Apr 28, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Thiên tình sử Vũ Hoàng Chương
Vũ Hoàng Chương * đăng lúc 02:32:39 AM, Mar 19, 2013 * Số lần xem: 3767
Hình ảnh
#1

thiên tình sử Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương (1916-1976) sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, H. Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là H. Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà thơ nổi tiếng xuất hiện vào giai đoạn cuối của thời kỳ tiền chiến được biết qua nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Thơ Say (Hà Nội 1940); Mây (Hà Nội 1943), Trời Một Phương (Sài Gòn, 1962), Ta Đợi Em Từ 30 Năm (Sài Gòn, 1970), Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai (Sài Gòn 1971), Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (Paris 1974)...

Thơ của Vũ Hoàng Chương tạo dấu ấn riêng biệt bởi dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương. Đáng chú ý, trong những bài thơ tình trác tuyệt của ông, bài thơ "Mười Hai Tháng Sáu" trong suốt mấy chục năm qua vẫn được xem là thiên tình sử với những giai thoại độc đáo gây nhiều tranh cãi về nhân vật "Tố của Hoàng ơi...". Theo ông Vũ Hoàng Ðịch, em ruột của thi sĩ (tác giả bài thơ Ba Đình nắng, được Bùi Công Kỳ phổ nhạc), nhân vật "nàng Tố" có tên là Tố Uyển, họ Trần. Vũ Hoàng Chương làm thơ gọi tên nàng là Tố Vân. Ông Địch cũng cho biết, việc "Tố của Hoàng trở thành Tố của... ai", ai ở đây là ông Ðào Bá Cương, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Pháp, từ Pháp về làm đám cưới nàng Tố ở Hà Nội. Còn theo Tạ Tỵ, trong hồi ký "Mười khuôn mặt văn nghệ" (Nam Chi Tùng thư, Saigon 1970)-thì nàng Tố có hai chị em đều đẹp cả, nhan sắc dư thừa, và nhà ở trên đường Capitaine Bruisseau, gần Place Négrier (Cửa Nam, Hà Nội bây giờ). Và nhà thơ chỉ yêu một nàng, yêu đơn phương-còn Tố có yêu lại không, chẳng ai tiết lộ điều bí ẩn này. Sau nàng Tố đi lấy chồng, chẳng ai có thể làm khác hơn!
Dù thế nào đi nữa, trong thực tế "Mười Hai Tháng Sáu" vẫn là câu chuyện, khởi đầu từ ngày 12 tháng 6 năm Tân tị (1941), ngày mà nàng Tố của nhà thơ bước lên xe hoa về nhà chồng, ngày mà Vũ Hoàng Chương chìm đắm trong nỗi đau thống thiết. Ông đã tiếc nuối gào lên: "Là thế, là thôi, là thế đó/ Mười năm thôi thế mộng tan tành!/ Tình ta, ta tiếc cuồng ta khóc/ Tố của Hoàng, nay Tố của ai?". Đại thể, vào thời điểm Vũ Hoàng Chương chững 25 tuổi, nàng Tố cũng vừa đến tuổi dậy thì. Chàng Vũ đem trầu cau đi hỏi thì bị gia đình nàng từ chối, vì chê nhà trai nghèo. Thất tình, chàng bỏ cả học Đại học Hà Nội, gia nhập ngành Hỏa xa, xin một nhiệm sở xa nhất phía bắc là Lào Cai. Chính ở nơi biên giới ấy chàng làm rất nhiều thơ về nàng Tố, những bài thơ đưa chàng đến chỗ danh tiếng. Nhưng cũng chính nơi ấy đã biến Vũ Hoàng Chương trở thành người nghiện lúc nào không hay.
 

Thủ bút Vũ Hoàng Chương.

 

 

 

Trong tâm trạng ảm đạm thê lương, nhà thơ tình cờ dẫn dắt chúng ta trở về gặp lại một chi tiết bất ngờ, mà thực hữu nhất chính là mấy lá thư: "Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp/ Tình mười năm còn lại mấy tờ thư". Đâu ai ngờ được "mấy tờ thư" ấy đơn giản chỉ là những dòng chữ mà nàng Tố muốn nhờ Vũ Hoàng Chương giảng hộ môn Anh văn. Vậy mà với nhà thơ lại xem như một kỷ vật hết sức thiêng liêng. Ông vẫn muốn cố tìm ra những gì thầm kín ẩn nấp sau mươi hàng chữ kia: "Mười hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập/ E dè sao mười hàng chữ đơn sơ/ Mầu mực tươi xanh ngát ý mong chờ/ Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy".
 
Năm 1942, trong một vở kịch trình diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Vũ Hoàng Chương từng đóng vai Hoàng Lang, vai chính trong vở "Vân Muội", một gã thư sinh si tình lúc nào cũng chỉ mơ màng tơ tưởng tới "mối tình xưa, mộng cũ với hình ai" đã khiến báo chí lại một thời bàn tán sôi nổi về mối tình của Vũ Hoàng Chương với người con gái mang tên đệm Tố. Câu chuyện tưởng đã khép lại, bởi hoàn cảnh đất nước chia cắt, kẻ Bắc, người Nam. Thế nhưng, hơn 30 năm sau, vào ngày 12-6 năm Nhâm Tý (1972), Vũ Hoàng Chương lại có bài thơ "Tố Của Hoàng Ơi" (trong thi tập "Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau" của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, do Rừng Trúc xuất bản tại Paris năm 1974).
Trần Trung Sáng


*****

Vũ Hoàng Chương

 

 

 

(chiều 17/4/2002)

 

Thơ ông đầy men rượu trong thi phẩm đầu tay: Thơ Say. Mình không có kinh nghiệm say thì cảm không hết được ý thơ của ông đâu. Dầu vậy, cái men say ấy vẫn cứ lan sang lòng mình như thường.

 

Ông là một thi sĩ nghiện ngập. Người ta nói thế. Mà tôi cũng biết thế khi tôi đến nhà thi sĩ Mộng Tuyết (Thất Tiểu Muội), một người bạn thơ của ông. Có một thời gia đình ông tá túc nơi nhà nữ sĩ Mộng Tuyết. Không nhớ khoảng thời gian nào, sau năm 1975; lúc đó ông ở tù ra, một thời gian ngắn rồi mất. Tôi không được gặp ông. Chỉ nghe nữ sĩ Mộng Tuyết nói, kể về ông, thương tiếc một con người tài hoa, không làm sao sống thích nghi với xã hội mới. Theo nữ sĩ Mộng Tuyết kể sơ, ông bị công an kêu lên kêu xuống tra vấn hạch hỏi liên tục; còn bị giam nhốt để "cải tạo" tư tưởng lẫn cái bệnh nghiền của ông nữa. Sau ông bệnh quá, công an phải tha về, sống những ngày cuối cùng với vợ con rồi mất tại Sài-gòn.

 

Người ta nhớ ông nhất ở hai câu:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Ðời vắng em rồi say với ai!

Bốn chữ đầu của câu sau được ông lấy làm tựa đề cho bài thơ dài say tiễn cuộc tình chia xa.

 

Ðời vắng em rồi

Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu

Lênh đênh thương nhớ giạt trời Âu

Thôi rồi - tay nắm tay lần cuối

Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.

Trai lỡ phong vân gái lỡ tình

Này đêm tri ngộ xót điêu linh

Niềm quê sực thức lòng quan ải

Giây phút dừng chân cuộc viễn trình

Tóc xõa tơ vàng nệm gối nhung

Ðây chiều hương ngát lả hoa dung

Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo

Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng.

Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay

Buồn mưa trăng lạnh nắng hoa gầy

Nắng mưa đã trải tình nhân thế

Lưu lạc sầu chung một hướng say

Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai

Ra đi chẳng hứa một ngày mai

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Ðời vắng em rồi say với ai

Phương Âu mờ mịt lối quê nàng

Trăng nước âm thầm vạn dặm tang

Ghé bến nào đây người hải ngoại

Chiều sương mặt bể có mơ màng.

