Apr 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

Nhật Ký Mùa Thu (tùy bút).
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 02:44:18 PM, Oct 24, 2010 * Số lần xem: 2825
Hình ảnh
#1

 

 

                           1.- 7/10/2010. Tôi trầm ngâm ngồi trên chiếc ghế sắt đã cũ nhâm nhi ly cà phê buổi sáng sớm lúc bên ngoài mới hơn bốn giờ. Gian nhà bếp gần như im lặng hoàn toàn ngoài tiếng xọc xạch mệt nhọc chậm chạp của chiếc đồng hồ treo tường và tiếng máy chạy ù ù bên trong tủ lạnh.  Tôi có thói quen dùng cà phê mỗi sáng, cà phê hòa tan, tức vinacafé hòa tan sản xuất chế biến tại Việt Nam, pha thêm một muỗng Nescafé do công ty Mễ Tây Cơ sản xuất cũng thuộc loại cà phê hòa tan, Sau đó tôi bỏ ba muỗng cà phê đường cũng do Mỹ sản xuất, đường Mỹ hột nhỏ, mịn, tan nhanh chỉ phải ít ngọt khác với loại đường mía sản xuất theo nước cộng sản Cuba thuộc Trung Mỹ Châu, thủ đô La Havana. Xong đâu đó, tôi mở cửa lò vi ba, microwave, đặt ly cà phê vô lò, khép cửa, bấm nút tái đun nóng ba mươi giây. Cà phê trong ly lúc này đã đủ nóng.

           Bên ngoài trời đổ cơn mưa, cơn mưa  mùa thu đầu mùa, tết Trung Thu giữa mùa thu đã lặng lẽ ra đi, mưa im lặng rơi rào rào trên mái ngói, tí tách nhỏ giọt mưa xuống sân nền xi măng. Không khí giờ này bắt đầu trở lạnh. Tôi thả trí tưởng tượng tha hồ đi rong. Nhạc bản Thu Vàng của nhạc sĩ Cung Tiến. “ Chiều hôm qua lang thang trên đường... Một mình đi lang thang trên đường... Lòng xa xôi và sầu mênh mông...” những câu ca những lời ca không dấu; nhạc bản Con thuyền không bến của nhạc sĩ yểu mệnh Đặng Thế Phong, “ Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây...trong cây hơi thu cùng hơi may; vi vu qua muôn cành mơ say...” Một lần nữa lời ca những nốt nhạc cùng những lời ca không dấu.

        Sáu mươi năm, một thời hồi tưởng, một chuỗi dư âm, một mớ hoài niệm, một nhóm nhà văn Pháp như Alphonse Daudet, Anatole France, Apollinaire. “ Si vous avez jamais passé la nuit à la belle étoile, vous savez qu’à l’heure òu nous dormons, un monde mystérieux s’éveille dans la solitude et le silence.” Nếu bạn khi nào thức một đêm sao, bạn biết rằng lúc chúng ta đang ngủ, một thế giới huyền nhiệm thức dậy trong sự cô đơn và trong yên lặng( Les Étoiles); “la pluie froide et tranquille qui tombe lentement du ciel gris frappe mes vitres à petits coups comme pour m’appeler”. Mưa lạnh lẽo và yên lặng từ  nền trời xám gõ nhẹ những cửa kính như để gọi tôi ra( Anatole France. Pensées d’automne); J’ai cueilli ce brin de bruyère; l’automne est morte, souviens-t-en. Ta ngắt một cụm hoa thạch thảo; em nhớ cho mùa thu đã chết rồi( Les Adieux. Apollinaire).

