Mar 28, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Tản Mạn - Năm Tuất Nói Chuyện Chó
Thái Quốc Mưu * đăng lúc 04:44:50 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 1837
Hình ảnh
#1

 

Năm Tuất Nói Chuyện Chó


Thái Quốc Mưu


Trong các loài thú được nuôi dưỡng, chăm nom, gần gũi… Và, giúp ích cho con người nhiều nhất là Ngựa, Trâu, Bò, Chó... Ngựa kéo xe, Trâu, Bò làm nông, Chó giữ nhà… Nhưng, thông minh nhất là Chó, kế đến Ngựa, sau cùng là Trâu. Ngu nhất là Bò. Bởi thế, trong dân gian mới có thành ngữ: “Lạc đàng nắm đuôi Chó, lạc ngõ nắm đuôi Trâu”. Còn ngu, thì “Ngu như Bò”.


Có lẽ do Ngu, nên TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN dường như không có Thành Ngữ, Ca Dao nào nói về công lao của Bò (Có thể tôi chưa đọc hoặc nghe nói đến). Nhưng Bò để lại cho xã hội người một loại bánh biết cử động: “Bánh Bò” (Hi!). Ngoài ra, Bò còn có câu đối:


Xướng: BÒ ĐI ĐÁ NHẢY. Ai mà, vừa BÒ, vừa ĐI, vừa ĐÁ, vừa Nhảy được. Tôi xin bái làm Thầy!


Ban đầu, câu xướng BÒ ĐI ĐÁ NHẢY được xem là Tử Đối (không ai có thể đối được!)


Về sau, có một vị Đối: HÙM HÉT LA HÀ. Nghĩa là vừa HÙM, vừa HÉT, vừa LA, vừa HÀ. Một lúc mở miệng một lần để nói 4 tiếng ấy cùng lúc (Hùm là tiếng Hù, không phải Cọp).


Ngoài ra, hai câu đối trên còn một giại thoại như sau:


Ông nghè Thiện (người làng Lí Hoà, tỉnh Quảng Bình) và ông nghè Thống (làng La Hà, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau đi chơi, đến đoạn đường Đá Nhảy (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), hai người vừa nhảy vừa bò qua các tảng đá, và thách nhau ra câu đối. Một ông ra câu xướng: “Bò, Đi, Đá Nhảy”. Để mô tả động tác hai người đang vừa đi, vừa bò trên dốc Đá Nhảy. Khi lên xuống đồi, mệt, ngồi thở dốc, ông ra câu xướng nhìn người bạn mình nheo mắt như thách thức, ông còn lại bèn cười bí hiểm rồi đứng lên họa: Hùm, hét La Hà. Ý nói, con cọp hét (gầm) ở làng La Hà. Và, cũng là bốn âm thanh phát ra cùng lúc “vừa Hùm, vừa Hét, vừa La, vừa Hà” để đối lại bốn động tác của một người cùng một lúc  vùa Bò, vừa Đi, vừa Đá, vừa Nhảy.


Mỗi sáng, Trâu ra ngoài đồng ăn cỏ, chiều trở về chuồng, chuồng có hai cái cửa, Trâu chỉ đi vào cái cửa từ sang nó ra.


Trâu góp công lao to lớn trong sinh hoạt nhà nông, nên có nhiều câu Ca Dao, Thành Ngữ  nói về Trâu: Chẳng tham lắm ruộng nhiều Trâu, Chỉ tham ông lão tốt râu mà hiền / Trên đồng cạn dưới đồng sâu, Chồng cầy vợ cấy con Trâu đi bừa / Đường về đêm tối canh thâu, Nhìn anh tôi tưởng con Trâu đang cười / Thiệt tình hỏng phải ba hoa, Hôm qua tui thấy con gà đá Trâu, Gà đá Trâu bao lâu mới thắng, Trâu đá gà què cẳng con Trâu / Ai nói chăn Trâu là khổ? Tôi chăn nàng còn khổ hơn Trâu / (Câu nầy hết ý luôn! Hi!)…


