Apr 24, 2024

Truyện dài

Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 2] Quả lựu đạn
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 09:08:33 AM, May 16, 2017 * Số lần xem: 2082
Hình ảnh
#1

-“Kiểu nầy thì chết!”
 

Tôi nói câu ấy khi thiếu tá Long, quận trưởng, vừa bước tới ngồi vào cái ghế bên cạnh bàn tròn, nơi tôi đang uống càphê. Nghe tôi nói, thiếu tá Long hỏi ngay:
 

-“Gì mà ghê vậy?”

Thiếu úy Chiếu đỡ lời tôi:

-“Thằng Chói! Tối qua quậy dữ. Sáng nay quậy nữa. Dân chúng than quá trời!”

Thiếu tá Long nói:

-“Tôi cho một thằng đệ tử, vật cổ nó xuống là xong.”

Tôi cản:

-“Đừng ông ơi! Quả lựu đạn của nó còn ngòi. Nó bật một cái là chết chóc tùm lum. Ghê lắm. Dân chúng chết lây. Không được đâu.”

Thằng Chói đi lính Biệt Động Quân ở Cao nguyên, hơn một năm nay nó mới được về phép. Về tới nơi, nghe tin con Hòa, bồ của nó, bỏ xứ lên Saigon bán bar Mỹ, chán đời, thất tình, nó bỏ phép luôn. Hết phép hơn mười ngày rồi mà coi như không, nhậu riết, từ trưa tới khuya, ai nói cũng không nghe, còn hăm dọa người ta.

Nó có quả lựu đạn. Mỗi lần nhậu, nó lôi quả lựu ra, tháo chốt, bỏ vào cái ly cối. Cái ly rộng vừa tầm để kẹp cái mỏ vịt quả lựu đạn lại, không bật lên được; rồi đổ bia vô ly, bưng uống. Ai thấy cũng sợ khiếp. Quả lựu đạn trật ra khỏi cái ly là coi chết, bị thương cả chục mạng người như không.

Sáng ra, nó vô quán con Bạch, kêu càphê, xong chầu càphê là tới bia, rượu. Chuyện tiền bạc, con Bạch chịu được, không tính lời lỗ, nhưng khi thằng Chói đã vô quán ngồi, ai mà dám vô đó nữa, thành ra quán nó vắng hoe. Thấy tay nó cầm cái ly cối, trong có quả lựu đạn, lắc qua lắc lại, thiên hạ bỏ đi cho mau, sợ lựu đạn văng ra, nổ bất tử. Coi như quán con Bạch ế xệ; đám “hạ bạc” (1) không tới, bà con cũng không ai tới. Quán con Bạch mỗi ngày chỉ có một người khách độc nhất, mà lại khách ghi sổ, biết khi nào khách có tiền mà trả.

Cũng đôi khi một thằng “hạ bạc” nào nó, vô tình đi vô quán, bị thằng Chói cặp cổ, biểu nhậu chung cho vui, vui nhưng mà phải trả tiền nhậu, thế mạng cho thằng Chói. Bữa đó thì con Bạch thu được ít tiền, cũng chẳng thấm vào đâu. Quán nó thường đông khách. Khách đâu có “chạy làng” như vầy.

Con Bạch chắp tay lạy thằng Chói mấy lần mà coi như không. Nó vẫn y cái thói dọa dẫm bằng cách dùng lựu đạn như thế, chuyện chẳng đi đến đâu.

Mùa hè năm nay, trước ba cái chết của ba người lính của tôi, tôi cũng đâm ra lạnh mình. Lạnh mình chớ không lạnh dò. Ở xã An Hòa, thiếu úy Sơn, trẻ và đẹp trai nhất của tôi, “hăng máu vịt”, dẫn mấy trung sĩ cảnh sát của nó – không có lệnh lạc gì của tôi cả – tấn công giải tỏa hai chốt Việt Cộng ở cuối ấp Lò Vôi cuối xã, trên đường kinh vô “mật khu Trà Tiên”, bị Việt Cộng pháo kích. Trung sĩ Lê Bình Thạnh lảnh một trái “mọc 60”, chết tại chỗ. Tình hình căng lắm, phải tới chiều, khi tôi với thiếu úy Ký, dẫn trung đội Cảnh Sát Dã Chiến vô gần tới nơi trung sĩ Lê Bình Thạnh chết, không tiến lên được nữa, trung sĩ Huỳnh Tho xung phong đi lấy xác Thạnh. Anh ta giả làm dân thường đi đốn tràm, kéo cái xác Lê Bình Thạnh xuống chiếc xuồng ba lá, chèo về. Thấy cái xác Lê Bình Thạnh đầu vỡ nát, nằm chèo queo trong cái xuồng nhỏ, tôi muốn chảy nước mắt. Ra tới chợ quận, vợ Lê Bình Thạnh chờ sẵn đó, thấy xác chồng, nó khóc thê thảm, ai nấy cũng não lòng.

Sau đó không lâu, nhân dịp “Mừng sinh nhật Hồ Chí Minh” của Cộng Sản, chúng tấn công vô “xã Vàm Rầy”, tôi lại mất thiếu úy Phan Trí Huệ, hai mươi tuổi, mới ra trường, nhà ở đường Nguyễn Cư Trinh, Saigon cùng với trung sĩ Lê Văn Út, phó cuộc. Bên quân đội chết thiếu úy Trực, phân chi khu trưởng.

Trong vòng một tháng mà có những ba bốn cái chết, lòng tôi “u ám” thế nào ấy. Hôm Việt Cộng tấn công “đồn Lung Lớn”, bị thiếu tá Long cho pháo dập, hơn một chục cái xác nằm trong, ngoài hàng rào. Tôi và thiếu tá Long đến nơi; ông ta nói với tôi: “Moa xông pha biết bao nhiêu trận, bây giờ thấy máu xương như vầy, moa cũng ngán”.

Lỡ như có án mạng nữa, tôi cũng ngán như ông ta. Đâu chỉ mình sợ cho mình, còn những người chung quanh mình nữa chi?! Chết là hết, “đời là vô thường”, sống đó, chết đó, nói nghe dễ. Người chết thì dễ, người sống mới khó. Đó là cái “hậu quả” người chết để lại. Thành ra, tôi chẳng “thúc đẩy” thiếu úy Chiếu, thiếu úy phân chi khu trưởng giải quyết vụ thằng Chói cho mau. Từ từ rồi cũng xong, nôn nóng ích chi. Nói vậy là để an ủi, lỡ như có ai biết ruột gan tôi mà chê bậy tôi nhát gan.

Buổi chiều, khi tôi ngồi vào vô-lăng chiếc xe Jeep, tính nổ xe về, thiếu úy Chiếu mặt buồn xo, hỏi tôi:

-“Tính sao đại úy?”

Tôi nói như để an ủi anh ta:

-“Thôi! Để thêm một bữa nữa thử coi. Mai tôi xuống.”

Thiếu úy Chiếu buông tay đang vịn ở cửa xe, tôi nhìn anh ta, không vui, và đạp gas cho xe chạy tới.

&

Hôm sau, giải quyết vài việc ở văn phòng xong, tôi đi ra garage định lên xe. Thấy Phan Chánh Tiêm, trưởng ban Truyền Tin đang đi vào sân, tôi nói với anh ta:

-“Ông” gọi máy về nhà, báo cho cô biết, trưa nay tui không ăn cơm nhà.”

Việc tôi không ăn cơm trưa ở nhà xảy ra rất thường, bởi ngày nào tôi cũng xuống các xã, ngay cả những xã ở xa như xã Bình Trị, ở núi Hòn Chông, nơi căn cứ của Nguyễn Trung Trực ngày trước. Xã nầy Việt Cộng mạnh vì núi Hòn Chông là nơi chúng dễ ẩn núp; thứ hai, xã Tín Đạo, bao gồm cả vùng Nam Thái Sơn là vùng tôi thường gọi là “Cộng Sản ba đời.” (2)

Hôm qua, tới giờ đi ngủ, tôi vẫn còn băn khoăn về vụ thằng Chói, làm sao cho thằng Chói trở lại đơn vị là xong. Suy nghĩ hoài mà tôi chưa tìm ra cách chi. Tôi dự tính hôm nay cứ biểu thiếu úy Chiếu báo cáo sự việc lên cho tôi, tôi sẽ họp bàn với “ủy ban An ninh” coi có cách gì giúp đỡ.

Xuống tới nơi, trước khi vào cái quán càphê quen như thường lệ, tôi đi quanh quan sát một vòng. Bọn Việt Cộng thường theo dõi thói quen của chúng ta. Biết chúng ta hay tới lui ở những đâu, chúng sẽ gài bom, lựu đạn, v.v… Khủng bố là nghề của chúng đấy, chúng là “tổ sư”.

Xong, tôi vô quán, chưa kịp kêu cái gì uống thì thiếu úy Nguyễn Minh Chiếu từ trong “trụ sở cuộc Cảnh Sát” đi ra, kéo ghế ngồi bên tôi, nói:

-“Con Hòa nó về rồi.”

Ban đầu, tôi tưởng thiếu úy nói tới cái tính “bay bướm” của mấy ông sĩ quan, bèn nói:

-“Mấy ông còn trẻ, có muốn “léng phéng” thì nhào vô. Tui thì kẹt đấy. Ba nó khi còn sống là nhân viên của tui mà!”

Thiếu úy Chiếu trả lời ngay:

-“Không! Không phải em muốn nói chuyện đó. Em muốn nhờ con Hòa…”

Tôi hỏi lại ngay:

-“Nhờ gì?”

-“Nhờ nó dụ thằng Chói trả phép. Thằng đó trở lại đơn vị là xong.”

Tôi cười:

-“Mỹ nhân kế”? Phải không? Kế đó hay đó. “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”. Sợ thiếu úy Chiếu không hiểu câu chữ Nho, tôi nói tiếp: “Khí phách kẻ anh hùng đựng không đầy đôi mắt mỹ nhân”. Ông nói với nó chưa?”

-“Nó không chịu đại úy. Nó bảo là nó đã “phản” thằng Chói rồi, không chung thủy với thằng Chói rồi, gặp lại thằng Chói nó mắc cở. Nói chi nó cũng không?”

Tôi hỏi:

-“Ông” nghĩ, thử tôi nói, nó có nghe không?”

-“Đại úy nói nó nghe?”

-“Bậy, tại sao nó nghe? Tại tui loon to hơn ông? Tui không tin vậy.”

-“Nói ra buồn cười. Tụi con gái ở đây con nào cũng khoái “ông đại úy” vì “ông đại úy” có vợ đẹp. Bữa cô xuống đây chơi, tụi nó kháo với nhau “bà vợ ông đại úy” đẹp và sang lắm, ăn mặc đúng kiểu Saigon lắm. Tụi nó kéo nhau đi coi. Tụi nó đứng ở xa, cô lại gọi chúng tới, nói chuyện vui vẻ, cười đùa với tụi nó.”

-“Tui nói mà nó không nghe, tụi biểu cô nói. Nhưng bọn mình là đàn ông mà công việc phải nhờ đàn bà thì… “quê” quá mậy!”

-“Nói cho cùng, cũng tội nghiệp cho mấy đứa con gái nhà quê, ngưỡng mộ dân Saigon.”

Có lẽ thiếu úy Chiếu nói câu đó vì ông nhớ câu chuyện phim tôi kể cho ông ta nghe tháng trước. Hôm tôi về Saigon, đi xem phim “La fille de Ryan” về tôi thấy thương con lắm. Tự nhiên đem con về ở xứ ruộng, không có ciné, không có nhạc hội, không có sở thú, không có thư viện… giống như cô gái trong phim, “mê” Dublin quá mà phải lấy ông thầy già làm chồng, rồi phản bội chồng. Tôi phải tìm cách đem con về Saigon ở, học hành ở đó có thầy hay bạn giỏi, chúng mới có tương lai.

Vừa lúc đó thì ông phó quận trưởng Nguyễn Đức Nghiêm tới. Ông nầy tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, hai ba năm nay. Tôi quay ra phía ông, gọi to:

-“Vô đây đã ông phó quận ơi!”

Ông ta đi vào, ngồi xuống cái ghế bên cạnh tôi. Tôi hỏi:

-“Uống chi? Tui kêu cho.”

-“Được rồi, để tôi.” Xong ông kêu một cái “xí-nại.”

Trong khi chờ càphê, “ông phó Nghiêm” hỏi tôi:

-“Chuyện thằng Chói xong chưa?”

-“Ông cũng biết à? Chuyện không phải là bây giờ, bây giờ hy vọng xong. Tui nghĩ tới ngày sau.”

-“Ngày sau là sao?” Phó Nghiêm hỏi tôi.

-“Ông thử nghĩ coi. Mai đây hòa bình, mỗi thằng lính giải ngũ, lén ôm về một quả lựu đạn, rồi tụi nó “quậy” như thằng Chói nầy, xóm làng nào chịu nỗi. Chính quyền xã ấp “mệt cầm canh” với tụi nó đấy. Phải không?”

-“Nghĩ chi cho xa!” Phó Nghiêm nhắp một chút càphê cô chủ quán vừa bưng tới, nói tiếp: “Suy ra, tui thấy ông nói nhiều cái nghe cũng hay, ở ruộng rẫy như thế nầy, có ông nói chuyện cũng vui.”

-“Ông là người trí thức, cũng như đám mấy kỹ sư nhà máy ximăng Hà Tiên vậy, tui mới nói mà thôi. Nhìn xa thì như thế nầy:

“Thanh niên lớn lên ở thôn quê, tụi nó đang yên bình, tập cầm cày, cầm cuốc, làm ruộng, phát hoang… Bỗng chiến tranh! Chiến tranh lôi chúng ra khỏi ruộng đồng, lôi tay chúng ra khỏi cái cuốc, cái cày, dí vào tay chúng quả lựu đạn, cây súng, biểu nhắm cho trúng lỗ châu mai mà bóp cò, dạy cho chúng việc bắn nhau, giết nhau; rồi hòa bình, đuổi về. Tụi nó bây giờ lạ lẫm với cái cuốc, cái cày, không quen việc làm ruộng, ở lính khi nào không hành quân thì “cà nhỏng”, quen rồi, trong khi chẳng ai chuẩn bị cho chúng một cái nghề gì “hậu chiến” cả. Thật là cả một vấn đề khó khăn với hàng triệu thanh niên.”

Bỗng phó Nghiêm hỏi tôi:

-“Nghe nói ông có làm việc ở “Phủ Quốc Vụ Khanh Kinh tế Hậu chiến?”

-“Đếch gì đâu! Nói nào ngay, khi tôi nhập ngũ, tính kiếm một “đơn vị không tác chiến”, còn lo cho vợ con được, giáo sư VQT, vì một lý do riêng khi ông ra tranh cử Thượng viện, gọi tôi tới, tính giao cho tôi một cái chức công cán, công kiếc gì đó. Nhờ đó, tôi có đọc một vài tài liệu về “hậu chiến”, chẳng hạn như về “khu thương mãi quốc tế Thủ Thiêm”, về xây dựng mới “ga xe lửa Saigon 5 tầng lầu”, “kế hoạch kết nối hải cảng Tân Thuận – Vũng Tầu”, về kế hoạch “khai thác quặng nhôm Đắc-nông”… Tôi có để ý một điều, về cải tiến xã hội, không thấy có một tài liệu nào, ngoài cái của ông Nhu. Cái nầy lại không thực tế.”

“Thêm điều nữa, về đây, tôi mới thấy việc “đào giếng lấy nước làm ruộng là hay, không dùng nước kinh tưới ruộng để tránh phèn, chỉ làm được có một mùa. Còn như ổn định cho “cựu chiến binh” thì không thấy các “sư phụ” nói gì?”

-“Sư phụ nào?” Phó Nghiêm hỏi tôi.

-“Sư phụ nào nữa. Mấy ông trong “Kinh tế Hậu chiến” là “sư phụ” cả đấy.”

Một lúc sau thiếu úy Chiếu với con Hòa tới. Tôi mời hai người ngồi chung bàn. Họ ngồi xuống ghế sau khi chào ông phó Nghiêm.

Tôi hỏi Hòa:

-“Mẹ em có khỏe không?”

-“Cám ơn đại úy. Mẹ em khỏe.” Cô Hòa trả lời.

-“Còn em thì sao?” Tôi hỏi tiếp.

-“Em cũng khỏe.” Cô ta trả lời.

Tôi nói:

-“Em trả lời vậy là không đúng đâu. Em phải nói là “em khỏe” và “đẹp thêm ra”. Đi Saigon về “đẹp thêm ra”.

Nghe tôi nói đùa, ai cũng cười.

Phó Nghiêm cũng cười, nói:

-“Ông đại úy người Huế nầy “ga-lăng thầy chạy luôn.”

Mọi người lại cười.

Một lúc, tôi nói với Hòa:

-“Việc thiếu úy Chiếu nhờ em là quan trọng lắm. Anh Chói chơi cái trò ấy rất nguy hiểm. Lỡ lựu đạn nổ, bà con trong xã có người chết, bị thương vì anh ta, anh ta có hối hận không? Một người vì mình mà tàn tật suốt đời, què một chân hay hư một mắt, gặp họ, hỏi trong lòng anh ta sẽ như thế nào? Tui suy nghĩ việc anh Chói làm lung lắm.”

-“Đại úy nói làm em giật mình.” Hòa nói. “Lỡ có ai đui què vì mình như thế, chắc em bỏ xứ mà đi luôn đại úy à!”

-“Lương tâm mà em. Ngoài mặt trận, bắn qua bắn lại, ai chết ai bị thương, là chuyện ở mặt trận, còn ở đây là quê hương mình, bà con mình, mình phải bảo vệ, phải không?” Tôi nói tiếp.

-“Để em dẹp tự ái. Mình bỏ người ta rồi gặp lại người ta cũng mắc cở. Thôi để em qua khuyên nhủ hơn thiệt với ảnh.”

Nói xong, Hòa đứng dậy, chào mọi người ra về.

Cô ta đi rồi, thiếu úy Chiếu nói:

-“Đại úy nói hay thiệt, trúng tâm lý, trúng vô lòng thương yêu làng nước của cô ta.”

-“Liệu cách mà nói. Tui cũng thật lòng mà nói thôi, không dụ khị bậy bạ đâu, chân thành mà nói đấy. Với lại, – tôi nói đùa – giáo sư văn chương mà, dễ cua gái lắm ông!”

Chúng tôi kết thức bữa uống càphê. Hôm đó tôi về nhà sớm, hy vọng thằng Chói sẽ về đơn vị.

&

Câu chuyện trôi qua gần nửa năm. Bây giờ đã tới mùa đông. Trời chưa sáng hẳn, còn lạnh, tôi còn nán nằm trong chăn, hẹn với lòng, bữa nay đi làm trễ một chút cũng được. “Xếp” đơn vị mà, trễ sớm không thành vấn đề.

Bỗng có tiếng gõ cửa. Nhà tôi đi ra, nhìn qua khe cửa rồi mở cửa ra. Trung sĩ Tiêm vào. Thấy việc bất thường, tôi hỏi:

-“Việc chi dzậy?”

Trung sĩ Tiêm nói:

-“Thiếu úy Chiếu có việc gấp, xin gặp đại úy ở đầu máy.”

-“Nói với ông chờ tui chút. Mười lăm phút nữa, tôi vô (bộ Chỉ Huy).

Nghe tiếng tôi, thiếu úy Chiếu nói ngay:

-“Con Hòa nó mới về sáng nay, đi theo chiếc xe chở quan tài thằng Chói. Nó tử trận rồi.”

Tôi im lặng khoảng vài phút, hơi xúc động về cái tin thằng Chói tử trận. Một lúc sau tôi hỏi:

-“Xe đi suốt đêm à?”

-“Không! Tối hôm qua ngủ lại trên xe ở “bắc” Vàm Cống. Giới nghiêm, xe không được chạy. Ba giờ sáng, từ “bắc” Vàm Cống mới về tới đây.”

-“Sao con Hòa biết thằng Chói tử trận mà đem quan tài về?”

-“Hình như thằng Chói khai tên và địa chỉ thân nhân là con Hòa. Nhận tin đơn vị báo, nó xin theo xe đưa thằng Chói đem về xứ chôn.”

-“Bây giờ xe đang ở đâu?” Tôi hỏi.

-“Trước trường học. Chưa biết tính sao cả!” Thiếu úy Chiếu trả lời.

-“Nhà mẹ thằng Chói?”

-“Nhà đâu! Cái chòi lá. Thằng Chói đi lính rồi, nhà cửa không ai chăm sóc, dột nát cả. Mẹ nó qua ở bên nhà Tư Sậm, vá lưới cho Tư Sậm, vừa có ăn, vừa có chỗ ở. Cái chòi bỏ hoang, gần muốn sụm. Đâu có đem về đó được.” Thiếu úy Chiếu giải thích.

-“Việc nầy là của Xã, Xã phải lo. Ông qua nói với xã Àn, để tạm quan tài phía sau nhà lồng chợ, chỗ ngó ra bờ kinh.” Tôi nói như thế là tôi biết phong tục ở xứ ta. Người chết bất đăc kỳ tử, không thể đưa về nhà.

-“Chỗ đó trống lốc, mái che cũng không có.”

-“Tui sẽ qua Thiết Đoàn 16 mượn cái tăng lớn, đem về dựng tạm mà để quan tài trong đó. Bao giờ chôn? Tính chưa?” Tôi hỏi.

-“Chưa! Mới về tức thì mà. Chắc cũng mai mốt gì thôi. Không để lâu.”

Thế rồi tôi qua bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 16, gặp trung tá Hồ Đàn, thiết đoàn trưởng, mượn tạm cái tăng nhà binh ít hôm. Xong, tôi bỏ cái tăng lên xe Jeep, lái thẳng về Vàm Rầy, không ăn sáng mà cũng quên uống càphê.

Về tới nơi, tôi thấy trưởng ấp Đực đã huy động một số Nhân dân Tự vệ cùng với mấy trung sĩ Cảnh Sát của thiếu úy Chiếu đợi sẵn. Họ đem cái tăng từ trên xe tôi xuống, rồi dựng lên phía đầu cuối nhà lồng chợ, ngó ra bờ binh như tôi đã dặn thiếu úy Chiếu hồi sáng. Xong, họ xúm nhau bưng quan tài từ trên xe xuống, đặt ngay ngắn giữa nhà tăng. Bạch, cô chủ quán càphê, “nạn nhân” của Chói, được con Hòa dặn đâu đó, đem tới bình nhang, một mân trái cây, chuối, v.v… cũng đủ lễ như phong tục của người dân quê Việt Nam, tuy có phần đơn giản.

Chỉ phút chốc, mọi việc xong xuôi.

Quan sát đám “đạo tỳ bất đắc dĩ” làm xong công việc, tôi mới để ý tới con Hòa. Nó đang ngồi trong nhà lồng chợ, bên cạnh một bà già ốm nhom. Tôi đoán chừng là mẹ của thằng Chói. Tôi bước tới chào cả hai người.

Trong trí tôi bất giác nghĩ tới mấy tiếng “Mẹ Việt Nam” mà tôi đã từng nghe lâu lắm, có lẽ từ khi Việt Nam bắt đầu có chiến tranh. Chiến tranh do đâu mà có, ai là người gây ra chiến tranh? Và đây, bà già tiều tụy nầy, cũng như mẹ tôi, cách đây hơn hai mươi năm khi người anh cả tôi bị Tây thủ tiêu, hay “Hùng móm” tử trận khi chỉ huy đại đội dù chiếm lại cổ thành Quảng Trị, cách cây chỉ có mấy năm, là nạn nhân của cuộc chiến tranh nầy, là những người gánh chịu cái hậu quả của những người gây nên cuộc chiến. Giữa mẹ tôi, một người dân tiểu tư sản thành thị, và bà già mẹ của Chói, một bà nông dân vô sản chính hiệu, đều như nhau, như nhau trong sự đau khổ, trong sự mất mát, trong sự thiệt thòi, trong sự bóc lột. Chiến tranh bóc lột tài sản của họ, nhưng điều đau đớn nhứt là bóc lột con cái của họ, thứ tài sản cao quí nhất, mà khi đã mất đi, họ đành chịu mất mát thiệt thòi, không bao giờ có lại được, không có gì bù đắp được.

Hình ảnh bà già tiều tụy, hốc hác, bơ phờ, hụt hẫng vừa mất đứa con yêu, làm cho tôi nhớ tới mẹ tôi đang ở đâu đó với các con: Ở Huế, ở Qui Nhơn với con gái hay ở Saigon với con trai. Nhà mẹ tôi ở thị xã Quảng Trị đã không còn lại gì trong trận chiến vừa qua, khiến mẹ tôi không trở về nhà cũ, nay nhà nầy, mai nhà kia ở với các con.

Còn tôi ở đây, một trong hai người con trai còn lại của mẹ tôi, đang lưu lạc về tận xứ “nắng bụi mưa bùn”, một nơi, trước kia, tôi chỉ đọc trong sách đia lý, không bao giờ nghĩ rằng, chính tôi, quê ở “vùng hỏa tuyến” lại có thể chân bước lang thang ở nơi tận cùng phía nam của giải đất hình chữ S nầy.

Tiếng khóc đục khàn của bà già nghèo khổ xứ quê mùa, hòa cùng tiếng khóc trong trẻo mà nức nở của con Hòa, cùng với nỗi thương mẹ đang gây sóng to sóng nhỏ trong lòng tôi làm cho tôi chào họ qua loa cho xong, rồi tôi tới nhà xã Àn ở cuối dãy phố chợ, sát bờ kinh, nơi xã Àn đang ngồi đó, chờ mời tôi cốc xí-nại.

Trong khi tôi đang ngồi với xã Àn, trưởng ấp Đực giúp “tang gia” làm lễ phát tang cho thân nhân. Thân nhân là ai? Chỉ có người mẹ già và “cô dâu hờ” tên Hòa vừa đem quan tài “người chồng hờ” từ Saigon về đây sáng nay. Lễ phát tang không có gì cả, không có chiêng trống, tiếng thầy chùa tụng kinh, tiếng khóc, tiếng gào của con đàn cháu đống. Lễ phát tang chỉ có tiếng khóc yếu ớt của bà “Mẹ Việt Nam” – nói như thế cho đúng thời thượng – giọt nước mắt của con Hòa, khóc cho một mối tình “đứt đoạn”. Cuộc đời đáng mai mỉa hay đáng nguyền rủa đây?!

Tôi bỗng nhớ tới những bài hát quen, nói về người lính tử trận, không sang giàu như “anh trở về hòm gỗ cài hoa”. Ở đây chỉ là người lính nghèo, một bà mẹ già, một “người yêu hờ”mặc dù họ yêu nhau thật lòng.

Ở ấp Vàm Rầy nầy, ai không biết ông Ba Nhì, cha của con Hòa. Cách đây mấy chục năm, ông làm hương quản. Cái chức hương quản cũng đủ thế lực để ông cưới mẹ của con Hòa, có tiếng đẹp, mặc dù, cô gái ấy không yêu ông ta. Hai người có hai con gái: Hiền, cô chị, và Hòa, cô em. Khi mẹ của hai đứa con gái qua đời, ông tục huyền. Hai đứa con gái không ở với người vợ kế: Con chị đi Saigon. Xã hội bấy giờ, con gái nghèo nhà quê lên Saigon có hai con đường để đi: Ở đợ hay bán bar Mỹ. Cả hai chị em đều đẹp, có lẽ nhờ cái gène của mẹ, cứ con đường đó mà đi, chị trước, em sau.

Tôi ở đây cho tới chiều, dùng cơm với mẹ thằng Chói, con Hòa và ông phó quận tới hồi trưa. Bữa cơm do An, trung sĩ Cảnh Sát, con của xã Àn khoản đãi. Cũng có xã Àn đến ngồi dùng cơm với chúng tôi.

Đang ăn, bỗng phó quận hỏi:

-“Thiếu úy Thịnh đâu? Ông ta không tới à?”

Thiếu úy Chiếu trả lời:

-“Ông ta không tới đây đâu!”

-“Sao lại không tới!” Ông phó quận Nghiêm nói. “Ông ta là sĩ quan chiến tranh chính trị chi khu, ông ta học trường đại học chiến tranh chính trị ra. Đám ma nầy, ông ta phải tới chứ, phải “tâm lý chiến” chứ!”

Xã trưởng Àn nói đùa, có ý mai mỉa:

-“Xã tui mới có trường sơ học còn ông thiếu úy Thịnh cao tới đại học lận, ông tới đây làm chi!”

Nghe xã trưởng mai mỉa, ông phó Nghiêm góp ý:

-“Không thực tế, ông Hải nhỉ? Ở những nơi “hạ tầng cơ sở” xã hội như thế nầy, người dân đâu cần một ông sĩ quan xuất thân đại học. Người ta cần một anh cán bộ thông tin đến chiếu phim cho họ coi một tuần vài lần, một ông cán bộ thông tin đọc báo cho họ nghe, tin “xe cán chó, chó cán xe” hay “con ma vú dài khám Chí hòa” cũng hay chán. Dân chúng cần giáo viên, người khám bệnh, người chích thuốc, người tổ chức sinh hoạt cho các em thiếu nhi, v.v…”

Tôi góp ý:

-“Điều ông phó nói, ông Hồ Hữu Tường gọi là “Văn minh Chính ủy” đó. Đó là thứ văn minh xã hội có tổ chức.”

-“Điều đó không mới đâu!” Phó Nghiêm góp ý với tôi.

Tôi hỏi:

-“Vậy ông phó nói cái gì mới?”

-“Phan Chu Trinh đã nói trước Hồ Hữu Tường năm mươi năm.”

-“Có phải “khai dân trí” không?” Tôi hỏi.

-“Giữa Quốc Gia và Cộng Sản, khác nhau chỉ ở con đường “khai dân trí” mà thôi, khai trong cái dàm của con ngựa hay con ngựa không dàm. Đúng không?

Nói xong câu đó, ông phó Nghiêm nhìn tôi cười.

Tôi cười:

-“Tôi phải hoan nghênh ông một phát mới được.”

Cái khăn tang trên đầu con Hòa sút ra, nó vấn lại. Tôi hỏi:

-“Em chưa là vợ anh Chói, sao em bịt khăn tang?”

-“Nếu không có em, đám ma chỉ một mình má anh Chói bịt khăn mà thôi. Đại úy không thấy lẻ loi quá hay không? Thêm em nữa, má anh Chói cũng thấy bớt… cô đơn.”

-“Hay đấy!” Tôi nói.

-“Còn với em,” Hòa nói tiếp, “bịt khăn hay không, đời cũng vậy thôi đại úy à. Dù có chồng hay không, cũng là… lỡ làng. Thời giặc giã mà.”

-“Em với An học chung một lớp?” Tôi hỏi Hòa.

-“Ba đứa!” Trung sĩ Cảnh Sát Ngô Văn An nói. “Tụi em có ba đứa, học với nhau a, b, c…”

-“Hồi đó, vui lắm, trường lớp gì đâu!” Hòa góp ý.

An kể chuyện cũ:

-“Hồi đó, không có trường lớp gì cả. Kế đám mả nhà ông chủ Ry, có cái chuồng trâu bỏ hoang. Bọn em đi học, mỗi đứa mang theo cái đòn để ngồi. Bàn là hai cái đầu gối. Kê lên đó mà tập viết.”

-“Thầy hay cô giáo dạy?” Ong phó Nghiêm hỏi.

-“Để tui kể cho nghe, tụi nó không nhớ đâu.” Xã trưởng Àn lên tiếng. “Có một tay “giang hồ cọc cạch” (3) nào đó, lưu lạc vô xứ nầy, chẳng cần phép tắc gì cả, ảnh kêu tụi trẻ họp ở chuồng bò dạy quốc ngữ cho tụi nó. Dạy hay lắm, hơn tháng là tụi nó lỏm bỏm đọc báo được. Tới thời “Đồng Khởi”, ảnh vô mật khu với tụi nó. Chưa được bao lâu, ảnh lại ra, phê phán bọn ở trỏng dữ lắm, rồi bỏ xứ nầy đi mất tiêu, cho tới bây giờ, không tin tức gì cả.”

-“Thầy đi rồi, bọn em nhớ thầy, đứa nào ở nhà giúp cha mẹ, giữ em thì thôi, tụi em đi chơi, ra Xóm biển, xóm Chùa, đi giăng câu, khi xã mở trường thì vô trường, học tiếp, cô giáo tổ chức văn nghệ…” Hòa kể.

-“Em biết hát mà!” Thiếu úy Chiểu nói.

-“Hồi đó em hay hát bài: Mười mấy năm qua khi hoa vừa hé nhụy thì đời trai vui chinh chiến.”

-“Hát xui! Mày hát vậy nên thằng Chói đi lính rồi đi luôn…” Xã Àn nói.

Hòa chống chế:

-“Ảnh chết vì nước mà, đâu phải tự con đâu bác.”

-“Hình như tết năm ngoái, khi xã tổ chức văn nghệ ở trường học, cô có hát bài gì đó hay lắm mà.” Tôi nhắc lại chuyện cũ.

-“Em hát bài “Dấu chân kỷ niệm”. Hôm qua, ngồi trên xe, bên cạnh quan tài anh Chói, em hát thầm câu “Chuyện tình đôi mươi chan chứa không bao giờ vơi…” mà nước mắt cứ trào ra không ngớt. Sao nhạc của mình buồn quá dzậy.”

Thấy không khí buồn bã, tôi lảng sang chuyện khác:

-“Đám ma xong, em về trển?”

-“Dạ!” Hòa đáp.

-“Em ở chung với chị Hiền?”

-“Không! Chỉ đi Mỹ rồi! Chỉ sang cái “bar” của chị cho người khác rồi. Em ở một mình.” Hòa trả lời.

-“Đi Mỹ? Đi thế nào?” Tôi ngạc nhiên.

-“Chị lấy chồng Mỹ. “Xếp” của chị, ảnh về nước, đem chỉ đi theo.” Hòa giải thích.

Hòa nói tiếp:

-“Chị bị ám sát, thoát chết. Chồng chỉ sợ!”

Tôi nói nhỏ với phó Nghiêm:

-“Kiểu nầy là tụi “Biệt động thành bị mắc bẫy lắm.”

-“Ông nói sao, tôi không hiểu.” Phó Nghiêm hỏi.

-“Dễ hiểu lắm. Bọn Việt Cộng thường móc nối với dân chủ bar, bán bar làm giao liên, thu nhận tin tức. Gặp bà nầy, cao tay ấn, chơi hai mang. Tụi nó dính. Mưu sát là vì lý do đấy. Chắc tụi nó bị gài lại, đau lắm. Người trong ngành tình báo, nghe qua, biết ngay.” Tôi giải thích.

Hình như xã Àn có nghe lén tôi và phó Nghiêm nói với nhau, bèn góp ý:

-“Hai ông không biết, con Hiền nầy ghê lắm: khôn lanh lắm, cha mẹ nó cũng “dzậy” mà .”

Tôi nói cho cả ba chúng tôi cùng nghe:

-“Thấy chưa? Dân ruộng rẫy của xã tôi đấy. Tình báo Việt Cộng cứ tưởng bở.”

Khi chúng tôi ăn xong thì trời đã chiều. Mùa đông đã vào rồi nhưng trời không mây, xanh ngắt như màu biển. Mặt trời đã nghiêng về phía núi Cô Tô. Có lẽ vì sương và hơi nước, núi hiện ra không rõ như trong mùa hè. Mật khu Trà Tiên hiện ra thành môt hàng xanh xanh, từ hướng Kampuchia ở phía tây, ra hướng Rạch Giá ở phía đông. Tôi nghĩ tới “bọn chúng” đang ẩn núp trong đó, trong rừng hay trong những cai hầm làm bằng gỗ tram rất kiên cố.

Nhìn lại hướng nha lồng chợ. Quan tài của Chói để trơ trọi trong đó, người thăm viếng đã hết, không còn ai quanh quẩn. Một lúc sau, con Hòa dìu mẹ thăng chói đi ra đó. Hai người đốt nhang cho nó. Có lẽ nhang đã tàn.

Ngày mai, xã Àn với trưởng ấp Đực cùng đám Nhân dân Tự vệ sẽ đem quan tài Chói ra chôn gần nghĩa trang gia đình ông Chủ Ry, phía cái mương cạn.

Rồi con Hòa se lên lại Saigon, tiếp nối cuộc đời môt người con gái quê lưu lạc ở Saigon hoa lệ. Mẹ thăng Chói cũng se ra đi trong một vài tháng hay vài năm nữa thôi.

Chiến tranh vẫn tiếp diễn. Có thể có thêm vài quan tài của vài người lính lại đem về quê, chôn bênh cạnh Chói. Và biết đâu, một trận chiến lại xảy ra ở đây, người chết, nhà cháy, như trận càn đầu tiên của lính Pháp đã xảy ra ở xóm nầy, cách nay gần ba mươi năm.

Lòng buồn bã, tôi lên xe. Trước khi nổ máy xe, tôi mở máy truyền tin gọi thiếu úy Chiếu:

-“Mai tui không xuống được. Tui gởi lời cám ơn mọi người, gởi lời chào con Hòa, chúc nó đi bình yên.”

Rồi tôi nổ máy xe, chạy ra đường. Được một lúc, nhìn vào kính chiếu hậu, tôi thấy xe ông phó quận Nguyễn Đức Nghiêm, chạy xa xa, phía sau xe tôi.

Tôi bỗng nhớ một câu hát tôi từng hát “Đời buồn tênh, như lỡ một cung đàn.” Đâu có riêng gì Châu Kỳ, ai cũng “lỡ cũng lỡ cung đàn” vậy cả thôi, dù chiến tranh hay hòa bình.”

(1)   Hạ bạc: làm nghề đánh cá biển. Tiếng địa phương.

(2)   Năm 1945, thời “Nam bộ kháng chiến”, thế hệ thứ nhứt theo Cộng Sản. Thời cụ Ngô, mười năm sau, là thế hệ thứ hai. Tới bây giờ cháu của thế hệ thứ nhất, cũng theo Cộng Sản, tức thế hệ thứ ba.

(3)   “Giang hồ cọc cách” có nghĩa là một tay lang thang lữ thứ nào đó, gốc miền Trung. Trước 1945, người miền Trung vào nam, thường để trong túi áo bà ba, hai viên đá để lấy lửa hút thuốc. