Apr 18, 2024

Biên khảo

Luật thơ Lục Bát - Song Thất Lục Bát / Cách làm thơ và Luật làm thơ!
Nhiều Tác Giả * đăng lúc 04:40:01 AM, Sep 09, 2022 * Số lần xem: 32346
Hình ảnh
#1

 

image

Để giúp một số bạn đọc trẻ tuổi là học sinh, sinh viên… cùng những người mới tập làm thơ lục bát có thêm sự rành rẽ về luật thơ lục bát, người biên soạn xin được giới thiệu bài nói về luật thơ... dùng cho người mới tập làm thơ, chứ tuyệt nhiên không dám múa rìu qua mắt các thợ thơ. Những chi tiết trong bài viết này là tổng hợp, chọn lọc, biên soạn từ nhiều tài liệu tham khảo khác nhau, cũng có thể dùng nguyên câu chữ của một tác giả khác... Các ví dụ cốt minh họa cho sát vấn đề nêu ra chứ không đề cập tới yếu tố hay hoặc dở. Rất mong được quý bạn đọc góp ý, bổ khuyết.
 
1 - Vần tiếng Việt:
 
Vần là yêu cầu tối quan trọng đối với thơ lục bát nên cần nắm sơ qua về “vần” tiếng Việt.
 

* Tiếng việt có các vần sau:

image
* Vần tiếng Việt bắt đầu bằng các nguyên âm, là nguyên âm hoặc nguyên âm ghép với các phụ âm đơn hoặc phụ âm kép.
Ví dụ: Từ TA có vần là A là nguyên âm A.
Từ THAN có vần là AN là nguyên âm A ghép với phụ âm đơn N.
Từ THANH có vần là ANH là nguyên âm A ghép với phụ âm kép NH.
 
* Vần tiếng Việt nếu có hai nguyên âm đứng đầu thì tính cả hai nguyên âm đó. Ví dụ: Từ TOANH có vần là OANH.
Tuy nhiên cũng có trường hợp lại chỉ tính từ nguyên âm thứ hai. Việc xác định vần trong trường hợp này nên tra cứu bảng thống kê vần trên đây để tham khảo. Ví dụ:
- Từ “quện” có vần là “ên” chứ không phải “uên” vì trong bảng tra vần không có vần “uên”.
- Từ “giang” có vần là “ang” chứ không phải “iang” vì trong bảng tra vần không có vần “iang”.

image
 
2 - Các loại vần trong thơ lục bát:
 
- Một cặp thơ lục bát gồm hai câu: câu đầu 6 từ, câu hai 8 từ.
- Thơ lục bát có các loại vần sau:
Mỗi vần có hai dạng là VẦN BẰNG và VẦN TRẮC tùy thuộc vào các thanh (còn gọi là dấu) kèm theo nó. Ví dụ: vần “an” có “an”, “àn” là vần bằng, “án”, “ản”, “ãn”,“ạn” là vần trắc.
 
* Vần bằng: là vần không có thanh và vần có thanh huyền (tức dấu huyền). Ví dụ:
 
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
 
thì từ “ta”, “nhau” có vần không thanh (không dấu). Còn từ “là” có vần có thanh huyền (dấu huyền).
 
* Vần bằng trong thơ lục bát: Từ thứ 6 câu lục và từ thứ 8 câu bát thường là vần bằng. Vần được nối tiếp từ vần chân câu lục sang vần lưng (tức vần yêu) của câu bát. Vần chân câu bát lại nối tiếp hiệp vần với vần chân câu lục tiếp sau...
 
* Vần trắc: là các vần có một trong các thanh: sắc, hỏi, ngã, nặng. Ví dụ:
 
Tò vò mà nuôi con nhện
Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi
 
Các từ “nhện” và “quện” mang vần trắc. Trường hợp này rất ít khi dùng. Nếu sử dụng thì bao giờ từ thứ 6 của câu lục và câu bát cũng đều phải dùng thanh trắc.
 
* Vần chân: là vần ở cuối câu lục và cuối câu bát. Ví dụ:
 
Một đời đuổi bóng bắt hình
Tóc sương mới ngộ ra mình ngu ngơ.
 
Thì vần “inh” trong từ “hình” ở câu lục, vần “ơ” trong từ “ngơ” ở câu bát là các vần chân.
 
