tây Ba Nha đưa tobacco từ thuộc địa Mỹ châu vào Âu châu thì tobacco được đón nhận cởi mở. Âu châu khi đó mới chỉ biết được các hương liệu từ Trung Hoa và Ấn Độ để bổ túc cho kho dược liệu của mình. Nên nhớ các hương liệu của Á châu (ớt, gừng, nhục đậu khấu, quế, hồi, càri...) thoạt đầu được Âu châu coi như dược liệu, sau đó mới là gia vị. Thành thử khi Tân Thế Giới mang lại nhiều thứ quý mới lạ như tobacco, cà phê, coca...thì tobacco được đón nhận nồng nhiệt hơn cả. Nhất là tính chất ma túy gây ảo giác, thư giãn của tobacco còn đáp ứng với tinh thần của thời đại.

 

Âu châu thế kỷ XVI nhiều dân nghèo thành thị cũng như thôn quê, thiếu ăn phải bổ túc bằng những cây cỏ dại, nấm... thường gặp thứ hại, giống ma túy, gây choáng váng, ảo tưởng, quên cả đói; đôi khi gặp thứ độc thì mất mạng như chơi. Nay, sau một thời gian đầu là giải trí đắt giá của giới giầu có, tobacco bắt đầu len lỏi vào đại chúng, và dân nghèo có thể phì phèo để quên đói mà không sợ độc hại. Thuốc lá cũng hỗ trợ những tụ tập đông đảo của dân nghèo trong hoạt động phù thủy, nhờ tính chất ma túy mà hoạt động hứng khởi hơn, mọi người vật vờ ảo giác gặp thần này quỷ kia, quên đi thực tại đói nghèo.

 

Mặt khác, Âu châu đang trong Thời Đại Lo Âu (The Age of Anxiety), và bắt đầu có ý thức hiện đại, với phát minh in ấn (nhờ vậy sách xưng tụng tobacco được phổ biến. Vd. Tobacco, Universal Panacea của J. Leander), phát hiện Tân Thế Giới, phát triển phương pháp khoa học hợp lý, giảm bớt ảnh hưởng của thần học trung cổ. Cảm nghiệm nghịch lý của hút thuốc với những tác dụng thể lý trái ngược, mùi vị khó chịu nhưng khoái cảm mới lạ không ngờ, rõ ràng là liều thuốc an thần làm dịu lo âu trước cái cũ bị tấn công và cái mới còn chưa biết. Pierre Louys bảo đây là một lạc thú mới mà Âu châu tới bây giờ mới được biết.

 

Lịch sử thuốc lá cho thấy, mặc dù dược tính thuốc lá không còn được nhấn mạnh, hút thuốc vẫn còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa về mặt giới tính, luyến ái, tình dục, xã hội, tri thức...Các văn nghệ sĩ, trí thức không những hút thuốc mà còn bàn về thuốc lá. Jean Cocteau nhắc nhở "Không được quên rằng, bao thuốc lá, cung cách rùt điếu thuốc ra, mồi lửa, và đám khói thâm nhập vào người chúng ta, rồi mũi chúng ta thở ra, tất cả nhờ vào cái vẻ đẹp huyền diệu đã quyến rũ và chinh phục thế giới."

 

Nhưng điếu thuốc lá là gì? Dĩ nhiên đó là một nhúm sợi thuốc lá được cuốn trong miếng giấy nhỏ thành điếu để châm lửa đầu này và hút khói đầu kia. Thật ra hút thuốc là một giải trí tao nhã mà thoạt đầu chỉ một số người giầu sang được hưởng, và đòi hỏi điệu nghệ vì nghề chơi cũng lắm công phu, như Theodore de Banville mô tả: "Đó là một dúm thuốc lá, cuốn trong một miếng giấy nhỏ. Nhưng một khi thuốc lá đã được đặt xuống giấy và phân bố đều khắp, miếng giấy phải được cuốn thanh lịch, nhanh gọn, theo một tiết tấu hài hòa, với dáng điệu tự tin, mau lẹ. Được như thế là xong điếu thuốc? Chưa đâu, vì hình dạng điếu thuốc không bao giờ được xác định, cố định; phải không ngừng đúc khuôn lại, cuốn lại cho phù hợp với tài sáng tạo đặc biệt của người hút; nó luôn luôn khác biệt, biến đổi, sống động, nhậy cảm và ấn tượng. Nói thế đủ cho thấy, hút thuốc lá đóng gói được làm một cách máy móc thật vô nghệ thuật làm sao." George Orwell, tác giả Trại Súc Vật không thể chịu được thuốc lá sản xuất máy móc. Ông thường tự vấn thuốc và mỗi điếu mới hơi khác điếu trước một chút về liều lượng thuốc và kích thước điếu thuốc, để luôn có được cảm nghiệm tươi mát của khoái cảm hút thuốc.

