Mar 28, 2024

Tùy bút - Bút ký

Tình Cốt Nhục.
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 05:58:39 PM, Jan 02, 2010 * Số lần xem: 2100
Hình ảnh
#1



Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy. (Ca dao)


Nghị với tôi là đôi bạn nối khố, kết thân từ ngày còn nhỏ cắp sách đến trường. Hai chúng tôi có bà con xa, gia đình chú thím Bảy ba má của Nghị nói thế, nhưng bà con xa là bà con như thế nào, gia đình chú thím Bảy không giải thích, Nghị và tôi không biết, chỉ nghe chú thím Bảy nói Nghị là vai anh của tôi. Nghị làm vai anh, tôi vai em, cũng đâu có sao! Chỉ có điều khi tôi có gia đình, Nghị đổi cung cách xưng hô, kêu vợ tôi bằng chị Mười không còn kêu bằng cô nữa. Riêng đối với Nghị, những học trò ngày trước đồng trang lứa đa số đều kêu bằng “ thằng “, tiêu biểu nhất là Võ đình Tiên ở làng Xuân Lạc: thằng Võ đình Tiên, Riêng Trần văn Lưu, một học sinh ở Phú Vinh thì học trò nào cũng “ thằng “ tất: thằng Ngô, thằng Nghị, thằng Nhẫn, thằng Thọ, thằng Phán. Tôi không biết tên nào nếu còn hít thở khí trời năm nay ngoài sáu bảy chục tuổi, vẫn được Trần văn Lưu gán cho hỗn danh “ thằng “ nữa không.
Gia đình chú thím Bảy sinh được tất cả bảy người con, bốn gái, chỉ có một độc nhất con trai là Nghị. Bốn người con gái tên là Nhung, Nhiều, Luận, và một người con gái chết sớm tên là Tám. Như thế, kẻ nối dõi tông đường trông nom mồ mả ông bà cha mẹ là Nghị. Người thứ hai không được nói đến nhắc đến, không biết người ấy trai hay gái, có lẽ cũng chết rất sớm. Nhung là con gái thứ ba, Nhiều con gái thứ tư, Luận con gái thứ năm, Nghị, con trai thứ sáu, sau này lớn lên Nghị thường được các cháu kêu là ông Sáu.
Chị Nhung lập gia đình tương đối sớm. chồng chị Nhung trẻ tuổi, ngoại hình nom có vẻ hào hoa phong nhã, cặp long mày sắc và đen, làm công chức tại Sở Thuốc, ngày ngày đạp xe đờ mi cuốc màu đỏ đi đi về về mỗi ngày bốn lượt. Chị Nhung xem ra cũng hãnh diện về người chồng công chức, và Nghị cũng hãnh diện về ông anh rể. Nghị cho tôi biết họ tên ông anh rể là Đoan. Đoan còn một tên khác nữa là Nho. Từ trước tới giờ theo học từ tiểu học lên trung học rồi lên bậc đại học, tôi chỉ biết một tính từ độc nhất là tính từ “ hãnh diện”. Sau năm 75, tôi mới phát hiện ra rằng ngoài tính từ “ hãnh diện “, tôi còn học được thêm một tính từ mới, tính từ “ tự hào”. Đoan quê hương gốc gác ở làng Trường Lạc thuộc huyện Diên Khánh, một địa điểm nổi tiếng cơ sở nằm vùng của Việt Cộng. Theo sự hiểu biết còn ngây ngô non dại của một thằng bé tuổi mớI lên muời , tôi nghĩ cuộc sống lứa đôi của chị Nhung anh Đoan chắc hẳn được mặn nồng hạnh phúc. Sau ngày cưới, tôi thấy chị Nhung có vẻ tươi cuời hơn, vui vẻ hơn trước. Chị chăm sóc vào việc điểm trang hơn, thỉnh thoảng tôi thấy chị chịu khó nhai bỏm bẻm miếng trầu cây đỏ môi cắn chỉ. Đôi khi ông anh rể cao hứng muốn giúp đỡ cậu em vợ bằng cách dùng kéo cắt giấy màu rồi dán giấy thủ công chẳng hạn câu cách ngôn “ Tiên học lễ, hậu học văn,” “ Không thầy đố mầy làm nên,” “ Nước chảy đá mòn.”
Nhưng những ngày vui bao giờ cũng qua mau, hạnh phúc lúc nào cũng phù du ngắn ngủi. Sau khi chị Nhung sinh hạ được một cháu bé gái đầu lòng tên Bạc, người chồng bắt đầu sinh mối bất hòa, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, lời qua tiếng lại tiếng bấc tiếng chì, rốt cục tới hồi tan vỡ, anh đi đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Cuộc đời đen bạc, phút chốc đổi trắng thay đen.
Về sau, chúng tôi không còn nghe tin tức tăm hơi người đàn ông bội bạc mèo mả gà đồng ấy nữa. Chị Nhung chắp nối cùng một người đàn ông khác, cao lớn vạm vỡ lớn tuổi hơn, tôi nghĩ có lẽ người đàn ông ấy đã có vợ khác, Tuy vậy người đàn ông ấy cũng biết lễ nghi tôn ti trật tự. Một hôm, theo lời dặn dò truyền dạy ông cha chồng tức chú Bảy, anh Ba vâng lời tới nhà cha mẹ chúng tôi khoác áo dài đen mặc quần trắng trải chiếu thắp hương sì sụp lạy trước bàn thờ ông bà gọi là xin trình diện được ra mắt được giới thiệu với những người đã khuất.
Mãi tới lúc cùng gia đình qua Mỹ định cư lập nghiệp, Nghị cho tôi biết người chồng trước của chị Nhung tức Đoan tức Nho hiện giờ đã chết, tôi không nhớ rõ ngày tháng năm.
Giờ đây tới lượt chị Nhiều, người con thứ tư của chú thím Bảy kế tiếp chị Nhung, Nghị kêu bằng chị Tư. Chị Nhiều được chú thím Bảy cho đi học từ lớp sơ cấp đến hết bậc tiểu học. Ở bậc này, chị Nhiều cố gắng theo đuổi việc học đến lớp Nhứt. Cuối năm lớp Nhứt, cả lớp lo sắp xếp thi bằng tốt nghiệp Tiểu học tức bằng cấp Primaire. Vào kỳ thi này, không may chị Nhiều trượt vỏ chuối, chú thím Bảy buộc ở nhà không cho học nữa. Chú thím bảo:
- Học như vậy đủ rồi, ở nhà giúp cha giúp mẹ.
Vào năm 1945, phong trào Việt Nam dấy động, Nhật đầu hàng, Việt Minh nổi lên cướp chính quyền từ chế độ thực dân Pháp. Chị Nhiều ở nhà không biết phải làm gì, chỉ nghe và...ngóng. Các trường các lớp đều đóng cửa đều nghỉ học, phong trào thiếu nhi nổi lên như nấm sau cơn hạn hán. Cũng như tôi, Nghị hăng say hát bài hát “ Xếp bút nghiên”: việc dạy dỗ từ nay xin nghỉ, phải lên đường thôi.

“ Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu . Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân, sơn hà xao xuyến tiến ta tiến. Một lòng yêu non sông, vì dân ta liều thân, thấy đoàn ta tiến tới nước non chào mời...” Giờ đây đã ngoài bảy mươi, mỗi khi gợi lại những lời ca tiếng hát của kỷ niệm xa xưa ngày ấy là mỗi lần trong tôi bừng lên một sức sống mới hăng hái nhiệt tình, thật giống đàn cừu ngô nghê ngu ngốc ngây thơ của Pantagruel, Les Moutons de Panurge, rất giống những bài hát thanh thiếu niên từ độ ấy như bài Lên đàng của Lưu hữu Phước, Chiến sĩ anh hùng của Văn Cao, Bắc Nam Trung, không nhớ họ và tên của nhạc phẩm, Việt Nam minh châu trời Đông, cũng chẳng biết ai là tác giả. Tôi còn nhớ vào năm học lớp Nhứt C, thầy Ngụy như Bàng có đề nghị giới thiệu một số bài hát để cả lớp hát một bài hát được xem là truyền thống. Trong lớp có học sinh Lê Quang Khanh đề nghị giới thiệu bài hát “ Việt Nam minh châu trời Đông.” Vào lúc ấy, tên học trò lớp Nhứt là tôi chẳng biết gì về VNMCTĐ cả, thầy Bàng...nghe qua rồi bỏ ngoài tai, thầy chỉ cho cả lớp hát và học thuộc lòng bài hát rất ư cổ điển, chẳng một chút nào gây được trong tôi một cảm hứng, ấy là bài hát “ Nguyễn Trãi” đã ngoài nửa thế kỷ tôi vẫn còn nhớ.

Đến khi quân đội Pháp tấn công tái chiếm Nha Trang tàu thủy ngoài biển nã đại bác vô thị xã thì bộ đội Việt Minh không địch nổi bèn ra lệnh tản cư. Mặt trận Nha Trang bị vỡ. Dân chúng lóp ngóp di tản, kéo nhau về những làng mạc thôn quê. Chị Nhiều cũng đi theo đoàn quân kháng chiến trường kỳ, được sung vào đội Thiếu niên xung phong. Chị xung phong làm việc, bất cứ công tác gì, tá túc tại huyện lỵ Diên Khánh, bởi vào lúc này mặt trận gần thị xã Nha Trang đã bị vỡ, mặt trận Chợ Mới kế tiếp cũng bị vỡ theo, chỉ còn mặt trận hiểm yếu là Phú Vinh. Lần lượt Phú Vinh cũng bị quân Pháp chiếm, chỉ còn mặt trận độc nhất là huyện lỵ Diên Khánh. Cuối cùng mặt trận Diên Khánh là Thành cũng tan vỡ, dân tản cư lục tục lũ lượt về nhà, lẽ tự nhiên bốn người trong gia đình tôi cũng lặng lẽ...hồi cư không kèn không trống. Lúc này gia đình chú thím Bảy đếm được tất cả bảy thành viên: chị Nhung, không còn chị Nhiều, chị Luận, Nghị, con Tám, về sau Tám chết sớm không rõ nguyên nhân.

Về sau, gia đình chú thím Bảy biết được tin tức về chị Nhiều, chị đã lặn lội băng rừng vượt suối ra tận lãnh địa gọi là “ vùng thoát ly “ thuộc lãnh địa Bình Định, Phú Yên, nơi đó thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh. Mấy tỉnh Nam Nghĩa Bình Phú bốn tỉnh Quảng Nam Quảng Ngãi Bình Định Phú Yên đều thuộc quyền ngự trị của chế độ kháng chiến. Chị Nhiều nằm trong vùng tự do ấy, rồi chị lập gia đình lấy chồng, gốc dân Khánh Hòa, anh Huynh. Về sau, vợ anh Huynh cho Nghị biết anh Huynh đã một đời vợ, không may vợ mất sớm vợ chồng có được một gái đầu lòng. Đầu năm 1950-51, chính quyền cách mạng đề nghị chị Nhiều kết nạp đảng Lao Động nhưng chị khéo léo từ chối, mà đảng cũng không ép. Sau năm 1954, Việt Nam ký hiệp ước đình chiến, lấy vĩ tuyến mười bảy tức sông Bến Hải làm phân ranh địa giới. Vợ chồng anh Huynh chị Nhiều nhận mật lệnh đảng Lao Động vô miền Nam Việt Nam cài người và vận động tuyên truyền trong tập thể quần chúng.

