Đăng lại bài tiểu luận này, thay nén tâm hương, tưởng niệm anh, một người thi sỹ tài hoa đã ra đi trong nỗi sầu bi tráng...


HOÀI KHANH SẦU XANH VƯỜN CÔ LIÊU

Miền biển xanh, cát trắng mênh mang Phan Thiết, không biết có duyên nghiệp gì với Hoài Khanh mà vào năm 1934, thi sỹ sinh ra nơi vùng trùng khơi lộng gió đó, khiến cho suốt một đời cứ mãi mông mênh sầu như gió sóng lênh đênh...

Bên bến bờ xưa bữa nọ, có những chiều hiu hắt, chàng tuổi trẻ chạy theo chụp bắt những sợi nắng vàng vọt rơi xuống, vỡ tan trong bọt trào, vỗ sóng mong manh mà chợt hốt nhiên, trực nhận ra lẽ vô thường của đời sống nên cảm thấy u sầu, một nỗi sầu Thân phận cứ ám ảnh khôn nguôi…

Ôm mộng ngày xanh lên đường với một tấm lòng chung thủy, chân thành, tha thiết, nguyện đốt lên ngọn lửa tình yêu thương sưởi ấm cho cuộc đời đang chìm trong bóng tối, đêm dài gió lạnh lê thê, để rồi bật thành tiếng thơ ngân dài xanh thẳm:
Em ơi! Tháng sẽ về năm
Tình ơi! Chung thủy về thăm mộng lành
Ngàn ngày núi biếc hương xanh
Cho nhau một tấm lòng thành mà thôi
Gió lên ừ gió lên rồi
Đông sang lành lạnh cho đời viễn phương
Còn mai về với quê hương
Còn tôi hẹn đốt tình thương sưởi đời
Với một hồn thơ trong sáng, nguyên sơ như thế, thi sỹ đi về mở ra cả trời thơ, nồng nàn hơi thở nhân sinh, tràn đầy trọn vẹn ý tình nhân bản, chan hòa giọt lệ và nụ cười, trong một niềm thương yêu vô cùng lung linh, tuyệt hảo…
Vào năm 1959, nhà thơ Bùi Giáng đã có những nhận xét độc đáo về Hoài Khanh, qua thi phẩm Dâng rừng, tập thơ đầu tay của thi sỹ:
“Chỉ yêu là một nụ cười
Chỉ đau lòng lệ của người mà thôi
Ai lên mà hỏi được trời
Vì sao nhân thế hay cười lại đau
Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung

Anh chưa quá 20 tuổi, anh viết những vần thơ mà Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu tái sinh nghe được, phải lạnh mình trước cái vĩ đại hồn nhiên, lẫm liệt của tài hoa chưa ráo máu đầu. Cái vẻ ngây thơ thăm thẳm của lời thơ chỉ những thiên tài xuất chúng mới có được.”*

Tập thơ Dâng rừng xuất bản năm 1957 lúc Hoài Khanh mới 23 tuổi, rồi tiếp tục sau đó là các thi phẩm Thân phận (1962) Lục bát (1968) Gió bấc trẻ nhỏ đóa hồng và dế (1970) Hơi thở ánh trăng và mặt đất (1974) Hương sắc mong manh (2006) tập truyện Trí nhớ hoang vu và khói (1970) và các tác phẩm sắp ấn hành Phương trời lưu viễn, Quê hương giữa đỉnh cao và hố thẳm, Lang thang vào thế giới Nghệ thuật, Lang thang vào thế giới Âm nhạc cổ điển…

Trước 1975, Hoài Khanh lưu trú ở Sài Gòn, làm thơ, viết văn, dịch thuật nhiều tác phẩm giá trị của các tác giả:
Krishnamurti. Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống.
W. Kaufmann. Nghệ thuật truyền thống và chân lý. Hermann Hesse. Tuổi trẻ băn khoăn.
Alan Paton. Tình yêu và màu da.
Colin Wilson. Quan điểm mới về triết hiện sinh.
Martin Heidegger. Buông xả.
Rene Fouere. Krishnamurti Cuộc đời và tư tưởng.
Perey M. Young. Tchaikovsky Cuộc đời và nghệ thuật, Beethoven Đời sống và âm nhạc…

Đồng thời, phụ trách thư ký tòa soạn tạp chí Giữ thơm quê mẹ, trông coi nhà xuất bản Ca Dao. Sau 1975 thì quy ẩn chốn miền Biên Hòa, nơi vườn Cô Liêu hiu quạnh màu sầu mộng, từ đó cho đến nay.

Không biết khởi sự tự bao giờ và do đâu, ngay từ thuở còn thanh xuân mới vào đời, thi nhân đã rơi xuống nguồn mạch sầu bi thiết.

Hồn cứ trôi dạt bập bềnh như một cánh lục bình, lưu linh lạc địa qua hàng ngàn bến sông đời rồi mà vẫn còn trên những nhịp sầu cô đơn, rờn lạnh ngậm ngùi.