Tuyết xuống phương nào lạnh lắm không

Mà đây lòng trắng một mùa đông

Tương tư nối đuốc thâu canh đợi

Thoảng gió trà mi động mấy bông.

 

Người tình đi xa. Tận trời Âu. Cách chia nhau mà chẳng hứa được điều gì chắc chắn. Ngồi đây chuốc rượu mà uống thâu canh. Nghĩ tưởng đoạn đường dài em đi. Phương ấy trời đã rơi tuyết chưa mà sao nơi đây, lòng tê dại như phủ cả một màu tang. Màu trắng ở đây là màu trắng của tang, của niềm tê tái giá băng, của niềm cô đơn vô tận.

 

Ðời vắng em rồi, anh vẫn say. Có em thì uống say với em cuộc tình nồng. Vắng em thì say nỗi niềm cô độc. Say với những cốc rượu đắng, giết cả tâm hồn. Cố tình say như thế để mà quên, để nén niềm đau cứ chực dâng trào. Chỉ khi hết say rồi mới nằm khóc được tình mộng ban đầu.

 

Một phút ngừng say

Bấc trĩu hoa đèn nhựa úa nâu

Phai say nằm khóc mộng ban đầu

Bước chân song sóng vòng tay mở

Dạo ấy người ơi xa lắm đâu

Chớm nụ tiếc cho tình quá ngát

Mà thương trời bể quá cao sâu

Tiếc thương lẻn khói vào tâm trí

Mưa gió tàn đêm lộng quán sầu.

 

Một thi sĩ chung tình đến thế! Suốt một đời chỉ sống với thơ, rượu, bàn đèn và tình yêu ban đầu. Cuộc tình ấy không bao giờ thành, dù ông đã chờ đợi, ước mơ... với bao nhiêu năm tháng mỏi mòn trong men say và nghiện ngập.

 

Ðã có lúc ông tìm quên trong những quán rượu, uống say, nhảy múa với những vũ nữ, lảo đảo quay cuồng theo điệu nhạc... vừa cám cảnh thân phận nhạt nhòa hương phấn của người, vừa đau xót cuộc tình không phai mà không thành của mình. Dù nhảy nhót, uống say thâu đêm suốt sáng, cả một "thành sầu" như tảng núi, vẫn kiên cố nằm ì trong lòng, chẳng làm sao phá vỡ đi được. Niềm đau, nỗi sầu vẫn còn đó. Ông nói với người vũ nữ, mà cũng là nói với ông: sầu này không thể nào phai đi được.

 

Ðây là bài luân vũ tuyệt nhất của một gã tình si thở tràn hơi rượu:

 

Say Ði Em

Khúc nhạc hồng êm ái

Ðiệu kèn biếc quay cuồng

Một trời phấn hương

Ðôi người gió sương

Ðầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương

Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?

Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo

Lòng trôi nghiêng mà bước vẫn du dương

Lòng thiêng tràn hết yêu đương

Bước chân còn nhịp nghê thường lẳng lơ...

Ánh đèn tha thướt

Lưng mềm não nuột dáng tơ

Hàng chân lả lướt

Ðê mê hồn gửi cánh tay hờ

Âm ba gờn gợn nhỏ

Ánh sáng phai nhạt dần

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

Lui đôi vai, tiến đôi chân

Riết đôi tay, ngả đôi chân

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ

Hãy thêm say còn đó rượu chờ ta

Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa

Tay mềm mại bước chân còn chưa chuếnh choáng

Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời phóng đãng

Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men

Say đi em, say đi em

Say cho lơi lả ánh đèn

Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết

Ta quá say rồi

Sắc ngã màu trôi

Gian phòng không đứng vững

Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?

Chân rã rời

Quay cuồng chi được nữa

Gối mỏi gần rơi

Trong men cháy giác quan vừa bén lửa

Say không còn biết chi đời

Nhưng em ơi

Ðất trời nghiêng ngửa

Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ

Ðất trời nghiêng ngửa

Thành sầu không sụp đổ, em ơi!

