May 02, 2024

Biên khảo

Những Bài Viết Về Tàn Đà do nhiều tác giả biên soạn
Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) * đăng lúc 03:35:47 AM, Feb 21, 2015 * Số lần xem: 2258

Tản Đà - Người mở đầu thơ Việt Nam hiện đại

 

         Kiều Thu Hoạch

 Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) - người làng Khê Thượng, xã Sơn Đà (Ba Vì, Hà Tây) - được coi là nhà thơ, nhà văn, nhà báo tiêu biểu trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20. Với những bài thơ có tư tưởng cách tân, vượt ra ngoài lối thơ niêm luật gò bó, Tản Đà là người mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Ông có thơ ngông, thơ buồn, thơ say, thơ lãng mạn... nhưng tất thảy đều thể hiện tấm lòng yêu nước thương nòi. Tản Đà cũng là người đóng vai trò khai sáng và tiên phong trong văn xuôi nghệ thuật.

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Ông sinh năm 1889, mất năm 1939. (1)

Cha ông là Nguyễn Danh Kế, đậu cử nhân thời Tự Đức, được bổ tri huyện, tri phủ, rồi án sát, nên ông được "tập ấm", thường gọi là Ấm Hiếu. Mẹ ông là một đào nương nổi tiếng tài sắc ở phố Hàng Thao, Nam Thành, lấy lẽ thứ ba ông Nguyễn Danh Kế và Ấm Hiếu là con thứ tư, mà cũng là con út của bà.

Năm Ấm Hiếu lên ba tuổi thì bố mất, sau đó mẹ ông lại trở về nghề cũ. Từ bấy giờ, ông được người anh cùng cha khác mẹ là Giáo thụ Nguyễn Tài Tích nuôi dưỡng.

Theo tác phẩm Giấc mộng lớn, một cuốn tự truyện của Tản Đà, đồng thời là cuốn tự truyện đầu tiên của văn học Việt Nam, thì ông đã thi hỏng luôn hai khóa ở trường Nam (trường thi Nam Định). Sau lần hỏng thi khoa Nhâm Tý (1912), ông mới thôi nghề khoa cử. Lúc này, ông có dịp được đọc các tân thư Trung Quốc dịch của người Thái Tây (2) và rất ham đọc báo chí Trung Quốc. Sự nghiệp làm báo của Tản Đà bắt đầu được khơi gợi từ đây. Chính trong "Giấc mộng lớn", ông đã viết: "Ngoài sự làm văn thơ, chỉ mê thiết xem các thứ nhật trình Tàu. Cảnh ngộ vô tình mà cái cơ duyên báo chí sau này cũng phát đoan (3) từ đấy". Trong thời kỳ này, Tản Đà còn được người anh rể Nguyễn Thiện Kế dìu dắt vào con đường văn chương. Nguyễn Thiện Kế từng làm tri huyện Tùng Thiện và Phúc Thọ của xứ Đoài, vốn là một nhà thơ trào phúng nổi tiếng đương thời, lại là người chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ 20, thường làm thơ đả kích táo bạo bọn quan lại cao cấp, tay sai của thực dân Pháp. Trong "Giấc mộng lớn", Tản Đà tỏ ra hết sức kính phục tài văn chương của quan huyện Nguyễn Thiện Kế, gọi ông là đại thi hào, đồng thời cũng ghi nhận ảnh hưởng của nhà thơ này đối với mình: "Cái sinh nhai quốc văn của mình có hay hơn mười năm nay, thực từ trong lúc thanh niên, có quan huyện - Nguyễn Thiện Kế, phát đoan, dẫn đạo".

Tác phẩm đầu tiên của Tản Đà được công bố trước công chúng là những bài tản văn đăng ở "Đông Dương tạp chí", năm 1915. Văn của Tản Đà ngay từ khi ra mắt bạn đọc đã nổi tiếng, đến mức "Đông Dương tạp chí" phải mở riêng một mục là Tản Đà văn tập chuyên đăng tải văn của ông, và Tòa soạn đã ghi nhận xét rằng: "Bản quán duyệt qua tập văn ấy, thì thấy ông Nguyễn Khắc Hiếu cũng là một văn sĩ có biệt tài, có lý tưởng riêng, ngắm cảnh vật một cách kỳ khôi, lạ thay cho một bậc thiếu niên!".

Và suốt từ đó cho đến năm 1939 là năm Tản Đà mất, ông đã sáng tác liên tục không mệt mỏi một khối lượng đồ sộ gồm đủ loại thơ, văn, truyện, ca kịch, các làn điệu dân ca, từ khúc, diễn ca, dịch văn học cổ điển Trung Quốc như thơ Đường và Kinh Thi, chú giải Truyện Kiều... Hiện nay, giới khoa học đã sưu tập được khoảng trên 30 tác phẩm gồm các văn tập, thi tập của ông như: Khối tình con, Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Còn chơi; Thơ trên các báo và An Nam tạp chí, Thần tiền, Lên sáu, Lên tám, Tản Đà tản văn, Tản Đà tùng văn, Truyện thế gian, Nhàn tưởng, Thơ Tản Đà,v.v.

Điều lạ kỳ là Tản Đà là người học chữ Hán, theo lối học cử nghiệp, vốn quen thuộc với văn sách, với phú, với lối văn tứ lục, với thơ luật Đường... thế mà ông viết văn xuôi lại rất hay, rất sắc sảo, rất nhuần nhuyễn, thuần thục. Năm 1916, khi tác phẩm "Giấc mộng con I" ra đời, Dương Bá Trạc đề tựa cho Tản Đà đã phải khen: "Mới mươi mười lăm năm nay, sĩ phu trong nước mới có cái khuynh hướng về văn quốc âm, giọng Hàn Thuyên, hồn Đại Việt đã lập lòe một tia lửa sáng xuất hiện trong văn giới hoàn cầu. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Sơn Tây, chính là một tay kiện tướng trên trường hàn mặc ấy!". "Giấc mộng con I" cũng như "Giấc mộng con II" là hai tập du ký tưởng tượng, có thể coi đây là tiểu thuyết viễn tưởng của Tản Đà. Ở "Giấc mộng con I", Tản Đà chỉ lấy tư liệu trên báo chí mà tả lại những nơi danh thắng trên thế giới, như thác nước Niagara ở Canada, đền Taj-Mahal ở ấn Độ, Kim Tự Tháp ở Ai Cập..., thế mà ông miêu tả sống động, hứng thú y như là chính mình đã tới chơi những nơi đó thật. Ở "Giấc mộng con II", ông kể chuyện cuộc chơi lên thiên đình, gặp các danh nhân lịch sử thế giới và Việt Nam, như Lư Thoa (J.J.Rousseau), Đông Phương Sóc, Khổng Tử, Hàn Thuyên, Nguyễn Trãi, Chiêu Quân, Dương Quý Phi... Qua hai cuộc viễn du tưởng tượng, tác giả muốn đưa mọi người đến những thế giới lý tưởng, diệu kỳ, đến với những cảnh sắc tươi đẹp, gặp gỡ những nhân vật tài hoa. ở đó chỉ có cái đẹp, cái cao thượng, tình yêu thương và lòng tôn trọng lẫn nhau, khác hẳn cái xã hội xấu xa nơi trần giới. Tác phẩm vừa có giá trị hiện thực phê phán lại vừa có ý nghĩa lãng mạn, thể hiện những ước vọng nhân văn của tác giả.

Tản Đà là người thích mở rộng, và có một trí tưởng tượng rất phong phú, song nhiều khi mơ mộng, tưởng tượng chỉ là những yếu tố thi pháp trong cá tính sáng tạo của ông, và điều đó không hề làm giảm giá trị phản ánh hiện thực xã hội và ý nghĩa phê phán của tác phẩm. Trường hợp tiểu thuyết "Thần tiền" chẳng hạn, là như vậy. ở đấy, với giọng văn châm biếm hài hước, tác giả đã mượn lời hai chị em đồng tiền nói với nhau để tố cáo thói ăn tiền bẩn thỉu của bọn quan lại: "Khi đã vào trong cửa quan, trên thời quan nha, dưới thời lính tráng, dân sự, mà các ông ấy để mình nằm trần truồng ra trước công đường. Lúc ấy thẹn phải chết... Ngồi đấy, rồi thấy quan cũng thét mắng luôn, nhưng về các dân sự chứ không phải là quát mắng mình, mà mình thỉnh thoảng thấy quan nhìn mình thời nó như có ý thương yêu lắm!". Cách kể chuyện như vậy thật là hóm hỉnh và hấp dẫn.

Tuy nhiên, trong nhiều bài văn ngắn, tùy bút, bút ký, nghị luận, ngọn bút Tản Đà có khi chẳng cần bóng gió mà đả kích trực diện vào bọn quan lại bất lương, vào tầng lớp trên vô liêm sỉ, đồng thời tỏ ý bênh vực những người nghèo khổ, lương thiện, ca ngợi lòng yêu nước, thương nòi. Chẳng hạn trong tạp văn "Thế nào là hạng người hạ lưu trong xã hội", đăng ở Đông Pháp thời báo năm 1927, Tản Đà viết: "Nay nghĩ như những người quan cao chức lớn, cửa rộng nhà to, mũ áo đai cân, mề đay kim khánh mà gian tham, xiểm nịnh, bất nghĩa vô lương, hút máu mủ của dân thứ để nuôi béo vợ con, hiến vợ con cho người ta để giữ bền phú quý, như thế có phải là hạng người hạ lưu hay không?". Hoặc một đoạn khác ông viết: "Nếu trong hạ đẳng xã hội ta mà có những ai biết thờ cha kính mẹ, yêu nước thương nòi, thời tức là người thượng lưu vậy". Tác giả lấy đạo đức con người mà không lấy sự giàu nghèo làm tiêu chuẩn để phân biệt thượng lưu, hạ lưu. Trong xã hội phong kiến thực dân, đạo đức suy đồi, luân thường đảo ngược, cái ác đang ngự trị, cái lợi cái danh đang chi phối cuộc sống mà Tản Đà lại công nhiên viết trên báo như vậy, há chẳng phải là một nhà văn, nhà báo đầy khí phách, đầy dũng khí? (Chính vì vậy mà bọn quan lại thực dân phong kiến đã tỏ ra không ưa ông, thường để ý xét nét, rình rập ông; điều này ông có ghi rõ trong tập Giấc mộng lớn).

Văn xuôi Tản Đà còn có những thiên tùy bút, bút ký, tiểu phẩm, chan chứa tình cảm nhân đạo chủ nghĩa, thể hiện sự thông cảm sâu sắc với những nỗi khổ nhục của đồng bào trong kiếp sống nô lệ, lầm than. Đó chính là loại văn mà Tản Đà gọi là văn vị đời. Các bài "Cảnh nhà nghèo lấy vợ", "Cảnh túng đi vay tiền"... là những tác phẩm như vậy.

Nhìn chung, văn xuôi Tản Đà đã đề cập đến nhiều vấn đề của xã hội đương thời, bằng một lối văn giàu tính nghệ thuật, hấp dẫn, sáng tạo, mới mẻ, có bản lĩnh, bản sắc riêng.

Có thể thấy rằng đó là thời điểm quốc văn mới phôi thai, mới bắt đầu, mà lại là văn xuôi nghệ thuật, thì mới thấy hết vai trò khai sáng và tiên phong của Tản Đà.

Trong lĩnh vực thi ca cũng vậy, thơ Tản Đà là thứ thơ có bản lĩnh, bản sắc riêng, không lẫn vào đâu được. Song giá trị lớn lao và đặc sắc hơn cả cũng vẫn là ở vị trí dẫn đạo của ông trên thi đàn đầu thế kỷ. Mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam (1941), Hoài Thanh và Hoài Chân trong bài Cung chiêu anh hồn Tản Đà đã viết những lời trân trọng: "... Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn 20 năm trước, đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa". Trước đó, trong tuần báo Ngày nay (số ra ngày 17-6-1939), Xuân Diệu, một người say mê thơ Tản Đà từ nhỏ, cũng đã viết: "Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại".

Đương nhiên, Tản Đà chưa phải là một nhà thơ mới như các nhà thơ mới lớp sau ông. Nhưng rõ ràng, ông là nhà thơ đã có tư tưởng cách tân, có nhiều tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ:

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một phút trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Đá mòn rêu nhạt
Nước chảy hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

(Tống biệt)

Trong thời buổi mà lối thơ niêm luật gò bó đang còn phổ biến, thì lối thơ như bài Tống biệt này của Tản Đà quả thật là mới, rất mới!

Chính cái sự mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ ấy đã tạo nên "một giọng phóng túng riêng" trong phong cách thơ Tản Đà:

Trời sinh ra bác Tản Đà,
Quê hương thời có cửa nhà thì không
Nửa đời nam, bắc, tây, đông
Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly
Túi thơ đeo khắp ba kỳ,
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng...

(Thú ăn chơi)

Loại thơ phóng túng của Tản Đà còn nhiều, đọc những bài như thế, có thể liên tưởng đến giọng thơ Nguyễn Công Trứ, Tú Xương... Song cũng đúng như các tác giả "Thi nhân Việt Nam" đã nhận xét: "Cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không bao giờ có vẻ vay mượn". Cái phóng túng, cái ngang tàng ấy chính cũng là cái ngông mà Tản Đà đã tự nhận:

Vùng đất Sơn Tây này một ông,
Tuổi chưa bao nhiêu văn rất hùng,
Sông Đà núi Tản ai hun đúc,
Bút thánh câu thần sớm vãi vung...
Bởi ông hay quá ông không đỗ,
Không đỗ ông càng tốt bộ ngông!

(Tự trào, sau khi hỏng thi ở trường Nam Định, 1912).

Thơ lưng chất nặng, tay buồn rỗi,
Bán áo mà mua giấy viết ngông.

(Dạm bán áo đoạn)

Khi làm chủ báo, lúc viết mướn,
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng...
Trần gian thước đất vẫn không có,
Bút sắt chẳng hơn gì bút lông
Ngày xuân như ngựa, đầu xanh bạc,
Chán cả giang hồ, hết cả ngông

(Tiễn ông Công lên trời).

Đi liền với cái ngông là cái say, nhưng đó không phải là cái say ẩm thực tầm thường, mà là cái say của tao nhân mặc khách, cái say vì nhân thế, vì cảnh đời:

Cảnh đời gió gió, mưa mưa,
Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn
Rượu say ta lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu thơ mình lại với mình,
Khi say quên cả cái đỉnh phù du
Trăm năm thi sĩ tửu đồ là ai?

(Thơ rượu).

Và đã say không phải vì rượu mà vì đời, vì thế sự thì thật khó dứt cơn say:

Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười.

(Lại say).

Nhưng bao trùm và sâu lắng trong hồn thơ Tản Đà vẫn là cái điệu buồn vẩn vơ, cái nỗi sầu man mác và cái tình bâng khuâng, những yếu tố muôn đời của chủ nghĩa lãng mạng, nhưng lại chỉ riêng có ở Tản Đà, và đó là chủ nghĩa lãng mạng Tản Đà, nếu có thể gọi được như thế!

Mùa thu là mùa gợi buồn cho thi tứ và cũng là mùa muôn thuở của thi ca lãng mạng. Nhưng thơ thu của Tản Đà không phải chỉ có buồn mà còn có nhớ, một nỗi buồn nhớ vơ vẩn, bâng khuâng:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần giới em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơị

(Muốn làm thằng Cuội).

Suối tuôn róc rách ngang đèo,
Gió thu bay lá bóng chiều về tây
Chung quanh những lá cùng cây,
Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm...

(Vô đề)

Làn cây khuất bóng trăng tà,
Đêm thu một khắc quan hà mấy mươi
Nhớ ai đất khách quê người,
Nhớ ai góc bể bên trời bơ vơ.

(Nhớ ai)

Và đây là một bài thơ thu nổi tiếng mà chính Tản Đà đã chọn để mở đầu các giờ giảng văn ở trường Hồng Bàng, Hà Nội, bài "Cảm thu", tiễn thu:

Từ vào thu đến nay,
Gió thu hiu hắt,
Sương thu lạnh,
Trăng thu bạch,
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh,
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly.
Nhạn về én lại bay đi,
Đêm thì vượn hót ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm,
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm ố quan hà,
Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương.
Nào người cố lý tha hương,
Cảm thu ai có tư lường hỡi ai...

Tản Đà ngông, Tản Đà say, Tản Đà buồn, Tản Đà mơ mộng, có lẽ cũng chỉ là một phần cảm của ông trước buổi giao thời "gió Á mưa Âu", cái thời mà chỉ thấy:

Luân thường đổ nát, phong hóa suy,
Tiết nghĩa rẻ rúng, ân tình ly...

(Trần ai tri kỷ).

