Mar 28, 2024

Tùy bút - Bút ký

Dễ Chi Quên Huế
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt * đăng lúc 11:28:57 PM, Mar 02, 2018 * Số lần xem: 1217
Hình ảnh
#1

 

 

Cho Huế

Nhân Ngày Kỷ Niệm 50 năm Mậu Thân 1968

Lời thưa:

 

Tôi viết bài này mười năm trước, hôm nay nhân ngày Hội Thừa Thiên Huế họp mặt Tân Niên Mậu Tuất/2018, kỷ niếm 50 năm Mậu Thân tang thương, tại San Jose, xin đăng lên trang saimonthidan.com , để chiêu niệm một thời với Huế, như thắp nén tâm nhang cho những nạn nhân của Cộng Sản, trong đó có Thầy tôi, bạn bè tôi và bao nhiêu người thân thương! Bằng tất cả cả tấm lòng chân kính.


DỄ CHI QUÊN HUẾ 

 

Trần Quốc Phiệt   


 "Ta cùng từ Huế đi ra...
  Thiên di vạn nẻo khó mà quên nhau"


Thuở còn là một cậu học trò nhỏ tí teo ở Thành Nội, học trường tiểu học Trần Quốc Toản, cái thông lệ là đi về cùng một vài con đường, năm này qua năm nọ thành thử thuộc lòng từ bụi cỏ, thành vách, ghế đá, hàng cây…Cùng bạn bè đi sớm hơn giờ vào lớp để vui đùa với nhau, khi thì vào nhà thờ Nguyền Phước Tộc hái đào, cây đào bên hông nhà thờ thật to và cao, phải dùng mẻ ngói mẻ sành liệng cho trái rớt xuống, khi thì đi ngang qua Ngự Viên lượm bàng, khi thì leo lên cành nhãn để bứt trái hay nhảy tường hông vào trong Tam Tòa hái me …tùy theo từng mùa của cây trái mà thay đổi lộ trình.  Tuổi trẻ với những nghịch ngợm hồn nhiên, vui đùa mà không phải là phá phách thái quá, không bao giờ quá ham chơi để trể học hoặc bỏ bê không làm bài tập ở nhà.

Vào những ngày nghỉ, hẹn nhau ra sân Lửa Hồng đá banh, hai phe,  một bên ở trần, một bên mặc áo, cột “mốc”gôn là hai đống áo quần, có khi là hai cái mũ hoặc hai cành lá cây cắm xuống đất, trận banh của trẻ con không cần đến ông trọng tài mặc đồ đen thổi còi, hai bên so tài với nhau tranh thắng thua gay cấn, có lắm khi cãi cọ tùm lum.
 
Nếu không chơi được ở sân Lửa Hồng thì sáp nhỏ kéo nhau qua sân cỏ dọc bờ hồ đại nội, thường là những cuộc thách đấu giữa đường này đường kia hay phường này phường nọ.  Hai sân banh Lửa Hồng và Cột Cờ là địa điểm để chúng tôi tranh tài,  những cầu thủ tí hon đó về sau, khi trưởng thành cũng có một số người nỗi tiếng trong giới bóng tròn cố đô.

Thành phố thân thương cứ âm thầm già dần với thời gian, lớp lớp rêu xanh bám dày trên bệ thềm, trên thành quách, trên mái ngói của các cung điện, tháng năm trầm tư phơi gan cùng tuế nguyệt,  tuổi trẻ vô tư lự, mộng ban sơ, mắt ngơ ngác, cửa lòng để ngỏ, cuộc đời trước mắt như một bài thơ, êm đềm như mặt nước hồ thu dưới ánh nắng vàng ruôm không dợn sóng.

Tuổi thơ lớn lên hồn nhiên, những ngôi trường tiểu học Thượng Tứ, Trần Quốc Toản, Trần Cao Vân …rồi trung học  Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương, Quốc Học, Kỹ Thuật…hoặc Bồ Đề, Bình Linh, Nguyền Du, Bán Công… loay hoay rồi cũng gặp nhau vào cuối tuần ở sân banh, quán cà phê, hay ngoài phố.

Tuổi thơ cũng lần nhạt phôi pha với thời gian dần dà đi tới, lớn lên từ thể xác tới tri thức, Huế như một gia đình lớn, loanh quanh xóm vắng đưòng gần rồi cũng gặp nhau, cái gì cũng thân thương trìu mến.

