Mar 29, 2024

Bài giới thiệu

Tự trọng và tự tin - Ai là tác giả bản nhạc Hát, đêm dài Air Raya
Lê Bình Phương * đăng lúc 09:43:35 AM, Apr 30, 2021 * Số lần xem: 1132
Hình ảnh
#1
#2
#3

 Lời giới thiệu:
Đây là bài cậy đăng của Tác già Lê Bình Phương viết về bản quyền bản nhạc "Hát, đêm dài Air Raya". Tác giả Lê Bình Phương đưa ra các bằng chứng anh là người sáng tác ra bản nhạc đó không phải nhạc sĩ Ngọc Trọng.

Sài Môn Thi Đàn không chịu trách nhiệm về các nội dung của bài viết dưới đây.

Trong hồi ký «  Viết ở Rừng Phong “ , nhà văn Hoàng hải Thủy gọi ông Hoàng trọng Miên là « văn nhân vô hạnh , học giẻ đạo văn « , khi ông này đoạt giải « văn chương tổng thống VNCH « năm 1957 , với bộ sách «  Việt nam văn học toàn thư « , nguyên là tác phẩm biên khảo «  Lược khảo về thần thoại Việt Nam «  của ông Nguyễn đổng Chi ( ngoài Bắc / 1956  ) mà ông Miên đã ăn cắp , đổi lại tên , mang đi dự thi . Chuyện đạo văn bị hai nhà văn Uyên Thao và Thế Phong tố cáo


Sau này , có thêm chuyện linh mục Thanh Lãng ( Văn Khoa )  than phiền 3 ông Nguyễn tấn Long , Phan Canh và Nguyễn hữu Trọng đã cầm nhầm các bài giảng Khoa của ông Lãng , để in thành sách của 3 ông .


Đó là hai chuyện đạo văn " ồn ào " nhất ở miền Nam,  trước 75 .


Mấy năm sau này , chuyện đạo văn lại trở thành thường xuyên hơn với các nhà văn « xã hội chủ nghĩa «, đến nổi trên «  thoidai.com.vn «  đã phải viết :

« Nhiều năm qua, tình trạng "đạo văn" có dấu hiệu lặp đi lặp lại trong làng viết Việt Nam. Thế nhưng, vấn nạn này thực sự trở nên đáng báo động khi người có hành vi này không còn chỉ là những tác giả vô danh nữa mà thay vào đó là hàng loạt những nhà văn, nhà thơ từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá.

Dẫu rằng ở nước ta chưa có một chế tài nào cụ thể để xử lý nghiêm minh đối với hành vi này, nhưng cái danh hào nhoáng trong phút chốc chắc chắn sẽ bị trả giá bằng chính danh dự, nhân phẩm của người vi phạm vào điều tối kỵ trong nền văn học này.

Mới đây, truyện ngắn Biến mất của Kai Hoàng đang tham dự cuộc thi truyện ngắn báo Người lao động lại tiếp tục gây xôn xao khi bị phát hiện giống hệt với truyện ngắn Những biển, in trong tập "Cố định một đám mây" được xuất bản vào năm 2018 của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về cả nội dung lẫn ý tưởng .

Điều đáng nói hơn nữa là, một trong những vị giám khảo của cuộc thi này không ai khác chính là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư !" 


Trước đó , 2015 , là chuyện nhà thơ nổi tiếng Phan Huyền Thư , hết đạo thơ Du tử Lê , rồi « photocopy « thơ Phan Ngọc Thường Đoan , bị khám phá , Phan huyền Thư công khai xin lỗi Thường Đoan . Tập thơ «  Vết Sẹo « , đoạt giải của Hội Nhà Văn bị rút lại !


Năm 2012 , « nhà văn « Hữu Thịnh ở Hòa Bình còn «  can đảm «  hơn khi công khai lấy 1 tác phẩm đã đoạt giải nhất cuộc thi do báo Văn Nghệ và Hội Nhà Văn tổ chức năm 2007 của ông Ngô Phan Lưu , chỉ đổi lại tên người và địa điểm !  Có lẻ ông Thịnh bắt chước « văn sĩ «Phạm Minh Phong , năm 2005 , với truyện « Máu của lá « của nhà văn Võ thị Hảo viết năm 1992 !!! 


