Apr 24, 2024

Tùy bút - Bút ký

Tôi viết về Đỗ Hồng Ngọc
Trần Vấn Lệ * đăng lúc 02:25:21 PM, Mar 13, 2018 * Số lần xem: 1105
Hình ảnh
BS Đỗ Hồng Ngọc
#1

 



   

Ngày 19 Tháng Ba Năm Hai Ngàn Mười Tám Này



       
Ngày 19 tháng Ba năm 2018 này là ngày "chu niên" thứ Mười Chín của Vuông Chiếu - website của anh Luân Hoán, bạn cùng khóa SQTB 24 với tôi, là bạn của rất nhiều người yêu thich Thơ Luân Hoán hơn nửa Thế Kỷ rồi  (Luân Hoán làm thơ có tiếng tăm từ năm 1966...không biết đến bao giờ nữa, nhưng dù hơn Nửa Thế Kỷ, thực tế thì tài thơ của Luân Hoán chạy dài...đã qua hai Thế Kỷ, 20 và 21), anh cho tôi biết anh sẽ "ưu ái" cho một bài viết xuôi của tôi...về chuyện gì cũng "ổn".  Tôi hứa mà cứ lê la hơn hai tuần rồi!  Hễ ngồi trước computer thì thơ nhảy ra như bầy cóc nhái để chiều hôm qua, rồi sáng hôm nay, anh lại email nhắc...Tôi thật đáng trách, đáng ghét...đáng bị trọng cấm lắm nhen!


Tôi vào đề như trên vì tôi muốn cò cưa, muốn "cân hồ", muốn câu giờ chớ tình ngay lý gian tôi không dám làm Luân Hoán bực bội đâu.  Anh đã từng đau vì mất một chân trên chiến trường ngày xưa, đã lâu lòng anh nguội, bây giờ mà "mất niềm tin" nơi tôi nữa thí chắc anh đau thêm?


Tôi có "cù nhày", xin anh xá tội nha, anh Luân Hoán!


*


Tôi viết về Đỗ Hồng Ngọc nè...


Đỗ Hồng Ngọc - Y khoa Bác Sĩ tốt nghiệp trường đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1969 , cũng là nhà thơ Đỗ Nghê (mà trong cuốn Sống Và Viết Với...của Nguiễn Ngu Í, cậu ruột của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, em ruột của Má ruột Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, lại viết bút danh của cháu mình là Đỗ Nga...)Thi sĩ Đỗ Nghê đã có nhiều tập thơ in thành sách, trước và sau biến cố Ba Mươi Tháng Bốn Năm Ngàn Chín Bảy Lăm:  Tình Người, Thơ Đỗ Nghê, Giữa Hoàng Hôn Xưa, Vòng Quanh, Thư Cho Bé Sơ Sanh & Những Bài Thơ Khác; mới nhất trong năm 2017 là tập Thơ Ngắn...mới toanh!  Văn sĩ Đỗ Hồng Ngọc không thấy có tập truyện hay cuốn tiểu thuyết nào, chỉ thấy "cái tài viết văn xuôi của chàng" là Tùy Bút.  Đỗ Hồng Ngọc ký tên thật là Đỗ Hồng Ngọc trên những tập Tùy Bút này: Gió Heo May Đã Về, Già ơi...Chào Bạn, Những Người Trẻ Lạ Lùng, Thư Gửi Người Bận Rộn, Như Thị, Cũng Chẳng Khoái Ru, Nhớ Đến Một Người, Ăn Vóc Học Hay, Ghi Chép Lang Thang..., Nghĩ Từ Trái Tim, Gươm Báu Trao Tay, Ngàn Cánh Sen Biếc, Một Hôm Gặp Lại.  Chắc chắn trong tương lai gần, Đỗ Hồng Ngọc sẽ còn ra thêm vài cuốn nữa!