       Mùa thu báo hiệu một giai đoạn chuyển tiết khá bất thường. Thời tiết mấy ngày hôm ấy đột nhiên nóng dữ dội, hoặc dưới hoặc trên 100độ F. Trong nhà  hừng hực như trong lò, bên ngoài nhà thì tôi...sức mấy mà dám cả gan chống gậy bước ra ngoài sân, mặt trời ánh nắng thiêu đốt chiếu trên da rát rạt, đi bộ vài phút đồng hồ là tôi cảm thấy không khứng nổi, vội vã chống gậy khập khiễng bước vô nhà, cẩn tắc vô áy náy. Thật tình tôi vốn dốt từ ngữ Hán Việt nên phân vân, không biết phải sử dụng ngôn từ gì cho hợp lý hợp nghĩa: cẩn, tắc vô ưu, cẩn thận, tất không phải lo, hay là: cẩn tắc vô áy náy, cẩn thận, tất không phải áy náy. Áy náy là tiếng Việt lõi hay là từ ngữ Việt Hán? Rịn lấm tấm mồ hôi, tôi chưa dám quyết định vô buồng tắm mở vòi nước cho “hạ hỏa hạ nhiệt “, nhưng tôi không dám, rủi có bề nào, có sự cố gì thì khổ, khổ riêng cho bản thân tôi. Tôi nghe nói lại những người chết đã ra đi một cách tự nhiên, bình thản, không đau đớn, không hoảng hốt, không lo sợ. Như ông Võ Doãn Tồn, cháu ruột  tôi kêu tôi bằng chú, đã lặng lẽ ra đi như lúc ông ấy còn đang ngủ. Như ông Nguyễn Sức, ông bạn vong niên của tôi tuổi đã ngoài tám mươi nhưng đi đứng và ẩm thực còn khá vững vàng và ngon miệng( mặc dù ông không biết tiếng nước ngoài Mỹ Pháp Tây Ban Nha), đã bất chợt ra đi trong lúc tài xế lái xe đợi vợ chồng ông bà Sức; không ai biết hai ông bà mắc những bệnh gì. Như ông Đoàn Công Huy, giáo sư Anh văn hiện đang sống ở Việt Nam, chết trong lúc ông đang ở nhà, gia đình không có ai, có lẽ ông ấy mất vì bị chứng đột quỵ không có người giúp đỡ cấp cứu, và điển hình nhất là ông Tôn Thất Hà, ông mất sau khi đánh tennis ở tiểu bang Texas, có lẽ bị mệt tim, nhưng cũng có lẽ bởi chứng đột quỵ. Tôn Thất Hà đã để lại trong tôi một ít kỷ niệm. Khi biết tôi mắc chứng đột quỵ, Hà đã gởi biếu tặng tôi một quyển sách khá dày nội dung không ngoài mục đích trị liệu, The Reflexology. Tôi cũng cố gắng trị liệu các huyệt bằng cách xoa bóp nơi cổ, vai , mắt cá đầu gối, bắp chân, thái dương, trán, vân vân và vân vân. Một thời gian độ hai tuần lễ nửa tháng, thấy không có kết quả gì, tôi bỏ cuộc. Thêm một  câu chuyện không lấy gì làm vui giữa hai chúng tôi, bà Lê thị Tường Qui, người phối ngẫu của Tôn Thất Hà. Kể từ khi liên lạc được với vợ chồng Hà- Qui tại bang Texas, tôi thường xuyên tiếp xúc thời sự văn nghệ văn chương với vợ chồng Hà- Qui, chúng tôi gần gũi thân mật trở lại gần như ngày trước. Thật tình, Tôn Thất Hà có nói có đề cập đến những tác phẩm đã do tôi sáng tác trước năm 2001( sau năm 2001, tôi bị tai biến mach máu não), Hà đánh giá khá cao nội dung của những tác phẩm ấy. Thỉnh thoảng Tường Qui có gọi điện thoại cho tôi, nhờ tôi sáng tác một vài bài thơ cho người chồng hoặc bị ung thư hoặc bị bệnh đau bao tử mà chết.( Người viết cũng xin thưa rõ: Tường Qui đã từng bị đột quỵ, bị hôn mê suốt mấy tháng trường tại bệnh viện cấp cứu may được hồi tỉnh phục hồi mau chóng, đi lại ẩm thực tương đối dễ dàng, chỉ mắc phải chứng thường rất dễ quên nhớ trước quên sau, âu cũng là di chứng của hậu quả đột quỵ). Hôm ấy tôi gọi điện thoại cho Tường Qui. Người đàn bà bắt máy, cho biết ông Tôn Thất Hà đang chơi tennis, hôm ấy  vào ngày chủ nhật. Tường Qui cũng nói thêm, nói thật rằng Tôn Thất Hà đã “ghen “với người vợ của Hà. Tường Qui cũng nói thêm rằng nên chấm dứt cái trò điện thoại tỉ tê to nhỏ đi. Nghĩ lại mà buồn, pha thêm một chút oán trách. Oan ôi ông Địa! Tưởng gì chớ đoạn tuyệt liên lạc với bạn hữu xa gần thiết nghĩ không khó.

                       Tất cả đều sắc sắc không không, mọi vật đều gia dĩ vô thường. Lúc nghe tin các ông Sức, ông Nghiên, ông Tồn, ông Huy, ông Hà mất, một người trong gia đình buột miệng thốt lên khá khác thường, nói:

-           Chết vậy mà sướng, khỏe, khỏi phải bệnh tật đau đớn chi.

                  Tôi đã hơn một lần nêu lên ý nghĩ về cái chết trong gia đình của người ấy khiến tôi khó chịu Biết rồi. Khổ lắm. Nói hoài. Ai chẳng biết chết đi là hết, tay trắng hoàn tay trắng, chết là trở về cùng cát bụi, có gì là thật sự quan trọng đâu?

                  Sinh, lão, bệnh, tử. Sống, già, bệnh, chết, bốn cái khổ tất yếu của một kiếp người. Trước khi chết, con người ta phải trải qua ba giai đoạn: sinh, lão, bệnh, sống, già, bệnh tật. Bệnh lao phổi, bệnh lao xương, bệnh ung thư, bệnh phì đại  nhiếp hộ tuyến, bệnh dương mai, bệnh lậu, bệnh đau dạ dày, bệnh tiểu đường, bệnh đột quỵ, bệnh hủi, bệnh liệt kháng, bệnh dịch tả, bệnh hủi v. v.Phần lớn những người bệnh trước lúc sắp chết cảm thấy thân xác đau đớn dữ dội, mệt lả, thiêm thiếp rồi mê man không biết gì nữa. Những người trước đây theo Phật Giáo đều mở những bài thuyết phápDVD Cận tử nghiệp để nghe, chuẩn bị giây phút cuối cùng trước lúc chấm dứt cuộc sống. Tôi có lắng tai để ý nghe những lời của vị Thượng Tọa hay vị Hòa Thượng thuyết giảng về Cận Tử nghiệp, tiếc rằng những tiếng nói chuyện rất đỗi ồn ào trong phòng khiến tôi buộc lòng phải cúp máy ngưng ngang bài thuyết pháp, trong đầu vấn vương một ít thắc mắc và thắc mắc uẩn khúc của tôi là:  những người chết vì đột tử một cách bất ngờ không thể biết trước được, như chết vì đột quỵ quá nặng, chết vì bị sét đánh trong lúc trời đang nổi cơn giông gió( như bạn Huỳnh ngọc Trực đi chăn trâu vào ngày thứ năm nghỉ học), nạn nhân bị sét đánh chết tức khắc không kịp trăn trối bởi điện trời cực mạnh tới mấy ngàn volts, như thế người chết không thể có khả năng gợi lại những hoài niệm đã từng chứng kiến, đã từng sống; bệnh nhân mắc chứng bệnh Alzheimer tức là bệnh mất trí nhớ hay còn gọi bệnh lú lẫn, tổng số các hoài niệm bị vùi dập vào sự quên như trẻ con không nhớ, không biết gì quá khứ. Trước giờ phút cận tử tức lúc sắp chết, người mắc bệnh Alzheimer làm sao có đủ khả năng làm sống lại, tái hiện hoài niệm bấy lâu?   