Phàn nàn về chuyện này nhà văn Võ thị Hảo nói « Nếu anh không viết được văn thì anh có thể về nhà đi cày bừa, làm thuê cuốc mướn, hoặc anh có thể làm nghề nghiệp sang trọng nào khác. Chứ lôi văn chương ra để đạo, để tiến thân bằng con đường văn chương quả thật là nguy hiểm... Khi anh đạo văn trắng trợn để đi vào nghề viết, đó là sự thiệt hại lớn cho bạn đọc. Tôi nghĩ rằng, nhất thiết, mỗi người viết đều cần có trách nhiệm công dân trước tiên « 


Nhưng không chỉ có trong nước , mà ở hải ngoại này thì .. cũng vậy ! Dám khẳng định như thế vì tôi là nạn nhân của các vụ " cầm nhầm"  này. Gần nhất là bài " Cái_chết_của_một_người_Việt_tên_Nam " viết ngày 04/04/2019 , xuất hiện trên 1 mạng ngày 12/4/2019 , đăng lại nguyên bản với tên  « T. Gi. « !!! Trước đó thì,  thỉnh thoảng , tôi nhận được email bạn tôi chuyển lại bài tôi viết , dưới một cái tên .. khác  ( Thư_cho_một_Việt_Kiều_Mỹ_sắp_về _hưu , Diện_nhũ_trường _sinh vv ) !  . Nhưng tôi không phiền hà . « Vợ đẹp là vợ người ta « , thư có «  hay «  mới được nhiều người chiếu cố . Không vui thì thôi , có đâu lại lo . Mình đâu phải là « văn sĩ « đâu . Vả lại , cũng "phe ta" không 

.

Lần này thì khác . Chiều thứ sáu rồi , ông anh ruột , đi vượt biên với tôi , ở cùng đảo tị nạn Air Raya ( Nam Dương ) , điện thoại cho tôi hay « Ê mày biết không , Ngọc Trọng nói trong phỏng vấn của Jimmy  , bản « Hát , đêm dài Air Raya là « của nó ! « . Lúc đó , tôi đang làm việc , không để ý gì nhiều , nên chỉ cười cười nói «  Ôi , có sao đâu , nó thấy hay nên nó mới chôm ! Bỏ qua đi anh « !

Nhưng sau khi làm việc xong , trong lúc chạy bộ cho khỏe người , nghĩ đến chuyện bị « ăn cướp «  này tôi thấy không bỏ qua được . Bởi vì chuyện bị chôm ca khúc khác với bị chôm « thư viết « .


Viết thư là chuyện nhỏ , nghĩ sao viết vậy , vừa gởi gắm .. «  tâm sự « mình , vừa « xả xú bắp « , vừa viết cho đừng quên tiếng Việt , nên chỉ dám gửi người thân quen . Có lỗi chánh tả tùm lum ( hỏi , ngã ) , có lỡ « bút sa « thì viết xin lỗi , anh chị , bạn bè bỏ qua . Nhưng một ca khúc thì khác .


Ca khúc vừa có nhạc , vừa có lời . Viết ( sáng tác ) nhạc, với tôi , là rất khó . Bởi vì tôi nghe nhạc tùm lum . Nhạc Việt , nhạc Pháp , nhạc Anh , Mỹ . Nghe hay là tôi mê . Và tôi lại chơi nhạc . Chính điều đó khiến tôi , mỗi lần sáng tác xong , phải hát cho mấy thằng bạn thân nghe trước . Nếu tụi nó bảo nhạc mày không giống ai là OK ! Đó là lúc ở Việt Nam và vượt biên qua đảo . Qua đây , có " bài mới " , tôi hay hát cho ông anh kế nghe , để xin ý kiến , vì chàng cũng cùng « nòi  tình « như thằng em .

 

Nhạc viết xong thì phải thêm lời . Lời nhạc như lời thơ , phải vần nhau . Như những lời ca Nguyệt Ánh « Mưa Sài Gòn , còn buồn không em / Ta tìm đâu ngày cũ êm đềm / Những con đường, ngập nước mưa đêm / Từng quầy hoa , ghế đá công viên » . Lời là là những điều mình muốn nói cho mình và cho người khác nghe . Tôi viết nhạc không vì sinh kế . Hứng lắm mới viết . Bị ( con tim ) thôi thúc lắm mới viết . Và chỉ hát cho người thân , bè bạn nghe thôi . 


« Hát , đêm dài Air Raya «  là ca khúc hải ngoại đầu tiên của tôi ( tôi bắt đầu viết cuối 74 . Đến 79 , trước khi đi , được khoảng 15 bài , có chán- đời ( sau đổi đời  !) lẫn cả yêu-người )  ; như lời viết trong "thư" ngày 11/1/2011  ( xem cuối bài  ) «   Nhưng , thê thảm , tủi buồn nhất phải là những cơn mưa đầu tiên xa xứ , dẫu trời không lạnh mảy may : những ngày tháng 9 , năm 1979 ở Air-Raya , một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Anambas ( An(n)am " bas" , tên như một tiền định ! )  của Nam Dương . Nỗi nhớ mẹ cha , anh chị , bạn bè , quê hương , đất nước theo những cơn gió đảo , mưa rừng xối xả tuôn về gần như ngập con suối trước «  nhà « . Một đêm sau cơn mưa , dưới bầu trời trăng tỏ ,  bên cây guitare anh chủ quán Ly Hương cho mượn , ngậm ngùi tôi viết bài hát lưu vong đầu tiên « .


