Apr 26, 2024

Truyện dài

Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 8] Mẹ già
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 10:59:17 AM, Jun 06, 2017 * Số lần xem: 2184
Hình ảnh
#1

Em về thương lấy mẹ già,
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công.
Chị giờ sống cũng như không
Coi như chị đã sang sông đắm đò.

(Lỡ bước sang ngang
Nguyễn Bính)

Một hôm, từ Rạch Giá về, khi qua “Đồn giữa”, đồn nằm giũa kinh Lỳnh Quỳnh và kinh Vàm Rầy, tôi qua mặt một đoàn xe máy cày khoảng hơn mười chiếc, đang nối đuôi nhau chạy cùng hướng với tôi. Tôi nói với thiếu úy Kiệt, ngồi bên cạnh:

-“Cha chả, tới mùa rồi, thiên hạ làm ăn dữ.”

Vùng ruộng của ông Chủ Ry, bỏ hoang từ thời chiến tranh Việt – Pháp tới giờ, được dân chúng cấy cày trồng lúa trở lại.

Các “chủ ruộng”, thật ra chủ ruộng là ông Chủ Ry, bây giờ ai muốn vô chỗ ruộng cũ của ông cày cấy thì cứ tự do, có ai cấm cản, khiếu nại gì đâu. Người làm ruộng chỉ cần xin ông thiếu tá quận trưởng Sầm Long hay ông phó quận trưởng Nguyễn Đức Nghiêm, một cái giấy phép tạm, dựa trên bản đồ quân sự 25 phần ngàn, từ “tọa độ” nầy, tới tọa độ kia, đủ bốn tọa độ cho khu ruộng canh tác. Vậy là được, chẳng ai kiểm soát gì cả. Các ông “chủ ruộng chia nhau mà làm, đừng “sinh chuyện” thì thôi. Giấy phép chỉ cho phép canh tác, không phải là chủ quyền hay bằng khoán, giá trị một năm.

Các ông “chủ ruộng” khi xin giấy phép có “trà nước” gì cho ông trưởng hoặc ông phó quận thì tôi không biết. Việc của họ, “xoi mói” mất lòng. Vả lại, có “chi” chút nào đó, cũng không đáng bao nhiêu đâu, bởi vì nếu cái “chi” đó “có giá” thì dân chúng cũng đồn đãi quá lắm. Đằng nầy, tôi không nghe dư luận gì cả.

Giấy tờ về phía “phe ta” quả thật không đáng gì. “Phía trong bưng”, không cấp giấy tờ gì cả, nhưng “chém đẹp” lắm. “Lưỡi gươm cách mạng” vừa bén vừa ngọt, “đi một đường” là ba chục ngàn trên mỗi xe máy cày; không có biên lai biên nhận gì hết. Xe nào đóng trễ, phải cọng thêm tiền phạt. Chậm nữa thì “cách mạng” gỡ con heo dầu. Khi nào “đóng đủ”, heo dầu mới được “cách mạng” trả lui. Gì chớ làm tiền dân thì ba đời vô sản thông minh không kém ai!”

Độc giả tính thử coi. Mỗi chiếc xe máy cày đóng ba chục ngàn. Khoảng trên ba chục chiếc xe máy cày ì-xèo suốt ngày đêm trong ấy, cán bộ+ kinh tài của “cách mạng” thu bao nhiêu tiền. Hơn một triệu bạc đấy. Cán bộ đem về nộp lại cho “cach mạng” bao nhiêu, “dằn túi” bao nhiêu? Hèn chi, cán bộ ở trong bưng bao nhiêu người không biết, nhưng trong hồ sơ trận liệt của tôi, số cán bộ kinh tài cũng không ít đâu. Nhiều cán bộ kinh tài rất “nhiệt tình công tác” cũng không có chi lạ, và cũng có người bị phe ta “giải hóa”.

Năm trước khi tôi hỏi chuyện thượng sĩ Sâm, trưởng cuộc cảnh sát xã Tân Hội, thuộc quận Kiên Tân, dưới quyền tôi, về việc máy cày hoạt động ở đồng Huệ Đức, dân chúng thường gọi là “đồng cho ngáp”, sát với xã Tân Hội, thượng sĩ Sâm báo cáo có khoảng hơn năm chục cái máy cày cày ở đồng nầy.

Thượng sĩ Sâm nói khi ông ta về xã nầy, ông có một mối lợi lớn: Bán dầu cho máy cày. Xe máy cày hoạt động 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần và suốt mùa cày, kéo dài ba, bốn tháng. Cứ một chiếc cày chạy 24 giờ, ngốn hết môt “phuy” dầu cặn. Thượng sĩ Sâm thuật lại. (Thuật nghe chơi chớ không phải khai):

-“Tui năn nỉ họ mua giúp dầu cho tui. Giá mỗi lít dầu là 12 đổng. Tui mua bên Tân Hiệp 10 dồng, kiếm được hai đồng, chưa trừ di chuyển bằng “trẹt” và công lao người làm mướn.”

Tôi cười, nói:

-“Coi chừng uống dầu nhiều quá tức bụng đó.”

-“Cũng tạm sống được, ông à!”

Thượng sĩ Sâm mắc nhiều lỗi đấy. Thì giờ đâu mà ông di mua bán dầu. Vậy là ông ta “ăn cắp” giờ làm viêc. Vì cái thế “trưởng cuộc” nên chủ máy cày phải mua dầu của ông: Vậy là tham gia “cạnh tranh thương trường”. Chắc chi mấy người làm công cho ông Sâm không phải là người trốn “quân dzịt, quân gà”, ấy là can tôi “tán trợ bất phục tòng” đấy.