Nghe những tiếng lòng tơ tưởng chợt tan vỡ thanh âm, trầm lặng dưới Dòng sông của tôi trôi chảy chẳng biết về đâu?:

Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian
Ta nghe lòng vỡ cung đàn
Hồn âm thanh rợn chiều hoang lá cành
Gió từng trận thổi đi nhanh
Rơi đôi chiếc lá và ngành trơ vơ
Sông xanh trầm biếc xa mờ
Một hình ảnh cũ ngày thơ ấu còn
Lạnh rồi tự buổi xanh non
Búp măng tơ ấy đã tròn gió sương
Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông đó sẽ buồn với tôi

Ơi chao! Não nùng sông với nước, sương với trăng, thấp thoáng ngàn năm bóng người xưa yêu dấu cũ. Em về em hiện miên man, nhạt nhòa trong héo úa mộng tàn phai áo não.

Trào tuôn một nỗi u buồn, ngút ngàn phiêu linh lãng đãng, chập chùng sương khói hoang vu, phủ xuống những nhịp cầu sông xa quạnh quẽ, đứng chờn vờn Trông theo, heo hút nắng vàng thu mờ lau lách xạc xào, xao xác gió mưa bay:

Bến sông này bến sông này
Trăng xưa phủ xuống hàng cây gục đầu
Người xưa chừ biết là đâu
Này trăng gió cũ này câu giã từ
Lối đi vàng nhạt mùa thu
Nghe lau lách động niềm u uất buồn
Mắt người mang cả quê hương
Lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm
Trăng chia niềm nhớ thì thầm
Lệ chia niềm nhớ ướt đầm núi sông

Sông núi ướt đầm niềm cảm thương ứa lệ, năm tháng đoạn trường chi lắm mà hai tròng mắt rưng rưng? Sầu ca chi mà đứt ruột đau ngầm, thâm u ám phủ phù sa trong rã rời xa vắng, dằng dặc một mối sầu vạn đại, không biết tâm sự cùng ai?

Còn chi ý nghĩa nữa đâu, khi mọi sự đều đóng băng cũ mốc, khô khan, nhạt nhẽo, khi nghèo đói, chết chóc, máu và nước mắt hằng ngày đang diễn ra trên khắp nẻo quê hương, dưới gầm trời bão loạn, đạn bom ác liệt giữa chiến trường tang tóc…

Nhìn đâu đâu cũng thấy phủ một màu tang chế, điêu linh, thê thảm. Thôi thì chỉ biết lặng thầm ngắm trăng nhìn gió, ngó nước chảy mây bay mà khơi vơi bày tỏ cùng nàng thơ não nùng, thùy mị rất mực gần gũi mà xa xôi trong nỗi buồn rưng rưng màu Ẩn ức:

Chiều xưa phố cũ lạnh dồn
Người đi mây trắng đầu thôn xế tà
Mỏi mòn gió những lần qua
Nhánh khô tàn đó cũng là mến thương
Đã lâu súng vẫn sa trường
Tàu đi ga vẫn một buồn đơn côi
Cũ rồi câu chuyện chia phôi
Nước sông xanh đó vẫn trôi lặng lờ
Suốt đời tôi chỉ làm thơ
Buồn không thể nói bây giờ than van

Làm thơ suốt đời như một nghiệp mệnh. Vâng, thi nhân là kẻ làm thơ, kẻ du sỹ lang thang ngàn năm trong thế giới ngôn từ diễm lệ, để hát lên những sầu khúc bi ca hay hoan lạc về nỗi buồn tuyệt vọng, rong rêu theo dòng sông ngày tháng vô tình.

Hình ảnh dòng sông xưa, con đò cũ là biểu tượng dòng sông đời sống trôi chảy mãi không ngừng, những chuyện đời chuyển dịch, đến rồi đi, gặp gỡ rồi ly biệt vẫn thường xuyên xuất hiện trên những dòng thơ bảng lảng hoàng hôn tựa như tranh thủy mặc. Lặng lẽ một vẻ gì ẩn ức, ray rứt, u uẩn, u buồn như Qua bến đò chiều:

Chiều em qua một bến đò heo hút
Áo còn bay rờn lạnh cuối sông dài
Ngày còn lạnh như lòng chưa đủ ấm
Tay vẫy chào nghe rợn cả tàn phai
Sông thì vẫn âm thầm trôi chảy mãi
Em có nghe lòng thoáng chút âm thầm?
Đời thì rộng biết còn chăng gặp nữa
Qua bến đò là qua cả ngàn năm
Con sông đó hãy muôn đời chứng giám
Nỗi buồn kia ai biết tự nơi nào?
Thì em cứ đi về phương hướng định
Như cuối trời thoáng rụng một vì sao

“Nỗi buồn kia ai biết tự nơi nào?”
Thi sỹ nêu lên câu hỏi như thế mà không cần phải giải đáp gì hết cả, vì làm sao nói được, trước biết bao thảm họa hoành sinh đang trút xuống những cuộc tương tàn, tương sát, kinh hoàng, tàn bạo của nhân loại?