Đấy , bao nhiêu đau thương , buồn tủi, bao nhiêu nỗi nhớ gia đình còn kẹt lại , bao nhiêu khốn khó , nhọc nhằn những ngày lênh đênh biển cả , bao nhiêu đau đớn khi nghe kể lại chuyện hải tặc đối xử tàn bạo , dã man với đồng  bào mình (  Đã nhạt những má hồng ! / ( tàn tạ lắm rồi , phải không ? ) ..vv  Bao nhiêu đó , tôi trút cả vào ca khúc này !!!!

 

Nên , tôi không "bỏ qua" cho bất cứ một ai , nhạc sĩ có tài hay tưởng -mình -có- tài , ăn cắp đứa con tinh thần ( đúng nghĩa ) của tôi cả ! Đã thế , nếu không nói cho đâu ra đó , người ta lại tưởng ngược lại :  tôi là kẻ " chôm"  nhạc người khác ! Đây là điều tối kỵ với tôi , xúc phạm đến danh dự tôi ! 


Ở đảo Air Raya , với cây đàn cho mượn của anh Đăng , cao học Văn Khoa , ( gia đình rạp hát Biên Hùng / Biên Hòa ) , lúc đầu chúng tôi chỉ có mấy người : Nguyễn Ngọc Châu , ca sĩ chánh ( + nhạc sĩ ) , Nguyễn Giáo ( tay trống ở VN ) , ông anh tôi ( sở trường nhạc Pháp ) , nhà - tôi và tôi ( đệm đàn ) , hát ở quán nhà Ly Hương ( anh Đăng ) . Sau này có thêm Sơn Tuyền ( ca sĩ ) và Quang ( chồng ST) mới đến đảo , rồi anh Tâm «  Chế Linh «  ( một ca sĩ Tổng Cục CTCT ? ) , rồi Đỗ Hoàng « Without you « ( bài ruôt ) ,  Hoàng Hải ( nghe nói qua Bỉ ) hát nhạc tiền chiến .  


Khi mấy quán cà phê bắt đầu xuất hiện trên đảo ngày một nhiều  thì chúng tôi được mời ký  » contrat « đi hát ! Ngoài « quán nhà « Ly Hương , chúng tôi đi hát ở quán của anh Trần Huê , độ 30 tuổi , người Việt gốc Hoa , rất dễ thương và chịu chơi , rồi «  Chiêu Anh quán «  là quán lớn nhất lúc đó !


 Chúng tôi cũng hát cho các nhân viên( + corps medical ) phục vụ tàu Đảo Ánh Sáng , một tàu của Đức ( tôi quên tên ) , hát phần đầu của ca sĩ Joan Baez khi họ ghé thăm trại  , hay được mời lên một chiến hạm Nam Dương giúp vui vv Mỗi lần như thế đều được các quan khách , thông qua ban Quản Trị Đảo ( chủ tịch :  Phạm xuân Quang, giáo sư ĐH. Khoa Học Sài Gòn / anh D Sĩ Trương thanh V.  : Y Tế , anh Luật Sư Hiển (?) : Thông Tin ) , gởi biếu bánh , kẹo , thuốc lá , vải vóc .. thay cho thù lao ! Cũng nên kể có ca sĩ mùi Bolero là anh Bác Sĩ Tới ( YKhoa 72 ) , ông anh "văn nghệ" của chúng tôi chỉ « hát cho không , biếu không » với anh em 

.

Tôi viết « Hát,  đêm dài Air Raya « vào ngày 6/9/1979  . Nên mới có câu «  mùa mưa tháng 9 đã về «  (sang đây , tôi chửa lại «  mùa mưa xa xứ đã về « ! ) . Ở Air Raya tôi «  sáng tác «  3 ca khúc : «  Hát đêm dài Air Raya «  ( 6.9.79 ) / « Trên đầu ngọn sóng » ( 1.11.79 , / « Chiều xứ lạ « ( 27.11.79 ) . Sau đó , thì tôi sang Tanjungpinang và đến Pháp giữa 12/79 ! 


Sau bữa hay tin Ngọc Trọng tự nhận là tác giả » Hát, đêm dài Air Raya « , tôi vào Google xem Ngọc Trọng phút nói « thật «  ( ??!!! ) với Jimmy ( link theo đây ) : 

The Jimmy Show | Nhạc sĩ Ngọc Trọng | SET TV www.setchannel.tv - YouTube

The Jimmy Show | Nhạc sĩ Ngọc Trọng | SET TV www.setchannel.tv

14255 vues

5 juin 2018

 

Sau khi kể là có chơi nhạc giúp Giang Tử , ở phút 6 :45 Ngọc Trọng nói « cũng như khi lên đại học có những  giao .. lưu với các trường với nhau thì giới sinh viên biết anh nhiều « . Có lẻ còn là sinh viên " nhí " trước 75  , nên tôi không biết đến tên Ngọc Trọng , mà các anh chị tôi : người học từ 66 , 68 , người 70 , thì cũng không nghe ai " giao lưu " với N.Trọng cả ! Cũng rất có thể  là Trọng không học ở Sài Gòn ? 