 

Thuốc lá từ xưa đã là chất xúc tác trong xã giao, có mặt trong mọi tụ tập, hội họp, giao dịch; ngày nay xã hội phát triển thì hiện diện của nó cùng khắp. Việc công việc tư, tiệc lớn tiệc nhỏ, quan hôn tang tế... luôn luôn chỗ nào cũng đều có sẵn bao thuốc và mồi lửa  (bật lửa, diêm quẹt). Thử tưởng tượng vô duyên, nhạt nhẽo làm sao khi khách cảm thấy tay chân thừa thãi, ngồi bất động im lặng.

 

Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện thì thuốc lá là má đỡ cho câu chuyện khơi mào. Và thân mật ấm cúng nẩy sinh từ khói thuốc.

 

Thuốc lá đôi khi chẳng có mục đích gì cả, chỉ là để giết thì giờ lúc không biết làm gì, hay để quên đi nôn nóng khi chờ đợi. Thật ra giết thì giờ chỉ là một cách nói, vì một khi châm lửa thuốc lá, là đang bỏ thời gian hiện tại vào trong ngoặc, sống mơ màng trong một thời gian ảo. Quên đi cái tick-tock của đồng hồ báo cho biết quỹ thời gian còn lại trước khi chết đã vơi đi một chút. Quên đi cái hối hả sôi nổi của cuộc sống. Để tận huởng cái khoái cảm siêu việt thuốc lá mang lại, cảm giác như nhập vào cõi vô cùng, với phối cảnh biến đổi, dù chỉ trong thoáng chốc. Thuốc lá thật tuyệt vời! Trong ý nghĩa đó Annie Lerclerc bảo "Thuốc lá là kinh cầu của thời đạị chúng ta."

 

Hút thuốc có thể là một hình thức phản kháng cấm đoán, đòi hỏi quyền tự do của con người. Một đoạn trên cho thấy Giáo Hoàng, vua chúa ở Nhật, Ba Tư, Nga, Trung Hoa đều không thể cấm đoán hút thuốc hiệu quả. Có thể kể thêm những thất bại của King James I, Napoléon, Hitler trong việc cấm thuốc lá. Xưa kia phụ nữ hầu như không hút thuốc, chỉ một số nhỏ mệnh phụ hay gái chơi mới dám thử cái thú đặc biệt này của phái nam. Sau đó, với những cách mạng dân chủ, cách mạng nữ quyền, cách mạng tình dục, số phụ nữ hút thuốc tăng dần, coi như khẳng định bình đẳng, bình quyền với nam giới. Nữ văn sĩ Pháp George Sand, người tình của Chopin, còn khẳng định mạnh hơn bằng ăn mặc y phục nam, hút trung bình 50 điếu thuốc mỗi ngày và cả hút tẩu nữa.

 

Dĩ nhiên lý do hút thuốc có thể là cái gì càng cấm thì càng hấp dẫn và đáng nên tò mò thử chơi. Ngoài ra còn là cách biểu lộ cá tính, vd muốn tỏ ra là dân chơi, ngồi trong xe hơi nhưng hạ cửa kính xuống để thỉnh thoảng thò tay ra vẩy vẩy tàn thuốc cho mọi người thấy mình là tay chì, cool, coi thường độc hại. Hoặc có khi chỉ là a dua theo thiên hạ. Không thể liệt kê hết lý do người ta hút thuốc dù biết rằng không nên. Cho tới nay câu hỏi tại sao hút thuốc vẫn chưa có trả lời thỏa đáng, nhất là khi rất nhiều người hút thuốc chính họ cũng không biết tại sao.