Vậy mà bữa đó, tôi chẳng la rầy gì thượng sĩ Sâm cả. Không phải ông ta có “đấm mõm” tôi rồi, mà vì dầu ông Sâm mua là dầu của “Cha Lộc” – linh mục Nguyễn Bá Lộc, chánh xứ Kinh 1, một nhân vật nổi tiếng ở Cái Sắn –  và bà cô ruột “bà thủ tướng đại tướng”. Dầu nầy lại tuồng từ “Bộ Chỉ Huy IV Tiếp Vận ra. “Rút giây động rừng”; giây nầy là giây nylon, chắc lắm, rút mạnh mấy cũng không đứt. Rừng nầy là rừng già, gốc cây bự lắm. Chúa rừng là “Le roi and trois seigneurs” (1). Ngậm mồm lại cho yên!

Bây giờ, ở Vàm Rầy, chẳng có ông trưởng cuộc nào “phát huy sáng kiến” của thưõng sĩ Sâm cả. Mấy ông sĩ quan nầy còn trẻ, ham làm việc và cũng ham chơi, chẳng ông nào có óc “thương trường”. Vì vậy, mấy chục cái máy cày hoạt động ở trong, tự mua dầu mà chạy, chẳng ai dòm ngó tới. Dầu nầy, Việt Cộng ở trong cũng không dùng tới: Chúng nó đi bộ, có nơi, có khi dùng xuồng ba lá chớ không dùng máy móc có dầu cặn. Chính quyền an ninh ngoài nầy, khỏi phải theo dõi.

Tuy nhiên, những người đóng thuế cho Việt Cộng thì sao?

Theo nguyên tắc, trước hay sau khi – thường là sau khi – đóng thuế cho Việt Cộng, “nạn nhân” phải khai báo cho chính quyền Quốc Gia, xã trưởng, phó xã trưởng an ninh hay trưởng cuộc Cảnh Sát. Vậy là xong. Tuy nhiên, để xã giao, người đóng thuế cho Việt Cộng – chủ xe máy cày, mời những người nói trên một bữa nhậu. Đây cũng là trường hợp hậu “Lục Súc tranh công”: Heo kể công:

“Khiêng heo ra để lại giữa dòng,

                        Mọi việc xấu đều xong trơn trảy.”

Không cần phải heo, một con vịt xiêm, “sương sương” vài két bia “la-dze”. Dân Nam Bộ mà! Không quen với “không khí nhậu nhẹt” của dân miền Tây, tôi thường “trốn” các bữa nhậu nầy.

Mùa hè năm 1973, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có các chương trình thủy nông ở Kiên Giang: Truởng ty Thủy Nông Nguyễn Đăng Sa bận rộn với các công trình đào kinh, vét kinh ở phía nam dinh điền Cái Sắn. Một cái xáng đang vét kinh xáng Hà Tiên, đoạn gần thị xã thì nửa đêm bị Việt Cộng xuống đặt mình phá banh cái xáng. Công trình bị bỏ dở. Ở Vàm Rầy có chương trình đào “giếng đóng”. Trong đồng, đoạn gần ngã ba kinh xáng Hà Tiên – và kinh 1, có mấy toán người đang đóng mấy cái giếng.

Tò mò việc nầy, tôi tìm gặp ông chủ thầu đào kinh.

Khi tôi ngồi nói chuyện với ông chủ thầu, có cả ông phó quận trưởng Nguyễn Đức Nghiêm.

Giải thích công việc của mình, ông chủ thầu nói:

-“Nước ngọt là nguồn sống của dân chúng. Chính phủ cho đào giếng nước ở đây là có chủ trương như vậy.”

-“Đóng bao nhiêu giếng ở đây?” Phó Nghiêm hỏi.

Nhà thầu trả lời:

-“Tôi ký 5 cái. Nếu không có gì trở ngại, tôi sẽ ký hợp đồng đóng thêm.”

-“Chừng đó đủ làm ruộng không?” Tôi hỏi.

-“Làm sao đủ.” Nhà thầu trả lời. “Nước giếng được cái là không có phèn, sản lượng lúa cao hơn. Dùng nước kinh rửa phèn, phải mất nhiều năm.”

-“Chính phủ học theo Mỹ đấy. Bên Mỹ người ta không đào kinh rạch tùm lum như mình đây. “Đại nông canh tác” mà kinh rạch ngang dọc là trở ngại cho máy kéo.” Phó Nghiêm nói.

-“Vậy thì việc hôm trước, tui với ông phó nói chuyện vét kinh Xà Tón cho dân “Quảng Trị tui” coi như xong, khỏi làm.” Tôi nhắc lại chuyện cũ.

-“Chính phủ có cách giải quyết thôi. Họ có chuyên viên mà.” Phó Nghiêm giải thích.

Nhà thầu nói:

-“Kinh nghiệm của tôi, việc đào kinh dẫn nước ngọt tạo ra nhiều vùng dân cư với kinh tế lớn lắm. Các ông biết không, khi Tây đào kinh Cờ Đỏ, họ tạo ra được một nông trường trồng lúa rộng tới ba chục ngàn mẫu đấy. Lúa chở lên Saigon bằng các ghe chành, bến Bình Đông thêm nhiều chủ “chành”. Mấy năm nay chiến tranh, ruộng bên đó bỏ hoang hết.”

-“Đó là kinh Thạnh Tây, bên nầy là kinh Thạnh Đông là nguồn nước ngọt của vùng Cái Sắn. Kinh Núi Sập là nguồn nước ngọt của đồng Huệ Đức.” Phó Nghiêm nói.