Còn trong thực tế, Tản Đà không phải là con người thoát ly, nhắm mắt trước thời cuộc. Thơ ông cũng không hiếm những bài hướng vào hiện thực xã hội, bộc lộ những tình cảm yêu nước, thương nòi:

Này những ai, này những ai,
Ai có nghe rằng việc thủy tai,
Tỉnh Bắc, tỉnh Đông cùng tỉnh Thái,
Ruộng ngập nhà chìm thây chết trôi...
Lệ đầy vơi, tình chia phôi,
Bồng bế con thơ bán khắp nơi
Năm hào một đứa trẻ lên sáu,
Cha còn sống đó, con bồ côi

(Khuyên người giúp dân lụt)

Và nói như Nguyễn Đình Chiểu: "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương". Tản Đà hay thương dân nên cũng hay ghét bọn tham quan ô lại hại dân, hại nước:

Cũng phường dối nước quân ăn cắp,
Cũng lũ tàn dân giống hại đàn.
Lạnh lẽo hơi sương tòa Tạp chí
Lệ ai giàn giụa với giang san.

(Cảm đề)

Đục nước năm nay cò lại béo,
Bao nhiêu đê vỡ bấy nhiêu tiền

(Nhớ cảnh nước lụt ở bắc).

Tản Đà rất ghét bọn ăn hối lộ, ông được biết chuyện Tuần phủ Vĩnh Yên là Đào Trọng Vận nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài đã ăn của đút gần ba nghìn đồng, ông đã gợi ý cho Ngô Tiếp viết truyện "Tờ di chúc" để tố giác vụ này, rồi ông lại viết bài thơ "Cảm đề" cho tiểu thuyết này với một giọng châm biếm khá sâu cay, chua chát:

Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn
Mặt sắt còn bia miệng thế gian,
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan...

Là một người dân mất nước, lo cho vận mệnh của Tổ quốc, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của những phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ, Tản Đà có những vần thơ cảm khái, nói đến các anh hùng dân tộc, nói đến dân vong quốc, nói đến nòi giống Tiên Rồng... thể hiện tư tưởng yêu nước một cách kín đáo. Tiêu biểu cho dòng thơ này của Tản Đà là bài "Thề non nước", một bài thơ đã đi sâu vào lòng người và được lưu truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân:

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non, nước nước không nguôi lời thề

Riêng ở xứ Đoài, bài thơ này cũng như nhiều bài phong dao của Tản Đà từ lâu đã trở thành những bài hát ru quen thuộc, như những bài hát dân gian.

Tản Đà là nhà thơ thân thương của xứ Đoài như ông đã tự khẳng định: "Tôi là người gì? ở phía Nam Đông Á, ở phía bắc Việt Nam, ở phía tây Bắc Kỳ, một người làm văn ở tỉnh Sơn Tây vậy!" (Giấc mộng lớn). Nhưng vượt khỏi "Đà Giang, Tản Lĩnh nước non quê", Tản Đà còn là nhà thơ, nhà văn, nhà báo tiêu biểu, như ngôi sao khuê rực sáng của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, đúng như Nguyễn Tuân đã nhận xét: "Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy; trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi Hội chủ; mà làng văn làng báo xứ này ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?" (4). Và Tản Đà cũng hoàn toàn xứng đáng như đánh giá của nhà thơ Xuân Diệu trên Tuần báo Ngày nay (17-6-1939) ngay sau khi Tản Đà qua đời: "Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại".

(1) Năm sinh, năm mất và thơ văn của Tản Đà đều căn cứ theo Tuyển tập Tản Đà, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996.
(2) Thái Tây: Chỉ Âu-Mỹ nói chung.
(3) Phát đoan: Bắt đầu.
(4) Dẫn lại theo Nguyễn Khắc Xương, Sđd, tr.480.


Nguồn: Văn hóa nghệ thuật.

Tản Ðà - Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939)

 

Tác giả: Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng

 

Tản Ðà  
Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939)
___
(trích Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến)
Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng

Tản Ðà là biệt hiệu (tên ghép của núi Tản và sông Ðà), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1888 lại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (Bắc phần). Thân phụ là cụ Nguyễn danh Kế, thân mẫu là ả đào hát hay, thơ giỏi, thường gọi Phủ Ba.
Tản Ðà là con dòng thứ. Ông có hai người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn tài Tích và Nguyễn Cổn; ngoài ra, còn người anh cùng mẹ là Nguyễn Mạn.
Thuở nhỏ ông theo học Hán văn, sau nhờ người anh cả là Phó bảng Nguyễn tài Tích làm đốc học, hết lòng chỉ dẫn nên ông nổi tiếng văn hay chữ tốt. Ngay lúc còn học ở trường Quy thức ông nổi danh với bài Âu Á nhị châu hiện thế, được các báo Trung hoa ở Hương cảng đăng trong mục xã thuyết.
Năm 1909, ông bị hỏng ở khoa thi Hương (Kỷ dậu).
Năm 1912, ông yêu cô gái bán sách họ Ðỗ ở phố Hàng Bồ. Tản Ðà chiều theo ý muốn của nàng đã phải dùng bằng Ấm sinh để thi Hậu bổ, nhưng bị rớt vấn đáp. Mùa thu năm ấy, ông thi Hương lại hỏng luôn. Mối tình vì đó tan vỡ ; nàng đi lấy chồng; Tản đà đành ôm mối tình tuyệt vọng từ đây.
Sau khi ông anh cả Nguyễn tài Tích mất, Tản Ðà ra làm báo. Vừa viết cho Ðông dương tạp chí của ông Nguyễn văn Vĩnh (1913), vừa viết cho Nam phong thì bị ông Phạm Quỳnh vì muốn tranh thời danh mà thẳng tay mạt sát quyển Giấc mộng con nên không hợp tác được. Ra làm chủ bút tạp chí Hữu thanh (1921); nhưng vốn là nhà thơ, không quen nghề làm báo nên không bao lâu Hữu thanh đình bản. Ông lập Tản Ðà thư cục, rồi cho ra An nam tạp chí (1926); nhưng cũng đình bản. Tản Ðà vào Gia định (Nam phần) ở tại Xóm Gà viết cho báo Thần chung và Ðông Pháp thời báo của ông Diệp văn Kỳ. Nhưng rồi ông lại ra Bắc tái bản An nam tạp chí. Tờ báo này lại chết làm tan vỡ cái mộng "bồi lại bức dư đồ" của Tản Ðà. Ông đành quay về dịch thơ Ðường cho báo Ngày nay, chú thích truyện Kiều, dịch Liêu trai chí dị cho nhà xuất bản Tân Dân.
Tác phẩm của ông suốt 25 năm trong nghề văn, nghề báo gồm có:
Tiểu thuyết :Thề non nước, Trần ai tri kỷ ( truyện ngắn, 1932 ), Giấc mộng lớn, Giấc mộng con I (1916), Giấc mộng con II (1932).
Luận thuyết : Tản Ðà tùng văn (bản chính, bản phụ), Tản Đà văn tập (hai quyển gồm những bài viết ở Đông phương tạp chí in thành sách 1932), Tản Ðà xuân sắc (1934), Khối tình (1918).
Giáo khoa : Lên sáu, Lên tám, Đài gương truyện, Quốc sử huấn mông, Ðàn bà Tàu (trích dịch liệt nữ truyện).
Dịch thuật : Đại học, Ðường thi, Liêu trai chí dị (40 truyện).
Tuồng chèo : Tây Thi, Tỳ Bà hành, Lưu Nguyễn nhập Thiên thai.
Đến năm 1939, Tản Đà qua đời tại số 71 Ngã tư Sở, ngày 20 tháng 4 năm Kỷ mão Âm lịch, nhằm ngày 7 tháng 5 năm 1939 tại Hà Nội.
*
Đem đặt Tản Đà  lên hàng đầu chiếc chiếu thi đàn Việt nam ở giai đoạn tiền chiến mở màn cho kỷ nguyên thi ca mới, có lẽ các bạn sẽ gợn lên một thoáng ngạc nhiên; nhưng rồi sự cảm xúc ấy sẽ lắng dịu ngay khi chúng ta hiểu rằng Tản Ðà là một hồn thơ cũ đã sớm cảm thông hồn thơ mới của lớp người trẻ; thi nhân đã đóng vai trò của nhịp cầu nối liền hai thế hệ tân và cựu.
Sau khi thực dân chiếm xong giải đất này, đặt ngay guồng máy cai trị, nhốt chặt muôn triệu linh hồn Việt nam, tuy chậm tiến trước sức mạnh vũ bão của cơ giới văn minh, nhưng vẫn là những tâm hồn khao khát cái cao rộng của trời xanh. Tản-Ðà tuy không phải là chiến sĩ tích cực giải phá lao lung, nhưng cũng phát lộ được ý chí "bồi lại bức dư đồ", giãi tỏ niềm ưu ái đối với quốc gia, dân tộc.
Tiếp đấy là một cuộc tấn công mới của thực dân trên địa hạt văn hóa; họ đem cái học thuật Tây phương gieo rắc sự hiểu biết cần thiết của một trách vụ phục dịch để củng cố thế đứng vững chắc trên thực dân địa; tuy nhiên nó cũng có khả năng tiêu hủy căn bản văn hóa cổ truyền của một dân tộc nhỏ bé. Ðó là hồi chuông gióng lên báo hiệu sự bắt đầu suy tàn của nền học cũ. Hồn thể của Tản Ðà đã hấp thụ thâm đậm nền Nho học Ðông phương, những mong đem sự hiểu biết của mình để thi thố với đời. Nào ngờ, ngọn gió văn minh Tây phương thổi đùa cái căn bản tri thức của Tản Ðà tan như khói tỏa, cho nên Tản Ðà đã buồn đau khi phải chứng kiến sự thoái vị của nền cựu học.
Như để cứu vãng một thân bị lỡ làng, Tản Ðà đã không bắt chước các cụ thời xưa thường hay rút về an hưởng cảnh nhàn khi chán ngán một thực tế đắng cay, hoặc lấy tay bưng bít việc đời mặc kệ sự giả dối, lật lọng, phản trắc cứ tiếp diễn; Tản Ðà khác hơn, đã thả hồn mình trong "giấc mộng con", "giấc mộng lớn", làm một cuộc viễn du vòng quanh thế giới như cố tìm hiểu tận cội rễ cái mới mẻ của nền tân học. Sau đấy, ta thấy Tản Ðà như  làm cuộc cách mạng trong tâm hồn, tư tưởng liền biến đổi, thu được khoảng cách trước bước tiến của lớp trẻ; tiếng lòng của thi nhân  được diễn đạt thành tiếng tơ réo rắt giữa cái tân kỳ của lớp người mới mà ta không cảm mấy bị lỗi nhịp hoặc sượng sùng; vì lúc bấy giờ Tản Ðà đã trang bị cho mình những gì cần thiết trong cuộc hòa nhạc. Cũng có cái lãng mạn của J. Leiba hay Hồ Dzếnh sau khi "bị tiếng sét ái tình" của người con gái họ Ðỗ; cũng có cái mộng mơ hư thực của Lưu trọng Lư, Thế Lữ; cũng có nỗi niềm tha thiết với quê hương trong mấy vần thơ của Thâm Tâm, Trần huyền Trân; lại có cái say sưa của Vũ hoàng Chương; Tản Ðà còn vượt bực hơn thi nhân trẻ ở cái ngông. Một cái ngông mà Trời còn chạy mặt; nó đã trở thành một bản án của vị trích tiên Tản Ðà còn ghi rành rành trong quyển sổ Thiên tào:
Bẩm quả có tên "Nguyễn khắc Hiếu"
Ðày xuống hạ giới về tội ngông.
                           (Bầu Trời)
Bây giờ ta thử lượt qua khái quát những dòng tư tưởng của Tản Ðà.
Trước nhất, hãy nói đến khuynh hướng lãng mạn. Sau khi bị tan vỡ mộng tình cùng nàng Ðỗ thị, Tản Ðà đã dành cho tình yêu chiếm một chỗ quan trọng trong thi ca. Từ thuở ban sơ khi tim mình bắt đầu rung động, thi nhân tự hỏi:
Quái lạ vì sao cứ nhớ nhau ?
Nhớ nhau đăng đẳng suốt đêm thâu.
Bốn phương mây nước người đôi ngả,
Hai gánh tương tư một gánh sầu.
Nhịp lòng dậy lên niềm thổn thức khi thẫn thờ cô độc đứng dưới ánh trăng suông, thảng thốt thi nhân kêu lên như than thở:
Mình ơi có nhớ ta chăng?
Nhớ mình đứng tựa ánh trăng ta sầu.
Nhớ thì vẫn nhớ đấy, nhưng từ lúc chàng trượt kỳ thi Hậu bổ, rồi lại thi Hương lần nhì hỏng nốt, con chim hồng của thi nhân vội tung cánh tuyệt mù, để lại một tâm hồn sầu tủi lỡ dở bước đường mây, tan rã giấc mộng tình. Ta hãy nghe thi nhân kêu đau trong những vần thơ nhẹ nhàng, gợi cảm:
Duyên hồ thắm bổng dưng phai lạt,
Mối tơ vương đứt nát tan tành,
Tấm riêng, riêng những thẹn mình,
Giữa đường buôn đứt gánh tình như không !
*
Ái ân thôi có ngần này,
Thề nguyền non nước đợi ngày tái sinh ...
Thực tế quá đắng cay, chua chát! Thi nhân xoay đường tình vào cõi mộng. Một "giấc mộng con" cũng đã làm thỏa mãn yêu đương còn hơn mười năm nuôi dưỡng ái tình cùng người đẹp. Tản Ðà đã đem thực tế và cõi mộng ra so sánh:
Nhớ mộng
Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời.
Những lúc canh gà ba cốc rượu,
Vài khi cánh điệp bốn phương trời.
Tìm đâu cho thấy người trong mộng,
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai?
                     (Giấc mộng con)
Thất bại đường tình ở hiện thực, thi nhan xây giấc mộng tình cùng người con gái ở tận trời Tây, nàng Chu Kiều-Oanh, phải chăng là hình ảnh nàng Ðỗ thị? Ở Giấc mộng con, chúng ta còn thấy bóng dáng người con gái mến yêu; đến bài Tống biệt, tình ái của thi nhân lờ mờ trong sương phủ. Hãy đọc:
Tống biệt
Lá đào rơi rắc lối Thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi,
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ duyên thừa, có thế thôi!
Ðá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động,
Ðầu non,
Ðường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
*
Bàn đến tinh thần ái quốc, chúng ta thấy bộc lộ sự bất mãn (1) ngay từ khi Tản Ðà va chạm phải cái thối nát của đám quan lại ở chốn trường thi; chỉ vì tin ở tài bộ có thừa mà không chịu uốn mình theo khuôn phép nên bị đánh hỏng. Ðã đau lòng trước cảnh nước nhà gặp bước suy vong lụn bại trong vòng kiềm tỏa, cương thường đạo nghĩa nghìn xưa đảo lộn, lại thêm bọn sâu dân mọt nước tiếp tay với thực dân đục khoét mảnh giang san ra tơi tả, đau thương, thi nhân đã bày tỏ ý gì trong bài:
Vịnh bức dư đồ rách
Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười,
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Ấy trước ông cha mua để lại,
Mà sau con cháu lấy làm chơi!
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi!
Tình yêu nước của Tản Ðà nhẹ nhàng, loáng thoáng. Sau khi người anh cả chết, ông nhất quyết ra làm báo vì nghĩ rằng đấy là phương tiện để ông dùng ngòi bút khí giới muôn đời của kẻ sĩ đóng góp với non sông. Tản Ðà đã lập chí như thế nào? Ta hãy nghe:
Phận nam nhi tang bồng là chí,
Chữ trượng phu ý khí nhường ai.
Non sông thề với hai vai,
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son.
Giá lúc bấy giờ lòng ông đen tối, ham chạy theo bả lợi danh, chỉ cần đồng ý với thực dân Vayrac, ra làm quan thì thoát ngay cảnh nghèo dễ như bỡn. Nhưng không, lòng ông đã nặng thề cùng non nước:
Thề non nước
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời "nguyện nước thề non",
Nước đi chưa lại non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời Tây ngã bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non, nước nước không nguôi lời thề.
*
Say và ngông của Tản Ðà phải đi đôi. Nó là trạng thái tất nhiên của một tâm hồn kết tụ bởi buồn, chán và bực tức. Buồn cho ái tình dở lỡ, bẽ bàng; chán cho tình đời đen bạc, thêm nghĩ mình sinh bất phùng thời, mang một kiếp tài hoa mà chẳng có đất thi thố để cho phường vô tài thiếu đức múa rối trên tấn kịch xã hội. Tản Ðà mới mượn câu thơ chung rượu khỏa lấp sầu tư để quên sự đời, quên cái thân hình phù du của con người. Tản Ðà vẫn viết "say sưa là hư đời", nhưng trong cái đau nhừ của thể xác thi nhân đã tìm được đôi khắc sung sướng ở tâm hồn. Nhiệt độ của men rượu quả có năng hiệu đốt cháy mọi phiền não của tâm cơ, nâng đẩy hình hài thoát khỏi thực tại chua chát, hồn phách bỗng trở nhẹ lâng lâng. Ta hãy đọc những vần dưới đây để biết tại sao Tản Ðà cần phải say:
Lại say
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thì hư vậy, say thì cứ say.
Ðất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
Say chẳng biết phen này là mấy,
Nhìn non xanh chẳng thấy lại là say
Quái! Say sao? Say mãi thế nầy?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh,
Thê ngôn túy tửu chân vô ích.
Ngã dục tiêu sầu thả tự do.
Việc trần ai, ai tỉnh, ai lo,
Say lúy túy nhỏ to đều bất kể.
Trời đấy nhỉ! Cái say là sướng thế!
Vợ khuyên chồng, ai dễ đã chừa ngay,
Muốn say lại cứ mà say.
Từ say đến ngông chỉ là một bước lân cận. Nếu tình yêu đã choán nhiều chỗ trong tác phẩm của ông, thì tánh ngông cũng không chịu kém. Có người viết về cái ngông của Tản Ðà như sau:
"Nếu đọc thơ Tản Ðà trên mọi khía cạnh mà không đọc những bài thơ cũng như những đoạn văn về ngông của ông thì thật là một lỗi lầm rất lớn và có thể cho rằng như vậy chính là chưa đọc hết thơ của Tản Ðà!"
Nếu ở mười tám năm trước đây, một Trần tế Xương suốt đời phải lận đận lao đao vì khoa cử công danh mà nảy ra tư tưởng chán đời đến độ bất cần sự đời, đâm ra lêu lỏng ăn chơi, nổi tiếng là:
"Vị xuyên có bác Tú Xương,
Quanh năm ăn quỵt, chơi lường mà thôi."
hay:
"Một ngọn đèn xanh, một quyển vàng,
Bốn con làm lính, bố làm quan.
Quạt nước chưa xong con nhảy ngược;
Trống chầu chưa dứt, bố leo thang."
Thật ra ngông không ai hơn.
Thế rồi không bao lâu, nhà thơ Tản Ðà lại tiếp tục sự nghiệp ngông ấy. Cái ngông trong thơ Tản Ðà gần như là một vấn đề phải có đối với ông, vì nó đã phản ảnh được cá tính cũng như cuộc sống lúc bấy giờ của tác giả.
Như mọi người đều biết, Tản Ðà làm văn nghệ nhưng suốt đời vẫn sống trong cảnh túng thiếu, nghèo nàn không thua gì ông tú làng Vị xuyên, nghèo đến nước:
"Ôi trời! ôi đất! ôi là tết!
Tháng cận năm cùng, gạo cũng hết."
                                (Than tết)
hay:
"Tết đến năm nay nghĩ cũng buồn,
Tiền thì không có, nợ đòi luôn."
                  (Tết than việc nhà)
Với cảnh nghèo cùng quẫn, tiền bạc không có, vay trước trả sau, Tản Ðà quá chán chường cuộc sống, nảy sinh tư tưởng bất cần đời, vì ông tin rằng "bôn ba chẳng qua thời vận" rồi ông đâm ra liều lĩnh, ăn chơi cho thỏa thích, mặc đến đâu thì đến. Làn văn chương chẳng cần mực thước, vui thì làm, buồn thì nghỉ. Những điều vừa nói, ta thấy tâm trạng của thi nhân qua bài Còn chơi, tiêu biểu khuynh hướng ngông của tác giả:
Còn chơi
Ai đã hay đâu tớ chán đời,
Ðời chưa chán tớ, tớ còn chơi.
Chơi cho thật chán, cho đời chán,
Ðời chán nhau rồi, tớ sẽ thôi.
Nói thế, can gì tớ đã thôi,
Ðời đương có tớ, tớ còn chơi.
Người ta chơi đã già đời cả,
Như tớ năm nay mới nửa đời.
Nửa đời chính độ tớ đương chơi,
Chơi muốn như sao thật sướng đời.
Người đời ai có chơi như tớ,
Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi.
Chơi văn sướng đến thế thì thôi,
Một mảnh trăng non chiếu cõi đời.
Văn vận nước nhà đương buổi mới,
Như trăng mới mọc, tớ còn chơi.
Làng văn chỉ thiếu khách đua chơi,
Dan díu, ai như tớ với đời.
Tớ đã với đời dan díu mãi,
Muốn thôi, đời cũng chửa cho thôi.
Ðời đương dang díu, chửa cho thôi,
Tớ dám xa xôi để phụ đời.
Vắng tớ bấy lâu, đời nhớ tớ,
Nhớ đời, nên tớ vội ra chơi.
Tớ hãy chơi cho qúa nửa đời,
Ðời chưa quá nửa, tớ chưa thôi.
Tớ thôi, tớ nghĩ buồn cho tớ,
Buồn cả cho đời vắng bạn chơi.
Nào những ai đâu, bạn của đời?
Sao mà bỏ vắng, ít ra chơi?
Chớ ai chờ mãi, ai đâu tá?
Hay ngán cho đời chẳng muốn chơi?
Nếu tớ như ai: cũng ngán đời,
Ðời thêm vắng bạn, lấy ai chơi?
Cuộc đời tớ nghĩ chưa nên ngán,
Nếu ngán thời xưa tớ đã thôi.
Tớ nhớ năm xưa nửa ngán đời,
Nghĩ đi, nghĩ lại, lại ra chơi.
Mê chơi cho tới thành dan díu,
Ðời dẫu cho thôi, tớ chẳng thôi.
Nghĩ tớ bao nhiêu, lại nghĩ đời,
Nghĩ đời như thế, dám nào thôi.
Còn đời, còn tớ, còn chơi mãi,
Chơi mãi cho đời có bạc chơi.
Tớ muốn chơi cho thật mãn đời,
Ðời chưa thật mãn; tớ chưa thôi.
Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng!
Dù chóng hay lâu, tớ hãy chơi.
Trăm năm, tớ độ thế mà thôi,
Ức, triệu, nghìn năm chửa hết đời.
Chắc có một phen đời khóc tớ.
Ðời chưa khóc tớ, tớ còn chơi.
Trăm năm còn độ bấy nhiêu thôi,
Ngoài cuộc trăm năm, tớ dặn đời.
Ức, triệu, nghìn năm đời nhớ tớ.
Tớ thôi, tớ cũng hãy cùng chơi.
Bút đã thôi rồi, lại chửa thôi,
Viết thêm câu nữa, hỏi đời chơi:
"Lộng hoàn"này điệu từ đâu tới?
Họa được hay không? Tớ đố đời.