 

Đẩy xa lên một mức về bày tỏ đòi tự do liên quan đến thuốc lá, có trường hợp khá đặc biệt: không những đòi quyền hút mà còn đòi phải được cung cấp đủ lượng thuốc lá để thích nghi với nhu cầu. Đó là chuyện xẩy ra tại Soviet năm 1990. Dân chúng ở Moscov và nhiều thành phố biểu tình vì thiếu thuốc lá. Để xoa dịu dân chúng Mikhail S. Gorbachev phải giải nhiệm viên chức cao cấp về cung cấp thuốc lá tên Vladilen V. Nikitin. Sau đó chính quyền Soviet phải nhập cảng ngay thuốc lá của Bungari để bù vào chỗ thiếu hụt. Nhờ lòng nhân từ, không đàn áp biểu tình như các lãnh tụ Soviet khác thường làm, mà hỗ trợ đòi hỏi chính đáng của dân, Gorbachev xứng đáng len lỏi vào được một chỗ khiêm nhường trong lịch sử của thuốc lá.

 

Hút thuốc có khi không phải để bày tỏ, phản kháng gì cả mà chỉ là vì ghiền quá, không thể bỏ, nên cứ tiếp tục hút. Nhất là khi hãng thuốc lá luôn luôn theo dõi thời cuộc, canh tân, cải tiến hoặc trình làng những dạng thuốc lá mới nói là ít độc hại vì đã giảm lượng nicotine, chưa kể còn thêm vào những hương vị mới. Tuy nhiên, trường hợp không thể bỏ hút của J.P. Sartre thì khá đặc biệt, xin trình bầy dưới đây.

 

Theo Simone de Beauvoir, Sartre hút 2 bao Gauloises mỗi ngày và cũng hút tẩu nữa. Stendhal có nói về kết tinh trong tình yêu: khi người yêu xuất hiện thì nàng biểu thị cả bầu trời, bãi biển, đại dương chung quanh nàng. Sartre quảng diễn ý này, cho rằng mỗi vật có bối cảnh là thế giới chung quanh nó, khi cái biểu thị này được sở hữu thì cái thế giới đó cũng thuộc về người chủ một cách biểu tượng. Hút thuốc biểu hiện tương tự, chiếm đoạt cả cái thế giới chung quanh thuốc lá, nhưng với một tính cách hủy hoại, vì tobacco đã tan thành khói. Hút thuốc là một nghi thức hiến tế (sacrificial ceremony), trong đó biến mất của một cái gì cụ thể (thuốc lá) được đền bù vô hạn bằng có được biểu tượng chiếm hữu (vào trong người) cả thế giới chung quanh thuốc lá. Cho nên nếu bỏ hút thuốc thì sẽ làm nghèo đi cái thế giới và cái tôi; điều này tất nhiên khó có thể dung nạp. Ông kết luận: "cuộc đời không có thuốc lá thì không đáng sống". Câu này thật ra trước kia đã được phát ngôn bởi nhân vật Sganarelle trong hài kịch Don Juan của Molìère.

 

J.P. Sartre

Humphrey Bogart

Audrey Hepburn

Colette

 

Hút thuốc là cách tỏ thái độ như trên, đi xa thêm một bước, còn là cách khẳng định giới tính, đẳng cấp, căn cước trong xã hội. Số phụ nữ hút thuốc không nhiều và họ không hút cigar, không hút tẩu, cùng lắm xử dụng ống hút thon dài thanh nhã..Cung cách rút thuốc, cầm thuốc, hút thuốc, bật lửa... cũng khác nam giới, chưa kể còn thường kèm thêm cử chỉ làm duyên như hất tóc, ngoẹo cổ, nghiêng đầu... Thuốc thường loại nhẹ như Salem, Virginia Slims... Nam giới dùng thuốc mạnh như Lucky, Camel, Marlboro, Bastos... và thao  tác hút thuốc thường mạnh bạo, nhanh lẹ, dứt khoát, thích dùng bật lửa Zippo, thường dập dập đầu điếu thuốc trên bao thuốc để làm dáng, cũng như biểu diễn thở ra khói hình vòng tròn lâu tan...Hút thuốc vừa là nguồn trông thấy của khoái cảm thể xác vừa là một biểu tượng đời sống ái tình của phụ nữ. Cho nên nam giới nhìn thấy phụ nữ hút thuốc thường có cảm giác lẫn lộn: trông buồn cười, dễ thương, quyến rũ làm mình bị kích thích mạnh, nhưng cũng phải dè chừng vì nàng thuộc loại tân tiến. Thời trang không cho cơ hội để nhấn mạnh nhẫn kim cương, đá quý, đồng hồ Carter, Rolex...đeo ở tay, thì có thể dùng thuốc lá để phô trương sang giầu. Bàn tay khua khua trước mặt khi hút thuốc là dịp hãnh diện đề trình làng quý kim sáng loáng đắt tiền một cách tự nhiên.