Chị Nhiều về lại cố hương sau gần mười năm xa cách, tay bồng một cháu bé gái với thái độ e dè ngần ngại, chị sợ công an mật thám hạch sách cật vấn người lạ mới về từ khu kháng chiến. Anh Huynh chồng chị Nhiều tuy về lại Nha Trang nhưng lại sợ công an làm khó dễ, anh ấy để vợ ở lại Chợ Mới để dò la sự cố tình hình ra làm sao, nếu vô sự thì mai mốt anh sẽ về Chợ Mới, nếu tình hình nửa đậu nửa xôi, tốt hơn anh nán ở lại chờ thời cơ thuận lợi. Anh Huynh và chị Nhiều chẳng lạ lùng gì về cách xử trí thái độ hành vi của tập đoàn mật thám công an. Tôi nhớ ngày còn đi học vào bậc đại học, một đồng môn kể lại việc chính quyền “ cách mạng “ thực hiện chính sách hà khắc như thế nào. Người bạn kể lại chính sách thu thuế nông nghiệp của nhà nước. Sau vụ hè thu, chính quyền “cách mạng” địa phương lo việc thu thuế, các chủ hộ nếu không có phương tiện di chuyển lúa từ nhà đến trụ sở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì chịu khó mướn xa bò xe trâu chở lúa đến giao nộp. Việc giao nộp thuế má là một việc rất nhiêu khê phiền phức. Khi nhân viên cán bộ kiểm tra giao nộp lúa, nhân viên phải kiểm tra thật kỹ, thật nghiêm túc: xem sản phẩm nông nghiệp có thật khô ráo hay chưa. Nếu nhân viên kiểm tra cầm lấy hột lúa, đưa lên hàm răng cắn, nghe một cái “cóc”, lúc ấy sản phẩm được giao nộp được đạt tiêu chuẩn, được thu nhận vô nhà kho; nếu không, lúa má không đạt tiêu chuẩn, sản phẩm được hoàn trả đem về phơi khô đến lúc ...khô thật khô!.Nông dân dở khóc dở cười, luật là luật, không có ngoại lệ, không có châm chước, không có thông cảm. Khắc khổ nhịn ăn nhịn mặc là chủ đề đồng lao cộng khổ của nhân dân Việt Nam trong thời kháng chiến chống thực dân trước chống đế quốc sau. Một bữa cơm nom có vẻ ngon lành thịnh soạn phải được che đậy giấu diếm.Một đồng môn kể lại một gia đình muốn làm thịt một con gà trống vì quá thèm, lén cắt tiết, vặt lông, mổ bụng, đâu đó làm sạch xong xuôi sắp nấu cà ri rô ti gỏi gà xé phay cho vô rổ đậy cẩn thận đặt trên chạn chén bát, không ngờ có kẻ báo cáo tai vách mạch rừng với trưởng ấp. Người trưởng ấp vội vàng rảo bước ba chân bốn cẳng tới nhà khổ chủ dò la, thăm dân cho biết sự tình sinh hoạt thể nao, thấy trong chiếc rổ trên chạn chén bát có một vật tưởng chừng...con vật bị giết chết vội mở ra coi.

- Ông bà ăn nhậu coi sang trọng quá!
Nói xong, trưởng ấp quày quả ra về, không nói một lời, nhưng im lặng là một báo hiệu đe dọa. Gia chủ thây kệ, mặc cho những lời đe dọa, đã muốn ăn, thèm ăn, nhịn ăn lâu ngày, cứ ăn cho thoả thích, hậu quả ra sao, cảnh cáo đe dọa thế nào, hạ hồi phân giải.

Vào đầu mỗi tháng, tất cả khu phố nhân dân họp định kỳ, thông tin, báo cáo, sinh hoạt linh tinh. Trong mục sinh hoạt, trưởng khu phố nói về những tệ nạn xã hội như nạn cờ bạc, rượu chè, cãi nhau , đánh nhau, tệ nạn dâm ô đồi trụy, rất may, không có ai hành lạc gái trai đĩ điếm; trưởng khu phố không quên nhắc tới kể lại sự cố ăn chơi nhậu nhẹt xẩy ra nơi một khu hộ. Trưởng khu phố cất tiếng đạo đức rằng thì là ăn nhậu say sưa như thế là lạc hậu, là chậm tiến, là hũ hóa, là... là... thiếu văn hóa, là thiếu nếp sống văn minh, phong kiến, tiểu tư sản.

Cử tọa buổi họp của khu phố bàn tán xầm xì, dáo dác nhìn quanh trước sau bên phải bên trái, tự hỏi muốn biết chánh phạm là ai, tôi hay là ông, bà hay là tôi? Không biết hư thực là ai. Cũng may là không ai bắt trộm con gà,lâu nay toàn bộ già trẻ lớn nhỏ đàn ông đàn bà nhịn ăn nhịn mặc tích cốc phòng cơ khi hữu sự. Đơn vị mỗi tổ gồm tất cả ba hộ tam tam, ba ba, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng theo dõi, cùng nghe ngóng, cùng báo cáo, cùng ăn ten nhưng người đã ngầm báo cáo gia đình đã ăn vụng thịt gà thì chánh phạm đã nghe, đã biết. Chánh phạm đã can đảm đưa tay phát biểu:

- Người đã giết một con gà và đã ăn thịt là tôi, bởi tôi nghĩ là đã quá lâu không ngửi được mùi thịt( cử tọa khúc khích cười) Vả lại lâu nay trong người tôi không được khỏe, ăn uống không biết ngon miệng nên tôi(lại cười)...
- Đồng chí biết đã làm gà giết gà để ăn, như thế là tự nguyện đã làm, như thế là một ưu điểm. Để khỏi mất thì giờ, yêu cầu đồng chí hãy làm một tờ kiểm điểm, nội dung bài kiểm điểm phải đầy đủ và nhất là phải thành khẩn khai báo, tuần sau đồng chí giao nộp tờ kiểm điểm cho tổ trưởng tổ dân phố. Thôi đồng chí về nghỉ.

Buổi họp tối lần lượt lục tục kéo nhau ra về, bàn tán rầm rì về chuyện ăn thịt gà vụng trộm lén lút. Một người thuật lại chuyện “ nuôi gà kháng chiến”: mỗi hộ trong gia đình buộc phải nuôi một con gà hoặc một con vịt, con ngan hay con ngỗng tùy thích. Mỗi ngày phải lấy một nắm lúa hay nắm gạo trong lu đem cho ăn, đến lúc lớn đem ra chợ bán. Bán xong, mua một con heo con về nhà nuôi, tương tự cô Pérette trong thơ ngụ ngôn La Fontaine. Nên nhớ, đất nước ta chưa thật sự giàu, hiện tình đất nước còn nhiều chật vật khó khăn, trước mắt học tập dành dụm tiết kiệm.