Không ngờ, sau những tháng năm thăng trầm đó đây, rồi lưu lạc đất khách quê người lại gặp nhau, anh bạn từng cùng lớp trường tiểu học, nhắc lại từng đứa, nhớ cả tên “cúng cơm” hoặc biệt danh thường gọi nhau, gợi lại những hình ảnh trường xưa thầy cũ, lòng bùi ngùi nhớ nhung.
 
Tuổi già những khi trà dư tửu hậu, cùng ôn kỷ niệm như dìu nhau về lối xưa, nơi thành phố quanh co thân thuộc. Quên làm sao được những ngày hè nóng bứt, dầm mình bến Thương Bạc, Phú Vân Lâu, Cầu Đông Ba, bến qua Gia Hội. Những chiều nắng thu vàng vọt nhạt nhòa mưa bụi lâm râm trên những con đường nội thành âm u huyền tích.

Những đêm hè nóng bức, học bài thi dưới ánh đèn đường, những mùa thi tìm nơi yên lặng “gạo” bài trong đại nội, nơi những dấu tích ngày nào, bước chân đi đâu cũng còn in vết giày tuổi thơ, một thời yên bình phẵng lặng.

Hình ảnh những con đường nhỏ trãi đá gồ ghề, giữa hai hàng chè tàu cắt xén phẳng phiu, những đêm trăng dạo xe đạp dưới những ngọn đèn đường lờ mờ trong thành, qua đường Âm Hồn những đêm mồng một, rằm khói hương nghi ngút.

Mường tượng khu Viện Bảo Tàng có hai hàng tượng đá văn vỏ đứng chầu, nét mặt nghiêm nghị đăm chiêu. Những khẩu súng thần công bằng đồng to lớn uy nghi, trục bánh xe gỗ chạm trổ công phu, mỹ thuật, những cổ đền với mái lượn tứ linh long lân quy phụng.

Huế với bốn mùa : thanh thản, bốc lửa, trầm ngâm đăm chiêu và ủ dột đìu hiu. 

Xuân thanh thản an bình giữa phong cảnh hửu tình đua sắc:  hoa mai, hoa đào, hoa sứ…cái thân quen an bình khi ngồi trong quán cà phê, nhìn ra bên ngoài những tà áo phất phới trong nắng mai, e thẹn dưới “bài thơ nón mỏng che đầu mỹ nhân”, hay lãng mạn hơn thì dìu nhau dạo chơi lăng tẩm đền đài thưởng lãm những cây cảnh lâu đời, thành cổ rêu phong dày cát bụi thời gian.

Hạ bốc lửa đỏ thắm với hoa phượng rụng rơi trên khắp nẻo đường, tiếng ve sầu thiết tha buồn man mác trong buổi trưa trời oi bức. Ngọn gió Lào hòa ánh nắng như thiêu giữa những ngày tháng Hạ rong chơi , ngồi câu cá dưới tàn cây bên hồ Tịnh Tâm, hồ Mưng…Hoa sen, hoa súng nở rộ trên mặt nước, mê mẩn với vài con chuồn chuồn kim chập chờn trên cánh bèo trôi lững thững, từng cánh bướm vàng bay lượn chập chờn tung tăng, nền trời xanh lơ, lững lờ mây trắng.

Thu đến với Huế qua sóng nước lăn tăn trong cảnh sen tàn nắng nhạt, hoàng hôn buồn chậm buông trên những thảm cỏ công viên, dọc hai bờ sông Hương, mưa bụi nhè nhẹ rơi trên đường phố rộn ràng, trên những vọng lâu cổ kính của Cố đô.

Đông thì Huế mưa dài mưa dai, “mưa như cầm chỉnh mà đổ”, sông Hương từ phẳng lặng trong vắt, có thể nhìn suốt tận đáy thấy cá lội, cọng rong, trở nên cuồn cuôn mênh mông, tràn bờ lênh láng. Nước dâng lên trên những con đường quanh các bờ hồ, cao thấp tùy từng cơn lũ. 

Mưa gió lạnh lùng là một đắc thù mùa Đông xứ Huế, lội nước lụt bì bõm trên những con đường nước đang lên cũng, cái thú vui đùa không những con trẻ mà cả người lớn. Những ngày dài mưa buồn rả rích, mưa ngày, mưa đêm triền miên với gió bấc lạnh lùng.