Bất mãn với thời thế, Tản Ðà cũng như bao nhiêu người khác, những lúc quá ê chề chán nản cho cuộc sống hẩm hiu, người ta thường sống trong cõi mộng, nuôi một hy vọng ở tương lai sẽ sáng sủa, thắm tươi hơn, vì tin rằng "hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai" nên thi nhân tự hỏi: "có lẽ ta đâu mãi thế này", bởi thế cho nên Tản Ðà mơ mộng thật nhiều, mơ mộng cuộc sống sẽ huy hoàng, tên tuổi sẽ sáng chói, những tác phẩm sẽ bán thật nhiều để điểm tô cho cuộc đời thêm khởi sắc, đây ta hãy nghe thi nhân kể lại giấc mơ đó trong bài:



Hầu Trời
Ðêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn, thật phách, thật thân thể,
Thật được lên tiên sướng lạ lùng!
Nguyên lúc canh ba nằm một mình,
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh.
Nằm buồn ngồi dậy đun nước uống,
Uống xong ấm nước nằm ngâm văn.
Chơi văn ngâm chán, lại chơi trăng,
Ra sân cùng bóng đi tung tăng.
Trên trời bỗng thấy hai cô xuống,
Miệng cười mủm mỉm cùng nói rằng:
"Trời nghe hạ giới ai ngâm nga,
"Tiếng ngâm vang cả sông Ngân hà.
"Làm Trời mất ngủ, Trời đương mắng
"Có hay lên đọc, Trời nghe qua."
Ước mãi bây giờ mới gặp Tiên!
Ngườ Tiên nghe tiếng lại như quen
Văn chương nào có hay cho lắm,
Trời đã sai gọi thời phải lên.
Theo hai cô Tiên lên đường mây,
Vù vù không cánh mà như bay.
Cửa son đỏ chói oai rực rở!
Thiên môn Ðế khuyết như là đây?
Vào trông thấy Trời, sụp muốn lạy,
Trời sai Tiên nữ dắt lôi dậy,
Ghế bành như tuyết, vân như mây,
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đây.
Tiên đồng pha nước, uống vừa xong,
Bỗng thấy chư Tiên đến thật đông,
Chung quanh bày ghế ngồi la liệt,
Tiên bà, Tiên cô, cùng Tiên ông.
Chư Tiên ngồi quanh đã tỉnh túc,
Trời sai pha nước để nhắp giọng.
Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe,
"Dạ, bẩm lạy Trời, con xin đọc."
Ðọc hết văn vần, sang văn xuôi,
Hết văn thuyết-lý, lại văn chơi.
Ðương cơn đắc ý đọc đã thích,
Chè trời nhắp giọng càng tốt hơi!
Văn dài, hơi tốt ran cung mây,
Trời nghe trời cũng lấy làm hay.
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi.
Hằng Nga, Chức nữ chau đôi mày.
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Ðọc xong mỗi bài, cùng vỗ tay.
"Bẩm con không dám man cửa Trời,
"Những các văn, con in cả rồi:
"Hai quyển "Khối tình" văn thuyết lý:
"Hai "Khối tình con" là văn chơi:
"Thần tiên", "Giấc mộng" văn tiểu thuyết:
"Ðài gương", "Lên Sáu" văn vị đời;
"Quyển "Ðàn bà Tàu" lối văn dịch;
"Ðến quyển "Lên Tám" nay là mười,
"Nhờ Trời văn con mà bán được,
"Chửa biết con in ra mấy mươi!"
Văn đã giàu thay, lại lắm lối,
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười.
Chư tiên ao ước, tranh nhau dặn:
"Anh gánh lên đây bán chợ trời."
Trời lại phê cho: "Văn thật tuyệt!
"Văn trần được thế chắc có ít?
"Lời văn chuốt đẹp như sao băng!
"Khi văn hùng mạnh như mây chuyển!
"Êm như gió thoảng, tinh như sương!
"Ðầm như mưa sa, lạnh như tuyết!
"Chẳng hay văn sĩ tên họ gì?
"Người ở phương nao? Ta chửa biết!"
- "Dạ, bẩm lạy Trời, con xin thưa:
"Con tên "Khăc Hiếu" họ là "Nguyễn"
"Quê ở Á-châu về Ðiạ-cầu.
"Sông Ðà, núi Tản, nước Nam Việt."
Nghe xong, Trời ngợ một lúc lâu,
Sai bảo Thiên-Tào lấy sổ xét.
Thiên Tào tra sổ xét vừa xong,
Ðệ sổ lên trình Thượng đế trông:
"Bẩm quả có tên "Nguyễn khắc Hiếu"
"Ðày xuống hạ giới về tội ngông"
Trời rằng: "Không phải là trời đày,
"Trời định sai con một việc này:
"Là việc "thiên lương của nhân loại"
"Cho con xuống thuật cùng đời hay."
- "Bẩm trời, cảnh con thật nghèo khó,
"Trần gian thước đất cũng không có.
"Nhờ trời năm xưa học ít nhiều,
"Vốn liếng còn một bụng văn đó.
"Giấy người, mực người, thuê người in,
"Mướn cửa hàng người bán phường phố.
"Văn chương hạ giới rẻ như bèo!
"Kiếm được đồng lãi thật rất khó!.
"Kiếm được có ít, tiêu phải nhiều,
"Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu.
"Lo ăn, lo mặc suốt ngày tháng,
"Học ngày một kém, tuổi càng cao!
"Sức trong non yếu, ngoài chen rấp,
"Một cây che chống bốn năm chiều.
"Trời lại sai con việc nặng quá,
"Biết làm có nổi, mà dám theo?"
- Rằng: "Con không nói, Trời đã biết,
"Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết.
"Cho con cứ về mà làm ăn,
"Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết.
"Cố xong công việc của Trời sai,
"Trời sẽ cho con về Ðế khuyết"
Vâng lời Trời dạy, lại xin ra,
Trời sai Khiên Ngưu đóng xe tiễn.
Xe trời đã chực ngoài Thiên môn,
Chư tiên theo ra cùng tiễn biệt.
Hai hàng lụy biệt giọt sương rơi,
Trông xuống trần gian vạn dặm khơi.
Thiên tiên ở lại, Trích tiên xuống,
Theo đường không khí về trần ai.
Ðêm khuya khí thanh, sao thưa vắng,
Trăng tà đưa lối về non Ðoài.
Non Ðoài đã tới quê trần giới,
Trông lên chư tiên không còn ai!
Tiếng gà xao xác, tiếng người dậy,
Giữa sân còn đứng riêng ngậm ngùi.
Một năm ba trăm sáu mười đêm,
Sao được đêm đêm lên hầu Trời.
Ðọc qua ta thấy cái ngông của Tạn Ðà nhẹ nhàng, ý nhị, không quá trắng trợn như cái ngông của ông Tú Vị xuyên Trần tế Xương:
Vị xuyên có bác Tú Xương,
Quanh năm ăn quỵt chơi lường mà thôi.
hay là:
Ông trông lên bảng thấy tên ông,
Ông tớp rượu vào, ông nói ngông,
Cụ Sứ có cô con gái đẹp,
Lăm le xui bố cưới làm chồng.
Trình bày cái ngông của mình, trước mặt Trời thi nhân kể lể tâm sự của một khách văn chương như ông, văn rất hay nhưng khổ nỗi "văn chương hạ giới rẻ như bèo", bởi thế cho nên:
Kiếm được đồng lãi thật rất khó!
nhưng:
Kiếm được có ít, tiêu phải nhiều.
Chính vì thế mà:
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu.
Lo ăn, lo mặc, suốt ngày tháng.
Trong khi đó thì:
Sức trong non yếu, ngoài chen rấp,
Một cây che chống bốn năm chiều.
Chính vì những ý nghĩ đó mà Tản Ðà ngông và muốn:
" Tớ muốn chơi cho thật mãn đời,
Ðời chưa thật mãn, tớ chưa thôi.
Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng?
Dù chóng hay lâu tớ hãy chơi."
Tình và ý thơ của Tản Ðà còn bàng bạc trong các tác phẩm. Một phần nhỏ mọn của quyển sách này không làm sao luận cạn. Từ cái hướng nhắm của hai tác phẩm Lên sáu và Lên tám, tác giả đã lấy sự giáo dục làm lợi khí trong việc đào tạo tinh thần đoàn kết và lòng thương nước của trẻ con; qua Ðài gương truyện và Ðàn bà Tàu đã nói nhiều về trách vụ người phụ nữ; đến lòng ái quốc của tiên sinh được bộc lộ rải rác trong những văn thi phẩm mà chúng tôi đã luận qua khái quát ở phần trên.
Riêng phương diện tình ái, ta thấy tình yêu của Tản Ðà tuy nhẹ nhàng nhưng không kém đậm đà, tha thiết. Ngọn lửa yêu đương đã thành hình và bốc cháy trong tâm can cũng như đã trải ra trên trang thơ nét chữ là thứ tình yêu mang màu sắc của người phương Ðông; mặc dù yêu nhau nặng, tình cảm đã trào dâng nhưng không dám thổ lộ quá cởi mở như người phương Tây.
Nói đến cái ngông. Từ khi Tản Ðà đã lỡ bước đường mây, thua thiệt trong tình ái, lại thấy trên sân khấu đời nhởn nhơ phường bất tài bất trí, thương cho một thân chứa đựng tài hoa mà đành khoanh tay chịu cảnh nghèo, nhìn mọi diễn biến chán ghét trong vở bi hài kịch xã hội; ngần ấy bất mãn đã nung sôi lòng bực tức, ông đâm ra ngông nghênh, nói theo danh từ thời đại nó là cái bốc đồng nhất thời vậy. Ngông là cái thói khinh đời, ngạo thế. Nó là cái trạng thái khi cái tri thức bị rượt đuổi đến bước đường cùng. Bị uất ẩn mà không làm sao giải tỏa; ước định lo cho đời mà đời chẳng cho lo; những tâm hồn bị đè nén đâm ra tư tưởng cóc cần đời. Vì thế, Tản Ðà quyết định: vậy thì cứ ăn chơi cho thỏa thích, chơi đến đời chán mới thôi; nhưng như vậy là đã thiên về vật chất; cái tình vị tha vị xã trườc kia nay bị co rút vào tháp ngà của cuộc sống hiện hữu được gói ghém kỹ trong một cá thể.
Nói chung, cái ngông này, Tản Ðà quyết định mang đến kỳ cùng hơi thở. Nó là một hình thức chống đối thời thế đã không chìu lòng người, mà còn hất hủi xô đẩy Tản Ðà trở thành một con người bất đắc chí vì chưa thỏa mãn được sứ mạng thi hành cái "thiên lương (*) " mà Trời đã giao phó.
***
(*) - Thiên lương gồm ba chất:
1) Lương tri là cái tri thức người ta vốn biết , không cần phải suy nghĩ và học tập.
2) Lương tâm là cái thiện tâm của người ta sẵn có
3) Lương năng là cái tài năng người ta không học mà có.
Thiên lương nằm trong học thuyết Vương Dương Minh.
Tản Ðà chủ trương : muốn cho nước tiến bộ phải cải thiện xã hội; muốn cải thiện xã hội phải cải thiện con người; muốn cải thiện con người phải phát triển thiên lương.
Ðây là một khía cạnh yêu nước của nhà thơ họ Nguyễn.


