Mar 28, 2024

Truyện ngắn

Cầu Nào Cũng Bắc Qua Sông
Nguyệt Lãng * đăng lúc 12:34:35 AM, Oct 20, 2017 * Số lần xem: 1188
Hình ảnh
#1

Cầu Nào Cũng Bắc Qua Sông

 

Nguyệt Lãng






Lão Đậm có một chai rượu rất đặc biệt. Đặc biệt vì không phải ngâm với hà nàm, sâm nhung hay một vị thuốc nào quý hiếm, mà ngâm cả… một quãng đời của lão trong đó, hay nói đúng hơn là một phần thân thể của lão dù có người nói cái đó vốn thừa thải với một người đàn ông…

Mà thật vậy, đàn ông không có cái đó thì vẫn là đàn ông, nên Lão Đậm chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ghét bỏ mà lão thật sự trân trọng và dù khi lên cơn thèm rượu tột độ lão cũng không đụng tới một giọt trong chai… Lão giữ gìn như một báu vật… thành thử đã suốt ba mươi năm chai rượu chỉ bốc hơi chút đỉnh. Cái của… buồn cười ấy nằm trong chai lâu lắm rồi đến nỗi teo tái như hạt đậu khô.

Một bữa, đang chung chiếu rượu, bạn lão hỏi:

- Cái gì ngâm trong chai mà lão giữ kỹ quá vậy?

- Bí mật!…

- Đó là … cái giống chi? Rót cho anh em một ly thử coi!...

- Mấy ông muốn cái gì tui cũng chìu được, trừ cái đó

- Vậy thì cất đi, để chi thấy… ngứa con mắt!

Lão Đậm cười hề hề không tiết lộ điều riêng tư thiêng liêng của lão… còn bạn nhậu của lão thì tha hồ lục vấn, tha hồ nghi hoặc và thêu dệt đủ điều, có người nói đó là hột đậu ngàn năm có công dụng kéo dài tuổi thọ của con gái lão ở Châu Âu gởi về, có người nói đó là… con mắt rồng còn sót lại sau thời kỳ khủng long bay tuyệt chủng(!).

Những khi ngồi một mình lão thường đem ra ngắm nghía chai rượu rồi phá lên cười sặc sụa… Tại sao lại là , và lại rơi đúng vào cái chai rượu lão đang uống, chim ỉa miệng ve còn khó, kia mà …!

Lão Đậm là người sống nội tâm, lão muốn giữ tất cả để làm kỷ niệm, dù chẳng biết làm gì với mớ kỷ niệm hỗn độn đầy rẫy nỗi buồn. Lão giữ chai rượu không biết cho lão hay giữ cho thằng cháu ngoại nữa. Cả cuộc đời lận đận của lão và cái tuổi thơ đáng nguyền rủa của nó cũng nằm trong đó, bắt đầu từ bà ngoại nó rồi đến con mẹ nó. Bà ngoại nó chết sớm để lão một mình gà trống nuôi con, mới mười bốn tuổi đầu con mẹ nó nghe lời dụ dỗ của ai đó bỏ nhà đi, hai năm sau chửa hoang ôm gói về nhà báo hại lão phải nuôi đẻ và sau đó thì nuôi thằng cháu ngoại bất đắc dĩ, ta không ra ta tây chẳng giống tây, còn con gái mẹ của nó thì bỏ đi miết đến bây giờ cũng không thấy tăm hơi.

Cả xóm xúm lại dè bĩu lão nhưng cũng có người nói với lão rằng cháu ngoại mới đúng thiệt là cháu của mình. Thôi thì dù sao cũng máu mủ ruột thịt, nghĩ vậy nên lão không buồn nữa, và từ đó lão vất vả nuôi thằng cháu không một lời ca thán.