Còn sự khôn ngoan của Ngựa, thì, nếu ai đó, dẫn một con Ngựa vào rừng sâu, bỏ nó ở đó, rồi ra về. Hôm sau, sẽ ngạc nhiên khi thấy nó đang đứng trong, hay ngoài chuồng. Rất nhiều câu Thành Ngữ, Tục Ngữ nói về Ngựa. Chẳng hạn, Một con Ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ / Mã đáo thành công / Ngựa non háu đá / Cỡi Ngựa xem hoa / Ngựa quen đường cũ / Ngưu tầm Ngưu mà tầm mã / Đầu Trâu mặt Ngựa / Da Ngựa bọc thây / Đơn thân, độc Mã /  Thiên binh vạn Mã / Tái ông thất Mã / Thay Ngựa giữa dòng / Tứ Mã phân thây / Lên xe, xuống Ngựa… Nhưng, câu “Nhất ngôn ký xuất, tứ Mã nan truy.” (Một lời buông ra bốn ngựa khó theo kịp). Ý nghĩa, để chỉ lời nói chắc chắn. Kẻ nói biết giữ lời,… Ngoài ra, còn có ý chỉ người đầy uy tín. Có lẽ được dùng nhiều hơn cả.


Giữa Ngựa và Chó có hai câu đối:


- “Ngựa KIM ăn cỏ CHỈ / Chó VÁ cắn thợ MAY” = Kim, Chỉ, Vá, May.


Câu đối trên, và, câu đáp dưới đây, được liệt vào hàng TỬ ĐỐI, bởi không ai có thể đối khác hơn được. “Nê Thổ Địa = Nê, Thổ, Địa đều có nghĩa đất / Thiết Kim Cang. = Thiết, Kim, Cang đều có nghĩa kim loại.


Bài nầy, người viết không chủ ý viết về bốn con vật nêu trên, chỉ lan man đôi dòng, để mở đầu bài TẢN MẠN - NĂM CHÓ, NÓI CHUYỆN CHÓ.


Con người biết Chó, trên 12 ngàn năm trước khi Chúa Jésu giáng sinh. Mãi 4 ngàn năm sau (tức 8 ngàn năm trước Chúa giáng sinh) Chó mới được thuần hóa và sống chung với con người. Hiện nay thì Chó ở khắp nơi, khắp chốn. Ngoài sự sống chung trong xã hội người, Chó thuần hóa còn lẫn lộn trong loài “Chó Má”.


Giống, loài nhà Chó thích ăn thịt, nhưng không hề ăn thịt nhau, chẳng sát hại nhau như loài “Chó Má!”. Nhưng, đặc biệt, sau khi sinh đẻ, Chó làm vệ sinh ổ đẻ cho con cái bằng cách ăn cứt chó con.


Chó rất thính mũi, thính tai. Do đó, người ta nuôi Chó để săn mồi, giữ nhà và chăn giữ các loại thú bốn chân khác, như ngựa, trườu, dê… Chó rất trung thành, con người nuôi chó để giữ nhà. Chó thông minh, khôn ngoan, được dạy dỗ làm xiếc, truy tầm hung thủ,…


Dòng họ nhà Chó có nhiều loại, nhiều và nổi danh nhất là Chó Sói. Sau khi được nuôi nấng và sống chung với người. Thì, bị thay tên đổi họ, thành CHÓ NHÀ!


Chó nhà có nhiều giống khác nhau: Chó mặt sói, mõm dài, nhọn, tai dựng thẳng lên, mặt xương xẩu, ít thịt. Chó mặt sư tử, mặt gấu… Mặt tròn, nhiều thịt, mõm ngắn, tai quập, trông rất hung tợn,…