Từ năm 1957 về sau, gia đình chị Nhiều anh Huynh vào Sài Gòn tái định cư lập nghiệp mục đích tránh sự dòm ngó dò la theo dõi của tập đoàn công an mật thám “ngụy”, nhưng mục đích cốt lõi là tiếp tục hoạt động dân vận “ nằm vùng “cài người , chuẩn bị tổng tuyển cử hai miền Bắc và miền Nam Việt Nam vào năm 1957nhằm thống nhất cả nước. Vào Sài Gòn vợ chồng chị Nhiều anh Huynh tậu một gian nhà gỗ mái lợp tôn khá rộng tọa lạc tại đại lộ Chi Lăng Phú Nhuận. Cả vợ chồng đều làm việc tại Tổng Liên đoàn Lao Công Việt Nam ở đường Lê văn Duyệt, người chồng làm quản lý của Tổng Liên đoàn, người vợ làm thư ký cho văn phòng. Hằng ngày người chồng chở vợ đi làm bằng xe Lambretta. Hiệp định Tổng tuyển cử dự định vào năm 1957 bị ông Ngô Đình Diệm coi như không có, khiến miền Bắc tức giận, khởi sự thôn tính miền Nam bằng bạo lực. Nghị tiếp tục vô Sài Gòn học ban Tú Tài toàn phần, nhờ vợ chồng chị Nhiều anh Huynh đài thọ việc ăn học, Nghị cũng tá túc tại đại lộ Chi Lăng Phú Nhuận.

Cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã sáng tác khá nhiều nhạc phẩm có giá trị như “ Thanh Bình ca”, “ Về đây anh,” “ Anh cho em mùa xuân,” “Hoa bướm ngày xưa”( thơ của Thanh Nam) và đặc biệt là nhạc phẩm “ Tìm đâu”. Tìm đâu? Ai tìm? Tìm những gì? Tìm đâu bàn tay che mái tóc huyền rung tơ mềm. Tìm đâu muôn mầu hoa nắng lung linh vương chân êm. Ở đây chỉ có sự vật nhưng sự vật đã được nhân hóa, biến đổi “ bàn tay che mái tóc huyền “ thành một thiếu nữ yêu kiều tha thướt. Hình ảnh quá khứ không còn, nhưng hoài niệm quá khứ vẫn còn, phảng phất mùi hương xuân sắc, “ tìm lại thời gian đã mất, A la recherche du temps perdu”.

Nhưng Nghị không phải chỉ mơ mộng, không phải chỉ bằng lòng sống bằng quá khứ,”tìm lại bàn tay che mái tóc huyền, tìm lại muôn màu hoa nắng lung linh”. Nghị không những sống lại qua hình ảnh:tìm lúc chiều về tiếng hát buông lơi, tìm về tiếng sáo chơi vơi, thời gian vẫn lạnh lùng trôi.
Nghị tìm lại thanh âm của dư âm tiếng hát và thanh âm của dư âm tiếng sáo. Ngồi một mình đơn độc bên cạnh cốc cà phê hòa tan buổi sáng trong lúc cả nhà còn yên giấc, Nghị thả hồn về một hoài niệm trong khung cảnh “ Hoa bướm ngày xưa. “ “ Hồn bướm hoa xưa còn đâu? Vườn cũ quê nhà yêu dấu.” Phải, “ hồn bướm hoa xưa” giờ đây không còn nữa, vườn xưa quê cũ giờ này chỉ còn vườn cây cỏ dại hoang tàn ngập lối đi, vườn cũ quê nhà chỉ còn những kỷ niệm xa xưa nhạt nhòa hương sắc, Nghị thẫn thờ.

Kể từ lúc chị Nhiều mang thai, chị về nhà ở Nha trang dưỡng thai, mang tâm trạng một hoặc nhiều hơn nỗi bất hòa rõ nét. Những tưởng người chồng ăn ở trung thành chính trực, đường ăn nếp ở trước sau như một hóa ra là một đức lang quân có tính bẩm sinh trăng hoa liễu ngõ hoa tường chung chạ cùng kẻ ăn người ở trong nhà. Người giúp việc nhà là một người con gái chưa lập gia thất, tên Bàng đã cùng anh Huynh chung chạ xác thịt giao tiếp không phải chỉ một lần vụng trộm lén lút, đúng như lời nói không có gì quý hơn tự do độc lập. Nhà vắng, chỉ có hai người tha hồ trao đổi giao hoan nhục dục, “thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ” điều dạy của Khổng Khâu còn lâu! Khi biết người chồng giở thói trăng hoa vụng trộm, chị Nhiều cả giận chì chiết, chị càng giận khi chị vở lẽ ra người đàn bà thuê giúp việc đã có mang nên anh Huynh buộc phải cho nghỉ việc, thuê một người đàn bà khác, chị Tám, thay thế. Chị Tám phải lo cáng đáng đảm đương quán xuyến mọi việc, từ việc đi chợ, nấu ăn, quét dọn, giặt giũ, tắm rửa mấy đứa con, nhất nhất chỉ một tay của chị Tám, tuy công việc tất bật như vậy, chị Tám lúc nào cũng vui vẻ chuyện trò. Vụa giận vừa tức vừa ghen, chị Nhiều bỏ về lại Nha trang tá túc nhà bà mẹ chờ ngày sinh nở. Nói nào ngay, mặc dù ...bà Bàng đã mang bầu, bà vẫn được cưu mang dấu diếm kỹ lưởng cẩn thận, cấp dưỡng tương đối tươm tất tử tế chờ ngày khai hoa nở nhụy. Bà Bàng sinh nở vào lúc nào ngày nào tháng nào năm nào, thật sự chị Nhiều không am tường chẳng thèm nghe chẳng thèm biết, chỉ biết bà Bàng sinh hạ được một đứa con trai, làm khai sinh lấy họ tên mẹ và được đặt cho một tên nghe rất đỗi lạ lùng, không biết vì cố ý hay vì ngẫu nhiên tình cờ mà tên của đứa con là Phương. Về sau, chị Nhiều cay đắng mách lại cho Nghị biết là Phương đã có cùng một tên( Phương) với thân sinh anh Huynh, tức là ông nội không chính thức của đứa con ấy. Thật đáng kiếp! Chị Nhiều nói. Riêng tôi, tôi thiết nghĩ, xét về mặt tâm lý, việc đặt tên cho một đứa con, kết quả của một mối tình vụng trộm lén lút sau những hoan lạc ái ân chăn gối không phải là không có nguyên ủy sâu xa, tương tự việc hồi tưởng lại những lạc thú nhục dục với nghị Hách lúc thị Mịch bị cưỡng hiếp đã có chửa.
Lúc này Nghị phải khoác áo mưa đội mưa đội gió để tiếp tục đi học. Trời lúc này đã bước sang đông, thời tiết khá lạnh, cảnh cũng như người thê lương ảm đạm.