* Vần chính và vần phụ: Vần gieo ở câu trước là vần chính, vần gieo ở câu sau là vần phụ. Nếu vần câu sau cùng vần với vần câu trước thì cũng là vần chính.
 
* Vần yêu: Là vần ở giữa câu bát, thường là vần ở từ thứ 6, nếu vần rơi vào từ thứ 4 thì từ thứ 6 phải chuyển ngược thanh với từ thứ 4. Ví dụ:
 
Yêu em anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu này  lấy anh không.
 
* Điệp vận: Vần tiếp sau giống hệt vần trước.
 
* Phong yêu (lưng ong): Trong một câu mà vần lưng và vần chân đều cùng một vần thì gọi là phong yêu. Cần tránh phong yêu vì đọc lên nghe không hay. Ví dụ:
 
Cả đêm thao thức bồn chồn
Râm ran tiếng mõ dập dồn đầu thôn.
 
* Lạc vận: Là vần chân câu lục sang vần lưng câu bát, vần chân câu bát sang vần chân câu lục tiếp theo lại không cùng vần, đọc nghe mất âm điệu. Ví dụ:
 
Mang danh kẻ sĩ Bắc 
Lại chui vỏ ốc, lại chuồn đi đâu.
 
* Vần thông và lân vận (vần ép): Các vần nối tiếp nhau phải cùng vần (vần chính), nếu vần tiếp theo khác hẳn vần chính thì lạc vận, nếu gần giống vần chính thì gọi là lân vận, nếu vần đọc lên nghe na ná vần chính thì gọi là vần thông (vần phụ). Ví dụ:
 
Lù lù ngồi giữa công đường
Ra oai có vẻ ông hoàng ta đây.

image
 
3 - Luật bằng trắc trong thơ lục bát:
 
A - Mô hình:
Các từ số: 1 2 3 4 5 6 7 8
Câu lục 1: * B * T * B
Câu lục 2: * T T * * B
Câu bát 1: * B * T * B * B
Câu bát 2: * T * B * T * B
(Ký hiệu: B là thanh bằng, T là thanh trắc, * là tự do.)
 
image
B – Luật bằng trắc trong thơ lục bát:
- Các từ 2, 4, 6, 8 phải luôn đúng luật bằng trắc (xem mô hình trên).
- Các từ 2, 4 câu lục phải niêm với các từ 2, 4 câu bát.
- Từ thứ 2 câu lục và câu bát phải là thanh bằng. Trường hợp bố trí từ thứ 2 câu lục là thanh trắc thì phải đưa vềdạng tiểu đối. Tức là chia câu lục làm 2 về, mỗi vế 3 từ, đối nhau. Từ thứ 2, 3 phải là thanh trắc, từ thứ 6 phải là thanh bằng (như mô hình câu lục 2). Ví dụ:
 
Đi vạn dặm, viết nghìn trang
Khơi trong gạn đục vẻ vang một đời.
 
Chú ý: Từ số 5 câu lục nên dùng thanh bằng để đảm bảo đối cho cân, trường hợp hãn hữu mới dùng thanh trắc. Ví dụ:“Khi tựa gối, khi cúi đầu”... Nếu làm thơ nghệthuật quyết không dùng trường hợp hãn hữu này.
- Từ thứ 4 câu lục và câu bát phải là thanh trắc. Để câu thơ cân đối thì từ thứ 4 phải là thanh trắc (để gánh hai thanh bằng ở từ thứ 2 và 6). Nếu ở câu bát đã gieo vần lưng vào từ thứ 4 là thanh bằng thì từ thứ 6 phải dùng thanh trắc.
- Muốn câu thơ có nhạc thì ở câu bát phải bố trí từ thứ 6 thanh không (không dấu) và từ thứ 8 thanh huyền hoặc ngược lại. Nếu bố trí cả hai từ này cùng một thanh huyền (hoặc cùng thanh không) thì câu thơ đọc lên mất tính nhạc. Ví dụ:
 
Hỏi thăm cô ấy có chồng chưa nào?
 
4 - Họa thơ lục bát:
 
- Khi họa thơ lục bát cần tuân thủ nghiêm yêu cầu: Từ thứ 5, 7 ở câu bát và từ thứ 5 câu lục không được trùng với bài xướng.
- Khi họa nguyên vận thơ lục bát phải dùng đúng vần (cả vần chân và vần lưng) với bài xướng. Nhưng cũng có thể chỉ họa đúng vần chân cho dễ hơn...
 