 

Ðời ông là cả một chuỗi đợi chờ. Ðợi chờ cái điều không thể xảy ra, nhưng vẫn cứ đợi, vẫn cứ chờ. Ðôi lúc nản lòng, gần như không còn tin tưởng nơi người tình nữa, như trong bài "Cánh Buồm Trắng"; ở đó ta thấy sự mỏi mòn, gần như cạn kiệt của ông, và lời thơ đã có giọng phiền trách:

 

.......

Em ơi ta trằn trọc

Khắc khoải đã bao đêm

Nhớ mong rồi ngờ vực

Ðến cả tấm tình em

Vì những điều mơ ước

Của tuổi trẻ yêu đời

Thắm tươi như ánh nắng

Ðã phai rồi em ơi,

Giấc uyên ương liền cánh

Mộng trăm năm lứa đôi

Êm đềm như tiếng hát

Ðã tan rồi em ơi

Trong lo buồn chán ngán

Trong hoàn cảnh éo le

Tuy ta còn nhận rõ

Lòng em yêu xưa kia

Nhưng mai ngày bóng tối

Thẫm mãi trên đường đi

Biết đâu còn có nữa

Lòng em yêu xưa kia

Ta đâu còn giữ được

Lòng em yêu như xưa

Em ơi cánh buồm trắng

Sắp biến trong đêm mờ.

 

Ông ví cuộc tình mà ông chờ đợi như cánh buồm trắng ngoài dặm khơi. Mỗi ngày ông quan sát, chờ đợi cánh buồm ấy. Cánh buồm ấy không bao giờ quay về bến nhưng nó luôn thoáng hiện lúc gần lúc xa, nhấp nhô theo sóng nước; dầu đã có những lúc nó khuất dạng ngoài dặm xa, ông vẫn ôm hy vọng là nó không bao giờ mất, và đinh ninh một ngày nào đó nó sẽ quay lại. Chỉ khi nản lòng lắm ông mới bộc lộ vẻ lo sợ về viễn ảnh là cánh buồm trắng sẽ thực sự "biến trong đêm mờ."

 

Nhưng dầu thế nào thì ông vẫn tiếp tục chờ đợi, chờ đợi. Bao năm phòng lạnh chờ đợi người tình đầu. Không thấy ai ghé thăm, ngoại trừ ánh trăng. May mà hãy còn trăng, hãy còn thơ. Một đời tình, một đời thơ. Một cuộc tình thật sầu thảm mà cũng vừa bi tráng. Bi tráng nơi sức chịu đựng kiên trì của một người lặng lẽ chờ đợi, gào thét chờ đợi, say khướt chờ đợi... mà không thấy sự đáp trả nào trong suốt ba mươi năm:

 

Chờ đợi hoài công

Ta đợi em từ ba mươi năm

Uống hoa phong nhụy hoài trăng rằm

Heo may chớm đã lên mùa gió

Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chiếu nằm

Cúc tả tơi vàng mộng xác xơ

Hiên sương ngõ lá vẫn trông chờ

Ðêm dài quạnh hé đôi song lớn

Nguyệt đọng vòng tay úa giấc mơ

Ngai trống vàng son lợt sắc rồi

Lòng ta Hoàng hậu chẳng về ngôi

Hồ ly không hiện người không đến

Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi

Hiu hắt tình trai một kiếp suông

Mênh mông nệm gối rét căn buồng

Lệ sa bạch lạp ngàn đêm trắng

Thơ vút sầu say rượu nhập cuồng

Ðã mấy canh khuya nụ ngát nhài

Kết chưa thành mộng ý Liêu Trai

Lung linh nguyệt thấm vàng trang sách

Ðợi chẳng bừng sen nhịp gót ai

Thôi thế hoài thơm tuổi dịu hiền

Cánh khô mầm lụi trót hoa niên

Chương đài, ca quán, ôi hồng liễu

Nửa cuộc trần gian lợm yến diên

Khắp đã nghe tìm mỏi núi sông

Ðâu vương vó ngựa, gió mui hồng?