Rụng lá chiều đông cây khẳng khiu.
Không gian dáng dấp sắc tiêu điều.
Lá vàng rải rác mây lơ lửng,
Liễu úa bên đường gió hắt hiu.
Ô thước về đâu bay gấp gấp,
Ngô đồng xơ xác đứng đìu hiu.
Năm cùng tháng tận đông già nửa.
Ngơ ngác bên đường khách quạnh hiu.

Cuối niên học, Nghị được may mắn thi đỗ kỳ thi tú tài toàn phần. Chị Nhiều lúc này đã vô lại Sài Gòn, nghe tin đứa em trai thi đậu, chị thưởng Nghị mười đồng bạc. Nghị vui vẻ nhận. Riêng anh Huynh có vẻ nhỏ nhẹ than thở vì phần thưởng quá khiêm tốn xoàng xỉnh. Anh Huynh hứa sẽ tặng một chiếc quần tây dài tên vải Dacron màu nâu nhạt. Một lần nữa, Nghị cám ơn chị Nhiều anh Huynh. Nghị vốn biết chị Nhiều quá sòng phẳng dè xẻn vấn đề của cải tiền bạc, không bao giờ chị dám hoang phí tiêu pha vấn đề tài chính. Việc ấy cũng dễ hiểu bởi ngày trước gia đình chị đã từng chung đụng sống với chính quyền “ cách mạng.” Cần kiệm liêm chính là châm ngôn hàng đầu của tầng lớp cán bộ viên chức. Quần chúng nói chung nhân dân lao động nói riêng không có quyền không được quyền tư hữu. Ngày trước giai cấp phong kiến có quyền tư hữu, kỳ thực quyền tư hữu có nhà có ruộng có vườn của giai cấp phong kiến đã có từ đời thuở nào, bị chiếm hữu bóc lột lâu nay rừ bao thế hệ. Nhà xã hội học Pháp Saint Simon thuộc thế kỷ mười tám đã tuyên bố rằng “ tư hữu là ăn cắp”. Mặc dù vậy, quyền tư hữu là quyền bẩm sinh, tự nhiên mà có không cần phải dạy bảo khuyến khích động viên cho ai, nên sau 1975, quyền tư hữu nói cho đúng quyền chiếm hữu được sinh sôi phát triển một cách thần tốc mau lẹ chớp nhoáng không ngờ không thể so sánh kịp. Giành dân chiếm đất vốn là nghề của cán bộ gộc. Trước, xưa, “ sông kia rày đã lên đồng, chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”, thì nay, chỗ này , bây giờ(hic et nunc, ici et maintenant). “Ao kia rày đã lấp đầy, chỗ làm cao ốc, chỗ xây lầu hồng.” Xin nói rõ:”lầu hồng” là nơi các tiểu thư con quan ở, còn lầu hồng cũng là nơi gái làng chơi ...sinh hoạt. Khi nghe danh gái làng chơi nức tiếng Thúy Kiều, họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông muốn biết gái lão luyện:

“ Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cũng liếc hai lòng cũng ưa.”

Nghị quên béng một kỷ niệm: lúc còn đi học tại trường trung học di cư Chu văn An, vào mỗi sáng trước buổi học, người giúp việc chị Tám trao một đồng bạc do chị Nhiều dưa để chị ra ngoài đường mua một khúc bánh mì nhận thịt nguội thêm nước mắm hoặc nước xì dầu về trao cho tôi gọi là điểm tâm buổi sáng, ngoài bữa ăn lót dạ, không còn món ăn chơi nào khác, suốt đầu năm học tới kỳ thi, việc ăn uống có phần kham khổ nên suốt năm học, thân hình của Nghị bị suy dinh dưỡng, sức khỏe gầy gò ốm yếu, cha mẹ gởi con đi học xa nhà nương cậy anh chị là quý.

Từ dạo ấy, từ khi anh Huynh có con riêng bất hợp pháp, vợ chồng anh Huynh chị Nhiều không còn tiếp tục ngủ chung nữa, việc chăn gối vì thế mà lạnh nhạt. Riêng người chồng thì lúc nào cũng sốt sắng cũng hăm hở riêng người vợ xét về mặt tình dục mang tâm trạng bị lãnh cảm, cám treo, heo nhịn đói.
Đôi lúc, anh Huynh lại lắng tai để ý nghe rađiô nói về dự luật cấm ly dị do bà Ngô đình Nhu dự thảo. Bà cố vấn những lúc gần đây toàn thể Quốc Hội lập hiến đều nể oai một phép, một điều “thưa bà cố vấn”, hai điều “ thưa bà cố vấn”.Chị Nhiều loáng thoáng nghe dự luật về việc cấm ly dị, điên tiết, chị nói:

- Dự luật cấm ly dị đó, ráng chổng tai lên mà nghe.
Người chồng tiếp tục chú ý lắng tai nghe, sự đay nghiến của vợ dường như không nghe không lọt vô tai người chồng.