Năm 2016 tôi có chuyện về thăm gia đình ở Phan Thiết, tôi có gặp Đỗ Hồng Ngọc bằng-da-bằng-thịt tại Sài Gòn ngay lúc tôi vừa rời phi trường Tân Sơn Nhứt để về khách sạn.  Ôi bạn tôi...giống tôi:  Già!  Xa nhau từ năm 1955 đến năm 2016 mới gặp lại, ai còn sống mà không già khú đế?  Tay bắt mặt mừng, và khách sáo như không khách sáo: Cả hai đều ứa nước mắt.  Cả hai đều gọi tên nhau như...hổi nhỏ:  Ồ Ngọc!  Ồ Lệ!  Rồi, trước khi cầm đũa bữa cơm trưa, hai đứa mặc kệ lu bù người khách mời của BS Đỗ Hồng Ngọc, hai đứa chúng tôi nhắc lại một vài chuyện của thời tí hon:  Trong lớp mìnhcó hai thằng trùng họ trùng tên, chỉ khác có tên lót là Đỗ Hồng Ngọc và Đỗ Hoàng Ngọc.  Đỗ Hồng Ngọc biến mất khỏi trường Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết từ niên khóa 1955-1956 trở đi...biền biệt.  Năm 1989, tôi mới thấy lại cái tên Đỗ Hồng Ngọc trên báo trong nước.  Đỗ Hoàng Ngọc thì chúng tôi xa nhau sau khi hết học Đệ Tứ Phan Bội Châu, Phan Thiết.  Năm 1967, tôi về nhận nhiệm vụ lính tại Tiểu Khu Bình Thuận, đeo lon Chuẩn Úy, tôi có thấy Đỗ Hoàng Ngọc mang lon Trung Úy.  Hình như nó không muốn...chào cấp dưới mà tôi cũng ngại chào cấp trên (vì phải chào đúng nghi thức nhà binh đối với tôi, anh chàng lính sữa).  Tôi có gặp lại lần nữa Đỗ Hoàng Ngọc, nó Đại Úy, ở khu Đại Úy, tôi thì khu Trung Úy; chúng tôi thấy nhau, không chào hỏi vì lệnh trại Giam G3 cấm mọi sự "liên hệ" .  Trại G3 sau có tên là Tổng Trại Tù Binh 8, chuyển dịch hoài hoài, tôi không biết Đỗ Hoàng Ngọc còn sống hay ra sao, sau đó, sau này...Nay, hội ngộ Đỗ Hồng Ngọc thật tình...cứ ngỡ mình gặp ma!  Thời gian như nước chảy qua, tại sao con người hay đi ngược lại nhỉ? Tìm gì trong quá khứ?  Những nụ cười thắm tươi?  Những giọt lệ đoanh tròng?  Ôi, tìm gì cũng được...cốt là thấy cái bóng cái hình của cố nhân! 


Viết tới đây, tôi sực nhớ mấy câu thơ của Hà Liên Tử trong tập Tiếng Bên Trời:

 

Mười năm xưa, mười năm sau

 

Một hình bóng cũ xóa màu thời gian

 

Cầm như đã lỡ nhip đàn

 

Cố nhân ôi bấy ngỡ ngàng cố nhân!

 

Giữa Đỗ Hồng Ngọc và tôi không đến nỗi nào như thế.  Tôi là một "tù binh" đã thành người ngoại quốc, Đỗ Hồng Ngọc về hưu lâu rồi, không dính dấp chính trị.  Đỗ Hồng Ngọc là một Thầy Thuốc, là một nhà văn...Tất cả "bình dị" trong cuộc tâm tình của tôi, người xa; bên các bạn, người trong cuộc bể dâu.  Chúng tôi nhắc diều tiên quyết Nguyễn Công Trứ từng dạy:  Thân còn chưa có, có chi danh?  Không nổ.  Không ai nổ.  Có cái "cục" gì mà nổ!  Lời của Thiên Chúa nói với Adam và Eva thật chí lý:  Ta tạo các ngươi từ đất, rồi các ngươi sẽ trở về với cát bụi...Cổng Vườn Địa Đàng đã khép rồi, vĩnh viễn!


Tôi đọc được trên báo Thế Giới Tiếp Thị phát hành tại Sài Gòn...mới, có bài Phỏng Vấn Bác Sĩ - Nhà Văn - Nhà Thơ Đỗ Hồng Ngọc, thấy như cái "duyên" bèn copy paste vào đây chơi cho vui:


Báo THẾ GIỚI TIẾP THỊ ONLINE
Thứ hai, 26/02/2018
20:10 GMT + 7

thegioitiepthi.vn

 

 Y khoa là một môn khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Nó gắn liền với thân và tâm của con người. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online như vậy nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Thế Giới Tiếp Thị Online: Là một người làm chuyên môn về khoa học có vẻ hơi khô khan, nhưng những tác phẩm của ông lại cho thấy ông là một nghệ sĩ khoáng đạt, trẻ trung và rất nhạy cảm. Vậy thực ra ông “ưa” con người nào của mình?


Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: 
Tôi “làm thơ” trước khi “làm bác sĩ”… Bác sĩ là một cái “nghề”, còn thơ là một cái “nghiệp”. Thời trung học, tôi đã có những bài thơ đăng báo. Nó tự nhiên mà đến. Nó gần như không học, gần như không “làm”. Khi đậu Tú tài II xong (năm 1962) thì tôi thi vào trường Y để học “làm bác sĩ’’. Vùng quê tôi nghèo, thiếu thầy thiếu thuốc, tôi nghĩ làm bác sĩ thì có thể giúp ích được cho mình và cho nhiều người hơn. Nhưng vì đam mê văn chương, tôi ghi danh học thêm bên Văn khoa, và sau đó còn học thêm bên Xã hội học. Thời đó, chỉ có y khoa, sư phạm và kỹ thuật Phú Thọ mới phải thi đầu vào, còn các ngành khác chỉ cần ghi danh học. Nên học thiệt là “sướng’’!

Chính học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã khuyên tôi nên học bác sĩ. Ông nói, làm bác sĩ giúp ích được cụ thể cho người, rồi chừng mươi năm hành nghề, có dịp tiếp xúc với bao cảnh đời, bao con người, nếu có tâm hồn nghệ thuật thì sẽ có thể viết văn. Nhiều nhà văn xuất thân bác sĩ như Sommerset Maugham, Tchekov, Cronin…

Y khoa là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Nó gắn liền với thân và tâm của con người. Mà cái gì đã liên quan đến con người thì luôn là một “nghệ thuật’’ chứ, phải không? Cho nên ngày nào y khoa trở thành hoàn toàn máy móc thì nguy cho con người lắm! Khi máy móc hóa hay thương mại hóa mối quan hệ “thầy thuốc – bệnh nhân’’ thì có nhiều vấn đề đặt ra.

Khi thực tập ca “đỡ đẻ” đầu tiên ở Bênh viện Từ Dũ (1965) tôi đã viết bài thơ “Thư cho bé sơ sinh’’. Tập thơ đầu tay của tôi, năm 1967, có tên là Tình Người, khi đang học năm thứ 5 tại Y khoa Đại học đường Saigon.

Tóm lại, y khoa không xa lạ với “một nghệ sĩ khoáng đạt, trẻ trung và nhạy cảm”.

Vậy  “Ưa con người nào của mình hơn” đâu cần phải trả lời nữa phải không?

 

Theo ông, nghề bác sĩ ở Việt Nam có thể coi là thiệt thòi không khi thu nhập và áp lực công việc chưa tương xứng?

– Tôi là một thầy thuốc già, cho phép hay nhắc chuyện xưa để “ôn cố tri tân” nhé. Thời tôi học Y phải 7 năm. Thi đầu vào không dễ, đậu chừng hơn 10%. Tôi còn nhớ ngoài những môn lý, hóa, sinh, sinh ngữ… thường lệ, còn có thêm 20 câu hỏi tổng quát về văn hóa… như âm nhạc, hội họa, sử, địa, về Biển Thước, Hoa Đà, Hải Thượng Lãn Ông, Hippocrate và những câu về đời sống xã hội như “giá gạo trên thị trường bao nhiêu một ký?”, “giá than trên thị trường bao nhiêu một ký?”… Rõ ràng là một cách thăm dò không chỉ kiến thức tổng quát của người thầy thuốc tương lai mà thăm dò cả sự hiểu biết về tình hình đời sống thực tế xung quanh.

Ra trường phải trình luận án để được cấp bằng Tiến sĩ Y khoa quốc gia (Doctorat en Medecine, Diplôme d’’Etat) và phải ghi danh vào Y sĩ đoàn (Chữ Y sĩ ở đây để chỉ người làm nghề y chớ không phải một cấp bực trung cấp trong ngành y như sau năm 1975). Y sĩ đoàn (nghiệp đoàn nghề nghiệp của bác sĩ) sẽ quản lý, giám sát nghề nghiệp cho bác sĩ, đảm bảo hành nghề đúng nghĩa vụ và lời thề Hippocrate khi tốt nghiệp, xử phạt khi có sai phạm, bênh vực khi bị oan khuất, hành hung… Nhờ hệ thống này, nghề y được tôn trọng vì họ luôn xử lý công bằng, tránh những ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, đỡ gánh nặng cho quản lý nhà nước, hành chánh. Tiếc thay, sau này không còn nữa nên nhiều vụ kiện tụng xảy ra, nhiều vụ bạo lực hành hung bác sĩ đáng tiếc!