Thiên hạ cứ mãi còn gây ra chiến tranh, chiến đấu, tiêu diệt lẫn nhau vì lý tưởng này, chủ nghĩa nọ…Cuộc chém giết đang diễn ra trên khắp mọi miền quê hương, xứ sở Việt Nam, gây biết bao những oan khiên, nghiệt ngã, những đọa đày, cay đắng trong rợn rùng đổ nát, tàn xiêu, khi nghe Những chiều tiếng súng nổ vang đùng khủng khiếp, tan hoang:

Trong chiều nắng mỏng phai tan
Cành nghiêng ngày xế điêu tàn dưới sâu
Tôi đi lặng một vũng sầu
Phất phơ hồn mộng biết đâu là mình
Sông rồi nước cũng lênh đênh
Mây rồi gió cũng bập bềnh dàn xa
Tay tôi bóp những chiều tà
Với cồn phố cũ với ga ven rừng
Với ngày tháng ở sau lưng
Yêu em lòng thấy vô cùng đớn đau
Xung quanh còn có gì đâu
Nghe ầm tiếng súng đời sâu dưới mồ

Khổ đau thống thiết chìm trong địa ngục trần gian u tối. Ôi em, hỡi em yêu dấu! Vì sao yêu em mà trong đáy lòng vẫn thấy đớn đau, quằn quại, sầu khổ vô cùng?

Có phải vì cuộc nội chiến đang kéo dài suốt mười mấy năm trời quá đỗi trầm thống, tang thương trên khắp mọi miền đất nước, để thi nhân lặng bàng hoàng nghe Tiếng quê hương nghẹn ngào, thảm não xiết bao:

Quê hương tôi ở chốn nào
Phải chăng Châu Á buồn đau ngút ngàn
Mẹ hiền sớm chít khăn tang
Màu hương khói lạnh đồng hoang chiến trường
Núi cao lạnh suốt trời sương
Sông sâu rờn cõi đoạn trường nhân sinh
Từng niên kỷ vỡ trên mình
Cành đa vẫn rụng mái đình hoang sơ
Một đời tôi mãi bơ vơ
Nhìn sông nước chảy và thơ ấu tàn

Tàn phai, tàn úa, tàn héo, tàn tạ, xót xa trên ánh mắt mẹ già tóc bạc, ràn rụa khóc thương con, còn đầu xanh tuổi trẻ mà sớm vội ra người thiên cổ.

Chao ơi! Trời cao đất rộng mà không có chỗ dung thân, cứ mãi bơ vơ, lạc lõng, long đong, chẳng biết về đâu giữa thiên địa, bàng hoàng...

Mang tâm trạng sầu mang mang đó, cho nên thi nhân vẫn lạc loài qua những nẻo độc hành, đơn chiếc, lẻ loi, bước lệch gót lữ dặm dài ngả nghiêng về lao đao, lảo đảo phố khuya buồn rời rã quá mong manh:

Phố khuya vọng bước tan tành
Ta đi lòng biết chẳng đành riêng tư
Lâu rồi vẫn một phù du
Ta cười giữa những ngục tù áo cơm

Tù ngục nào giam nhốt, vây khổn trong phù du ảo mộng, trong cuồng si, túy sinh mộng tử triền miên? Khiến thi nhân chạnh niềm cảm thương cho Thúy Kiều phải chịu đọa đày suốt mười lăm năm trời “lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.”

Phải chăng, đó là cái nghiệp mệnh của Thúy Kiều hay của muôn kiếp phù sinh bèo bọt giữa trầm luân khổ ải, trong cuộc mộng vô thường, dâu bể trần ai?

Có hay không, mộng hay thực…hỡi tồn sinh bức bách, để cho nhà thơ Hoài Khanh phải chạnh lòng, thâm cảm trong niềm trắc ẩn khôn nguôi mà thốt lên một câu hỏi sững sờ, cùng tuyệt thiết tha. Tự hỏi rồi bùi ngùi ngồi Nhớ Nguyễn Du:

Cõi nào giọng khởi nguyên vang
Nhánh khô trời muộn trôi tan mộng thầm
Súng còn vọng mãi trời căm
Rưng rưng mắt lệ nghìn tâm sự nào?
Mộng đời nát ngọc chìm châu
Bến mê vẫn rợn mấy màu trầm luân
Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Bấy nhiêu rồi nhỉ hỡi trần gian kia?
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
Cớ sao thiên hạ người ta
Vẫn chưa tròn một Quê Nhà Bao Dung?
Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng
Trong cơn trường mộng vô cùng thời gian?

