Apr 28, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Hà Thượng Nhân Đọc Thơ Huệ Thu
Hà Thượng Nhân * đăng lúc 12:17:34 AM, Apr 23, 2023 * Số lần xem: 1113
Hình ảnh
#1
#2
       
                             



Tâm Cảm HTN Viết Gửi Huệ Thu 


Tiếng ru của mẹ thuở nào thẩm thấu, lắng đọng sâu tiềm thức trẻ thơ, để - khi lớn lên, khoác chiếc áo dài đồng phục màu xanh biển của trường Trung học Bùi thị Xuân Đà Lạt, Huệ Thu đi vào ảo thực thi ca bằng những cảm nghĩ đầu đời thiết tha, trong sáng, nồng nàn tình tự ca dao... Thành phố sương mù, nơi chị sinh ra, và cho đến lúc trưởng thành, đã trao gửi cho Huệ Thu thiên nhiên, vạn vật, trăm màu, trăm vẻ, qua đó Huệ Thu hình thành thi tập SƯƠNG CHIỀU THU ĐỌNG 1994. Tiếp theo những năm sau đó, các thi phẩm khác lần lượt được ấn hành tại thành phố Thung Lũng San Jose, nơi Huệ Thu chọn làm quê hương tỵ nạn:
Mở Ngõ Phù Vân 1995 - Lục Bát Huệ Thu 1997 - Đầu Non Mây Trắng 1998 v-Tứ Tuyệt Huệ Thu 1998.

Qua các thi tập vừa kể của chị, người đọc có thể nhận diện chân dung thơ Huệ Thu từ bối cảnh cõi sống, từ nguồn ngọn tâm tình riêng tư và sự thôi thúc giải bày, trang trải.
Nhập vào dòng chảy của đoàn người lưu xứ, nhà thơ nữ này đã từng trăn trở nhiều về nỗi buồn ly hương, sau khi đành đoạn phải ra đi vì không thể tìm thấy an bình như đã từng mơ ước. Cuộc vượt thoát, qua những lần đi hiểm nguy, một còn, một mất, với tâm nguyện thà đi, dù rủi ro không đến còn hơn chịu chôn chặt giữa trùng trùng vây hãm ngay trong lòng sông núi quê nhà.

Cuộc sống vốn dĩ là một phạm trù triết lý phức hợp, với nhiều nan đề, vấn nạn. Khi ước muốn đã đạt, ngẩng nhìn vòm trời cao rộng, hít thở không khí tự do, cũng là lúc người thơ lại bắt đầu một cuộc trở về bằng tâm thức:

Gọi quê hương, gọi hoài trên đất Mỹ
Việt Nam ơi! Đà lạt của tôi ơi!

Thúy Kiều của Nguyễn Du, mười lăm năm luân lạc, kết thúc bằng một tương phùng, với Huệ Thu, mười lăm năm – thời gian còn mãi lênh đênh vô định, chưa thấy cuộc tương phùng thì đã mất mát máu thịt thân yêu:

Mười lăm năm mỗi ngày thêm
Quê hương mây phủ, trắng thềm Ca Dao
Mẹ chờ nước mắt chao chao
Cha mong, thất vọng đã vào huyệt sâu
(Lục Bát Tha Hương)

Và cứ thế, con người phải dấn bước theo bóng thời gian, đi về phía trước, nhìn lại phía sau, từng đường nét đậm nhạt, quê hương mờ khuất cuối trời mây:

Đường đi - một bước - dặm dài
Quê hương - nhìn lại - xa ngoài chân mây!

Thơ là nguồn tái tạo hy vọng, phác họa ước mơ, cứu rỗi lỡ lầm, nhưng Thơ cũng gieo vào tâm trạng con người ảo giác của quá khứ, âm vọng khô khốc, bẽ bàng... Dù đang thênh thang dưới vòm trời tự do, dĩ vãng khắc nghiệt vẫn bám theo ám ảnh con người. Tiếng kẻng răn đe, thôi thúc trong một xã hội rập khuôn theo hệ thống trại tù, trại lính một thời chưa phai nhạt trong tâm trí, khiến nhà thơ băn khoăn tình chung riêng, thắc mắc, u-hoài, nghi hoặc, cô đơn:

Tình riêng - con cá lặng lờ
Tình chung - con nhện giăng tơ... một mình!
Còn gì để gọi là tin
Quê hương - tiếng kẻng cầm canh, chắc còn?
(Nửa Đêm Trong Vườn Riêng Một Cõi)

Ký ức nhà thơ lại hằn lên nỗi nhớ từng con đường thân thuộc của thủ đô miền Nam, Công Lý, Lê Lợi của Sài Gòn. Quên sao được những tất tả, lận đận với kế sinh nhai giữa buổi giao thời, nhiễu nhương, bất ổn ấy, ngồi bán sách “xôn” lề đường, qua ngày đoạn tháng giữa Sài Gòn đổi màu, đổi chủ:

Sài Gòn
Công Lý băng ngang
Lê Lợi xẻ dọc những hàng sách xôn
Nhớ hoài một thuở kiếm cơm
Ngồi bên đống sách, nhai sờn gáy da.
( Sài Gòn Ơi)

Với quê hương hôm nay – quê hương hoài niệm, với Sài Gòn – biết bao nỗi nhớ thương, Huệ Thu đã đi tìm quê hương trên đất Mỹ, giữa dòng hiện thực mà lui vào siêu thực, mộng mị. Lời độc thoại chất nặng ưu tư, ẩn ức:

Sài Gòn
Ôi nhớ, ôi thương
Sao đây cũng nắng, đâu đường lá me
Sài Gòn nỡ bỏ ra đi
Mười năm chưa có buổi về là sao?

Sài Gòn
Ai đến với tôi
Ru cho nghe với những lời Ca Dao
Đèn xanh, đèn đỏ, xôn xao
Ở đây nước Mỹ, chỗ nào quê hương?
(Sài Gòn Ơi)

Thơ Huệ Thu, tình và cảnh đều mang ấn tượng. Một bông hoa, lá cỏ, cành cây, gió nắng, sương mưa, thiên nhiên, vạn vật... đều được tác giả gửi gắm nhiều tình ý âm sắc đầy cảm xúc:
Tôi từ Lũng Nắng lên đây
Ngắm sương vùng Vịnh, ngắm cây bạc đầu
Thấy mình như ở đời sau
Hồn bay lãng đãng chỗ nào vu vơ...
......

Sương mù... ơi sương mông mênh
Xe qua Gold’ Gate tôi chìm trong sương
Sương mờ. Đèn mở - Xe nương
Tưởng đâu ánh mắt ai buồn dõi theo.
(Sương Mù Ở San Francisco)

Tâm trạng của kẻ tha phương khắc khoải, trăn trở đều khắp trong thơ Huệ Thu. Không chỉ tình chung sông núi, mà ngay cả tình riêng thi sĩ . Tình yêu của Huệ Thu - mối tình Thơ nặng khối đá tảng, mà thanh thoát vút cao, nhẹ như tơ trời, ảo mờ trong hiện hữu...

Giữa cơn lốc, đôi khi nghiệt ngã của tình yêu, mịt mờ ngày tới, con nguời đồng điệu thi ca không nản lòng sờn chí, vẫn tin đối tượng của con tim: “Tôi còn yêu! Dẫu tương lai mù mịt. Bởi tình anh là ánh sáng nhiệm màu”. Niềm tin ấy làm lấp lánh nhân sinh quan của nhà thơ nữ này, càng thêm yêu cuộc sống và cuộc sống thật đáng yêu:

Khi xưa, của những người hiền
Khi nay, của những người quên chuyện đời
Khi nao trong cõi con người
Đời cay đắng mấy, nụ cười vẫn thơm.

Huệ Thu có nhiều câu thơ hay. Nhiều câu xứng đáng là những câu thơ tuyệt cú của chị.
Thơ Huệ Thu phong phú ngôn từ, ý tưởng gợi cảm. Âm điệu Lục bát mang nét đẹp Nguyễn Du. Tập Tứ Tuyệt Huệ Thu với 118 bài thơ là 118 bông hoa đẹp hài hòa thanh sắc, đan kết giữa ý và từ. Lục Bát, Tứ Tuyệt là cái rất riêng của Huệ Thu, một Huệ Thu tinh tế từng cảm xúc của những nỗi đau thế sự, tình yêu, và thân phận. 

bài viết này post trên vantuyen
 HTN

              
 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.