Gió sương giờ vẫn buồng đây lạnh?
Em hỡi! Phương nào em có không?

 

Phải ba mươi năm sau, ông mới biết là hoài công. Sự chờ đợi chẳng kết quả gì. Nhưng lời thơ, và tình yêu của ông thì bất tử.

 

Ðó là một vài bài thời tiền chiến. Về sau, thơ ông không say men rượu nữa, mà say trong lẽ huyền vi, trong Thiền. Những bài thơ rất siêu thoát, xuất thần. Ðây bài:

 

Nguyện Cầu

Ta còn để lại gì không?

Kìa non đá lở, này sông cát bồi.

Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về.

 

Trông ra bến hoặc bờ mê

Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương

Ta van cát bụi bên đường

Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.

 

Ðể ta tròn một kiếp say

Cao xanh liều một cánh tay níu trời.

Nói chi thua được với đời

Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.

 

Tâm hương đốt nén linh sầu

Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!

Ðêm nào ta trở về ngôi

Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.

 

Một phen đã nín cung đàn

Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.

 

Và bài Lửa Từ Bi, ông ghi là Kính dâng lên Bồ tát Quảng Ðức, như bài điếu văn bất hủ mà nhiều người trong giới Phật giáo thuộc lòng:

 

Lửa! lửa cháy ngất tòa sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm

hiện thành THƠ, quỳ cả xuống.

Hai Vầng Sáng rưng rưng

Ðông Tây nhòa lệ ngọc

chắp tay đón một Mặt-trời-mới-mọc

ánh Ðạo Vàng phơi phới

đang bừng lên, dâng lên.

 

Ôi! Ðích thực hôm nay trời có mặt;

giờ là giờ Hoàng đạo nguy nga!

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

nhìn nhau: tình Huynh đệ bao la.

 

Nam mô Ðức Phật Di Ðà

Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ

NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày

bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây;

gọi hết lửa vào xương da bỏ ngõ,

Phật Pháp chẳng rời tay.

 

Sáu ngả Luân hồi đâu đó

mang mang cùng nín thở,

tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh xe quay.

Không khí vặn mình theo

khóc òa lên nổi gió;

NGƯỜI siêu thăng

giông bão lắng từ đây.

Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây,

nhân gian mát rợi bóng cây Bồ Ðề.

 

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc

lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi;

chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác

trong vô hình sáng chói nét Từ Bi.

 

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?

ngọc đá cũng thành tro

lụa tre dần mục nát

với Thời gian lê vết máu qua đi.

Còn mãi chứ! Còn Trái-Tim-Bồ-Tát

gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.

 

Ôi ngọn lửa huyền vi!

thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác

từ cõi Vô minh

hướng về Cực lạc;

vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác

và chỉ nguyện được là rơm rác,

THƠ cháy lên theo với lời Kinh

tụng cho Nhân loại hòa bình

trước sau bền vững tình Huynh đệ này.

 

Thổn thức nghe lòng trái Ðất

mong thành quả Phúc về cây;

nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật;

đồng loại chúng con

nắm tay nhau tràn nước mắt,

tình thương hiện Tháp-Chín-Tầng xây.

(Sài-gòn tháng 5, Phật lịch 2507, tháng 6-1963)

 

Có lúc thơ ông thể hiện vẻ hùng tráng ngất trời. Chẳng hạn ở Bài Ca Sông Dịch:

 

Ai tráng sĩ bao năm mài gươm dưới nguyệt

Còn tưởng nghe hồn thép múa sông sâu

Kinh Kha hề Kinh Kha!

Vinh cho ngươi hề ba nghìn tân khách

Tiễn ngươi đi, tiếng trúc nhịp lời ca.

Biên thùy trống giục,

Nẻo Tần sương sa,

Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà.

 

Tám phương trời khói lửa,

Một mũi dao sang Tần.

