Apr 29, 2024

Biên khảo

Chuyện Bên Lề - Ðộc Tiểu Thanh Ký (nguyễn Du)
Nguyễn Du (1766 - 1820) * đăng lúc 04:55:37 PM, Jul 14, 2008 * Số lần xem: 2803
Re: Thơ chữ Hán Nguyễn Du - Độc Tiểu Thanh kí (讀小青記)
Posted by: huong ho (---.socal.res.rr.com)
Date: February 14, 2007 08:00PM

"Độc Tiểu Thanh kí" - tư liệu và hướng nghiên cứu
PGS.TS Trần Đăng Na
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bài Độc Tiểu Thanh kí được dịch và in bằng chữ quốc ngữ khá sớm(1), nhưng phải đợi đến khi soạn giả sách giáo khoa đưa vào Văn 10(2) thì giới nghiên cứu mới thực sự chú ý tới và tạo thành cuộc tranh luận khá sôi nổi, kéo dài ngót 5 năm, sau đấy tạm lắng xuống và cho tới nay vẫn còn nhiều điều cần bàn, nhất là những vấn đề về tư liệu và hướng nghiên cứu. Đấy cũng là mục đích của bài viết này.

Có lẽ người đầu tiên châm ngòi cho cuộc tranh luận bài Độc Tiểu Thanh kí là Ts. Nguyễn Danh Đạt. Ông cho rằng, bản dịch nghĩa và dịch thơ bài Độc Tiểu Thanh kí in trong Văn 10 “là chưa ổn”(3) và đưa ra cách dịch mới của mình. Chủ biên Văn 10 - GS. Nguyễn Đình Chú trả lời. Theo Giáo sư, muốn dịch một cách chính xác bài thơ, phải hiểu đúng hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và nguyên nhân dẫn đến cách hiểu khác nhau “là do hiểu về hoàn cảnh sáng tác bài thơ khác nhau”(4). Trên cơ sở định hướng đó, Giáo sư khẳng định: Bài Độc Tiểu Thanh kí được viết khi Nguyễn Du còn ở nhà chưa đi sứ. Tiếp theo, các học giả Trần Đình Sử, Đào Thái Tôn, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Phi... lần lượt viết bài trao đổi. Để trình bày cách hiểu nội dung bài thơ, trong trao đổi, các vị đi theo hai hướng:

Một là, xác định thời điểm ra đời bài Độc Tiểu Thanh kí.

Hai là, truy tìm tư liệu liên quan tới Tiểu Thanh.

Về thời điểm bài thơ ra đời, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận ngược chiều nhau. Một số tán thành ý kiến của các cụ Bùi Kỉ, Đào Duy Anh... trước đây; cho rằng, Độc Tiểu Thanh kí được viết vào thời kì Nguyễn Du đi sứ Trung Hoa như Nguyễn Danh Đạt, Trần Đình Sử(5)… Số khác chẳng hạn Nguyễn Lộc, Nguyễn Đình Chú... thì đồng tình với Trương Chính: Độc Tiểu Thanh kí “không phải làm khi nhà thơ đi qua mộ Tiểu Thanh ở Hàng Châu, mà làm khi còn ở nhà”(6). Mỗi người đều đưa ra lí lẽ của mình và lí lẽ nào cũng có sức thuyết phục riêng. Tuy vậy, cũng có người muốn dung hòa rằng, “có thể Nguyễn Du đã viết bài thơ này trong thời kì đi sứ”(7).

Hướng truy tìm tư liệu về Tiểu Thanh, gồm Nguyễn Quảng Tuân, Trần Đình Sử, Nguyễn khắc Phi... Các ông đã lần lượt công bố Tiểu Thanh truyện trong thư tịch cổ Trung Hoa như Nữ Liêu trai chí dị(8), Ngu Sơ tân chí(9), Tình sử(10). Tuy nhiên, các ông mới tìm thấy Tiểu Thanh truyện. Thế thì, có cái gọi là Tiểu Thanh kí không? Hoặc giả, Tiểu Thanh kí là Tiểu Thanh truyện như có nhà nghiên cứu đã phỏng đoán?

Để giải quyết những vấn đề trên, chúng tôi nghĩ, trước hết cần biết Tiểu Thanh là ai; sau nữa phải truy tìm những tư liệu viết về Tiểu Thanh có liên quan đến các câu thơ Nguyễn Du. Những tư liệu tìm được sẽ cho ta lời giải đáp.

Bây giờ xin lần lượt trình bày từng vấn đề theo tư liệu chúng tôi đã có.

I/ Tam bách dư niên

1. Để tìm ẩn số 300 năm, vấn đề đầu tiên cần biết: Tiểu Thanh là ai?

Nói chung, trong các thư tịch của mình, người Trung Hoa viết về Tiểu Thanh khá thống nhất. Chỉ có điều, họ chưa thật nhất trí trong việc, nên xếp Tiểu Thanh theo họ hay theo tên trong từ điển. Chẳng hạn, cùng một bộ Từ Hải nhưng sách do Trung Hoa Thư cục xuất bản thì xếp Tiểu Thanh vào từ mục “Tiểu Thanh”, tra chữ tiểu [?] 3 nét; còn sách do Thượng Hải Từ thư xã xuất bản lại đặt vào từ mục “Phùng Tiểu Thanh”, tra chữ phùng [?] 12 nét. Lấy chữ “Phùng” hay chữ “Tiểu” làm đầu mục từ, đều thể hiện quan điểm về phụ nữ của các soạn giả. Khi tôn trọng ai đó, người Trung Hoa thường dùng họ để gọi, khi bình thường thì chỉ gọi tên là đủ. Vì lẽ đó, cuốn từ điển do Thượng Hải Từ thư xã in năm 1989, các soạn giả lấy chữ “Phùng” làm đầu mục từ để tra. Bởi không lưu ý tới đặc điểm này nên, khi tra “Tiểu” trong từ mục “Tiểu Thanh” ở Từ Hải của Thượng Hải Từ thư xã không thấy, có nhà nghiên cứu đã hốt hoảng thốt lên rằng khi tái bản, “cuốn Từ Hải mới (Thượng Hải Từ thư xuất bản xã, Thượng Hải, 1989) mục “Tiểu Thanh” đã bị lược bỏ”(11). Thực ra, họ đâu có “lược bỏ”! Chỉ tại, sách thì lấy tên, sách thì dùng họ làm đầu mục cho từ điển mà thôi.

Về cuộc đời Phùng Tiểu Thanh, thoạt đọc, ta cũng thấy hiện tượng dường như mâu thuẫn. Chẳng hạn, Trung Hoa Thư cục ghi, Tiểu Thanh là “tên người con gái ở Giang Đô, thời Minh... giỏi thơ từ, biết âm luật. Bởi vợ cả không dung, dời đến ở nhà riêng tại Cô Sơn; có người bà con là Dương phu nhân thương xót, nói bóng gió khuyên đi lấy chồng khác nhưng không nghe, buồn đau thành bệnh; sai họa sư vẽ ảnh mình, tự tế rồi chết, năm chỉ mới 18 tuổi; chôn ở Cô Sơn, Tây Hồ. Có người họ hàng thu thập thơ từ của nàng, khắc in thành Phần dư cảo. Vở tạp kịch Xuân ba ảnh của Từ Hối thời Minh là lấy từ câu chuyện về Tiểu Thanh mà phổ ra”(12). Thượng Hải Từ thư xã lại viết: Phùng Tiểu Thanh là “nhân vật trong truyện văn học. Tương truyền, nhà ở Dương Châu, giỏi thơ, tài họa. Năm 16 tuổi lấy con trai họ Phùng làm thiếp. Bị người vợ cả ghen tuông, đưa ra an trí tại Phật Xá, Cô Sơn do một ni cô cai quản, tinh thần đau khổ, uất ức mà chết. Vở kịch truyền kì Liệu đố canh của Ngô Bính thời Minh đã lấy sự kiện này làm đề tài”(13). Tuy viết có vẻ khác nhau như vậy, nhưng thực ra, họ đâu có mâu thuẫn. Chỉ vì, Trung Hoa Thư cục dựa vào cuộc đời thực của Tiểu Thanh để biên soạn, còn Thượng Hải Từ thư xã lại dựa vào tác phẩm văn học để viết về Tiểu Thanh. Ngay cả thời điểm Tiểu Thanh sống, họ viết cũng có vẻ khác nhau, song thực chất vẫn thống nhất. Chẳng hạn, Từ Hải nói, Tiểu Thanh người thời Minh; Từ Nguyên bản in năm 1988 bảo người thời Minh Mạt; còn Từ nguyên bản in năm 1938 và Trung Quốc nhân danh đại từ điển lại viết, nàng người thời Thanh Sơ... Bảo Tiểu Thanh người thời Minh, thời Minh Mạt hoặc Thanh Sơ đều đúng cả, vì mỗi sách lấy từ một nguồn khác nhau. Hơn nữa, trong văn chương, người viết thường dùng con số ước lượng.
2. Liên quan đến Tiểu Thanh là ai, có vấn đề mộ Tiểu Thanh.

Về mộ Tiểu Thanh thì, 3 trong 5 bộ từ điển là Từ nguyên (bản in năm 1938 và năm 1988) và Trung Quốc nhân danh đại từ điển đều khẳng định: Nay ở Cô Sơn, Tây Hồ có mộ Tiểu Thanh. Trong ba tư liệu trên, đáng chú ý nhất vẫn là Trung Quốc nhân danh đại từ điển, một loại sách công cụ chỉ dẫn tên người Trung Hoa có thật, đã thừa nhận: “nay ở Cô Sơn Tây Hồ Hàng Châu có mộ Tiểu Thanh”.