Về đời sống bác sĩ, thì lương hướng khi ra trường với chỉ số 720 (học 7 năm) được khoảng 12 ngàn đồng (giá vàng thị trường là 9 ngàn) nên họ chỉ phải lo tập trung cho nghề nghiệp, sao cho giỏi, cho có đạo đức tốt, thăng tiến trong nghề nghiệp. Dĩ nhiên cũng có những vụ không hay… nhưng đều được Y sĩ đoàn xử lý thỏa đáng.

Ngày nay, bác sĩ học 6 năm, cũng “trầy vi tróc vẩy” nhưng ra trường được coi như ngang cấp cử nhân 4 năm, hệ số lương 2.34… gì đó nên nơi nào, người nào cũng phải lo “cải thiện đời sống”…  Dĩ nhiên bác sĩ thời nay nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học y học nên tài năng hơn chúng tôi ngày xưa nhiều. Sự vô lý ở chỗ một cử nhân 4 năm, học thêm 2 năm thì đã là “thạc sĩ” còn bác sĩ 6 năm thì coi như cử nhân!

Rõ ràng với nghề y ở Việt Nam ngày nay “thu nhập và áp lực công việc chưa tương xứng”, nhưng đáng ngại hơn là ngày càng nhiều vụ vi phạm đạo đức, càng nhiều vụ hành hung thầy thuốc không được giải quyết rốt ráo. Có cái gì đó bất thường ở đây trong mối tương quan thầy thuốc – bệnh nhân vốn đầm ấm từ ngày xa xưa.

Mối tương quan thầy thuốc – bệnh nhân đã có nhiều thay đổi, thưa bác sĩ?

– Thời xa xưa, thầy thuốc là “phù thủy”, mối quan hệ là bất bình đẳng, cha chú, gọi dạ bảo vâng. Rồi khi ngành y bị thương mại hóa, bệnh nhân trở thành khách hàng, người tiêu thụ (consumer) còn thầy thuốc thành người cung cấp dịch vụ (health care provider) thì “khách hàng là Thượng đế”, nên phải chiều chuộng bệnh nhân, cung cấp càng nhiều dịch vụ càng tốt để làm… kinh tế!

Mới đây, ở Mỹ đã có một phim báo động: Một nền y học vì đồng tiền (Money-driven Medicine). Cả hai mối tương quan đó đều không tốt, không phải. Ngày nay khuynh hướng là cần có sự hợp tác, đồng thuận hai chiều và cần tôn trọng tính tự chủ của hai bên (autonomy). Vì thế vai trò truyền thông giữa thầy thuốc bệnh nhân trở nên rất quyết định, nên đã có khái niệm “truyền thông trị liệu” (therapeutic communication).

Người thầy thuốc hôm nay cần có nền tảng văn hóa rộng. Học về truyền thông, về khoa học hành vi (tâm lý, xã hội, nhân chủng…), về giáo dục sức khỏe, nâng cao sức khỏe, quan tâm tới chất lượng cuộc sống chứ không chỉ biết chữa bệnh tật. Mô hình bệnh tật nay cũng đã thay đổi. Bệnh nhân ngày càng trở thành “thầy thuốc” cho chính mình, không bị lệ thuộc vào thầy vào thuốc như xưa. Thế nhưng cũng có những nguy cơ như dựa vào thông tin trên Internet bệnh nhân tự chẩn đoán, tự điều trị dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khác.

Một cuộc sống hạnh phúc, một cá nhân hạnh phúc, theo quan điểm của ông là gì?

– Có thứ hạnh phúc bền bỉ, lâu dài và có thứ hạnh phúc mong manh, chốc lát. Một người trúng số độc đắc sẽ rất hạnh phúc, một người đoạt vương miện hoa hậu sẽ rất hạnh phúc… Nhưng đó thường là hạnh phúc trong chốc lát, vì chẳng bao lâu nó bay biến… Hạnh phúc lâu dài thì đó chính là sự an lạc trong thân tâm. Có thể tóm trong mấy chữ là từ bi hỷ xả. Có tâm Từ ái thì tâm hồn luôn rộng mở, biết yêu mình, yêu người, yêu thiên nhiên, biết bảo về môi trường sống, môi trường văn hóa tốt đẹp; có tâm Bi mẫn thì biết sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ… Có tâm Hỷ thì xóa bỏ được lòng ghen ghét, ganh tỵ, hận thù và có tâm Xả thì biết đủ, kham nhẫn tri túc…Thứ hạnh phúc đó có thể sẻ chia, lan tỏa.
 

