Apr 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

Vĩnh Biệt Việt Dzũng
Trần Vấn Lệ * đăng lúc 07:02:03 AM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 4464
Hình ảnh
#1

Nhiều người gọi Việt Dũng là Ca Nhac Sĩ Việt Dũng vì sinh thời Việt Dũng có tài ca hát và sáng tác nhạc. Gọi như thế là … hẹp đấy vì Việt Dũng còn làm nhiều việc trội hơn cả Ca Hát và sáng tác Nhạc. Việt Dũng nổi tiếng nhất là Hát (nhạc tranh đấu, nhạc chống Cộng), ai nghe Việt Dũng hát cũng thích, cũng nghe lòng sục sôi máu nóng, cũng muốn làm cái gì đó để vơi bớt oán hờn người Cộng Sản Việt Nam. Các nhạc phẩm mà Việt Dũng biên soạn, lời lẽ (người ta dùng chữ của Việt Cộng gọi là Ca Từ) rất hay, nhưng đích thân Việt Dũng trình diễn (chữ của Việt Cộng là Biểu Diễn) thì không Hay Lắm mà phải nhờ ca sĩ khác hát thì mới…đã! Chẳng hạn những bài này Chút Quà Cho Quê Hương, Nguyễn Thị Sài Gòn…

Nhạc của Việt Dũng giao cho Khánh Ly hay bất cứ ca sĩ nào hát thì ai cũng ngậm ngùi, cũng nghẹn ngào, cũng phẫn nộ Việt Cộng…Và người nổi tiếng nhờ những bài hát đó là các ca sĩ…đã hát nhạc của Việt Dũng! Người ta “để ý” Việt Dũng ở hình dạng, ở lối nói (khi Việt Dũng làm MC hay phát thanh). Việt Dũng có cái tính tốt ít ai có đó là khiêm tốn. Việt Dũng không tự ca mình, không quảng cáo cho mình dù Việt Dũng có nhiều phương tiện thông tin đại chúng (média) như đài Phát Thanh Radio Bolsa, đài Truyền Hình TV STBN. Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình hầu như đều thân thiết với Việt Dũng, không phải chỉ ở Nam California mà ở khắp nơi trên nước Mỹ, ở Canada, ở châu Úc và ở châu Âu. Việt Dũng dễ thương, biết kính trên nhường dưới, lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác nhất là trong ngành ca hát, âm nhạc, báo chí và thông tin đại chúng (tôi không dùng chữ Truyền Thông, có nghĩa là Thông Tin Tuyên Truyền khi mà cộng đồng người Việt mình chưa có một Chính Phủ Lưu Vong chính thức – những công việc Viết, In Báo, Phát Thanh, Truyền Hình nằm trong lãnh vực Média, tức Thông Tin Đại Chúng).

Việt Dũng là một người…không bình thường về nhân dạng. Anh phải dùng hai cây nạng chống vào hai nách để di chuyển vì anh bị bệnh bại liệt hồi nhỏ, hồi mới bảy tuổi. Việt Dũng ra đời bình thường, xinh xắn như mọi hài nhi. Thập niên 1960, ở Sài Gòn có phong trào y tế tiêm ngừa bại liệt cho trẻ con. Hầu như không có chuyện gì buồn phiền xảy ra, nhưng chỉ một mình Việt Dũng là bị - buồn thay người làm nên chuyện đó là Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, một Bác Sĩ có uy tín ở Sài Gòn hồi ấy, chính ông săn sóc cho đứa con yêu quý của mình, Nguyễn Ngọc Hùng Dũng…và ông bị phản ứng ngược! Việt Dũng bù lại là tình thương yêu chất ngất của Cha Mẹ, và Trời cũng cho thêm Việt Dũng nhiều tài: học giỏi, hát hay…và càng lớn càng phát triển nhiều tài năng Thiên Phú. Việt Dũng có đạo Thiên Chúa (trước 4 – 1975, ở Việt Nam có đạo Thiên Chúa và Tin Lành đều thờ Chúa, sau này (hay sau đó) mới phân biệt Công Giáo và Tin Lành. Tôi chưa hề nghe Việt Dũng hay gia đình Việt Dũng (qua Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, tôi có biết, có gặp) nói rằng nhờ ơn Chúa mà luôn luôn nói nhờ Trời. Điều này chứng tỏ gia đình Việt Dũng rất dân tộc, rất Việt Nam, rất kính ngưỡng Trời, giống như tất cả đồng bào mình dù họ theo Đạo gì cũng một lòng Thờ Trời, tin Trời. Chính điều này, qua cách sống và cư xử với mọi người, Việt Dũng lúc nào cũng gần gũi mọi người. Tôi chưa thấy ai ghét Việt Dũng hay căm thù Việt Dũng. Báo chí trong nước chưa thấy buông một lời nào coi rẻ Việt Dũng, mặc dù họ rất gờm Việt Dũng. Viêt Dũng đúng là người Việt anh dũng vậy!