5 - Tập Kiều và lẩy Kiều:
 
- Tập Kiều là lấy nguyên văn câu lục và câu bát ghép lại với nhau thành một bài thơ lục bát hoàn chỉnh. Chú ý: không được thay đổi một từ nào, cũng không được lấy cả cặp câu lục bát liền nhau.
- Lẩy Kiều là mượn từng câu trong Truyện Kiều, có sửa đổi đôi chút, rồi ghép lại thành một bài thơ có nội dung định thể hiện, không bắt buộc phải giữ nguyên vần.
 
6 - Tiểu đối:
 
Thơ lục bát không bắt buộc phải dùng tiểu đối. Nhưng nếu sử dụng thì ở câu lục chia hai phần phải đối nhau toàn diện (thanh, ý, từ). Còn câu bát cũng chia hai phần chỉcần đối ý, riêng từ thứ 4 và từ thứ 8 phải đối cân cả thanh và ý.
  
 
Trần Mỹ Giống

                                 
  ****************************

 
THƠ LỤC BÁT VÀ SONG THẤT LỤC BÁT

Thơ lục bát và thơ song thất lục bát là hai thể thơ của dân tộc Việt Nam chúng ta. Chúng ta chẳng còn xa lạ gì với thể lịc bát, vì nó là những bài ca dao hàng ngày ta vẫn nghe ông bà ngâm nga, thơ song thất lục bát thì ta đã được học trong chương trình lớp 10 ở trường phổ thông. Sau đây ta cùng tìm hiểu về cách làm hai thể thơ này để phát huy thêm một nét văn hoá của người Việt chúng ta.

I. CÁCH LÀM THƠ LỤC BÁT.

Thơ lục bát có nguồn gốc lâu đời, là một thể thơ dân tộc ta, thơ lục bát bao gồm có thể từ hai câu trở lên. Trong đó thì cứ hai câu ghép lại thành một cặp câu. Các cặp câu gồm có một câu 6 tiếng (câu lục) và một câu 8 tiếng (câu bát), và xen kẽ cứ câu lục là câu bát rồi đến cặp câu khác. Thơ lục bát tuân thủ luật về thanh và vần rất nghiêm ngặt, vì vậy tìm hiểu thơ lục bát là tìm hiểu về luật và vần của nó. Luật về thanh giúp cho câu thơ trở nên hài hoà. Các vần chính là hình thức kết dính các câu thơ lại với nhau.

1. Luật thanh trong thơ lục bát

Thơ lục bát có 2 câu chuẩn là câu lục và câu bát, cũng như thơ Đường luật, nó tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất uận, nhị, tứ, lịc phân minh. Nghĩa là các tiếng thứ 1,3,5 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2,4,6 thì phải theo luật chặt chẽ. Luật như sau:

Câu lục: theo thứ tự tiếng thứ 2-4-6 là Bằng (b) - Trắc (t) - Bằng
Câu bát: theo thứ tự tiếng thứ 2-4-6-8 là b-t-b-b

Ví dụ:
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân b-t-b
Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều b-t-b-b
Thế nhưng đôi khi có thể tự do về tiếng thứ hai của câu lục hay câu bát, có thể biến nó thành thanh trắc. Hoặc là câu lục giữ nguyên mà câu bát thì lại theo thứ tự t-b-t-b, những câu thơ thế này ta gọi là lục bát biến thể.

Ví dụ:
Có sáo thì sáo nước trong t-t-b
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con t-t-b-b
hay:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non t-b-t-b
2. Cách gieo vần trong thơ lục bát

Thơ lục bát cí cách gieo vần khác với các thơ khác. Có nhiều vần được gieo trong thơ nhiều câu chứ không phải là một vần, điều này tạo cho thể lục bát tính linh hoạt về vần.

Cách gieo vần: Tiếng thứ 6 của câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát kế nó. Tiếng thứ tám câu bát đó lại vần với tiếng thứ sáu của câu lục kế tiếp.

Ví dụ:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Trong thể thơ lục bát biến thể vẫn gieo vần như vậy, nhưng trường hợp câu bát của cặp câu có thanh là t-b-t-b thì tiếng thứ sáu câu lục trên nó vần với tiếng thứ tư của câu đó.