Tôi hỏi:

-“Theo ông phó thấy, kinh Vĩnh Tế có vai trò gì không?”

-“Lớn lắm chứ! Nó là ranh giới giữa Việt Nam với Miên, không cho người Miên nổi loạn sang quấy phá người Việt ta. Nó làm cho nông nghiệp hai bên, ta cũng như Miên đều phát triển, giao thông từ Châu Đốc ra biển ngắn hơn, tiện hơn.” Ông phó Nghiêm giải thích.

-“Cũng bị cạn ở đoạn “Giang Thành dạ cổ” (2) rồi. Dân buôn lậu không chở hàng ngang qua đó được.” Tôi nói câu ấy là vì trung sĩ Ấu, Quân cảnh Tư pháp Hà Tiên và người bạn của Ấu, một “đệ tử” của ông Nguyễn Khoa Khương, trưởng ty Quan thuế Hà Tiên cho tôi biết như thế.

-“Có đào giếng, có dân Quảng Trị vô định cư. Tương lai Vàm Rầy chắc là phát triển lắm.” Tôi nói thêm.

Một lúc, tôi hỏi:

-“Ông phó coi, Vàm Rầy nầy, có phải là nơi “địa linh nhân kiệt không?”

-“Đại úy nghĩ sao mà nói thế?” Ông phó quận hỏi tôi.

-“Ông phó nghĩ thử coi, trước chiến tranh, Tây cho đào kinh Xà Tón, dẫn nước từ sông Hậu về. Ông Chủ Ry, ông Thầy Ban làm ruộng được, hơn chục ngàn mẫu. Vàm Rầy nầy phát triển lên không phải là nhờ đó sao!” Tôi giải thích.

-“Còn nhân kiệt?” Ông phó Nghiêm hỏi tôi.

-“Chị Tư Nết nầy. Bà lấy chồng khi ông ấy mới mang loon “quan hai”. Bây giờ ông là đại tướng. Đàn bà như thế ngoài Huế tui gọi là “làm quan cho chồng”. Với lại, trong phong trào “Cây đèn dầu” (3), bả là cánh tay mặt, tay trái của bà Nhu đó.” Tôi nói thêm.

-“Cũng chỉ mới một người – cho là như vậy đi.” Phó Nghiêm miễn cưỡng chấp nhận ý kiến tôi.

-“Mai đây, dân “Quảng trị tui” định cư ở đây, có bao nhiêu nhân kiệt.” Tôi cười, nói chừng.

-“Đại úy tin tưởng đồng bào quê hương mình dữ vậy sao?” Phó Nghiêm lại hỏi.

-“Không phải!” Tôi nói. “Đồng bào nào cũng người Việt cả thôi. Hễ “nhược thị minh thời” thì “Nhân tài tú phát”. (4). Kinh nghiệm của tui ở Cái Sắn như vậy. Đang làm việc trong văn phòng, bỗng nghe tiếng trực thăng xành xạch trên trời. Tưởng ông lớn nào tới, tôi chạy ra đón. Té ra tụi trong kinh, đi lính, lái trực thăng, công tác đâu đó, về ngang nhà, đáp xuống thăm cha mẹ. Hồi xưa, Cái Sắn bùn lầy nước đọng. Vậy mà mấy chục năm canh tác, khá giả, con cái được đi học, bị động viên, vô lính, làm ông lớn, ngon lành cả. Dân dinh điền đâu còn như xưa nữa.” Tôi lại giải thích.

-“Có cái tui chưa rõ!” Tôi nói tiếp.

-“Cái gì?” Ông phó Nghiêm hỏi.

-“Xứ mình, tự bắc chí Nam, có nhiều “mẹ bồng con”, là “nàng Tô thị”. Tại sao ngay xứ nầy, không có “Tô thị” mà có “Hòn phụ tử?” Tôi hỏi.

Ông nhà thầu cười:

-“Cái nầy tôi học ở Văn Khoa, có người hỏi ông Lê Văn Siêu rồi.”

-“Giáo sư Lê Văn Siêu?” Tôi hỏi.

-“Ông chứ ai. Ngày xưa, lưu dân vô Nam, đất thì rộng mà sình lầy, sậy đế, lau lách um tùm. Muốn phát hoang, người ta dùng phảng. Phảng là dụng cụ phát hoang đặc biệt của người miền Tây Nam bộ. Đọc Sơn Nam thì biết ngay. Cái phảng nặng lắm, phát hoang nhanh lắm. Chỉ có đàn ông sức lực mới dùng được. Nhìn chung, việc phát hoang là của người đàn ông, của con trai. Đàn bà phải ở nhà. Do đó, vai trò người đàn ông trong việc định cư, canh tác quan trọng hơn. Từ đó mới có “Hòn phụ tử” thay vì “Mẹ bồng con.”

-“Hay thế!” Tôi tán thán.

Một lúc, tôi nói thêm:

-“Tui khám phá ra cái nầy, mấy ông nghĩ sao? Miền Tây nầy nè! Nói chung là “sương lam chướng khí”. Buổi chiều, đi làm rẫy về, cơm nước xong, người đàn ông làm một chung rượu để lấy sức, tránh tật bệnh. Đầu tiên là một chung, lần hồi tới một chai, tới nữa là “nhậu chết bỏ”. Cái tật nhậu của dân Nam Bộ là từ đó mà ra chớ gì.”

Nói xong, tôi cười to, mấy người kia cũng cười theo.

Một lúc, phó Nghiêm cười:

-“Ông làm như ông là nhà xã hội học.”

Tôi cũng cười:

-“Đúng sai không biết, nhưng cái gì cũng có nguồn gốc. Cái tục “nhậu chết bỏ” cũng có cái gốc của nó chớ.”