Thời gian vô cùng, vô tận giữa đêm dài sinh tử, mù mịt vô minh, cứ mãi lềnh bềnh trên dòng sông nghiệp chướng, vương mang thân phận lạc nẻo xa nguồn.

Biết đâu là bờ bến, khi dòng đời cứ vẫn vô tình trôi mông lung, một cách lạnh lùng trong cô đơn, cóng buốt:

Cuộc đời cứ lạnh lùng qua
Cuộc tình người cứ dần dà xuôi trôi
Một đêm ngửa mặt trông trời
Hoang lương cõi lạ giọng người bỗng đau

Đau khổ, xao xuyến, đau đớn, quằn quại, trải qua suốt muôn chiều hoang mang xuôi ngược giữa thời buổi loạn ly, thi nhân thấy chính cái gọi là văn minh, tiến bộ, vô hồn máy móc kia đã tiêu diệt, giết hại hàng triệu triệu sinh linh.

Còn chi đâu ngoài nỗi Sầu thế kỷ điêu tàn phai úa, xiêu đổ tan hoang, rơi rụng hết trơn rồi:

Vào đời một trái tim côi
Bao phen rách nát giọng cười hỗn mang
Ai đâu một tấm lòng vàng
Hai mươi thế kỷ điêu tàn rồi chăng?
Người ta đang thoát căn phần
Văn minh cơ khí giết dần thương yêu
Tương lai vào một buổi chiều
Đời người rồi cũng xế chiều chao ôi!

Sự nhạy cảm của thi sỹ báo hiệu, tiên đoán một ngày mai sẽ tiêu điều, hiu hắt như thế. Buổi hoàng hôn nhân loại cũng sắp phủ trùm xuống mặt đất cằn khô này rồi.

Làm sao mà tránh khỏi não nề, tê tái? Làm sao mà không đau nhói một niềm chi hoài vọng, dư vang ngày tháng cũ dưới gót chân lữ thứ phong trần và lắng nghe nỗi ưu phiền, biển lệ máu sông, mộng mị từng cơn gió Trong giọt sương tan tàn rơi, rời rã phai nhòa:

Đã mòn mỏi cánh chim bay
Hồn thanh niên bỗng đêm ngày ngẩn ngơ
Và tôi hột cát xa mờ
Một đêm nào bỗng tình cờ sương tan
Đi sông bến lạnh lên ngàn
Khóc thời xa cũ đã tàn thanh âm
Ngùi nghe trái đất thì thầm
Nhỏ dòng máu lệ kiếp trầm luân sâu

Sầu khúc rung ngân, rờn rợn màu máu lệ, xót xa cho kiếp người cứ mãi luân hồi trong vòng trầm kha, khổ đế.
Mối sầu khốc liệt miên trường, ứa lệ cảm thương của thi nhân là nỗi sầu thiên cổ ngậm ngùi, âm vang lãng đãng, nhạt nhòa, chia phôi mấy ngã xa mù…

Hỡi phố cũ sông xưa giữa mùa trăng tàn đã xa như dĩ vãng, hỡi cung đàn em đêm nào còn vọng lại bản sầu ca quá khứ, lênh đênh trên sóng biếc nổi chìm, lấp loáng Màu lưu linh:

Chim bay tàn bóng xa mù
Thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi
Nằm đây lạnh suốt mặt trời
Hoài thương quá khứ đã ngùi phiêu linh
Phố xưa hồn đẫm lệ mình
Sông xưa triều đã lênh đênh mấy mùa
Nghe tàn cõi mộng hoang thưa
Con chim lại hót trên mùa lang thang
Mắt em hồ vỡ cung đàn
Thôi xuân nào cũng mộng tàn đêm thâu
Ngùi thương bóng nhỏ giọng sầu
Cõi kia cũng quạnh quẽ màu lưu linh

Màu lưu linh bồng bềnh một hình, một bóng, rong rêu lạc nẻo về. Vì sao như thế? Vì sao cứ mãi cô đơn, rờn lạnh trong nỗi buồn man dại, tái tê, mặc dù thi nhân vẫn chan chứa, vô lượng thương yêu người em gái huyền mộng diễm kiều?

Yêu trong nỗi sầu riêng biệt miên man, lang thang độc hành phố xá qua mấy ngã vàng lá rụng tàn thu, ủ rũ lệch Bóng sương bay:

Ngày sương thành phố dâng mùa
Bóng thu chìm tịnh cành thưa khởi vàng
Tôi hoài trên bước lang thang
Yêu em vô lượng mà man dại buồn
Tóc huyền đó lạnh như sương
Mắt huyền đó mộng bình thường không em
Mỗi đêm gió nhớ trăng tìm
Bãi sông triều dậy đi niềm chia phôi
Lòng anh chiếc bóng bên trời
Ôi con sông đó dài trôi lặng lờ
Tình anh cũng chỉ bơ vơ
Một dòng sông nhỏ mịt mờ bóng sương

Sương khói tỏa mù vây phủ âm u, sầu thảm đạm khôn nguôi, một nỗi sầu ngậm ngùi, rưng rức giữa cảnh xế chiều vàng vọt của Đông phương, loang rờn trên mặt đất, trần trụi, đuối mộng trầm mê.