Ai trách Kinh Kha rằng việc người để lỡ

Ai khóc Kinh Kha rằng thềm cao táng thân.

Ai tiếc đường gươm tuyệt diệu

Mà thương cho cánh tay thần.

Ta chỉ thấy

Tơi bời tướng sĩ, thây ngã hai bên.

Một triều rối loạn, ngai vàng xô nghiêng.

Áo rách thân run hề ghê hồn bạo chúa,

Hùng khí nuốt sao ngưu hề nộ khí xung thiên.

Một cánh tay đưa mà danh lừng vạn cổ,

Hiệp sĩ Kinh Kha hề ngươi thác đã nên!...

(Tâm Sự Kẻ Sang Tần)

 

Ðôi khi thơ ông u uất nỗi sầu chung của đất nước và thời thế, muốn vươn đến những cõi cao rộng xa xăm khác. Mấy mươi năm, số phận nhỏ nhoi rồi bệnh tật của ông, không vươn khỏi những biến động của xã hội, cũng như gông cùm xiềng xích của chế độ cộng sản, nhưng thơ ông đã từ lâu, và mãi mãi, như cánh phượng hoàng (ý của Viên Linh), chạm đến cái chỗ chóp đỉnh cao vời của nền thi ca Việt-nam. Ở nơi chốn ấy, không ai trói buộc ông được. Một mình tung cánh giữa trời cao rộng.

 

Ðây là một vài bài khác nữa của ông, trích từ Chiêu Niệm Văn Chương - Vũ Hoàng Chương của Viên Linh:

 

Phương Xa

Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng

Xô về Ðông hay giạt tới phương Ðoài.

Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng

Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi.

 

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh.

Bể vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh.

 

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Một đôi người u uất nỗi trơ vơ.

Ðời kiêu bạc không dung hồn giản dị

Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.

 

Men đã ngấm, bọn ta chờ nắng tắt

Treo buồm cao, cũng cao tiếng hò khoan

Gió đã nổi, nhịp trăng chiều hiu hắt

Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy cho ngoan.

 

 

Mười Hai Tháng Sáu

Trăng của nhà ai trăng một phương

Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường

Ờ đêm tháng sáu mười hai nhỉ

Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương.

 

Là thế là thôi là thế đó

Mười năm thôi thế mộng tan tành

Mười năm trăng cũ ai nguyện ước

Tố của Hoàng ơi Tố của Anh.

 

Tháng sáu mười hai - từ đấy nhé

Chung đôi - từ đấy nhé lìa đôi.

Em xa lạ quá đâu còn phải

Tố của Hoàng xưa Tố của tôi.

 

Men khói đêm nay sầu dựng mộ

Bia đề tháng sáu ghi mười hai.

Tình ta ta tiếc - cuồng - ta khóc

Tố của Hoàng nay Tố của Ai.

 

Tay gõ vào bia mười ngón rập

Mười năm theo máu hận trào rơi.

Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp

Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi.

 

Kiều Thu hề Tố em ơi

Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây

Hàm Ca nhịp gõ khói bay

Hồ Xừ Xang Xế... bàn tay điên cuồng.

 

Kiều Thu hề trọn kiếp thương

Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô.

Xừ Xang Xế Xự Xang Hồ

Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên.

 

Kiều Thu hề Tố hỡi em

Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng.

Xế Hồ Xang... khói mờ rung

Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn.

 

Một trong vài bài thơ ông làm trong tù:

 

Nét Ðau Mặt Chữ

Chẳng dùng chi được văn tài

Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ

Phút giây chết điếng hồn thơ

Nét đau mặt chữ đến giờ còn đau.

 

Chắc gì ba trăm năm sau

Ðã ai vào nổi cơn sầu nằm đây

Nếu không cơm áo đọa đầy

Nhủ thân nào thịt xương nầy bỗng dưng.

 

Chết theo vào đến lưng chừng

Say từng mảnh rớt mê từng khúc rơi

Nửa chiều say ngất mê tơi

Khúc đâu lơ láo một đời Thi Vương.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.