Mar 29, 2024

Biên khảo

Quá trình sáng tác bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” .
Đào văn Khởi * đăng lúc 12:51:18 AM, Sep 09, 2022 * Số lần xem: 3631
Hình ảnh
#1
#2

Lời dẫn :

Biết được quá trình sáng tạo một nghệ phẩm (hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, văn học) do chính tác giả tự nói ra, là một tư liệu quý đối với người thưởng thức, nhất là đối với các nhà phê bình, lý luận. Có không ít hiện tượng văn học vẫn còn tồn nghi như: ai là tác giả “Nam Quốc Sơn Hà”; nội dung “Tòng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải can dự gì đến tiêu đề của bài thơ?. Rồi 2 câu thơ của Hàn Mặc Tử: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Đã làm tốn không ít giấy mực của nhiều nhà có danh, mà đến nay vẫn chưa có lời bình giải thoả đáng.

Những hiện tượng văn học vừa nêu liên quan đến một vấn đề: độc giả không hiểu tác giả, dẫn đến hiểu sai tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng than phiền khi đứa con tinh thần của ông: “Bước đường cùng” bị giới phê bình vỗ về không phải phép.Ông bộc bạch: cũng nên nói thật, là tôi viết Bước đường cùng không phải có ý thức tố cáo tội ác của bọn phong kiến đế quốc đâu. Nếu ngày ấy (1938) mà tôi đã có ý thức ấy, thì tôi đã tìm Đảng cộng sản để gia nhập. Sự thực, tôi chỉ là người viết tiểu thuyết, biết nhiều phong tục của nông thôn thì viết cuốn phong tục tiểu thuyết, có thế thôi. Ngô Tất Tố viết Tắt đèn cùng chưa có ý thức tố cáo. Chẳng qua thấy Vũ Trọng Phụng viết chuyện Vỡ đê, thì anh nói: Vũ Trọng Phụng viết thế nào được chuyện về nhà quê. Để tôi viết cho. Thế là anh viết Tắt đèn; và cũng do lập trường và cách nhìn của anh, Tắt đèn thành có tính tố cáo. Rồi ông mát mẻ “Vậy nghiên cứu về những nhà văn lớp trước, tôi xin anh em chớ gán cho chúng tôi những ưu điểm mà chúng tôi không có, làm chúng tôi phát ngượng” (1).

Vậy nếu một nghệ sỹ tự nhiên bộc bạch về công việc “bếp núc sáng tác” của mình thì rõ là một bí mật rồi. Chúng ta sẽ biết một trong các bí mật đó.

1/ Xưa - Lưỡng cú tam niên đắc, và…

Thời thịnh Đường (713 - 765) có một thi phái danh xưng là “phái quái đản”. Thi phái này chủ trương sáng tác phải đẽo gọt câu thơ, lời thơ, ý thơ đến cực điểm. Họ lao tâm khổ tứ tìm lời để sao làm kinh được người thì họ mới mãn nguyện. Mạnh Giao, Lý Hạ, Giả Đảo, ở trong phái ấy. Xin nhắc đến một truyền ngôn (mà nhiều người đã biết). Giả Đảo tự Lãng Tiên (788 - 843), hồi trẻ nương nhờ cửa Phật , sau hoàn tục đi thi, đậu tiến sỹ rồi ra làm quan. Lúc ông chưa thành đạt, một hôm cưỡi lừa đi thăm bạn, vừa đi vừa nghĩ đến 2 câu thơ.

Điểu túc trì biên thụ
Tăng xao nguyệt hạ môn.

Nghĩa là: Chim đậu cây trong đầm
Sư gõ cửa dưới trăng (1*)

Nhưng ông vẫn lưỡng lự không biết nên hạ tiếng thôi (đẩy) , hay tiếng xao (gõ) Nên vừa đi vừa đưa tay làm động tác như gõ, rồi lại đẩy tay mà không để ý tới xe của Hàn Dũ (đại thần- văn nhân) đang chạy qua. Hàn Dũ bắt lại, hỏi biết chuyện rồi khuyên nên hạ tiếng xao. Từ đó hai tiếng “thôi xao” được dùng để chỉ sự đẽo gọt câu chữ một cách quá đáng. Chưa hết, hôm khác Giả Đảo chú tâm làm xong hai câu thơ:

Độc hành đàm để ảnh
Sác tức thụ biên thân
Ông đắc ý ngâm luôn:
Lưỡng cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Quy ngoạ cố sơn thu. (2*)

Nghĩa là: Ba năm thành lưỡng cú
Một ngâm lệ đôi hàng
Tri âm như chẳng thích
Về ngủ ở cố san.

Ba năm mới làm xong hai câu thơ thì thật là quái đản!

Sở dĩ tôi dài dòng chuyện người Trung Hoa xưa là để kể về một trường hợp tương tự - một thi sĩ Việt Nam hiện đại - thi sĩ Quách Tấn.