 

Tùy thuốc tiêu thụ loại đắt tiền (ba số 555, Craven A, Dunhill...) hay rẻ tiền (Capstan. Bastos...) người ta biết chủ nhân thuộc đẳng cấp nào. Thói thường là thích khoe khoang, nhưng Hồ Chí Minh lại chỉ khiêm nhường xuất hiện trước công chúng với thuốc lá rẻ tiền nội địa. Kẻ xấu bảo bác chỉ xảo quyệt đóng kịch, trước mặt dân thì làm như bình dị vô sản, nhưng trong chỗ riêng tư chuyên môn hút Craven A, ba số 555. Chuyện này chẳng biết đúng sai. Nhân đây cũng xin ghi nhận, trước kia có cảnh vài người VN hút thuốc lào nơi công cộng. Có người cho đây là một kiểu làm dáng, vì có mốt của một số tù cải tạo lâu năm, trong tù không có thuốc lá phải thay bằng thuốc lào, và nay ghiền, hút nơi công cộng có thể là để chứng tỏ mình cải tạo lâu năm, có giá trị hơn, được cảm tình hơn.

 

Đặc biệt muốn chứng tỏ là dân chơi sang thì phải hút cigar, hút tẩu, vì cái thú này không phải dành cho mọi người, bởi đòi hỏi phải có tiền bạc và thời giờ. Có những tẩu làm bằng gỗ và kim loại quý, trạm trổ cầu kỳ, giá rất đắt, chưa kể thuốc sợi cũng nhiều loại giá cả khác nhau. Phải có thì giờ để nhẩn nha lau chùi tẩu, chuẩn bị thuốc, và chậm chạp nhâm nhi hút, không được hút nhanh vì như thế là hỏng bét, chả còn hương vị gì. Xưa kia chỉ một số ít chính khách, văn nghệ sĩ hút tẩu, nhưng ngày nay tư bản đỏ lên chân, đã thấy nhiều quảng cáo và chỉ dẫn hút tẩu trên truyền thông VN, khiến có người nghĩ đến câu "chuột chù húp giấm." Câu này cũng thường dùng để chế nhạo những người không quen hút thuốc lá, ngậm điếu thuốc lá trong miệng vụng về, không giống ai, và thường không hít khói vào phổi mà thở khói ra miệng liền ngay sau khi hút thuốc vào. Nhiều người nại cớ chọn hút tẩu vì ít hại hơn thuốc lá, nhưng có lẽ đúng hơn, phong trào này chỉ là một kiểu trưởng giả học làm sang.

 

Thuốc lá cho thấy cá tính người hút. Điều này đã được phim ảnh khai thác triệt để. Không biết có phải do hãng sản xuất thuốc lá đứng đàng sau không, nhưng thời gian trước khi có lệnh cấm cảnh hút thuốc trên màn bạc, thì phim nào cũng nhiều cảnh tài tử hút thuốc,  coi như là thêm một kiểu phụ đề, làm nổi rõ tâm trạng, tình huống để phim sống thực hơn, tay chân tài tử bớt thừa thãi. Trong phim Casablanca Humphrey Bogart xuất hiện cả trăm lần với những cung cách hút thuốc khác nhau tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh. Đạo diễn Basil Dean nói về tài tử Noel Coward trong phim The Second Man, 1928, như sau: "Không được có sự cố. Mọi tác dụng phải sắc bén, rõ ràng như kim cương. Bằng thí dụ nhỏ anh đã học được - không ai hiệu quả bằng - cách dùng thuốc lá như một dụng cụ để biểu thị trạng thái; và thông minh sắc sảo xen vào cú bật lửa, hoặc vẻ bực tức, giận dữ dí đầu thuốc lá vào khay đựng tàn thuốc".

