Apr 18, 2024

Tùy bút - Bút ký

Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành ( Tuẫn tiết, sự kiện 30 - 4 - 1975 )
Nguyễn Minh Thanh * đăng lúc 12:53:38 PM, Apr 15, 2021 * Số lần xem: 961
Hình ảnh
#1

 

Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành( Tuẫn tiết, sự kiện 30 - 4 - 1975 )
                                           " Anh hùng mạc bả doanh thâu luận
                                             Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu "
Nước mất nhà tan ôi thảm thiết !!
Văn quan võ tướng mọt gông xiềng !!
Lẫm liệt có người cam tuẫn tiết !!
Tinh anh... hoà quyện núi sông thiêng...!!
Khi một chánh quyền, một chế độ bị sụp đổ, đất nước bị giặc chiếm; hàng Văn Quan, Võ Tướng tuẫn tiết là sự thường tự cổ chí kim. Nước mất, mất theo nước. Thành mất , mất theo thành!
Và chính điều đó nói lên phần nào tính chính danh, chính nghĩa của chế độ mà quý vị ấy từng phục vụ.
Cũng vậy, theo gương người xưa, trong sự kiện sụp đổ chánh quyền Việt Nam Cộng Hoà 30 - 4 - 1975, ông Trần Chánh Thành đã chọn con đường tuẫn tiết.
Cách riêng, ông Trần Chánh Thành tự nói lên chí khí và tiết tháo của kẻ sĩ. Giống như quý võ tướng: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai... thà " thọ tử bất ninh thọ nhục".
Cách chung, quý vị ấy đã góp phần làm xán lạn chế độ Việt Nam Cộng Hoà vừa đi qua.
Sơ lược tiểu sử :
Ông Trần Chánh Thành gốc miền Bắc, sinh khoảng năm 1920... Ông sinh và lớn lên tại miền Trung. Do cha ông là ông Trần Đức làm việc ở Huế, thông ngôn cho vua Khải Định.
Thuở nhỏ, học sinh Trần Chánh Thành thông minh, học hành rất giỏi. Tốt nghiệp Trung học ở Huế. Sau đó ra Hà Nội học luật, và tốt nghiệp Cử nhân luật.
Dưới thời chánh phủ Trần Trọng Kim, ông Trần Chánh Thành làm Chánh Văn Phòng Bộ Tư Pháp, Tổng Trưởng Trịnh Đình Thảo.
Khi cái gọi là " Cách Mạng Tháng Tám " Việt Minh bùng nổ, ông Trần Chánh Thành được mời làm Giám Đốc Tư Pháp, rồi Giám Đốc Kinh Tế vùng Liên khu III  
Song, sau khi nhận ra chân tướng Việt Minh Cộng Sản, ông Trần Chánh Thành tìm cách trốn thoát về vùng Quốc gia.
Ông vào Sài Gòn làm nghề luật sư trong văn phòng của Luật Sư Trương Đình Du.
Năm 1954 ông Trần Chánh Thành làm Bộ Trưởng phủ Thủ Tướng, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Năm 1955 ông làm Bộ Trưởng Thông Tin, Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Năm 1962 ông làm Đại Sứ ở Tunisie, Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Năm 1963, sự kiện đảo chánh 1 - 11 - 1963 ông rút lui, ẩn dật
Năm 1967 ông đắc cử Thượng Nghị Sĩ
Năm 1968 ông làm Tổng Trưởng Ngoại Giao, Thủ Tướng Trần Văn Hương.
Năm 1969 khi ông Trần Thiện Khiêm làm Thủ Tướng, ông Trần Chánh Thành trở về dạy môn Báo Chí tại Trường Luật cho đến ngày 30 - 4 - 1975.
 Đêm 2 rạng  3 / 5 - 1975 cựu Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành tuẫn tiết bằng thuốc ngủ tại nhà riêng...!!
Bài thơ tưởng niệm:
Cảm kích trước khí phách và tiết tháo của Tiên Sinh Trần Chánh Thành, hậu sinh có bài thơ nhỏ kính cẩn trải tấc lòng với người từng nặng nợ non sông:
Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành
Bôn ba xa lánh ngọn Cờ Hồng
Lẫm liệt xem thường chuyện tử vong
Đã chẳng toại tâm lo đất nước
Thì đem bản mệnh tạ non sông
Mấy viên thuốc ngủ đưa vào mộng
Một cuộc thù nhơ thoát khỏi vòng
Khí tiết rỡ ràng trang Tuyết Sử
Hương Giang cau mặt sắt se lòng...!!
                             Nguyễn Minh Thanh cẩn tác
Phần Kết:
Tuy nguyện vọng bảo quốc an dân chẳng thành. Song, Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành đã " Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh", Ông đã lẫm liệt nêu cao khí tiết cao vời để rọi truyền hậu thế.
Trong bài thơ Tuyệt Mệnh của Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, sĩ phu chống Pháp, người Định Tường Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang, có câu:
"Anh hùng mạc bả doanh thâu luận,
Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu. "
(  Hãy lắng nghĩa trung lưu vũ trụ  
     Chớ đem thành bại luận anh hùng    ) NMT dịch
Hậu sinh xin mượn hai câu thơ trên, để trân trọng đưa tiễn Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành về với thiên thu...!!
                                                      Nguyễn Minh Thanh kính bút.
                                                           ( GA, Mùa Quốc Hận )

Nguồn trang WEB: - O V V, tg Bạch Diện Thư Sinh ,
                                              - Thủ Khoa Huân....

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.