Ví dụ:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Tiểu đối trong thơ lục bát:

Đó là đối thanh trong hai tiếng thứ 6 (hoặc thứ 4) cảu câu bát với tiếng thứ 8 câu đó. Nếu tiếng này mang thanh huyền thì tiếng kia bắt buộc là thanh ngang và ngược lại. Ví dụ:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Cách ngắt nhịp trong thơ lục bát:

Thơ lục bát thông thường ngắt nhịp chẵn, là nhịp 2/2/2, nhưng đôi khi để nhấn mạnh nên người ta đổi thành nhịp lẻ đó là nhịp 3/3. Nhịp thơ giúp người đọc và người nghe cảm nhận được thơ một cách chính xác hơn.

II. CÁCH LÀM THƠ SONG THẤT LỤC BÁT

Thơ song thất lục bát là thơ gồm có 4 câu đi liền với nhau, trong đó là hai câu 7 tiếng (câu thất 1 và câu thất 2), kế tiếp là câu lục và câu bát.

Về luật vần ở câu lục và bát thì hoàn toàn là giống thơ lục bát, không đề cập đến. Tôi chỉ đề cập đến hai câu thất. Luât thanh không phải ở các từ 2-4-6 như các thể thơ khác mà lại chú ý vào các tiếng 3-5-7.

Câu thất 1: các tiếng 3-5-7 theo thứ tự là t-b-t
Câu thất 2: các tiếng 3-5-7 theo thứ tự là b-t-b
Các tiếng 1-2-4-6 tự do về thanh.

Ví dụ:
Lòng này gửi gió đông có tiện t-b-t
Nghìn vàng xin gửi đến non yên b-t-b
Về cách gieo vần cũng khác các thể thơ khác. Các thể thơ khác chỉ gieo vần ở thanh bằng, nhưng thơ song thất lục bát gieo vần ở cả tiếng thanh trắc và thanh bằng.

Tiếng thứ 7 của câu thất 1 thanh trắc vần với tiếng thứ 5 thanh trắc của câu thất 2. Tiếng thứ 7 của câu thất 2 thanh bằng vần với tiếng thứ 6 câu lục kế.

Ví dụ:
Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng đằng đẳng đường lên bằng trời.
Trong bài thơ có nhiều câu thơ song thất lục bát thì để nối hai nhóm câu lại về vần thì ta lấy tiếng thứ 8 thanh bằng của câu bát vần với tiếng thứ 5 thanh bằng của câu thất 1 kế tiếp.

Ví dụ:
Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng đằng đẳng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu...

Cách ngắt nhịp trong 2 câu thất của thơ này là nhịp lẻ, tức là nhịp 3/4 hay là 2/1/4.

Thơ Song Thất Lục Bát
 

image

Đây cũng là một thể thơ đặc thù của VN, gồm hai câu bảy chữ và hai câu lục bát. Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm đã được viết trong thể thơ này.

Song là 2, Thất là 7, Lục là 6, Bát là 8.
Song Thất Lục Bát là thể thơ mà hai câu đầu mỗi câu 7 chữ, gọi là Song Thất.
Liền theo là một câu 6 chữ và một câu 8 chữ, gọi là Lục Bát.

Luật

Bảng chính luật Thơ song thất lục bát được viết như sau

x - t - T - b - B - t - T
x - b - B - t - T - b - B
b - B - t - T - b - B
b - B - t - T - b - B - t - B



Nhưng bản luật mà chúng ta thường dùng là

x x x x B x T(v)
x x B x T(v) x B(v*)
x B x T x B(v*)
x B x T x B(v*) x B(v**)


(v) = vần
B = bằng, T = trắc
x = là chữ không tính, bằng hay trắc gì cũng được

Ghi chú: Chữ thứ bảy của câu bát tuy bất luận, nhưng chúng ta nên dùng một chữ trắc, âm điệu sẽ hay hơn.

Cách gieo vần

image 

Xin được tóm tắt gọn như sau, để giúp các bạn trẻ nhanh chóng nắm bắt được các bí quyết của thể loại này :
-Chữ thứ 5 câu 7 đầu tiên vần Bằng (B).
-Chữ cuối câu 7 đầu tiên ở vần Trắc(T), ăn vần với chữ thứ 5 của câu 7 thứ nhì (cũng vần Trắc)
-Chữ cuối câu 7 thứ nhì vần Bằng, ăn vần với chữ cuối câu 6 (vần Bằng)
-Chữ cuối câu 6 vần Bằng , ăn vần với chữ thứ 6 câu 8 (vần Bằng)
-Chữ cuối câu 8 vần Bằng , lại ăn vần với chữ thứ 3 hoặc chữ thứ 5 của câu 7 đầu tiên trong khổ thơ tiếp theo. Chữ thứ 5 này vần Bằng. Chữ thứ 3 linh động hơn, khi ăn vần với câu trước thì phải là vần Bằng, nếu không ăn vần với câu trước thì Trắc, Bằng gì cũng được.