 

Các phim And Quiet on the Western Front (E. M. Remarque) và For Whom the Bell Tolls (E. Hemingway) cũng đầy những cảnh hút thuốc vì thuốc lá và chiến tranh luôn luôn đi đôi với nhau. Thuốc lá là bạn của binh sĩ là điều dễ hiểu: hút để quên đi thực tại, để chống lại nhàm chán, sợ hãi, nóng lạnh khắc nghiệt, kỷ luật khắt khe, cái chết rình rập, cái phi lý của sống chết; thuốc lá thay thế cho tình yêu, tự do, ước muốn được tắm rửa sạch sẽ, đầu trần, hít thở không khí tươi mát trong lành... Thuốc lá còn thắt chặt tình đồng đội, tương trợ, cùng sống chết có nhau. Trong trại tù, thuốc lá cũng có những ý nghĩa tương tự giữa các tù nhân. Tướng Pershing cầm đầu Lực Lượng Viễn Chinh Mỹ, khi được hỏi cần gì để thắng trận, trả lời cần thuốc lá nhiều như đạn dược. Trước đây binh sĩ Mỹ luôn luôn có thuốc lá trong khẩu phần.

 

Thuốc lá dân chủ, không phân biệt ranh giới, có khi còn nhân đạo, xóa bỏ chiến tuyến hận thù. Người lạ khác quốc tịch mời nhau điếu thuốc là có sự thông cảm nhanh chóng. Giữa là giây thép gai, binh lính hai bên vẫn có thể mời nhau điếu thuốc vào dịp ngưng bắn lễ Giáng Sinh. Có lẽ cũng chẳng binh sĩ nào hẹp lượng mà không cho tù nhân một điếu thuốc khi được hỏi xin, có khi còn tự nguyện cho, chẳng cần đợi hỏi. Trong truyện Platoon của Dale A. Dye (dựa trên kịch bản của phim cùng tên do Oliver Stone đạo diễn) về chiến tranh VN, có đoạn kể: "Sau cùng, ông già (VC) trong làng dơ bàn tay xương xẩu vớ lấy một điếu thuốc đã được vấn sẵn bằng tay và thẩy nó vào miệng, nằm tòn ten giữa cặp môi dính vết trầu đỏ tía. 'Ông ta muốn mồi lửa, Cho ông ta mồi lửa, Tony.' Hoyt đánh diêm nhưng không làm sao mồi lửa được điếu thuốc đã nát bươm của ông già." 

 

Thuốc lá đóng vai quan trọng trong tương quan luyến ái. Thật không gì dễ dàng và tự nhiên hơn để làm quen phụ nữ bằng mồi lửa thuốc lá cho nàng. Một cô vừa rút điếu thuốc ra khỏi bao là vài chàng đã xông tới sẵn sàng với diêm quẹt, bật lửa. Ngày nay do cấm hút thuốc trong tiệm, văn phòng... người hút thuốc phải ra ngoài, đứng hút trên vệ đường, ngoài hiên... đã mở ra cơ hội mới cho làm quen, tán tỉnh. Túm tụm với nhau trong một chỗ hẹp khiến dễ dàng bắt chuyện, nhất là khi ngoài trời khung cảnh, thời tiết hữu tình, thuận lợi, và thế là tán tỉnh, hẹn hò khởi đầu từ đây. Lối tán tỉnh kiểu mới này đã cho một từ Anh ngữ mới: "smirting" nghĩa là tán tỉnh trong khi hút thuốc, có lẽ xuất hiện khoảng 2003 tại New York.

 

Tình yêu có thuốc lá hình như trở nên phong phú hơn. Cặp tình nhân cảm thấy tẻ nhạt, chân tay thừa, vụng về nếu không có điếu thuốc để qua cung cách rút thuốc, cầm thuốc, mồi lửa... khác nhau, làm nổi rõ giới tính; và thân mật lãng mạn hơn trong khói thuốc lan tỏa, chưa kể nếu hút chung một điếu thuốc thì càng tình tứ hơn nữa. Thuốc lá làm ngôn ngữ thân xác (body language) giữa các người yêu nhau trở nên nổi bật, đa dạng, đa nghĩa mà người trong cuộc phải để ý nhận biết, từ cách ngậm hút điếu thuốc đến cử động của đầu mình chân tay. 