                   2.- 8/10/2010. Thời tiết San Diego khá thất thường, nhiều tháng nắng chang chang không mưa lấy một giọt, “ cái nóng nung người nóng nóng ghê”, nhưng gặp lúc mùa đông mưa dầm gió bấc thì mưa dầm dai dẳng sụt sùi không dứt hột chẳng khác chi mùa mưa xứ Huế, giá rét căm căm. Ấy vậy mà mới ngày hôm qua trời mớì bắt đầu trận mưa đầu mùa thu, ngay ngày hôm nay đây, nắng rực rỡ mới bắt đầu ngày như thể chẳng có một cơn nắng hạn.

                    Nghe người ta thiên hạ đề cập tới Đại Lễ Nghìn Năm Thăng Long. Nghe thì nghe vậy, biết thì biết vậy nhưng tôi nghe dửng dưng, không một “ly ông cụ” dửng dưng xúc động. Tôi nghe nói qua truyền thông qua tin tức việc tổ chức tốn kém có đến hàng tỉ đồng bạc Việt Nam chưa kể tốn kém hàng mấy trăm triệu đô la. Tiền bạc, huy động lực lượng, nhân vật nào đủ sức trả? Công quỹ è lưng ra trả! Nói cho cùng, tất cả mọi người đều phải nai lưng ra trả và cũng nói cho cùng, chẳng ai phải trả hết. Chủ tịch Đảng trả?- Còn lâu! Chủ tịch nước trả? - Nói chuyện lạ! Thủ tướng trả? -  Em chả! Chủ tịch Quốc Hội trả?- Hổng dám đâu!     Thôi, toàn dân phải trả, nói cho xong chuyện, còn khối chuyện khối trò làm chuyện nhố nhăng khác nữa.

            Bình Nhưỡng đang là những chuyện kỳ quặc không giống ai.

        Màn kịch cha truyền con nối kiểu triều đình phong kiến lại diễn ra cùng ông Kim Il Sung được coi là người khai sinh ra chế độ Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên truyền ngôi lãnh tụ tối cao cho con trai Kim Jong Il và nay ông này lại chỉ định người sẽ thay ông làm lãnh tụ tối cao là cậu con trai thứ ba 27 tuổi, tên là Kim Jong Un.

            Việc kế thừa như trên là một chuyện khó thể tưởng tượng  ở thế kỷ 21, là một trò nhố nhăng của nhà nước tự nhận là cộng sản, là theo chủ nghĩa Mác- Lênin, từng là tiền đồn của phe chủ nghĩa xã hội, do hai đảng Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo cầm đầu. Thực ra cái tên, danh xưng của chế độ cộng sản Dân Chủ Nhân Dân đã không thích hợp, đã mang tính chất lố bịch nhố nhăng rồi. Cộng Hòa mà độc tài, Dân Chủ mà dân không mong mỏi có quyền, nhân dân mà dân chỉ là nô lệ kiểu mới. Kỳ quái hơn nữa là ông bố phong luôn ông con lên làm đại tướng bốn sao trong khi chưa qua cấp bực binh nhì, chưa qua cấp hạ sĩ quan, cấp sĩ quan, cấp úy, cấp tá, thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng, nghĩa là nhảy một bước qua một bậc mà không có một công trạng gì ráo trọi.

           Cũng là rất dị hợm khi cậu bé con bụ bẫm, mặt còn búng ra sữa nghiễm nhiên thành ủy viên trung ương đảng Lao Động Triều Tiên và ngay sau đó là chủ tịch đảng ủy Quân ủy Trung Ương trong khi ông bố của cậu ta là chủ tịch.( Triều đại nhà Lý cuối cùng lên làm vua là công chúa Lý Chiêu Hoàng mới lên bảy tuổi, làm vua được mấy tháng thì kết hôn với ông vua đầu tiên của nhà Trần, mới lên tám tuổi.)

                  Lại thêm một trò quái gở độc đáo khác là ông KimJong Il phong luôn quân hàm đại tướng bốn sao cho cô em gái là bà Kim Kyong Hui, 64 tuổi, ủy viên bộ Chính Trị đảng Lao Động, vốn phụ trách ngành công nghiệp nhẹ.

                   Hôm trước, trước khi chính quyền nhà nước thuộc thành ủy Hà Nội đang mải mê say sưa vui chơi không quan tâm để ý gì tới tình hình an ninh, một tiếng nổ long trời lở đất thuộc khu vực Hà Nộì, tiếp theo là những tiếng nổ khác khiến nhiều cửa kính bị vỡ, chưa ai biết rõ sự cố gì xảy ra. Giám đốc công an thành ủy Hà Nội trung tướng Nguyễn đức Nhanh  vội vội vàng vàng loan tin có bốn người chết, ba người bị thương. Trong số bốn nạn nhân có 2 người Đức, trung tướng Nhanh cho biết vì có sự bất cẩn trong việc tổ chức đốt pháo hoa, còn một người phụ nữ nữa người Singapor cũng chết vì bất cẩn; số người bị thương đều là người Việt Nam. Trung tướng Nhanh cho biết ngay sau vụ nổ là sự cố pháo hoa sẽ không ảnh hưởng gì đến buổi  kết thúc Đại Lễ một Nghìn Năm Thăng Long!

               Cảm nghĩ của riêng tôi khi xem đoạn phim Lý Công Uẩn- Đường Tới Thăng Long: mới xem qua, tôi đã thấy hãi, nếu không nói kinh hoàng. Từ trang phục đến quang cảnh, từ áo mão cho đến búi tóc, hình ảnh toát ra cho ta thấy đúng là một phim Trung Quốc, chẳng khác gì những bộ phim lịch sử Trung Quốc khác mà đông đảo người Việt Nam xem, chi tiết này không thể cứu vãn được tính bao trùm của bản sắc Trung Quốc. Ai có thể ngờ Việt Nam ngày nay  như vậy! Ý kiến của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh khi xem đoạn phim “ Lý Công Uẩn- Đường Vào Thăng Long “: Thật không thể được! Nếu tôi là Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch, tôi sẽ cấm chiếu phim này trên toàn cõi Việt Nam, bất kể trên truyền hình hay trên rạp.”