 

 

Uống rượu với Tản Đà

 

Tác giả: Trương Tửu

 

Trương Tửu
Uống rượu với Tản Đà
(Phê bình và định giá một thi sĩ đại biểu cuối cùng của thơ cũ Việt Nam)

Lời dẫn của người sưu tầm:

Uống rượu với Tản Ðà có lẽ là cuốn sách về Tản Ðà ra mắt sớm nhất, ngay khi nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu còn tại thế. Không ít cuốn sách và bài viết ngay sau đó có nhắc đến cuốn sách này của Trương Tửu, nhưng trong khoảng năm chục năm trở lại đây, hầu như không thấy ai còn nhắc tới hoặc trích dẫn cuốn này (ví dụ lần in gần đây cuốn sách của Văn Tâm: Tản Ðà khối mâu thuẫn lớn, Nxb. Văn nghệ TP.HCM, 2003). Có thể xem cuốn này của Trương Tửu cũng như cuốn Thi sĩ Tản Ðà (1939) của Lê Thanh như những tài liệu đã bị mất....
Rất mừng là trong số những tư liệu mà Thư viện quốc gia Pháp tặng bản chụp (microfilm) cho thư viện quốc gia Việt Nam gần đây có cuốn sách mỏng này của Trương Tửu.
Cuốn sách ra đời ngay hồi đầu năm 1939; đây là loại sách mỏng, nằm trong một tủ sách xuất bản 12 cuốn/năm của Ðại Ðồng thư xã, - cơ quan mà tác giả chính của các ấn phẩm đồng thời là giám đốc: Trương Tửu. Trên bìa cuốn này, có thể đọc thấy những quảng cáo cho các cuốn sách mỏng khác của ông: Vấn đề thơ mới, Những thí nghiệm của ngòi bút tôi, v.v.
Sự đánh giá và lý giải về tác gia Tản Ðà trong cuốn sách mỏng này của Trương Tửu cố nhiên vị tất đã nên xem là thoả đáng. Ðiều tôi, người sưu tầm, muốn đưa lại cho bạn đọc và giới nghiên cứu không phải là một cách nhìn “chuẩn mực” hay “mẫu mực” nào mà chỉ là văn bản một công trình phê bình tác gia Tản Ðà của Trương Tửu, một văn bản đã bị mất lâu nay và chỉ vừa mới tìm lại được. Ít nhất, bạn có thể đồng ý với tôi: đây là một văn bản hiếm và quý.
Lại Nguyên Ân
Tặng cô hàng tạp hoá vô danh ở phố Hàng Bồ, Hà Nội

I. Bữa rượu tam đỉnh

Thi sĩ rót rượu mời chúng tôi:
“Thứ rượu này có ngâm đan sâm và đương quy, uống đậm giọng mà lại không hại sức khoẻ. Hai ông cứ uống thật say, không rức đầu chóng mặt gì đâu mà ngại.”
Chúng tôi chưa kịp đáp lời, cụ đã lại nói tiếp:
“Ðể hôm nay, tôi sào nấu lấy các thức ăn, hai ông xem. Tôi làm bếp có phần lại giỏi hơn làm văn… (cười và quay lại gọi gia nhân) Này, anh nhỏ! Anh đặt cái hoả lò nhỏ lên bàn này tôi… Ðược rồi! Anh đặt luôn cái soong chả dê này lên trên cái hoả lò nhỡ kia, cho thêm tí mỡ vào… Ðược rồi! Bây giờ anh nhóm lửa cái hoả lò to kia lên để nấu canh, húp cho rã rượu… (cười và quay về chúng tôi ) Kìa! Hai ông sơi rượu tự nhiên đi… Ðấy, ăn trên lửa có phải ngon không? (cười to) Một bữa rượu, ba cái hoả lò! Sang thật! Ngày xưa vua chúa dùng ngũ đỉnh, hôm nay ta dùng tam đỉnh, chứ thua gì!
Thi sĩ chấm hết câu pha trò ngông ấy bằng một chuỗi cười lớn, nở nang, ròn tan. Tiếng cười đủ tố giác một tâm hồn cao quý, thẳng thắn và chân thành. Bao nhiêu tình yêu đời tha thiết, cụ đem phổ hoang phí cả vào tiếng cười ấm áp…
Ðáp lại thịnh tình của chủ nhân, bạn tôi, ông Nguyễn Ðình Lạp, nghiêng mình thưa:
“Chúng tôi được hầu rượu cụ hôm nay thật lấy làm hân hạnh và vui vẻ lắm.”
Tôi tiếp lời bạn, thân mật hơn:
“Chúng tôi không ngờ rằng nhà thơ tài hoa của núi Tản sông Ðà lại nấu nướng thức ăn có nghệ thuật đến thế.”
Một nụ cười đắc ý nở kín đáo trên môi thi sĩ:
“Ấy tôi cũng đang tính cho xuất bản một quyển sách dạy nấu ăn lấy tên là Tản Ðà thực phẩm. Trong sách dạy cách chế biến các món ăn thế nào cho người rất ít tiền cũng có thể ăn ngon được. Còn những người giàu sang thì mặc họ! Mình cần chú trọng vào người nghèo hơn…”
Tôi tán thành:
“Vâng, cụ nghĩ thế rất phải. Cụ nên cho xuất bản sách ấy chóng ngày nào hay ngày ấy. Chính chúng tôi đây cũng chờ quyển sách đó để nhờ nó mà có thể sành thêm một chút trong sự nếm. Và không khéo chúng tôi sẽ thành những tay đầu bếp giỏi cả cũng nên.”
Cụ cười vang. Chúng tôi cũng cười. Tiếng cười làm nóng cả không khí ảm đạm của gian nhà vắng vẻ. [1] Cụ lại rót một tuần rượu nữa mời chúng tôi. Chén tạc chén thù, cụ thuật cho chúng tôi nghe những quãng đời phong trần đã nếm trải. Giọng nói của thi sĩ khi trầm hùng, khi lâm ly làm sống hẳn lại cả một thời dĩ vãng. Nhờ những câu chuyện tâm sự ấy, chúng tôi hiểu thêm thi sĩ và cũng yêu thêm một người có công lớn với văn chương Việt Nam hiện tại.
Câu chuyện tâm tình, dần dần chuyển sang địa hạt triết lý. Sau khi thuật lại một vài mẩu đời luân lạc, thi sĩ nói như để kết luận:
“Ở đời, tôi tưởng nên biết thưởng thức mỗi thứ một chút và cốt nhất là phải thưởng thức cho sành, nhất là cái ăn cái uống. Hai ông tính, người ta sống được bao năm? Chẳng tiêu pha cuộc đời cho mãn ý, lúc chết hai tay buông xuôi, hối tiếc cũng bằng thừa. Tuổi xuân của con người mấy lúc mà tàn? Tôi cứ xem như tôi đây vừa dạo nào còn là một thư sinh mà bây giờ đầu đã bạc cả rồi!”
Lời nói chứa đầy một tiếc nhớ mênh mang. Trong cặp mắt mơ mộng của thi sĩ lởn vởn hình bóng xa mù của những năm tháng không bao giờ trở lại nữa… Tự nhiên, tôi thấy bị xâm chiếm bởi những viễn ảnh buồn tênh của tiêu vong. Tiệc rượu lạnh hẳn đi!
Bỗng từ dưới đường cái vẳng lên một âm nhạc vô cùng ai oán. Chúng tôi giật mình, mở cửa kính, nghé mình nom xuống.
Một đám ma!
Tiếng kèn trống, tiếng hồ, nhị, tiếng khóc than làm náo động cả hai bên phố xá. Tiết trời cuối đông cũng hình như ngậm một sầu hoài tang tóc…
Ðám ma đi khỏi, ba chúng tôi lại quay vào bàn rượu, mỗi người băn khoăn theo một xúc cảm riêng.
Thi sĩ thở dài nhẹ nhàng:
“Chết thế là hết! Chúng mình rồi cũng chỉ đến thế thôi! »
Rồi cụ vội hâm nóng gian phòng bằng tiếng cười thân thiết:
«Sống ngày nào, ta hẵng nếm hương vị của đời ngày ấy đã. Chăng ăn chẳng uống, lúc chết như người xấu số kia có đem theo được gì đâu? Kìa, mời hai ông sơi rượu đi! Giá ta được một tảng thịt lợn quay vừa mới khiêng qua mà đánh chén thì thú nhỉ! Hai ông! Ta cạn chén!»
Trong câu bông lơn vô tình, thi sĩ để lộ một bản tính ưa hỷ lạc đến cực điểm. Tôi tưởng thi sĩ sắp hô lớn như anh chàng Pantagruel của Rabelais: “Hỷ lạc muôn năm! Rượu muôn năm!”
Nhưng không.
Thi sĩ là người của phương Ðông trầm nghị.
Cụ yêu hỷ lạc, yêu sống, yêu rượu có lẽ tha thiết hơn anh chàng Pantagruel. Nhưng cụ yêu có nghệ thuật. Yêu đằm thắm mà không rầm rĩ, nồng nàn mà không thô kệch. Yêu với tất cả khiếu kiểm soát minh mẫn của thiên lương.
Thi sĩ Tản Ðà yêu đời, yêu hỷ lạc, yêu rượu theo kiểu một tín đồ sáng suốt của Epicure. Cụ là người bằng giác quan nhưng cũng là người bằng khối óc. Hai cái đó bổ túc nhau, sát hạch nhau, điều khiển nhau, gây thành một thăng bằng về sinh lực, riêng biệt của người épicurien. Các bạn đọc sẽ thấy, ở những trang tiếp theo đây, thơ Tản Ðà chỉ là tiếng nói thông thái và trác luyện của con người épicurien ấy.

*
Thi sĩ Tản Ðà sinh tại Nam Ðịnh, phố Hàng Thao, ngày hai mươi bảy tháng Tư năm Thành Thái nguyên niên (1889), tính đến nay cụ vừa chẵn 50 tuổi. Người cụ đã yếu, đầu đã bạc và hói.
Cụ vốn dòng dõi quyền quý, hấp thụ nền Nho giáo từ bé. Như lời cụ thuật lại, tổ tiên xưa kia vẫn làm quan dưới triều Lê. Cập đến lúc nhà Nguyễn thế chân triều Lê, các ngài thề với nhau quyết không bao giờ chịu ra làm quan nữa. Ðến đời thân sinh của thi sĩ, lời thề ấy bị phụ. Vì gia đình bần bách, thân sinh cụ, - Nguyễn Danh Kế tiên sinh, - phải đi đánh quay đất để nuôi mẹ già. Nghĩ khổ cực quá, tiên sinh đành lỗi ước với tổ tiên, ra thi và chịu ấn phong của Nguyễn triều. Tiên sinh làm đến chức Ngự sử trong Kinh, giữ việc án lý. Tục truyền văn án tiên sinh hay lắm. Những lý lẽ tiên sinh dùng để gỡ tội cho bị cáo nhân bao giờ cũng đanh thép, nhiều lần vua Tự Ðức đã phải khen. Muốn chứng thực tài văn án của tiên sinh, tôi tưởng không gì bằng thuật lại ở đây một vụ truy tố ly kỳ xảy ra dưới triều Tự Ðức, mà trong đó tiên sinh đóng vai Ngự sử.
Nguyên hồi ấy, trong cung vua Tự Ðức có nuôi một con hạc rất đẹp. Vua yêu nó lắm, đã phong tước Vương cho nó. Ở cổ hạc lủng lẳng một cái bài ngà. Một buổi chiều kia, hạc ta ngất nghểu ngao du ra ngoài cửa thành và bị cắn chết bởi một con chó của người chủ quán bán hàng cơm gần đấy. Tức thời , chủ quán bị bắt giam và truy tố. Tiên sinh, ở địa vị Ngự sử, làm trạng sư cãi cho bị cáo nhân. Bản cãi rất hùng hồn và nhiễm một tính cách trào phúng rất sâu sắc. Trong đó có bốn câu dưới đây lý thú nhất:
Hạc hữu kim bài
Khuyển bất thức tự
Súc vật tương thương
Hà phương nhân sự
(Dịch nghĩa: Con hạc có đeo kim bài thật, nhưng con chó không biết chữ. Ðó là việc loài vật hại lẫn nhau. Việc chi đến người bị tội?)
Vua Tự Ðức mến phục tài tiên sinh liền truyền tha bổng người chủ quán. [2]
Thuật lại câu chuyện trên đây, tôi chỉ cốt đánh dấu vào thơ Tản Ðà một di truyền. Nó sẽ cắt nghĩa tại sao thi sĩ hay luận đến triết học, hay bàn đến nhân sự. Nó sẽ giúp ta hiểu Nho cốt của thơ Tản Ðà. Nó sẽ định giá những mộng nhớn mộng con, tình to tình nhỏ của nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu.

*
Ta đã có thể nhận thấy ở thi sĩ Tản Ðà: 1) một bản tính épicurien; 2) một di truyền Nho cốt. Với hai yếu tố tinh thần ấy, một người có thể thành được chân thi sĩ không? Cụ Tản Ðà là thi sĩ ở độ mực nào?
Quyển phê bình nhỏ này viết ra để trả lời minh bạch hai câu hỏi đó.

II. Cô hàng tạp hoá
Năm mười chín tuổi, cậu ấm Hiếu theo ông anh về Hà Nội tòng học tại trường Quy thức phố Gia Ngư. Hồi ấy “ở phố Hàng Bồ số nhà hơn hai mươi về dãy bên lẻ có một người con gái ngồi bán hàng tạp hoá, không biết có phải là tuyệt sắc hay không mà tự con mắt mình khi bấy giờ thì như ngoài người ấy không có ai là con gái ”. [3]
Vốn giống tài hoa, thư sinh cảm thấy ở giai nhân một trái tim đồng điệu. Trong tâm hồn tứ thư ngũ kinh của người thiếu niên thế phiệt ấy tình yêu lẳng lơ nắn một phím đờn. Theo tiếng huyền ân ái, thơ bắt đầu len vào cuộc đời hoa mộng của cậu học trò ngoan ngoãn. Từ đấy, “mỗi buổi chiều tan học ở phố Gia Ngư về phố Hàng Nón, trừ phi giời mưa gió, thường tất phải đi quanh qua phố Hàng Bồ”. [4]
Bạn đọc chớ vội cười! Trong lối đào nguyên ai chẳng thế? Khoé mắt thân tình, nụ cười giăng gió vốn từ ngàn xưa vẫn là abc của nghệ thuật yêu đương. Rồi sớm mận tối đào, rồi trăng thề quạt ước… Kẻ thư sinh khắc khoải vẫn mong diễn lại lớp trò đầu của tích chàng Kim ả Thuý.
“Tấm lòng ao ước ngỏ cùng một người anh em bạn học đồng canh. Người bạn đi nói giúp việc mối. Cứ bên nhà người con gái thời việc có nhẽ xong; bên nhà mình thời ông anh chỉ bảo một câu rằng: Nhà ta nghèo như thế lấy đâu được song mã mà cưới?” [5]
Tình duyên đành gác một bên, cậu ấm thất vọng theo ông anh về phủ Vĩnh Tường, quyết chuyên tâm vào sự học, những mong tiền đồ khoa cử sẽ đem lại cho mình cảnh “võng anh đi trước võng nàng theo sau”.
Ðằng đẵng bốn năm trời, trong trái tim đau khách si tình vẫn ấp ủ hình bóng ưu tư của cô hàng tạp hoá.
“Ðến lúc thi hỏng luôn hai khoá mà ý trung nhân xuất giá thời đời đáng chán hay không đáng chán cũng chẳng đợi cất chén quỳnh mà hỏi bạn tri âm”. [6]
Thất vọng thành tuyệt vọng. Tiếng đàn ân ái chuyển sang điệu u hoài. Khách tài hoa ôm một tiếc hận nặng nề, nghìn thu không cởi được.
Một tiếng thở dài não nuột từ thâm tâm thư sinh vẳng ra: “Ðêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!” Ngân rền trong tịch mịch của đêm thu, nó báo hiệu Khối tình con trong sổ văn chương Viêt Nam hiện đại, nó khai ngày sinh của thi sĩ Tản Ðà.
Rồi, những đêm giăng hiu quạnh, thi sĩ để bay trên mặt giấy những vần thơ ai oán:

Bồn chồn chín khúc cơn mưa lạnh
Ðòi đoạn năm canh bóng nguyệt mờ…

Kìa con én trắng đâu đâu lại
Giục cái thoi vàng chóng chóng qua
Buồn quấn mành trông trông chẳng thấy…

Bèo nước hợp tan người mỗi nẻo
Cậy ai mà nhắn một đôi câu…

Một vừng trăng khuất đi mà đứng
Một lá mành treo quấn lại buông
Ngồi hết đêm suông suông chẳng hết
Chùa ai xa điểm mấy hồi chuông….

Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng?

Vì ai cho tớ cứ lênh đênh
Nặng lắm ai ơi một gánh tình! [7]

Toàn những lời thất vọng, trách móc, thở than! Trong thơ ta gặp cả một linh hồn tê tái. Ta muốn ơn cô hàng tạp hoá phố Hàng Bồ, nàng Elvire của thi sĩ Tản Ðà. Nhờ cô, ta được ngâm bao nhiêu vần thơ trác tuyệt chan chứa một hận tình thắc mắc. Trong suốt dọc đời thi sĩ, tế Chiêu Quân ở chùa Non Tiên hay khóc Thuý Kiều bạc mệnh, thương nhớ người tình nhân không quen biết hay mơ tưởng đến cố hữu Chu Kiều Oanh, - những đề hứng buồn và đẹp ấy đều bắt nguồn trong giấc mộng phù hoa thứ nhất của cậu học trò mười chín tuổi. Thi sĩ có đa tình là chỉ đa tình với kỷ niệm ái ân đầu tiên ấy. Bao nhiêu năm chìm nổi cũng không xoá nhoà được hình ảnh thân yêu của người hồng phấn nữ phố Hàng Bồ.

*
Lich sử văn học đã chứng thực nhiều lần mối quan hệ mật thiết của tình yêu đầu tiên đối với nhà văn, nhất là nhà thơ. Khi nhà thơ mới lớn, trái tim và khối óc đang trắng phau, một cái gì lăn qua là in dấu vết lại không tài nào gột sạch. Huống hồ lại là vết yêu đương! Một bóng giai nhân, lúc đó, có thể định đoạt được cả một kiếp người.
Ở đây tôi chỉ đơn cử một chứng cứ văn chương để làm sáng điều tôi vừa ký nhận. Một chứng cứ rất thú vị chưa từng thấy trong thi giới ta. Tôi muốn nói cái tình duyên đầu tiên của thi sĩ Baudelaire. Năm ấy thi sĩ mười tám tuổi và thường cùng một người bạn, Privat d’ Anglemont, lui tới một tửu lâu hạ cấp phố La Harpe (Paris). Ở chốn này thi sĩ được biết một gái đĩ người Do Thái tên là Sarah. Về đức hạnh kỹ nữ, thi sĩ đã tả rất chua chát trong một câu: “Nàng đã bán rẻ linh hồn để mua một đôi giày”. Các nhà văn học sử cận đại đều đồng ý cho người gái đĩ Do Thái ấy là nguồn cảm hứng của tập thơ tuyệt tác Fleurs du Mal. Ta hẵng nghe thi sĩ nói về cuộc đi lại ghê sợ ấy:
Elle louche, et l’effet de ce regard étrange
Qu’ ombragent des cils noirs plus longs que ceux d’ un ange
Est tel que tous les yeux pour qui l’ on s’ est damné
Ne valent pour moi son oeil juif et cerné.
Elle n’ a que vingt ans; la gorge deja basse
Pend de chaque côté comme une calebasse
Et pourtant me tratnant chaque nuit sur son corps
Ainsi qu’un nouveau né, je la telle et la mords.
Et bien qu’elle n’ait pas souvent même une obole
Pour se frotter la chair et pour s’ oindre l’épaule
Je la leche en silence, avec plus de ferveur
Que Madeleine en feu les deux pieds du Sauveur.

Dịch nghĩa:
Mắt nàng lác, và mãnh lực của cái nhìn kỳ quái ấy,
Cái nhìn bị ẩn dưới bóng những lông mi đen dài hơn mi của thiên thần,
Hiệu nghiệm đến nỗi khiến tôi thấy rằng tất cả những cặp mắt đẹp đã làm đắm người đời
Ðều không giá trị bằng con mắt Do Thái thâm quầng của nàng.
Nàng mới có hai mươi tuổi, mà đôi vú đã trễ xuống
Treo lủng lẳng ở hai bên ngực như hai quả bầu
Thế mà đêm nào tôi cũng rẫy rụa trên thân hình nàng
Như một đứa trẻ mới đẻ, tôi bú và cắn nàng.
Và tuy rằng thường thường nàng chẳng có đến một đồng xu
Ðể tắm gội xác thịt và tẩm dầu đôi vai
Tôi cũng cứ âm thầm liếm thân thể nàng, say mê hơn cả
Nữ thánh Madeleine nhiệt tình quỳ liếm đôi bàn chân của đấng Cứu Thế.

Kết cục, chàng thanh niên thi sĩ hư hỏng ấy bị nàng truyền cho bệnh hoa liễu. Trong một cuốn sách nói về thân thế và sự nghiệp Baudelaire, nhà phê bình John Charpentier thuật đến đoạn này, có viết: “Tính cách ghê tởm của tấn thảm kịch đó ảnh hưởng quyết định đến số kiếp thi nhân. Từ đó, Baudelaire cứ tưởng vâng theo những bản tính thân thích khi đắm mình trong cuộc truy hoan… Ðeo nặng trên lương tâm cái tội gốc, chàng cứ lăn lóc suốt đời trong truỵ lạc…”, [8] và “Baudelaire đã viết: Văn minh không phải ở điện khí, cũng không phải ở hơi nước… mà chính ở chỗ làm giảm bớt dấu tích của tội gốc trong lòng người. Coi đó Baudelaire tin ở tội lỗi.” [9]
Tin tưởng này là nền tảng luân lý của tâm hồn Baudelaire. Nó cũng là nguồn cảm hứng vô tận của thi sĩ. Tập thơ bị người đời kết án, Les Fleurs du Mal, chỉ là biểu thị mỹ thuật của tin tưởng ấy. Cũng bởi cô gái đĩ Do Thái đã đi qua khoảng đời niên thiếu của nhà thi hào bất hủ…
Trái hẳn Baudelaire, thi sĩ Tản Ðà đã gặp một giai nhân hiền hậu. Cậu học trò trường Quy thức, lúc thầm yêu trộm nhớ cô hàng tạp hoá phố Hàng Bồ, đã làm gì có quan niệm về tình ái. Chàng chỉ yêu trong mộng tưởng. Chung quanh người đẹp, chàng thêu dệt bao nhiêu ảo ảnh. Ðó là một tình yêu tinh thần. Tình yêu của một nhà nho! Rồi khi tình yêu, vì cảnh đời ngang ngửa, không kết quả được thành hôn nhân, thư sinh liền mang nặng trong tâm hồn hình ảnh người yêu với tất cả ảo tưởng đẹp đẽ của nó. Suốt đời, thi sĩ Tản Ðà chỉ thờ phụng tình yêu và người yêu ấy. Nhờ hai bảo vật này, tâm hồn nho của nhà thơ thêm nhu nhuyễn và đa cảm. Phát hiện tuyệt đối của trạng thái tâm lý đó là bài khóc tế Chiêu Quân ở chùa Non Tiên.

Giời Nam thằng kiết là tôi
Chùa tiên đất khách khóc người bên Ngô
Tôi với cô, tôi với cô
Trước sân lễ bạc có mồ nào đây

Trong bài tế, thi sĩ để lộ một tâm hồn đa cảm vô cùng tế nhị. Thương người bạc mệnh vùi xương ngàn năm ở đất Hồ, thi sĩ cất tiếng ai điếu số kiếp buồn tênh của con người hồng phấn:
Ô hô Chiêu Quân
Phương cốt hữu tận
U khảm vô kỳ
Minh nguyệt độc cử
âm vân không thuỳ
dịch nghĩa:
Ô hô nàng Chiêu Quân
Nắm xương thơm của nàng có thể mất
Mà mối hận u uất của nàng không có thời hạn nào
Chỉ có trăng sáng soi thấu
Thì lại bị mây đen che khuất [10]

Mấy câu này đủ nói dài về tính chất lãng mạn của thi sĩ Tản Ðà, một tâm hồn dễ xúc động, dễ bị đốt nóng bởi những trạng huống tâm lý của đời tài hoa xấu số. Tản Ðà khóc Chiêu Quân cũng như Nguyễn Du khóc Thuý Kiều, Chu Mạnh Trinh khóc Nguyễn Du. Cùng giống đa tình, các bậc thi nhân ấy đã giảng dạy cho người đời một yêu thương mênh mông và tha thiết, một yêu thương vô tận, không bờ bến, không địa giới.
Ở điểm này, thi sĩ Tản Ðà là nối tiếp tinh thần của thơ ca Việt Nam cố hữu. Trường thơ lãng mạn hiện đại của các ông Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Vỹ,… nhận Tản Ðà là người khởi xướng cũng chỉ là công bằng và hợp lý.

*
Tình yêu đã đánh thức Nàng Thơ trong tâm hồn thi sĩ. Thất vọng lại gieo thêm vào một cung điệu não nùng. Trong mười năm hơn, giữa những gió lốc bụi mù của thế kỷ, Nàng Thơ ấy đã gẩy réo rắt cung điệu ấy trong cảnh hoang tàn của bao nhiêu cõi lòng hiu quạnh…
Ðêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!...

[1]Chúng tôi uống rượu ở trên gác căn nhà số 417 tại Bạch Mai, chỗ cụ Tản Ðà mở phòng xem số Hà Lạc và dạy Hán văn. (Tất cả các chú thích ở đây đều là nguyên chú của Trương Tửu.)
[2]Chuyện này và mấy câu thơ ấy, chính cụ Tản Ðà thuật lại với chúng tôi.
[3]Trích trong tập Giấc mộng lớn của Tản Ðà.
[4]Như trên
[5]Như trên
[6]Như trên
[7]Trích trong tập Khối tình con xuất bản năm 1918.
[8]Beaudelaire par John Charpentier. Editions Jules Tallandier
[9]Như trên.
[10]Bài tế này làm bằng Hán văn. Ðã có bản dịch của Ông Huyện Nẻ Xuyên Nguyễn Thiện Kế. Mấy câu trích ở trang bên là của Ông Huyện Nguyễn. Riêng mấy câu này tôi thấy ở bản dịch lời quốc văn không đạt hết nguyên ý Hán văn, nên tôi không trích ra đây. Và tôi tạm dịch xuôi nghĩa để lý hội được chu đáo nguyên ý của tác giả.


III. Tớ còn chơi!
“Sau lúc tế nàng Chiêu Quân (1913), từ giã các bạn Non Tiên, lại xuôi về nam với quan huyện Nẻ Xuyên… Hết xuân sang hạ, ở Nam Ðịnh về Sơn Tây rồi vào ở tại ấp Cổ Ðằng. Trong giấc phù sinh lại sinh xuất có một đoạn rất ly kỳ quái ảo. Ấp Cổ Ðằng địa phận về hạt huyện Tùng Thiện; từ tỉnh lỵ Sơn Tây vào ấp chừng độ 14 cây số, đất sỏi đường đồi… Mình từ khi ở ấp, bốn bề phong cảnh phải đâu như Hàng Nón Hàng Bồ, gió hót giăng treo, rừng reo suối chảy. Cái bụng chán đời đến cực điểm, quyết mong tịch cốc để từ trần. Tiếc không nhớ là bắt đầu từ hôm nào thôi sự ăn cơm, chỉ khát không chịu được thời còn phải uống nước. Ba hôm như thế, sầu khổ không thể chịu được nữa, thời lại phải uống rượu. Rượu uống cũng uống suông, mà uống đến thật say. Nguyên đã ba hôm không ăn, trong bụng hư không lại một phen say rượu mê ly, thành ra từ đấy về sau khác hẳn từ đấy về trước. Bụng không biết no không biết đói; người không biết vui không biết buồn; chỉ cứ mỗi ngày một bữa rượu, hoặc uống suông hoặc ăn một đĩa rau dưa nhỏ con, xong rồi đem chõng ra nằm ở dưới cây ngọc lan, nghe những con chim kêu trên cành cây hoặc là xem những đám mây đi trên giời, con chim bay trên không xem kết cục đến đâu là hết …” [1]
Ta tưởng vừa được đọc một đoạn nhật ký của tín đồ Trang Lão lấy yếm thế làm chủ nghĩa, lấy vô vi làm thái độ, lấy ẩn dật làm trạng thái sinh hoạt.

Ðâu phải thế.
“Ở Cổ Ðằng ba tháng rồi theo mệnh lệnh gia đình phải về trên quê ở. Từ khi về ở quê, đương ăn rau đổi ra ăn thịt. Mỗi ngày cũng chỉ có một bữa ăn, hoặc là cái thủ heo hoặc con gà con vịt, hoặc con cá, tất toàn thể đặt trong mâm với con dao đĩa muối; rượu thì uống hũ không uống chai. Bữa ăn cũng rất vô thường; nếu về đêm có khi thắp hai mươi tám ngọn nến gọi là nhị thập bát tú, thắp bảy ngọn nến gọi là thất tinh đàn. Bữa ăn nếu về phần ngày thời sau khi ăn xong tất phải có con dao thanh quắm đi chém phạt ít nhiều cành cây như không thế thời không thấy thú sướng… Lại như những con gà con vịt nếu không được tự tay mình cắt tiết thời ăn không thấy ngon… Ở nhà quê cũng vừa đúng ba tháng rồi lại phải theo mệnh lệnh gia đình sang phủ Vĩnh Tường để ăn cơm. Trước khi ăn cơm phải học tập ăn cháo. Một người đàn bà có quen biết là con gái quan Tri phủ ở đó có nhắn: ông ấm đã biết ăn cơm chưa?” [2]
Mấy lời tự thuật này phải của một tín đồ Epicure, tôn thờ khoái lạc. Chính tư tưởng tôn thờ khoái lạc này, phần lớn, đã xua đuổi trạng thái chán đời ra khỏi tâm hồn thi sĩ Tản Ðà. Nó đem vào cuộc sinh hoạt của ông ấm Hiếu một số lượng vô tư lự rất cần thiết cho việc hưởng thụ khoái lạc. Nó được kết tinh rõ rệt nhất trong bài Còn chơi của nhà épicurien Nguyễn Khắc Hiếu. Và luôn luôn nó làm giường cột luân lý cho đời thi sĩ.
Tư tưởng épicurien ấy, ở Tản Ðà, phát lộ ra trong ba tâm lý: 1) Sợ già; 2) Sợ chết; 3) Khát sống.
Bởi sợ già nên tiếc xuân. Bởi sợ chết nên khát sống, mà sự sống lại vô tận, nên phải đem rất nhiều nghệ thuật vào cách sống. Mục đích là hưởng được rất nhiều khoái lạc trong một thời gian rất ngắn, - đời người.
“Người có tình, xuân không có tình. Mình tiếc xuân, xuân tiếc chi mình; mình thương xuân, xuân chẳng thương mình, thời mình thương tiếc mình nên hơn tiếc xuân.
Xuân kia sáu bảy mươi lần
Của giời tham được độ ngần ấy thôi
Chơi hoang mất nửa đi rồi
Ngẩn ngơ ngồi nghĩ thân đời mà lo
Trông gương luống đã thẹn thò
Một mai tóc bạc vai gù mới dơ
Thương thay! Xuân chẳng đợi chờ
Tiếc thay xưa những hững hờ với xuân
Trăm nghìn gửi lạy đông quân
Hãy khoan khoan tới hãy dần dần lui
Lượng xuân xin chớ hẹp hòi [3]
Tình yêu đời thật là tha thiết, thật là đắm đuối! Nó được thi sĩ hàm dưỡng trong tâm hồn rất phong phú, ca tụng trong thơ ca rất đằm thắm, ứng dụng vào thuật sống rất ham mê. Nhưng ở Tản Ðà, nó khuynh về vật chất nhiều hơn về tinh thần. Ăn ngon, uống rượu ngon, nghe nhiều, trông nhiều, đi nhiều, nói nhiều, cười nhiều…, hưởng thú hương phấn nhiều, tất cả Tản Ðà ở chữ nhiều ấy, hoặc nói đúng hơn, ở chỗ nỗ lực đi đến cái nhiều ấy. Nhưng đây là cái “nhiều” có tổ chức, có mỹ thuật, phức tạp mà chẳng bộn bề, chồng chất mà không hỗn độn.
Ta hẵng nghe thi sĩ épicurien bàn về sự ăn ngon:
“Ðồ ăn không ngon thời không ngon, giờ ăn không ngon thời không ngon, chỗ ngồi ăn không ngon thời không ngon, không được người cùng ăn cho ngon thời không ngon… ăn mà có lo nghĩ sao cho ngon? Có tức giận sao cho ngon? Có sợ hãi sao cho ngon? Có thương tủi sao cho ngon? Có hổ thẹn sao cho ngon?”

Ta lại nghe thi sĩ luận về văn chương:
“Văn chương có giống như mâm gỏi. Ðĩa cá lạng, đĩa dấm ngọt thời người thường dễ ăn, còn miếng mắt miếng xương phải đợi con nhà gỏi.
Văn chương có giống như thịt chim. Sào, thuôn, nướng chả thì dễ chín, hấp cách thuỷ lửa không đến mà nhừ hơn.”
Thật là duy vật hết chỗ nói!
Thêm vào những lời ấy, vài câu thơ nữa:
Thế sự nhất phù vân chi cảnh
Những ai mê ai tỉnh đã ai ai?
Khéo vô đoan khóc hão lại thương hoài
Thú trần giới có ăn chơi là bực nhất…

ta sẽ có chân dung trăm phần trăm của người épicurien.
Tớ còn chơi! Ðời chưa chán tớ tớ còn chơi !… Ðó là điệp khúc thân yêu của nhà thơ duy vật ấy! Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương… hẳn được hả hê có một người tiếp tục như thi sĩ Tản Ðà.
*
Ðã yêu cái sống vật chất đến say sưa, đã bận óc mưu toan cách sống cho được hưởng nhiều khoái lạc, tất nhiên không bao giờ tâm hồn bay bổng lên những từng tinh thần cao thẳm. Bởi vậy, thơ Tản Ðà thiếu cánh. Nó không phải là con hạc lượn khúc trên đám mây. Nó là con sơn ca nhảy nhót trên cành. Nó không là con chim bằng cưỡi gió vượt trùng dương. Nó là con sẻ tinh khôn biết tìm đến những vựa thóc thơm ngon. Nó nhiều cảm giác hơn cảm tình, nhiều cảm tình hơn tư tưởng. Nó thiếu nghị lực, thiếu thần bí.
Ðối với Tản Ðà cái quan trọng là sự sống, - một biển cảm giác; thơ ca chỉ là những bến vui rải rác men bờ. Tản Ðà không phải là một thi nhân thuần tuý. Tản Ðà chỉ là một khách tài hoa lạc vào thi giới.

III. Ðời đáng chán hay không đáng chán?
Ðời đáng chán hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm…
Ai là bạn tri âm của con người tài hoa ấy? Nàng Chu Kiều Oanh trong Giấc mộng con hay kỹ nữ Vân Anh trong Thề non nước?

Không!
Bạn tri âm của thi sĩ Tản Ðà chính là nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu.
Ðời đáng chán biết thôi là đủ
Sự chán đời xin nhủ lại tri âm
Nên chăng? Nghĩ lại kẻo nhầm.

“Nên chăng?” Thi sĩ trả lời: Nên!; nhà nho trả lời: Không! Nhà nho đã thắng. Thắng rất dễ dàng vì thi sĩ, ngoài một vài phút quá chán chường, cũng phản đối tư tưởng chán đời. Thi sĩ là một người épicurien.
Có điều khác là thi sĩ yêu đời để chơi và hưởng thụ khoái lạc; còn nhà nho yêu đời để phụng sự đạo thánh hiền. Trong mỗi nho sĩ đều có một hoài bão kinh bang tế thế. Trong đầu óc nho sĩ Nguyễn Khắc Hiếu thì cái cái mộng Y Doãn, Chu Công lại càng quả quyết lắm.
“Khoảng năm mười một mười hai tuổi, học ông anh ở nhà, có câu đối ra rằng:

Nhiếp hồ đại quốc chi gian
đối: Ngật như cự nhân chi chí.” [4]

Cậu học trò mười một, mười hai tuổi mà khẩu khí đã hùng thế, tất phải dùng cuộc đời vào việc đẩy xe Khổng Khâu đi hành đạo. Chẳng may đã không được mặc áo xanh, lại để mất người hồng phấn, cậu học trò nho ấy đành xếp mộng Y, Chu một nơi, trốn vào ấp Cổ Ðằng làm anh chàng yếm thế.
Chợt đến “sang đầu năm Duy Tân thứ mười, ông anh tạ thế, đến tháng năm năm ấy một người cháu ruột lại từ trần; cái cảnh bi thương trong gia đình hợp với cái cảnh ngộ bần hàn của thân thế, khiến cho kẻ chán đời chẳng được thời lại phải tuỳ thời tuỳ thế mà sinh nhai lối dọc đường ngang ”. [5]
Ðời thực tại đánh tan cái váng chán đời trong tâm hồn nho sĩ và để lộ hẳn ra cái bản chất thực nghiệm di truyền của cậu ấm nhà họ Nguyễn. Sinh nhai lối dọc đường ngang, thi sĩ phải mang thơ văn làm hàng buôn bán.
“Hai phen diễn kịch ở Hà Nội, Hải Phòng, cùng là các thứ sách, truyện Khối tình con, Giấc mộng con, Khối tình chính, phụ, Ðài gương kinh truyện, Lên sáu, Lên tám đều là những công việc làm ăn trong khoảng mấy năm nay vậy. ”
Hoàn cảnh gia đình đã khôi phục tinh thần thực nghiệm trong tâm trí chàng thư sinh nghèo nàn ấy. Phải lăn mình vào cuộc sống để thoả mãn những nhu cầu vật chất của gia đình, chàng không còn thời giờ mà thở than, buồn rầu, mơ mộng nữa. Muốn tranh sống phải thiết thực. Lãng mạn là thất bại. Luật chiến đấu này đã kích thích chàng rất mạnh. Bao nhiêu tính chất thực nghiệm của di truyền, phút chốc chồm dậy đòi quyền giám đốc bấy lâu nay bị Nàng Thơ chiếm đoạt.
Người thanh niên nho sĩ của chúng ta vội đi tìm những món ăn tinh thần mới để đủ sức tự ứng dụng vào hoàn cảnh mới. Chàng tìm đến nhà kinh tế học Anh Cát Lợi Stuart Mill, một tín đồ hăng hái của chủ nghĩa thực dụng (utilitarisme).
“Trong các thứ sách dịch, có một quyển đáng nhớ hơn hết là quyển Quyền giới luận. Quyển sách này nguyên là của người nước Anh là Stuart Mill làm ra, người Tàu là Nghiêm Phục đứng dịch. Xem sách thời tự thấy có ích cho mình về tinh thần tiến thủ. ”
Ở Tản Ðà, nhà nho thực nghiệm đã thắng thi sĩ lãng mạn. Sự chán đời trở thành vô nghĩa lý.
Dần dần, trong công việc làm ăn của nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu phôi thai một hoài bão vốn đã có hạt giống từ lâu, - cái mộng làm Chu Công, Y Doãn. Nho sĩ muốn giúp ích cho xã hội. Tinh thần thực nghiệm nhuộm màu hiền triết.
Thiên Tào tra sổ xét vừa xong
Ðệ sổ lên trình Thượng Ðế trông:
“Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Ðầy xuống hạ giới về tội ngông”
Trời rằng: “ Không phải là Trời đầy
Trời định sai con một việc này
Là việc thiên lương của nhân loại
Cho con xuống thuật cùng đời hay. ”

Nho sĩ đeo lên vai một sứ mệnh. Nhìn quanh ngó quẩn thấy thiên hạ bộn bề, mặt đất thênh thang không bờ bến, chàng lo ngại cho công việc thi hành sứ mệnh của mình. Chàng vội thu hẹp phạm vi hoạt động vào một cõi. Nhân loại thu hẹp trong biên giới quốc gia. Lòng yêu đời biến thành lòng yêu nước.
“Vào chơi đất Trung Kỳ… rộng mắt nhân dân, sơn hải mà nặng lòng chủng tộc giang sơn. Trèo lên đỉnh núi Hoành Sơn mà trông quanh ngoài bể trong non có hơn như phục dưới đèo xanh đọc một thiên luận thuyết tự tôn vậy. ”
Kết quả của những tư tưởng, tâm trạng ấy là một ly dị triệt để giữa nhà nho và thi sĩ trong linh hồn Tản Ðà. Từ đấy về sau, mười mấy năm trời, lúc ta nghe người thanh niên bồng bột ấy diễn thuyết ở hội Trí Tri, lúc ta gặp chàng đứng làm chủ bút tap chí Hữu thanh, lúc ta thấy chàng chủ trương An Nam tạp chí, lúc ta đọc văn chàng trên tờ Ðông Pháp thời báo ở Sài Gòn… Trên vũ đài bút mực, chàng gắng công hoạt động với tất cả tài năng nghị lực của mình. Và chàng sung sướng thấy nguyện vọng được một đôi phần thực hiện.

Tôi viết “một đôi phần”. Tôi nghĩ đến mấy bản dịch thuật Ðại học, Kinh Thi, Ðài gương truyện. Thực ra, trong công cuộc xuất bản sách và báo, nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu chỉ gặp toàn thất bại. Từ Bắc vào Nam, rồi lại từ Nam ra Bắc, mấy phen lận đận với nghề cầm bút, nho sĩ tự thấy nhiều điều kiện tinh thần để thành công. Trong thế kỷ có những quy tắc gang thép này, muốn thắng, phải nhanh nhẹn, căn cơ, gian hùng, độc ác, tàn nhẫn. Tóm lại phải có đủ đức tính của một người hoạt động, đủ mưu mô mềm cứng của một kẻ kinh doanh. Nho sĩ của chúng ta thiếu tất cả những điều kiện đó nên thất bại. Chàng có phải là một nhà kinh doanh đâu! Chàng chỉ là một khách tài hoa lạc vào địa hạt thương trường. Chàng cũng chẳng phải là một người hoạt động. Chàng chỉ là một kẻ giang hồ hăm hở ghé bến Y, Chu ít lâu rồi lại xuống tàu, nhổ neo sống nốt kiếp bình bồng.

Nhận lấy sứ mệnh làm sáng thiên lương, nho sĩ Tản Ðà đã làm một việc trên sức mình. Ðó chỉ là ảo mộng của nhà nho. Gặp những lực lượng tàn phá của đời thực tại, ảo mộng ấy vỡ tan như bóng xà phòng trước gió. Sự tan vỡ này ném nho sĩ Tản Ðà từ bên kinh doanh, hoạt động sang trả lại thi ca. Nhưng lần này, thi sĩ réo rắt tiếng cầm với một cung điệu khác. Cung điệu ngông cuồng của một người bất đắc chí. Trong cái ngông này hàm súc một buồn não thê thảm, - cái buồn của những chiều tàn.
Công danh sự nghiệp mặc đời
Bên thời be rượu bên thời bài thơ

Ngông và mộng ở Tản Ðà có hai thứ ngông: cái ngông của nhà nho và cái ngông của thi sĩ. Một cái dùng làm phương châm sinh hoạt, một cái dùng làm đề hứng thơ ca. Một cái ứng dụng vào đời, một cái ứng dụng vào mộng. Hai cái giảng nghĩa lẫn nhau, liên kết với nhau, in vào thơ Tản Ðà một sắc thái đặc biệt.
Trước hết Tản Ðà tiên sinh là một nhà nho. Nhà nho di truyền, vì giáo dục, vì hoàn cảnh gia đình. Nhưng tiên sinh là một nhà nho bất đắc chí, thất bại trong cuộc sống. “Mỗi phen ra đời lại một phen thất bại; mỗi một phen thất bại, đầu tóc lại bạc thêm ”. [6] Tiên sinh thất bại vì thiếu tất cả điều kiện để thành công. Hơn nữa, tiên sinh có tất cả điều kiện để làm hỏng việc. Tiên sinh đem tài hoa vào doanh nghiệp. Nhưng bởi quá giàu tự ái, tiên sinh vẫn tin rằng mình có tài, chỉ vì không gặp hoàn cảnh thuận tiện nên thất bại. Cái tin ấy là đầu mối của cái ngông. Người ngông, ít nhất, phải tự thấy mình cao hơn đời, giỏi hơn đời. Ngông chỉ là một biến thể của kiêu ngạo. Ngông để mà khinh. Cái ngông này ta đã thấy ở các nhà nho bất đắc chí như Cao Bá Quát, Tú Xương…

Tản Ðà tiên sinh cũng thuộc về loại nho sĩ ấy. Ở con mắt tiên sinh tất cả đều tầm thường. Tiền tài danh vọng đều vô giá trị. Những cái gì người đời ưa chuộng, tiên sinh khinh. Tiên sinh có phải là người đời đâu. Tiên sinh là một trích tiên! Suốt đời, tiên sinh chỉ khao khát có hai điều: gặp tri kỷ và gặp giai nhân.
Tri kỷ không gặp, tiên sinh đành nói chuyện với bóng, với ảnh, với…trời.
Ngồi đây ta nói sự đời
Ta ngồi ta nói, Bóng ngồi bóng nghe
Cõi đời từ cất tiếng ve
Ðã bên ngọn lửa lập loè có nhau
Tương tri từ ấy về sau
Ðôi ta một bước cùng nhau chẳng dời
Bóng nghe bóng cũng gật đầu

Người đâu cũng giống đa tình
Ngỡ là ai lại là mình với ta
Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình sao một mà hai?

Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển
Êm như gió thoảng tinh như sương
Ðầm như mưa sa lạnh như tuyết
Chẳng hay văn sĩ tên họ gì
Người ở phương nao ta chưa biết?”

Dạ bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á Châu về địa cầu
Sông Ðà núi Tản nước Việt Nam”

Giai nhân không gặp, tiên sinh tạo ra một cô tình nhân không quen biết, một kỹ nữ tài hoa (Vân Anh)
Câu tri kỷ cùng ai tri kỷ
Chuyện chung tình ai kể chung tình
Bụi hồng vắng vẻ mắt xanh
Mình ơi ta nhớ mà mình quên ta

Rồi một lúc ngẫu hứng, tiên sinh kết tinh tri kỷ và giai nhân vào một người đẹp rất thông minh: nàng Chu Kiều Oanh. Từ đấy về sau tiên sinh chỉ giao thiệp bằng tinh thần với con người mộng tưởng ấy. Ngoài nàng ra, ai cũng nhỏ bé, ai cũng tục tĩu. Mà nàng là ai? Nàng chỉ là tiên sinh vậy. Tinh thần duy ngã độc tôn, ở Tản Ðà, phát triển đến cực độ. Tiên sinh chỉ nhìn thấy mình, chỉ nói đến mình, chỉ ca tụng có mình.
Toàn thể văn nghiệp tiên sinh là một tiểu sử trung thành và đầy đủ.

Vì lẽ đó nên Tản Ðà tiên sinh ngông mà nhận thức được cái ngông của mình. Ngông một cách sáng suốt và thích chí. Lúc theo quan huyện Tam Dương bỏ Vĩnh Yên về Hải Phòng, tiên sinh viết: “Lạ thay! Một kẻ bần nho không có thước đất nào trước sau đem hơn hai nghìn đồng bạc vừa ăn tiêu vừa sang sửa tô điểm khu đồi ở Ðịnh Trung, một khi bỏ đó như không, ở mạn rừng lại trôi về mạn bể. Nhân sinh phù thế, bịt mồm ai, ai dễ nhịn cười chăng? ”
Hình như tiên sinh lấy làm khoái lắm khi thấy thiên hạ cười mình là ngông cuồng, rồ dại. Viết đến đây tôi lại nhớ đến Baudelaire. Bình sinh, thi sĩ chỉ làm toàn những việc, nói toàn những câu ra ngoài lẽ thường. Và mỗi lần như thế, thi sĩ lại hỏi một người có mặt: “ông ngạc nhiên lắm có phải không?” Câu hỏi này mô tả đầy đủ cái sung sướng kỳ quặc của thi sĩ. Làm người khác ngạc nhiên vì mình chẳng phải là mục đích của thi sĩ đó sao?
Với ít suồng sã và trơ tráo hơn, Tản Ðà tiên sinh cũng có tâm lý ấy của thi sĩ Baudelaire. Tâm lý một người ngông có ý thức. Mỗi lần thất bại, tiên sinh lại ngông thêm một ít. Cái ngông này chính là nguyên nhân của cái thất bại sau. Và đời tiên sinh cứ như thế… Rút cục, ngông thành một triết lý của kẻ chiến bại tự trọng. Hơn nữa, nó thành một bản ngã thứ hai của Nguyễn Khắc Hiếu tiên sinh. Nó là dấu hiệu của tài hoa.
Cái ngông của thi sĩ chỉ là cái ngông của nhà nho, nhìn ở một cạnh khác. Thi sĩ ngông để giải thoát.
Một lần nói chuyện với tiên sinh, tôi có hỏi: “Thưa cụ, trong các bài thơ cụ đã làm, cụ có thể cho biết cụ thích bài nào nhất?” Không suy nghĩ, tiên sinh trả lời ngay: “Tôi thích nhất bài ca làm trong tập Giấc mộng con thứ hai để Tây Thi hát”.

Rồi tiên sinh ngâm, sảng khoái:
Non xanh xanh
Nước xanh xanh
Nước non như vẽ bức tranh tình
Non nước tan tành
Giọt lệ tràn năm canh!
Ðêm năm canh
Lụy năm canh
Nỗi niềm non nước
Ðố ai quên cho đành?
Quên sao đành?
Nhớ sao đành?
Trần hoàn xa cách
Bồng Lai non nước xanh xanh!

Ngâm xong, tiên sinh giải thích: “Ông tính, Chiêu Quân đánh tỳ bà, Dương Quý Phi say rượu đứng dậy múa. Tây Thi cất giọng hát mà mình ngồi nghe thì còn gì khoái hơn nữa! Bấy giờ mình cứ tưởng mình chính là Ðường Minh Hoàng trong cung điện đang cùng mỹ nhân thưởng thức điệu Nghê Thường.” Tiên sinh cười lớn, kết luận: “Nghĩ lúc ấy thật cũng sướng cho cái đời văn sĩ của mình!”
Câu chuyện này đủ chứng thực rằng, Tản Ðà thi sĩ chỉ mượn những mộng văn chương để sống cái ngông vô biên ấy của mình và dùng cái ngông vô biên ấy để thoả mãn một nhu cầu giải thoát. Mấy lần mộng, mấy lần lên trời, gửi thư lên cung trăng hỏi chị Hằng làm vợ… Tất cả những hành vi văn chương ấy chỉ là những mộng để tiên sinh vượt khỏi thực tế. Ở thực tế, mình nhỏ thì phải tạo ra mộng đẻ thành nhớn. Thế thôi!
Cho nên, mộng Tản Ðà mặc áo thơ mà thiếu chất thơ. Nó là sản vật của trí tưởng tượng hơn là bản thể của tâm hồn. Trong thai nghén của mộng vẫn có cái ngông của nhà nho thất thế.
*
Tôi nói nhà nho và tôi dụng tâm nhắc đi nhắc lại danh từ ấy. Vì tôi nhận thấy rằng Tản Ðà tiên sinh là nho sĩ hơn là thi sĩ, là nho sĩ tài hoa hơn là nho sĩ chính thống. Tiên sinh ngông hay mộng cũng vẫn giữ cốt cách nho gia.
Một lần, vào khoảng 1926, Nguyễn Thái Học, nguyên lãnh tụ đảng Việt Nam Quốc Dân, nhờ một người bạn giới thiệu làm quen với tiên sinh. Hồi đó, nhà nho của chúng ta đang nằm ở Vinh, sau lúc An Nam tạp chí đình bản. Nguyễn Thái Học vào thăm tiên sinh mục đích yêu cầu tiên sinh cho tái bản An Nam tạp chí, bao nhiêu tiền, bài vở, ông và các bạn đảm lĩnh hết. Tiên sinh cũng ưng thuận vui vẻ lắm. Câu chuyện bàn trong tiệc rượu. Lúc chủ và khách ngà ngà say, Nguyễn Thái Học mới ngỏ ý muốn tiên sinh viết sự nhượng quyền biên tập An Nam tạp chí thành giấy tờ dứt khoát. Ðó chỉ là tính cẩn thận trong công việc. Không ngờ vì thế mà tiên sinh hết sức bất bình, bảo Nguyễn Thái Học: “Thế tức là ông không biết tôi. Ông không hiểu thì hợp tác thế nào được ”. Rồi tiên sinh bỏ rượu, ăn cơm, vào nhà trong nằm nghỉ.
Hẳn có người ngạc nhiên về thái độ của tiên sinh đối với khách. Nhưng nếu ta hiểu tiên sinh hơn nữa, ta sẽ thấy rằng hành vi ấy tất nhiên phải có. Ðối với một nhà nho, sự thủ tín là một đức tính không thể thiếu được. Bắt làm giao kèo tức là không tin ở lòng bền vững của nhau. Một nhà nho không nổi giận sao được! Nhưng nếu tiên sinh là nhà nho thuần tuý thì tiên sinh phải giấu cái giận đi rồi tìm cớ mà từ chối sự hợp tác. Như vậy mới phải phép xử thế của người quân tử. Ðằng này bỏ khách không tiếp để lộ cái nộ khí của mình, tiên sinh đã tỏ ra một nhà nho phóng lãng không chịu đóng khung thất tình vào những lễ nghi thông dụng. Tiên sinh là một kẻ tài hoa lạc bước vào sân Trình cửa Khổng.
Ðời và thơ Tản Ðà đặc sắc và có ý nghĩa ở những lạc bước tiền định ấy.

Kết luận
Trong người Tản Ðà có ba yếu tố tinh thần: 1) bản chất épicurien (thờ khoái lạc); 2) di truyền Nho giáo; 3) tập quán lãng mạn.
Tiên sinh hưởng cuộc đời theo chủ não người épicurien, hành động theo hoài bão một nhà nho, xử thế theo cốt cách người lãng mạn. Ba yếu tố ấy kết hợp lại thành cái ngông vô biên của tiên sinh. Rồi suốt cuộc đời, tiên sinh chỉ lấy mộng để sống cái ngông ấy. Nhưng trong mộng và ngông, ta đều nhận được một buồn bã nặng nề. Ðó là cái buồn của những kẻ tài hoa sống trên đời như một khách lữ hành, không tin tưởng, không hy vọng. Ðã coi cuộc thế như một giấc mộng, đã coi sự vật toàn là ảo ảnh, thì còn tin tưởng làm sao được, hy vọng làm sao được?
Ðời và thơ Tản Ðà phù phiếm ngang nhau. Không có gì sâu sắc, không có gì lớn lao, không có gì bay bổng. Nói vậy không phải bảo là đời và thơ tiên sinh không lý thú. Trái lại.
Ðể kết luận quyển nghiên cứu nhỏ này, tôi nhắc lại:
Tản Ðà tiên sinh, vì bản chất, vì di truyền, không phải là một thi nhân thuần tuý.
Tiên sinh chỉ là một người thờ khoái lạc, một kẻ tài hoa lạc vào địa hạt thơ ca.
Phát hiện tuyệt đối của cốt cách tài hoa ấy là cái ngông của tiên sinh.
Phạm vi thực hiện được chu đáo cái ngông ấy là cõi mộng văn chương.
Thơ Tản Ðà chỉ là biểu thị lỗi lạc của những trạng thái tâm lý phức tạp ấy.
Ðọc tới đây, các bạn hẳn đã hiểu rõ tâm hồn Tản Ðà tiên sinh. Các bạn cũng đã thấy địa vị tiên sinh trong văn học sử hiện đại. Chỉ có một điều tôi chưa đem bàn luận cùng các bạn là nghệ thuật làm thơ của tiên sinh. Tôi hẹn các bạn đến một quyển sách khác.

Viết trong tháng Janvier 1939
Ðại đồng thi xã xuất bản, Hà Nội, 1939.

[1]Trích trong Giấc mộng lớn của Tản Ðà.
[2]Như trên
[3]Trích trong quyển Khối tình con, bản phụ.
[4]Trích trong quyển Giấc mộng lớn
[5] Như trên
[6] Như trên


 

 

Trời sinh ra bác Tản Đà

Trần Mạnh Hảo

 

Dãy Hoàng Liên Sơn phóng một mũi lao từ trên trời xuống, xé rách các vỉa núi như xé vải, ngoằn ngoèo đổ thác qua vùng Tây Bắc, vút thẳng tới trung du thành sông Đà gầm thét. Núi Tản Viên - Sơn Tinh sừng sững làm cây cọc vĩ đại buộc dòng sông hung hãn này lại như buộc một dây diều, rồi đổ dòng mãnh giang vào sông Hồng như đổ một vò rượu nếp. Sông Đà gào rú mà Thủy tinh, cuồn cuộn mà phát điện, bập bùng mà thi hứng trời xanh. Nguyễn Khắc Hiếu đã lấy tên con sông và ngọn núi quê hương ghép lại thành bút hiệu thi ca mình : Tản Đà; để hai vị thần Sơn Tinh, Thủy Tinh nghìn đời xung khắc cùng ở trọ trong ngôi nhà bản thân mình, như nước phải đồng sàng cùng lửa trong cuộc đời 51 năm của mình mà không dị mộng thì quả là chuyện hi hữu.

Với sự nghiệp quá ư đồ sộ gồm thơ, văn, báo chí, dịch thuật...Tản Đà chính là ngọn núi Ba Vì của nền văn học Việt Nam sững sững suốt 30 năm từ 1915 đến 1935. Sau Nguyễn Khuyến, Tú Xương, nếu không có Tản Đà, nền thi ca Việt Nam sẽ có một khoảng trống lớn không gì bù đắp được. Nếu không có Tản Đà, dễ gì thơ mới 1932-1945 đạt được thành quả to lớn như nó từng có. Tản Đà, cột mốc lớn, gạch nối lớn, nhà ga lớn, trạm trung chuyển lớn giữa nền thơ xưa dân tộc và thơ mới. Ông cổ điển một cách lãng mạn, hiện đại một cách xa xưa, đốt lên ngọn khói nghìn năm thi sĩ ông cha bằng rơm rạ bây giờ. Nếu Nguyễn Khuyến giấu thi hứng trong niềm ở ẩn nơi vườn thu, ao thu, Tú Xương cười ra nước mắt nỗi làng quê hóa phố thì Tản Đà đưa thi ca Việt Nam vào hẳn thành phố  cùng thương trường, thị trường :" Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu / Quanh năm những luống lo văn ế "..."Văn chương hạ giới rẻ như bèo". Ông là nhà thơ lớn đầu tiên thành công làm thơ bằng chữ quốc ngữ, rồi in thơ ra "đem bán phố phường", dùng nghề viết để kiếm sống. Suốt cuộc đời bèo giạt mây trôi với thân phận chữ nghĩa, nay đây mai đó như chim, nhưng là chim tu hú không có tổ, Tản Đà từng chua chát, đùa vui mà giới thiệu mình :" Trời sinh ra bác Tản Đà / Quê hương thời có, cửa nhà thời không ". Sinh thời, nhà thi sĩ của giời đất này hầu như chỉ toàn ở nhà thuê, lấy nhà thiên hạ làm nhà mình, sống trên đời mà như sống trên mây. Hơn sáu mươi năm đã qua kể từ ngày nhắm mắt, Tản Đà vẫn nằm ngoài trời, trong nghĩa địa Quảng Thiện, lấy hư vô làm nhà, lấy nắng mưa làm cửa, lấy gió bão làm giường chiếu. Nhưng Tản Đà đã có hàng triệu mái nhà khác để linh hồn ông cư trú là trái tim những người Việt Nam yêu thơ ông. Hình như Tản Đà chọn cho mình ngày sinh và ngày chết trùng nhau : ngày 20 tháng tư âm lịch. Sinh ra và mất đi cùng một ngày ở khoảng giao thời giữa mùa xuân và mùa hè, cũng như vai trò của thơ văn ông là giai đoạn quá độ, giai đoạn chuyển tiếp của thi ca Việt Nam từ cũ sang mới, từ xưa đến nay.

Tản Đà từng viết :" Có văn có ích, có văn chơi". Nhiều người lầm tưởng văn thơ Tản Đà chỉ là thứ "văn chơi", còn thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, Phan Bội Châu và nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục mới là "văn có ích", mới là văn yêu nước chống giặc ngoại xâm. Không, văn thơ Tản Đà vừa là "văn chơi" vừa là "văn có ích ". Tản Đà yêu nước lắm, căm ghét bọn giặc và tay sai của chúng lắm. Có người cho thơ Tản Đà chỉ toàn thú ăn chơi, toàn có rượu, có say, có ngông, có sầu, cái sầu trích tiên bị đầy hạ giới. Vâng, có tất cả những điều ấy, nhưng còn có thêm một điều hệ trọng khác rằng Tản Đà cũng là một nhà thơ yêu nước như ai. Đất Nước của mọi người, nên mỗi người đều có cách yêu nước riêng của mình. Hãy đọc bài thơ tuyệt tác "Thề non nước " xem hồn vía Tản Đà ở đâu :" Nước non nặng một lời thề / Nước đi đi mãi không về cùng non ...". Nước ở đây vừa là nước của sông suối, vừa là đất nước. Nước đã mất "Nước đi đi mãi không về cùng non" nên mới để non lại một mình trông ngóng. Cả bài thơ là tấm lòng thương nước, nhớ nước, mong lấy lại đất nước để cho trọn niềm Nước Non. Tình cảm non nước bàng bạc suốt trong thơ Tản Đà, như một vết thương, một niềm quan hoài khôn xiết, một ngóng vọng tưởng tuyệt vọng mà vẫn mong chờ. Ai cũng biết việc Tản Đà treo một bức địa đồ Việt Nam rách rưới trên chỗ làm việc, đi đâu vô Nam ra Bắc ông cũng mang theo :" Non sông thề với hai vai / Quyết đem bút sắt mà mài lòng son / Dư đồ rách, nước non tô lại / Đồng bào xa trai gái kêu lên / Doanh hoàn là cuộc đua chen / Rồng Tiên phải giống ngu hèn, mà cam" ( Xuân sầu ). Những vần thơ in công khai, toát mồ hôi mới thoát khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt của thực dân Pháp, lại mang tính chiến đấu nhường ấy, ai bảo thơ Tản Đà không yêu nước ? Nhà thơ vạch lá cờ quẻ li Nam triều  ra mà gói nỗi tủi nhục của vua hề :" Cờ vàng dấu đỏ đế vương suông ". Ông dùng thơ văn công khai, báo chí công khai mà vạch mặt bọn tay sai bán nước theo voi Tây ăn bã mía :" Rón chân những chực khi voi nhả / Rát lưỡi đành xơi cái ngọt thừa / Ấy đã theo đuôi thời phải hít / Còn đâu nên tấm nữa mà vơ "( Theo voi ăn bã mía). Tản Đà cố gắng thức tỉnh bọn người trót dại làm tay sai cho ngoại bang trong bài " Chim họa mi trong lồng" như sau :" Lồng son cửa đỏ thảnh thơi / Mi bay mi nhảy sướng đời nhà mi / Nghĩ cho mi cũng gặp thì / Rừng xanh mi có nhớ gì nữa không ?". Là một nhà nhân đạo chủ nghĩa, tuy ghét bọn họa mi hót trong lồng ngoại bang kiếm ăn này, song Tản Đà vẫn để ngỏ hi vọng vào nỗi nhớ "rừng xanh" trong chúng, nhắc chúng nhớ rằng mình là dân mất nước mà nuôi khát vọng tự do. Chúng ta còn có thể trích ra rất nhiều vần thơ yêu nước của Tản Đà trong việc đả kích chế độ thực dân phong kiến, trong việc nêu gương những anh hùng xưa còn sáng giữa trời tấm gương hi sinh cứu nước...

Nhưng cái đáng qúy nhất, tinh thần yêu nước nhất, đóng góp riêng nhất của Tản Đà cho đất nước là công mở đầu nền thơ hiện đại Việt Nam. Ấy là việc suốt 30 năm, ông đã viết được rất nhiều bài thơ, câu thơ hay. Mà phàm thơ đã hay thì dứt khoát mới. Còn có khi thơ rất mới, rất hiện đại mà chưa chắc đã hay. Năm 1920, năm Tố Hữu, Chế Lan Viên ra đời, năm Huy Cận mới tuổi thôi nôi thì Tản Đà đã viết những vần thơ rất mới và rất hay trong bài "Cảm thu, tiễn thu" :"Từ thu đến nay / Gió thu hiu hắt / Sương thu lạnh / Trăng thu bạch / Khói thu xây thành / Lá thu rơi rụng đầu ghềnh / Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly / Nhạn về én lại bay đi / Đêm thu vượn hót ngày thì ve ngâm / Lá sen tàn tạ trong đầm / Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa / Sắc đâu nhuộm ố quan hà / Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương...". Những dòng thơ này thật tuyệt vời, với hình thức diễn đạt trước Tản Đà chưa hề có trên thi đàn Việt Nam và sau ông, ngay cả những câu lục bát tài hoa nhất của Huy Cận cũng không thể vượt qua những câu lục bát trên của bậc tiền bối. Hồn thu trong thơ Tản Đà vừa mang mang hơi hướng Nguyễn Trãi, Nguyễn Du xưa, vừa có phong vị của các nhà thơ mới sau này. "Sắc đâu nhuộm ố quan hà ", câu thơ tuyệt hay này đọc lên còn nghe buồn xưa xa lắm hiện về từ Đường thi, Tống thi...hay đấy là nghìn năm thi ca phương Đông mượn Tản Đà mà vẽ ra hồn thu muôn thuở ? Nhưng đến hai câu thơ viết về lá sen khóc hoa, khóc mùa hè đã mất thì lại rất "thơ mới", rất hiện đại, rất lãng mạn và rất cá thể, cá nhân :" Lá sen tàn tạ trong đầm / Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa". Cám ơn Tản Đà đã mang đến cho sự "tàn tạ" nơi lá sen của mùa thu xưa một vẻ đẹp mới, một giọt nước mắt mới, một tâm trạng mới của thời đại "gió Á, mưa Âu". Năm 1917, sau khi Tú Xương chết 10 năm, Nguyễn Khuyến chết 8 năm, thơ Việt Nam hầu như chỉ còn biết chui vào cái rọ sáo mòn thất ngôn bát cú luật Đường, thì đột nhiên Tản Đà xuất hiện bằng tuyệt tác "Tống Biệt" trích trong vở tuồng "Thiên Thai", báo hiệu một cuộc cách mạng thơ :" Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai / Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi / Nửa năm tiên cảnh  / Một phút trần ai / Ước cũ duyên thừa có thế thôi / Đá mòn rêu nhạt / Nước chảy huê trôi / Cái hạc bay lên vút tận trời / Trời đất từ đây xa cách mãi / Cửa động / Đầu non / Đường lối cũ / Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi ..."Mượn nỗi niềm Lưu Nguyễn Thiên Thai xưa, Tản Đà ngậm ngùi tiễn đưa thi pháp cổ điển, thi pháp của "hạc vàng" khuê các về trời, để tiếp nhận thi pháp trần gian, thi pháp của cái tôi lãng mạn, cái tôi trữ tình, tách mình ra khỏi trời đất mà cảm thán nỗi riêng tư hun hút hồn mình.

Cũng như cổ nhân, Tản Đà buồn lắm, day dứt lắm :" Một vừng trăng khuất đi mà đứng / Một lá mành treo cuốn lại buông / Ngồi hết đêm suông, suông chẳng hết / Chùa ai xa điểm mấy hồi chuông " (Đêm suông Phủ Vĩnh ). Buồn đến suông hơn cả đêm suông, mới thấy ngày dài hơn thế kỷ. Tản Đà viết về nỗi buồn làm thời gian lỳ ra, dài ra vô tận, hay tới mức hiếm có :"Người đời thử ngắm mà hay / Trăm năm thì ngắn một ngày dài ghê ". Có lúc buồn quá, nhà thơ đành hóa thân vào con quay( con vụ) mà ngơ ngẩn tỉnh say phận mình :" Lăng nhăng thân thế đi đi đứng / Nghiêng ngả quan hà tỉnh tỉnh say". Ông mượn chuyện Thúy Kiều mà giấu tâm trạng u uẩn, buồn đau mình vào câu chữ, đọc lên sao hay thế, buồn thế, đau thương thế, khiến lòng kẻ hậu sinh này cũng vương lụy cổ nhân :" Nửa ngòi bút ngỗng ba sinh lụy / Một mối tơ tằm mấy đoạn vương ". Nỗi buồn mất nước, nỗi buồn thời thế như keo vít mắt Tản Đà, khiến ông nhìn vào đâu cũng thấy tối, như thể thế giới cấu tạo nên mọi thứ trừ đôi mắt :" Ù , ù gió thổi Bắc, Tây, Đông / Đêm tối trông ra tối lạ lùng / Tạo vật không tay mà hóa có / Phàm trần có mắt cũng như không "(Đêm tối). Tản Đà ví mình như con cuốc, tiếc xuân, núp trong bụi rậm cuộc đời còn   í ới, sao chưa dám nhảy ra giữa thanh thiên bạch nhật mà kêu nỗi đau mất nước hồn Thục Đế :" Sao cứ co ro trong bụi rậm / Lại còn eo óc với trời cao ". Có khi nhà thơ ẩn hồn mình trong con ếch núp  bờ ao mà "ì ộp" nỗi đợi mưa tội nghiệp :" Ì  ộp hồ xa ếch đợi mưa". Nhà thơ diễu mình, nhưng là để nói lên nỗi nhục vong thân, vong quốc một cách đớn đau :" Văn có pha trò cho đủ lối / Mực đem bôi nhọ khéo mua cười ". Một người bên ngoài tưởng bông lơn, cười cợt, tưởng ngông lắm, ngang lắm, lại là người mau nước mắt nhất khi ngó tới, nghĩ tới giang san :" Lệ ai giàn giụa với giang san "(Cảm đề ).

Tản Đà buồn quá mà nói ngông ra vậy thôi, chứ thực tình, ông là người yếu đuối, rất mềm mỏng mà phải giả bộ cương, quặn thắt nhớ nước thương nòi mà giả bộ  phỉ phui, vô tình, vô cảm :" Tài cao, phận thấp, chí khí uất / Giang hồ mê chơi quên quê hương". Không, Tản Đà uất quá nói khống ra chơi thôi, chứ ông có phút nào nguôi chuyện quê hương đâu. Bởi vì trong tận cùng lận đận, nhà thơ vẫn thẹn cùng sông núi đó thôi :" Bước lận đận thẹn cùng sông núi / Mớ văn chương tháng lụi năm tàn "(Đêm đông hoài cảm). Tản Đà hay viết ngông, nói ngông cho đỡ buồn, giang hồ vặt cho đỡ tẻ :" Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc / Hết cả giang hồ, hết cả ngông". Tản Đà buồn qúa uống rượu tìm say chơi, chứ ông đâu có lấy rượu làm mục đích. Viết về rượu, nhà thơ có nhiều câu hay, chỉ xin chép ra mấy dòng lục bát :" Say sưa nghĩ cũng hư đời / Hư thì hư vậy, say thời cứ say / Đất say đất cũng lăn quay / Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười". Người mang trái tim rún rẩy như Tản Đà chẳng cần uống rượu vẫn cứ say tít thò lò như quả đất suốt đêm ngày, tự mình lật đà lật đật quay quay...

Trong bài "Còn chơi" Tản Đà viết :" Vắng tớ bấy lâu đời nhớ tớ / Nhớ đời nên tớ vội ra chơi". Thưa với Tản Đà tiên sinh, từ khi tiên sinh xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, lúc thi đàn quá ư trống vắng, quá ư heo hút, lập tức tiên sinh đã thành cây đại thụ thi ca mà toả bóng xuống trang thơ các nhà thơ mới sau này, đời chưa phút nào vắng bóng tiên sinh cả. Hơn sáu mươi năm từ thuở nằm xuống, nay Tản Đà vẫn "Nhớ đời " và ra chơi cùng kẻ yêu thơ ông. Thơ với Tản Đà là cuộc chơi lớn, là thú vui còn lại cả sau khi chết, nên sinh thời ông đã quyết chơi cho mãi mãi :"Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi"..."Nghĩ đi nghĩ lại, lại ra chơi". Trong cuộc chơi thi ca của Tản Đà, tâm hồn Việt Nam, văn học Việt Nam bỗng thêm sinh động và quyến rũ lên rất nhiều; như thể cuộc rong chơi của sông Đà khi qua Hoà Bình hiện nay, trước khi cuốn vào núi Tản cùng thơ Tản Đà, đã say nồng cuồn cuộn làm tuốc-bin cảm xúc Thủy Tinh quay tít, sinh ra bừng sáng muôn năm thủy điện . Phải chăng sự nghiệp thi ca đồ sộ của thi hào Tản Đà để lại cho dân tộc cũng là một nhà máy thủy điện lớn, sinh ra từ sông Đà tinh thần, đặng phát ra ánh sáng tâm hồn, ánh sáng của rung - động-Đẹp cho không chỉ của ngôn ngữ Việt Nam, mà còn  cho mỗi tấm lòng yêu thơ vậy .

 

Tiểu sử Tản Ðà 

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 25-5-1889, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, cạnh sông Đà và cách núi Tản Viên 10 km chim bay. Ông đã mượn tên núi tên sông làm bút danh.
Tản Đà tạ thế tại Hà Nội ngày 7-6-1939. Tản Đà bước vào văn chương ở buổi cũ mới giao thời.... Thơ lối cũ không còn đủ chứa tình ý  của thời đại. Còn lối mới thì ông phải tự tìm lấy. Bỗng nhiên Tản Đà thành người tự do không bị khuôn khổ nào câu thúc, cả về hình thức lẫn nội dung. Thơ ông lắm lối lắm loại. Khi thì ông phân biệt chúng bằng hình thức: hát nói, hát sẩm, tứ tuyệt, bát cú, yết hậu, lục bát, trường đoản, từ khúc, trường thiên... Khi thì bằng nội dung: tập Kiều, thù tiếp, thơ họa... Phân biệt lắm thứ như thế vì thật sự Tản Đà không quan tâm đến sự phân biệt. Ông làm thơ như chỉ vì mình. Thơ như nói, nói như chơi mà thấm thía nhân tình. Biên độ thơ Tản Đà rất rộng. Dân ca liền với triết học, cổ điển xen cùng lãng mạn, trào phúng trộn với trữ tình.
Cái mới rõ nhất ở Tản Đà là sự hồn nhiên, tự nhiên. Ông làm thơ như hít thở, thấy thế, cảm nghĩ thế thì viết thế. Tản Đà phẫn chí về danh phận nhưng lại đắc ý về tài năng; tài cao phận thấp, chí khí uất. Thơ ông nói chuyện đời ông, nói việc hàng ngày của ông. Ông không mỹ lệ hóa đời cũng không thần bí hóa thơ mà cũng chẳng màu mè vờ vĩnh. Đắc ý thì nói đắc ý, buồn thì nói buồn. Dám bộc lộ thật mình trong văn chương ở thời Tản Đà là bạo lắm. Phạm Quỳnh công kích Tản Đà: Người ta, phi người cuồng, không ai dám trần truồng mà đi ngoài phố. Nhà làm sách cũng vậy, không ai đem thân thế mình mà làm truyện cho người đời xem. Nhưng chính chỗ ấy là chỗ Tản Đà đã khai sinh ra chủ nghĩa lãng mạn cho thơ Việt Nam, trước cả phong trào Thơ Mới. Bối cảnh xã hội, trình độ dân trí hồi ấy đã cho phép Tản Đà bộc lộ chính mình, đã chấp nhận cho 'cái không giống ai' trong phạm trù cá nhân, cá thể tồn tại, điều mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Du chưa có. Các cụ xưa mới chỉ bộc lộ được từng nét cá thể khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Các cụ mới có từng yếu tố lãng mạn chứ chưa có chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn lấy cái tôi làm nền tảng, quan tâm, chăm chút cái tôi. Tản Đà lãng mạn trên cái tôi ngông. Ngông là một cách đòi quyền tồn tại cá thể chống mọi khuôn mẫu áp đặt. Ngông là lãng mạn trong cõi thực. Tản Đà còn lãng mạn ra ngoài cõi thực. Và đấy lại là chỗ bộc lộ nhất tinh hoa thơ Tản Đà: Nhớ mộng, Tống biệt, Nói với bóng, Nói với ảnh... Đọc văn xuôi Tản Đà càng thấy rõ phẩm chất lãng mạn của tâm hồn ông.
Hồn mơ mộng, thơ hiu hắt, tình điệu âm u. Cõi u ẩn của lòng người, cao thấp sang hèn gì, đều dám phơi lên mặt giấy, gợi thương, gợi buồn, gợi cảm thông. Bài Tống biệt từ âm điệu đến hình ảnh đều nói được cái dúng dắng của khách trần lưu luyến động tiên, khát thèm mộng ảo:

Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Bài Nhớ mộng mở đầu như một sự giác ngộ Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi. Nhưng tỉnh lại thấy không bằng mộng: Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng! Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời. Hai câu này còn là cái lãng mạn mực thước của chủ nghĩa cổ điển. Nó là tổng kết chung của cõi đời dâu bể. Cái chỗ hé ra nỗi niềm Tản Đà là ở câu Những lúc canh gà ba cốc rượu và Mộng cũ, mê đường biết hỏi ai. Tản Đà có những câu thơ chán đời nhưng trong cốt lõi, ông là người ham chơi, ham sống:

Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có cửa nhà thời không
Nửa đời Nam Bắc Tây Đông
Bạn bè xum họp vợ chồng biệt ly.
Tản Đà chỉ hiện thực khi nào cái thực đánh rất đau vào cái mộng, đánh vào tâm trí nhân ái: Năm hào một đứa trẻ lên sáu. Tiền có năm mà trẻ lên sáu, ấn tượng con số diễn tả sự rẻ rúng của phận người năm lụt lội đói kém.
Về hình thức câu thơ, Tản Đà cũng có nhiều cách tân lắm. Bên cạnh thơ lối cũ, ông viết nhiều thơ lối mới. Ông dùng song song cả mới lẫn cũ, không bài xích hay bênh vực thứ nào nên người ta cứ nghĩ phải đến thời Thơ Mới câu thơ Việt Nam mới có cách tân. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam coi Tản Đà như người bắc cầu cho hai thời đại thi ca Việt Nam là có lý. Nhưng không phải chỉ ở nội dung đâu mà còn ở cả hình thức nghệ thuật.

Vũ Quần Phương

                                                                                            

Cuộc đời Tản Đà

 

Tản Đà (1888-1939) là một thi sĩ Việt Nam.  Nhiều bài thơ của ông được truyền tụng khắp nước Việt Nam. Ông còn dịch thơ Đường và được biết đến như một người dịch thơ Đường sang thơ lục bát hay nhất Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp:
Ông tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1888 (tức ngày 29 tháng 4 năm Mậu Tý), tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây; nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội.
Ông xuất thân trong một gia đình phong kiến quan lại. Thân sinh ông là Nguyễn Danh Kế, đỗ Cử nhân, làm đến Án sát và từng giữ chức Ngự sử trong kinh. Mẹ là Lưu Thị Hiền, cũng có sách ghi là đào Nghiêm, vốn là một đào hát, nổi tiếng tài sắc, giỏi văn thơ.
Do ảnh hưởng gia đình, năm 14 tuổi, ông đã thạo các lối từ chương thi phú. Năm 1907, ông theo anh ra Hà Nội, học trường Quy Thức ở phố Gia Ngư. Năm 1909, đi thi hương ở Nam Định, bị hỏng. Năm 1912, đi thi khoa Nhâm Tý, vẫn hỏng. Trở về Hà Nội, chứng kiến người yêu là cô Ðỗ thị đi lấy chồng, ông chán nản bỏ về Hòa Bình tìm khuây lãng; rồi cùng bạn là nhà tư sản Bạch Thái Bưởi lên chùa uống rượu, làm thơ và thưởng trăng, sống theo lối "tịch cốc".
Năm 1915, ông lập gia đình. Năm 1916, người anh từ trần, gia đình trở nên cùng túng, Tản Ðà quyết định chuyển hẳn sang nghề cầm bút. Thời gian này ông viết tuồng cho các rạp và được đọc thêm nhiều sách dịch Âu Tây bằng chữ Hán, nhờ đó tư tưởng có nhiều biến chuyển.
Năm 1920, đi du lịch ở Huế, Ðà Nẵng, trở về viết truyện "Thề non nước". Năm 1921, làm chủ bút tờ Hữu Thanh tạp chí. Ðược 6 tháng, từ chức, trở về quê. Năm 1922, lại ra Hà Nội lập Tản Ðà thư điếm, sau tập hợp với Nghiêm hàm ấn quán thành Tản Ðà thư cục.
Năm 1925, phong trào yêu nước dấy lên mạnh mẽ, Tản Ðà càng nhập thế tích cực hơn. Ông tổ chức một chuyến du lịch vào Nam, gặp gỡ nhiều nhà chí sĩ và viết bài trên nhiều báo.
Tháng 2 năm 1928, trở về Bắc, rồi lên định cư vùng Yên Lập (Vĩnh Yên), nhưng bị quan lại địa phương gây khó dễ, phải xuống Hải Phòng, rồi lại lên Hà Nội. Năm 1933, sau khi An Nam tạp chí bị đình bản, ông chuyển sang trợ bút cho Văn học tạp chí ít lâu rồi về quê ở ẩn.
Cuối năm 1937, chuyển về làng Hà Trì (Hà Đông), tham gia dịch thuật, viết báo. Sau vì bị viên quan Tổng đốc Hà Đông thù ghét, phải chuyển ra Hà Nội, mở lớp dạy Quốc văn hàm thụ, Hán văn diễn giảng, kiêm cả xem lý số Hà lạc. Ông sống nghèo đói, không đủ ăn và trả tiền nhà, bị chủ nhà tịch thu đồ đạc và đuổi đi, Tản Ðà phải cùng gia đình dọn về phố Cầu mới.

Ông qua đời ngày 7 tháng 6 năm 1939.

Tác phẩm
• Cảm thu, tiễn thu
• Cảnh vui của nhà nghèo
• Chưa say
• Còn chơi
• Con gái hái dâu
• Đề khối tình con thứ nhất
• Đi đêm đay bóng
• Đời đáng chán
• Đưa người nhà quê

Một tác phẩm nổi tiếng của ông là Thề Non Nước:

Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi ra biển non còn ngóng trông
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ còn trông tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái hãy còn tuyết sương
Trời tây nổi bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét càng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù như sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề.

 

T.Ð.

 

bài viết nay không ghi tên Tác giả

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.