&

Đang vui vẻ thì bỗng chiếc xe đò Saigon – Hà Tiên về ngang Cuộc Cảnh Sát thì dừng lại. Anh lơ xe vội vả chạy vào trong Cuộc rồi chạy ra.

Một lúc, trung sĩ Cảnh Sát “Tám Honda”, từ trong Cuộc đi vội ra, hướng về phía chúng tôi. Thiếu úy Chiếu hỏi:

-“Cái gì dzậy?”

-“Có thư Saigon gấp.” Tám Honda nói. Xong, anh ta đưa một phong bì cho thiếu úy Chiếu.

Đọc ngoài bì thư xong, thiếu úy Chiếu nói:

-“Thư nầy của nhà thầu.”

Ông nhà thầu nhận thư, mở ra. Hình như lá thư có mấy chữ, ngắn. Đọc xong, ông ta hớt hải:

-“Chết cha, má tôi đau nặng lắm. Tôi phải về gấp. Làm sao bây giờ.”

-“Mai ông đón xe Hà Tiên – Saigon về được chớ gì!” Ông Nghiêm nói.

-“Xe Hà Tiên lên tới trễ lắm, nhiều khi kẹt xe ở “bắc” nữa. Căng lắm. Làm sao tôi về với mẹ tôi bây giờ. Có chuyện gì chắc tôi không sống nỗi.” Ông nhà thầu than, mắt đỏ hoe, gần muốn khóc.

-“Ông thương mẹ lắm, phải không?” Tôi hỏi.

-“Mẹ là số một trên đời. Người Việt Nam mà!” Giọng ông ta như nghẹn ở cổ.

Tôi ngồi trầm ngâm một lúc. Cuối cùng, tôi nói:

-“Tôi có cách giúp ông. Trưa mai là ông tới Saigon rồi.”

-“Đại úy giúp tôi đi. Tôi muốn về sớm.” Ông nhà thầu nói.

-“Như thế nầy nè!” Tôi nói. “Bữa nay thứ Ba. Hai, Tư, Sáu là có máy bay Saigon – Kiên Lương của nhà máy xi măng Hà – Tiên. Máy bay chỉ có 6 chỗ thôi. Tôi xin một chỗ. Xin là được ngay. Dễ lắm; tôi thường lấy vé Nhà Máy cho nhà tôi về Saigon chơi! Mai ông cứ ra phi trường. Tới đó “Nhà Máy” có hỏi thì ông mới nói tên. Nhớ một điều.” Tôi ngưng nói.

-“Điều gì đại úy?” Ông nhà hầu hỏi.

-“Giám đốc Phước của Nhà Máy thường xã giao với phía Quân Đội vì bên đó họ giữ an ninh cho. Khi về, ông xách theo chai brandy, ngon thì Henessy cổ đen. Kẹt tiền thì chai Napoleon cũng được, đem biếu cho ông giám đốc. Đây chỉ là xã giao qua lại với nhau thôi. Mai mốt, nhà tôi đãi tiệc, có khi chả cũng xách rượu qua uống với nhau thôi!” Tôi giải thích.

-“Cám ơn đại úy. Tôi thiệt may mắn.” Ông nhà thầu cám ơn.

Tôi quay qua nói với thiếu úy Chiếu:

-“Ông vô Cuộc, gọi truyền tin, nói với tài xế Thành, qua “Nhà Máy”, gặp ông Chánh Sở Điều Hành, xin cho tôi một chỗ mai đi Saigon. Nói là “xin một chỗ”, đừng nói tên ai cả. Biểu nó chờ, khi nào Nhà Máy trả lời OK rồi mới về.”

Thiếu úy Chiếu vội vả đi vô Cuộc, làm theo lời tôi.

Quay qua ông nhà thầu, tôi nói:

-“Yên tâm rồi nghe. Chơi một chút rồi mình “tan hàng, cố gắng.” (5)

Ông phó Nghiêm hỏi ông nhà thầu:

-“Ông có học Văn Khoa?”

-“Ra trường mấy năm, tôi được đưa về toán cán sự xây cầu Bình Triệu. Có thì giờ tôi học Văn Khoa cho vui, sau khi tự học đậu tú tài. Tôi không theo chương trình của Khoa mà thích gì học nấy. Nhiều chứng chỉ hay lắm, nhiều giáo sư dạy cũng hay lắm.” Ông nhà thầu nói.

-“Tôi thích mấy môn về văn minh nhân loại: Lưỡng hà, cổ Hy – La, Ấn hay Trung Hoa.” Ông phó quận nói.

-“Mấy môn đó tôi có học hết. Càng học, tôi càng có ý tưởng “phản tôn giáo.” Ông nhà thầu nói.

-“Cái gì mà “phản tôn giáo”? Tôi hỏi.

-“Chẳng hạn như việc tôi thương mẹ tôi nè! Tôi thương mẹ lắm, từ thực tế cuộc sống, chớ không theo kinh điển.” Ông nhà thầu nói thêm.

-“Tôn giáo có mẹ. Mẹ nào?” Tôi lại hỏi.

-“Mẹ Maria của đạo Thiên Chúa, Quan Âm của đạo Phật. Ông biết không. Tâm lý con người ai cũng thương mẹ. Thành ra tôn giáo phải có mẹ để tín hữu dễ đến với tôn giáo. Nó cao hơn âm nhạc trong tôn giáo một bậc. Kinh kệ phải được ngâm nga, kèm theo những bài hát. Đó cũng là vấn đề lôi cuốn trong tôn giáo vậy.” Ông nhà thầu nói.