Vậy, hiện nay ở Cô Sơn, Tây Hồ có mộ Tiểu Thanh không? Rất may là, gần đây trên một trang Web của mạng Dương Châu (Trung Hoa), mục Dương Châu mĩ nữ (năm 2004) có đưa tin về Tiểu Thanh và hai bức ảnh: mộ Tiểu Thanh (ảnh này cách đây hơn 70 năm, Phan Quang Đán cũng đã công bố(14)) và ảnh màu cảnh Cô Sơn bên hồ Tây Tử. Nhấn mạnh vấn đề này, chúng tôi không nhằm mục đích khẳng định hoặc phủ định Tiểu Thanh là người có thật hay không có thật. Chỉ biết, Nguyễn Du viết bài Độc Tiểu Thanh kí và người Trung Hoa có ảnh mộ Tiểu Thanh. Vấn đề chúng ta cần là thời điểm Tiểu Thanh hiện diện trên đời vì liên quan tới câu “tam bách dư niên” trong thơ của Nguyễn Du.

Thực ra, vấn đề Phùng Tiểu Thanh diễn ra tương tự hiện tượng Vương Thúy Kiều. Thoạt đầu, nàng là người có thật, sau đấy, các văn nhân tài sĩ đua nhau tiểu thuyết hóa để thành các câu chuyện khác nhau.

3. Thời điểm Tiểu Thanh hiện diện trên thế gian này.

Có lẽ do mới tìm thấy Tiểu Thanh truyện, nên chúng ta lúng túng khi lí giải thời gian hơn 300 năm. Tính từ bao giờ để đến Nguyễn Du (1765-1820) được 300 năm? Ngu Sơ tân chí thì nói, Tiểu Thanh mất năm Nhâm Tí niên hiệu Vạn Lịch 1612. Xin lưu ý, chỉ có sách Ngu Sơ tân chí nói thời điểm Tiểu Thanh qua đời, các tài liệu khác như Tình sử, Nữ Liêu trai chí dị và một số tài liệu chúng tôi mới sưu tầm không đề cập tới vấn đề này. Dù tính toán bằng cách nào thì, từ năm Tiểu Thanh mất (theo Ngu Sơ tân chí) 1612, hoặc năm Tiểu Thanh sinh 1595 đến thời điểm Nguyễn Du ra đời 1765, hoặc Nguyễn Du đi sứ 1813, thậm chí tới lúc Nguyễn Du mất 1820 cũng chỉ được 225 năm (1820 – 1595 = 225) huống chi lại “hơn 300 năm”! Song, tài liệu Dương Châu mĩ nữ sẽ giúp ta giải đáp phần nào nghi vấn này.

Để giới thiệu các mĩ nữ nổi tiếng thời Minh của Trung Hoa, trong mục “Bi kịch thảm thương của Phùng Tiểu Thanh - đại diện cho các cô gái đẹp ở Dương Châu” địa chỉ www.yzmn.cn, tác giả viết: “Bên Tây Hồ ở Hàng Châu có hai ngôi mộ mĩ nhân thường khiến du khách phải buồn đau than thở. Thứ nhất là ngôi mộ cô đơn của Tô Tiểu Tiểu, một thi sĩ - danh kĩ nổi tiếng thời Nam Tề(15), nằm tại bờ tây Lãnh Kiều; ngôi thứ hai là mộ Phùng Tiểu Thanh, một oán nữ thời Minh Sơ, nằm yên tĩnh đã lâu trong khu rừng mai dưới chân núi Cô Sơn. Hai ngôi mộ cô quạnh cỏ xanh phủ kín khiến cho bờ hồ Tây Tử tăng thêm vẻ đẹp đượm buồn. Người tới đây tưởng niệm, không khỏi hồi tưởng đến câu chuyện thê lương của hai giai nhân bạc mệnh”.

Đoạn văn trên nói rõ, Tiểu Thanh sống thời Minh Sơ, mộ hiện ở Tây Hồ. Chẳng những thế, tác giả còn kể tỉ mỉ thân phận nàng:

“Phùng Tiểu Thanh vốn là con gái nhà thế gia ở Quảng Lăng. Trước đây, vị tổ của nàng từng theo Chu Nguyên Chương nam chinh bắc phạt, có công trong việc dựng nên giang sơn nhà Đại Minh. Sau khi nhà Minh định đô ở Nam Kinh, gia tộc họ Phùng được hưởng quan cao, lộc hậu. Đến đời phụ thân Phùng Tiểu Thanh, ông được thụ phong làm Thái thú Quảng Lăng.

Thuở ấu thơ, Phùng Tiểu Thanh sống trong phủ Thái thú ở Quảng Lăng. Đó là những ngày có thể nói rằng, vàng son chói lọi, áo gấm xênh xang, kẻ hầu người hạ tấp nập. Từ nhỏ, Phùng Tiểu Thanh đã xinh đẹp đoan trang, thông minh linh lợi, rất được yêu chiều”.

Về gia thế thân mẫu Phùng Tiểu Thanh, tác giả kể: “Mẹ nàng cũng là một khuê tú, xuất thân từ gia đình đại gia, giỏi văn chương, thạo đàn phách và chỉ có một cô con gái cưng như báu vật là Phùng Tiểu Thanh. Từ nhỏ, Tiểu Thanh đã được gia đình quan tâm dậy dỗ, mong sau này trở thành tiểu thư tài mạo xuất chúng”.

Thời thơ ấu của Tiểu Thanh như vậy. Nhưng rồi, một biến cố trọng đại bất ngờ ập xuống gia đình nàng. Tác giả kể tiếp: “Nhưng ai hay, trời có gió mây bất trắc; người có phúc họa khôn lường. Năm Kiến Văn thứ tư, Yên vương Chu Đệ mượn danh nghĩa “dẹp nạn” đã đoạt lấy ngôi vua của Kiến Văn đế. Khi Chu Đệ tiến quân vào Nam Kinh, thân phụ Phùng Tiểu Thanh bấy giờ đang là bề tôi của Kiến Văn đế nên đem quân cương quyết chặn lại. Sau khi Chu Đệ lấy được thiên hạ, Phùng gia tự nhiên trở thành ma không đầu dưới lưỡi dao của vị vua mới này và bị giết cả nhà. Lúc đó Phùng Tiểu Thanh vừa tuổi cập kê, lại đúng dịp đang theo một người bà con là Dương phu nhân ở nơi xa, nên may mà thoát nạn. Trong cảnh hỗn loạn ấy, nàng theo Dương phu nhân chạy đến Hàng Châu”.

Kiến Văn là niên hiệu của Chu Huệ đế nhà Minh, lên ngôi năm Kỉ Mão 1399. Như vậy, năm thứ tư sẽ là năm Nhâm Ngọ 1402. Vào thời điểm ấy, Tiểu Thanh đang tuổi cập kê, nghĩa là 14 hoặc 15 tuổi. Nàng mất ở tuổi 18, nghĩa là ba bốn năm sau, khoảng 1405-1406. Nếu tính từ 1405-1406 đến năm Nguyễn Du ra đời 1765 thì sấp sỉ 360 niên, còn tính đến năm vua Gia Long lên ngôi 1802 thì phải hai 3 năm nữa mới đủ 400 năm và nếu tính đến năm Nguyễn Du đi sứ 1813 thì đã 407-408 năm. Điều này có lẽ cho thấy, Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh kí trước khi vua Nguyễn Gia Long lên ngôi, thậm chí viết rất sớm, trước khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc năm 1786. Có điều rất lạ là, khi biên soạn Thơ chữ Hán Nguyễn Du, chẳng hẹn mà nên, cả hai nhà khoa học, ông Trương Chính và Đào Duy Anh đều khẳng định, Tiểu Thanh “sống vào đầu đời Minh”(16), đúng với tài liệu Dương Châu mĩ nữ. Hoặc giả, hai ông Trương - Đào đã được đọc tài liệu mà sau này mạng Dương Châu công bố chăng? Tiếc rằng, hai ông và cả tác giả Dương Châu mĩ nữ không cho biết xuất xứ tư liệu các vị đã dùng. Dựa vào tài liệu mạng Dương Châu mới công bố gần đây và chú thích của hai ông Trương - Đào, ta có thể coi như bước đầu đã giải quyết xong câu “bất tri tam bách dư niên hậu” và cũng có thể coi như giải đáp một phần vấn đề thời điểm Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh kí. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cũng không nên chỉ hiểu “tam bách dư niên” là thời điểm tính từ Tiểu Thanh qua đời đến Nguyễn Du đọc Tiểu Thanh kí. Ngoài nghĩa chủ yếu ấy ra, có lẽ Nguyễn Du còn muốn đề cập tới nghĩa thứ hai: chu kì vòng đời của một con người. Xin đưa ra để tham khảo thêm.
Cổ nhân cho rằng, giới hạn đời người là trăm năm. Vì vậy, khái số “trăm năm” được dùng để tính một kiếp. Triết học phương Đông cổ đại lại quan niệm, vòng đời con người gồm 3 kiếp (cũng gọi là “tam sinh” hoặc “tam thế”). Bởi vậy, “tam bách niên” cũng đồng nghĩa với một vòng đời. Sau khi hết một vòng đời 300 năm của mình, biết hậu thế có ai khóc Tố Như? Đấy có thể là ý nghĩa thứ hai của câu thơ: Bất tri tam bách dư niên hậu… Vả chăng, trong văn học, người trung đại thường dùng con số theo kiểu ước lượng, chứ không làm phép tính cộng trừ chuẩn xác như chúng ta ngày nay.

4. Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh kí ở Việt Nam hay trên đường đi sứ năm 1813?

GS. Trần Đình Sử có lí khi đặt câu hỏi: “Nếu bài thơ viết trước khi đi sứ, thì sao biết được Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang?”(17).

Để giải đáp câu hỏi của GS. Trần, xin cung cấp một tư liệu khác: Tây Hồ giai thoại cổ kim di tích (gọi tắt là Tây Hồ giai thoại) của Cổ Ngô Mặc lãng tử [?]; tác phẩm ra đời vào thời Thanh với lời tự đề Tựa cho bản in ghi năm Quý Sửu niên hiệu Khang Hi 1673 của chính tác giả. Chúng tôi xin chỉ đề cập ở đây những gì trong tác phẩm này liên quan tới Độc Tiểu Thanh kí.