Người ta gọi Chó Nhà tùy theo màu sắc lông của nó: Chó Cò, loại chó toàn lông trắng; Chó Mực, lông toàn đen; Chó Vá, lông có nhiều mảng không đồng đều, và, đôi khi “mảnh vá” khác màu nhau, giống như cái áo vá nhiều loại vải của dân nghèo, của dân Cái Bang; Chó Phèn, màu vàng như màu phèn của ruộng rẫy ở vùng nước lợ, sau khi nước rút cạn, khô, gốc rạ ửng màu vàng lươn, hoặc, vàng sậm; Chó Dện, lông xam xám, có sọc đen nhạt, quấn quanh hay lốm đốm khắp mình chó…


Giống chó Berger Đức cao to, khỏe mạnh, cực kỳ thông minh thường được các ngành Cảnh Sát, Quân Báo huấn luyện trong công tác tình báo Quân Báo, …


Loại chó nhỏ nhất gọi là chó lùn, chó cún,…


Chó chính thống có 4 chân, mỗi chân trước có 5 móng. Mỗi chân sau chỉ có 4 móng. Móng chó cong, nhọn hoắt, rắn chắc.


Chó thuần hóa (chó nhà) có hai loại chung sống với người.


Loại Chó 4 bốn chân. Đa số, các giống chó nầy đều ngực nở, bụng thon. Và, giống Chó Má, có hai chân, hai tay. Chân tay đều có 5 ngón.  Giống Chó nầy ngực lép bụng to, phệ, mặt tròn, to, bóng láng, dưới cằm có nọng như heo. Trông rất đần độn.


Cả hai giống Chó Nhà, Chó Má đều ăn tạp như nhau. Chó 4 chân ăn cả cứt. Trong khi Chó Má hơn hẳn chó bốn chân, ở điểm, Chó Má ăn tất cả những thứ mà chó bốn chân đã ăn. Và, ăn cả những thứ mà Chó bốn chân không thể ăn được!


Chó bốn chân có bộ óc thông minh, thính mũi, bản chất trung thành, chung thủy. Trong khi, bản chất của loài Chó Má thì tham lợi, hám danh, phi đạo đức, độc ác, vô liêm sỉ, hay phản bội, cực kỳ tinh ranh, hay mê mệt “chó cái” mới trưởng thành…


A. MỘT VÀI GIỐNG CHÓ:


- Border Collie hay Collie Biên Giới: Là giống chó chăn cừu đến từ Scotch Land. Giống Chó Border Collie là giống cực kỳ thông minh trong họ hàng Nhà Chó, chúng có khả năng tự lùa trườu đi ăn cỏ, lùa trườu về chuồng, tự tìm những con trườu đi lạc. Trong nhiều thế kỷ, chó Border Collie được coi là tài sản giá trị nhất của các mục đồng ở biên giới Scotch Land và Anh Quốc.


- Tibetan Mastiff (Chó Ngao Tây Tạng): Nặng trên 60kg và khi đứng có thể cao tới 75cm. Đầu lớn và bộ lông rất dày. Chó Ngao Tây Tạng phát triển khá chậm, chỉ có thể đạt kích thước tối đa khi tới 5 tuổi.


- Dogue de Bordeaux (Chó Ngao Pháp): Cân nặng trên 68kg và chiều cao khoảng 70cm. Những chú chó này đã từng suýt bị tuyệt chủng do nạn săn bắt vào đầu thế kỉ XX và phải nhờ sự nỗ lực của chính quyền, người dân thì giống chó nầy mới được bảo tồn đến ngày nay.


 image066


Dogue de Bordeaux


- Irish Wolfhound: Một giống chó của Iceland. Là một giống chó giữ nhà. Chiều cao gần 1m, cân nặng khoảng trên 50kg. Theo cuốn động vất hoang dã của Oliver Goldsmith năm 1796, khẳng định nguồn gốc Irish Wolfhound là giống chó săn hung dữ. Được xem là sư tử nhà. Khi cắn Irish Wolfhound có thể nghiền nát con mồi.


 image065


Irish Wolfhound


- Affenpinscher: Giống chó ở Đức. Vào thế kỷ XVII, được nuôi để bắt bọ chét trong bếp, chuồng trại hay chung quanh nhà. Cân nặng trên dưói 2-5kg. Affenpinscher là giống chó “Đẹp người, đẹp nết”.