Hiện nay trong thời đại đầy bất trắc, lo âu, một số quốc gia đã đi tìm một thứ hạnh phúc bền bỉ lâu dài cho quốc dân qua khái niệm GNH (Gross National Happiness = Tổng hạnh phúc quốc gia) thay vì GNP (Gross National Product = Tổng sản phẩm quốc nội) là chỉ dựa trên tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Người ta nhận ra nhiều quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao mà người dân không có được hạnh phúc. GNH dựa trên 4 yếu tố chính: bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, sức khỏe và tuổi thọ, chánh quyền vì dân…

Tóm lại, hạnh phúc cá nhân quyện trong hạnh phúc tổng thể. 

Trân trọng cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ với bạn đọc Thế Giới Tiếp Thị Online.

HOA ĐINH

…………………………………………………………………………………..

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông – giáo dục sức khỏe, được biết đến với nhiều tư cách: bác sĩ, nhà văn; nhà thơ, nhà tư vấn tâm lý…

Ông đã xuất bản 40 tác phẩm với nhiều chủ đề, cho nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau. Một số tác phẩm của ông được tái bản nhiều lần và được công chúng yêu thích: Già ơi chào bạn, Gió heo may đã về, Thư gửi người bận rộn, Nghĩ từ trái tim, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, Những người trẻ lạ lùng, Viết cho tuổi mới lớn…


Đấy, các bạn biết ít nhiều về " sanh hoạt" của Đỗ Hồng Ngọc rồi nhé.  Gọi Đỗ Hồng Ngọc là Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc hay nhà thơ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, cũng "duyên" thôi.  Trong chuyến về của tôi sau hai mươi bảy năm "trời ơi đất hỡi", Đỗ Hồng Ngọc ký tặng cho tôi tập Tùy Bút mới nhất, Một Hôm Gặp Lại xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Văn Nghệ TP HCM VN.


Đây là một cuốn sách khá dày của Đỗ Hồng Ngọc, 300 trang, khổ sách, vuông vắn, dễ thương.  Đọc tùy bút của Đỗ Hồng Ngọc, nếu nhà văn Duyên Anh mà còn, chắc chắn Duyên Anh chỉ phán một câu:  "Sướng Rên Mé Đìu Hiu!".


Tôi từng "mê" tùy bút của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng.  Có nhiều năm rất chờ mong tác phẩm mới của Võ Phiến viết về Tùy Bút.  Nay đọc Một Hôm Gặp Lại...tôi thấy Tùy Bút là một thể văn đẹp, mềm mại, tao nhã không khác gì Thơ!  Xưa, xưa lắm Phạm Đình Hổ có cuốn Vũ Trung Tùy Bút...mô tả, cô đọng, hâm nóng chỉ vài ba giọt mưa trên tàu lá chuối mà đã ấm cả lòng người.  Bậy giờ đọc Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc, xếp sách mấy lần, gần hai năm tròn trịa, vẫn nghe lòng nao nao, êm ru và diệu vợi...Té ra bạn tôi là Khách-Đa-Tài! 

*

Tôi muốn viết một bài "nhận định" về cuốn Tùy Bút Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc, nhưng không thể rồi!  Một là tôi đang nghe trong người mình có chuyển biến không ưng bụng.  Nhìn qua những lọ thuốc bên cạnh nhớ sáng nay chưa uống thứ nào, hèn chi mà nó rêm mình! Là tôi phải đi uống thuốc vậy!  Hai là...giữ lời hứa với anh Luân Hoán, viết một bài và gửi qua Canada liền liền tú xuỵt, hẹn lâu quá nhen...Ôi chuyện gì cũng dang đở!  Hồ Dzếnh có bài thơ Ngập Ngừng, có hai câu như sấm...sét:  "Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở, tình mất vui khi đã vẹn câu thề!".  


Bạn đọc yêu quý ơi, hãy tìm cuốn Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc đọc đi...rồi đọc lại.  Nếu những lời tôi "mạ kền mạ bạc" về một "ông Bác Sĩ Viết Văn" là không đúng sự thật, xin nói cho tôi biết.  Và...cái câu "Biết Chết Liền" nghe thơm thảo cả một miền Nam yêu dấu!


Vậy nha...anh Luân Hoán!


Trần Vấn Lệ


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.