Sách in, khổ 17,8 cm x 11,5 cm. Bìa gồm ba cột dọc, đọc từ trên xuống. Cột giữa in 4 chữ cỡ lớn: Tây Hồ giai thoại; cột bên phải, 6 chữ nhỏ: Tinh hội thiết sắc toàn đồ; cột bên trái, cũng 6 chữ cỡ nhỏ: Kim Lăng Vương nha tàng bản. Nội dung của sách gồm:

a - Bài Tựa do chính tác giả tự đề, lạc khoản ghi: “Khang Hi tuế tại Chiêu dương Xích phấn nhược, Mạnh xuân Trâu nguyệt, Vọng nhật, Cổ Ngô Mặc lãng tử đề”. Ngày rằm tháng Giêng năm Quý Sửu niên hiệu Khang Hi là năm 1673. Tại trang này có hai dấu triện vuông. Dấu trên khắc ba chữ: “Mặc lãng tử”; dấu dưới bốn chữ: “Tây Hồ đắc nhân”.

b - Cấu trúc của sách: Sách gồm 2 phần.

* Phần đầu : một quyển với tên gọi Quyển đầu, có:
+ Bài Tựa của Cổ Ngô Mặc lãng tử;
+ Mục lục về 10 cảnh đẹp Tây Hồ là:

Buổi sớm trên đê Tô Thức, Hương sen ở Khúc Viện, Nghe tiếng chim oanh hót ở Liễu Lãng, Xem đánh cá ở Hoa Cảng, Tiếng chuông buổi sáng ở Nam Bình, Sắc thu ở Bình Hồ, Lưỡng Phong cao chạm mây, Trăng in bóng ở Tam Đàm, Chiều tà chiếu tháp Lôi Phong, Tuyết cuối mùa ở Đoạn Kiều.

+ Tranh vẽ và thơ: 2 bức Tây Hồ toàn đồ và 10 bức tranh ứng với 10 mục kể trên.

Bên mỗi bức Tây Hồ giai cảnh đều có một bài thơ, soạn giả ghi rõ, ai vẽ, đề thơ của ai.

* Phần hai: 16 quyển viết về danh nhân Trung Hoa là: Cát Hồng, Bạch Lạc Thiên, Tô Thức, Lạc Tân Vương, Lâm Hòa Tĩnh, Tô Tiểu Tiểu, Nhạc Phi và Tần Cối, Vu Khiêm, Lâm Đạo Tế, Biện Tài, Văn Thế Cao, Tiền Lưu, Viên Trạch và Lí Nguyên, Phùng Tiểu Thanh, Bạch Xà nương và Hứa Xương, pháp sư Liên Trì.

Trong bài Tựa, chúng tôi đặc biệt chú ý tới đoạn kết. Cổ Ngô Mặc lãng tử khẳng định: “Ngày nay và mai sau, có ai hâm mộ hồ Tây Tử mà không được tận mắt nhìn, thì mở bức họa đồ này ra, xem qua một lượt là dường như có thể như đang ngoạ du trên hồ Tây Tử vậy”. Thế thì, nếu Nguyễn Du đã đọc Tây Hồ giai thoại, đã mở xem 12 bức vẽ về Tây Hồ trong sách, có lẽ ông chẳng cần đến tận Tây Tử mới biết “Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư”! Hơn nữa, đa phần các thiên trong Tây Hồ giai thoại thường được kết cấu theo kiểu: Mở đầu bằng cảnh Tây Hồ tươi đẹp tràn đầy sức sống và hấp dẫn con người, nhưng khép lại bằng cảnh nhân vật chết, hoặc chết bi phẫn như Nhạc Phi, hoặc chết uất hận như Tiểu Thanh, Tô Tiểu Tiểu…; hoặc sau khi nhân vật chết rồi, chỉ còn lại di tích một ngôi mộ hoang, một ngôi nhà quạnh vắng thê lương, một khu vườn trống… như các thiên Cát Lĩnh tiên tích, Bạch Đê chính tích, Linh ẩn thi tích, Tây Lãnh vận tích, Nhạc phần trung tích… Và, chữ khư [?] đâu chỉ có một nghĩa là “gò hoang”? Khư ít nhất 7 nghĩa, trong đó có nghĩa là “nền hoang”, “hoang phế”... Cho nên, ta có thể hiểu “Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư” như các dịch giả của cả ba công trình Thơ chữ Hán Nguyễn Du: “vườn hoa bên hồ Tây đã thành bãi hoang rồi” (trang 96 bản Bùi Kỉ…, năm 1959; trang 162 bản Lê Thước, năm 1965; trang 173 bản Đào Duy Anh năm 1978). Ngoài ra, thiên số 7 trong Tây Hồ giai thoại: Nhạc phần trung tích viết về Nhạc Phi và Tần Cối còn giúp thêm tư liệu khẳng định thời điểm ra đời bài Độc Tiểu Thanh kí. GS. Nguyễn Đình Chú rất tinh tế khi nhận xét: “Nhạc Vũ Mục mộ là viết về mộ của Nhạc Phi ở Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang) thì xem ra lại không đến mà viết”(18). Đúng vậy! Tây Hồ giai thoại đã chứng thực điều đó.
Vậy là, về cơ bản, ta đã giải quyết xong câu đầu Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư và 2 câu kết Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

II/ Cổ kim hận sự… Phong vận kì oan…

“Hận sự” ở đây là gì? Tiểu Thanh bị oan tới mức nào khiến Nguyễn Du gọi là “kì oan”? “Phong vận kì oan…” đi liền với “cổ kim hận sự…” thành một cặp, không thể tách rời. Tình sử, Ngu Sơ(19) tân chí và kể cả Nữ Liêu trai chí dị chưa phản ánh được cái gọi là “hận sự” và “kì oan” của Tiểu Thanh. Nhưng thiên 14 Di tích về nỗi hận ở gò mai trong Tây Hồ giai thoại đã chỉ rõ điều này.
Sau khi kể xong cuộc đời Phùng Tiểu Thanh, Cổ Ngô Mặc lãng tử kết luận: “Kẻ có lòng liên tài, phần lớn coi việc Tiểu Thanh buồn uất mà chết là nỗi hận. Ta thì không nghĩ vậy. Giá như Phùng sinh không sợ tên đố phụ kia và vợ Phùng sinh không đố kị Tiểu Thanh, thì chẳng qua Tiểu Thanh chỉ là kẻ thê thiếp tham ân trộm ái, nhận sự sủng phúc tầm thường, dù tên tuổi có mĩ miều thì trong khoảnh khắc cũng tan biến, sao có thể trăm năm sau vẫn khiến văn nhân tài sĩ, mỗi khi qua ngôi nhà riêng ở Cô Sơn, điếu tưởng ánh tịch dương rực rỡ nơi núi chiều, nhớ tới Tiểu Thanh phong lưu như đang còn?

Than ôi! Điều mà trời kia không nhất thời thành tựu cho Tiểu Thanh lại chính là để thành tựu cho nàng ngàn năm! Sao lại có hận?”.

Đấy là cách nói của Mặc lãng tử. Nếu không coi cuộc đời của Tiểu Thanh là một nỗi hận lớn, hà cớ tác giả lại đặt nhan đề Mai tự hận tích – (Di tích về nỗi hận ở gò mai) cho câu chuyện về Tiểu Thanh, mà không đặt Tiểu Thanh truyện như Trương Triều trong Ngu Sơ tân chí, như Phùng Mộng Long trong Tình sử ? Hơn nữa, mở đầu câu chuyện, Mặc lãng tử còn đặt câu hỏi: “Tây Hồ là đất ăn chơi. Hoa đua cười, chim tìm bạn. Xuân qua, thu lại, bốn mùa đều làm người ta vui vẻ. Vậy sao lại có nỗi hận?”. Từ nhan đề, đến phần mở đầu, phần kết thúc câu chuyện, Mặc lãng tử đều tập trung vào một chữ hận. Chữ hận được khắc sâu bởi một kì oan. Nỗi kì oan của Tiểu Thanh bắt đầu xẩy ra năm nàng 16 tuổi khi cùng Phùng sinh kết duyên. Phùng sinh là đầu mối mọi nỗi oan nghiệt của Tiểu Thanh và chính nàng cũng gọi chàng là “oan nghiệp phu”.

Mặc lãng tử kể: “Phùng sinh là một công tử giầu có ở Tây Hồ. Tính chàng hám sắc, nhưng bị người vợ hay ghen giàng giữ, nên chẳng thể ho he gì được. Về sau, nhờ nhiều lần khẩn cầu thống thiết, vợ chấp nhận cho cưới thiếp, nhưng không cho lấy người ở gần, vì sợ những kẻ đó có quan hệ bất chính với chàng từ trước; lệnh phải lấy ở nơi xa, tận Duy Dương và hẹn vừa đi vừa về chỉ trong vòng nửa tháng, nếu quá hạn sẽ không cho người thiếp kia bước chân vào cửa. ý của cô ta là, do thời hạn gấp gáp chắc gì chàng tìm được người; mà nếu tìm được chăng nữa, vị tất có người đẹp”. Hơn nữa, cô còn nghĩ: “con gái Duy Dương phần nhiều bị các trưởng quan lấy hết rồi; nếu còn, thì cũng chỉ là loại thê thiếp tầm thường”. Nhưng cô biết đâu, số trời đã định, chồng cô lại gặp mĩ nữ Phùng Tiểu Thanh sắc tài toàn vẹn. Khi Tiểu Thanh xuất hiện, dù nàng “đã phải cúi đầu hạ dọng cung kính không dám lộ một chút phong lưu, vậy mà phong thái kiều diễm tự nhiên của Tiểu Thanh càng giấu, lại càng rực rỡ” khiến lòng đố kị của vợ Phùng trở nên uất kết. Cô ta “thấy Tiểu Thanh hạ mình, càng ngờ rằng, nàng có thâm ý gì, nên luôn luôn theo sát, không để cho chồng có thể cười nói riêng với nàng một lời”. Để ra oai, trước tiên cô thu vứt hết son phấn do Tiểu Thanh mang về, rồi đốt sạch sách vở Tiểu Thanh đem theo, sau đó cấm cố nàng trong phòng, không cho giao thiệp với bất cứ một ai dù chỉ nửa lời. Kể tới đây, Mặc lãng tử đã mỉa mai: “Đúng là cái gọi, “yêu thương bánh vẽ, tình lang trong tranh”! Đến như muốn làm Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm gặp nhau một lần cũng không thể”.