 

Thuốc lá còn tạo cơ hội để diễn tả những hoàn cảnh, tâm trạng liên quan đến ái tình, bằng cách biến tên hiệu của thuốc lá thành một diễn ngôn đầy đủ ý nghĩa, Xin liệt kê vài thí dụ.

SALEM = Sao Anh Làm Em Mệt, hay đọc ngược lại, Mà Em Làm Anh Sướng
CAPSTAN = Chiếc Áo Phong Sương Tình Ân Nghĩa, Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát.
hay đọc ngược lại, Nặng Áo Thư Sinh Phụ Áo Chàng, Nhờ Anh Tốt Số Phận Anh Còn
PALL MALL = Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu 

 

Hút thuốc có liên quan đến tính dục. Năm 1960 kết quả tìm hiểu tâm lý cá tính của 8963 người qua test EPPS (Edwards Personal Preference Schedule) cho thấy nam hút thuốc được điểm cao hơn (so với điểm trung bình của dân cả nước) về tình dục, năng nổ,  làm chủ, thành đạt; và điểm thấp hơn về phục tùng, trật tự, nhún nhường, hợp tác. Nói cách khác, hút thuốc càng nhiều thì nhu cầu về tình dục, làm chủ, thành đạt... càng cao. Phụ nữ cũng công nhận cái hôn có mùi thuốc lá quyến rũ hơn. Và một hiển nhiên là sau cuộc mây mưa hút thuốc hình như làm dư vị ân ái kéo dài thêm, thỏa mãn sâu lắng hơn. Chẳng biết có đúng không mà Woody Allen bảo "Remember, if you smoke after sex you're doing it too fast." {Nhớ rằng, nếu bạn hút thuốc sau khi ân ái bạn đã làm tình quá nhanh).

 

Tuy nhiên, trái ngược lại, để công bằng, không thể quên ghi nhận ở đây, cũng đã có những cố gắng khuyên bỏ hút thuốc bằng cách nhấn mạnh đến tác dụng tai hại của thuốc lá đối với sex, với hình ảnh điếu thuốc bị bẻ cong xuống, tượng trưng cho bất lực. Cũng như đã có những nhắc nhở các ông rằng nhiều bà ly dị chồng chỉ vì không thể chịu nổi mùi thuốc lá.

 

Tổng kết những nhận xét trình bầy trên đây về các mặt lịch sử, xã hội, văn học, triết lý, y khoa, luyến ái, tính dục, chiến tranh, điện ảnh, thương mại...  của hút thuốc cho thấy đây là một hiện tượng văn hóa phức tạp mang nhiều ý nghĩa khác nhau, chứ không phải chỉ là chuyện độc hại của thuốc lá. Nhất là cái độc hại không phải hiển nhiên mà lâu dài mới thấy, cũng như không có thang điểm cụ thể cho biết mức độc hại từng bước tiến triển ra sao. Số dân Trung Hoa hút nhiều là vì đa số không tin độc hại như khuyến cáo. 

 

Thành thử, một mặt, như đã thấy, thuốc lá tự nó có một số lợi ích hiển nhiên đáng kể, cũng như phục vụ tốt nhiều mục đích cá nhân; và mặt khác, trái cấm luôn luôn quyến rũ, thói quen ghiền khó bỏ, cộng với vận động mạnh mẽ, khuyến mãi hấp dẫn của hãng thuốc lá chỉ biết lợi nhuận, không quan tâm đến đạo đức, các biện pháp kiềm chế, cấm đoán thuốc lá đã không kết quả như mong đợi. 

 

Trong 5 thế kỷ qua người hút thuốc và hãng sản xuất đã bị nhiều bách hại, có khi mất mạng; nhưng xem ra có vẻ như là một nhóm các nhà hữu trách trong lập pháp, hành pháp, tư pháp, tôn giáo và con ngáo ộp ung thư phổi khó thể quật ngã được thói quen hút thuốc và kỹ nghệ thuốc lá.

 

 

Phạm đức Thân 



 

                                                  

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.