Apr 23, 2024

Truyện dài

Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 4] Ông dự “bẩn”
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 09:04:36 AM, May 16, 2017 * Số lần xem: 2342
Hình ảnh
#1


Trời đã chiều rồi mà mặt trời còn cao, chưa đụng tới đỉnh núi Cô Tô, ở về phía tây – bắc ấp Vàm Rầy nầy. Con Tư Bông mấy lần gọi con Sáu Lánh:
 

-“Coi chẩn (chuẩn – tiếng địa phương miền Tây) bị không thì trễ đó.

Con Sáu Lánh trả lời:

-“Còn sớm chán mầy! Không trễ đâu.

Con Tư Bông nói thêm:

-“Tối nay Lệ Thỉ (Thủy – tiếng địa phương), đào chánh, ca hay lắm.

-“Được rồi. Xong việc tao kêu mày!”

Tối nay thứ Bảy, như thường lệ, đài truyền hình số 9 – đài Saigon – chiếu tuồng cải lương. Gì chớ cải lương là “món ruột” dân Nam Bộ, không riêng gì xứ quê mùa.

Cả xã nầy, chỉ ở Xóm Biển mới có ti-vi, tại nhà mấy ông chủ ghe. Nhà Tư Sậm sắm máy ti-vi sớm nhất, sau đó là nhà mấy ông chủ ghe cùng xóm.

Vùng nầy không có điện, nên ti-vi phải xài bình điện và dùng “ăng-tên trời”, là thứ “ăng-tên” có mấy cái cọng nhôm giăng cao trên nóc nhà. “Ăng-tên” càng cao, càng lớn, coi càng rõ. Dân trong xóm, nhà nào không có ti-vi, đến nhà Tư Sậm coi thoải mái. Ti-vi to, nhà to, chỗ ngồi rộng; vả Tư Sậm cũng tốt bụng, bà con coi thoải mái, chủ nhà không cằn nhằn gì, như vài chủ ghe nhà ở bên cạnh.

Từ phía ngoài cầu Vàm Rầy, nhìn ra hướng biển, là hướng Xóm Biển, thấy cả chục cái “ăng-tên” hiện ra trên trời, người ta cũng đoán được Xóm Biển là xóm không giàu cũng khá giả, nhờ làm nghề “đâm hà-bá”, như câu tục ngữ “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà-bá”.

Coi tuồng cải lương là nguồn vui, thú giải trí của dân quê Nam bộ, chỉ được coi vào tối thứ bảy, vì đài ti-vi chỉ chiếu tuồng cải lương vào tối thứ bảy mà thôi. Hằng ngày, có nhiều thứ giải trí khác, không “hấp dẫn” người nhà quê.

&

Nhận việc xong, tôi thường về công tác ở các xã. Tôi có 9 xã dưới trách nhiệm của tôi.

Hôm đầu tiên về xã nầy, tới giờ cơm, tôi ở lại xã. Thiếu uý Ra với mấy “thầy” trung sĩ cảnh sát dưới quyền ông Ra, nấu cơn đãi tôi ăn trưa. Họ nhổ lông môt con vịt xiêm bự, lại thêm canh chua cá lóc, là hai món ruột dân xứ nầy thường đãi khách. Món ăn thì quanh đi quẩn lại có chừng đó. Còn món nhậu? Kể không hết được. Dân nhậu có rất nhiều “sáng kiến độc đáo” về việc làm “mồi”.

Họ mượn quán cà phê độc nhứt trong xã làm nơi nấu ăn. Tôi nằm đu đưa trên cái võng treo ở góc nhà trước, chỗ có mấy cái bàn cà-phê, chờ cơm trưa. Giờ cơm trưa thường lệ qua cũng đã lâu, bụng đã đói lắm. Tôi cố nhắm mắt ngủ một chút.

Đang mơ màng thì bỗng tôi nghe tiếng trẻ con la cười om sòm, chạy rần rật. Hơi hoảng vì không rõ chuyện chi – không lý du kích Việt Cộng từ trong rừng tràm Trà Tiên dám mò ra giữa ban ngày ban mặt hay sao -. Ban đêm khuya khoắt, bọn chúng có ra “làm ăn” cũng còn phải lén lén, lút lút nửa là.

Tôi ngồi dậy trên võng, hỏi cô chủ quán đang đứng sau quầy, bằng cái giọng Huế của tôi ra mà đùa cô ta:

-“Chuyện chi rứa hỉ?”

Vậy mà cô ta cũng hiểu, vừa nhìn tôi cười, vừa trả lời:

-“Gia Đình bác Tám.”