Thằng “Lai” - tên thằng cháu ngoại của lão - lớn dần theo… tửu lượng của lão, cả làng ai cũng biết danh và thán phục, họ phong lão là Tửu vương, cái danh hiệu ấy chỉ làm lão tốn thêm mồi, thêm rượu. Nhưng mà vui.

Đó là cả một chuỗi kỷ niệm dài khó quên. Một hôm thằng cháu hỏi:

- Ông ngoại có muốn đi Mỹ chơi hông?

- Mỹ là… ở đâu?

- Là xứ Huê kỳ!

- Xe Huê kỳ thì tao biết, hồi đó ông Cả làng này cũng có một chiếc, nhớ đâu ổng mướn chú gì… làm “sốp-phơ”…?

- Ờ… cái xứ Huê kỳ làm ra cái xe Huê kỳ đó, ngoại đi hông?

- Đi thì… đi!

- Mai mốt con qua bển, làm có tiền về rước ngoại qua chơi, há?

Rồi một ngày kia, thằng cháu của lão cũng được về với cội nguồn đích thực của nó ở bên kia bờ Thái Bình Dương, đúng như khi vợ chồng một ông chủ ở thành phố xuống mua nó về làm con để được xuất cảnh đi Mỹ theo diện con lai, hứa. Một ông bạn nhậu an ủi lão thôi thì để cho nó được hưởng những gì nó có thể, nhưng lão sĩ diện không muốn mang tiếng là … bán cháu!..

Lão Đậm chẳng biết làm gì với số tiền ông chủ ở thành phố đưa, lão giao hết cho bà con làm chiếc cầu bê-tông bắc qua con rạch nơi có lần thằng cháu của lão té thiếu chút nữa mất mạng. Âu cũng là việc tốt nhất mà lão có thể làm.

Vậy mà đến mười năm, thằng cháu ngoại lớn xộn mới về thăm lão. Hôm gặp nó lão nhìn mãi mới nhận ra. Hồi nó mới đi mặt mày chỉ lún phún lông tơ, bây giờ râu ria xồm xoàm, da dẻ trắng bóc giống như hột mít luộc. Cũng may, con mẹ nó lấy thằng Tây trắng chứ không thôi lão khó mà nhận ra nó trong cái bóng tối lù mù của gian bếp hẹp. Nó cười nhe hàm răng trắng xát, nói giọng lơ lớ:

- Con về rước ngoại đi Mỹ chơi đây.

- Bên đó có rượu đế cho tao uống hông?

- Có tất cả, thứ gì cũng có…

Đám bạn già của lão Đậm lần lượt qua đời còn lão thì vẫn sống nhăn răng ra, ngoài uống rượu vì buồn lão còn phải uống rượu vì… vui! Chẳng là ở tuổi gần đất xa trời mà lão còn được thằng cháu rước qua bên Mỹ chơi cả tháng. Nó dẫn lão đi ta bà thế giới nhưng lão không nhớ nỗi một chỗ nào!

- Mầy nói ở Huê kỳ cái gì cũng có sao biểu mua cho ngoại miếng thịt luộc mà lâu không mua?

- Hỏng được đâu ngoại. Ở bên này người ta quý chó lắm, ai đánh chó còn bị phạt nữa đó.

- Láo vừa thôi con…

- Thì ngoại hỏi người ta xem.

- Hỏi ai bây giờ? Tao có biết tiếng tây tiếng u gì mà hỏi.

- Ngoại muốn nhậu thứ gì cũng có trừ thịt chó.

- Thì ra hôm trước mầy lừa ngoại?

- Nói vậy ngoại mới chịu đi!

- Bây giờ ngoại muốn nhậu gì, con mua?

- Mắm tôm đi. Mua cho ông ngoại miếng thịt ba rọi luộc chấm mắm tôm, đỡ ghiền…

Thằng cháu mua thứ mắm không mùi về nói đó là mắm tôm, không giống thứ mắm ở nhà mặn mòi hương vị quê hương.

Ở xứ tây, người ta có nhiều quyền nhưng không được quyền nhắc đến một thứ, đó là thịt chó. Thằng cháu lão nói thứ nhất là trẻ em, kế đến là phụ nữ, rồi là người già, rồi… đến chó và cuối cùng mới là đàn ông!...

Lão Đậm cười thầm, cái xứ gì kỳ cục, nhưng ít ra thì mình còn hơn con chó một bậc nhưng lại không được ăn thịt nó. Và cũng vì lý do đó mà lão đòi về sớm hơn dự định.

Những ngày ở trời tây, lão thấy nhớ mấy bạn già lắm, nhớ miếng thịt luộc béo ngậy cuộn lá mơ chấm mắm tôm thơm phức, nhứt là nhớ chai rượu đặc biệt của lão, chai rượu độc nhất vô nhị. Đúng là có một không hai vì nó là một phần máu thịt của lão…

Lão Đậm hãnh diện vì chuyến đi xa, nhưng lão không biết hãnh diện về cái gì nữa. Ai biểu lão kể chuyện cho nghe, lão chỉ cười hề hề vì có biết chi mà kể. Cuộc sống công nghiệp ở xứ người không huỡn đãi như xứ ta nên thời gian ở bên đó lão cứ ru rú trong nhà, bước ra đường ngộp bởi xe cộ, sợ lạc, một tháng gặp thằng cháu có mấy lần, biểu nó chở đi chơi song những điều hay lạ chỉ biết để trong bụng chớ không diễn tả được, chẳng biết là thành phố nào, con đường đó đặt tên chi! Chỗ nào cũng giống nhau, nhìn hoài phát chán. Về phứt đi cho rồi!

Một hôm, giữa cuộc rượu lão Đậm hỏi:

- Mấy chiến hữu này, hôm nay tui tiết lộ cho mấy ông bí mật về chai rượu nhé. Nhưng mấy ông phải trả lời cho tui biết ở dưới âm phủ có thịt cầy không, đã..?

- Không!

- Vì sao?

- Ông không nghe câu… thơ à?

- Thơ gì?

- … Sống trên đời không ăn miếng dồi chó, thác xuống âm phủ biết có hay không, sao?

- À ra vậy, nhưng không chắc lắm! Phải tìm một người thông thái để hỏi cho ra lẽ...

- Ừ, thì hỏi… nhưng mà ông phải tiết lộ cái cục gì trong chai rượu của ông đi chớ?

- Mấy ông nhớ không? Lúc tui nuôi thằng cháu ngoại lai của tui đó…

- Ừ, nhớ…

- Hồi đó nó khát sữa đòi bú, tui mắc nhậu không kịp đi pha cháo bèn vạch áo đưa vú cho nó bú…. mà tui đâu có sữa, bú hoài không có được cái chi nên nó nỗi cáu cắn một phát đứt phăng cái núm vú rồi phun vèo tọt vô chai rượu… Thấy chuyện cũng lạ tui để luôn vậy làm kỷ niệm…

Đám bạn nhậu của lão Đậm lắc đầu không tin, nhưng khi lão phanh áo chỉ vào một bên ngực, thấy vú của lão không còn đầu núm thì bỗng phá ra cười ngặt nghẽo… Lão Đậm cũng cười theo:

- … Bởi vậy những lúc hết rượu mấy ông đòi uống chai rượu đó tui đâu có cho…. Nào, bây giờ mấy ông nói cho tui biết đi, ở dưới âm phủ có thịt cầy không?

- Thôi để mai hãy nói…

Và cái ngày mai đó không bao giờ còn đến với lão Đậm nữa, lão chết gục trên bàn vì uống quá sức. Người ta tính năm đó lão được chín mươi chín tuổi… Thôi thì cũng đáng một nấm mồ. Nhưng cũng có người tiếc phải chi ráng thêm mấy tháng cho chẳn một trăm thì hay. Lại có người nói sống như vậy cũng đủ rồi, sống một ngày đáng sống còn hơn le lói như ngọn đèn sắp hết dầu, vô bổ, vô ích… ăn hết của thiên hạ mà chẳng làm được đám ôn chi thì sống cũng bằng thừa…

Ngày làm ma, đám bạn già mổ thịt một con cầy để tiển đưa lão. Họ đặt lên ban thờ dĩa thịt luộc trên có mấy miếng dồi chiên thơm lừng rồi lâm râm khấn vái:

- Ăn đi bạn già, dưới âm phủ biết có hay không?

- Lá mơ, riềng, sả, mắm tôm… món không thể thiếu. Ái chà, tui cũng muốn uống một ly.

Đám bạn già dọn một mâm ngồi nhậu ngay dưới linh sàng của lão, vô tư cười nói như lúc lão còn sống. Bỗng có người nhắc:

- Ê ta, còn chai rượu mắt rồng, lấy ra nhậu đi. Lão Đậm chết rồi để đó chi?

- Mắt rồng gì cha nội, đó là cái núm vú của lão…

- Vú mớm gì cũng làm ráo!

- Mà, sống như lão cũng sướng đó chớ?

Rồi người ta nhắc lại cuộc đời của lão, nhắc tới cây cầu lão đã bỏ tiền ra xây, nhờ đó mà từ nẫm đến nay không còn đứa học trò nào phải trợt chưn chết đuối, không có mẹ nào đi chợ đánh đổ gánh hàng, xe máy chạy bon bon, bà con bịnh hoạn có xe cấp cứu vô tận nhà rước đi. Lẽ ra cây cầu đó nên lấy tên lão mà đặt để biểu dương lão, qua đó mà nhân điển hình tiên tiến… để cho thiên hạ làm gương chớ không như thằng gì đó làm giám đốc nghỉ hưu có đóng góp chi cho xã hội?!

Trong khi đạo tỳ sắp sửa đóng kín miếng ván thiên, một tiếng săng rõ lớn làm xúc động mọi người. Một chiến hữu lén đưa chai rượu có cái đầu vú vào trong quan tài của lão. Mấy ông ngồi nhậu dưới linh sàng bật khóc làm cho nhiều người khóc theo.

Lúc động quan, thằng cháu ngoại lão mới về đến, nó không kịp nhìn mặt ông ngoại. Đứa cháu cố của lão thấy cha nó nức nỡ nó cũng khóc theo nhưng khóc bằng… tiếng tây làm mọi người cười ra nước mắt. Lúc khiêng lão ra gò, mấy chiến hữu cầm theo dĩa thịt, có ai đó nói thì thầm… ở dưới chắc chắn không có thịt cầy đâu, tụi mình ra đó nhậu tiếp với lão lần cuối.

Bỗng từ trong quan tài của Lão Đậm phát ra một tiếng giống như tiếng thở ra … Có người la lớn:

- Mấy ông buộc hổng chặt, xì ra rồi!...

- Giỡn hoài, lão khô đét lấy đâu mà xì?

Bọn phu đòn cười hà hà, cái quan tài nhẹ hêu, chắc là lão Đậm than thở vì “ở dưới” không có thịt cầy..!

Người ta khiêng lão Đậm qua chiếc cầu xây bằng tiền “bán” thằng cháu ngoại. Hai hàng đạo tỳ thong thả đi trên sàn bê-tông chắc chắn, ly rượu để trên nắp quan tài không đổ một giọt. Cũng may có chiếc cầu chớ không thì phải cực khổ đưa lão… sang ngang. Hồi đó đám đạo tỳ phải hè hụi lội sình để qua con rạch cạn, nhằm lúc nước lớn thì đỡ hơn nhưng phải có ai đó sẵn lòng cho mượn chiếc xuồng. Có người nói vui… bây giờ “chết sướng hơn hồi xưa”!

NL

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.