Việt Dũng rời bỏ Đất Nước qua đường vượt biển trong năm 1975. Việt Dũng lúc đó mới mười bảy tuổi đầu, chưa tốt nghiệp Trung Học, thế mà tới Mỹ, Việt Dũng hội nhập được ngay nhờ óc thông minh và lòng yêu nước. Tiếc quá tôi không nghe ai gọi Việt Dũng là Thần Đồng, là Thiên Tài, người mình tiết kiệm những lời nói phải, nghĩ mà buồn sao! Trong khi đó, nhiều giáo sư Mỹ, cả chính phủ Mỹ rất coi trọng Việt Dũng, coi Việt Dũng như một Anh Hùng!

Tôi không thân thiết với Việt Dũng và gia đình Việt Dũng, dù quen biết gia đình này hồi ở Việt Nam, qua Bác Sĩ Hoàng Văn Đức Chỉ Huy Trưởng trường Quân Y Việt Nam Cộng Hòa và Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bảy làm việc trong Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Qua Mỹ, từ năm 1989, tôi chỉ nghe Bác Sĩ Hoàng Văn Đức ngợi khen Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bảy và riêng Việt Dũng thì ông khen hết lòng. Tôi có đôi ba lần chạm mặt Việt Dũng, mời cà phê, Việt Dũng cười, cảm ơn, mời ăn, Việt Dũng xin lỗi “em lỡ đi với bạn”. Việt Dũng không bao giờ rãnh rang, lạ thật và Việt Dũng càng ngày càng phát tướng “xinh giai”. Tiếc quá, Trời bắt Việt Dũng đi bằng hai cây nạng!

Viêt Dũng đã ra Người Thiên Cổ! Việt Dũng đã xong một kiếp người. Có báo đưa tin: Việt Dũng đã về với cát bụi. Nói cách nào thì Việt Dũng cũng không còn có mặt trên cõi đời này nữa. Việt Dũng về với cõi vĩnh hằng, Việt Dũng sẽ được chôn cất sau lễ Chúa Giáng Sinh 2013…

Tôi xin chép lại một bản tin bạn tôi gửi cho tôi trên internet nói về sự ra đi mãi mãi của Việt Dũng:

TIN ĐẶC BIỆT VỀ VIỆT DŨNG

Radio Bolsa loan báo ca nhạc sĩ Việt Dzũng đã vĩnh viễn từ giã bạn bè, "chiến hữu" và mọi người lúc 10.35 sáng thứ Sáu ngày 20 tháng 12 năm 2013 tại bệnh viện Fountain Valley, quận Cam, California về bệnh tim.



Theo Wikipedia Việt Dzũng tên thật là Nguyễn Ngọc Hùng Dzũng, sinh năm 1958 tại Sài Gòn, một thời học Trường Trung học Lasan Taberd nơi ông bắt đầu biểu hiện khiếu âm nhạc. Năm 1975 ông vượt biên tỵ nạn sang đến Singapore rồi sau sang Mỹ định cư, đến năm 1976 gia đình mới sang cùng đoàn tụ. Ngay những năm đầu tiên tại Mỹ ông đã sáng tác và thắng giải Iowa Grand Ole Opry. Năm 1985 ông cho ra băng nhạc tiếng Anh Children of the Ocean qua sự hợp tác với một số nhạc sĩ Mỹ.