Chưa kịp hiểu câu trả lời của cô chủ quán thì tôi đã nghe tiếng nhạc quen thuộc mở đầu của chương trình “Gia đình Bác Tám” của đài Saigon phát ra từ cái “radio ấp chiến lược” để ở cái kệ sau lưng cô chủ. Tiếp sau là tiếng giới thiệu chương trình của cô “tên Tuyết mà đen”.

“Tên Tuyết mà đen” là câu diểu của Phi Thoàn, chọc quê Tú Trinh. Trong chương trình nầy, Tú Trinh lấy tên là Tuyết. Ai chẳng biết Tú Trinh có nước da đen, hơi “phai lạt” hơn anh Bảy Chà một chút mà thôi. Ba nhân vật chính của chương trình “Gia đình Bác Tám” là Tú Trinh, Phi Thoàn và Bà Năm Sadec.

Từ khi bị thuyên chuyển làm “Cảnh sát ruộng” ở vùng đồng bằng Nam Bộ, tiếp xúc nhiều với dân chúng, tôi thấy các chương trình “dân vận” của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thường “chẳng trúng vào đâu” với người dân quê Việt Nam. Nói một cách đơn giản là những “ông lớn phục vụ nhân dân” chỉ quanh quẩn ở đô thị, có biết mô tê gì về “người nhà quê” đâu.

Sự việc nầy làm tôi nhớ bài thơ của Đỗ Tấn đăng trên tờ Bách Khoa năm 1959, năm anh cùng tôi dạy ở trường Bồ Đề Quảng Trị.

Chiều hôm đó, chúng tôi ngồi bên bờ sông Thạch Hãn hóng mát, chợt nhớ tới bài thơ vừa đọc – bài thơ đề “Gởi anh em trong nhóm Sáng Tạo” – tôi hỏi Đỗ Tấn:

“Gởi anh em trong nhóm Sáng Tạo” là anh muốn chưởi mấy thằng chả ngồi ở xa-lông mà nói chuyện “Hướng về nông thôn” chớ gì?”

Đỗ Tấn nhìn tôi cười mà không trả lời. Hồi đó, tôi mới vô năm đầu ở đại học Huế, sách vở thì có đọc, nhưng kiến thức thì không có gì. Vì vậy, tôi nói:

-“Anh nói “Tư tưởng nào cũng từ đất mà ra!” Tui thì nghĩ tư tưởng là từ thư viện chớ!”

Nói như thế là tôi nhớ bài “Trong thư viện” của Hoàng Đạo, sách giáo khoa trích trong “Con Đường Sáng” của tác giả nầy. Khi giảng bài nầy, nhà văn Đình Ngân, thầy giáo Việt Văn của tôi, nói thêm rằng bài nầy Hoàng Đạo lấy ý từ một bài văn của Rousseau hay Diderot gì đó, tôi không nhớ.

Đỗ Tấn cũng không trả lời tôi. Ít nói là tính tình anh ta. Anh là nhà thơ, không phải là “nhà lý luận văn học” như Quang Đạo. Mấy ông nầy đều ở trong nhóm “Mùa Lúa Mới” của Nha Thông Tin Trung Việt. Còn tôi là “mầm non văn nghệ” của nhóm.

Tuy nhiên, bài thơ của Đỗ Tấn ám ảnh tôi nhiều về sau nầy, ngay khi tôi đang thụ huấn ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, các huấn luyện viên dạy về “tứ khoái nhất mạn”, hay “Lấy nông thôn bao vây thành thị”, chiến thuật trong “chiến tranh giải phóng” của Mao Trạch Đông.

Bấy giờ là thời gian sau Hiệp Định Paris 73 rồi, lấy kinh nghiệm “đánh giặc ở miệt vườn”, tôi nghĩ tới một điều: Dù có bao nhiêu súng đạn đi nữa, cuối cùng rồi việc “Tưởng chạy ra Đài Loan” là điều sẽ đến cho người miền Nam, mà người miền Nam thì không có đất chạy, không có đảo Đài Loan như Tưởng; còn như Phú Quốc thì gần đất liền quá!

Để rõ hơn cái “thế thua” của chúng ta, độc giả hãy đọc vài câu trong bài thơ của Đỗ Tấn như sau:

Tôi đứng giữa đồng nâu!

                        Giữa những người cuốc bẫm cày sâu

                        Nghe vang vang từ mạch đất

                        Tư tưởng nào cũng từ đất mà ra…”

Nhìn chung, Đỗ Tấn muốn nói tới vai trò của nông thôn trong xã hội nông nghiệp Việt Nam. Đồng quê là nơi sản sinh ra những anh hung, nhân tài, nhân lực để xây dựng đất nước và chống ngoại xâm.