Quanh năm suốt tháng, những ngày cuối tuần, không hẹn hò, ai cũng tản bộ ra đường phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu….như những giờ phút thư giản đôi chân và “luyện thần” đôi mắt. Trang phục tươm tất, lui tới chừng ấy con đường, chào hỏi nhau một ngày trong tuần như tự trình diện và điểm danh đời xem ai còn hiện hữu trên thành phố đá bạc thành rêu.

Huế….Các bạn ơi, ai đã từng một thời với Huế mà không trải qua những hình ảnh này, tất thảy là những hình bóng đầy ắp kỷ niệm, dù lúc vui lúc buồn đều là bóng mát một chặng đời để lại nhiều dấu ấn, như những vần thơ vụng về thuở nào trao nhau, dẫu nét mực có phai nhạt theo thời gian nhưng lời thâm tình đã len vào tâm thức.

Huế là thế đó, gần gũi thân thiện. Bây giờ ở nơi xứ người thỉnh thoảng đi vào khu Việt Nam, gặp lại những người thấy quen quen, hỏi ra là Huế, cùng với nhau một thuở một thời, cái xứ ấm cúng xóm ngắn đường gần mở cửa là gặp nhau, cho nên lưu lạc lâu rồi vẫn còn ghi trong tiềm thức.

Khi đã mất đi rồi mới thấy tiếc nuối vọng về, dẫu sao là những con người từng lớn lên với Huế đã có cái may mắn được trầm minh tận hưởng tuổi hoa niên nơi cố đô văn vật với những điều kiện lịch sử và thiên nhiên phong phú đa dạng một thời.

Huế,  có muôn vàn lý thú trong kỷ niệm cuộc đời, Huế là nơi giữ gìn được nhiều nhất những di tích văn minh nghệ thuật,  truyền thống văn hóa dân tộc và nhân loại qua nhiều thời đại, hồi tưởng về Huế thấy lòng thấm thía da diết đến chừng nào, hồi tưởng về Huế để nhìn thấy quê hương mình, một quê hương chung của Tổ quốc.

Ai cũng có một ký ức tuổi thơ để vọng về, để hoài cảm nỗi nhớ niềm thương,  và tôi cũng không nằm ra ngoài cái thường tình ấy, nhưng có cái đặc biệt là tôi có hai mảnh trời tuổi thơ.  Nếu tính về gốc gác xuất xứ thì tôi chẵng dính dáng gì với Huế, cố đô văn vật đó.

 Quê hương tôi xa Huế về hướng Bắc hơn sáu chục cây số, ở một thôn làng nghèo nàn hẻo lánh, thời buổi tuổi tôi ai dám tính chuyện đi học Huế, nhưng với điều kiện xã hội, một xã hội mang đầy tính nhân ái bao dung, nhờ vậy tôi đã trở thành một cậu học trò giữa nơi đô hội.

Tôi đã trải qua thời thơ ấu non mười năm, rồi trưởng thành với vùng đất trời “con sông không rộng mà dài”… của Huế đẹp như bài thơ,  đầy mộng mơ, như những đàn chim bay chập chờn cạnh vòm mây dật dờ giữa khung trời nguyệt bạc.

Huế thân thương, tôi vẫn giữ mãi hình ảnh chú học trò của những năm tháng xa xưa, nó đã niú kéo nhắc nhở tôi qua ký ức …không bao giờ phai mờ, dù là chân trời góc bể.

Gần đây, khi nghe anh bạn thuở tuổi tóc xanh gọi từ một tiểu bang xa, cùng ở Hoa kỳ. Anh ấy, và tôi, và chúng ta, ai từng từ đó mà ra làm gì không rung cảm mỗi khi nhắc về ngày tháng cũ, thành phố xưa. Đó là cảm tác bài thơ của tôi, chỉ trích dẩn hai câu sau cùng để mở đầu cho bài viết này.
Huế thân thương, Huế của một thời, Huế của tuổi đời mới chớm, rồi xa Huế, nhớ Huế khôn cùng.

Huế, ở thì buồn, đi thì nhớ. Nhớ lắm, nhớ đáo để, nhớ da diết.

Trần Quốc Phiệt
2008

 
 See the source image
 
 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.