Về đâu đây, khi tiếng hát lời ca đã tắt lịm trong lòng và cũng hết rồi những vấn vương, thương nhớ ngỡ ngàng.

Buổi xế tà của nhân loại quái ác đang bủa xuống mịt mù tím ngắt, nắng vàng tàn tạ quá đỗi lạnh se, le lói, rạc rời…Ơi em, ơi vạn hồn chiều phiêu hốt giữa hoang vắng lung linh:
Bao nhiêu tuổi bấy nhiêu tình
Bao nhiêu nguyện ước giận mình bấy nhiêu
Nhưng thôi buồn đã ra nhiều
Trong ta là vạn hồn chiều rưng rưng
Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi
Tiễn đưa thì tiễn đưa rồi
Nhớ thương thì nhớ thương rồi người ơi!

Thương thương, nhớ nhớ mênh mang những hồng nhan thục nữ, những thuyền quyên duyên dáng, những nàng thơ thùy mị, mỹ miều, đến rồi đi trong lặng lẽ, không nói một lời chi mà dư âm còn vọng hoài man mác.

Hoang mê nào dạo gót lữ lê thê, kể làm sao cho hết, những mộng tình diễm tuyệt đã vời xa, trôi chảy về cuối tận chân trời quên lãng mù tăm…

Hỡi những người em gái một thời ghé qua vườn hồn cô liêu, hiu quạnh, để bây giờ chỉ còn một mình thi nhân bồi hồi Ngồi lại bên cầu lắng nghe bao dòng nước chảy cuốn phù vân:

Người em gái trở về đây một bận
Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ
Tôi lẫn trốn vì biết mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ bay đi
Em thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
Màu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa
Thôi nước mắt đã ghi đời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân ta bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy
Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu

Em đến rồi đi như bèo dạt hoa trôi, vô tình lưu lại giọt sầu tương tư, mối tình hư ảo nào mà da diết, bùi ngùi xiết kể, không thể nguôi ngoai? Bàn tay thi nhân nhỏ quá làm sao bảo vệ, canh gác, nắm giữ được mùa hương sắc thanh xuân?

Đành bất lực đứng nhìn Hương sắc mong manh cứ dần dần phôi pha, rã rụng xuống nghẹn ngào, đổ gãy tiêu điều những tàn tạ phai úa, nát nhầu hết cả xưa sau:
Ai nghìn xưa ai nghìn sau
Tháng năm vàng xuống bờ lau tội tình
Thương làm sao nổi thân mình
Mà thương cho cả thế tình cũng đau
Bàn tay nhỏ quá đi rồi
Trái tim cũng lạnh cả trời mê hoang
Đem theo trăng nhớ rưng ngàn
Là đem theo cả điệu đàn quạnh hiu
Lang thang trong vạn hồn chiều
Nghe mùa gãy đổ dưới nhiều bến sông
Dưới nhiều bến sông đời nghe mùa lang thang gãy đổ, tàn xiêu chới với…Lời thơ nghe khắc khoải, bâng khuâng, nhức nhối một nỗi gì thấm thì, chia phôi nỗi sầu chết lặng, bàng hoàng như thế?

Tưởng chừng như nặng trĩu nhiêu khê, không cách gì thoát ra được, nhưng mà cũng may mắn thay, vẫn còn tình yêu vi diệu của người em thi ca và bằng hữu thâm tình, chí cốt đó đây là có thể làm cho thi nhân khuây khỏa ít nhiều, trên những dặm dài nghi ngút khói bụi, thì thào cùng cô lữ, lạnh cóng long đong niềm An ủi:

Bóng mây bọt nước qua cầu
Nửa đời thôi đã nát nhầu suy tư
Bây chừ thành phố mùa thu
Lá khô những lối hiền từ than van
Nhìn mây với nước xuôi tràn
Bước đi nghe vọng từng hàng tịch liêu
Thôi còn an ủi tình yêu
Bạn bè dăm đứa hắt hiu cuối trời

Cuối trời hiu hắt vẫn còn dăm thằng bạn chân tình, còn tình yêu dịu dàng của em và tân kỳ, hy hữu hơn nữa, nhất là vẫn còn thơ, một hồn thơ sâu thẳm, uyên nguyên, một trời thơ bát ngát bao trùm lên trên thiên địa vạn cổ sầu.
Hồn thơ huyền diệu đó đã đi về cứu độ, mở ra một phương trời cao rộng, thênh thang cho thi sỹ giữa chợ đời tráo trở, buôn bán, hơn thua…