Câu thơ nầy làm tôi nhớ lời trong bài hát “Thu Khói Lửa” của Nguyễn Hữ Ba:

                        Bên giòng sông lắng
Bóng tre xanh quanh đồng lúa vàng
Có đoàn nông phu hùng tráng
Buông cày theo tiếng loa vang

Nghe nhạc Phạm Duy, người ta cũng thấy vai trò của người dân quê trong cuộc cách mạng chống Pháp giành độc lập năm 1945 – 46. Tuy nhiên, tôi cũng có lần tranh cãi với Đỗ Tấn cũng như bè bạn về “buông cày theo tiếng loa vang”. Người nông phu “buông cày theo tiếng loa”; vậy thì ai là người cầm loa kêu gọi. Chính là giai cấp tiểu tư sản. Chính tiểu tư sản là giai cấp lãnh đạo các cuộc cách mạng, còn nông dân thì “biết gì?”

Dù vậy, tôi vẫn đồng ý lời phê phán của Đỗ Tấn:

“Các anh trồng những dòng hoa đại lộ.

                        Những dòng hoa cổ lỗ,

                        Những dòng hoa đau khổ quá đi thôi!

Trong cuộc đấu tranh quốc cộng, cộng sản chiếm từng ấp, lấn tới từng xã, từng huyện, từng tỉnh. Liệu người ta ngồi được bao lâu ở thủ đô để “trồng những dòng hoa đại lộ.” Cũng với ý ấy, trong bài thơ về Huế, Đỗ Tấn cũng đã viết:

“Ta sợ một ngày Cộng Sản,

                        Về đây xé nát tâm tư

                        Chắn ngăn những dòng lệ nhỏ

                        Đời như chết tự bao giờ.”

Hồi ấy, 1959, Quang Đạo chê rằng Đỗ Tấn quá lo xa. Nhưng chưa đầy mười năm sau là tết Mậu Thân, Việt Cọng giết năm ngàn người dân Huế. Đến năm 1975, không riêng gì Huế mà toàn miền Nam “Đời như chết tự bao giờ.”

Trong suy tư đó, khi phục vụ ở thôn quê, thấy dân quê bị chính phủ Việt Nam Cộng Hòa “bỏ quên” trong cuộc chiến tranh chống Cộng, tôi bị ám ảnh không ít về việc “chạy ra đảo” của Tưởng Giới Thạch mà nghĩ tới số phận mình.

&

Tối hôm đó, con Sáu Lánh, 16 tuổi, vời con Tư Bông, cũng 16 tuổi, đi coi cải lương về khuya, bị thằng con trai Tư Sậm, 21 tuổi, phỉnh con Tư Bông về nhà gấp vì mẹ con Tư Bông bệnh nặng, rồi dụ con Sáu Lánh vô trường học, và hiếp dâm con nhỏ đó ở trong lớp, trên cái ghế băng học trò.

Thiếu úy Ra gọi cả hai đứa nguyên bị tới cuộc Cảnh Sát điều tra, báo cáo nội vụ cho tôi. Tôi hỏi:

-“Thằng cha Tư Sậm muốn chạy tiền phải không?

-“Sao đại úy biết?” Thiếu úy Ra hỏi.

Tôi nghĩ thầm: “Hỏi thiệt ngu? Cả xã ai không biết thiếu úy Ra có bàn tay nham nhúa. Tư Sậm thì giàu. Nó có tới ba bốn chiếc “ghe xẹp” (1), một tay thằng con trai điều khiển, sắp đặt việc đánh cá hằng đêm. Nhờ con trai mà Tư Sậm giàu. Bây giờ, nếu thằng con trai vô tù, Tư Sậm “coi như cùi”.

Tôi nhấn mạnh ba tiếng “coi như cùi” với thiếu úy Kiệt, rồi nhìn ông ta cười.

Xong, tôi nói vào máy với thiếu úy Ra:

-“Ông “dẫn trình biện lý” đi. Dính vô là không êm đâu. Đám “đối lập” nó làm tùm lum ra là tôi cho ông đi Hiếu Lễ để tôi phủi tay.”

Tôi quay lại nói với thiếu úy Kiệt:

-“Ông theo dõi thằng Ra giùm tôi. Tay nầy tham ăn, hay làm ẩu. Tôi sợ mình dính chùm như không. Dọa nó vô, để nó sợ.”