 image067


Affenpinscher


- Chihuahua: Là giống chó của Mexico với cân nặng từ 1,5kg đến tối đa 2,2kg. Nguồn gốc chưa được xác định, người ta chỉ nhìn thấy trong các bức tranh tìm thấy ở Mexico có niên đại 300 năm trước công nguyên.


image068


Chihuahua


- Lịch Sử Chó Má: Sự sống trên trái đất bắt đầu từ 3.6 triệu năm về trước, sau khi trái đất đã hết nóng và nguội dần đi. Trong khoảng thời gian 3 tỉ năm, có thể trong thời gian đó, là có một sự thay đổi lớn về khí hậu, một loạt thực vật và sinh vật, đa tế bào xuất hiện. Khoảng 600 triệu năm trước, nhiều chủng loài, nay là tổ tiên của các sinh vật đã xuất hiện, và, trong số nầy có một chủng loài là tổ tiên xa của con người.


Trong số những khám phá về sinh vật hóa thạch thì những hóa thạch của con người và những chủng loài gần gũi là hiếm nhất. Vào thời điểm loài khủng long còn sống trên mặt đất, thì sinh vật giống loài khỉ đã bắt đầu xuất hiện - chúng là những sinh vật sống trên cây. Khoảng 55 triệu năm trước, tổ tiên của giống khỉ vượn đã phát triển bàn tay nắm và mắt nhìn hai hướng, và, có bộ não tương đối lớn. Những con khỉ đầu tiên đã xuất hiện kể từ 30 triệu năm trước, và giống dã nhân, xuất hiện sau đó, khoảng cách đây 10 triệu năm.


 Những chứng tích về hóa thạch cho thấy là con người đã thoát khỏi nhanh vóc dáng dã nhân vào khoảng 5 triệu năm trước. Xương hóa thạch của những tổ tiên đầu tiên của chúng ta được tìm thấy ở Đông và Nam Phi Châu.


Năm 1984, một nhóm các nhà nhân chủng học, do Richard Leaky dẫn đầu, đã tìm thấy bộ xương của một cậu bé 12 tuổi ở Hồ Turkana thuộc xứ Kenya. Bộ xương nầy có tuổi là 1.5 triệu năm và thuộc về chủng loài Homo erectus, có nghĩa là con người đứng thẳng. Sự xuất hiện của chủng loài nầy đem theo những thay đổi về dụng cụ làm việc làm bằng đá, từ những dụng cụ đẽo thô sơ đến những dụng cụ tinh xảo hơn như liềm, hay dụng cụ đào đất. Người Homo erectus thuộc giống dân du mục và cũng là những nhà thám hiểm, họ đi từ Phi Châu, qua tới Trung Hoa và đảo Java .


Sự phát triển giống người dài lâu qua nhiều tiến trình chuyển hóa hằng nhiều triệu năm… Nhưng, giống Chó Má, hiện hữu trên trái đất chưa lâu. Khoảng 4.000 năm trở lại (2018). Và, nó gắn liền với thời kỳ, triều đại Vua, Chúa xa xưa cho đến ngày nay. Đặc biệt, chúng càng ngày càng phát triển. Nhất  là Vùng Châu Á. Khổ! Sự phát triển của giống Chó Má đi ngược lại dòng phát triển, tiến bộ của con người.


Bất cứ Quốc Gia nào trên thế giới, mà, sản sinh ra nhiều giống, loài Chó Má, thì, đó là điều bất hạnh cho Dân Tộc, Đất Nước đó! Bởi, đầu óc của giống Chó Má chất chứa toàn cặn bã xã hội.