Video , phút 7 :35 N. Trọng nói « anh có viết một bài Sài gòn cũng hay lắm ( ! ) nhưng mà tiếc là những năm đó anh còn ở Canada «  « chính anh lấy là Sài Gòn niềm nhớ , rồi sau này , cả chục năm sau , ông Nguyễn đình Toàn mới viết bài Sài Gòn niềm nhớ không tên .. « 

Nhờ ông nhạc sĩ tí  , " Sài Gòn niềm nhớ không tên " ( đúng ra là Giọt nước mắt cho Sài Gòn   ) đã được viết ngay khi Ngọc Trọng còn trong nước ( khoảng 75 , 76 ) . Năm 1977 , khi anh Hồ Trường An sang Pháp định cư đã học thuộc lòng ca khúc này . Và " Sài Gòn niềm nhớ không tên " được nhóm Quê Mẹ của ông Võ văn Ái phổ biến qua giọng hát Jeannie Mai môt ca sĩ Nhạc Trẻ trước 75 . 1980 tôi nghe được ca khúc này qua tiếng hát Khánh Ly . Có đâu mà sau  Sài gòn niềm nhớ của Trọng cả chục năm ( 1989 ) như anh nói ? !!!! Ở Air Raya tôi chỉ nghe Trọng hay hát " Love story ", chưa bao giờ nghe " SGN.Nhớ " của nhạc sĩ ! 


Mà tại sao lại không lancer " Sài Gòn niềm nhớ " là bài mà tác giả thú nhận là " cũng hay lắm " , chỉ vì đã có " Sài Gòn niềm nhớ không tên " ? Tại sao người ta đã nghe " Sài Gòn vĩnh biệt " của Nam Lộc rồi mà vẫn hoan hỉ đón nhận  " Sài Gòn vĩnh biệt tình ta " của Song Ngọc ( phổ thơ Hoàng ngọc Ẩn ) ? Khán giả chỉ nghe nhạc hay , đâu phải nghe tên  .  "10 bài ... không tên " của anh Vũ thành An đó , 50 năm rồi mà vẫn  được giới yêu nhạc hát tới , hát lui . 


Danh với vọng ! Tên với chả tên !  


Ở phút 9 :15  Ngọc Trọng nói «  Mà trong đó anh có viết một bài luôn là « Hát , đêm dài  Air Raya « mà có thể có dịp anh sẽ hát cho thính giả nghe là một bài mà anh rất tiếc là vì viết từ thời đó mà vì lúc đó  mình định cư ở Canada nên mình không có liên lạc với trung tâm chính vì thế


Phút 11 :20 N.Trọng cho biết là chính anh là người đầu tiên phổ biến ca khúc «  Một lần miên viễn xót xa «  cho Nguyễn đức Thành ! 

Phút  12/20 Ngọc Trọng lập lại lần nữa «  là anh cũng có viết cái bài Hát đêm dài Air Raya … »

Tôi có cảm tưởng là sáng tác của tôi , « Hát , đêm dài Air Raya « ,  ảnh hưởng đến Ngọc Trọng rất nhiều  . Nên , có dịp là Trọng nói « cái bài đó là của anh (!!! ) » . Cách nhau gần 3 phút mà Trọng nói đến 2 lần , cứ sợ như Jimmy không tin Trọng ! 

Láng giềng Air Raya của tôi thủa đó:  bên đây là anh Đại ( và thằng bé con là cháu Phong ) , anh Đăng ( chủ quán Ly Hương )  , Hồ , Hưng ( sún ) , Việt Hải ( Kiến Trúc ) và người em bà con ( tôi quên tên ) , bên phải là gia đình anh Quang , chị DS Kính ( promo 65 ? ) , xa hơn tí là gia đình Thiếu Tá Quận Trưởng ( ? ) TQLC Vương đắc Th. mà tôi chơi thân với người con là Vương đắc T. Đó là những người đã nghe tôi hát lần đầu tiên ca khúc «  Hát, đêm dài Air Raya «  ở quán cà phê Ly Hương ngay trước nhà họ . . Tôi cũng nhớ đến những giọt nước mắt của vài thiếu nữ , lẫn cụ già , đêm đầu tiên đó , khi tôi hát đến câu chót «  hỏi hoài , bao giờ quay về cố hương ? «  .  

Sau này anh em chúng tôi được ban Thông Tin trại mời lên phụ trách chương trình văn nghệ cho  «  đài phát thanh Trại «  mỗi tối , thì tôi lại có dịp hát lại ca khúc của mình .  Cho nên , Hát ,đêm dài A.R ( HDDAR ) được nhiều người biết là như vậy .

Và ( đa số ) thuyền nhân ở Air Raya đều biết ai là tác giả HDDAR  . Năm 1980 , tôi nhận được lá thư của anh Nguyễn Bá L. , một thông dịch viên kiêm giáo sư Anh Văn trên đảo Kuku kế đó , mới qua được Mỹ . Anh L. viết «  khi Phương đi rồi , có cô ca sĩ vẫn đêm đêm hát ca khúc của P. , nghe buồn quá ! «  .

