Mar 29, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Từ hai bài phú Nôm và một số bài thơ chữ Hán của Đức vua Trần Nhân Tông
Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308), * đăng lúc 03:53:58 AM, Sep 09, 2022 * Số lần xem: 4247
Hình ảnh
#1

         Tìm hiểu tư tưởng Thiền của phái Trúc Lâm Yên Tử

                            Nguyễn Ngọc Nhuận

Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm là thi sĩ, nhà tư tưởng lớn, người anh hùng chống giặc ngoại xâm, một nhân vật kỳ vĩ trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu và nghiên cứu hai bài phú Nôm và một số bài thơ chữ Hán của Đức vua Trần Nhân Tông.

1. Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca là hai bài phú Nôm xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn học chữ Nôm ở nước ta

Như chúng ta đã biết: phú là một thể văn có vần hoặc xen lẫn văn xuôi và văn vần, được viết ra để tả phong cảnh, kể sự việc, bàn chuyện đời, gửi tâm sự, nói chí của mình… Phú có loại một vần (độc vận), có loại nhiều vần (liên vận). Những bài phú dài thường nhiều vần. Những bài biền phú, câu chữ thường đối xứng về thanh điệu, về ngữ nghĩa, theo thứ tự trong câu.

Ở Trung Quốc, phú bắt đầu xuất hiện từ thời Chiến Quốc (403 - 221 TCN), khởi nguồn từ Kinh Thi và Sở từ. Nhà văn Ban Cố đời Đông Hán cho rằng phú thuộc dòng cổ thi (phú giả cổ thi chi lưu). Còn trong Sở Từ khi tả cảnh, tả tình, khi viết lời đối thoại thường mang ý khoa trương, hình thức ngôn từ kiều diễm, đó là cơ sở của cách viết phú sau này. Đến thời Hán, thể phú mới định hình và phát triển mạnh, phú phô bày vẻ đẹp để thành văn, lấy sự vật để tả chí (Phô thái văn, thể vật tả chí - Văn tâm điêu long). Phú thời Hán đã kế thừa được cách dùng ngôn từ mỹ lệ trong các tác phẩm trữ tình của Khuất Nguyên, Tống Ngọc… Sang thời Đường, cùng với sự nghiêm ngặt của chế độ khoa cử, phú được đặt theo thể luật nhất định. Ở thời kỳ này phú trở nên trữ tình đậm đà hơn qua các tác phẩm của Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn, Trương Phòng… Tới thời Tống, các tác phẩm viết theo thể phú càng hoàn thiện hơn với các tác giả Tô Đông Pha, Âu Dương Tu… Nhiều bài phú mẫu mực, trở thành điển cố trong các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc.

Ở Việt Nam, các tác gia Hán Nôm sử dụng thể phú từ rất sớm. Bài Bạch Vân chiếu xuân hải phú của Khương Công Phụ (780 - 805)(1) được coi là tác phẩm văn học thành văn trong dòng văn chữ Hán xuất hiện sớm nhất ở nước ta. Bài phú được viết bằng chữ Hán, ngôn từ hoa mỹ, vần chặt chẽ, đối rất chỉnh, giầu chất trữ tình.

Vào thời Lý, cùng với sự phát triển của chữ Hán đã xuất hiện nhiều bài phú Hán. Nhưng đáng tiếc những tác phẩm đó đến nay đều thất truyền.

Thời Trần, đến Trần Anh Tông (1293 - 1314), phú Hán trở thành một môn thi bắt buộc trong các kỳ khoa cử tuyển chọn nhân tài. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú phần Khoa mục chí còn ghi lại: “Anh Tông, năm Hưng Long thứ 12 (1305), tháng 3 thi học trò trong nước, lấy Tam khôi, Hoàng giáp và Thái học sinh 44 người. Phép thi, trước thi ám tả… kinh nghĩa, thơ dùng thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên, lấy 4 chữ “tài, nan, xạ, trì” làm vần, phú dùng thể 8 vần”. Vào giai đoạn này, hiện thực cuộc kháng chiến vĩ đại chống giặc Nguyên xâm lược và sự phát triển về các mặt văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội là thực tiễn khách quan vun đắp nguồn cảm xúc cho các nhà thơ, nhà văn. Thể loại phú với đặc điểm cho phép thể hiện được những tư tưởng, tình cảm lớn lao hào hùng, những sự kiện vĩ đại, và phú đã trở thành một trong những loại thể được các tác gia thời đó dùng để sáng tác. Có thể kể ra đây một số bài phú còn lưu lại của thời kỳ này như: Quân chu nhạc phú của Nguyễn Nhữ Bật, Bàn khê điếu hoàng phú của Trình Công Cận, Trảm xà kiếm của Sử Hi Nhan, Cần chính lân phú của Nguyễn Pháp, Thiên thu giám phú của Phạm Kính Khê, Ngọc tỉnh liên phú của Mạc
Đĩnh Chi, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu. Các bài phú viết bằng chữ Hán thuộc thời Trần phần nào phản ánh được khí thế của thời đại chống giặc ngoại xâm, sức sống lớn lao và ý thức tự cường dân tộc.