 

image002

Giống Chó Má


***


B. CÔNG DỤNG CỦA CHÓ:


Để chỉ những việc làm của loài Chó, người ta nhắm vào bản năng, rồi phát triển khả năng của nó, hoặc, “huấn luyện chuyên môn”, bản chất, bệnh tật,… của Chó ghép vào dòng giống Nhà Chó để hình thành một cái tên. Chẳng hạn: Chó săn > Chó để đi săn. / Chó dại > Chó điên thường hay cắn người. /Chó con, > Chó mới đẻ. / Chó ghẻ > Chó bị ghẻ hoặc để chửi mắng những kẻ dơ bẩn…


- Đặc biệt, CHÓ ĐẺ, thường, người ta không để chỉ con chó đang đẻ, mà, hai từ CHÓ ĐẺ dùng để mắng vào đầu bọn có dáng người, nhưng lòng dạ thuộc vào hàng Chó Má. Loại Chó Hai Chân.


Trong thập nhị chi: Chó đứng ở thứ 11, hàng áp chót. (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, TUẤT, Hợi. Còn, tháng TUẤT là tháng Chín của năm âm lịch.


Đương thời, “Dân số” các tộc chó trên thế giới, bao gồm cả loài Chó Má, hiện nay nhiều hơn dân số của đất nước Tàu phù hiểm độc.


Ở Sàigòn, vùng Gia Định có Đồng Chó Ngáp. Đó là cánh đồng bao la. Chó muốn chạy thẳng đường chim bay tới khi mệt đến “ngáp” cũng chưa tới phía bên kia cánh đồng.


Đồng bằng Nam Việt, nhờ dòng Cửu Long phát nguồn từ sông Mékong bên Tây Tạng, khi xuôi Nam, đến Nam Vang chia thành hai nhánh, bên hữu ngạn (bên phải) là sông Bassac chảy đến Việt Nam liền thay tên đổi họ thành Hậu Giang (Sông Hậu). Bên tả ngạn (bên trái) thay đổi giống dòng thành sông Tiền Giang.


Cả hai dòng sông Tiền, sông Hậu đều có chiều dài ngang ngửa nhau. Khoảng 250km.


Khi dòng chảy xuyên qua các tỉnh: Mộc Hóa, Định Tường (Mỹtho), Kiến Hòa (Bến Tre), An Giang, Phong Dinh (Cần Thơ), Vĩnh Long, Vĩnh Bình (Trà Vinh), Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Long An thì chia thành 9 cửa: Bassac, Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiêng, Cung Hầu, Định An và Tranh Đề. Thi nhau ào ạt chảy ra Thái Bình Dương. (Xin lỗi, do thay đổi thể thức hành chánh mới. Một số tên tỉnh thời Việt Nam Cộng Hòa, trên đây, đối chiếu với tên tinh mới bây giờ, tôi không biết).


Do chín dòng sông đều chảy vào vùng Châu Thổ, chuyên chở phù sa bồi đắp cho đồng bằng Nam Việt bao la rộng lớn, gần như… vô định. Bởi thế, có câu, đồng bằng Nam Việt “Cò bay thẳng cánh. Chó chạy cong đuôi”.


Nếu được huấn luyện công phu chó có thể nói tiếng người. Mời xem link:


https://www.youtube.com/watch?v=W7WP_X6cmZI


Người ta còn nuôi chó để bảo vệ trẻ em. Mời xem link:


https://www.youtube.com/watch?v=mzpfzcvTMQE


C. CHUYỆN MỘT CON CHÓ GIÀU TÌNH NGHĨA:


Ở Nhật có con Chó tên Hachiko là một chú Chó nhỏ, giống Nhật Bản, chào đời vào tháng 11/1923 ở tỉnh Akita, Nhật Bản. Chú Chó được Giáo Sư Ueno của trường Đại Học Tokyo nuôi dưỡng và coi như con ruột, vì gia đình ông không có con trai.