Mùa xuân 1962, Hoài Khanh bỏ Biên Hòa lên Đà Lạt ăn tết với Phạm Công Thiện. Thời gian đó, Phạm Công Thiện đang dạy học tiếng Anh, mới 21 tuổi, sống nghệ sỹ phiêu bồng trên phố núi mù sương ấy.
Mấy ngày sau chia tay, thi sỹ làm bài thơ Xin chào Đà Lạt, mang mang sương khói bồng bềnh:

Em ở đó với bầu trời mây núi
Mùa đông sương rờn trên má hoa đào
Linh hồn ta mấy mươi mùa của suối
Lạnh vô cùng không biết tự phương nao
Chân ta bước trên con đường trở lại
Một lần xưa vi vút gió đầu cành
Sâu dưới đó lối mòn khe suối vắng
Bóng của mùa khẽ động tiếng lanh canh
Ôi đồi thông những chiều nghiêng nhớ nắng
Lòng ta trôi chiều cũ dưới chân đèo
Gió heo hút dường nghe niềm u hận
Em đi rồi ta vẫn đứng nhìn theo
Màu áo đó phất phơ màu vĩnh biệt
Bay về đâu xin còn lại linh hồn
Để ta giữ những chiều sương ám phủ
Của một đời luân lạc kiếp tha hương
Rồi thôi hết đất sẽ là vĩnh viễn
Bông hoa kia nở trên xứ điêu tàn
Tay yếu đuối ta sẽ còn nắm lại
Những lời gì xưa đã hết âm vang
 
Điêu tàn sụp đổ, chôn vùi hết mọi hoa mộng một thời hỗn loạn, tả tơi…Ơi Đà Lạt, nơi thi sỹ mến yêu hết lòng hết dạ như yêu nhạc Beethoven, Strauss, thích tranh Van Gogh, Picasso, ưa thiên nhiên, sông hồ, suối thác, ngàn thông liễu rũ ven đồi…

Rồi bẵng đi một thời gian dài, mấy chục năm sau, lặng lẽ thi sỹ đi về thăm lại phố núi cao nguyên với bao niềm ký ức, đong đưa huyễn vọng trong nỗi nhớ u hoài Mộng đời miên viễn, riêng tặng Phạm Công Thiện để nhớ những ngày tháng trên phố ngàn hoa:

Đà Lạt hỡi những lần ta trở lại
Thông vẫn xanh in bóng núi sương mù
Mây vẫn trắng dưới mặt hồ thao thiết
Lửa trong hồn có sáng cõi thâm u?
Có phải đó là mộng đời bất tuyệt
Nói cho ta ý nghĩa cuộc sinh tồn
Vì những đóa hoa nào thời trẻ dại
Hơn một lần phai nhạt sắc và hương…
Có phải đó là mộng đời phiêu hốt
Nói cùng ta qua đôi mắt mơ buồn
Khi em hiểu sương tan trên đầu núi
Là chuyện đời xiêu đổ dưới màn sương
Hoa vẫn nở bên nỗi đời xuôi ngược
Ta vẫn đi trở lại chốn qua rồi
Nhưng tìm mãi không thấy hồn muôn cũ
Không thấy gì chỉ thấy có mây trôi

“Không thấy gì chỉ thấy có mây trôi.” Ơi chao! Còn chi đâu mà thấy nữa, ngoài những cơn gió hư vô thổi thốc qua sa mạc đời khô khốc, rỗng tuếnh, khô khan trong bầy người tập thể lúc nhúc, lô nhô, xô đẩy nhau đi thi đua học tập theo định hướng, thi đua lao động, thi đua kinh doanh, thi đua đủ thứ lu bù…

Giọng thơ thổn thức, u uẩn nhưng tiềm ẩn thần hồn một ngọn lửa thiêng huyền ảo, tịch mịch. Chính nhờ vào thần lực của thi ca mà Hoài Khanh vụt đứng dậy một cách vững vàng, chứ không té ngã xuống vũng bùn lầy u tối, u sầu:

Một lần thương một lần đau
Vần thơ tuyệt diễm mắt nào không cay
Nước ơi! Sông vẫn còn đây
Hồn ơi! Thơ vẫn lên đầy không trung

Cũng nhờ hồn thơ mênh mông, lồng lộng đó mà người thi sỹ cô đơn khốc liệt đã vượt qua được biết bao gian nan, thử thách, não nề, để bước đi lên rừng xuống biển, đến tận chỗ sơn cùng lộ tuyệt thì đùng một cái, chợt hoát nhiên trực ngộ ra một điều quá giản dị, đơn sơ mà hoằng đại, thâm trầm:
Tâm thường trụ cõi thái hư
Trái tim máu chuyển dường như tội tình
Ngàn năm ôi chuyện tử sinh
Thoảng như một chú cá kình vẫy đuôi
Sáng trưng rực rỡ mặt trời
Vòng quay chung cuộc là rồi tối tăm
Ngàn năm ôi chuyện ngàn năm
Chỉ duy có một cái tâm mới là