                  Một người đàn ông ngồi ở giữa là lãnh tụ Bắc Triều Tiên ông Kim Jong Il. Dáng ông Kim có vẻ bệnh hoạn gầy ốm, ông bị đột quỵ cách nay đã hơn hai năm. Một sự kiện khá lạ lùng là nhà lãnh đạo này là gương mặt lúc nào cũng lạnh lùng, gần như không bao giờ cười. Đã vậy ông Kim lại còn mang đôi kính đen, người ngoài muốn nhìn vào khuôn mặt không lấy gì tươi tỉnh của vị lãnh tụ, bất khả! Nếu là nhà tính tình học(caractérologie) Henri Le Senne, tôi sẽ ước đoán ông Kim thuộc loại người nEnAS: vô cảm, vô hoạt tính, trường cảm apathique. Hạng người bệnh hoạn này tôi nghĩ thuộc hạng “ khó chơi”

       Cuối năm 2010, rục rịch những giải thưởng Nobel toàn cầu sắp đến. Tôi có nghe giải thưởng Nobel về  Y học, về Hóa học, về Vật Lý đã được công bố. Thực tình, tôi hơi dửng dung về các giải thưởng ấy. Tôi quan tâm nhất về giải khôi nguyên Nobel Hòa bình 2010. Tôi quan tâm đến giải thưởng của công dân Miến Điện, bà Aung Suu Kyi, đến Đức Đạt Lai Lạt Ma người Tây Tạng. Năm ngoái, năm 2009, tôi vẫn theo dõi, hi vọng giải khôi nguyên này sẽ về tay đại lão Hòa Thượng Thích quảng Độ nhưng tôi thất vọng. Tôi nghĩ tổ chức Na Uy về giải Nobel nếu tôi không lầm có đầu óc kỳ thị. Thế nhưng một giải khôi nguyên Nobel năm ngoái 2009 khiến mọi người ngạc nhiên nếu không muốn nói sững sờ: một ông tổng thống thứ 44 vừa mới đắc cử vẻ vang năm ấy thực sự chưa có thành tích gì, chưa có một thành công gì mà lại gốc dân da màu lại được! Tôi không muốn nói tới cái tên rặt tính chất châu Phi da màu ấy. Nhưng rồi ông tổng thống cũng sang tới xứ Bắc Âu để nhận giải thưởng quý giá ngót triệu mỹ kim, tuyên bố sẽ nhận giải thưởng ấy giúp đỡ những tổ chức từ thiện an sinh xã hội.

           Thế giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay thuộc về tay ai? Trước đó chỉ vài tuần Trung cộng đánh hơi giải thưởng cao quý ấy sẽ lọt về tay nhân vật Lưu Hiểu Ba, một nhà văn kiêm giáo sư năm nay 54 tuổi, từng bị kết án bỏ tù những ba lần vì đã can đảm mạnh dạn đả kích phê phán chế độ độc tài che dấu bưng bít sự thật. Trung cộng đã mạnh miệng răn đe không được trao giải thưởng ấy, thì y như rằng ông Lưu được vinh danh trong chốn ngục tù của chế độ cộng sản. Trung cộng tức tối, cảm thấy nhục nhã xấu hổ cay cú không khác chi bị tát một cái tát vào mặt đau điếng. Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam im lặng, nín khe, không dám mở miệng hó hé một lời. Nếu ông Lưu Hiểu Ba biết được trao tặng giải khôi nguyên Hòa Bình, Trung cộng đã tức tối lồng lộn không tiếc những lời những câu mạ lỵ nhục mạ thì chính quyền nhà nước Việt Nam rất sợ rất lo, ăn không ngon ngủ không yên nếu đại lão hòa thượng Quảng Độ được trúng giải khôi nguyên năm 2009. Rất may, chính quyền Việt Nam phải lau khô mồ hôi tắm ướt.

        Tức giận, lồng lộn tất nhiên phải kiếm cách trả đũa! Khi nghe được tin chồng bà được nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2010 loan báo, bà Lưu Hà tức tốc xin được thăm phu quân hằng tháng ông Lưu Hiểu Ba. Cũng không khó. Lúc người vợ vô trại giam thăm chồng, sự hỏi han thăm hỏi đã được cho phép tuyệt đối tuân thủ theo luật định là phải đúng giờ giấc. Vào thăm ông Lưu, bà Hà chỉ biết khóc...sụt sùi.

           Hết giờ thăm, bà Lưu ra về, cơ quan an ninh Trung quốc lập tức sai bắt người đàn bà đi thăm thân nhân. Nguyên nhân bị bắt, chỉ có cơ quan an ninh biết. Người viết đoán mò:Trung cộng không muốn cho bất cứ ai kể cả những người hiện đang sử dụng internet biết tin giải khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010 đã về tay nhà đấu tranh dân chủ bất bạo động Lưu Hiển Ba, kể cả vợ của ông Lưu. Về sau, người viết được biết khá chính xác là bà Lưu Hà bị quản thúc tại gia, không thực sự bị bắt; ra khỏi nhà, bà bị nhân viên an ninh kiểm soát chặt chẽ, tất cả truyền thông điện thoại đều bị cắt đứt, không thể liên lạc được. Nhiều người khi nghe được tin được trao giải khôi nguyên Nobel Hòa Bình của nhân vật bất đồng chính kiến liền nườm nượp ùn ùn kéo tới hi vọng được phỏng vấn, nhưng vô ích không cho phép.

                  Tháng 12 năm 2010 này giải Nobel Hòa Binh sẽ được chính thức trao nhận cho nhà chính kiến bất đồng Lưu Hiểu Ba tại thủ đô nước Na Uy, nhưng ông Lưu không hi vọng gì sẽ tới thủ đô nước ấy nhận giải khôi nguyên. Mà Trung cộng sức mấy mà đồng thuận cho phép người phối ngẫu của ông Lưu là bà Lưu Hà thay mặt phu quân tới Oslo nhận giải khôi nguyên; 99% Trung cộng sẽ không cho phép bà đi như thế.       