Hiện nay , nhiều người Air Raya  « biết chuyện « này vẫn còn ở Pháp , Mỹ , Canada .  Như người bạn Khoa Học P.Hòa , hay em trai một người bạn K/H khác : Trần Việt A . ở Canada . Như Trương thanh Kh., Dũng “ Indo “ , ở Paris  . Như các anh chị trong ban Y Tế Trại  Air Raya , các chị DS : Kính , Huệ , Liên , Nha.Sĩ : M. Phương , Tam Khôi .. các anh chị BS : Cương , Quỳnh ( ?), Đống , Tới & Trang ( YK72 )   , Cầm ( YK 74 ) …  ( DS ) Trương thanh V. ,  Nguyễn phúc Bảo Ph . và hàng ngàn đồng bào tị nạn trên đảo . Nhất là Nguyễn ngọc Châu , người đi hát sau này với Trọng . Thập niên 80s , Châu thu bài hát này , từ Mỹ gởi sang tặng ông anh tôi


Cho đến trước ngày rời đảo tháng 11 . Tôi chỉ biết có anh Trường Hải viết bài “ Cám ơn (?) " ( .. Ơi , đời ta , từ nay đã có tương lai / ôi / đời ta : từ nay tựa cánh chim bay tung trời … ) ” , riêng ca khúc “ Mưa trên đảo Air Raya “ thì tôi chỉ được nghe sau khi định cư . Ngoài ra, thì không nghe ai trình diễn hay nói đến một sáng tác Air Raya nào khác !

Tôi không «  hãnh diện «  vì ca khúc của mình nhưng tôi vui khi biết tiếng lòng tôi , nỗi niềm tôi cũng là tiếng lòng , là nỗi niềm của đa số đồng bào tôi ngày đó : những người vừa chối bỏ quê hương !

Ca khúc “ H Đ D A R” đã được tôi hát trong một " đại nhạc hội " ở thành phố Limoges ( 1980 ) / Pháp , do trung tâm tiếp cư người tị nạn tổ chức , lúc chúng tôi chờ được người bảo trợ đón . Có phát hình trên kênh TV địa phương ( FR3 )

Sau đó , 1981 trở đi ,  là hát nhiều lần trong những đêm họp mặt bạn bè . Nhất là sau lần hát ở nhà thầy Đinh văn  Hoàng , nguyên Khoa Trưởng Sinh Hóa ( Đ H K H / SG ) , 1986 , Lê như Kh. , một bạn học ( chơi nhạc ) chung trường  đã gọi điện thoại khuyên tôi “ Ông nên mang các bài hát của ông đi Sacem “ cầu chứng tại tòa “ đi “ . Tôi chỉ cười cười nói “ Gì dữ vậy . Tụi mình văn nghệ thôi mà “ . Kh. cũng cười cười đáp lại “ Ơ , mai mốt có “cầm c. chó đ. “ thì đừng trách tôi không báo trước nhé “ .

Kh. nói như thế , nhưng chỉ hơn 1 năm sau là Kh. “ đi “ . Những bài hát cầu chứng ở Sacem của bạn tôi cũng thành .. sương khói !

Ngọc Trọng là một nhạc sĩ có số thính giả ái mộ của anh  . Nhiều ca sĩ nổi danh đã hát nhạc anh . Anh là một nhạc sĩ  khá nổi tiếng . Nhưng , dường như chưa vừa ý , anh lại làm một chuyện rất kỳ cục  , không lương thiện , là lấy sáng tác của tôi , một người chỉ yêu thích văn nghệ , mang tâm tình của tôi , nhận là của anh ! 

Cái đáng sợ nhất trong những câu trả lời của N.Trọng là Trọng tin vào lời mình !!! Một là anh ta bị Alzheimer . Hai là vì  " mê " quá , riết rồi nhập tâm , cứ thật sự tưởng nó là của mình !

Trong diễn văn đọc trước Hàn Lâm Viện Pháp 25/8/1753 ,  Georges – Louis Leclerc de Buffon nói «  Le style est l’ homme même « . Văn tức là người .

Ca khúc được nhiều người nói đến nhất của Trọng là « Buồn Vương Màu Áo »

«  Buồn vương màu áo hồng / Nước mắt theo em đi về với chồng
Giá băng cơn mộng / Một mình anh bước đi âm thầm


Ngày lê từng bước chậm/ Phố cũ mênh mang trong chiều gió lộng
Bóng em đâu còn/ Ðợi chờ đã chín cơn mưa buồn


( NT / ghi theo internet )  


Mời bạn ta xem lại «  H Đ D A R » , để thấy , không nói đến đề tài , 2 styles này , cách dùng chữ ,  không thể nào « đi «  nhau được , không  thể nào 2 lời hát là của cùng một tác giả !


