Apr 17, 2024

Biên khảo

Nguyễn Dữ & Lý Tế Xuyên (Truyền Kỳ Mạn lục và Việt Điện U Linh).
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 10:22:11 AM, Apr 26, 2011 * Số lần xem: 3907
Hình ảnh
#1

          Nguyễn Dữ.- Nguyễn Dữ là nhà văn Việt Nam, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay thuộc Thanh Miện, Hải Dương. Vốn dòng dõi khoa hoạn, từng ôm ấp lý tưởng hành đạo, đã đi thi và có thể ra làm quan; sau vì bất mãn với thời cuộc lui về ẩn cư ở núi rừng Thanh Hóa, từ đó” trải mấy mươi sương, chân không bước đến thị thành “. Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống đồng thời với thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học là Phùng Khắc Khoan tức vào khoảng thế kỷ thứ mười sáu và để lại tập truyện chữ Hán viết trong thời gian ở ẩn.

            Truyền Kỳ Mạn Lục.- Truyện được Nguyễn Bỉnh Khiêm phụ chỉnh và Nguyễn Thế Nghi sống cùng thời dịch ra chữ Nôm. Truyền Kỳ Mạn Lục gồm hai mươi truyện viết bằng tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện đều có lời bình của tác giả hoặc của người cùng quan điểm với tác giả.

           Hầu hết các truyện xảy ra ở đời Lý, đời Trần, đời Hồ hoặc đời Lê Sơ từ Nghệ An trở ra Bắc. Lấy tên sách là Truyền Kỳ Mạn Lục(sao chép tản mạn những chuyện lạ), hình như tác giả muốn thể hiện thái độ khiêm nhường của một người chỉ ghi chép truyện cũ. Trong Truyền Kỳ mạn Lục có truyện vạch trần chế độ chính trị đen tối hủ bại, đả kích hôn quân bạo chúa quan lại tham nhũng đồi phong bại tục, có truyện nói đến quyền sống của con người như tình yêu trai gái, hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng, có truyện thể hiện đời sống và lý tưởng của lớp sĩ phu ẩn dật.

        Lý Tế Xuyên.- Không biết rõ tiểu sử, chỉ biết ông làm quan(một trong những chức vụ của ông là trông coi việc tế tự) dưới triều Trần Hiến Tông đặt niên hiệu là Khai Hựu. Việt Điện U Linh tập mà nhiều người cho rằng ông làm ra gồm 27 thiên, chia làm 3 mục, Nhân quân, Nhân Thần, Hạo Khí, kể về công tích 27 vị thần được đền thờ trong các đền miếu thời Lý- Trần. Sau nhiều người đời Hậu Lê ra công tục biên thành sách có đến 49 quyển gồm 41 truyện.

                Xin được kể một truyện trong Việt Điện U Linh: nàng Mỵ Ê.

                Nàng Mỵ Ê là vương phi Chiêm Thành vào thế kỷ 11, bà là vợ của chúa Chiêm Sạ Đẩu(JahaSinhavarmen II). Vào năm 1044 vua Lý thái Tông của Đại Cồ Việt đánh Chiêm Thành, trong khi đó triều chính Chiêm có sự nội phản, tướng Chiêm là Quách Gia Dĩ đã chém chết chúa Sạ Đẩu rồi ra đầu hàng. Quân Đại Cồ Việt chiếm được thành Phật Thệ, bắt hàng trăm cung nữ, ca kỹ và nhạc công mang về trong đó có Mỵ Ê. Đến Lý Nhân, vua Thái Tông sai quan trung sứ triệu Mỵ Ê sang hầu thì Mỵ Ê đã lấy chiên trắng quấn quanh mình rồi nhảy xuống sông Châu Giang mà chết. Tương truyền những buổi sương mù đêm trăng thường nghe thấy có tiếng than khóc ai oán ở khúc sông đó, người dân bèn lập đền thờ. Về sau vua Lý phong bà là Hiệp chính vương phu nhân. Đời Trần Trùng Hưng lại gia phong cho bà Trinh Liệt tá Lý phu nhân để biểu dương cái tiết đoan trinh của bà.

Nhận định về cách chết của các nhân vật nữ lưu.- Một số nhân vật nữ lưu đã phải chấp nhận cái chết như một cách thế hiện hữu, bởi chết, hi sinh mạng sống cũng là một cách sống. Hai Bà Trưng, Trưng Trắc Trưng Nhị đã tự trầm trên giòng Hát Giang; vợ chàng Trương đã nhảy xuống giòng nước biếc để chứng tỏ một nỗi oan khiên không thể minh oan biện bạch được; Thúy Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường để giải nghiệp và quan trọng hơn cả là nàng vương phi Mỵ Ê đã quyết định quấn quanh mình một mảnh chiên trắng để tỏ lòng trinh tiết của đấng Chiêm vương Sạ Đẩu.

         Trong một chuyến công du, vua Lê Thánh Tông đã cảm khái mà sáng tác hai bài thơ “đề miếu bà Trương”. Văn học dân gian còn gọi người thiếu phụ tiết hạnh ấy là “điếu nàng Vũ “hay cũng còn gọi là “ thiếu phụ Nam Xương”. Sau ba năm dài khói lửa chiến chinh, người chinh phu được “phục viên” trở về mái ấm gia đình sum họp vợ con, nhưng dòng máu đa nghi và máu ghen tuông vẫn tiềm tàng nuôi dưỡng trong tâm khảm, lúc nào cũng săn sàng bột phát. Đứa con trai năm tuổi đầu lòng kháu khỉnh khỏe mạnh ăn chơi vẫn không đủ lòng tin chung thủy của người vợ. Thế là một màn hồ nghi, một cuộc chất vấn cãi vã khiến người thiếu phụ vì quá uất ức không biện minh giải oan được nên ban đêm ra sông trầm mình xuống nước chết. Chỉ còn có nước chết, phải hi sinh bỏ chồng bỏ con ở lại trần thế mới mong được giải oan.

                  Người viết thiển nghĩ: người thiếu phụ đã tỏ ra nông nỗi manh tâm cạn nghĩ. Người viết thiết nghĩ: cần gì phải chết! Mà ví dầu người vợ có nhị tâm, chuyện đâu còn có đó. Mảnh gương trăng vằng vặc quyết không nhơ! Câu chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt thì dù sớm muộn sẽ được giải bày sáng tỏ, sự thật chân lý rành rành. Người chồng đã vỡ lẽ thì than ôi  hết còn hàn gắn, lương tâm cắn rứt thì hỡi ôi đã muộn.

                Hoàng Cao Khải, một ông quan to chức lớn đã từng đề cập ca ngợi sự trinh tiết chung thủy của Mỵ Ê, người viết đã có đọc bài thơ từ trong sách giáo khoa Việt Văn Độc Bản: nàng Mỵ Ê.

                                Thuyền rồng không dựa, dựa thuyền chài.
                                Gắn bó vì chưng trót một hai.
                                Tiết nghĩa mảnh chiên trời ấm lạnh,
                                Cương thường giọt lệ nước đầy vơi.
                                Chứng minh đã có mười phương Phật,
                                Sống thác cùng nhau môt giống Hời.
                                Sử sách nghìn năm ghi chép đó.
                                Thương ai mà lại thẹn cho ai.

                    “Thuyền rồng không dựa, dựa thuyền chài.”Thuyền chài chỉ sự đơn sơ giản dị  thanh đạm. Mỵ Ê muốn nói sự quyết định chọn làm vương phi của vua nước Chàm là Sạ Đẩu. “ Thuyền rồng” chỉ sự cao sang quyền quý của những bậc vua chúa triều đình đời nhà Lý. Nhưng Mỵ Ê lại chẳng tham tài sản vàng bạc kim cương châu báu, chỉ cầu mong sao vua Sạ Đẩu để mắt tới người ngọc Mỵ Ê.

      Tại gia tòng phụ, xuất gía tòng phu. Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng. Chế độ người Chăm ngày xưa theo phụ hệ, con gái Chăm ngày xưa chưa đi theo chồng chỉ biết theo cha, hoàn toàn tùy thuộc sự nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục của người cha, của một vì vua bậc chúa.Theo tục lệ phong tục người Chăm, một khi người phụ nữ lấy chồng xuất giá, cuộc sống người phụ nữ Chăm giờ đây hoàn toàn tùy thuộc vào cuộc sống của của đức lang quân, xuất giá tòng phu, người Việt Nam từ ngàn đời bao giờ  vẫn thế. Nếu đức ông chồng có mệnh hệ nào, người vợ cũng cứ theo truyền thống tục lệ mà chết theo chồng: chết hỏa thiêu trên giàn hỏa. Lịch sử nước Nam đã nghi chép lại khá rõ ràng về câu chuyện lâm li kỳ bí của vua nước Chàm là Chế Mân và nàng công chúa lá ngọc cành vàng Huyền Trân Công chúa. Vua Chế Mân chịu dâng đất cho vua nhà Trần hai châu Ô và châu Lý tức là đất Thừa Thiên bấy giờ. Được ít lâu, không may Chế Mân mắc bệnh mà mất. Vẫn theo tục lệ  Chàm một khi người chồng không may bị mấi,  vợ người chồnglẽ tự nhiên phải bị chết theo, phải bị hỏa thiêu hoả táng. Huyền Trân công chúa cũng cùng số phận. Triều đình nhà Trần tìm cách trì hoãn cái chết của hoàng hậu hay vương phi của vua băng hà Chế Mân bèn sai quan nhà Trần là Trần khắc Chung được lệnh đưa thuyền Công chúa Huyền Trân ra biển mục dích thủy táng Huyền Trân. Thuyền lênh đênh ra biển khơi, đợi địa điểm thích hợp làm nơi thủy táng, một mình Huyền Trân cùng quan nhà Trần. Trời êm biển lặng, trời nước mênh mông, tức cảnh sinh tình, mộng tình ngấm ngầm nhen nhúm, lẽ đương nhiên lửa gần rơm lâu ngày không thể không cháy. Người đẹp Huyền Trân quên mất cái chết gần kề, Trần khắc Chung không nhớ những tháng ngày ái ân chăn gối đam mê bên cạnh người ngọc. Ngày tháng trôi qua thấm thoắt hơn một năm trường, Trần khắc Chung quay lại bến thuyền đã ra đi ngày trước, triều đình vua quan nhà Trần biết rõ sự cố, Huyền Trân vẫn còn sống. Vua Chiêm Thành Chế Mân chết, vương phi Huyền Trân lẽ ra phải được thiêu sống được hỏa táng không còn được đặt ra, không còn được thực hiện nữa.

 

           Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu.(chuyện của Nguyễn Dữ).

              Phụ là người đàn bà, nam phụ lão ấu, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con. Phụ cũng còn là vợ, phu phụ, chồng vợ; tiết phụ ngâm, bài thơ người vợ giữ  trinh tiết( hoàn quân minh châu song lệ thùy, hận bất tương phùng vị giá thì); dâm phụ, người đàn bà người vợ dâm đãng. Trong bài thơ “ Thạch đầu thôn” của thi hào Đỗ Phủ có hai câu “lão ông du tường tẩu, lão phụ xuất môn nghênh”, ông già leo tường trốn và lão bà, lão phụ tức là bà già mở cửa ra tiếp... toán người  bắt lính. Còn bài thơ “ Thiếu phụ Nam Xương”, thiếu phụ trong bài thơ là người đàn bà trẻ tuổi phải để người chồng đi lính nơi xa.

      Từ Đạt ở Khoái Châu, lên làm quan tại thành Đông Quan, thuê nhà ở cạnh cầu Đồng Xuân, láng giềng với nhà quan Thiêm thư là Phùng Lập Ngôn. Phùng giàu mà Từ nghèo, Phùng xa hoa mà Từ tiết kiệm, Phùng dễ dãi mà Từ thì giữ lễ, lề thói hai nhà đại khái không giống nhau song cũng lấy nghĩa mà giao du chơi bời đi lại rất thân, coi nhau như anh em vậy.

       Phùng có người con trai là Trọng Quý, Từ có người con gái là Nhị Khanh, trai tài gái sắc, tuổi cũng suýt soát. Hai người thường gặp nhau trong những bữa tiệc, mến vì tài, yêu vì sắc, có ý muốn kết duyên Châu Trần. Cha mẹ đôi bên cũng vui lòng ưng cho, chọn người mối lái, định kỳ cưới hỏi.

       Nhị Khanh tuy tuổi còn nhỏ, nhưng sau khi về nhà họ Phùng khéo biết cư xử với họ hàng rất hòa mục và thờ chồng cung thuận, khen là người nội trợ hiền.

       Trọng Quý lớn lên, đâm ra chơi bời lêu lổng, Nhị Khanh thường vẫn phải can ngăn, tuy chàng không vâng lời nhưng vẫn rất kính trọng mẹ chàng.Năm hai mươi tuổi, Trọng Quý nhờ phụ ấm được bổ làm một chức ở phủ Kiến Hưng. Gặp lúc vùng Nghệ An có giặc,  triều đình xuống chiếu kén một viên quan giỏi bổ vào cai trị. Đình thần ghép Lập Ngôn tính hay nói thẳng, ý muốn làm hại, bèn hùa nhau vận động tiến cử Lập Ngôn. Khi sắc triều đình sai phó nhậm, Lập Ngôn bảo Nhị Khanh:

-              Đường sá xa xăm, ta không muốn đem đàn bà con gái đi theo, vậy con nên tạm ở quê nhà. Đến lúc tình thế thu xếp xong xuôi ổn định, vợ chồng gia đình con cái sẽ cùng nhau tương kiến đoàn tụ vui vầy sum họp.

            Trọng Quý thấy Nhị Khanh không đi, có ý bịn rịn quyến luyến không dứt, Nhị Khanh ngăn bảo rằng:

-              Nay nghiêm đường người tính trực ngôn nói thẳng nên bị thiên hạ người ta ghen ghét không để ở lại nơi khu yếu, bề ngoài vờ tiến cử tới chốn hung phiêu, bên trong thực chất là dồn vào chỗ hiểm nguy tử địa. Chả lẽ cha con chúng ta đành để cha phải ba đào hiểm nguy muôn dặm, lam chướng nghìn trùng, hiểm nghèo giữa đám sài lang, cách trở trong vùng lèo mán, sớm hôm săn sóc không kẻ đỡ thay? Vậy chàng nên chịu khó đi theo, thiếp đâu dám đem mối khuê tình mà lỗi bề hiếu đạo dâu con. Mặc dầu cho phấn nhạt hương phai, hồng rơi tía rụng, xin chàng đừng bận lòng đến chốn hương khuê. Người chồng chẳng đừng được, mới bày một bữa tiệc để từ giã, rồi cùng Nhị Khanh đem người nhà vào địa phương đáo nhậm. Nào ngờ lòng trời khó hiểu, việc người khôn lường, cha mẹ Nhị Khanh nối tiếp nhau tạ thế. Nhị Khanh đưa tang về Khoái Châu, chôn cất cúng tế xong xuôi, đến cùng ở chung với bà cô Lưu thị. Bấy giờ có quan tướng quân họ Bạch là cháu họ ngoại của Lưu thị muốn lấy Nhị Khanh làm vợ, đem tiền bạc lễ vật đến năn nỉ khẩn cầu; Lưu thị  khứng chịu, nhân lúc vắng vẻ, bảo rằng:

-              Quốc gia từ ngày họ Hồ tiếm vị đến nay, ngày tháng hoang chơi, triều chính đổ nát, họa loạn chỉ xảy ra trong sớm tối, mà Phùng lang từ ngày ra đi thấm thoắt đã sáu năm nay tin tức không thông, mất còn chẳng rõ. Lỡ ra gặp lúc rồng tranh hồ chọi, phải khi bướm dại ong cuồng, cạm bẫy mắc vào tay, Áp Nha(Nghĩa sĩ dùng kế đưa thuốc vào cho Vô Song, vợ chưa cướI của Vương Tiên Khách. Uống thuốc xong, Vô Song mất, Áp Nha giả làm người thân xin chuộc xác Vô Song ra bên ngoài. Đến ngoài, thuốc nhạt, Vô Song sống lại, vợ chồng đưa nhau đi trốn rồi ăn ở với nhau tới già) không sẵn mặt, chỉ e Chương Đài tơ liễu trôi bay đi đến tận phương nào. Chi bằng bạn lành kén lựa, duyên mối vương xe, lập những lời trăng gió cợt trêu, nương dưới bóng tùng quân cao cả, tội gì mà bơ vơ trơ trọi, sống một đời sương phụ buồn tênh?

    Nhị Khanh nghe nói lấy làm sợ hãi, quên ăn mất ngủ hàng tháng; nhưng ý chí Nhị Khanh không lay chuyển xiêu lòng, nhưng bà mối lái Lưu thị quyết định lấy lễ nghi để cưỡng ép, hôn kỳ đã sắp xếp sẵn sàng.

      Một hôm, nàng bảo người bõ già rằng:

-              Ông là người đầy tớ cũ của ta, há chẳng nghĩ đến một chút đền đáp công ơn của người xưa ư?

Người bõ già nói:

-              Tùy ý mợ muốn sai bảo bất cứ điều gì, tôi cũng xin cố gắng làm hết sức mình.

                     Nhị Khanh nói:

-              Ta sở dĩ nhịn nhục mà sống là vì ta thiết nghĩ Phùng lang hãy còn. Nếu chàng không còn thì ta đã liều mình chứ quyết không chịu mặc áo xiêm y để đi làm dáng làm đẹp cùng với người khác. Ông vì ta mà chịu khó lặn lội vào xứ Nghệ hỏi thăm tin tức Phùng lang cho ta không?     

                      Người bõ già vâng lời ra đi.

                    Bấy giờ binh lửa rối ren, đường sá xa xôi hiểm trở, người bõ già phải lận đận chờ hàng tuần mới vào đến được Nghệ An. Hỏi thăm, lão biết  Phùng Lập Ngôn đã thất lộc được mấy năm rồi, lại thêm con trai hư hỏng nên gia sản phá sạch sành sanh thực đáng phàn nàn.

                Người bõ già ghé thuyền lên bờ, vừa vào trong chợ gặp ngay Phùng sinh tức Trọng Quý, ngườI chồng Nhị Khanh. Sinh đưa về chỗ ở thì chỉ thấy một chiếc giường tre xiêu vẹo, bốn bề vách trống, trừ có mấy thứ bàn cờ, hũ rượu, chim mồi, chó săn, không còn cái gì đáng gíá. Sinh bảo người bõ già rằng:

-              Quan nhà không may, thất lộc đã bốn năm rồi, ta vì binh lửa can qua, muốn về cũng không được. Tuy ở xứ người đất khách, nhưng hồn mộng của ta đêm nào mà không mơ thấy Nhị Khanh. Bèn chọn ngày lên đường về quê. Đến nhà, vợ chồng nhìn nhau mà khóc. Đêm hôm ấy, vợ chồng buồng loan chung gối. Hai người xa cách nhau lâu nên đêm nay tình ái bội phần nồng đượm, sự sung sướng khoái lạc không cần phải nói.

                          Nhưng rồi Sinh quen thói phóng lãng  thuộc thói xấu chơi bời, nên về nhà được ít lâu nết cũ lại đâu vào đấy. Hằng ngày, Sinh cùng người lái buôn là Đỗ Tam bê tha lêu lổng. Sinh thì thích Đỗ có tiền nhiều; Đỗ thì tham Sinh có vợ đẹp.  Những lúc uống rượu với nhau chén tạc chén thù rồi sinh ra đánh bạc. Đỗ thường lấy lợi mà nhử Sinh. Sinh lại đánh phen nào cũng được, thấy kiếm tiền dễ như thò tay vào túi như lấy đồ vật mình vậy. Thấy thế, Nhị Khanh vẫn can ngăn chồng:

-              Những tên lái buôn phần nhiều là giảo quyệt, đừng nên chơi thân với họ. Ban đầu họ cố ý sơ hốt thả cho mình được, nhưng rồi họ sẽ lột hết mình cho mà xem. Sinh không nghe, bỏ ngoài tai.

                       Một hôm, Sinh cùng bạn rủ nhau đánh bài tứ sắc. Đỗ bỏ ra trăm vạn đồng để đánh và đòi Sinh đánh bằng Nhị Khanh. Trọng Quý lâu nay đã ăn quen mùi được luôn chẳng suy nghĩ gì bèn bằng lòng cách ấy. Giấy giao kèo viết xong, cả hai vừa uống rượu vừa gieo quân. Trọng Quý gieo ba lần đều thua cả ba, biến sắc da mặt tái xanh khiến cử tọa đều lộ mặt xót xa buồn rầu. Trọng Quý phải gọi Nhị Khanh đến, bảo rõ thực tình, đưa tờ giao kèo cho vợ xem và an ủi rằng:

-              Tôi vì nỗi nghèo khó mà bị bó buộc để lụy đến hôm nay, sự việc nông nỗi này, cứu lại cũng không kịp. Việc bi hoan tán tụ âu cũng là việc thường của người thiên hạ. Nàng nên tạm về với người mới khéo léo chiều chuộng rồi ngày sau tôi sẽ đem tiền chuộc đón nàng về.

                     Nhị Khanh liệu cơ không thể thoát khỏi, giả vờ tử tế nói rằng:

-              Bỏ nghĩa theo giàu, thiếp đâu lẽ từ chối. Số trời sắp đặt, âu chẳng là tiền định hay sao? Nếu chồng mới không nỡ khinh dễ rẻ bỏ, còn đoái tưởng cái dung nhan tàn tạ, thiếp xin sửa túi nâng khăn, hết lòng hầu hạ như đối chàng xưa nay. Nhưng xin cho uống một chén rượu mượn làm một chén tiễn biệt và cho từ giã các con một chút.

                     Đỗ cả mừng, rót đầy một chén xà cừ rượu đưa nàng uống. Uống xong về nhà,  ôm lấy con, vỗ lưng mà nói rằng:

-              Cha con bạc tình, mẹ đau lòng lắm. Biệt ly là chuyện thường thiên hạ, một cái chết, đối với mẹ đâu có gì khó,  mẹ chỉ thương các con mà thôi.

                          Rồi ra vườn sau, Nhị Khanh thắt cổ mà chết.

                   Trọng Quý trở thành góa vợ, rất ăn năn tội lỗi của mình. Sinh kế ngày một trở  nên khó khăn, ăn bữa sớm lo bữa tối, phải đi vay mượn quanh cạnh những láng giềng. Nhân có một người bạn cũ hiện đang làm quan ở Quy Hòa(thuộc xứ Hưng Hóa, nay thuộc tỉnh Phú Thọ), liền tìm đến để nương nhờ vả. Dọc đường buồn ngủ, Trọng Quý nằm ghé xuống ngủ ở gốc cây bàng, bỗng nghe trên không có tiếng gọi:

-              Có phải Phùng lang đấy không? Nếu còn nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ thì ngày ấy tháng ấy xin đứng chờ thiếp ở đền Trưng vương. Ân tình thiết tha, xin đừng vì thế mà cách trở. 

                        Sinh lấy làm lạ, nhưng tiếng nói chính là tiếng nói của Nhị Khanh. Muốn thử hư thực xem sao, Sinh đến hẹn đứng trước ngôi đền. Chỉ thấy trăng tà rọi cửa, rêu biếc đầy sân, dăm ba tiếng quạ kêu trên cành cây khẳng khiu xơ xác. Khoảng cuối canh ba, Sinh bỗng nghe tiếng nức nở khóc từ xa tới gần; nhìn kỹ, người khóc ấy chính là Nhị Khanh. Nhị Khanh nói với Trọng Quý rằng:

-              Đa tạ ơn chàng từ xa lặn lội tới đây, thiếp biết lấy gì để đền đáp được?

                   Trọng Quý chỉ biết trả lời, nhìn nhận tội lỗi phóng đãng của mình. Nhị Khanh nói:

-              Thiếp oan uổng sau khi mất đi, Thượng Đế Ngọc Hoàng  thương xót cảnh ngộ oan uổng bèn ra ấn chỉ cho phép thiếp được lệ thuộc vào ngôi đền này, coi sóc giữ gìn văn sớ tâu đối nên không lúc nào thiếp được thong thả nhàn rỗi thăm viếng họ hàng thân thuộc cả. Bữa nọ, nhân đi làm mưa, thiếp chợt thấy chàng nên mới gọi, nếu không thì nghìn thu dài dằng dặc, không biết đến bao giờ chúng mình được gặp gỡ nhau.

                        Trọng Quý hỏi:

-              Sao nàng lại đến chậm thế?

                        Nhị Khanh đáp:

-              Vừa rồi thiếp có nhân theo xe mây lên có việc ở Đế sớ, vì lý do có chàng nên thiếp phải bẩm trình xin được về trước, thành ra thiếp cũng có sai hẹn một chút.

                     Bèn dắt tay cùng nhau đi nằm, chuyện trò ấm lạnh thủ thỉ. Khi nói đến công việc hiện thời, Nhị Khanh chau mày nghiêm sắc mặt:

-              Thiếp trộm nghe chư thiên nói chuyện với nhau, bảo nhà Hồ sắp hết vào năm Bính Tuất( năm 1406), chiến tranh binh lửa nổi lên, có người bị giết ước chừng tới hai mươi vạn, chưa kể số ngườI bị giặc Minh bắt cướp đưa đi. Bấy giờ có một vị chân nhân từ miền tây nam xuất hiện; chàng nên khuyên hai con nên đi theo vị ấy.

Trời gần sáng, Nhị Khanh vội dậy cáo biệt, vừa đi vừa ngoảnh đầu nhìn lại, thoắt chốc thì biến đi mất.

Từ đó, Trọng Quý không lấy ai nữa, chăm chỉ nuôi hai con nên người. Đến khi vua Lê Thái Tổ tuốt gươm đứng dậy ở Lam Sơn, hai người con trai đều đi theo, làm đến chức Nhập thị nội, đến nay ở Khoái Châu hiện vẫn còn hậu duệ con cháu.

                     Nguyễn Dữ nhà Hồ viết Nhị Khanh.
                     Tòng phu nghĩa phụ rất chung tình.
                     Quan san đáo nhiệm tròn duyên phận,
                     Biên ải tại gia vẹn tiết trinh.
                     Vắng bóng gia đình sầu vạn cổ,
                     Chơi bời trác táng dẹp tam bành.
                     Truyền kỳ mạn lục nay xem lại.
                     Tứ đức tam tòng phận mỏng manh.

Chuyện Nhị Khanh với người nghĩa phụ ở Khoái Châu cũng tương tự chuyện “ Thiếu phụ Nam Xương”, cũng tương tự “ Điếu nàng Vũ” , hai bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chỉ khác nhau là người vợ vì quá đau khổ oan khiên tiết hạnh mà phải tìm đến cái chết. Cái chết của nàng Vũ là tìm cái chết trên giòng nước, cái chết của Nhị Khanh là tìm cái chết bằng một sợi dây oan nghiệt. Người chồng của nàng Vũ là một gã vũ phu cả ghen, thượng cẳng chân hạ cẳng tay hung hăng thô bỉ. Người chồng của Nhị Khanh là Trọng Quý không biết quý trọng yêu thương nghĩa tình phu phụ bán rẻ vợ một cách táng tận lương tâm, nhưng cả hai cùng có một tâm trạng: cái sự đã rồi, ăn năn cắn rứt cũng không kịp nữa. Riêng người cô của Nhị Khanh nhờ tá túc tạm trú là mụ Lưu thị không khác gì mụ Tú Bà, nói ngọt nghe lời dễ xiêu của viên quan họ Bạch, trước Lưu thị đưa lời ngon ngọt dụ dỗ, sau Lưu thị gián tiếp răn đe hăm dọa cảnh cáo ép chồng.

       Nhị Khanh và nàng Vũ bị ràng buộc chặt chẽ bởi quan niệm Khổng giáo tam cương ngũ thường đối với người quân tử và tứ đức tam tòng đối với người phụ nữ: công, ngôn, dung, hạnh. Lúc còn ở nhà thì “ tại gia tòng phụ “, ở nhà thì theo cha theo sự kiểm soát giáo huấn của nghiêm đường. Lúc đã lấy chồng xuất giá thì “ xuất giá tòng phu “, lúc đã xuất giá thì phải theo chồng theo sự quản lý của đấng phu quân. Có chồng thì sẽ phải có con nối dõi tông đường, nhưng nếu không may một khi chồng chết thì “ phu tử tòng tử “ phải theo con cái; cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam suốt đời là một chuỗi bổn phận. Người chồng cũng ý thức sâu xa bổn phận làm cha một khi người vợ mất sớm gà trống nuôi con. Kể từ khi Nhị Khanh chết, Trọng Quý phải cong lưng chăm sóc nuôi nấng giáo dục hai con nên người. Nhưng một khi tâm trạng nỗi niềm của hai người không được giải bày sáng sủa, không được giải thích, không được minh oan, sự hiểu lầm bị bế tắc đi vô ngõ cụt không sự cảm thông, như sự ngoan cố bướng bỉnh đầy nghi hoặc thành kiến ghen tuông bóng gió của người đàn ông đi trận mạc trở về, của gã Trọng Quý vô tâm cố gắng dụ dỗ  Nhị Khanh bằng lòng lấy một kẻ đàn ông xa lạ : Đỗ Tam, lúc ấy chỉ còn một cách giải quyết duy nhất là đi tìm cái chết. Cái chết oan khuất kèm theo một nỗi uất ức không biện bạch giải bày được của “vợ chàng Trương” kèm theo cái chết cùng cực đau khổ của Nhị Khanh vẫn hằng thương nhớ khôn phai của gã bạc tình bạc nghĩa Trọng Quý lúc chết hóa thành thần vẫn còn bịn rịn ngoảnh lại lúc giã từ, tình yêu phu phụ si tình đến thế thì thôi!”Cái hạc bay lên vút tận trời. Trời đất từ đây xa cách mãi.” Riêng “chàng Trương” thì không có cái màn cảnh ấy, chỉ thấy “ lửa tâm càng dập càng nồng” của Hoạn tiểu thư lộn tính giống mà thôi.

        Mạnh Tử, học trò đức Khổng có nói: nhân chi sơ tính bổn thiện. Con người bản tính vốn lành, người chấp bút cũng tin như vậy. Nhị Khanh, người vợ rất có nghĩa có tình thủy chung như nhất, cũng có bản tính vốn lành../.

Tiến thân,

 Buồn quá vì đã mất bạn hiền, không còn biết chuyện trò cùng ai nên mình gởi bạn một bài viết Nguyễn Dữ và Lý Tế Xuyên để bạn đọc chơi. Lâu rồi, mình cũng có điện thoại vớI BT nhưng BT không chịu  trả lời, thành ra mình cũng nghỉ chơi luôn.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.