Cứ mỗi buổi sáng hàng ngày, Hachiko lại đi bộ với giáo sư Ueno Eizaburo đến Nhà Ga để tiễn ông lên tàu đi làm. Và cứ đến 3 giờ chiều, Hachiko lại ra Nhà Ga đợi ông về.


 image070


 Bức tượng đài chú chó Hachiko


Nhưng vào ngày 12/5/1925, giáo sư Ueno đã bị đột quỵ khi đang đứng trên giảng đường ở trường và mãi mãi không thể trở về. Còn Hachiko cứ như mọi ngày, vẫn đến nhà ga vào lúc 3 giờ chiều để đón chủ nhân về. Đã qua 3 giờ rất lâu, trời đã tối mà không thấy giáo sư về, Hachiko không hề nản lòng, vẫn kiên nhẫn chờ đợi.


Nhiều năm trôi qua, Hachiko vẫn có mặt đều đặn ở nhà ga vào lúc 3h chiều, mặc dù nó đã bị bệnh viêm khớp và quá già yếu. Điều gì đến cũng phải đến, ngày 8/3/1935, Hachiko gục chết tại chính cái nơi mà nó đã đứng đợi chủ nhân của mình, kết thúc 10 năm đợi chờ trong vô vọng.


Sau khi chú Chó Hachiko chết. Nhiều tờ báo đã đăng trên trang nhất về cái chết của Hachiko. Người ta đã quyên góp tiền để thuê nhà điêu khắc Ando Teru làm một bức tượng Hachiko bằng đồng, đặt ngay trong sân ga, nơi chú Chó đã đứng đợi chủ nhân trong gần 10 năm. Bức tượng bị lấy đi để làm vũ khí trong thời chiến tranh thế giới 2, nhưng được con trai Nhà Điêu Khắc Ando Teru làm lại vào năm 1948 và tồn tại ở ga Shibuya cho đến tận ngày hôm nay. (Theo Kiến Thức).


C. CA DAO, THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ, NÓI VỀ CHÓ:


“Chó đâu chó sủa chỗ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày. / Con chó chê khỉ lắm lông, khỉ lại chê con chó ăn dông nằm dài. / Chuột chê xó bếp chẳng ăn, chó chê nhà chật ra nằm bụi tre. / Con chó khóc đứng khóc ngồi, má ơi đi chợ mua tôi đồng riềng. / Nhà bà có con chó đen, người lạ nó cắn, người quen nó mừng. / Hát cho chó cắn bỏ lông, hát cho con gái bỏ chồng theo “tui”. / Sống được miếng dồi chó, thác được bó vàng tâm. / Mèo đàng, Chó điếm. / Hàm Chó, Vó Ngựa. / Chó chết chủ. / Chó đói. / Nai dạt móng, Chó le lưỡi. / Chó sủa ma. / Cây Chó đẻ (Đông Y gọi là Hạ Diệp Châu). / Chơi với Chó, Chó liếm mặt. / Chó sủa mặc Chó, đường ta ta cứ đi. / Chó cậy gần nhà, Gà cậy gần chuồng. / Nắng tháng ba, Chó Gà le lưỡi. / Chó ăn đá, Gà ăn muối. / Chó dại có mùa, người dạy quanh năm. / Chó khôn chớ cắn càn. / Chó không sủa, Chó cắn. / Chó giữ nhà, Mèo bắt Chuột. / Chó ngáp phải ruồi. / Chó chạy bàn độc. / Chó treo, Mèo đậy. / Mồm Chó, vó Ngựa. / Nhục như Chó. / Nói như Chó cắn ma. / Không có Chó, bắt Mèo ăn cứt. / Tham ăn như Chó. / Quen voi chớ sờ ngà / Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo" / Quen chó chớ sờ răng, quen voi chớ sớ ngà. / Treo đầu dê, bán thịt chó". Con gà cục tác là chanh, Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, Con chó khóc đứng, khóc ngồi, “Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng!" / Còn nhiều lắm! Rất nhiều…


D. DANH NGÔN NÓI VỀ CHÓ:


- Có ba người bạn trung thành: Một người vợ tấm cám, một con chó nuôi từ bé và một số tiền dự trữ. (There are three faithful friends: an old wife, an old dog, and ready money). - Benjamin Franklin       


 - Loài chó rất thông minh. Chúng bò vào một góc kín đáo và liếm viết thương và không ra ngoài thế giới cho tới khi chúng đã lành. (Dogs are wise. They crawl away into a quiet corner and lick their wounds and do not rejoin the world until they are whole once more). - Agatha Christie       


 - Chó có chủ nhân, mèo có người hầu. (Dogs have owners, cats have staff). Khuyết danh.       