Hát cho đồng hương nghe / mùa mưa tháng chín đã về

Từng giọt nước não nề / chảy dài buổi chiều lê thê

Hát cho lòng nguôi ngoai / dù đời đã trắng đôi tay

Ngập ngừng / gió đêm rừng / lá trên rừng

Nhắc chuyện sau lưng ..


Hát cho người lưu vong / buồn tê , chết điếng trong lòng

Đã nhạt những má hồng ! / ( tàn tạ lắm rồi , phải không ? )

Hát như là ru nhau / vỗ về cho bớt thương đau

Ngập trời / mắt rã rời / tóc tơi bời

Ai cười , tan nát đôi môi ?!


  ......                   


( BP ) 

 

Tôi vào google , gõ " hát đêm dài Air Raya " , thấy như thế này : 

 



Phải nói là tôi vô cũng cảm ơn anh Trần Chí Phúc . Không chỉ vì anh nhắc đến tên tôi trước phần trình diễn của Hồng Nga ( trước khi Trọng tuyên bố ca khúc này là của anh ta / 2018 )  trong «  Chương Trình Kỷ Niệm 30 Năm Ngày Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân Việt Nam do anh thực hiện tại San Jose 18 tháng 7 năm 2009 «  , mà cái chánh là những đóng góp và nỗ lực của anh Phúc trong việc vinh danh và bảo vệ lá Cờ Vàng  : những sáng tác của anh , những chương trình cám ơn quốc tế cứu thuyền nhân do anh tổ chức ..;vv , đã nói cho thế giới biết rằng người tị nạn Việt Nam không mau quên , không vô ơn , không mất gốc . 

 Hát Đêm Dài Airaya - Hồng Nga p 019 - YouTube

Nhân đây , xin cám ơn cô Hồng Nga đã mang đến cho tôi nhiều xúc động (  dù có vài chỗ quên lời ( do "khớp" ? ) )  khi nghe lại ca khúc này qua một giọng hát ... người khác ( phái ). Tôi chưa bao giờ phổ biến ( bài nhạc có nốt ) ca khúc này , nên cô Hồng Nga đã hát theo trí nhớ ( ? ) hay theo lời chỉ dẫn của một cựu " đảo-nhân " ! 

Chắc chắn là không có hai ca khúc «  Hát , đêm dài Air Raya « ở đảo Air Raya . Vì ca khúc của tôi đã được phổ biến khắp đảo rồi . Nếu có sáng tác ca khúc Air Raya khác thì Trọng cũng phải đổi tên . Như Kim Loan cổ nhạc đổi tên Mộng Tuyền vì đã có Kim Loan « căn nhà ngoại ô « 

Ngày 20/7/2019 , anh Trần chí Phúc tổ chức " 40 năm quốc tế cứu thuyền nhân " . Trên website của mình , anh Phúc viết : " Nhạc sĩ Ngọc Trọng sẽ ca bản Hát Đêm Dài Air Raya- một ca khúc vượt biển cảm động đã hát cho đồng hương nghe trên đảo năm xưa; và đêm này lần đầu trình diễn tại Quận Cam " .( https://tranchiphuc.com/p240a327/40-nam-quoc-te-cuu-thuyen-nhan-cam-on-tam-long-the-gioi ) . Câu văn khiến người đọc nghĩ rằng Ngọc Trọng sẽ hát ca khúc anh đã hát năm xưa ( tôi chưa bao giờ nghe N.Trọng hát ca khúc này của tôi , khi tôi còn trên đảo ) .


Tuy trong bài tường thuật trên Việt Báo (1/8/2019)  , ký giả Đoàn Nguyên Thảo có viết " Bản Hát Đêm Dài Air Raya ( Ngọc Trọng ) của Bình Phương là một bài hay trong dòng nhạc vượt biển “ Hát đêm dài Air Raya, buồn hiu hắt nhớ quê nhà, vàng vọt ánh trăng tà, chỉ làm đau người đi xa…” 

https://vietbao.com/a297119/dem-40-nam-quoc-te-cuu-thuyen-nhan-20-7-2019-am-lai-dong-nhac-ti-nan-tha-huong-moi-xem-youtube ) .

nhưng trong video , tôi không nghe ai nói đến (? ) , ngay cả  N.Trọng , sau khihát xong ( bắt đầu phút 29 video dưới đây ) , cũng chỉ nói  đại khái ,  như đã nói với Jimmy , 1 năm trước đó , ( 2018 )  "hy vọng là các trung tâm liên lạc để lancer lại , cái bài này chúng tôi hát  cách đây mấy chục năm .." . Không một tiếng nào nhắc đến tên Bình Phương . Cứ như mình ( N.Tr ) là tác giả , không phải xin phép ai cả ¡ Sợ nhất là điều này khiến người ta tưởng , sau khi đọc báo và xem video , Ngọc Trọng và Bình Phương là một ( ¡! ) . 

