Apr 19, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Ngôn Ngữ Mới… Hành Trình Của Thơ Ca Tới Trái Tim Hay ...
Trương Đình Phượng * đăng lúc 12:09:55 AM, Nov 15, 2017 * Số lần xem: 1168

Ngôn Ngữ Mới… Hành Trình Của Thơ Ca Tới Trái Tim
Hay Sự Dị Dạng Của Thời Đại



truongdinhphuong


Thời gian không bao giờ ngừng và cuộc sống cũng theo dòng chảy ấy mà vận động. Mỗi ngày trôi qua con người lại muốn tìm tới những sự đổi mới, chúng ta, lột da cái cũ để khoác vào tấm áo hiện đại hơn. Từ khi con người xuất hiện trên trái đất, cũng là khi ngôn ngữ khởi sinh, nhu cầu tất yếu của sự sống, sự vận động của xã hội dẫn đến chữ viết ra đời. Và con người đã dùng chữ viết để ghi chép lại những hiện tượng sự việc diễn ra hàng ngày xung quanh mình. Tiến xa hơn, chúng ta sử dụng chữ viết để nói lên những mạch nguồn tâm tư của xã hội loài người, văn chương hình thành.

Trải qua hàng ngàn năm, bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhân loại, văn chương cũng theo đó mà biến đổi về cấu trúc và hình hài. Tuy nhiên cái cốt lõi nhất vẫn không mất đi, chính là, hàm lượng chất của “tình cảm” được biểu đạt thông qua những ngôn từ.

Đất nước Việt Nam đi qua bốn ngàn năm lịch sử, thì, đã mất gần ngàn năm bị đô hộ bởi người Phương Bắc, vì lẽ đó mà cấu trúc địa tầng văn chương của chúng ta ít nhiều đã bị đồng hóa theo người Trung Hoa. Thế nhưng với ý chí gìn giữ nền tự chủ của dân tộc cũng như tiếng nói của ông cha, dù các văn nhân xưa dùng chữ Hán để viết, thì cái tư tưởng trong văn họ vẫn thấm đượm hồn non sông xứ sở. Tuy nhiên dù thế nào thì chữ Hán vẫn là ngôn từ của dân ngoại, bởi vậy ông cha chúng ta đã tạo ra chữ Nôm, dù còn bị ảnh hưởng theo cấu trúc chữ Tàu nhưng phần nào đã mang hình hài “ dân tộc” của mình. Cho đến khi chữ quốc ngữ ra đời, nhờ công của giáo sỹ “ Alexandre de Rhodes (phiên âm tiếng Việt là A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ hay Cha Đắc Lộ, A-lếc-xăng Đơ-rốt” dân tộc Việt mới thật sự có chữ viết riêng của mình. Từ đây văn chương Việt Nam mới thật sự lột kén, thoát ly hẳn “bóng ma” của người Tàu.

Những năm đầu thế kỷ 20, văn học Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển mình chưa từng thấy trong lịch sử, từ văn xuôi tới thơ ca đã bước ra hẳn ngoài địa hạt cũ, để tiến xa hơn, đặt chân tới biên giới của sự hiện đại, điều đó nhờ vào dự du nhập của văn hóa Phương Tây. Lúc bấy giờ, những nhà văn nhà thơ như những con chim mới rời tổ say sưa hót theo thanh âm mới, một cuộc chiến cũ và mới diễn ra vô cùng “dữ dội”. Người ta chê bai cái nền văn học đã tồn tại bao đời của tổ tiên, họ muốn làm một cuộc cách mạng toàn diện, họ muốn khoác lên thân thể của dân tộc mình tấm áo hoàn toàn mới. Nhưng rồi, cuối cùng sau những cuộc chiến nảy lửa ấy họ nhận ra, dù viết theo phương thức nào, đi theo hướng đi nào thì, cái hồn vía của người Việt Nam cũng không thể lẫn với người ngoài. Bởi lẽ tình cảm, cuộc sống của người Việt, không hề giống với bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới này. Cuối cùng họ những con người của sự cách tân đã phải “thừa nhận” cũ và mới không có đường ranh nào rõ rệt, chỉ có cái “chân tình” trong văn chương mới thật sự là nền tảng để những tác phẩm sống mãi trong trái tim dân chúng.