       3.- 10/10/2010.   Đại Lễ kết thúc 1000 Thăng Long. Việt Nam khơi dậy tinh thần dân tộc ngày kết thúc Đại Lễ 1000 Năm Thăng Long. Hôm nay,10/10/2010 chính quyền Việt Nam đã huy động khoảng ba chục nghìn người trong đó có hàng nghìn binh lính diễn hành kết thúc 10 ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Theo hãng thông tấnAFP buổi lễ diễn binh biểu lộ tinh thần quốc gia dân tộc là một thông điệp tinh vi gởi đến cường quốc láng giềng phương Bắc trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng tại biển Đông.

           Một hiện tượng hiếm thấy, một sự cố lạ lùng, một sự hiện diện bất ngờ không chủ định trước của đảng Việt Tân, một đảng phái chủ trương bất bạo động mà lâu nay chính quyền Việt Nam không ngớt tuyên bố là một đảng khủng bố.

             Vào khoảng 12 giờ trưa, thứ bảy,9/10/2010 tại Hà Nội, một nhóm người đã tập trung trước vườn hoa Lý Thái Tổ để biểu dương ý chí chống Trung Quốc và bảo vệ Hoàng Sa Trường Sa. Họ mang biểu ngữ viết những khẩu hiệu mang tên sau đây:

         Thăng Long Ngàn Tuổi, Chống Hiểm Họa Bắc Triều.

        Kh. An là một nữ thông tín viên của đài Á Châu Tự Do RFA. Nữ thông tín viên này có hỏi chuyện với một đảng viên của đảng Việt Tân, nội dung cuộc phỏng vấn ngắn ngủi như sau:

                  Kh. An:

-           Dạ thưa anh, anh có biết tổ chức của Việt Tân có mặt hôm nay được tất cả là có bao nhiêu người?

                   Đảng viên đảng V.T.:

-           Vào khoảng hai trăm hoặc ba trăm.

                Kh. An:

-           Anh có biết tổ chức của đảng sẽ phải sinh hoạt những gì, thưa anh?

                  Đảng viên đảng V.T.:

-           Trước mắt, anh em chúng tôi trương biểu ngữ chống đối sự ngang nhiên xâm chiếm của Bắc Triều; sau đó anh em chúng tôi sẽ phân phát áo sơ mi ngắn tay cho các bạn, các anh em.

                    Kh. An:

-           Cơ quan an ninh có thái độ, phản ứng gì không, thưa anh?

                  Đảng viên đảng V.T:

                    Công an, cảnh sát nhiều lắm, tụ tập một nơi, chỉ quan sát, theo dõi, chỉ khoanh tay đứng nhìn. Tôi thấy có một anh công an bước lại gần chúng tôi trong lúc chúng tôi đang phát áo tặng anh em, anh ấy cầm lấy chiếc áo mới, săm soi giây lát, sau đó bỏ đi.

      Chính quyền cộng sản Việt Nam có thái độ gì trước việc một nhóm hai ba trăm người trương biểu ngữ bích chương chống đối Trung cộng ngang nhiên lấn chiếm công khai đất biển mà không có phản ứng, dửng dưng như khách bàng quan? Thật khó hiểu!

          Tôi tường thuật lại sự việc tôi chứng kiến tận mắt một nhóm người Việt Tân ngang nhiên trương biểu ngữ bích chương chống đối tập đoàn Trung quốc mà tuyệt nhiên không hề có một phản ứng cho một người thân trong gia đình nghe. Lập tức người ấy trả lời, dễ dàng trơn tru thoải mái như người trong cuộc:

-           Đảng Việt Tân lâu nay đã từng tham gia hợp tác tích cực với đảng Cộng Sản Việt Nam, bộ anh không biết sao?

            Tôi chưng hửng, ngỡ ngàng bởi nguồn thông tin “ quái đản” dị hợm, ngược đời, nghịch lý. Trời đất! Hóa ra là thực tế phũ phàng! Tôi không tin. Tôi hoài nghi. Tôi đâm ra hồ đồ. Có lý nào ông Lý Thái Hùng vốn là tổng bí thư của đảng Việt Tân? Có lý nào ông Đỗ Hoàng Điềm vốn là tổng thư ký của đảng Việt Tân? Ông Phạm Minh Hoàng, giáo sư đại học Toán tại Sài Gòn, định cư tại Pháp, vốn là đảng viên của đảng Việt Tân? Bà Hồng Võ, 53 tuổi, cư dân Australia, bị bắt mới ngày hôm qua 11/10 vì tự xưng là thành viên của đảng Việt Tân, cổ xúy phong trào chống đối sự lấn chiến vùng biển và vùng đất của Việt Nam, tại sân bay quốc tế ở Nội Bài. Là thành viên của đảng Việt Tân, bà Hồng Võ vẫn bị công an  Nội Bài bắt, mặc kệ nhóm đảng Việt Tân đã nghiễm nhiên hành động trương biểu ngữ bích chương phản đối nhà cầm quyền phương Bắc!