2. Nay : Mười bốn năm mới hoàn thành một bài thơ thất ngôn bát cú - Đêm thu nghe quạ kêu.

Bất cứ một tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại nào, hễ có tuyển thơ Quách Tấn thì tất có bài “Đêm Thu …“ trong tuyển đó. Tôi đoan chắc rất ít người hiểu thấu bài thơ này, nhưng đọc rồi ai cũng thích. Có lẽ do sức gợi cảm và âm hưởng đặc biệt của bài thơ đã hút hồn độc giả. Bài thơ có những điển cố khó hiểu, ngay Hoài Thanh tuyển vào Thi nhân Việt Nam đã có một chú thích thiếu chính xác (2). Hoài Thanh cho rằng Quách Tấn dùng điển sai. Chắc gì! Hãy đọc lại bài thơ đó:

Đêm thu nghe qụa kêu

Từ Ô y hạng rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng.
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
Tiếng dội lưng trời đồng vọng mãI,
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.

(Mùa cổ điển 1941)

Vâng, bài thơ quả có nhiều điển cố khó hiểu, nên nhiều độc giả gây nên một dư luận quanh bài thơ này. Vậy nên, trong bức thư đề ngày 19/9/1980 gửi nhà văn Nguyễn Hiến Lê, thi sĩ Quách Tấn đã có lời giải thích các dư luận như sau: “Nhiều người trách tôi đẽo gọt và dùng nhiều điển quá. Thú thật là tôi làm thơ không đến nỗi khổ công như Giả Đảo. Nhiều khi làm rất nhanh, song sự thai nghén của thơ có phần lâu. Ngoài bài Đêm thu nghe quạ kêu tôi còn nhiều bài khác mà cảm xúc và tình thơ nằm trong tâm hồn tôi trên dưới 10 - 15 năm như bài Âp ủ trong Mộng Ngân Sơn. Sự dụng điển của tôi ai cũng tưởng tôi moi đầu moi óc ra tìm điển. Thực tế không phải vậy. Chính điển đã tìm tôi để phò tá”. Và trong bài “Chung quanh bài thơ Đêm thu nghe quạ kêu” viết ngày 4/8/1963, Bàng Bá Lân in vào tập kỷ niệm Văn Thi sỹ Hiện Đại II (Nhà xuất bản Xây Dựng). Quách Tấn cho biết ông đã thai nghén bài thơ đó như sau.:

Một buổi tối cuối thu Đinh mão (1927), trăng mờ mờ, từ bến đò An Thái, ven bờ sông Kôn trở về nhà, qua một khúc đường vắng, ông nghe thấy một bầy quạ thình lình cất tiếng kêu vừa rùng rợn, vừa lành lùng. Từ đó tiếng quạ ám ảnh ông. Ba tháng sau bà thân ông mất, tiếng quạ đó lại thành não nùng hiu hắt. Rồi bẳng đi 12 năm, năm 1939 một đêm trăng, nhân nghe một tiếng dội ở xa ngân dài ra, tiếng quạ năm xưa vụt thức dậy rộn ràng, nhưng dịu dàng chứ không rùng rợn như trước. Đêm đó ông thao thức nhớ lại rất nhiều ký ức ( …) Do chữ quạ kêu mà ông liên tưởng đến màu đen, đến chữ Ô và ông nhớ đến bài Ô y hạng của Lưu Vũ Tích (3), rồi nhớ đến bến đò An Thái ông đã qua năm 1927 mà ông liên tưởng đến bến Phong Kiều của Trương Kế (4) trong bài Phong kiều dạ bạc; lại nhớ đến sông Côn mà liên tưởng đến dòng sông Xích bích với con thuyền Tô Đông Pha (5); nhớ bài Tiền Xích Bích phú, trong đó có dẫn câu:

Minh nguyệt tinh hi

Ô thước nam phi (3*) của Tào Tháo. Cứ hết điển này đến điển khác nối nhau đưa ông vào cõi mộng và sáng hôm sau nữa ông làm xong bài Đêm thu nghe quạ kêu như đã chép ở trên. Chỉ khác câu 6 là Thắc thỏm chăng ai quả ấn vàng (lúc bấy giờ quân Nhật đóng ở Việt Nam, nhiều người đi lính để lập công danh, nhiều bà vợ bị chiếc bóng) và câu 8: Tình lan man gợi tứ lan man. Năm 1941 khi sắp in vào tập Mùa cổ điển ông thấy hai câu đó không thật vừa ý nên sửa lại là:

Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.

Đó, ông thai nghén bài “Đêm thu …” như vậy, từ năm 1927 đến 1941; 14 năm cả thảy!

Bình giải và đánh giá xác tín sự bộc bạch trong hai bức thư trên, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có những lời sau: (6).

-“”Ông nhiều khi “làm thơ rất nhanh”, điều đó tất đúng, có vậy ông mới làm được 1500 bài; vả lại nhà thơ nào khi hứng tới thì cũng như thế cả. Ông không “khổ công phu” như Giả Đảo trong phái quái đảng đời Đường, điều này tôi chắc cũng đúng; nhưng bài “Đêm thu…” làm xong rồi, hai năm sau ông mới sửa câu 6 và câu 8 thì ông cũng không khác Giả Đảo mấy. Giả Đảo “Lưỡng cú tam niên đắc” ông thì lưỡng cú nhị niên đắc, và tôi nghĩ viết kỹ thì phải vậy. Ông “không moi óc để tìm điển” mà điển tự nhiên tới. Điều đó cũng dễ hiểu. Điển thường là do một ý, một vần hoặc một vài chữ trong câu trên gợi nên, ít ai vô cớ mà đưa điển vào thơ. “Sự thai nghén có phần lâu” như bài “Đêm thu… ” mất 14 năm. Phải, nhưng chúng ta phải phân biệt tiềm thức ông đã thai nghén chứ ông không suy nghĩ, tìm ý, tìm lời suốt 14 năm. Mà chuyện đó thì rất thường, như bài “Hoa đào năm trước” của tôi (Lá bối năm 1970) cũng có thể coi là thai nghén 40 năm từ ngày tôi còn ở trung học: Một ngày xuân thấy một thiếu nữ bên một gốc đào mãn khai, rồi năm 1943 một đêm trăng khi qua Đèo Cả, thấy một cảnh tuyệt đẹp cũng chỉ xuất hiện trong mươi giây như lần trước rồi sau 10 năm (1953) cảnh một thiếu nữ bên một bụi hồng nhung, nhắc lại cho tôi cảnh thiếu nữ bên gốc đào năm xưa; sau này mãi đến tết Tân Hợi (1971) nhân nhớ tới câu thơ Ainez ce que jamais on ne deux fois nghĩa là hãy yêu những gì mà ta không bao giờ gặp được 2 lần của A. de. Vigny, tôi viết lại bài đó trong một ngày. Một cảnh đẹp làm ta xúc động mạnh bao giờ cũng in sâu vào óc ta, nằm trong tiềm thức (consent) và thúc đẩy ta ghi chép lại. Nhà văn, nhà thơ nào cũng nghiệm thấy điều đó. Rồi nhà văn Nguyễn Hiến Lê kết luận: Tóm lại cách sáng tác, cấu tứ của Quách Tấn là cách chung của mọi người cầm bút, nhưng đây là người đầu tiên tôi được biết không dấu diếm gì cả, chép lại tỉ mỉ cho độc giả biết. Thường các nhà kị điều đó, cũng như thiếu nữ không muốn cho ai thấy mình tô điểm. Cho nên “Chung quanh bài Đêm thu nghe quạ kêu” đáng gọi là một tài liệu quý.””

Đào Văn Khởi
61 ngõ 1 đường Đào Tấn – thành phố Vinh.

Email


Tài liệu dẫn:

1/ Nguyễn Công Hoan - Đời viết văn của tôi – NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh 1994
2/ Hoài Thanh – Hoài Chân, tỏc giả Thi nhân Việt Nam – NXB văn học Hà Nội 1995
3/ Lưu Vũ Tích (772 - 842) nhà văn triết gia đời Đường. Để lại tác phẩm Lưu mộng đắc thi tập 40 quyển
4) Trương Kế (791 – 853 thi sĩ thời vón Đường ,tỏcgiả “Phong kiều dạ bạc”
5/ Tô Đông Pha (1037 - 1101) văn hào đời Tống là một trong bỏt đại gia Đường - Tống
6/ Nguyễn Hiến Lê Hồi ký – NXB văn học Hà Nội 1993.

*Quách Tấn<1910-1992>Thi sĩ, Nhà văn, hiệu Trường Xuyên, tự Đăng Đạo. Là một nhà thơ theo trường phái cổ điển Việt Nam. Theo Nguyễn Hiến Lê, ông là nhà thơ Đường siêng năng nhất Việt nam. Ông từng có hơn 1500 bài thơ Đường, trong đó có khoảng 900 bài cận thể, thất tuyệt, ngũ tuyệt …trên 400 bài lục bát và chỉ có một số ít đã in<đã xuât bản.> trong các tập Mùa cổ điển ,Mộng Ngân sơn ,Đọng bóng chiều ,Tố như thi …Nhưng dẫu ở thể thơ nào thì thơ Quách Tấn vẫn có cảm xúc mới bồi hồi theo nỗi lòng cô đơn, lắng đọng ,yêu đời của tác giả. Có lẽ từ đầu thế kỉ tới nay, không một nhà thơ nào chuyên chú và có công với thơ luật bằng ông .Các tác phẩm chính :

Một tấm lòng<1939>
Mùa cổ điển<1941>
Non nước Bình Định<1968>-1999 .
Xứ Trầm hương<1969>
Đời Bích Khê<1971>
Đôi nét về Hàn Mặc Tử <1972>
Tố như thi< 1973 , dịch>
Mộng Ngân sơn <1966>
Đọng bóng chiều <1965>
Nhà Tây sơn <1988.
Thi pháp thơ Đường <1998>

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.