- Chó là điều duy nhất trên trái đất yêu bạn hơn yêu chính nó. (A dog is the only thing on earth that loves you more than he loves himself). - Josh Billings.        


 - Tôi càng nhìn nhân loại, tôi càng thích chú chó của mình hơn. (The more I see of Mankind, the more I prefer my dog). - Blaise Pascal       


 - Thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nếu ai cũng có khả năng yêu thương vô điều kiện như loài chó. (The world would be a nicer place if everyone had the ability to love as unconditionally as a dog). - M. K. Clinton 


 - Chó không phải là toàn bộ cuộc sống của ta, nhưng chúng khiến cuộc sống của ta trở nên toàn vẹn. (Dogs are not our whole life, but they make our lives whole). - Roger Caras       


 - Tôi nhận ra rằng mỗi khi tôi mất một chú chó, nó mang đi theo một mảnh tim tôi, và mỗi chú chó mới đến với tôi lại tặng tôi một mảnh tim mình. Nếu tôi sống đủ lâu, tất cả tim tôi sẽ trở thành chúng, và tôi sẽ trở nên hào phóng và đầy yêu thương như chúng. (It came to me that every time I lose a dog they take a piece of my heart with them, and every new dog who comes into my life gifts me with a piece of their heart. If I live long enough, all the components of my heart will be dog, and I will become as generous and loving as they are). - Khuyết danh.         


- Chó sẽ dạy bạn tình yêu thương vô điều kiện. Nếu bạn có điều đó trong đời, cuộc sống hẳn sẽ không quá tồi tệ. (A dog will teach you unconditional love. If you can have that in your life, things won’t be too bad). - Robert Wagner.     


- Nếu không có chó ở Thiên đường, khi chết đi, tôi muốn đến nơi chúng đến. (If there are no dogs in Heaven, then when I die I want to go where they went). - Will Rogers.       


 E. ĂN THỊT CHÓ:


* Các Quốc Gia Ăn Thịt Chó Nhiều Nhất:


- Trung Quốc: Thịt chó là món ẩm thực có lịch sử lâu đời. Tại xã Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, hàng năm có hẳn một lễ hội giết chó được tổ chức vào dịp Hạ chí với số lượng khoảng 5.000 đến 15.000 con chó bị giết trong các ngày lễ này. Ở các thành phố miền nam Trung Quốc như Quảng Châu, thịt chó rất phổ biến và được chế biến thành nhiều món như lẩu chó, canh thịt chó, hoặc bít tết chó. Người Trung Quốc cho rằng thịt chó rất bổ dưỡng, ăn thịt chó vào mùa hè sẽ giúp toát mồ hôi.


- Indonesia: Ăn thịt chó liên quan đến truyền thống Batak Toba của người Indonesia. Ở đảo Sulawesi, Indonesia còn có khu chợ thực phẩm Tomohon chuyên giết mổ chó, chuột, khỉ, trăn...


- Philippines: Tại thủ đô Manila, luật pháp đặc biệt nghiêm cấm việc giết mổ và bán chó làm thịt, trừ các trường hợp nghiên cứu, hoặc kiểm soát số lượng động vật. Tuy nhiên, món thịt chó hầm asocena vẫn được bán ở một số tỉnh phía bắc Philippines. Thịt được ướp giấm trước khi rán và đảo đều với nước sốt cà chua. Thành phần không thể thiếu của món ăn này là gan vì giúp món ăn có độ quánh và thơm hơn.


- Đại Hàn: Người dân ở đây rất thích ăn thịt chó, đặc biệt có cả một “phố thịt chó” ở Seoul. Hằng năm, có khoảng 2,5 triệu con chó và mèo bị giết thịt ở Hàn Quốc với doanh thu lên đến 2 tỷ USD. Rất nhiều người Hàn Quốc ở tuổi trưởng thành cho rằng thịt chó là một trong những món ăn ngon nhất đối với họ. Khi mổ chó, họ hay cất giữ tủ lạnh và lấy ra dùng dần bằng cách nấu lẩu với các loại rau, nấm và được trình bày rất đẹp mắt. Tuy nhiên, món ăn này vướng phải sự phản đối gay gắt của các nhóm bảo vệ động vật và giới trẻ Hàn Quốc.


- Việt Nam: Chó là món ăn phổ biến ở nhiều nơi. Đặc biệt là người miền Bắc Việt Nam. Thịt chó được coi là món ăn giàu đạm và "giải đen".


- Mexico: Chó (được gọi là itzcuintlis) từ lâu được nuôi để làm thịt ở Mexico. Đã từ hàng trăm năm nay, ăn thịt chó là đặc trưng ẩm thực của nước này. Hiện nay, món ăn này vẫn phổ biến, đặc biệt ở những vùng nghèo.


- Hoa Kỳ: Ở Mỹ nghiêm cấm ăn thịt chó! Nhưng, người viết (TQMưu) nghe kể có những vị giết và ăn lén thịt chó. Trong đó có vài vị trong giới tu sĩ.


G. CHUYỆN TRÊN QUÊ CHA ĐẤT TỔ:


Dân Miền Bắc Việt Nam có số lượng người ăn thịt chó nhiều hơn dân Nam Kỳ Quốc. Trong khi Dân Miền Bắc công khai ăn thị chó, bán thịt chó, thì dân “Đồng Bằng Thẳng Cánh Cò Bay”, mỗi khi ăn thịt chó, thường, gần như lén lúc. Họ kín đáo rủ rê những người cùng phe cánh bằng ngôn ngữ ước lệ, “Hạ Cờ Tây”, “Nhậu thịt Cầy”… Bởi, họ sợ lời dị nghị của thôn xóm, “Ăn gì thất nhơn sát đức vậy cũng ăn!” Họ luôn tránh tiếng “Làm Chó” và thay bằng ba tiếng Làm Thịt Cầy.


Tôi (người viết) có đứa em gái con người Dì Ruột, lúc đó nó khoảng 13. 14 tuổi, cô nầy rất khoái ăn thịt Cầy. Một hôm nghe nói nhà ông Thường Xuyên (một chức danh ở Xã, sau đó gọi là Tùy Phái), cô ta mon men tới… chơi. Đến khi, các tay sát thủ, lôi cái bao bố (bao đựng 100kg gạo) từ trong buồng ra, đè đầu con  “cầy” nện cho vài búa. Sau khi con “Cầy” chết, họ tháo dây, kéo con “Cầy” ra. Cô em con Dì tôi thấy, nó hoảng hốt thét lên: “Ý! Trời ơi con Chó! Con Chó mà nói con Cầy!” Từ đó, không bao giờ nó ăn thịt “Cầy” nữa.


Lâu nay, tôi xem nhiều Video clips, thấy những người ở các tỉnh ngoài Bắc, đi ăn trộm chó, bị dân làng bắt được, đánh tàn nhẫn, đáng cho tê liệt. Không kể tình dân ộtc họ quyết tâm “đánh cho chừa”… Mới đây, cũng sự việc như vậy… Có tên trộm bị đánh chết… tươi ngay tại chỗ! Khi xem đến đọan đó, tôi giật thót người! Thì ra… Thì ra… bây giờ, mạng sống của một con người còn thua mạng sống của một con chó! Buồn thay!


Nhân NĂM CHÓ kể CHUYỆN CHÓ, người viết, sưu tầm, gom góp, cóp nhặt để cống hiến quý bạn đọc mua vui trong ban ngày Xuân.

Thân chúc, tất cả quý vị có một mùa xuân như pháo nổ. 

Atlanta, Feb/3/2018

Thái Quốc Mưu 

                        See the source image

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.