Đây mới là khúc dạo đầu cho bản trường hận ca Phùng Tiểu Thanh. Những chi tiết chúng tôi vừa nêu trên đều không có trong Tình sử và trong Ngu Sơ tân chí.

Một lần, vợ Phùng sinh đi dâng hương tại chùa Thiên Trúc, sợ Tiểu Thanh ở nhà sẽ lén lút gặp chồng nên bắt cô đi theo. Lúc về tới nhà, hai người gặp Phùng sinh đang đợi trong phòng. Trông thấy chồng, Tiểu Thanh e ngại tránh mặt. Ta hãy xem vợ Phùng sinh phản ứng ra sao? Cô lên dọng phán: “Đây là nhà của ta, không phải nơi để ngươi tránh mặt; đây là phòng ở của ta, lại cũng chẳng phải nơi để ngươi có mặt. Có mặt hay tránh mặt đều không thể”. Chi tiết này cũng không có trong Tình sử và trong Ngu Sơ tân chí. Sau đó, cô đưa Tiểu Thanh đến ngôi nhà riêng tại gò mai núi Cô Sơn cho ở một mình và lệnh: “Ta có ba điều pháp quy ngươi phải tuân thủ là: chưa có lệnh ta mà chàng đến, không được gặp mặt; chưa được lệnh ta mà có thư từ chàng gửi đến, không được mở xem; ngươi có viết thư từ, phải đưa ta đọc, không được tự ý thư từ với người khác. Nếu có chút gì sai phạm, quyết chẳng nương nhẹ!”.

Cứ như vậy, vợ Phùng sinh từng bước dồn Tiểu Thanh đến chỗ chết: ban đầu, vứt hết phấn son, đốt sạch sách vở, cấm cố không cho giao tiếp với bất cứ ai kể cả chồng. Tiểu Thanh muốn như vợ chồng Ngâu mỗi năm gặp nhau một lần cũng không xong. Tiếp theo, sự có mặt hay tránh mặt của Tiểu Thanh đều không nơi. Rồi, tống nàng ra ngôi nhà riêng dưới chân núi Cô Sơn bắt ở một mình với ba điều pháp quy cấm ngặt không cho giao thiệp với đời. Như vậy khác nào chặt hết đường sống của nàng? Đến đỗi, nơi Cô Sơn “tuy cảnh núi sông tươi đẹp, (Tiểu Thanh) cũng không dám hé cửa sổ ngắm nhìn”. Nỗi cô đơn uất hận khiến Tiểu Thanh thành bệnh mà qua đời. Một chi tiết trong Tiểu Thanh truyện cũng như trong Mai tự hận tích đều có nhưng dường như ít được chú ý là, khi Phùng sinh mở màn nhìn Tiểu Thanh lúc biết tin nàng đã qua đời. Mặc lãng tử viết: “Chiều xuống, Phùng sinh lật đật chạy tới, mở màn ra nhìn, thấy Tiểu Thanh dung quang tươi đẹp, áo quần sạch tươm như thuở sinh thời chưa bị ốm, nhưng chẳng còn nói cười nữa, không nén nổi tiếng kêu bi ai, giẫy chân, hộc máu ra đến hơn một đấu”. Khi bị chết oan, gặp thân nhân như chồng con, bố mẹ…, người chết thường nấc lên rên, hộc máu ra rồi mới chết hẳn. Đáng tiếc rằng, các dịch giả Tiểu Thanh truyện lại cho đấy là hành vi của Phùng sinh, nên dịch: “người chồng bỗng dẫm chân gào lên một tiếng dài rồi thổ ra hơn một thăng huyết”(20), hoặc “Chập tối chồng hay tin chạy lại, vén màn thấy dung nhan như sống, xiêm áo tinh tươm, đau đớn khóc to, thổ huyết một thăng. Sau đó lục lọi tìm được…”(21). Nếu anh chồng đã “thổ ra đến hơn một thăng huyết” sao còn sức để “lục tìm hồi lâu, thấy được một quyển thơ…”, rồi lại “đau đớn gào lên: Ta phụ nàng! Ta phụ nàng!”? Đấy chính là cách biểu hiện cái “kì oan”, cái “hận sự” của Phùng Tiểu Thanh.

Ở đây nên hiểu “phong vận kì oan” như thế nào cho thỏa đáng? “Phong vận” có hai nghĩa. Thứ nhất: người con gái có tư thái tốt đẹp; thứ hai: “chỉ phong cách tình thú của thơ văn, thư, họa”(22). Vậy là, không chỉ Tiểu Thanh, mà cả thơ văn, thậm chí cả bức vẽ Tiểu Thanh cũng mắc “kì oan”. Số phận Tiểu Thanh diễn ra đúng như vậy: chết trong uất hận, thơ từ và bức vẽ đều bị đốt…

Vì kì oan nên hận mà chết. Nỗi hận kia đâu chỉ xẩy ra với riêng Tiểu Thanh, mà xẩy ra đối với mọi kiếp người trên thế gian này và đi suốt thời gian kim cổ. Đấy là quy luật cuộc đời mà Nguyễn Du rút ra. Sau này, khi đã nhiều tuổi hơn, ông khái quát xã hội mình đang tồn tại bằng những câu thơ chua xót:
Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan,
Đại địa xứ xứ giai Mịch La,
Ngư long bất thực sài hổ thực...
(Đời sau ai ai (tính cách) cũng đều như Thượng quan,
Mặt đất đâu đâu cũng chỉ là sông Mịch La,
Không bị ngư long ăn thịt, thì bị hùm sói ăn thịt...)
Thượng quan là Ngận Thượng, một tên quan luôn đố kị hiền tài, đã gièm pha Sở Hoài vương ruồng bỏ Khuất Nguyên, khiến Khuất Nguyên phải đâm đầu xuống sông Mịch La tự tử. Sông Mịch La nơi Khuất Nguyên tự tử, tượng trưng cho cõi chết. Con người toàn là kẻ nham hiểm đẩy hiền tài đến cái chết, mặt đất đều là nơi tử địa.

“Cư” trong cụm từ “ngã tự cư”, nên hiểu là “xử” như các cụ Bùi Kỉ, Trương Chính... đã dịch. Ta tự coi nỗi kì oan của nàng, của thơ văn do nàng viết, của bức chân dung nàng do họa sư vẽ… là chính nỗi kì oan của ta, như chính ta đang mắc nỗi kì oan đó; cũng có nghĩa là, ta hiểu thấu nỗi kì oan của nàng.

III/ Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

1. “Nhất chỉ thư” là gì ?

Câu Độc điếu song tiền nhất chỉ thư được dịch như sau:

- Trước song một mình viếng một tập giấy (bản Bùi kỉ 1959, tr.69).
- Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ (bản Lê Thước 1965, tr.162, Đào Duy Anh 1988, tr.173).
- Riêng ta viếng khóc tập sách trước cửa sổ (Trần Danh Đạt, Sđd, tr.43).
- Một mình nhớ tới nàng qua một tờ giấy chép truyện (Trần Đình Sử, tr.222).
- Trước song cửa sổ ta một mình ngồi viết bài thơ này để điếu nàng trên một tờ giấy (Nguyễn Quảng Tuân, Sđd, tr.45).

Ở đây có ba cách hiểu: Một là viếng tập giấy, viếng khóc tập sách, nghĩa là viếng tác phẩm viết về Tiểu Thanh; hai là viếng qua một tập sách, một tờ giấy chép truyện, nghĩa là viếng qua tác phẩm viết về Tiểu Thanh; ba là viết bài thơ này để điếu nàng, nghĩa là, điếu bằng bài Độc Tiểu Thanh kí. Và như vậy, “nhất chỉ thư” được hiểu theo hai nghĩa: truyện về Tiểu Thanh và bài Độc Tiểu Thanh kí.
Chúng tôi nghiêng về cách hiểu của ông Nguyễn Quảng Tuân.

“Điếu” là động từ giữ chức năng vị ngữ trong câu. Là động từ, “điếu” vừa có bổ ngữ trực tiếp (điếu ai), vừa có bổ ngữ gián tiếp (điếu bằng cái gì). Rõ ràng, không thể điếu tập truyện như ông Trần Danh Đạt đã dịch. Do đó, chỉ còn điếu qua tập truyện Tiểu Thanh và điếu qua bài thơ khóc Tiểu Thanh. Muốn chọn phương án nào trong hai cách hiểu trên, theo chúng tôi, cần hiểu “nhất chỉ thư” là gì.

Thực ra, “nhất chỉ thư” không chỉ là một tờ giấy có chữ viết, mà là, tờ giấy có chữ do chính tay mình viết. Nếu vậy, không thể hiểu đấy là tác phẩm về Tiểu Thanh. Một điều nữa chúng tôi hết sức băn khoăn rằng, chẳng biết Nguyễn Du có dùng điển tích “nhất chỉ thư” hay ngẫu nhiên trùng với điển tích đó. Xin nêu ra để bạn đọc tham khảo. “Nhất chỉ thư” là một điển về Lưu Hoằng (236-306), rút từ Tấn thư, dùng để chỉ sự tâm huyết, công minh của người tự tay viết “nhất chỉ thư” dâng lên bề trên. Người dân bấy giờ có câu: “được “nhất chỉ thư” của Lưu công, hơn được tiến cử làm quan trong thập bộ”. Nguyễn Du đã ví bài Độc Tiểu Thanh kí của mình như biểu dâng lên Tấn Huệ đế của Lưu Hoằng(23)? Nếu đúng như vậy, qua điển “nhất chỉ thư”, Nguyễn Du muốn bày tỏ rằng, ông thấu hiểu nỗi lòng Tiểu Thanh và ông cũng chẳng giấu điều đó: “ngã tự cư”!