                  Hôm nay là ngày 10/10. Nói theo cách nói của người bạn học ngày xưa cách nay gần sáu chục năm,ngày hôm ấy là ngày song thập hai tây tháng mười dương lịch, ngày kỷ niệm cách mạng Tân Hợi do nhà cách mạng nổi danh Tôn Dật Tiên chủ xướng. Tôn Dật Tiên còn có một tên nữa là Tôn Trung Sơn. Cứ mỗi năm, lễ kỷ niệm cách mạng Tân Hợi được tổ chức một cách trọng thể do tổng thống Tưởng giới Thạch, nhưng sau năm 1949 đảng cộng sản Trung Hoa chiến thắng thu giang sơn về một mối khiến Tưởng giới Thạch phải bỏ chạy trốn qua đảo Đài Loan, tự xưng là nước trung Hoa Dân Quốc. Bị đào vong trốn sang Đài Loan, nhưng tổng thống mất “ngôi”  được tổ chức Liên Hợp Quốc vẫn được giữ ghế thường trực của hội đồng Bảo An có quyền phủ quyết. Chuyện dị hợm này khiến nước Cộng hòa Dân Chủ Nhân Dân Trung Hoa tức Trung Cộng tức tối lồng lộn mắng nhiếc xỉ vả, đòi phải được giữ ghế trong tổ chức đại hội đồng Liên Hợp Quốc, rốt cục tổ chức bù nhìn chào thua, Trung Cộng từ nay có một ghế, có quyền phủ quyết và Trung Hoa Dân Quốc mất ghế hội viên, la raison du plus fort est toujours la meilleure( Con Sói và con cừu non, Le loup et l’agneau). Từ nay Trung Hoa Dân Quốc không còn là một nước, một quốc gia có chủ quyền nữa, nay trở thành một quần đảo Đài Loan, được Hoa Kỳ dốc lòng yểm trợ, vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan mục đích là để phòng vệ từ Trung Hoa lục địa. Mới đây Trung cộng đã  bất mãn  Hoa Kỳ tiếp tục bán trang thiết bị cho Đài Loan như tàu ngầm, máy bay, hỏa tiễn. Mã Anh Cửu, tổng thống Đài Loan không ngần ngại đã nói vớI tổng thống hoa Kỳ Barack Obama rằng việc Trung cộng đã hung hăng hiếu chiến gây sự tại biển Hoa Nam nói chung và Việt Nam nói riêng khiến ông lo ngại nên ra sức tăng cường sức mạnh tại biển Đông và yêu cầu này cần phải có Hoa Kỳ giúp sức. Một việc khá lạ lùng là Trung cộng và Đài Loan cùng tổ chức kỷ niệm cách mạng Tân Hợi, nhưng cả hai nước đều im lặng không tổ chức không kèn không trống, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa: không. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: không nốt.

      3.- 11/10/2010. Thủ tướng Trung quốc Ôn Gia Bảo có một chuyện lạ đời, gọi là hiện tượng Ôn Gia Bảo, được giới truyền thông và báo chí trên toàn thế giới  loan truyền nhanh hơn điện chớp. Trong chuyến đi Hoa Kỳ, ông Ôn đã dõng dạc tuyên bố: phải đẩy mạnh cải cách chính trị, thực thi nhân quyền; nhân quyền là chuyện tất yếu đương nhiên không thể không có.

                Người viết không biết rõ thâm tâm dụng ý của ông Ôn như thế nào, ra làm sao, nhân quyền được thực thi, cải cách chính trị được thực hiện cải tổ ra làm sao, chỉ nghe nói chung chung, không cụ thể. Không khéo tham vọng ý đồ cải cách nhân quyền của ông Ôn giống với tham vọng ý đồ của ông  Triệu Tử Dương thì khổ! Nhưng ông Triệu Tử Dương đã mất vì tuổi đã già, tương tự thân phận hẩm hiu của các ông Nguyễn văn Linh và ông Trần xuân Bách. Nguyễn văn Linh nguyên là tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, người gốc miền Nam, hô hào cải cách dân chủ, hô hào đổi mới tư duy nhận thức. Trần xuân Bách người miền Bắc, thuộc ủy viên trung ương đảng, có xu hướng đổi thay đường lối chính trị, đáng tiếc, cả hai người bị bộ Chính Trị và ban Bí Thư  cho  về vườn đuổi gà làm cảnh. Triệu Tử Dương đã ủng hộ phong trào biến cố tại quảng trường Thiên An Môn, nhiều thành phần sinh viên thanh niên trí thức biểu tình đòi tự do dân chủ vào năm 1889, bị binh lính huy động xe tăng súng ống bắn xối xã khiến mấy ngàn người bị chết rất nhiều người bị thương, sau đó vô số người bị bắt, số còn lại phải chạy trốn đào thoát.

       Hôm nay, ngày 12 tháng 10 năm2010, Kim Jong Nam, con trai cả của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, đã lên tiếng phản đối về việc truyền ngôi lại cho em trai là Kim Jong Un. Kim Jong Nam nói:” Cá nhân tôi phản đối việc chuyển giao quyền lực theo kiểu cha truyền con nối cho thế hệ thứ ba trong gia đình.” Tuy vậy, Kim Jong Nam cũng nói thêm:” Nhưng tôi nghĩ rằng việc này có những lý do nội bộ. Nếu đúng như thế thì tôi cho rằng chúng ta phải chấp nhận thôi.”Nam nói thêm:” Tôi hi vọng rằng em trai tôi sẽ cố gắng hết mình để cải thiện cuộc sống người dân Bắc Triều Tiên. Về phần tôi thì tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ em tôi từ nước ngoài nếu cần thiết.”

          Hiện nay,Kim Jong Nam sống ở Trung quốc, khi ở Bắc Kinh, lúc ở Ma cau, có lẽ do sự tống xuất của ông bố. Không rõ hiện giờ Kim Jong Nam sống bằng nghề gì.

        Vinashin có lãnh đạo mới. Ngày 13/19/2010 NguyễnTấn Dũng đã bổ nhiệm ông Nguyễn ngọc Sự, phó Tổng Giám đốc tập đoàn dầu khí Việt Nam tức PetroVietnam vào chức chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Vinashin.

            Lại thêm một quan chức Vinashin bị bắt. Ngày 20/9 chủ tịch một công ty thành viên của tập đoàn công nghiệp Tàu Thủy Việt Nam Vinashin vừa bị bắt, ông Tô Nghiêm, trong lúc chủ tịch”Quốc vụ viện”  vẫn bình chân như vại, mặc cho Vinashin bị phá sản, mặc cho nhiều nhân viên cao cấp trong Vinashin bị bắt, chó sủa mặc chó, người lữ hành cứ đi, nói theo thời thượng trước sự cố 1975.