Nghị chỉ biết chị Nhiều không vô đảng Lao Động Việt Nam tức đảng Cộng Sản trá hình sau năm 1975, tiêng anh Huynh thì vô đảng Lao Động từ lâu, trước khi anh được nhà cầm quyền “cách mạng” làm biện lý tòa án Nhân Dân tỉnh Bình Định. Sau năm 1954, khi trở về Nha Trang, cả vợ lẫn chồng không nói đến việc duy trì bảo tồn đường lối cương lĩnh của đảng nữa, giờ đây họ đang nói đến đảng Cần Lao Nhân Vị được kết nạp, đến phong trào Thanh Niên do ông Cao xuân Vỹ làm chủ tịch và phong trào thanh nữ, phong trào Phụ Nữ Liên Đới do bà Ngô Đình Nhu làm thủ lãnh. Riêng anh Huynh thì được gia nhập vào đảng Công Nông, tức lấy công nhân và nông dân làm nòng cốt và ông Trần Quốc Bửu làm chủ tịch. Tờ nhật báo Đồng Nai là tiếng nói chính thức của giai cấp công nông.Nghị và tôi, chúng tôi đều không biết chị Nhiều có gia nhập vào đảng Công công không, nhưng chị tham gia vô phong trào Liên đới Phụ Nữ là cái chắc, Chị lại thường xuyên tham gia vô dinh Độc Lập do bà Nhu tổ chức party khoản đãi( phục vụ thì chắc không, bởi những thành viên thanh nữ trong đoàn thể, trong dinh sẵn sàng phục vụ buổi dạ tiệc; bà cố vấn chỉ chủ tọa!)

Sau ba mươi tháng tư 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử. Ban đầu, vợ chồng chị Nhiều anh Huynh lộ vẻ lạc quan ...tếu, những tưởng tổ chức “nằm vùng” bấy lâu phải chịu ngủ yên giờ đây như con sư tử mùa xuân thức dậy. Gia đình chị Nhiều anh Huynh chờ đợi nghe ngóng. Nghe ngóng đợi chờ tức thì được đáp ứng: Ủy Ban Quân Quản thành phố sài Gòn ra lệnh tất cả sĩ quan thuộc chế độ cũ, tất cả đảng viên, công nhân cán bộ viên chức phải trình diện sớm sủa để được học tập...ngắn ngày, độ mươi ngày nửa tháng là cùng. Anh Huynh cũng hăng hái tuy không vui vẻ ra trình diện để được học tập cải tạo, để được về sớm. Quả thực anh Huynh chỉ mắc phải cái tội đã tham gia cái gọi là ngụy đảng, tức đảng cực kỳ phản động Công Nông, phải mau mau trình diện học tập cải tạo. Chị Nhiều ở nhà, lo mấy người con sớm vượt biên, bởi chị đã sớm “tỉnh ngộ” từ ngày người chồng đi học tập, nói cho đúng đi ở tù dài hạn. Học tập ngắn ngày đâu chẳng thấy, chỉ thấy mòn mỏi trông đợi ngày về sang ngóng chiều trông. Rốt cục, mấy người con ra đi được thuận buồm xuôi gió, trời êm bể lặng sau bao ngày gian nan thừa sống thiếu chết. Anh Huynh bị đày ra tận miền Bắc, tỉnh Vĩnh Phúc, miền trung du. Sau hơn một năm học tập, thân nhân vợ anh Huynh được phép đi thăm nuôi chồng ở tỉnh Vĩnh Phúc, chị Nhiều phải lo thu xếp cơm ăn cơm giở lặn lội ra tận vùng ma thiêng nước độc thăm tù. Chị thăm nuôi tù nhân chỉ một mình, không người con nào cùng đi, việc thăm nuôi cũng là một việc phiền toái rắc rối nhiêu khê rồi. Hành trình là một đoàn xe lửa dài ngòng ngoèo cong queo, chuyển bánh từ ga Sài Gòn nuốt trọn gần ba nghìn cây số. Chị Nhiều mua vé hạng ba, cùng chung với một số hành khách, hỏi thăm chị mới biết cùng một chuyến thăm nuôi những tù nhân, một chuyến đồng hành, trước lạ sau quen. Ngồi chen chúc lâu ngày đâm ra tù túng mỏi mệt đợi chờ trông mong sớm tới chỗ, bọn người gợi chuyện quên đi chờ đợi. Họ nói chuyện vu vơ, trên trời dưới đất, trên núi cao dưới biển sâu, từ cổ chí kim,không liên quan ăn nhập gì với nhân tình thế thái. Lúc đầu, nhóm công an đường sắt theo dõi cuộc mạn đàm trong chuyến hành trình, riết rồi cũng thua buồn không còn chú tâm, sinh ra ngủ gà ngủ gật chập chờn.Nghị vẫn nhớ loáng thoáng tiếng được tiếng mất một bài vè ca tụng giá trị “hết sẩy “ của đồng tiền, có tiền mua tiên cũng được.

“ Tiền là Tiên là Phật,
Là sức bật của con người,
Là nụ cười của trẻ thơ,
Là giấc mơ của thị dân,
Là cán cân công lý,
Ôi, tiền là...hết ý.”

Ròng rã hai ngày hai đêm, đoàn xe lửa ì à ì ạch đến ga Hàng Cỏ Hà Nội, thủ đô miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Vì đã nửa đêm nên chị Nhiều phải tạm nghỉ qua đêm trên một chiếc ghế bố, không mùng không mền, tới lúc nửa đêm trời trở lạnh rét cóng, chị Nhiều phải đắp trên một tấm chăn đơn đỡ rét. Tuy vậy chị không dám chợp mắt vì phải cảnh giác trông chừng đạo tặc.

Sáng ngày hôm sau, chị Nhiều cùng một người đàn bà khác thuê chung một chiếc xe đi lên tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Phúc. Người đàn bà cùng đi với một con gái chừng độ lên bốn, cùng với mẹ đi thăm cha học tập cải tạo. Người mẹ có bầu sau năm 75 từ ngày gẫy súng, người cha đi học tập không kịp thấy mặt con.
Tới tỉnh Vĩnh Phúc, tài xế không chịu tiếp tục đi xe nữa, nại cớ từ tỉnh lỵ tới trại học tập đã có xe, nhưng là xe trâu, phải thuê người lái, mất độ nửa ngày mới tới nơi.Chốn này không có bò, không hiểu tại sao chốn ấy không có bò, chỉ có trâu, vừa kéo cày, kéo bừa, vừa kéo xe, vừa khéo che đạp mía, lao động phổ thông, lâu lâu có trâu bệnh, trâu già, nông dân giết trâu làm thịt, rõ thật tội nghiệp đáng thương.Mà cũng lạ: con trâu có bộ mặt không bao giờ cười, không thấy trâu cười, không biết hăm dọa, không thấy nhe răng chuẩn bị cắn như chó theo cái, con bò dù bò đực dù bò cái không bao giờ cười trừ hộp tròn bán phó mát mang nhãn hiệu “la vache qui rit” “the laughing cow” con bò cười.

Sau hai năm học tập cải tạo ở trại tập trung, một số tù nhân được rải rác lục tục trở về nhà. Có thể có nhiều nguyên nhân riêng tư thầm kín. Có thể vì cải tạo viên đã học tập tốt có nhiều tiến bộ, học tập tốt, lao động tốt, đả thông đường lối chính sách của đảng của nhà nước của chính phủ của nhân dân của tập thể quần chúng. Có thể là có bà con anh em thân thích ruột thịt theo đảng, theo hoạt động kháng chiến chống Pháp chống Mỹ. Cũng có thể vì cải tạo viên chịu khó làm ăn ten cho cán bộ quản giáo, báo cáo mật để lấy điểm. Riêng anh Huynh được về nhà sau ba năm học tập có thể vì đã lỡ dại theo ngụy đảng Công Nông phản động có nợ máu với nhân dân, làm tình báo cho xịa tức CIA, mặc dù đảng Công Nông nhiều lần khẳng định xác quyết bảo vệ quyền lợi của tang lớp công nhân lao động và nhân dân chân lấm tay bùn. Nói chung không nhiều thì ít, bất cứ cải tạo viên nào một khi đã vô trại tập trung đều có nợ máu với nhân dân tất.
Sau khi người phối ngẫu của chị Nhiều được trả tự do về nhà, cảnh gia đình vẫn tiếp tục cơm không lành canh không ngọt. Một hôm, sau khi dùng cơm tối, Nghị mượn xe đạp đạp xe tới nhà thăm vợ chồng chị Nhiều anh Huynh, chủ ý muốn biết tình trạng của người anh rể có được khả quan không. Khi tới nhà, Nghị chỉ thấy chị Nhiều dùng cơm một mình, Nghị cất tiếng hỏi:

- Anh Bảy đâu, sao không thấy anh ấy ăn cơm?
- Mắc đang nghe ra đi ô.
- Anh ấy đang nghe đài gì và nghe được bao lâu rồi?
- Hình như nghe đài Tiếng Nói Huê Kỳ, được độ một tuần nay.
Được một lúc, chị Nhiều ăn cơm xong, bỏ lên lầu, anh Huynh lục tục xuống lầu, anh hỏi:
- Cậu Mười tới từ bao giờ vậy, cậu ăn cơm chưa?
- Dạ, em ăn rồi, sao anh không ăn cơm với chị nói chuyện cho vui?
- Anh đang nghe đài VOA theo dõi tin tức, ăn trước ăn sau gì cũng được.
Nghị kín đáo quan sát người anh rể: anh có vẻ già hơn ngày trước kể từ ngày anh được học tập cải tạo trở về, sức khỏe không còn được như trước, âu cũng là...căn bệnh của thời đại, sống sót trở về nhà là phúc, còn hơn chôn xác nơi ma thiêng nước độc. Nghe theo tin tức từ nước ngoài, anh cho biết tình trạng tù tội và ngày bị xử án của kẻ phản động dám cả gan tạo loan âm mưu lật đổ chính quyền Võ Đại Tôn. Võ Đại Tôn? Nghị dường như đã nghe hơn một lần Võ Đại Tôn. Võ Đại Tôn còn một tên khác nữa là Hoàng Phong Linh, bút hiệu của Võ Đại Tôn. Võ Đại Tôn có bà con ruột thịt anh em gì với Võ Đại Nhơn, sinh viên ban Triết học tại đại học sư phạm Đà Lạt? Nghị hỏi thăm tình trạng sức khỏe của ông anh rể:

- Dạo này sức khỏe của anh dạo này ra sao, có thường đau ốm gì không?
Người anh rể trả lời:
- Anh bị bệnh phì đại nở lớn nhiếp hộ tuyến đã mấy năm nay. Mỗi lần anh đi tiểu, phải mất thì giờ, đứng lâu mới tiểu được, nhưng tiểu thì không nhiều, tiểu được một ít thì hết nhưng anh có cảm tưởng nước tiểu vẫn còn trong bọng đái. Sau đó, anh lại phải mót tiểu, muốn đi tiểu một lần nữa. Một đêm, anh phải thức giấc, đi tiểu những bốn hoặc năm lần.

Nghị từ giã Sài Gòn, về lại Nha Trang thành phố biển, cho tới một hôm ...
Hôm ấy là ngày mùng hai Tết, Chị Nhiều báo tin cả nhà hay anh Huynh phải vô bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, anh bị bể bong bóng đái vì nín tiểu quá lâu. Anh bị bệnh phì đại nhiếp hộ tuyến đã mấy năm nay rồi khiến bong bóng đái ngày càng nhỏ dung tích không đủ sức chứa tối thiểu nước tiểu và hậu quả là bong bóng bị vỡ. Phương pháp chữa trị bằng cách đặt một ống nhựa từ dương vật chảy xuống một bình, nước tiểu sẽ từ đó ri rỉ chảy xuống bình tới lúc đầy, lúc đó sẽ rút ông nhựa ra, đổ bình nước tiểu, xong rồi sẽ bắt ống nhựa khác. Điều bất tiện là từ nay nước tiểu được bài tiết sẽ không còn tự ý nữa, sẽ bài tiết một cách tự động máy móc, tự động từ quản cầu Malpighi mà chảy thoát xuống bình. Từ đó về sau, mỗi khi ở nhà hay muốn đi đâu, Anh Huynh lúc nào cũng phải bận quần dài, mang kè kè ở thắt lưng bình nhựa đựng nước tiểu, nom thật chẳng thoải mái tiện lợi chút nào, triệu chứng tình trạng sa sút sức khỏe.