 

( https://vietbao.com/a297119/dem-40-nam-quoc-te-cuu-thuyen-nhan-20-7-2019-am-lai-dong-nhac-ti-nan-tha-huong-moi-xem-youtube


Tôi ghét những gì không rõ ràng . Hoặc là anh chống . Hoặc là anh không chống. Hoặc anh là tác giả . Hoặc anh không là tác giả . Không có màn ậm ờ , " lập lờ đánh lận con đen ". , ai muốn hiểu sao thì hiểu . Trước khi trình diễn , tên tác giả phải được nhắc đến , hoặc qua MC ( như anh Trần chí Phúc , năm 2009 ) , hoặc do chính người hát . Không phải ai cũng là Y Vân mà chỉ nói « Lòng Mẹ « là người ta biết ngay là tác giả !!!

 

" Hát , đêm dài Air Raya"  được nhiều người yêu thích vĩ tôi nghĩ , đó là một ca khúc rất thật ,  nó nói lên được nỗi lòng mình trong hoàn cảnh đó , ở thời điểm đó và nhất là , tuy hát không hay (!! ), nhưng tôi hát bằng cả trái  tim lưu vong rướm máu , làm xúc động người nghe . Thế thôi . 


Bài hát bây giờ đã " lỗi thời " . Câu  kết thúc : " hỏi hoài , bao giờ quay về cố  hương ? !!  " đã không còn đúng với sự thật từ mấy chục năm nay ! Nhưng đó là một đoạn đời tôi , một đoạn đời của mấy ngàn người tị nạn trên đảo Air Raya . Hát lại nó , để khẳng định , dù đã là công dân trên quốc gia định cư từ lâu , nhưng , cho đến giờ phút này , trái tim tôi , khối óc tôi vẫn là một trái tim tị nạn , mãi là một khối óc lưu vong . 


Nên , tôi xin nhắc  lại ,  nó , " Hát , đêm dài Air Raya" , là của tôi . Không ai có quyền cướp tôi bài hát đó . 

............

Tôi muốn mời Ngọc Trọng đi uống cà phê . Tôi sẽ ngồi đối diện với anh , nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi « Tại sao anh nói « Hát , đêm dài Air Raya «  là của anh ? « . 

Tôi thật không hiểu cái thái độ kỳ cục này  ! Tại sao lại có người làm được những chuyện ngược lại với cái tên ... của mình như thế  ?! Tại sao một người khá nổi tiếng , đã từng giúp nhiều người khác nổi tiếng ( theo như trả lời  phỏng vấn ) lại thiếu tự tin , rằng mình cũng có thể viết nhiều ca khúc hay hơn " cái bài hát đó " nhiều , thay vì đi chôm nó ?! 

" ... cái danh hào nhoáng trong phút chốc chắc chắn sẽ bị trả giá bằng chính danh dự, nhân phẩm của người vi phạm vào điều tối kỵ trong nền văn học này " . Đó là một câu viết bài báo thoidai.com.vn trong nước ( xem trên ) 

Tôi xin thêm , không chỉ có trong văn học , văn chương mới là điều tối kỵ . Mà là ở trong nhiều lĩnh vực khác : âm nhạc , khoa học , chính trị .;vv 


Hãy trả "  Hát , đêm dài Air Raya " lại cho chính tác giả của nó ! 


Bình Phương

25/01/2021

 


Dưới đây là lá thư  viết  ngày 11/1/2011 / Hát-đêm-dài-Air-Raya ! Và trả lời của người bạn P.Hòa 

 

===================================


11 janv. 201 17:05

A moi 





Hello BP,

 

Làm sao quên được những cơn mưa buồn và lớn ở trên đảo khi vừa rời khỏi quê hương. Và tao nhớ là lúc nghe bài hát này của mày tao còn buồn thê thãm hơn. Lần trước lúc gặp Trí , tao có nói chuyện với nó về bài hát này của mày nhưng đến khi gặp mày thì tao quên yêu cầu mày hát lại để nghe. Nếu có thì giờ rảnh, yêu cầu mày hát và thâu rồi gởi cho tao nghe lại được không?

 

Cám ơn mày nhắc lại kỷ niệm xưa. Thấm thoát đã 31 năm rồi, tưởng như mới hôm qua.

 

Thân,

 

Phước-Hòa

 

 

=================================================

 

 

--------- Forwarded message ---------
De : BP
Date: mar. 11 janv. 2011 à 14:30
Subject: 110113 = Hát-đêm-dài-Air-Raya !
To: 

 

Bạn ta ,

 

Bạn có biết tại sao những cơn mưa ngày lạnh thường là những cơn mưa buồn , dẫu lòng người không có những sợi tơ sầu nhện thả ? Có phải vì cái lạnh mang về đây nỗi băng giá cô đơn ở hai cực đầu Nam Bắc  ? Hay chỉ một cơn gió rét , một thoáng cây lùa là đã quay về , từ âm cảnh, những hồn còn hoài dương thế ? Rồi thêm những giọt rơi rơi , những dòng ươn ướt  ,cứ như đôi mắt những nàng tiên xõa tóc thiên đường , một chiều ngồi nhỏ lệ nhớ nhân gian .