(trích Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên)
------------------------------------

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt, *
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây. *
Chín lần gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

Nước thanh bình ba trăm năm cũ,
Áo nhung trao quan vũ từ đây.
Sứ trời sớm giục đường mây,
Phép công là trọng niềm tây sá nào.
Chinh Phụ Ngâm Khúc -Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm


Đối trong thể Song Thất Lục Bát

Thể thơ này không bắt buộc phải có các cặp đối, nhưng hai câu thất, số chữ bằng nhau, nếu các thi nhân có thể viết thành một cặp đối :


Câu cẩm-tú đàn anh họ Lý
Nét đan-thanh bậc chị chàng Vương

Mùi phú-quí nhử làng xa-mã,
Bả vinh-hoa lừa gã công-khanh

Cầu Thệ-thủy ngồi trơ cổ-độ
Quán Thu-phong đứng rũ tà-huy
Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều



Trống Tràng Thành (2) lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền (3) mờ mịt thức mây.

Chàng thì đi cõi xưa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.

Chốn Hàm Dương (19) chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương (20) thiếp hãy trông sang.

Chinh phụ ngâm khúc



              ******************************************************************

 

 

THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Thơ Đường luật là một thể thơ xuất hiện vào đời nhà Đường ở Trung Quốc. Vào thời này có những nhà thơ nổi tiếng như Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị..., Luật ở đây là luật làm thơ Đường. Nên gọi là thơ Đường luật.

Thơ Đường luật là một thể thơ tuân theo quy luật chặt chẽ. Luật gồm có luật bằng trắc (bằng : B, trắc : T) về thanh trong 1 câu, luật gieo vần giữa các câu, luật niêm giữa các câu thơ. Thơ Đường luật có nhiều loại, nhưng thông dụng là thơ Thất ngôn (có thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú), và ngũ ngôn.

I. CÁCH LÀM THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ

Thơ thất ngôn bát cú Đường luật gồm có 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Tổng cộng có 56 chữ.

Về cách phối âm, hay luật bằng trắc giữa các câu, ta chỉ nói các thanh Bằng-Trắc của các chữ đứng thứ 2-4-6 trong 1 câu (theo quy tắc Nhất-tam-ngũ bất luận, nhị-tứ-lục phân minh). Các tiếng 2-4-6 trong cùng 1 câu theo thứ tự luật bằng trắc có thể là B - T - B hay có thể là T - B - T,

Ví dụ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông B - T - B
Nuôi đủ năm con với một chồng T - B - T

Đôi khi trong câu đầu tiên của bài thơ cũng có thể làm theo thứ tự B - B - T, cũng có thể xem đó là luật phối thanh của câu T - B - T. Ví dụ:

Một đèo, một đèo, lại một đèo B - B - T

Về cách gieo vần trong thơ: Vần trong thơ là những tiếng đọc giống nhau hay những tiếng đọc gần giống nhau như cùng một vần, hay là vần gần giống nhau như sông-chồng, tà-hoa.... Các vần giống nhau trong thơ Đường luật mang thanh bằng, và được đặt ở cuối mỗi câu thơ. Có thể gieo vần vào các tiếng cuối của các câu 1-2-4-6-8, hay có thể là 2-4-6-8, và các vần phải vần với nhau rõ ràng,các tiếng cuối câu 3-5-7 còn lại phải mang thanh trắc, các cao nhân thời xưa thường hay gieo vần vào các tiếng cuối các câu 1-2-4-6-8.