Chị Nhiều tâm sự với Nghị rằng một đêm nọ người chồng mò sang giường bên cạnh nằm ôm chị, những tưởng tái diễn nhu cầu ái ân chăn gối bị bỏ quên từ bao nhiêu năm phải chịu học tập cải tạo, nhưng người vợ quyết liệt phản đối cương quyết không khứng chịu; chị ngồi dậy đứng lên, bỏ ra ngoài giường ở nơi phòng ngủ khác, rốt cục anh lủi thủi trở về giường cũ.
Nghị có hỏi anh Huynh chuyện đoàn tụ gia đình ra nước ngoài định cư bấy lâu xúc tiến ra sao, có hi vọng chi không, anh ấy nói:
- Chuyện gia đình đoàn tụ đã có hai đứa con trai lo, anh không đi nên không biết.
- Vậy chớ anh đi theo diện nào? Ai bảo lãnh cho anh?
- Anh đi một mình, chính phủ Mỹ bảo lãnh cho anh.
Chính phủ Mỹ sẽ bảo lãnh? Nhân viên của cơ quan tình báo Trung Ương CIA? Nhân viên của MACV? Nhân viên của hãng RMK? Nghị lắng tai nghe, tâm trí bụng dạ đầy nghi hoặc hoang đường, như Nghị không đủ can đảm hỏi tiếp anh ấy.Kịp đến năm 1990, gia đình chị Nhiều gồm tất cả hai vợ chồng và một cô con gái út được đi qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Riêng anh Huynh cũng được đi theo, không rõ theo diện nào, thôi, miễn được cùng đi đã là tốt rồi.
Năm 1990 Anh Huynh chị Nhiều có ba người con, hai trai một gái vượt biên đi thoát, hai trai hiện định cư tại Mỹ, gái định cư ở Úc. Tình trạng sức khỏe người chồng ngày một sa sút trầm trọng, di chứng của nhiếp hộ tuyến sau khi bị cắt bỏ. Nhận thấy anh Huynh không còn sống được bao nhiêu ngày trên đất tạm dung, không muốn phải gánh vác đảm đương chu toàn những bổn phận của một người luống tuổi bệnh tật không biết sống chết lúc nào ngày nào giờ nào, chị Nhiều vội vã bay qua nước Úc...chơi, trước tiên thăm con gái và con rể, nhưng mục đích cuối cùng là phủi bỏ trách nhiệm làm vợ, giao toàn bộ bổn phận phải chu toàn cho cô con gái út, nói theo ngôn ngữ bình dân ít học là “bán cái” cho con gái...rượu. Con gái “rượu “ của ba phải lãnh đủ, phải làm tất cả những việc mà con gái “ rượu”thật tình không muốn cáng đáng đảm đương, từ việc tắm gội vệ sinh cá nhân, việc giặt giũ áo quần nhơ nhớp thu dọn mền gối tới việc ăn uống, phải cho ăn những thực đơn gì và những thực đơn không được cho ăn, nói tóm, con gái “ rượu “ trở thành một nữ y tá kiêm nhiệm tất cả.

Một đêm mùa hè, Nghị thuật chuyện kể lại, Hiếu em trai của chị Nhiều gọi điện thoại cho Nghị biết anh Huynh đã mất tại nhà ở Mỹ. Nghị hỏi ngay đã gọi điện thoại cho mẹ đang ở Úc hay tin cha mất chưa, anh Hiếu đã báo tin cho mẹ biết rồi, mẹ hỏi ba sẽ được hỏa táng hay được mai táng, được thiêu hay được đem chôn. Hiếu thuật lại tâm trí của mẹ lúc ba mất mẹ khá bình tĩnh, có lẽ mẹ biết trước lúc ba lâm chung. Nghị biết rõ khi người sắp bước vào ngày giờ cận tử cảm thấy cực kỳ cô đơn sống chỉ một mình không ai san sẻ không ai thay thế chết, Nghị hiểu rõ tại sao một người sắp chết như ông Bình, như ông Nghiên, bạn của Nghị,vì bệnh ung thư phổi bởi hút thuốc lá quá nhiều, đã phải chết một mình trong cô đơn trong tuyệt vọng hết đường chạy chữa.

Để chấm dứt bài viết của Nghị về tình anh em chị em tình cốt nhục, Nghị gợi lại một kỷ niệm cách nay dễ đã ngoài hai mươi năm giữa chị Nhiều và Nghị. Lúc ấy vào khoảng năm 1989, khi gia đình chị Nhiều sắp đi qua Mỹ kể cả anh Huynh. Trước khi từ giã đứa em trai, chị Nhiều muốn tặng muốn biếu Nghị một món quà làm vật lưu niệm. Nhưng vật lưu niệm là gì?- Một cây đờn măn-đô-lin đã cũ. Chị Nhiều chỉ biết chơi cây đàn măn-đô- lin ấy, chị thích nhất là nhạc bản Gấm Vàng của nhạc sĩ Dương Minh Ninh. Và Nghị đã vui vẻ chấp nhận cây đàn.
Không đầy một tuần , chị Nhiều hấp tấp vội vã xuống nhà ở của Nghị. Chị nói với Nghị chị muốn lấy lại cây đàn măn-đô-lin vì chị sợ rằng một khi qua Mỹ, tới vùng đất tạm dung này rồi, chị sẽ không còn một ai nữa để làm bầu bạn trừ cây đàn.
Lẽ dĩ nhiên Nghị bắt buộc phải trả lại cho chị Nhiều nhạc cụ ấy một cách...vui vẻ.

 Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Người ơi! Lý tưởng ta không gặp,
Đuổi tuổi Canh Dần vượt Hải Vân.

Mỗi khi chi tiêu mua sắm những gì, Nghị cho biết chị Nhiều đã so đo suy tính cân nhắc cẩn thận: đồng tiền liền khúc ruột. Nhưng khi biếu tặng Nghị cây đờn cũ kỹ măn- đô-lin làm kỷ niệm, có lẽ người chị luống tuổi đã quên không kịp suy nghĩ tính toán thiệt hơn./.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.