Thiếu úy Ra sợ thiệt. Lấy lời khai xong, anh ta còng tay con trai Tư Sậm, “dẫn trình ông biện lý”.

Hai hôm sau, đang làm việc, khoảng ba giờ chiều, bỗng nhớ câu chuyện cũ, do giáo sư “kể chơi” sau giờ học, tôi bỗng thấy ngại. Nhà Tư Sậm giàu, nó dám bỏ cả trăm ngàn ra để chạy luật sư cứu con trai. Vậy thì “tội” cho con Sáu Lánh. Con gái nhà quê, bị luật sư “gài” dễ như không. Nghĩ vậy, tôi cho gọi thiếu úy Kiệt, nói:

-“Ông đi với tôi xuống Vàm Rầy. Tôi sẽ kể chuyện nầy cho ông nghe.”

Chúng tôi lên xe sau ba giờ chiều. Tôi cầm lái. Thiếu úy Kiệt ngồi bên cạnh. Ghế sau là hai “tà lọt”, súng ống sẵn sàng. Trời đã chiều, lỡ về tối, tôi ngại “tụi nó” phục kích.

Tôi nói với thiếu úy Kiệt:

-“Tôi kể chuyện nầy ông nghe. Mấy thằng cha luật sư là “mánh” lắm. Tụi nó gỡ cho con trai Tư Sậm dễ dàng.”

-“Gỡ như thế nào?” Thiếu úy Kiệt hỏi.

-“Tôi nhớ tôi có câu chuyện, một con nhỏ bị chủ hiếp dâm. Thằng luật sư hỏi:

-“Cô có chịu khi ông chủ hiếp cô không?”

Con nhỏ trả lời:

-“Không!”

Luật sư hỏi tiếp:

-“Ông chủ đè cô vô vách tường hay đè xuống giường?”

-“Dạ thưa, ông chủ đè em vô vách. Em không chịu nằm xuống giường.”

Luật sư hỏi:

-“Cô thì lùn, ông chủ thì cao. Vậy khi ông chủ đè vô vách, ông chủ khum mình xuống, còn cô thì rướn cao lên có phải không?”

Cô gái trả lời:

-“Dạ phải.”

Luật sư quay qua nói với chánh án:

-“Thưa quí tòa. Cô gái khai cô rướn người lên, để dương vật mới có thể lọt vô âm đạo cô ta được. Như thế có nghĩa là ý cô ta muốn cho dương vật được lọt vô, là cô ta đồng ý. Vậy, không thể kết án thân chủ tôi tội hiếp dâm được.”

-“Tòa tha bổng?” Thiếu úy Kiệt hỏi.

-“Dĩ nhiên. Ông coi “mánh” không. Con nhỏ chẳng được bồi thường xu teng nào.” Tôi giải thích.

-“Nhưng con Sáu Lánh, cũng như thằng con trai Tư Sậm đều vị thành niên.” Thiếu úy Kiệt cãi.

-“Tôi cho thằng con trai Tư Sậm đi “khám răng”. Nó trên tuổi vị thành niên, chạy đằng trời.”

-“Việc của dự thẩm, mình xen vô sao được?” Thiếu úy Kiệt lại phản bác tôi.

-“Gay cấn là chỗ đó. Nếu dự thẩm có cho tờ giấy khai sinh của con trai Tư Sậm là giấy thiệt, không phải giấy giả thì mình cũng thua.” Nói xong, tôi thở ra một hơi dài, mặc dù đang lái xe.

Một lúc, tôi nói tiếp:

-“Mình là cái thá gì mà đòi hơn biện lý? Nhưng về lương tâm, mình thấy tức. Người dân quê thuộc tầng lớp bị trị, bị bọn thống trị bóc lột là chuyện đương nhiên. Cỡ như phó Nghiêm, công chức hạng A, cũng còn nói câu “Luật pháp là do giai cấp thống trị bày ra để bảo vệ quyền lợi giai cấp.” Đời mà ông, xưa nay vẫn thế. Muốn sung sướng thì phải rán mà lọt vô cho được giai cấp thống trị.

-“Mình là Cảnh Sát mà?” Thiếu úy Kiệt lại cãi tôi.

-“Cảnh sát không phải là giai cấp thống trị, dù mình có quyền. Mình chỉ là “phương tiện bạo lực” của bọn thống trị. Vua chúa mà còn đỡ hơn đời bấy giờ bởi vì vua thì lấy “đức trị”, như ông Diệm chủ trương vậy. Đời không còn vương đạo, chỉ có bá đạo ông ơi!” Tôi than với thiếu úy Kiệt.

Tôi kể chuyện tiếp:

-“Ông người Nam, ông không thấy sự thay bậc đổi ngôi của giai cấp thống trị. Tây xâm lăng, vua chỉ còn là bù nhìn. Triều đại nhà Nguyễn sụp đổ kéo theo một tầng lớp thống trị. Ai biết “lựa gió phất cờ” thì tồn tại với chế độ mới, ai không “phất cờ” được thì chìm nghỉm với thời gian… Dòng Phan Đình Phùng, dòng Nguyễn Công Trứ… nay đâu còn ai. Còn như dòng thằng chánh án tòa nầy nè, dòng giám đốc nhà máy xi măng nầy nè, tụi nó cùng học một lớp Đê Nhất với tôi cả đấy, – dòng họ nó mấy đời làm quan, từ triều Nguyễn xa xưa, biết theo thời mà tồn tại, bảo tồn được danh vọng, từ đời nầy sang đời khác, vẫn cứ đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Cái nầy, Huế rõ lắm. Ông thấy không, ông Ngô Đình Diệm, biết từ quan nên mới làm tổng thống. “Khôn chết, dại chết, biết sống”, Khổng Tử nói vậy mà.

-“Hình như dòng dõi đại úy cũng có người làm quan?”

-“Ban đầu thì tôi không biết. Ông thân tôi qua đời khi tôi mới mười tuổi, không nghe nói gì cả. Vả ông cũng bỏ xứ mà đi khi ông còn trẻ, má tôi không biết gì về gia đình chồng. Nhưng má tôi có kể một câu chuyện, nghe linh thiêng mà cũng buồn cười. Ông có thấy tôi có cái sẹo cuối lông mày không? Má tôi kể một hôm má tôi nằm mơ thấy một ông mặc áo điều đỏ, quần trắng, thắt lưng trắng, đeo kiếm, ăn mặc như thế là tướng võ. Ông hiện ra, nói: “Mày có một thằng con giống tao.” Khi ấy tôi mới năm tuổi, bị một cái mụt lớn, phải mổ, sau thành sẹo. Nghe chuyện, ba tôi nói với má tôi: Ông có một ông chú, làm quan võ, theo ông Hoàng Kế Viêm, đem quân đánh Pháp ở Bắc Hà, chết bỏ xác đâu ngoài ấy. Anh ông ấy là em ông nội tôi, làm ngự y đời Thành Thái. Khi ông Thành Thái bị Tây phế ngôi rồi bị đày, ông nội tôi về quê làm thầy thuốc Bắc cho đến khi qua đời. Ba tôi khi ấy cũng mới mười tuổi. Thế lực dòng họ không còn, cha tôi lại sinh vào đầu thế kỷ, chữ Nho càng ngày càng tàn, chữ Tây ông không rành, đời ông cũng không nên cơm cháo gì. Anh em tôi gánh chịu cái nồi cháo heo ấy…

-“Tôi nghe nói thằng cha dự thẩm nầy gốc cũng chỉ là biên tập viên.” Thiếu úy Kiệt nói.

-“Gốc nó bự lắm. Bố nó là chánh án tòa thượng thẩm đấy. Vô biên tập viên là vì nó mới có tú tài, khỏi đi Thủ Đức. Đậu cử nhân luật rồi nó thi vô ngạch thẩm phán.”

-“Y học không giỏi?” Thiếu úy Kiệt hỏi.

-“Giỏi thì vô y, vô Phú Thọ, vô đại học sư phạm. Mấy thằng quanh quẩn ở “Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát” là chờ “Vườn Tao Ngộ” cả đấy. Thằng nầy nhờ cái dù bự của ông bố nên khỏi đi lính.”

-“Đời bất công ghê!” Thiếu úy Kiệt than, nói tiếp: “Đại úy với tôi về tuốt chỗ kinh cùng nầy.”

-“Ông đừng hỏi tui sao “thiên tả”. Thiên tả là khuynh hướng những người bất mãn, ưa chống lại cái trật tự xã hội đương có. Tôi không thiên cộng đâu!” Tôi nói.

-“Tôi biết, tôi biết ông mà đại úy.” Thiếu úy Kiệt cãi chánh, sợ mất lòng tôi.

&

Vì dặn thiếu úy Ra trước, nên khi tôi và ông Kiệt về tới xã, con Sáu Lánh đã được gọi tới.

Tôi biểu ông Kiệt và ông Ra ngồi tránh ra, phía sau con Sáu Lánh, sợ nó mắc cở. Nó ngồi đối diện với tôi. Tôi hỏi, dịu dàng, có vẻ như đùa:

-“Muốn tôi gọi bằng em hay bằng cháu đây?”

-“Em lớn rồi, gọi bằng em, gọi bằng cháu coi nhỏ quá.” Con Sáu Lánh trả lời, cũng tự nhiên.

-“Nói thật tui nghe. Có phải em bị con trai Tư Sậm hiếp dâm không?”

-“Sao đại úy lại hỏi thế? Bộ em ưa nó à?” Sáu Lánh hỏi lại tôi.

-“Không phải! Tôi muốn em trả lời cho chắc chắn. Em không yêu nó, phải không? Mai mốt ra tòa, em phải trả lời chắc như bắp vậy. “Tui không yêu, không ưa gì nó hết.” Nếu em nói em có một chút cảm tình với nó, dù chỉ một chút thôi, là em thua, em thua ngay. Nhớ không?” Tôi biết tôi nói như thế là hơi liều đấy, người ta gọi là “mớm cung”.

-“Dạ! Em không có cảm tình gì với nó cả.” Sáu Lánh trả lời.

-“Tốt! Vậy tại sao em vô trường học với nó.” Tôi hỏi.

-“Em có vô đâu!” Sáu Lánh nói.

-“Em vô trường học, rồi em vô cả trong lớp học với nó mà. Sao em nói vậy. Không vô trong đó thì nó làm gì được em ở giữa đường?” Tôi hỏi.

-“Số là như dzầy. Tan cải lương là khuya lắm. Em với Tư Bông về với nhau. Tới phía sau chùa làng, chỗ đó vắng lắm; người ta cùng đi coi, vô nhà hết rồi, chỉ còn em với Tư Bông. Nó đứng giữa đường, nói mẹ Tư Bông bệnh nặng lắm, về lẹ lên. Em tính chạy về với Tư Bông. Nó nói: “Ba mày có gởi cái gói cho mầy, chờ tao chút.”

-“Em ở lại chờ?” Tôi hỏi.

-“Ba em ở trỏng, thường liên lạc với em. Ồng hay bệnh kêu em mua thuốc đem dzô. Vì vậy mà em ở lại, coi có chuyện chi.”

-“Sao em đi theo nó vô trường học?” Tôi hỏi.

-“Nó nói “Sợ Cảnh Sát, tao giấu trong trường. Mày vô với tao.” Em đi theo.” Sáu Lánh khai.

-“Rồi sao nữa?” Tôi hỏi.

-“Vô tới đó, nó đi vô lớp học, gọi em “Mày phụ với tao.” Em đi vô.” Sáu lánh khai tiếp.

-“Nói giở trò khi nào?” Tôi hỏi.

-“Khi em mới vô lớp.” Sáu Lánh nói.

-“Lớp không có cửa?” Tôi lại hỏi.

-“Cửa nẻo gì đâu! Hôm đánh nhau, cửa bung hết chưa sửa.”

-“Nó làm gì?” Tôi hỏi.

-“Nó đè em vô vách tường. Em mới ú ớ. Nó dzộng vô miệng em một trái banh nhựa, cứng họng, bẻ quặt tay em ra sau, vật em một cái, tính té, rồi nó đè em xuống cái băng ghế.”

Một lúc, Sáu Lánh khai tiếp:

-“Em nằm trên băng ghế. Nó chồm trên người em, bẻ quặt tay em xuống phía dưới ghế, muốn lọi tay luôn. Một tay nó vòng xuống dưới ghế, giữ chặt hai tay em.”

-“Nó mạnh lắm à?” Tôi hỏi.

-“Nó kéo lưới từ hồi mười hai mười ba tuổi gì lận mà đại úy! Không mạnh sao được!” Sáu Lánh than.

-“Hai chân dâu, không đạp cho nó một cái.” Tôi hỏi.

-“Nó nằm trên bụng em, nên hai chưn em thòng xuống đất, em cố cất chưn lên thì cấn hai cái bàn. Chưn bên nào cũng cấn cái bàn bên đó.”

-“Em mặc quần giây thun?” Tôi hỏi.

-“Không! em mặc quần lưng rút.” Sáu Lánh khai.

-“Một tay thì nó làm gì được?” Tôi lại hỏi.

-“Nó nắm cái đáy quần, xé ngược lên một cái rét. Vải cũ, dễ rách lắm.” Sáu Lánh nói.

-“Còn quần lót?” Tôi hỏi.

Con Sáu Lánh đỏ mặt, không nói.

Biết ý, tôi hỏi trước cho nó khỏi ngượng: “Em không mặc quần lót?”

Nó gật đầu. Tôi hỏi: “Sao vậy?”

-“Em chỉ có một cái, hồi chiều giặt phơi, chưa khô!”

Bấy giờ, tôi hiểu ra. Con gái nhà quê, nghèo, tiết kiệm, khi nào cần chúng mới mặc quần lót.

Tôi ngồi trầm ngâm, không hỏi. Nhận xét trên làm cho tôi hơi xúc động. Các con gái tôi, đứa nào cũng được mẹ mua cho cả chục cái quần lót khi mới ba bốn tuổi, lúc chưa đi học. Còn con gái nhà quê, lớn tồng ngồng ngồng rồi…

Thấy tôi ngồi im, con Sáu Lánh cũng không nói gì. Có lẽ nó không biết tôi xúc động vì câu chuyện của nó.

Mộ lúc lâu, tôi hỏi nhỏ:

-“Em có đau chỗ kín lắm không?”

-“Đau lắm, đại úy à!” Khi nó trả lời, tôi thấy hai dòng nước mắt chảy dài trên má nó.

-“Em có thuốc thang gì không?” Tôi hỏi, tiếng cũng còn nhỏ.

Sáu Lánh trả lời, tiếng nói cũng nhỏ:

-“Thầy Minh khám cho em, vừa cho thuốc uống, thầy nói sợ nhiễm trùng, vừa cho thuốc xức.

Tôi biết ông Minh, bạn cùng xứ với tôi, coi sóc bệnh viện ở quận.

Tôi thường không đem tiền theo nhiều, nên quay qua hỏi thiếu úy Kiệt: “Ông có tiền, đưa tôi mượn một ngàn.” Ông Kiệt chưa kịp đưa thì ông Ra đã rút tiền, đưa cho tôi. Tôi cầm môt ngàn đưa cho con Sáu Lánh, nói:

-“Tôi cho em một ngàn để xài. Nhớ khi ra ngoài đó, ông tòa hay luật sư có hỏi, cứ như thế mà khai. Ông Tư Sậm sẽ thuê luật sư cãi để chạy tôi cho con ổng. Luật sư họ khôn lắm, họ gài mánh để mình thua. Có hai điều tôi dặn: Không có cảm tình gì với con trai Tư Sậm hết cả, nhớ chưa? Với lại, hoàn toàn chống lại hành động của thằng đó, nhưng nó mạnh lắm, em chống không lại. Nhớ chưa? Thôi cho em về.”

Con Sáu Lánh nói “Dạ nhớ!” Cám ơn tôi rồi chào chúng tôi, ra về.

Tôi nói với thiếu úy Kiệt và thiếu úy Ra:

-“Nó chống không lại con trai Tư Sậm là phải. Thằng kia là dân hạ bạc, mạnh như con trâu cui. Con nhỏ thì ốm nhom. Chắc thiếu ăn.”

Thiếu úy Ra nói:

-“Nó mồ côi mẹ từ hồi ba bốn tuổi gì đó, ở với cha. Mấy năm nay cha nó “thoát ly”, nó ở một mình trong cái nhà nhỏ như cái chòi.

Một lúc, thiếu úy Kiệt hỏi:

-“Nghe nói nó bị ra máu dữ lắm phải không?”

Thiếu úy Ra cười cười:

-“Ông không biết à! Con nhà nòi. Cả xã nầy, ai không biết.”

-“Nòi sao?” Tôi hỏi.

-“Nòi “cốc ma-ru” chớ sao! Tụi nó kể hồi nhỏ, đánh bi, mặc quần xà lòn, con cu nó “chấm muối mè”. Cha con nó đều vậy. Mấy con mẹ góa chồng, khoái Tư Sậm, bị vợ Tư Sậm cầm dao đòi chém hoài chớ gì!”

&

Nửa năm sau, thiếu úy Ra bị thuyên chuyển, thiếu úy Phan Trí Huệ đến thay chưa được một tháng thì tử trận. Tôi điều thiếu úy Chiếu về nhận việc ở Vàm Rầy.

Một hôm, dự thẩm gọi tôi “trình diện gấp”. Tôi vội vàng bỏ công việc ra Rạch Giá, “trình diện” ông ta. Ông hỏi: “Tại sao trưởng cuộc Cảnh Sát xã Đức Phương không đem nộp giấy khai sinh của con trai Tư Sậm?”

Đây là công việc của cuộc Cảnh Sát xã Đức Phương, từ thời ông thiếu úy Ra, tôi chỉ được thông báo. Bộ Chỉ Huy của tôi đâu có thụ lý vụ án nầy. Sao lại hỏi tôi? Tôi không tranh cãi với dự thẩm, chỉ hứa sẽ về nhắc nhở trưởng cuộc Cảnh Sát xã nầy.

Bực mình, về tới xã, tôi gọi thiếu úy Chiếu hỏi:

-“Sao ông không gởi giấy khai sinh con trai Tư Sậm cho thằng chả?”

Thiếu úy Chiếu nói:

-“Giấy đâu mà đưa. Giấy đó là giấy gian. Thằng đó đã 21 tuổi dùng khai sinh nhỏ tuổi, mới 17. Xã trưởng Àn chỉ làm gian một lần thôi. Làm lần nữa, chả sợ.”

-“Dự thẩm cần giấy khai sinh nầy để làm gì?” Tôi hỏi.

-“Có giấy khai sinh, dự thẩm căn cứ vào đó, tha cho thằng nầy vì nó còn tuổi vị thành niên.” Thiếu úy Chiếu giải thích.

-“Tư Sậm “chạy” cho dự thẩm “đớp” rồi chớ gì?” Tôi lại hỏi.

-“Còn hỏi nữa. Thằng cha dự thẩm nầy chịu ăn lắm.” Thiếu úy Chiếu trả lời. Một lúc, thiếu úy Chiếu nói thêm:

-“Em có nghe thiếu tá Đức kể. Mấy con nhỏ bán số đề mà chả cũng ăn tiền tụi nó.”

Tôi kể thêm:

-“Hồi tôi ở Kiên Tân, trung tá Huề đến thanh tra, cũng kể cho tôi nghe một chuyện như thế. Khi ông làm trưởng ty ở Bình Dương, thằng biện lý ra lệnh cho Cảnh Sát tìm bắt mất con nhỏ bán số đề cho nó. Nó ăn tiền mấy con bán số đề rồi tha. Bẩn thiệt.”

-“Thằng nầy cũng vậy. Ở Rạch Giá, người ta gọi nó là dự “bẩn” chớ dự thẩm gì.” Thiếu úy Chiếu nói.

Một lúc, tôi nói:

-“Tôi hiểu ra rồi! Thằng nầy nó đòi gấy giấy khai sinh là vì sợ mất ăn. Nếu còn mấy tháng nữa thằng bé đủ 18 tuổi, theo như trong giấy khai sinh, thì dự thẩm phải giải qua cho tiểu khu đi lính, đâu có thả ra được. Can tội “tán trợ bất phục tùng” sao? Một thói sai nha cả.”

Hôm sau, tôi lại phải xuống Vàm Rầy, cho gọi Tư Sậm ra, nói:

-“Ông chạy dự thẩm thế nào, tôi không cần biết. Ông cũng nên nhớ rằng, dự thẩm có quyền dự thẩm, chúng tôi có quyền của của chúng tôi. Dự thẩm không ngồi ở cửa mà canh nhà cho ông được. Còn cái giấy khai sinh con ông, ông liệu sao với xã Àn thì liệu, tui sẽ làm tờ trình cho dự thẩm biết, chúng tôi không tìm được giấy đó. Ông ta làm sao thì làm.Thằng con ông mà được tha, về đây, tui thộp cổ cho đi khám răng. Bác sĩ xác nhận nó trên mười tám tuổi là tôi cho nó đi lính ngay. Hiểu chưa?”

Tư Sậm cúi gập mình xuống, nói lí nhí:

-“Dạ thưa! Tôi không dám, tôi không dám.

Ít lâu sau, thằng con trai Tư Sậm được tha, nhưng y đã dọn nhà ra Hòn Nghệ. Ở ngoài đó, có núi cao, khó bắt bọn trốn lính lắm.

Cũng thời gian đó, con Sáu Lánh giận đời thoát ly vô bưng cùng cha nó. Khi Việt Cộng tấn công vô xã lần thứ hai, con Sáu Lánh với cha nó, Bảy Lơi, cùng về xã. Bảy Lơi tìm tới nhà Tư Sậm thì Tư Sậm đã dời nhà đi rồi. Bảy Lơi tức mình châm lửa đốt nhà Tư Sậm trước khi rút lui theo đám “tỉnh đội” địa phương.

Có lẽ không có cuộc chiến tranh nào đầy hận thù và kỳ cục như cuộc chiến nầy. Không có lỗi ở ai hết hay ai cũng đều có lỗi cả?

hoànglonghải.

(1)- Ghe xẹp: Loại ghe đánh ca gần bờ ở vịnh Rạch Giá.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.