Thế là trên cuộc lữ lang thang vạn lý sầu, bước đi của thi nhân đã chuyển sang một cung bậc đốn ngộ, trầm hùng, rung ngân bất tận. Ngân rung giữa trùng trùng duyên khởi với trời mây, bụi đất, rồi cuối cùng nhẹ nhàng về lặng im thư thả hòa ca:

Niềm im lặng của thiên nga
Là niềm im lặng của ta lạc loài
Niềm im lặng của mây trời
Là niềm đốn ngộ của loài thi nhân

Thiền sư thì ngộ đạo Tâm bất khả tư nghì, còn thi sỹ thì ngộ đạo Thơ cũng ly kỳ gay cấn, không thể nghĩ bàn.
Kể từ vô lượng kiếp đến nay đã từng trải qua ba chìm bảy nổi, biết bao nhiêu chuyện nặng nề, tham sân si đắm đuối hồng nhan, trĩu đầy nghiệp chướng đến quên cả đường về.
Rồi một hôm bất thần, vẳng nghe lời Đức Phật giảng Kim Cang kinh trong ánh bình minh thanh bình, tịch lặng:

Tham sân như cát sông Hằng
Đắm mê bóng sắc quên thân phận mình
Một hôm sực nhớ câu kinh
“Phải không chỗ trụ mà sinh tâm này”

Đấy là ý từ câu kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Nghĩa là khởi tâm trên tinh thần không chỗ trụ chấp, chẳng mắc dính vào âm thanh, sắc tướng, chẳng kẹt vướng vào danh từ, khái niệm nào cả, đừng để tâm mình dính mắc, ràng buộc vào bất cứ việc chi.

Chỉ một câu đó thôi mà chú tiều Huệ Năng trở thành Lục Tổ Huệ Năng và Hoài Khanh cũng thầm nghe ra những gì vi diệu trong tận đáy lòng sâu thẳm, rạt rào:

Ô hay cũng vẫn vườn xưa
Mà sao khác lạ như vừa tái sinh
Kiếp xưa nay có nguyên hình
Mà câu kinh cũ thình lình vọng âm
“Ưng vô sở trụ…kỳ tâm”
Mới hay vô trụ ngàn năm vẫn là
Vô sở trụ, vô sở cầu, vô sở đắc là những thanh âm sấm sét từ Kim Cang vang rền dữ dội, có thần lực bảo hộ tâm hồn, làm tăng thêm năng lực vô úy, uy hùng đối mặt với mọi gian tà, ma vương, quỷ sứ.

Giữa những thứ sân si, tham tàn, ác độc, thi nhân vẫn đứng sừng sững, vững vàng, vững chãi, không hề nao núng, sợ hãi hay dao động chi cả:
 
Những điều quỷ nói với ma
Là trong tính thể nghe ra chết chìm
Những điều bướm nói với chim
Là trong tính thể đậm niềm yêu thương
Những điều gió nói với sương
Là trong tính thể cội nguồn mênh mông
Những điều biển nói với sông
Là tâm ơi hãy bao dung độ trì
Dù đời có lạc đường đi
Tâm ta mà vững thì chi sá nào?

Vâng, có sá chi đâu những chuyện thế sự vô thường, phù du, hư huyễn, một khi mình đã hiểu thấu đáo “tất cả do tâm tạo” mà thôi.

Liễu ngộ rốt ráo một chữ tâm này là thấu thị vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt trên ngõ về im lặng hòa âm:

Ngàn năm hay vạn triệu năm
Người ta dẫu mất nhưng tâm vẫn còn
Như vậy tâm hồn, tâm thức, tâm linh là nền tảng căn bản cốt yếu, quan trọng nhất của mỗi một người trong tất cả chúng ta.

Chỉ cần thông suốt, thấu hiểu một chữ tâm này là thấu triệt đạo lý vi diệu…
Điều đó chứng tỏ, mọi sự đều do từ tâm mình thấy, tâm mình nghe, tâm mình tạo ra cả đấy thôi.
Ô kìa, trời xanh, mây trắng lồng lộng phong quang, rạng rỡ ánh đạo nhiệm mầu, bừng chiếu khắp nhân gian, thi nhân thưởng thức những làn hương ngan ngát Diệu Tâm thâm thúy, rực ngời:
Người về với ánh nhiệm mầu
Mấy ngàn năm đã qua cầu tử sinh
Đạo vàng ôi sắc hiển linh
Muôn đời vẫn vọng câu kinh độ trì
Muôn đời ánh đạo Từ Bi
Sẽ xua quỷ dữ sân si bạo tàn
Sẽ đem trả lại nhân gian
Cuộc sinh tồn ngát hoa vàng Từ tâm