2. “Song tiền”.

Về chữ, “song tiền” là trước cửa sổ. Nhưng, cửa sổ nào? Cửa sổ nhà Tiểu Thanh ở Cô Sơn Hàng Châu hay cửa sổ nhà Nguyễn Du tại Việt Nam?

Như trên kia đã trình bày, Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh kí khi chưa đi sứ, do đó ông không thể đến trước cửa sổ nhà Tiểu Thanh đọc bài thơ của mình được. Song, nếu Nguyễn Du điếu Tiểu Thanh ở trước cửa sổ nhà mình thì nghe ra lại khiên cưỡng.

Xin hãy trở lại Di tích về nỗi hận ở gò mai. Trong văn bản có hai chi tiết đáng chú ý: Một là, khi Tiểu Thanh còn sống, tác giả kể: “tuy cảnh núi sông (ở Cô Sơn) tươi đẹp, (Tiểu Thanh) cũng không dám hé cửa sổ ngắm nhìn”; hai là, sau khi Tiểu Thanh qua đời, Lưu Vô Mộng – bạn của Phùng sinh “qua gò mai, trong cửa sổ thêu, nơi Tiểu Thanh nằm, tìm thấy một mảnh giấy tàn có ba câu của bài từ, điệu Nam hương tử…”. Như vậy, trong cửa sổ là thế giới của Tiểu Thanh – nơi nàng ở và qua đời, còn ngoài cửa sổ - song tiền thế giới của nhân gian, của Lưu Vô Mộng, của Nguyễn Du, của chúng ta… Nguyễn Du điếu nàng bằng “nhất chỉ thư” tại song tiền – thế giới những người đang sống. Đấy là nghĩa thứ nhất. Thứ hai, chẳng rõ có phải ngẫu nhiên không, nhưng về Tiểu Thanh có truyện của Tiên Tiên cư sĩ trong Lục song nữ sử, tác phẩm ra đời vào thời Minh. “Lục song” là cửa sổ xanh, nơi ở của con gái, sau dùng để chỉ chỗ đàn bà sinh sống. Vả chăng, thơ ca luôn mang tính ước lệ.

IV/ Chi phấn hữu thần…, Văn chương vô mệnh…

Hai câu này không phức tạp lắm.

1. “Chi phấn” - đồ trang sức của phụ nữ, sau dùng để chỉ giới nữ lưu nói chung. “Thần” là thần thái, thần sắc, ở đây chỉ nhan sắc, tài hoa và trí tuệ của Tiểu Thanh. Trong tác phẩm của mình, Mặc lãng tử luôn nhấn mạnh đến thần thái Tiểu Thanh tươi đẹp. Khi mới 10 tuổi, nàng đã mục tú mi thanh, thông tuệ khác thường. Năm nàng 16 tuổi, Phùng sinh mới gặp đã siêu lòng. Về tới nhà chồng, mặc dù nàng đã “cúi đầu hạ dọng cung kính không dám lộ vẻ phong lưu, vậy mà, phong thái kiều diễm của Tiểu Thanh càng giấu lại càng rực rỡ”. Trước mặt vợ Phùng sinh, Dương phu nhân vẫn thẳng thắn nhận xét Tiểu Thanh là “một cô gái tốt! Mi thanh mục tú, ôn hòa nhã nhặn khác thường, chẳng sánh bậc tao nhân mặc khách, thì cũng là người ở chốn kim mã ngọc đường”. Lúc Tiểu Thanh qua đời, Mặc lãng tử từng thốt lên: “Người đẹp như ngọc mà mệnh mỏng như mây; nhị quỳnh, ưu đàm nhân gian có một”. Đặc biệt, bức vẽ thứ ba, Mặc lãng tử nhận xét: “cực kì phong nhã”. Tác giả Dương Châu mĩ nữ còn miêu tả bức vẽ thứ ba hấp dẫn hơn nhiều: “hoạ s¬ư đề nghị Phùng Tiểu Thanh không cần ngồi nghiêm nghị mà cứ nói cư¬ời, đi lại, nằm ngồi bình thư¬ờng, còn tình cảm buồn vui oán giận thì cứ để chúng tùy theo cảm hứng tự nhiên, hà tất phải cố ý tạo dựng. Tiểu Thanh lĩnh hội ý của hoạ sư¬, bèn không ngồi cứng nhắc như¬ tr¬ước mà cứ hoạt động bình thường. Lúc thì nàng cùng bà hầu chuyện trò cư¬ời nói, lúc lại quạt lò pha trà, lúc đùa chơi với chim anh vũ, hoặc quay sang đọc thơ xem sách, hoặc đi lại dư¬ới gốc mai... Qua từng cử chỉ, từng cái nhăn mày đến điệu cư¬ời tiếng nói của Tiểu Thanh… họa sư¬ đã nắm bắt đư¬ợc thần thái, cốt cách của nàng. Quan sát như¬ vậy mất ba ngày, sau đó lại mất một ngày pha mầu rồi mới vẽ. Trong bức vẽ này, Tiểu Thanh dựa cây mai một cách tự nhiên, sống động như¬ thật, dư¬ờng như¬ có thể gọi nàng bư¬ớc ra khỏi tranh”. Cái sắc thái sinh động có thần của Tiểu Thanh đã đi vào bức họa, biến bức họa vốn vô tri vô giác thành con người sống thực làm liên can đến việc sau khi nàng qua đời: bức họa bị đốt! Nếu Tiểu Thanh không có cốt cách, không có tâm hồn, không có thần thì sau khi nàng đã qua đời, không thể khiến cho bức vẽ về nàng bị đốt. Văn chương nào phải đâu là sinh mệnh sống, mà bị lụy khiến chúng thành tro?

2. Phần dư

“Phần dư” là phần (thơ, từ) còn lại không bị đốt, chứ không phải “tập thơ bị đốt còn sót lại” hoặc “đốt dở,… phần đốt còn sót lại”. Giải thích như vậy dễ làm người đọc hiểu nhầm. Tuy nhiên, điều đáng nói là, chỉ truyện về Tiểu Thanh trong Ngu Sơ tân chí, trong Tình sử và trong Dương châu mĩ nữ mới nói tới Phần dư hoặc Phần dư cảo còn trong Tây Hồ giai thoại, Lục song nữ sử không có chi tiết này.

Sẽ giải thích như thế nào về hiện tượng trên khi cho rằng, Nguyễn Du dựa trên Tây Hồ giai thoại, Lục song nữ sử để viết Độc Tiểu Thanh kí? Vậy, có cái gọi là Tiểu Thanh kí không?

V/ Nhan đề bài thơ

Từ đầu đến giờ, chúng tôi luôn chứng minh rằng, viết Độc Tiểu Thanh kí Nguyễn Du dựa trên cơ sở đọc Tây Hồ giai thoại, Lục song nữ sử… Nhưng kết luận như vậy sẽ không lí giải được câu “lụy Phần dư” vì Phần dư chỉ có trong Tiểu Thanh truyện. Để xử lí hiện tượng này, ta hãy xem chữ “kí” có những nghĩa gì?

“Kí” có ít nhất ba nghĩa. Một là tương đương với khái niệm “truyện”, như Bích Câu kì ngộ kí; hai là, thể kí văn học như Công dư tiệp kí; ba là, ghi chép. Bây giờ ta dùng phép loại trừ để xem Nguyễn Du dùng nghĩa nào.

Thứ nhất, trong Ngu Sơ tân chí và Tình sử đã có Tiểu Thanh truyện. Bởi vậy, Nguyễn Du không thể thay khái niệm truyện bằng kí được. Thứ hai, nếu Nguyễn Du dùng kí với ý nghĩa là thể kí văn học, thì trong thư tịch Trung Hoa ắt phải có tác phẩm kí viết về Tiểu Thanh. Song chúng tôi đã tra tìm tất cả các danh mục tác phẩm viết về Tiểu Thanh nhưng chẳng có văn bản nào đề là Tiểu Thanh kí cả. Vậy chỉ còn một nghĩa thứ ba: ghi chép. Qua những tư liệu chúng tôi đã trình bày trên kia, chiếu ứng vào nội dung bài Độc Tiểu Thanh kí, ta thấy Nguyễn Du đã đọc một số văn bản viết về Tiểu Thanh như Tây Hồ giai thoại, Lục song nữ sử, Ngu Sơ tân chí, Tình sử… Điều đó cũng có nghĩa, kí là ghi chép, Nguyễn Du ghi lại cảm xúc khi đọc một số tài liệu, chủ yếu là Tây Hồ giai thoại để viết Độc Tiểu Thanh kí. Do đó, Độc Tiểu Thanh kí là đọc những ghi chép về Tiểu Thanh.

Truy tìm tư liệu về Tiểu Thanh là một trong những hướng đi có triển vọng để tiếp cận bài Độc Tiểu Thanh kí. Công việc ấy cần sự đóng góp của nhiều người, còn chúng tôi chỉ nối bước những nhà nghiên cứu đi trước như Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Quảng Tuân…

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói là, nhân vật Phùng Tiểu Thanh liên quan đến Kim Vân Kiều truyện. Mở đầu hồi một của Kim Vân Kiều truyện, trong Lời bình, tác giả không dư¬ới 7 lần nhắc tới Phùng Tiểu Thanh và nhấn mạnh rằng, chính cuộc đời đáng thư¬ơng, đáng xót của nàng đã cảm động đến các tao nhân mặc khách…, khiến họ phải vì nàng mà thở than, mà thư¬ơng xót...; vì nàng mà “khắc in văn tập, viết truyện truyền kì lư¬u truyền bất hủ”(24). Cuộc đời Phùng Tiểu Thanh đã bi thảm, số phận Vư¬ơng Thuý Kiều còn bi thảm hơn. Tác giả Lời bình nhận xét, Vư¬ơng Thuý Kiều “tài sắc chẳng kém Tiểu Thanh mà bị đoạ đầy còn hơn Tiểu Thanh, đủ để ngàn năm sánh cùng Tiểu Thanh vậy”(25). Nguyễn Du dựa vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân để sáng tác Đoạn trư¬ờng tân thanh. Do đó khi viết Đoạn trư¬ờng tân thanh, Nguyễn Du hẳn là phải biết tới đoạn văn chúng tôi vừa trích và khi đã biết, chắc Nguyễn Du chẳng thể bỏ qua câu chuyện về cô gái có tên là Phùng Tiểu Thanh. Cho nên, nghiên cứu về Tiểu Thanh không chỉ giúp ta hiểu bài Độc Tiểu Thanh kí, mà còn giúp ta biết chính xác hơn thời điểm ra đời Đoạn trư¬ờng tân thanh. Tuy nhiên, trong bài viết này, chủ yếu trên cơ sở cung cấp một số tư¬ liệu mới về Tiểu Thanh, chúng tôi muốn đư¬a ra những hướng kiến giải bài Độc Tiểu Thanh kí. Về thời điểm sáng tác Đoạn trư¬ờng tân thanh cũng như khuynh hướng sáng tác Đoạn tr¬ường tân thanh của Nguyễn Du xin trình bày trong dịp khác./.