Trong bối cành nước ta còn bị người Pháp đô hộ, và những tinh hoa của tiếng Việt đứng trước mối nguy cơ bị nền văn hóa Phương tây xâm thực đồng hóa, học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Chúng ta biết rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du, tuy là cốt truyện vay mượn của người Tàu, nhưng với tài năng xuất chúng, Nguyễn đã dùng chính ngôn ngữ của dân tộc Việt thổi hồn vào thể thơ lục bát, một thể thơ độc nhất vô nhị của riêng đất nước Việt Nam, tạo nên một kiệt tác thi ca có thể đứng ngang tầm những tác phẩm vĩ đại của toàn nhân loại. Vậy do đâu mà Truyện Kiều xứng đáng đứng vào hàng ngũ danh tác thế giới? Thưa rằng, bởi nó nói lên được tâm tư tình cảm phong phú của con người Việt Nam. Ngôn ngữ trong Truyện Kiều tuy là thứ ngôn ngữ bác học nhưng lại mang dáng dấp ngôn ngữ bình dân, nó gần gũi với tất cả mọi tầng lớp độc giả. Những câu thơ chứa chan cảm xúc, tình người ấy đã thẩm thấu vào bất cứ mọi trái tim tạo nên những rung cảm bất tận.

Đến thời đại hôm nay, bước sang thế kỷ 21, chúng ta những người cầm bút, đã và đang thực hiện một cú “xông phi” với ý định một lần nữa đại cách mạng văn chương. Những nhà thơ trẻ, hừng hực khí thế, vác tâm hồn mình vượt đèo cao núi dốc tìm tòi những tình sâu ý hiếm, từ lạ ngữ mới để biểu diễn “ý tưởng” hồn mình theo cái mà họ gọi là “triệt tiêu” sự lỗi thời.

Vậy thì sự đổi gam màu thi ca theo kiểu mới hiện nay có thật sự đem lại những “khung hồn hoàn hảo” hay không, hay chỉ tạo nên những mảnh hồn “ dị dạng”?
Theo cảm nhận chủ quan của cá nhân tôi, chúng ta, những người viết trẻ, đang loay hoay trong những khu rừng mịt mờ, chúng ta vung gươm múa kiếm như những gã kiếm khách cuồng, không ra một bài bản nào rõ rệt. Những ngôn ngữ mới được chúng ta lắp ráp theo một mô hình “trôn ốc”, mà khi những người mà chúng ta gọi là độc giả nhìn vào họ chỉ thấy một mớ rối rắm như cuốn chỉ bị vò nhàu.

Thơ ca giống như một nàng thiếu nữ, vẻ đẹp không phải chỉ dựa vào bộ quần áo lòe loẹt trên thân thể gợi cảm, mà “cốt tủy” là ở nội hàm tâm hồn.
Hãy đọc một câu thơ cũ:


“Hồn em như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo anh”
(Nguyễn Bính)

Có phải rất dễ cảm và dễ dàng ngấm vào sâu thẳm cõi hồn ta hay chăng?
Và một câu thơ mới:

“Hồn em như móng vuốt loài yêu tinh
Một đêm cấu nát trái tim ngục tù của tôi
Ôi nỗi đớn đau: thần diệu”
(Một tác giả mới )

Có phải gây ra sự ức chế cho người đọc lắm chăng? Chúng ta thấy gì sau mớ ngôn từ nhiễu loạn kia: một nỗi đau thấu tim, một sự cấu cào nát buồng gan cuống phổi hay chỉ là một dòng điện loạn chiều không thể chạm tới tâm tư người đọc?
Có một người bạn, một nhà thơ còn rất trẻ, nói với tôi “muốn thành công thì phải đổi mới, hãy lột xác hoàn toàn, đoạn tuyệt với lối viết đã tồn tại hàng ngàn năm trên mảnh đất hình chữ S này. Thơ của thời đại hôm nay, không phải là thứ thơ để hiểu, để diễn giải tâm tư tình cảm chung của con người theo kiểu có thể sờ mó được, mà bắt buộc người ta phải vắt óc đào sâu trí tuệ của mình mà cảm.”

Vâng, thơ hiện đại là để cảm. Thế thì cảm thế nào đây khi mà, mới bước vào người ta đã thấy một màn sương lạnh lẽo như nghĩa trang, dày đặc những tấm bia tâm hồn vô cảm.

Cá nhân tôi, đã từng thử bước ra khỏi ngôi nhà cảm xúc đơn thuần và bước vào khu vũ trường ngôn ngữ, sau mấy hôm nhảy nhót cuồng loạn trong đó, khi trở ra, tôi thấy mình như tên say rượu, chừng như quên mất đường về nhà, và tấm áo tôi mặc trên người giống y chang hằng hà những tấm áo thiên hạ đang mặc. Chúng ta đã và đang tự chui vào chiếc bao tải hỗn độn lũ vi trùng ngôn ngữ , như thế liệu chúng ta có bị ngộp thở vì bị bóp nghẹt yết hầu sáng tạo hay không?

Sự thay đổi là không tránh khỏi, bởi đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, nhưng sự thay đổi thái quá có lẽ sẽ chỉ đưa lại kết quả tồi tệ hơn mà thôi.
Chúng ta là người Việt Nam, vậy thì hãy dùng ngôn ngữ người Việt Nam, đừng vì bất cứ lý do gì, đem cái thứ ngôn từ ngoài hành tinh xa xôi nào đó “hãm hiếp” người đọc.

TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.