Đối với tân nhạc Việt Nam ở hải ngoại, ông đã sáng tác một số bài nổi tiếng như "Một chút quà cho quê hương", "Lời kinh đêm", "Tình ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn". Album Một bông hồng cho người ngã ngựa sau khi ra mắt được đón nhận rất thành công. Ông hợp tác với ca sĩ Nguyệt Ánh một thời gian, đi lưu diễn nhiều nơi ở Mỹ, Úc, Nhật Bản, Âu châu hát lên những bản nhạc tranh đấu, chống Cộng, mở đường cho phong trào Hưng ca ở hải ngoại. Cũng vì việc đấu tranh chính trị mà cả hai bị nhà cầm quyền tuyên án tử hình khiếm diện ở Việt Nam. Việt Dzũng với bài "Một chút quà cho quê hương" cùng với Nam Lộc (tác giả bài "Sài Gòn vĩnh biệt") được nêu danh là một trong những tên tuổi chính của dòng nhạc Việt Nam hải ngoại.

Ngoài những bản nhạc gói ghém nỗi niềm ly hương và đấu tranh vốn là sở trường của Việt Dzũng, ông còn có những tác phẩm tình ca vui trẻ như "Tình như cây cà rem", "Có những cuộc tình không là trăm năm" hay uẩn ức như "Bên đời hiu quạnh". Tổng cộng ông đã viết hơn 450 bài, một số ra mắt trong hai tập nhạc Kinh Tỵ nạn và Lưu vong khúc. Năm 1990 Việt Dzũng lập hãng ra băng và đĩa nhạc mang tên Trung tâm Việt Productions.


Ngoài hoạt động âm nhạc, Việt Dzũng còn có chân trong văn học, chủ bút nguyệt san Nhân chứng ở California. Sau ông chuyển sang đóng góp cho đài phát thanh Little Saigon Radio bắt đầu từ năm 1993 làm phóng viên và xướng ngôn viên cho đài phát thanh tiếng Việt toàn phần đầu tiên ở miền nam California. Đến năm 1997 thì ông lập đài phát thanh riêng là Radio Bolsa.

Đối với các chương trình thâu hình thì Việt Dzũng cũng xuất hiện thường xuyên là MC của chương trình ca nhạc của Trung tâm Asia.

Dù ở lĩnh vực nào ông từng xuất hiện trong những cuộc vận động chống Cộng, đấu tranh cho nhân quyền trong nước, cùng những vận động cứu giúp thuyền nhân tỵ nạn. Năm 2010 ông được thượng nghị sĩ tiểu bang California Lou Correa trao giải "Community Heroes" vì 20 năm hoạt động đóng góp cho cộng đồng.


Tin bổ túc: Tin cho biết thêm Sáng 20/12/2013, Việt Dzũng ở nhà một mình, anh yêu cầu vợ anh đi làm trước và anh sẽ đến bệnh viện một mình vì có hẹn với bác sĩ vào lúc 10 giờ sáng nay. Đến lúc 9 giờ 44 phút sáng, anh đã tự gọi xe cấp cứu (emergency call). Khi xe cấp cứu đến nhà, thì Việt Dzũng đã gục ngã ngay tại cửa sau khi mở cửa. Nhóm cấp cứu đã cố sức cứu chữa nhưng không còn kịp nữa, Việt Dzũng đã vĩnh viễn ra đi.



*

Tôi qua Mỹ năm 1989, trước đó, trong nước, mở lén radio đài nuớc ngoài nghe tin thế giới và Việt Nam, tôi và nhiều người nghe nhiều bài hát của Việt Dũng. Hồi đó, ai cũng nghèo, ai cũng khổ, ai cũng thèm thuồng đủ thứ: Một chén cơm thôi, một manh áo thôi, một hộp sữa thôi…mà không sao có được. Ăn khoai ăn củ, áo quần rách bươm, nghe bài hát Chút Quà Cho Quê Hương, không ai cầm được nước mắt, Tôi còn nhớ mấy lời này:

Em gởi về cho anh, dăm bao thuốc lá, anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay, gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may, mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày, gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa, chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương, gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương, em bán cho đời tìm đường vượt biên, con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ, cha ru cuộc đời trong tử tù chung thân, gời về Việt Nam khúc hát ân cần, mơ ước yên lành trong giấc ngủ da vàng…..”

Viết tới đây, tự nhiên tôi thấy mình buồn quá. Tôi xin lỗi bạn đọc cho tôi ngừng bút. Tôi cầu chúc Viết Dũng sớm về cõi Chúa, êm ả và trong sạch.

Trần Vấn Lệ

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.