Ví dụ:

Sóc phong suy hải khí lăng lăng
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng
Ngạc đoạn, kình khoa sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Quan hà Bách nhị do thiên thiết
Hào kiệt công danh thử địa tằng
Vãn sự hồi đầu ta dĩ hĩ
Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng
(Bạch Đằng hải khẩu - Nguyễn Trãi)

Trong khi gieo vần thường các cao nhan cũng chú ý đối thanh trong thơ, thường có 2 cách đối thanh, đó là đối thanh huyền (H) và thanh ngang (N) trong các vần được gieo. Ở bài thơ ví dụ trên ta thấy lăng-Đằng-tằng-tằng-thăng theo thứ tự N-H-H-H-N. Còn cách đối kách là xen kẽ thanh huyền và thanh ngang với nhau. Ví dụ như bài Qua đèo ngang

Về niêm giữa các câu. Niêm là sự kết dính các câu theo luật Bằng trắc với nhau. Trong thơ thất ngôn bát cú, niêm là sự kết dính các câu 1-8, 2-3, 4-5, 6-7 với nhau. Các câu này hoàn toàn giống nhau về thanh bằng trắc của các tiếng thứ 2-4-6 theo cặp. Và theo thứ tự thay đổi. Ví dụ câu số 1 của bài thơ theo thứ tự các tiếng 2-4-6 là B - T - B thì câu 8 cũng vậy, câu 2 phải là T - B - T, và cứ 2 câu lại đổi lại.

Ví dụ:

B - T - B
T - B - T
T - B - T
B - T - B
B - T - B
T - B - T
T - B - T
B - T - B

T - B - T
B - T - B
B - T - B
T - B - T
T - B - T
B - T - B
B - T - B
T - B - T

Phép đối trong thơ thất ngôn bát cú, là đối giữa các câu 3-4, 5-6. Các câu này đối lại nhau như các câu đối thời xưa. Rõ nhất là về các câu trong bài Qua đèo Ngang. Về bố cục thì bài thơ được chia làm 4 mỗi phần có 2 câu:

Câu 1-2 là hai câu đề: Mở ra vấn đề về bài thơ
Câu 3-4 là hai câu thực: Giải thích về vẫn đề
Câu 5-6 là hai câu luận: Bàn luận về vấn đề
Câu 7-8 là hai câu kết: Kết luận lại vấn đề

II. CÁCH LÀM THƠ THẤT NGÔN TỨ TUYỆT

Thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật gồm có 4 câu, mỗi câu 7 chữ, về phối thanh hay luật bằng trắc hoàn toàn giống thơ thất ngôn bát cú. Về gieo vần thì có 3 cách:

Gieo vần vào tiếng cuối các câu 1-2-4 (tiếng cuối câu 3 bắt buộc thanh trắc)

Ví dụ:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Cách này thường được các cao nhân thwòi xưa xử dụng nhiều nhất.

Gieo vần chéo: vào tiếng cuối các câu 1-3 (tiếng cuối các câu 2-4 phải là thanh trắc) hay các câu 2-4 (tiếng cuối các câu 1-3 phải là thanh trắc).

Ví dụ:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân

Cách này sử dụng.

Gieo vần ôm: Tiếng cuối câu 1 vần với tiếng cuối câu 4, tiếng cuối câu 2 vần với tiếng cuối câu 3.

Ví dụ:

Tiếng đàn thầm dịu dẫn tôi đi
Qua những sân cung rộng hải hồ
Có phải A Phòng hay Cô Tô ?
Lá liễu dài như một nét mi

Cách này ít người sử dụng.

Nói chung thơ này giống với thơ thất ngôn bát cú.

III. CÁCH LÀM THƠ NGŨ NGÔN

Thơ ngũ ngôn Đường luật cũng giống thơ thất ngôn Đường luật, hoàn toàn giống về niêm, về cách gieo vần, nhưng về bắng trắc thì chỉ có 2 tiếng 2-4 nên theo thứ tự B-T hay là T-B, cứ như thế.

Ví dụ:

Đoạt sóc Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình nghi nổ lực
Vạn cổ thử giang san.

CÁCH NGẮT NHỊP THƠ

Đọc thơ phải đúng cách, đó là đọc đúng cách ngắt nhịp trong thơ để có thể cảm nhận hết được những ý tứ của tá gỉ trong thơ.

Cách ngắt nhịp thường gặp trong thơ thất ngôn Đường luật là nhịp chắn: nhịp 2/2/3 hay còn gọi là nhịp 4-3.

Ví dụ:

Một đèo / một đèo / lại một đèo

Nhưng đôi khi cũng có thể làm nhịp 3-4 theo dụng ý tác giả.

Cách ngắt nhịp thơ ngũ ngôn theo nhịp 2/3.

Cách ngắt nhịp giúp ta hiểu rõ thơ hơn, cảm nhận hết ý tứ thơ.

(Sưu tầm)











 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.