Lại một màn ngoạn mục: các đảng viên cộng sản lão thành Trung quốc kêu gọi tự do ngôn luận. Một cựu thư ký của Mao trạch Đông cùng với 22 đảng viên cộng sản lão thành gởi thơ ngỏ tới Quốc Hội kêu gọi chấm dứt nạn kiểm duyệt và thúc giục chính quyền tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân. Ngày 13 tháng 10, chữ ký của ông Lý Nhuệ một nhân vật thẳng tính từng làm thư ký cho Mao trạch Đông và ông Hồ Kế Vĩ, cựu tổng biên tập của nhật báo Nhân Dân do nhà nước quản lý. Hiện giờ đảng cộng sản Trung quốc mở một đại hội họp kín tại Bắc Kinh, nội dung tuyệt mật, không hề được tiết lộ, tăng cường an ninh chặt chẽ tối đa. Giới thạo tin phỏng đoán hội nghị sẽ bàn thảo đề nghị cải cách chính trị dân chủ nhân quyền của thủ tướng Ôn Gia Bảo, và những lời đề nghị cải cách đó đã bị kiểm duyệt cắt bỏ, không được phổ biến bởi nhóm dân ngu khu đen, nào biết chính chị chính em là cái quái gì, chỉ cần cơm đủ no, áo đủ ấm, thế là tốt! Trong lúc đảng cộng sản họp kín như thế, có một lão ông viết phấn trên mặt đường đòi tự do dân chủ, tự do nhân quyền, quả là “ điếc không sợ súng “( hay là chết không sợ súng?) Kiểu này thì chủ tịch Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo sẽ sớm khăn gói về vườn.

          4.- 15/10/2010. Nhân ngày Hội Ngộ cựu học sinh trường Võ Tánh và cựu nữ học sinh trường Nữ Trung Học Nha Trang, người viết là tôi có nhận được thư mời tham dự buổi hội ngộ ấy, nhằm ngày 20 tháng 8 năm 2010, địa điểm họp mặt tại thành phố San Jose. Tiếc là tôi tuy rất muốn lâu ngày đi xa một chuyến nhưng không thể, bởi việc di chuyển đi lại quá khó khăn phiền phức từ quận hạt San Diego tới thành phố San Jose, rốt cuộc tôi phải viết mail từ chối, chỉ gởi một tiểu luận nhan đề là Yêu & Ghét lên mạng internet.

          Kết quả tôi đã nhận được tập Đặc San Hội Ngộ VT & NTHNT do chị C.T.L. gởi tặng, trong đó có bài tiểu luận Yêu & Ghét. Nhìn qua, liếc mắt đọc qua trang mục lục, không cần nói tôi cũng biết tác giả của những bài viết đều là những bài hồi ký, kể lại thuật lại những kỷ niệm vui có buồn có từ những lúc bỏ ra nước ngoài theo diện...tị nạn, theo diện vượt biên, theo diện H.O., theo diện con lai, theo diện ODP, Orderly Departure Program, chuơng trinh ra đi có trật tự.

         Nhìn trên trang Đặc San dành riêng âm nhạc, tôi thấy có số trang đánh dấu 348, đề mục bản nhạc là  “ Mây Tím”, dài 2 trang, tác giả là Thái Bạch Vân, thơ, phổ nhạc là Kiều Túy Vĩnh. Nhìn trên khóa nhạc, tôi thấy “ Mây Tím “ là khóa Sol, có 4 dấu thăng Fa, Do, Sol, Ré, nhạc thức là Mi trưởng, nhịp 4/4. Tôi nhẩm đếm trường độ của mỗi ô nhịp tức mỗi trường canh, đếm đi đếm lại tôi thấy mỗi ô nhịp tức mỗi trường canh thiếu mất một nửa phách, tức chỉ có ba phách rưỡi. Thắc mắc, tôi hỏi ý kiến của anh P. T. A. N. và của chị C. T.L. Lần thứ nhất, không ai trả lời. Tôi cố hỏi lần thứ hai, vẫn không có người giải đáp. Tôi nghĩ phải chăng người phổ nhạc K.T.V. vì đã sơ xuất nên đã tính nhầm, tôi nghĩ không có lẽ. Tôi để ý trong tổng số trường canh từ trường canh thứ nhất đến trường canh cuối cùng đều có những trường độ như thế cả.

                Cách nay mấy hôm, trong khi  đang nghe đài phát thanh Á Châu Tự Do RFA, tôi có nghe mục “Sống thử.”Lúc đầu, tôi không nghe rõ nhưng sau đó lắng tai nghe, quả thực không khác: “ Sống thử”. Đề tài tiết mục lạ tai.

            Tiết mục đề tài này, thực ra, không lạ. Nó có từ mấy chục thập niên, nhất là ở nơi đất Pháp. Phát xuất từ phong trào văn học lãng mạn thành hình từ thế kỷ mườI tám, cư dân Pháp chủ trương tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, individualisme, thích sống tự do, thích sống độc lập, nói theo nhà giáo Nguyễn bá Học “ không nương tựa ai, không luồn lụy ai, tự mình mình đi, tự mình mình lại, tự mình quý mình.” Giới phụ nữ hiện đang sinh sống ở Pháp cũng vùng lên đòi quyền tự chủ, muốn được giáo dục: tự do, muốn có việc làm tự túc: hoàn toàn có quyền tự quyết; muốn được tự do cư trú: không ai có quyền ngăn cấm; tự do luyến ái, tự do kết hôn, tự do phá thai, tự do muốn có con: tha hồ. Tại Việt Nam, cá nhân muốn sống tự lập, muốn có việc làm, muốn đi chơi, giải trí, muốn yêu và muốn được yêu với ngườI khác phái, cốt yếu là “ sống thử “ để biết, để thực sự ngườI bạn trai hay ngườI bạn gái có thong cảm có hiểu nhau không. Nếu hai đối tượng ra chiều hiểu nhau, lúc đó làm đám cưới; nếu không, nếu hai đối tượng đồng sàng dị mộng thì đường ai nấy đi, không thắc mắc, chẳng bận lòng, mặc dù đã có  ăn ở...hơn một lần! Nếu không may có bầu thì phá thai, nạo thai. Nếu hai đối tượng thật sự muốn có một tí nhau, sẽ nuôi cho vui cửa vui nhà. Sống thử, âu cũng là một mớ kinh nghiệm thâu nhặt dược, rồi ra, tiếp tục sống thử một lần khác, nếu không may sống thử một lần thứ ba, một lần thứ tư thì hóa ra một kẻ “sống thử thập thành”, một mụ tú bà lão luyện. Như ông Khoa, một người đàn ông sông xa gia đình đã sống thử với cô Sương cũng sống xa gia đình, hai người đã ăn ở với nhau như thể vợ chồng không chút gượng gạo ngượng ngùng. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng (monogamie) coi như không biết, không có. Nói cho cùng, “sống thử “là một sự mới bắt đầu, không biết khi nào, lúc nào, năm nào mới thực sự chấm dứt và bắt đầu trở lại “sống thiệt “ và cũng nói cho cùng cuộc đời thực ra chẳng có gì là nghiêm túc. Đời là một cuộc chơi.

                                Sống thử.

  

                         Xã hội nhiều người muốn sống thử

                         Bon chen cuộc sống nhiều tâm sự.

                         Khi vui chim ở, chán chim bay,

                         Lúc chửa rủi ro, buồn ở cữ.

                         Dị mộng đồng sàng, bỏ cuộc chơi,

                         Mồm loa mép dãi, khoa ngôn ngữ.

                         Phu tùy phụ xướng cũng tùy người.

                         Chật vật song ngày đêm mệt lử.

        Có khi nào tôi được nghe động từ “chết thử “?, một động từ chỉ mới nghe qua, tôi đã có ý nghĩ lạ lùng , quái đản, bất thường nếu không muốn nói lập dị nếu không muốn nói bệnh hoạn. Nhưng tôi đã nghe tận tai qua điện thoại từ một người “Em muốn chết thử “.

      “Em” là một nhân vật nữ, một cựu nữ sinh. Sau năm 75, người nữ ấy di tản theo gia đình, định cư sang Mỹ. Được ba mươi tuổi, người ấy lập gia đình. Qua câu chuyện hàn huyên tâm sự, tôi được biết cuộc sống gia đình không có hạnh phúc. Riêng ngườI ấy trong cuộc sống áo cơm khỏi phải lo toan mưu tìm sinh kế nên có khá nhiều thì giờ rảnh rang, hết theo học lớp này đến theo học lớp khác. Nhiều lúc nhàn hạ, người ấy không biết làm chi để giết thì giờ. Tôi cũng xin nói thêm, người ấy chưa có mụn con nào cả. Suy nghĩ vẩn vơ đâm sinh nhàn cư vi bất thiện. Thỉnh thoảng, tôi gọi điện thoại người ấy, nói chuyện văn chương văn thơ văn học ra chiều tâm đắc. Rồi một hôm tôi gọi điện thoại người ấy nhưng không có ai trả lời, mối liên lạc giữa hai chúng tôi coi như cắt đứt gián đoạn.

       Không lâu sau đó, người ấy điện thoại cho tôi, cho biết người ấy từ bệnh cấp cứu về nhà đã độ tuần, sức khỏe đã bình phục trở lại. Trò chuyện hồi lâu, người ấy cho biết:

-           Em đã uống thuốc ngủ, bị lạm dụng,  suýt bất tỉnh, phải bấm 911  xe cấp cứu tại bệnh viện, lúc đó em mê man không còn biết trờI đất gì nữa. Lúc tới bệnh viện, các chuyên viên cho em bị lạm dụng thuốc, nên cho y tá súc dạ dày. Em nôn thốc nôn tháo, nhờ vậy là em lai tỉnh.

                   Tôi hỏi người học trò cũ, ngạc nhiên bởi hành vi thái độ khá kỳ quặc của người vừa đang trao đổi câu chuyện:

-           Tại sao em đủ can đảm để uống thuốc ngủ quá liều lượng như thế? Em không sợ chết sao?

-           Em hiểu, em biết thế nào là cái chết chứ. Thú thật với thầy những lúc gần đây, em thấy chán đời, chán cuộc sống, em chỉ muốn tự tử, em chỉ muốn chết. Nhưng em không chấp nhận tự tử bằng súng, anh Dũng, ông xã của em có mua có giấu khẩu súng trong ngăn tủ, khóa an toàn nên em không biết cách sử dụng. Vả lại tự tử bằng súng thì em sợ lắm, hổng dám đâu nên em quyết định đi tìm cái chết bằng lọ thuốc ngủ quá liều lượng nhưng được cái là ra đi an toàn hơn. May mà cái chết của em chưa tới nên có người giải cứu kịp thời: em biết thế nào là chết thử. Chồng em, anh Dũng đã khóa khẩu súng cẩn thận vào hộc tủ. Từ nay em sẽ không chơi trò chết thử nữa đâu.

Một năm sau. Vợ chồng sinh được một con, một cái hĩm, đặt tên là Mimosa. Vẫn không được hạnh phúc, người học trò cũ quyết định ly dị người chồng mặc dù người ấy biết rõ người chồng vẫn còn yêu tha thiết,” Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.” Lẽ dĩ nhiên người nữ cựu môn sinh lấy chồng khác, có được một con, không rõ thằng cu hay cái hĩm.

 

               Chết thử.

 

    Thế thái nhân tình coi chết thử.

    Mê man lạm dụng rên ư hử.

    Buồn tình khoác lác tán ngoa ngôn,

    Hốt hoảng than van kêu vọng ngữ.

    Kể lể sự tình chuyện dở dang,

    Đơn thân một bóng dòng tâm sự.

    Xem ra chết thử đủ vui rồi.

    Sống thử ngày sau lại chết thử./.

 

Võ Doãn Nhẫn

      

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.