Khiến mưa ngày lạnh , dường như , chả bao giờ làm mấy ai vui ?


Tôi không có những cơn mưa buồn ( vì lạnh ) ở Việt Nam . Miền Nam chúng ta không có xuân , hạ , thu , đông mà chỉ rặt 2 mùa mưa , nắng . Trừ cao nguyên ngây ngất sương mù , những ngày lạnh miền Nam là những ngày rất hiếm , có chăng là thoáng chút heo may ngày cận Tết , những ngày tháng 1 , tháng 2 dương lịch. Trên 30 năm xa quê , kỷ niệm cũng mơ hồ nhưng làm sao mà quên được những cơn mưa tối trời , ngập đất ? Mưa từ Châu Đốc mưa lên Sài Gòn , mưa suốt gần 300 cây số đường dài , ướt sũng một quãng đời niên thiếu . Mưa thánh thót hiên đêm , «  do ré mi «  từng giọt vắn , giọt dài , ru ngoan giấc ngủ . Mưa giờ chơi bong bóng phập phồng , những chiếc tàu giấy thả trôi , chất ngập «  khoan «  mộng mơ vừa lớn .


Mưa đuổi về đâu tiếng cười chạy trú ngày xưa ?


Mưa trong âm nhạc , trong văn chương Việt Nam là những cơn mưa chập chùng buồn bã . Rất ít những bài mưa vui . Hai ca khúc tiêu biểu cho ngày mưa mĩm nụ là « Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội «  , lời óng ả Hoàng Anh Tuấn , nhạc «  bebop-Moderato « Phạm đình Chương ( Mưa hoàng hôn, trên thành phố buồn gió heo may vào hồn ... ) và « Mưa «  valse Văn Phụng ( Mưa rơi rơi trên đường .. ) . Mưa thơ vần điệu vui tôi chưa được biết , chỉ thấy sầu tiếp sầu,  khởi từ Lưu trọng Lư , Huy Cận trước 45 nối sang Cung trầm Tưởng , Nguyễn tất Nhiên sau 54

 .

Nhưng , thê thảm , tủi buồn nhất phải là những cơn mưa đầu tiên xa xứ , dẫu trời không lạnh mảy may : những ngày tháng 9 , năm 1979 ở Air-Raya , một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Anambas ( An(n)am "bas " , tên như một tiền định ! )  của Nam Dương . Nỗi nhớ mẹ cha , anh chị , bạn bè , quê hương , đất nước theo những cơn gió đảo , mưa rừng xối xả tuôn về gần như ngập con suối trước «  nhà « . Một đêm sau cơn mưa , dưới bầu trời trăng tỏ ,  bên cây guitare anh chủ quán Ly Hương cho mượn , ngậm ngùi tôi viết bài hát lưu vong đầu tiên . Xin ghi lại đây như một kỷ niệm mưa , mến gởi đến P. Hòa : người bạn chung trường , chung đảo ( Hòa còn nhớ không Hòa , bài hát vang vang trên loa đảo ngày xưa ? ) .

 

Hát , đêm dài Air – Raya

 

Hát cho đồng hương nghe / mùa mưa tháng chín đã về

Từng giọt nước não nề / chảy dài buổi chiều lê thê

Hát cho lòng nguôi ngoai / dù đời đã trắng đôi tay

Ngập ngừng / gió đêm rừng / lá trên rừng

Nhắc chuyện sau lưng ...

 

Hát cho ngừoi lưu vong / buòn tê , chết điếng trong lòng

Đã nhạt những má hồng ! / ( tàn tạ lắm rồi , phải không ? )

Hát như là ru nhau / vỗ về cho bớt thương đau

Ngập trời / mắt rã rời / tóc tơi bời

Ai cười , tan nát đôi môi ?!

 

                        Đảo vắng , bàn chân còn ngơ ngác nhiều bé thơ

                        Từng nhánh dừa nghiêng oằn rụng dần bao ước mơ !

                        Thuyền dân bản xứ , nhiều lần qua bến

                        Tôi nghe trong gió câu hò quê hương ... Nam Dương !

 

Hát , đêm dài Air – Raya / Sầu hiu hắt nhớ quê nhà

Vàng vọt ánh trăng tà / Chỉ làm đau người đi xa

Hát tay đàn vu vơ / Mĩm cười như trong giấc mơ

Biển động / sóng kêu gào / suối tuôn trào

Hỏi hoài : “ Bao giờ quay về cố hương ?

 

                                                9/1979

 

                                                BP

 

Sáng nay ra đường,  dưới cơn mưa buốt lạnh , buồn đâu chợt đổ về ¡

 

Bạn có biết tại sao những cơn mưa ngày lạnh thường là những cơn mưa buồn không , bạn ta ?

 

BP



Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.