-“Thật không ngờ ông có những ý tưởng sâu sắc và triệt để khi phân tích tôn giáo như vậy. Nhận xét của ông làm mất cái tính thiêng liêng, huyền bí của tôn giáo, chắc mấy ông tu hành không ưa!” Tôi góp ý.

Ông phó quận cười:

-“Nói huỵch toẹt tới ruột gan người ta thì người ta ưa làm sao được.”

-“Như khi tôi làm việc ở Cái Sắn mà nói như vậy, không biết 27 ông cha ở đó, dằn tôi ra mấy khúc.” Tôi vừa nói vừa cười.

-“Theo truyền thống, người Việt Nam không thờ Phật trong nhà. Phật chỉ thờ ở chùa. Trong nhà chỉ thờ ông bà tổ tiên. Ông bà cũng linh thiêng, cũng có quyền năng siêu hình để giúp đỡ, cứu độ con cháu vậy.” Ông nhà thầu nhận xét.

-“Điều ấy là theo Nho phải không?” Tôi hỏi.

-“Không phải Nho. Nếu Nho, Lão thì người mình đã thờ Khổng tử, Lão Đam.” Một lúc ông nhà thầu nói tiếp. “Không tử chỉ thờ ở Văn Thánh, văn miếu. Lão Đam chỉ thờ ở miếu mạo. Còn như rước tượng Chúa vô nhà thì còn thờ ai nữa đâu!” Ông nhà thầu giải thích.

-“Những điều nầy ông học ở Văn khoa?” Tôi hỏi.

-“Văn khoa cũng có dạy. Giáo sư Lê Văn Siêu có nói trong “Văn minh Việt Nam”, Kim Định cũng nói trong nhiều tác phẩm. “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương” của Đào Duy Anh cũng có nói. Đọc hết những tác phẩm đó, tổng hợp lại, chính là cái ý tưởng tôi vừa nói ở trên. Riêng tôi, tôi tìm thây một điều nữa.” Ông nhà thầu nói.

-“Ông hay đấy. Tôi dạy văn chương, chăm vào thơ văn mà bỏ quên văn hóa, những điều như trong “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương”. Đi lính rồi, có thì giờ, muốn đọc lại thì sách mua không ra. Không lý chính quyền trong Nam nầy lại “kỵ” xuất bản sách các ông ở ngoài Bắc?”

Một lúc, ông phó quận hỏi ông nhà thầu:

-“Điều mà anh tìm thấy là cái gì?”

-“Có hai điều, ông phó. Thứ nhất, sự hy sinh của mẹ mình cho mình là lớn nhất. Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ. “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót là mà nằm”.
Nói sao cho hết… Tôi thương mẹ tôi nhất, thương hơn thương mẹ Maria hay mẹ Quan Âm.” Ông nhà thầu giải thích.

-“Nhưng mẹ Maria, mẹ Quan Âm là mẹ của nhân loại.” Tôi cãi.

-“Ai theo đạo nào thì sùng bái đạo ấy như vậy. Tôn giáo nào sùng bái mẹ của tôn giáo đó. Sự sùng bái đó không thực tế. Nhiều khi, nó còn là cái “mốt” nữa. “Bông hồng cài áo” là một cái “mốt” của ông Nhất Hạnh; nhưng nó hay đấy, hay ở cái chỗ cài bông hồng để nhớ ơn mẹ mình chớ không phải ơn mẹ Quan Âm.” Ông nhà thầu giải thích.

-“Bông hồng cài áo” là của Nhật, không phải của đạo Phật.” Tôi cải chính.

Ông phó quận hỏi:

-“Ông mới nói điều thứ nhất, còn điều thứ hai?”

-“Điều thứ hai là văn hóa. Mẹ Maria là từ “Văn hóa Trung Đông”, mẹ Quan Âm là từ “Văn hóa Trung Hoa”. Mỗi văn hóa có những nét căn bản khác nhau. “Văn hóa Hồi giáo” cũng từ Trung Đông nhưng đạo Hồi không thờ mẹ thì sao? Bởi vì mẹ tôi là nhất nên tôi không thể thờ mẹ Maria hay thờ mẹ Quan Âm. Đặt vị trí họ sau mẹ mình thì kỳ. Nhưng mẹ tôi là người hy sinh cho tôi nhiều nhất nên tôi không thể đặt các mẹ ấy ngang hàng với mẹ tôi được.” Ông nhà thầu nói rõ hơn.

-“Ông cực đoan đấy!” Tôi nói.

-“Tôi không phủ nhận điều đại úy nói. Nhưng tôi không thể thờ ai mà không thờ mẹ tôi.” Ông nhà thầu cố cãi.

-“Nhưng mẹ Maria hay mẹ Quan Âm từng cứu khổ cứu nạn chúng ta?” Tôi nói.

-“Khi mình thoát khỏi một tai nạn, mình gọi là mẹ cứu, mẹ thương mình. Khi mình không thoát được tai nạn thì mẹ không thương, không “cứu khổ cứu nạn” hay sao? Thành ra, đó chỉ là niềm tin mà thôi. Nếu mình tin thì nó có, không tin thì nó không có. Đó cũng là một quán tính nữa.” Ông nhà thầu nói.

-“Nhưng có khi người ta thoát được một tai nạn trong gang tấc, không lẽ không có ai cứu mình hay sao?” Tôi lại cố cãi.

-“Không! Chỉ là hazard. Đời có nhiều hazard. Người Công giáo thì cho là phép mầu. Người tin Phật thì cho là “duyên”. Không tin mẹ nào cả thì đó là hazard. Vậy thôi.” Ông nhà thầu khẳng định.

-“Tôi gặp một trường hợp như thế nầy. Hơn ba năm trước, tôi đi hành quân ở cù lao Phú Thạnh Đông. Cù lao nầy, một bên là sông cửa Tiểu, một bên là sông cửa Đại. Việt Cộng từ bên Thượng Đức, Kiến Hòa thường lén lút qua hoạt động. Tôi ra tới ấp Pháo Đài thì bị Việt Cộng tấn công. Tôi đứng núp sát thân một cây dừa. Một viên đạn, có lẽ bắn sẻ, trúng thân dừa. Viên đạn đi sát lắm. Vỏ dừa văng ra, từng miếng nhỏ, văng lên mặt tôi, lấm chấm nhiều vết thương như bị kim châm. Vậy ai cứu tôi?” Tôi hỏi.

-“Đại úy tin ai thì người đó cứu đại úy. Tin Phật thì Phật Bà cứu. Tin Chúa thì mẹ Maria cứu.” Ông nhà thầu nói.

-“Nếu tôi không tin Chúa, không tin Phật thì ai cứu?” Tôi gặng hỏi.

-“Nếu ông tin ông bà, tổ tiên thì ông bà cứu.” Ông nhà thầu nói.

-“Nếu tôi không tin ai cả. Cả ông bà.” Tôi hỏi gặng lần nữa.

-“Thì đó là hazard. Hazard có cái hên, có cái xui. Hazard xui thì viên đạn vô ngay mặt ông. Hazard hên thì viên đạn trúng cây dừa. Tuy nhiên, tôi là người tin phúc đức ông bà, như tổ tiên chúng ta ngày xưa vậy. Tôi theo truyền thống dân tộc.” Ông nhà thầu vừa cười vừa nói.

Tôi nói với cả hai người:

-“Hai ông có biết ai là nạn nhân của viên đạn đó không?”

Ông phó quận hỏi:

-“Ai?”

Tôi cười:

-“Thời gian ấy tôi có con bồ, là học sinh, 17 tuổi. Nó thường đến phòng tôi. Thấy nó còn nhỏ, sợ bị tù, tôi tránh chuyện ấy. Đến khi thấy mình “chút xíu” nữa là “chầu ông bà”. Tôi rủa thầm: “viên đạn chếch “chút xíu” thì sao?” “Kỷ kiến hữu nhân hồi” thì uổng đời quá. Sau đó, nó đến thăm, tôi nghĩ liều “tù còn hơn chết” vì cái “chút xíu” đó. Tôi bèn “dứt điểm” cô “em gái hậu phương” 17 tuổi. Con nhỏ trở thành nạn nhân của viên đạn, trong khi tên Việt Cộng bắn sẻ là bắn tôi chớ đâu có bắn nó. Phải không?”

Cả hai người cùng cười.

Một lát sau, ông nhà thầu hỏi tôi:

-“Tôi ra hiện trường dặn dò công nhân vài việc. Có thể cả tuần lễ tôi mới về lại đây. Tính nhờ hai ông chuyện nầy: Lỡ khi công nhân cần báo cáo gì, có cách gì họ liên lạc với tôi cho nhanh được không?”

Tôi cười:

-“Dễ ẹc! Cần gì, viết ngắn gọn trong tờ giấy, đưa cho tôi. Tôi nhờ Nhà Máy gọi về Saigon. Ở Saigon họ gọi cho ông. Nhưng ở Saigon, anh phải có điện thoại mới được.”

-“Vâng!” Ông nhà thầu nói. “Ở Saigon, nhà tôi có điện thoại. Nhờ hồi làm cầu Bình Triệu, bộ Công Chánh can thiệp mới có được đó.”

Tôi dặn:

-“Nhớ dặn công nhân ghi số điện thoại của ông vào giấy.”

Xong, ông nhà thầu đứng dậy, chào chúng tôi rồi đi về phía các công nhân đóng giếng.

Khi ông ta đi rồi, tôi cười, nói với ông phó Nghiêm:

-“Thằng chả nầy không khùng thì cũng điện “xăng đít” lên “đơ-xăng-vanh”. Ngày mai lỡ máy bay có bị Viêt Cộng bắn như đại úy Vinh chết cháy, thì không biết mẹ Maria hay mẹ Quan Âm thiêu ông ta đây!”(5)

Phó Nghiêm cự nự tôi:

-“Bậy! Có chết cũng là vì Việt Cộng, ai lại gán tội cho hai bà mẹ!”

-“Biết đâu! Hồi xưa ai theo đạo thì bị vua chém đầu thì sao! Tới hồi dẹp xong “Bình Tây Sát Tả”, ai chịu rửa tội thì tha, ai không chịu thì cũng bị chặt đầu vậy. Tôn giáo mà. Ông Mo-ha-mát tay cầm cuốn kinh Koran, tay cầm thanh kiếm thì cũng vậy thôi. “Niềm tin tôn giáo” là nặng nề lắm. Chuyện chi mà làm không được. Thành ra, tôi là người theo đạo lòng vòng cho khỏe.”

-“Gì cũng có mà gì cũng không có!” Phải không?” Ông phó quận cười cười hỏi tôi.

-“Học trò Huế mà ông! Lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, mấy năm “hòa bình” bọn tôi, trai cũng như gái, rủ nhau đi hết các chùa phía Tây Nam Huế, nhưng không lạy Phật ở chùa nào hết. Tới trưa, khi đói bụng thì về chùa Sư Nữ “ăn cơm chùa”. Noel thì đi hết nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Phú Cam, nhà thờ Gia Hội, nhà thờ Nhà Nước, nhà thờ Tây Linh… Khuya về lục cơm nguội nếu không có ai kêu ăn reveillon. Khi đó thì không cần tới “Chúa Cứu Thế” đâu. “Chúa Cứu đói” thì cần lắm!” Nói xong, tôi cười.

-“Vui nhỉ?” Ông phó quận nói.

-“Cái thú du ngoạn nầy có từ hồi còn Tây. Ông đọc “Nửa bồ xương khô” của Vũ Anh Khanh thì thấy ngay.” Tôi nói thêm.

-“Tôi cũng ưa đạo lòng vòng! Tại sao ông biết không?” Phó Nghiêm hỏi tôi.

-“Thế hệ bọn mình có quan điểm tôn giáo giống nhau. Ông phó thử nói coi có giống tui không?” Tôi đề nghị.

-“Bởi tôn giáo mà chúng ta thấy, là tôn giáo của các “đại đệ tử”, đâu có phải từ nguồn gốc tôn giáo của giáo chủ. Phải không?” Ông phó Nghiêm giải thích.

-“Tôn giáo của “Giáo hội La-Mã” đâu phải là tôn giáo của chúa Giê-Su. Đạo Phật Mật tông, Thiền tông, Tịnh Độ tông, “tông” nào chính là của thái tử Tất Đạt Đa? Sai lạc là một chuyện, bất công lại là một chuyện nữa. Vô chùa, người ta cũng thấy bất công, bất bình đẳng vậy:

Chị là con gái nhà giàu,

                        Ăn mặc tốt đẹp vào chầu tòa sen.

                        Em là con gái nhà hèn,

                        Ăn mặc rách rưới mon men ngoài hè!

Khi sự việc đã thành ca dao thì không thể cho là cá biệt, mà lại là phổ thông. Những người tu hành nói thì hay, nhưng thực tế, vẫn phân biệt giàu nghèo. Do đó, tôn giáo không giải quyết được những vấn nạn của nhân loại. Đạo lòng vòng, đừng vô trong chùa hay trong nhà thờ là đúng. Phải không?” Tôi và ông phó đều cười.

-“Trong “Dương Từ / Hà Mậu, đại úy không thấy cụ đồ Chiểu ông phê phán cả Phật, cả đạo Thiên chúa sao?” Ông phó Nghiêm góp ý.

-“Ông đồ Nho đó chủ trương dân tộc trên hết mà.” Tôi nói.

-“Cũng đúng thôi.” Phó Nghiêm lại góp ý.

-“Tôi kể chuyện nầy ông phó nghe cho vui.” Tôi nói tiếp. “Tôi có cô bạn gái từ hồi còn đi học. Mỗi năm vài lần gởi thư thăm nhau. Biết tôi là dân “Quảng trị tui”, cô ta nói phải chi có dịp đi hành hương La Vang một lần cho thỏa ước ao. Sau 1972, tui nói hết hy vọng rồi, khu vực đó bây giờ không được an ninh. Cô ta tiếc hùi hụi. Trong khi đó tui lại thấy buồn cười. Tôi “đi chơi” La Vang hồi còn nhỏ. Tới hồi tui với nhà tui bắt bồ nhau, chúng tôi “đi chơi” La Vang quá thường, kể tới hàng chục lần. Chán La Vang, chúng tôi còn đi sâu hơn nữa, vô nhà thờ Phước Môn – nhà thờ nầy của ông Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài, xa hơn bốn năm cây số, gần trong dãy Trường Sơn. Vô xa hơn nữa, chúng tôi xem “đồi thông hai mộ” – Đây là một rừng thông có hai ngôi mộ: mộ ông Bài và vợ ông. Chỗ nầy vắng, không sợ ai thấy, ôm nhau chặt, hôn nhau đã lắm! Rồi chúng tôi đi vòng lên hướng bắc, tới làng Như Lệ, bên bờ sông Thạch Hãn. Từ đó, chúng tôi theo “đường Bảo Đại” – đường ông Bảo Đại đi săn – về lại thành phố. Hồi đó, đầu thập niên 1960, tôi chỉ có cái xe vélô. Đèo bồ ngồi phía sau, nhiều khi xe lên dốc không nỗi, tôi phải đạp phụ. Tôi vừa đạp vừa nói đùa: “Mẹ Lavang ơi! Cứu con. Lên dốc mệt quá.” Nhà tôi ngồi sau, đấm vào lưng tôi thùm thụp mà cười, nói: “Tầm bậy! Mẹ phạt cho bây giờ.” Mẹ mà phạt? Buồn cười không? Mẹ đâu phải là “pô-lít”…”

hoànglonghải

(1)-Câu nầy tôi nghe từ một người bạn làm ở “Phủ đầu rồng”, ám chỉ tướng Nghi, và ba ông đại tá đứng đầu ba ngành: Cảnh Sát, An Ninh Quân Đội và Tiếp Vận.

(2)-Giang Thành dạ cổ (chữ Hán: 江城夜鼓, có nghĩa tiếng trống đêm Giang Thành), là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh (khắc in năm 1737), và một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh (chưa được khắc in). Cả hai bài đều nói đến tiếng trống canh ban đêm ở đồn Giang Thành thuộc trấn Hà Tiên xưa; nay thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.

Sông Giang Thành bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia, xưa người Khmer gọi sông này là Prêk Ten, vì bên cạnh nó có một thôn ấp cổ tên là Tà Ten. Sông chảy vào Việt Nam theo hướng Bắc Nam, dài khoảng 23 km, rồi đổ vào vũng Đông Hồ ở thị xã Hà Tiên, trước khi ra vịnh Thái Lan.

Sông Giang Thành nối liền với kênh Vĩnh Tế, tạo thành tuyến đường thủy quan trọng từ thị xã Châu Đốc đến thị xã Hà Tiên. Nó cũng góp phần đưa nước ngọt từ sông Hậu về tỉnh Kiên Giang phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau gọi là ngã ba Giang Thành; và đây chính là một thắng cảnh của trấn Hà Tiên xưa, mà Mạc Thiên Tứ đã chọn làm đầu đề.

Thời Mạc Thiên Tứ cai quản trấn Hà Tiên, ông đã cho xây dựng ở Giang Thành một lũy đất dài 17 km, rộng khoảng 1m; chạy dài từ bờ sông đến chân núi Châu Nham, và cho đặt vài đồn canh phòng nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của quân Chân Lạp dưới thời vua Nặc Bồn…

Giới thiệu thơ:

Nguyên tác:

江城夜鼓

天風迴繞凍雲高,

鎖鑰長江將氣豪。

一片樓船寒水月,

三更鼓角定波濤。

客仍竟夜鎖金甲,

人正干城擁錦袍。

武略深承英主眷,

日南境宇賴安牢。

Phiên âm Hán-Việt:

Giang Thành dạ cổ

 

Thiên phong hồi nhiễu đống vân cao,

Toả thược trường giang tương khí hào.

Nhất phiến lâu thuyền hàn thủy nguyệt,

Tam canh cổ giác định ba đào.

Khách nhưng cánh dạ tỏa kim giáp,

Nhân chính can thành ủng cẩm bào.

Vũ lược thâm thừa anh chủ quyến,

Nhật Nam cảnh vũ lại an lao.

Đông Hồ dịch thơ:

Tiếng trống đêm Giang Thành.

 

Gió cuốn trời cao mây lạnh tung,

Sông dài vây tỏa khí anh hùng.

Lâu thuyền dãi bóng trăng sương lạnh,

Trống mõ cầm canh sóng nước trong.

Kim giáp đã nhờ đêm chặt chẽ,

Cẩm bào cho được chốn thung dung.

Lược thao đem đáp tình minh chúa,

Nước Việt biên thùy vững núi sông.

Bài chữ Nôm:

Bài này nằm trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, gồm một khúc vịnh dài 36 câu, và kết thúc bằng một bài thơ Đường luật như sau:

Trống quân Giang thú nổi oai phong,

Nghiêm gióng đòi canh ỏi núi sông.

Đánh phá mặt gian người biết tiếng,

Vang truyền lệnh sấm chúng nghiêng lòng.

Phao tuôn đã thấy yên bao vạc,

Nhiệm nhặt chi cho lọt mảy lông.

Thỏ lụn sớm hầu trưa bóng ác,

Tiếng xe sầm sạt mới nên công.

Lời bình:

Kênh Hà Giang ở huyện Giang Thành ngày nay

Bài Giang Thành dạ cổ này sóng đôi với bài “Tiêu Tự thần chung”, thi sĩ Đông Hồ giải thích thâm ý của tác giả như sau: Ngoài việc để “tiếng chuông” chùa Tiêu đối lại với “tiếng trống” ở đồn Giang Thành; Mạc Thiên Tứ còn muốn nói lên rằng: một cảnh biểu thị cho đạo đức là chùa chiền, một cảnh biểu thị cho ý thức quân sự là đồn lũy.

Toàn thể hai bài đều tả tiếng trống canh ban đêm ở một đồn thú bên sông. Nhờ tiếng trống này mà đối phương không dám xâm lấn cõi bờ, giúp cho nước nhà được yên ổn, an vui.

Bình riêng cho bài Hán thi, Đông Hồ viết: Nửa bài trên tả tiếng vang động của trống mõ, khí thế hùng mạnh của quân lính; nửa bài dưới kể công lao của những người tướng sĩ, đem thân ra chống đỡ cho biên thùy được yên ổn, triều đình được vững vàng. Qua đây, tác giả còn có ý muốn kể công của mình đối với chúa NguyễnĐàng Trong

(trích lại trong Wikipedia ViệtNam)

(3)-“Cây đèn dầu” dấu hiệu tranh cử của “Phong trào phụ nữ liên đới” của bà Ngô Đình Nhu.

(4)-Câu sấm nói về vùng Thanh Nghệ Tĩnh: “Hồng lĩnh sơn cao, song ngư hải khoát, nhược thì minh thời, nhân tài tú phát”. Núi Hồng Lĩnh cao (núi nầy ở phía bien giớ Lào Việt). Ngoài cửa sông Lam có hai hòn đảo trông giống như hai con cá ngoài biển rộng. Gặp lúc minh thời (thái bình thạnh trị), phát sinh nhiều nhân tài.

(5)-“Tan hàng/ Cố gắng” là châm ngôn của “Tân binh Nhảy dù” ở trại Vương Mộng Hồng trong khu vực Liên Đoàn A của “Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung”.

(5)- Đại úy phi công Vinh, người cùng khóa với tướng Kỳ, hang tuần thường bay chiếc Cessna Hà –Tiên / Saigon và ngược lại, cách đây hơn một tháng, bị hỏa tiển Việt Cộng bắn rớt ở Kiến Phong, trên đưòng bay nói trên. Phi công và 5 hành khách – công nhân của nhà máy – đều bị chết cháy cả.

 

Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 1] Mộ Cũ -
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 2] Quả lựu đạn -
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 3] Danh Sơn -
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 4] Ông dự “bẩn” -
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 5] Cha con  -
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 6] Tha hương ngộ cố tri -
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 7] “Sắc bất ba đào…” -


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.