Hà Nội, 25/12/2005


__________________
(1) Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Bùi Kỉ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh dịch), Nxb Văn hóa, H, 1959, tr. 69.
(2) Văn 10, Nxb. Giáo dục, H, 1990.
(3 Trần Danh Đạt: Góp phần tìm hiểu thêm về nội dung bài “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1993.
(4) Nguyễn Đình Chú:
- Về lời dịch “Độc Tiểu Thanh kí” (Nguyễn Du), báo Văn nghệ, số 24 ngày 12/6/1993;
- Lại bàn về hoàn cảnh sáng tác “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, Văn nghệ, số 23 ngày 4/6/1994.
(5) Trần Đình Sử: Mấy điều suy nghĩ về bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, Văn nghệ, số 28, ngày 10/7/1993.
(6) Trương Chính: Lời giới thiệu, sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, H,1965, tr.14.
(7), (8) Nguyễn Quảng Tuân: Cần phải tìm hiểu chính xác hơn bài “Độc Tiểu Thanh kí”của Nguyễn Du, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1994.
(9) Trần Đình Sử: “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, sách Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb. Giáo dục, H, 1995.
(10), (11) Nguyễn Khắc Phi: Tiểu Thanh truyện (giới thiệu và dịch), Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5/1997.
(12) Từ hải. Trung Hoa Thư cục xuất bản xã, súc ấn bản 1936; trùng ấn lần thứ nhất 1981, bản in lần thứ năm 1994, quyển Thượng, tr.974, mục Tiểu Thanh.
(13) Từ hải. Thượng Hải Từ thư xb xã, Thượng Hải, 1979, tr.362. Tái bản năm 1989 (tr.412), nội dung vẫn giữ nguyên.
(14) Phan Quang Đán: Phân tích Tiểu Thanh, Tân nguyệt Thư xã, 1927.
(15) Nam Tề: tên triều đại của Trung Hoa những năm 480-502.
(16) Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh dịch). Sđd, tr.161 và Đào Duy Anh: Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, H, 1978, tr.172.
(17) Trần Đình Sử: Mấy điều suy nghĩ về bài thơ” Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, Sđd.
(18) Nguyễn Đình Chú: Lại bàn về…, Bđd.
(19) Ngu Sơ: Ngu Sơ người Hà Nam thời Tây Hán, từng viết Chu sử thông tục 943 thiên, gọi là Chu thuyết. Trong Hán thư, Ban Cố xếp Ngu Sơ vào hàng tiểu thuyết gia. Do đó, người đời sau thường lấy 2 chữ Ngu Sơ tên tác giả Chu thuyết để gọi thay cho loại bút kí tiểu thuyết. Bởi vậy, chữ Sơ phải viết hoa. Tiếc rằng, một số nhà nghiên cứu không biết điều này để viết hoa chữ Sơ.
(20) Tiểu Thanh truyện, Sđd.
(21) “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, Sđd.
(22) Hán ngữ đại từ điển, Tập 12, Hán ngữ đại từ điển xã xb, Thượng Hải, 1993.
(23) Điển Lưu Hoằng cử người hiền tài, tránh đề cử người thân thích như sau: “Thời Tấn Huệ đế (291-306), Lưu Hoằng làm Thứ sử Kinh Châu, thấy thiếu các chức quan nắm mười bộ ở Kinh Châu, xin nhà vua bổ dụng. Triều đình bổ Hạ Hầu Trắc - con rể của Hoằng làm Thái thú Tương Dương. Hoằng dậy Trắc rằng: Kẻ nắm đại thống thiên hạ, phải một lòng với thiên hạ; kẻ đứng đầu một nước, phải lấy cả nước làm trách nhiệm của mình. Nếu bổ dụng con rể, thì Kinh Châu lấy đâu cho đủ 10 con rể?”. Bèn dâng biểu lên vua rằng: “Trắc là người thân, theo chế độ trước, (bố vợ) không được bổ nhiệm (con rể)”. Bèn cử Bì Sơ làm Thái thú Tương Dương. Vua hạ chiếu theo đề nghị của Hoằng. Tấn thư quyển 66.
(24), (25) Kim Vân Kiều truyện, Tú Hoa Hiên tàng bản, tờ 2a.