Hoa vàng trổ ngát phất phơ bờ cỏ dại, nhà thơ thoải mái, thở phào nhẹ nhõm, mỉm cười tươi tắn giữa vườn Cô Liêu của mình, lặng im chiêm ngưỡng những vệt nắng lấp lánh, xanh vàng bên hiên chiều long lanh, óng ả và thốt nhiên, ồ lên một tiếng khi thấy được Chân Như, cỗi nguồn luôn luôn hằng hữu ngay nơi cõi lòng thanh tịnh, chớ chẳng ở đâu xa:

Thưa rằng trong cõi người ta
Tiến lên cũng có lúc sa xuống bùn
Xin đừng vọng tưởng xa phương
Trong ta hằng hữu cội nguồn Chân Như

Chân Như, Chân Tâm là lẽ thật muôn đời của vũ trụ nhân sinh, là thực tại hiện tiền, là sự tự do, tự tại luôn luôn có mặt, hằng hữu trong tất cả chúng ta.

Sự tự do có vẻ đẹp tuyệt vời ngay trong từng hơi thở, trên mỗi ánh nắng, giọt sương, áng mây, làn gió, đẹp mầu nhiệm, rực rỡ ứng vào thơ vào nhạc, hân hoan ca ngợi cuộc đời.

Chỉ cần chúng ta diệu dụng được là mặc sức hý lộng, phiêu bồng theo thể thái vô ngại, thảnh thơi:

Tự do là nắng của trời
Là mây của gió là lời của yêu
Tự do là sớm của chiều
Là xương của máu là triều của sông
Tự do là cá hóa long
Là tâm vô úy giữa lòng phù sinh
Tự do là mộng của thơ
Là tình yêu buổi ban sơ đẹp hoài
Tự do tuyệt lắm người ơi!
Mà loài độc ác muôn đời biết đâu
Tự do là sắc muôn màu
Trên đôi cánh hạc khởi đầu thiên di

Kỳ diệu như thế là bước đi huy hoàng, sáng tạo của sự tự do, chỉ có loại người vô cảm, tham tàn, ác độc mới phủ nhận sự tự do của con người.

Bài ca tự do, tự tại của thi nhân ngân vang, đồng vọng vút bay trên cánh hạc vàng, tung lượn lướt qua ngàn sông biển núi một cách thanh thản, an nhiên với một nụ cười thong dong, trầm lặng.

Sầu khúc Hoài Khanh, từ đây chuyển qua cung bậc hoan khúc, rung ngân tiếng thơ mới lạ, khơi dậy suối nguồn yêu thương bất tận, dâng trào và biết thưởng thức hương vị cô liêu của chính mình sau cuộc lữ phiêu du…

Du sỹ này đã nghe ra được điều đó, khi nhiều lần về thăm vườn Cô Liêu ở Biên Hòa của thi nhân cũng như nhiều lần cùng anh rong rêu, phiêu lãng ở Biên Hòa, Sài Gòn, Hội An, Mỹ Sơn, Non Nước, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Đà Nẵng…và đặc biệt, có lần nhà thơ ngao du ra tận Vô Trú Am, ngoài hải đảo Lại Sơn, Kiên Giang, ngút ngàn giữa trùng khơi vạn dặm thăm du sỹ.

Dù chỉ dăm bảy ngày thôi nhưng cũng đủ vang lên tiếng thơ trầm hùng giữa bát ngát đại dương…
Trước khi về lại đất liền, xin tiễn biệt thi sỹ bằng một bài thơ Sầu xanh vườn Cô Liêu này, theo thể điệu phiêu nhiên, lặng lẽ nhẹ vời:

Trót mang Thân phận* chơi vơi
Đi qua muôn dặm nỗi đời bể dâu
Một hôm Ngồi lại bên cầu*
Nhìn dòng nước chảy thấy sâu thẳm mình
Ngậm ngùi thi nghiệp phù sinh
Dâng rừng* dâng hết tâm tình cho ai?
Mà nghe lạnh buốt u hoài
Cỏ khô héo úa tàn phai mộng lành
Chao ơi! Hương sắc mong manh*
Tồn lưu cười khóc bao ngành ngọn qua
Mênh mông dòng Lục bát* hòa
Âm thầm trôi cuối mùa Ca dao về
Về đây ngay chính lòng quê
Sầu tan rã hết bên lề thế gian
Vô âm diệu dụng cung đàn
Cô liêu cùng tuyệt còn vang vọng huyền

Tâm Nhiên

* Thơ Hoài Khanh
* Bùi Giáng. Giảng luận về Chu Mạnh Trinh. Tân Việt xuất bản,. Sài Gòn 1959
Thơ Hoài Khanh trích trong các tác phẩm:
Thân phận. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn 1962
Lục bát. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn 1968
Gió bấc trẻ nhỏ đóa hồng và dế. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn 1970
Hương sắc mong manh. Thư Ấn Quán xuất bản, Hoa Kỳ 2006
Hình ảnh :
Với thi sỹ Hoài Khanh trong Vườn Cô Liêu của anh ở Biên Hoà, Đồng Nai (2. 2013)

Nguồn: ST facebook