Nhận xét về phú thời Trần, học giả Lê Quý Đôn (1726 - 1784) viết: “Văn thể phú về triều nhà Trần, phần nhiều khôi kỳ hùng vĩ, lưu loát đẹp đẽ…”(2).

Phú chữ Nôm, từ thời  Trần đã được sử sách ghi nhận về thời điểm xuất hiện, Đại Việt sử ký toàn thư (Q.IV) chép rằng: “[Nguyễn] Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc âm. Nước ta thơ phú dùng nhiều quốc âm thực bắt đầu từ đấy”. Phần sau lại chép rằng: “[Nguyễn] Sĩ Cố… giỏi khôi hài, hay làm thơ phú quốc ngữ. Nước ta làm thơ phú bằng quốc ngữ bắt đầu từ đấy”. Nhưng đáng tiếc những sáng tác thơ phú của Nguyễn Thuyên và Nguyễn Sĩ Cố hiện nay không còn lại một bài nào.

Theo các nhà nghiên cứu, dấu tích xưa nhất về chữ Nôm xuất hiện trong khoảng đầu thế kỷ XI. Còn chữ Nôm, nhiều thế hệ người Việt từ thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XX đã sử dụng để sáng tác, tạo nên những tác phẩm có giá trị trong nền văn hóa dân tộc.

Về văn bản Nôm cổ nhất còn lưu lại đến nay là 3 tác phẩm Nôm đời Trần, được ghi lại trong cuốn Thiền tông bản hạnh, bản in năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745)(3) gồm:

1. Bài Cư trần lạc đạo phú 居塵樂 道賦 của Trần Nhân Tông.

2. Bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca 得趣林泉成道歌  của Trần Nhân Tông.

3. Bài Vịnh Hoa Yên tự phú 詠華煙寺賦 của Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang.

Bài Cư trần lạc đạo phú: thuộc thể phú, một thể văn biền ngẫu có vần. Bài chia làm 10 hội, mỗi hội 1 vần. Theo GS. Đào Duy Anh: “Xem thể cách thì thấy đã xa thể phú Hán mà gần thể phú Đường. Đã thấy đủ 3 yếu tố của thể phú Đường luật là: phép câu gối hạc, niêm luật chặt chẽ, đối ngẫu chỉnh tề. Nhưng so với tất cả những bài phú Nôm theo Đường luật từ thời Lê sơ về sau mà chúng ta còn giữ được thì thấy rằng phép đối ngẫu của bài này còn lỏng lẻo, nhiều chỗ chỉ đối ý chứ không đối sát từng lời từng chữ, và âm luật thì có chỗ còn chưa êm tai lắm… Đó là một điểm khiến chúng tôi có cảm giác rằng bài phú này có vẻ xưa hơn thời Lê”.

Bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, cũng được viết theo thể phú, cách viết trong bài này là mỗi câu bốn chữ, có khi câu tám chữ được chia làm hai phần đều nhau. Đó là cách viết theo thể Hán phú. Thể này xưa hơn thể phú Đường luật. Có lẽ bài phú này được Trần Nhân Tông viết sau khi đã xuất gia, thành đạo nên lời ca phóng khoáng hơn, tiêu dao hơn, nên thể cách cũng không bị gò bó theo phú Đường luật.

Về cách viết chữ Nôm của hai bài được viết theo phép giả tá, hình thanh và hội ý. Bài Cư trần lạc đạo dùng nhiều từ Việt cổ mà đến nay không ai dùng nữa như những từ: cóc, chỉn, đòi, han, mựa, nhẫn, sá, tua, thông… Cóc là âm xưa chữ giác, theo hàm nghĩa: giác ngộ. Bài Đắc thú lâm tuyền cũng có nhiều từ cổ như bài trên.

“Về số từ là chữ Hán dùng trong 2 bài phú Nôm nói trên chiếm tỷ lệ khá cao. Nếu đối chiếu với văn bản Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi thì có thể đoán định rằng hai bài phú này có niên đại cổ hơn”(4).

Cư trần lạc đạo phú Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca là hai bài phú Nôm xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn học chữ Nôm ở nước ta.

2. Tư tưởng Thiền qua hai bài phú Nôm và một số bài thơ chữ Hán  của Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông

Có một vị cao tăng khi giảng về đạo Thiền nói rằng “Kinh sách chẳng qua như là cái ngón tay chỉ về phía vầng hào quang của đức Phật. Nếu ta đã thấy vầng hào quang ấy và ta được tỏ sáng rồi, thì ngón tay kia chẳng còn có ích chi nữa…”. Đó là cách nói về con đường đi tìm chân lý của những người tu thiền.

Để đi tìm yếu chỉ tư tưởng Thiền trong đạo học của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông qua các tác phẩm của ông có lẽ chúng ta không thể chỉ bằng vào sự phân tích duy lý mà cần cảm nhận của trực giác. Trong ánh sáng lung linh huyền ảo đạo học, chúng ta sẽ tới gần hơn tâm hồn và tư tưởng của Người.

Trước tác của Trần Nhân Tông ngoài hai bài phú kể trên, còn khá nhiều tác phẩm khác nữa. Những tác phẩm đó có một vị trí đặc biệt trong kho tàng thư tịch Phật giáo Việt Nam.

Về thơ: có 35 bài thơ chữ Hán được lưu lại trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt âm thi tập, Tam tổ thực lục, Toàn Việt thi lục.

Về văn: có hai bài giảng, một ở chùa Sùng Nghiêm, một ở Viện Kỳ Lân. Nội dung viết theo lối công án hỏi đáp, thể hiện rõ nét tư tưởng Thiền. Một bài văn viết về hành trạng của Tuệ Trung Thượng sĩ.

Về ngữ lục: còn hai bài, một bài nói chuyện với Sài Thung (sứ giả nhà Nguyên), một bài nói chuyện với Trương Lập Đạo (cũng là sứ giả nhà Nguyên).

Về văn bang giao: Hoàng đế Trần Nhân Tông có khoảng 20 bức thư gửi vua nhà Nguyên(5). Và một số sách nghiên cứu về Phật học…

Trước khi tìm hiểu hai bài phú, chúng ta hãy lướt qua một số bài thơ chữ Hán viết về thiên nhiên của Trần Nhân Tông. Đây là một mảng thơ quan trọng trong dòng thơ Thiền. Những bậc tao nhân mặc khách thích cảnh trăng nước, thiên nhiên là những người gần với Thiền. Bởi vì cảnh vật thiên nhiên có cách trang trải giãi bày phong phú và sâu sắc. Vũ trụ có sự luân chuyển bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; chiêm nghiệm điều đó sẽ dẫn người học đạo đến gần với lẽ tự nhiên của bản thể.

Trong bài Xuân cảnh, thi sĩ Trần Nhân Tông viết:

春景

楊柳花深鳥語遲

畫堂詹影暮雲飛

客來不問人間事

共倚欄杆看翠微

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

Dịch nghĩa:  Cảnh xuân

Trong đám hoa dương liễu rậm rạp, chim hót chậm rãi,

Che bóng thềm hoa, mây chiều bay.

Khách đến chơi không hỏi việc nhân gian,

Cùng tựa lan can ngắm màu xanh chân trời.

Dường như giữa chủ thể và khách thể đã hòa tan vào nhau. Con người, cảnh vật, chim muông những sinh linh bé nhỏ cùng đồng nhất. Chủ và khách đang chiêm ngưỡng sự huyền diệu của vũ trụ.

Bài Xuân vãn, cho chúng ta hiểu thêm con đường ngộ đạo Thiền của Đức Điều Ngự:

春晚

年少何曾了色空

一春心在百花中

如今勘破 東皇面

禪板蒲團看墜紅

"Niên thiếu hà tằng liểu sắc không,

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.

Như kim khám phá đông hoàng diện,

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng".

Dịch nghĩa:   Cuối xuân

Thời trẻ đâu biết được lẽ sắc không,

Xuân đến lòng để trong trăm hoa.

Đến nay đã khám phá diện mạo chúa xuân,

Ngồi trên tấm bồ đoàn giữa thiền bản ngắm cánh hồng rụng.

Có một vị thiền sư nói rằng: “Lá rụng hoa rơi và cuộc đơm bông trổ trái giãi bày với ta đạo lành của Phật”. Với bài thơ trên cho thấy từ sự vận động của tự nhiên như đã mách bảo người học đạo con đường đến với sự huyền diệu của đạo Thiền.

Cũng với bài:

武林秋晚

畫橋倒影蘸 溪橫

一枺斜陽水外明

寂寂千山紅葉落

溼雲如夢遠鍾聲

Vũ Lâm thu vãn

Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành,

Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh.

Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,

Thấp vân như mộng viễn chung thanh.

Dịch nghĩa: Chiều thu ở Vũ Lâm

Chiếc cầu chạm vẽ đảo bóng vắt ngang dòng suối,

Một vệt nắng chiều rực sáng bên ngoài ngấn nước.

Nghìn ngọn núi lặng lẽ tịch mịch, lá đỏ rơi,

Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông chùa xa vắng(6).

Người đọc như được dẫn vào thế giới Thiền, chất Thiền bàng bạc khắp trong bài thơ. Sự tĩnh lặng của cả thế giới được bao trùm bằng nhịp thời gian trong tiếng chuông chùa xa vắng.

Ngoài những bài kể trên, thơ Trần Nhân Tông còn nhiều bài xứng đáng được xếp vào những thi phẩm hay nhất trong dòng thơ cổ Việt Nam.

Trở lại với hai bài phú của Trần Nhân Tông, người nghiên cứu về Thiền từ những câu chữ dần hiểu được những ý chỉ sâu xa nhất ở đó. Trong một phút đốn ngộ Đức Điều Ngự đã tỏ được ánh sáng của đức Phật. Rồi trên con đường dẫn đạo ông trở thành vị Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Bằng trí tuệ Bát Nhã Trần Nhân Tông muốn thức tỉnh mọi người tìm lại cái mình đã đánh mất.

Điều này còn lý giải thêm rằng: Vì sao Đức Điều Ngự đã viết hai bài phú bằng chữ Nôm? Là để từ đó tiếp dẫn con dân đất Việt dễ dàng đến với những giáo lý của Người.

Trong Hành trạng của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Nhân Tông viết:

“Một hôm ta (tức Trần Nhân Tông) hỏi về cái gốc của tôn chỉ Thiền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được”. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ Người làm thày”.

Ở Hội thứ hai của bài Cư trần lạc đạo phú, Đức Điều Ngự đã chỉ ra chốn cực lạc chẳng ở đâu xa! Từ sự thấu hiểu đạo trong lòng của chính mình:

…“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương,

Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc”.

Trần Nhân Tông như khuyên mọi người phải tự giải thoát ra ngoài sự vật để chân tâm được trong sáng, mà Phật tính mỗi người sẽ được mở thông.

“…Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay.

Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.

  Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nửa thiên cung.

 Dầu hay mến thủa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác”.

Đến Hội thứ năm, Trần Nhân Tông nêu tư tưởng cốt lõi của Thiền học là:

… “Bụt ở trong nhà,

       Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuây bản nên ta tìm bụt;

Đến cốc hay chỉn bụt là ta”…

Nghĩa là: Trở về với cái gốc của mình, đến khi giác ngộ thì Phật ở tâm mình. Đây chính là thông điệp thứ nhất mà Trần Nhân Tông muốn gửi đến mọi người.

 Cuối bài Cư trần lạc đạo phú có bài kệ. Lời kệ ở đây đã bày tỏ giáo lý Phật giáo, là lời đúc kết tư tưởng Thiền học của Trần Nhân Tông.

Kệ rằng:    

居塵樂 道且隨綠

饑則飧兮困則眼

家中有寶休尋覓

对境無心莫問禪

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Nghĩa là:                    

Sống giữa cõi trần vui với đạo, hãy tùy duyên,

Đói  thì ăn, mệt thì ngủ.

Trong nhà có vật báu, chớ tìm ở đâu,

Đối diện với cảnh vô tâm, chẳng cần hỏi đến Thiền.

Đói thì ăn, mệt thì nghỉ, tùy theo duyên trên cõi đời này. “Duyên” là mối quan hệ giữa con  người và sự vận động của thế giới khách quan. Trong bài kệ Trần Nhân Tông như nhắc nhở mọi người hãy thuận theo sự vận động của quy luật tự nhiên. Cũng như với hành động của Trần Nhân Tông chúng ta tìm thấy được một tinh thần “nhập thế” tích cực. Mang theo tư tưởng “Thiền” tích cực, Trần Nhân Tông đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên đi đến thắng lợi. Thuận theo lẽ tự nhiên Trần Nhân Tông đã cùng với những nhân vật tài năng xuất chúng như: Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão… dẫn dắt quân dân nhà Trần đuổi giặc Nguyên xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta.

Đó là thông điệp thứ 2 mà Đức vua Trần Nhân Tông gửi cho mọi người: Hãy thuận theo lẽ tự nhiên, sống với tư tưởng Thiền “tích cực”.

Cùng với những tư tưởng Thiền như bài trên, trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca đức Điều Ngự cũng khuyên nhủ mọi người trở về với thiên nhiên để được thuần hậu, hỷ lạc, từ bi.

“… Khuất tịch non cao,

Náu mình sơn dã.

Vượn mừng hủ hỷ,

Làm bạn cùng ta.

Vắng vẻ ngàn kia,

Thân lòng hỷ xả

Và gần với đạo Thiền hơn:

“… Niềm lòng vằng vặc,

       Giác tính quang quang.

       Chẳng còn bỉ thử,

       Tranh nhân chấp ngã.

       …Xướng khúc vô sinh,

       Am Thiền tiêu sái…”(6).

Như ở phần trên chúng tôi đã nhắc tới: bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca được Trần Nhân Tông viết sau khi đã xuất gia lên Yên Tử. Việc làm này còn được nhìn nhận “Theo khía cạnh nhập thế tích cực hơn như trong mục Thu thanh (Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh) viết:

"Người ta thấy Đức Điều Ngự Đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo là (ngài) xuất gia, ta biết rằng Đức ngài lúc bấy giờ xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ chưa được an tâm. Cái ý ấy không tiện nói rõ, sợ người ta giao động. (Cho nên) nhắm được ngọn núi Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thường thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm, thật là một vị Vô lượng Đại thế chí Bồ Tát. Lúc bấy giờ chỉ có Huyền Quang tôn giả biết được ý ấy, bỏ cái cao sang của một vị trạng nguyên, sớm chiều đi theo ngài để hoàn thành cái ý nguyện của ngài, thật là một vị Vô lượng kiến thức Đại Bồ Tát”(7).

Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã viên tịch cách đây khoảng 700 năm, nhưng tư tưởng của ông vẫn như ngọn đuốc trí tuệ sáng mãi trong dòng Thiền của Phật giáo Việt Nam. Trần Nhân Tông là vị Sơ tổ sáng lập nên dòng Thiền Trúc Lâm nổi tiếng, mang đậm bản sắc dân tộc. Trần Nhân Tông là một nhân vật kỳ vĩ trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

                          N.N.N                                                                                                                 

 

Chú thích:

1. Khương Công Phụ có thân phụ là Khương Đình, quê quán ở huyện Nhật Nam, Ái Châu.

2. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb. KHXH, H. 1977.

3. Theo Dẫn luận trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục để yếu, Nxb. KHXH, H. 1993.

4. Theo Đào Duy Anh: Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.

5. Theo Hoàng đế Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm. Khóa luận tốt nghiệp của Cao Thị Minh Hồng.

6. Những bản dịch về thơ và phú ở đây chúng tôi dẫn theo Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 2. Nxb. KHXH, H. 1997.

7. Xem Thơ văn Ngô Thì Nhậm, Tập I Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh, Nxb. KHXH, H. 1978, tr.41.

SÁCH THAM KHẢO CHÍNH

1. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2004.

2. Phú Việt Nam cổ và kim, Phong Châu - Nguyễn Văn Phú, Nxb. Văn hóa, H. 1960.

3. Nhìn lại Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX. Nxb. KHXH, H. 2003.

4. Thiền học đời Trần. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995.

5. Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX. Thích Thanh Từ, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998.

6. Tam tổ Trúc Lâm giảng giải. Thích Thanh Từ. Thiền viện Thường Chiếu, 1997.

7. Các tông phái đạo Phật, Đoàn Trung Còn, 1970./.

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.