&&&&


BÀN THÊM VỀ BÀI THƠ
"ĐỘC TIỂU THANH KÝ" CỦA NGUYỄN DU
TẠ NGỌC LIỄN
Phiên âm:
Tây Hồ hoa uyển tận thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu tình liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Đây là một trong những bài thơ chữ Hán hay nhất của Nguyễn Du, nhưng cũng là một bài thơ khó dịch. Khó dịch ngay từ đầu đề của nó, bởi chữ "ký". Các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh, Quách Tấn dịch "ký" là "bài ký" (Đọc bài ký truyện Tiểu Thanh(1), "Đọc bài ký về Tiểu Thanh(2)). Hai cụ Lê Thước - Trương Chính và cụ Đào Duy Anh không dịch chữ "ký" mà xem Tiểu Thanh ký là tên một cuốn sách "Đọc tập Tiểu Thanh ký"(3), "Đọc sách Tiểu Thanh ký"(4).
Theo một số từ điển của Trung Quốc giải thích, chữ "ký" có gần 10 nghĩa khác nhau. Thí dụ "ký" là "ghi chép" (động từ): Công dư tiệp ký (Ghi chép nhanh lúc việc công nhàn rỗi), Thượng kinh ký sự (Ghi việc ở kinh đô) v.v..; "Ký" là "một thể văn": Nhạc Dương lâu ký (Bài ký về Lầu Nhạc Dương), Mai Đình mộng ký (Bài ký về giấc mộng Đình Mai) v.v..
Chữ ký; ở Độc Tiểu Thanh ký không phải là động từ. Khi dịch thành "bài ký", nhóm cụ Bùi Kỷ hiểu "ký" là một thể văn. Xét về phương diện ngữ pháp cổ văn, dịch như các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ, Quách Tấn là đúng. Song về tập quán ngôn ngữ, khi viết về cuộc đời một nhân vật, thời xưa người ta thường dùng thể truyện chí, chẳng hạn Kim Vân Kiều truyện, Giả Nghị truyện v.v.. Hoặc dùng từ "hành trạng", "sự tích", như Bùi Tồn Am tướng công hành trạng, Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu sự tích...
Trong tự điển Từ hải chú "ký" có 7 nghĩa khác nhau, trong đó có một nghĩa là "sách vở". Từ hải viết: "Kinh tịch dã, hựu phàm ký tái sự vật chi thư, giai viết ký". Nghĩa là: [ký] là sách vở, phàm các sách ghi chép về sự vật đều gọi là ký". Chúng ta có rất nhiều dẫn chứng: Lễ ký, Sử ký, Tây du ký, Nghệ An ký, Hoan Châu phong thổ ký, Lưu hương ký...
Các cụ Lê Thước - Trương Chính, Đào Duy Anh có lẽ đã căn cứ vào nghĩa này để dịch Tiểu Thanh ký thành "Tập Tiểu Thanh ký", "Sách Tiểu Thanh ký". Tôi tán thành với cách dịch của các Cụ, nhưng có lẽ nên viết gọn lại: "Đọc Tiểu Thanh ký" (giống như nói đọc Tây sương ký, đọc Sử ký...).
Trong bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, câu thứ hai, tức câu thừa đề, "Độc điếu song tiền nhất chỉ thư", theo tôi là câu có hai từ "điếu" và "nhất chỉ thư" cần được cân nhắc kỹ để dịch. Trong cả 4 bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du dẫn trên, "điếu" đều được dịch là "viếng". Còn "nhất chỉ thư", trừ bản của cụ Đào Duy Anh dịch là "tờ thư" (... viết một tờ thư viếng), 3 bản kia dịch "tập sách" (Viếng nàng qua một tập sách - Lê Thước - Trương Chính, Quách Tấn) và "tập giấy" ("Viếng một tập giấy" - Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh).
Nghĩa thứ nhất của "Điếu" là "vấn chung": thăm hỏi, thăm viếng người chết (Từ Hải). Với người mới chết, "điếu khách" tới thăm viếng tang chủ và dự tang lễ. Người chết đã chôn rồi thì viếng thăm phần mộ. Thơ văn đời xưa thường có nhiều bài viết về chủ đề này. Thí dụ: Điếu cổ chiến trường (Thăm viếng bãi chiến trường xưa) của Lý Hoa, Điếu Sở Tam Lư Đại phu (Viếng quan Tam Lư Đại phu nước Sở (Khuất Nguyên)) của Ngô Thì Nhậm v.v..
"Điếu" là động từ. Nếu "nhất chỉ thư" trong câu "Độc điếu song tiền nhất chỉ thư" là "tập giấy", thì về ngữ pháp, dịch như các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ "viếng một tập giấy" là không sai. Nhưng tại sao lại "viếng một tập giấy"? Rõ ràng không xuôi rồi. Có lẽ vì thế cụ Lê Thước, Trương Chính, mới dịch lại "Viếng nàng qua một tập sách". Chữ "nàng" (Tức Tiểu Thanh) do các cụ thêm vào cho câu thơ hợp lý hơn. Mặc dầu vậy, ở đây vẫn còn sự "Bất ổn" - Trên thực tế không ai viết (hoặc nói), chẳng hạn, "tôi viếng nàng Kiều qua Truyện Kim Vân Kiều. Cổ văn chữ nghĩa hiểm hóc quá! Tôi lại đành phải "độc điếu" mấy tập từ điển và thấy trong Từ Hải giải thích "điếu" còn có nghĩa là treo (huyền quải). Trong Hiện đại Hán ngữ từ điển(5) cũng chú "điếu" là treo đồng thời đưa thí dụ từ ghép "điếu song", nghĩa là cửa sổ treo, theo cách gọi thời cổ. Như vậy, trong câu thơ của Nguyễn Du, "điếu" không phải là "viếng" mà là "điếu song", chỉ cửa sổ. "Độc điếu song tiền" là "Một mình trước cửa sổ".
Bây giờ xin bàn đến "nhất chỉ thư". Đã có mấy cách hiểu khác nhau về cụm từ này: "một tập giấy" (nhóm cụ Bùi Kỷ), "một tập sách" (Lê Thước - Trương Chính), "một tờ thư" (Đào Duy Anh)...
Qua ba lời dịch trên, chúng ta thấy cả ba đều hiểu "nhất" là lượng từ. Nhưng "chỉ thư" thì có sự hiểu không giống nhau. Trong các từ điển của Trung Quốc không có cặp từ "chỉ thư", mà chỉ có "chỉ" và "thư". "Chỉ" là giấy. Còn "thư"? Trong bài Mấy điều suy nghĩ về bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký" của Nguyễn Du, (Văn nghệ, số 28), anh Trần Đình Sử viết: "Tôi nghĩ, (...) Nói "viếng qua một tập sách" cũng không hợp, bởi chữ "thư" đây trong Hán văn cổ không phải là sách. Nó có nghĩa là "viết chữ", "chữ viết" và "Bức thư". Không hiểu anh Trần Đình Sử dựa vào đâu để nói trong chữ Hán cổ "thư" không phải là sách? Tra Thuyết văn giải tự là cuốn tự điển cổ nhất Trung Quốc do Hứa Thận người đời Hán soạn, thấy ở đó chú về chữ "thư" như sau: "Trứ ư trúc bạch vị chi thư" (Trước thuật trên tre, trên lụa, gọi đó là thư). Thời cổ chưa có giấy, người ta dùng thẻ tre, mảnh lụa để viết, nên mới có sách tre (trúc thư). Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn nhà nho, gọi là "Phần thư khanh nho". Từ điển Từ hải giải thích rất rõ: "Sách vở gọi chung là thư". "Thư mục" là mục lục sách. "Thư lâu" là lầu chứa sách ("Thư lâu nhà họ Lý có hàng vạn quyển" - Đường thư).. Trong thơ văn cổ, chữ "thư" nghĩa là sách rất nhiều: "Vạn ban giai hạ phẩm, Duy hữu độc thư cao", "Độc thư phá vạn quyển", "thập tải độc thư bần đáo cốt"... Chữ "thư" ngoài nghĩa "viết chữ", "thư tín", còn có nghĩa là "sách". Theo nghĩa của từng chữ mà hiểu, "chỉ thư" là lá thư, trang sách. Có lẽ không thể hiểu khác được. Trước Nguyễn Du, Dương Cự Nguyên thời Đường trong bài tuyệt cú Thôi nương thi (Thơ nàng Thôi) đã dùng từ "nhất chỉ thư":
Phong lưu tài tử đa xuân tứ,
Trường đoạn Tiêu nương nhất chỉ thư.
(Phong lưu tài tử bao tình tứ,
Đứt ruột nàng Tiêu một cánh thư).
Còn Nguyễn Du, ngoài bài Độc Tiểu Thanh ký, ở bài Sơn cư mạn hứng của ông cũng có "nhất chỉ thư".
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
(Em trai, em gái ở quê nhà vắng bặt tin tức, không được một lá thư để biết có bình yên không) "Nhất chỉ thư" trong bài Độc Tiểu Thanh ký, theo tôi, nên hiểu là trang sách, nó vừa tiếp ứng đề bài, vừa thể hiện sự tài tình, sáng tạo của Nguyễn Du trong sử dụng ngôn ngữ. "Nhất chỉ thư" có thể đổi thành "nhất quyển thư", nhưng Nguyễn Du không dùng chữ "quyển", vì "quyển" dày, nặng quá so với số kiếp quá mỏng manh của Tiểu Thanh. Nếu Tiểu Thanh là một người con trai, một người đàn ông, chắc chắn Nguyễn Du không dùng "nhất chỉ thư". "Nhất chỉ thư" là để giành nói về một người con gái mệnh bạc, đoản mệnh, cuộc đời ngắn ngủi vừa đủ chép trong vài ba trang sách mỏng.
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
"Trước cửa sổ một mình (với) một trang sách".
Về hai câu thực của bài thơ:
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Tôi thấy có nhiều cách hiểu trái ngược nhau về chữ "thần", chữ "mệnh", về cấu trúc câu và ý nghĩa của cả câu:
- Các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh: "Son phấn như có thần, sau khi chết, người ta còn thương tiếc, Văn chương còn có số mệnh gì mà làm cho người ta phải bận lòng đến những bài thơ còn sót lại sau khi đốt".
- Nhóm cụ Lê Thước - Trương Chính: "Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết, Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở".
- Cụ Đào Duy Anh: "Son phấn có thần, nên để lại niềm xót thương sau khi chết. Văn chương không có duyên phận, nên đốt rồi mà lụy vẫn còn sót lại".
Vì sợ bài dài, tôi không bình luận thêm về mấy cách dịch trích dẫn trên mà xin nêu ý kiến riêng như sau: "Chi phấn" là son phấn khi Tiểu Thanh sống vẫn dùng để tô điểm nhan sắc hàng ngày. Sau khi Tiểu Thanh chết, son phấn ấy như có "thần" cũng thương xót Nàng. (Theo quan niệm người xưa, "thần" (tức tinh thần) có thể nhập vào các đồ vật - Từ điển Từ hải). Còn "văn chương" là thơ văn do Tiểu Thanh sáng tác ra. Văn chương đó vốn đâu phải là sinh mệnh như một con người mà cũng mắc liên lụy bị thiêu đốt đi ("mệnh" là tính mệnh, sinh mệnh). Người vợ cả vì căm tức Tiểu Thanh nên đốt thơ của Tiểu Thanh (Giống như Tần Thủy Hoàng theo "pháp trị" (Pháp gia), ghét Nho gia, đã đốt sách vở của Nho gia).
Vì hai câu thực này, Nguyễn Du dường như không chỉ nói riêng về số phận Tiểu Thanh, số phận những bài thơ, bài từ của Nàng, mà ông còn muốn khái quát, nói rộng hơn, về thân phận bi thảm của những bậc tài hoa, tài tử, và về cái nghiệp Văn chương bạc bẽo, đớn đau muôn đời?.
Những câu thơ khác trong bài Độc Tiểu Thanh ký không có chữ nghĩa nào khó hiểu cả. Tôi xin dịch lại nghĩa bài thơ:
Vườn hoa bên Tây Hồ(6) đã thành bãi hoang cả,
Trước cửa sổ một mình với trang sách.
Son phấn như có thần cũng thương xót sau khi nàng chết,
Văn chương không phải một sinh mệnh mà vẫn liên lụy bị thiêu đốt.
Nỗi oán hận xưa nay thật khó hỏi trời,
Ta vốn dễ ở trong cảnh oan phẫn lạ lùng của kẻ phong nhã.
Không biết hơn ba trăm năm sau,
Thiên hạ có người nào khóc Tố Như?
Khi dịch và bàn luận bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, chúng ta không thể không hiểu biết đôi nét về nhân vật Tiểu Thanh. Tôi có đọc lại phần chú thích về Tiểu Thanh trong các bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du thì thấy có một số chi tiết bị nhầm lẫn cần phải đính chính lại.
- Tên họ Tiểu Thanh và chồng nàng - Hai cụ Lê Thước - Trương Chính chú thích "Nàng họ Phùng, lấy lẽ một người cũng tên là Phùng, vì tránh tên chồng, nên gọi là Tiểu Thanh". Từ hải là cuốn từ điển đáng tin cậy, ghi: "Tiểu Thanh họ Phùng, tên là Huyền Huyền, lấy lẽ Phùng sinh (tức Phùng Tử Hư - TNL). Vì kiêng cùng họ nên lấy tên chữ để xưng hô". Rõ ràng chồng Tiểu Thanh họ Phùng chứ không phải tên là Phùng. Còn nguồn gốc chữ Tiểu Thanh, cũng theo Từ hải, ở Trung Quốc thời cổ, người ta gọi những nàng hầu (tì thiếp) là "Thanh y" hoặc "Tiểu thanh".
- Tiểu Thanh sống ở thời kỳ nào? Các Cụ Lê Thước - Trương Chính viết Tiểu Thanh sống vào đầu đời Minh. Triều Minh bắt đầu từ năm 1368 với niên hiệu Hồng Vũ thứ nhất, Nói đầu đời Minh là giai đoạn Hồng Vũ từ 1368 tới 1400. Trong bài đã dẫn trên của Trần Đình Sử, anh cho biết: "Theo truyện thì Tiểu Thanh chết vào năm Nhâm Tí niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, 1492". Ở đây có sự nhầm lẫn không biết từ tài liệu anh Trần Đình Sử đã đọc, hay tại nơi nhà in: Niên hiệu Vạn Lịch nhà Minh là thời gian từ năm 1573 đến 1619. Trong niên hiệu Vạn Lịch có một năm Nhâm Tí là năm 1612. Còn 1492 là năm Nhâm Tí niên hiệu Hoằng Trị (1488-1505). Các học giả Trung Quốc nói Tiểu Thanh chết lúc 18 tuổi. (Từ hải). Nếu bài thơ Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du viết vào năm ông đi sứ Trung Quốc, 1813 và lấy đây làm mốc để tính theo giả định Nguyễn Du khóc thương Tiểu Thanh 300 năm trước thì có thể xác định, người con gái họ Phùng ấy không sống vào đầu triều Minh (vì sẽ cách Nguyễn Du hơn 400 năm), mà nàng cũng không chết vào năm Nhâm Tí niên hiệu Vạn Lịch cuối nhà Minh (chỉ cách Nguyễn Du khoảng 200 năm). Tất nhiên những số từ (như "thiên lý ngoại", "bách vạn hùng sử"...) trong thơ văn cổ thường mang tính chất tượng trưng, không chính xác. Song, có thể khẳng định là Tiểu Thanh sống ở đời Minh. Từ hải ghi rõ: Tiểu Thanh là người con gái ở Giang Đô, thời Minh. Cuộc đời Tiểu Thanh đã được nhà soạn tạp kịch nổi tiếng đời Minh là Từ Hội, phổ thành khúc kịch Xuân Ba ảnh.
CHÚ THÍCH
(1). Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhà Nxb. Văn hóa, 1959.
(2). Tố Như thi, An Tiêm, Sài Gòn, 1973.
(3). Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, 1965.
(4). Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, 1988.
(5). Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, 1991.
(6). Tây Hồ: ở phía tây Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cũng có tên là "Hồ Tiền Đường", "Hồ Kim Ngưu" ba mặt núi vây quanh, phong cảnh bốn mùa trong đẹp (theo Từ hải)./.
(TẠP CHÍ HÁN NÔM SỐ 3(24) NĂM 1995)

&&&&&

Re: Thơ chữ Hán Nguyễn Du - Độc Tiểu Thanh kí (讀小青記)
Posted by: Thuy Sinh (58.186.236.---)
Date: February 09, 2007 12:39AM

Trước đây, tôi đã bị bất ngờ, cũng như độc giả nào hôm nay mới biết được thông tin: bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký" của Nguyễn Du có chỗ bị thất niêm! Theo yêu cầu của thơ thất ngôn bát cú Đường luật thì hai câu đầu và cuối (1 và 8) của bài thơ phải niêm với nhau. "Niêm" có nghĩa là "dính"; theo đó, hai câu 1 và 8 phải có cùng luật bẳng-trắc với nhau.
Luật bằng-trắc trong một câu thơ và cả bài thơ, nếu theo quy định một cách nghiêm ngặt thì được tính ngay từ tiếng thứ nhất trong câu đầu trở đi. Từ đó, mặc định từng tiếng còn lại của câu thơ 1 phải mang vần bằng hay trắc; rồi do hệ thống vần và niêm quy định (vần: luôn là vần bằng, cùng một khuôn vần ở các tiếng cuối câu 1-2-4-6-8, niêm: câu 1 niêm với câu 8, 2 với 3, 4 với 5, 6 với 7) mà người ta biết được toàn bộ bảy tám năm sáu tiếng của toàn bài thơ là bằng hay trắc, và trả lời được những câu hỏi cơ bản về hình thức bài thơ: thể bằng hay thể trắc, hai cặp thực-luận đối theo luật bằng trắc nào?...
Căn cứ vào câu 1 thì thấy, bài thơ không làm theo luật nghiêm ngặt nói trên, mà chỉ tuân thủ công thức "nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh", có nghĩa là các tiếng 1-3-5 trong một câu thơ là không cần kể về bằng trắc, chỉ các tiếng 2-4-6 mới phải rõ ràng, rành mạch về bằng trắc, tức là phải luân phiên bằng trắc (2-4-6 = B-T-B hoặc = T-B-T).
Câu 1: "Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư", có công thức 2-4-6 = B-T-B; nó phải niêm với câu 8 có cùng luật bằng trắc với công thức 2-4-6 = B-T-B. Nhưng hãy xem câu 8: "Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?",có công thức 2-4-6 = T-B-T. Câu 1 và câu 8 lhông cùng một công thức, tức là chúng thất niêm với nhau!
Đại thi hào Nguyễn Du mà làm thơ thất niêm, dù chỉ một lần, một chỗ; đó cũng là một hiện tượng mà học phái Nguyễn Du đáng tìm hiểu. Cũng như giới mê cờ có chịu lặng thinh chăng trước hiện tượng một đại kiện tướng kỳ thủ yêu dấu của mình đi được một nước cờ chiếu bí, nhưng tiếc thay nước cờ đó bị trọng tài coi là... chưa sạch nước cản!
Người không rành về cờ, về đá bóng có thấu chăng niềm say mê của các tín đồ những môn đó? Người không sành luật thơ Đường thật khó có niềm yêu thơ Đường luật được đầy đủ.
Đã có người chép miệng bỏ qua, vì họ cho rằng đó là lỗi nhỏ, do "trục trặc về kỹ thuật".
Có người hiểu biết hơn cho rằng, lúc ấy Nguyễn Du đã "ngủ gật" trong sáng tác; rồi họ dẫn ra một loạt những trường hợp ngủ quên tương tự hoặc nặng hơn, toàn là của những bậc kỳ tài thế giới. Để rồi, Nguyễn Du được xếp vào một vấn đề có thực của lý luận văn học: "vấn đề ngủ gật của nhà văn trong quá trình sáng tác".
Tôi cũng đồng tình với thuyết "đãng trí thiên tài, bác học",thuyết "ngủ gật của nhà văn", vì nó giải thích được một cách giản dị, có tính nhân bản những sai sót trong lao động nhà văn, một nghề đặc thù.
Nhưng Nguyễn Du lại ngủ gật trên hai câu thơ gan ruột của mình: "Bất tri tam bách dư niên hậu \ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"!
Người không say mê Nguyễn Du dễ tự bằng lòng, dừng lại ở thuyết ngủ gật. Còn tôi,là một tín đồ của Nguyễn Du thì băn khoăn trước nghịch lý: Nguyễn Du ngủ gật đúng lúc ông tỉnh nhất!
Đây là lần duy nhất trong thơ văn, ông dùng tên của mình: Tố Như!
Nguyễn Du, hiệu là Thanh Hiên, tự là Tố Như. Ông đã dùng tên hiệu cho hai tập thơ chữ Hán, sáng tác rải rác suốt cuộc đời từ tuổi trẻ đến lúc về già: "Thanh Hiên (tiền, hậu) thi tập"; còn tên chữ Tố Như, ông chỉ dùng lần đầu và là lần cuối, khi khóc người tài sắc mệnh bạc Tiểu Thanh, và cũng là tự khóc mình.
Về ý nghĩa, hai câu 7-8 không thể tách rời. Hai câu thành một liên (khi phân tích thơ thất ngôn bát cú, người ta thường phân tích theo liên). Câu 7 nhắc thực tế Nguyễn Du khóc Tiểu Thanh, người cùng hội cùng thuyền, cùng mang "án phong lưu". Câu 8 nêu nỗi băn khoăn, khát vọng của Nguyễn Du về hậu thế có ai tri âm tri kỷ cùng mình không?
Thực ra toàn bộ Nguyễn Du, từ Thơ chữ Hán đến Truyện Kiều nôm, từ nôm Văn chiêu hồn đến Long Thành cầm giả ca chữ Hán, từ tuổi thanh niên như cỏ bồng cánh bèo mười năm gió bụi đến khi một bước lên bậc đại quan của triều đình nhưng bị áo xiêm công hầu ràng buộc vào luồn ra cúi và cái nợ áo cơm vẫn đeo đẳng cả bản thân và gia đình..., tất cả, ở đâu và lúc nào Nguyễn Du cũng đều phải khóc mình, khóc người như thế cả. Mình và người tuy hai mà một, chúng chuyển hóa vào nhau không thể tách rời, không có cái nào là hệ quy chiếu cho cái nào, cái này là biểu hiện của cái kia, và ngược lại.
Vậy tuy chỉ một lần Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh và khóc mình nhưng bài thơ nói được tất cả về Nguyễn Du: lòng nhân ái "thương người như thể thương thân"! Khi khóc thương như thế, người ta chỉ có thể ngất đi chứ không ai ngủ gật được! Nguyễn Du không phải hạng người vừa nghe người khác tụng kinh có sẵn để rồi chìm đi trong mỏi mệt mà ngủ gục. Ông luôn tự viết kinh, cầu kinh cho mình, cho người (Văn chiêu hồn là kinh cầu siêu với nghĩa đen và được nhà chùa tụng vào rằm tháng bảy, bản đầu tiên sưu tầm được ở chùa Vạc - Nghệ An). Ông viết "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" và bằng "con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời". Nghĩa là ông khóc cho nhân loại khi nào còn khổ đau. Ông mất rồi, nhưng mắt ông vẫn trông thấy, lòng ông vẫn thức nghĩ, khóc thương cho tôi, cho anh, cho tất cả chúng ta, những ai còn đau khổ. Ông chẳng cần gì cho riêng mình, ngoài một chút rung động, thấu hiểu của tha nhân về tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du với con người.
Khám phá, phát hiện mới về Nguyễn Du, đối với tôi lúc này, là không thể. Tôi chỉ hâm nóng, làm tươi mới lại nhiệt tình đối với đại thi hào-nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn nhất của dân tộc, và với riêng tôi là lớn nhất của nhân loại từ trước tới nay.
Tôi tìm lại Nguyễn Du và hâm nóng, làm tươi mới thêm cái phần người của mình, từ một chỗ thất niêm trong một bài kiệt tác của Nguyễn Du. Tôi thấy đó là cái vết xước trên hòn ngọc của một người thợ trời, vết xước đó cũng là một bằng chứng rằng Nguyễn Du là thiên tài nhưng không phải là thánh thần. Thánh thần thì xa. Nhưng trong con mắt của chúng ta, ai chẳng có long lanh ngấn lệ Tố Như ?

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.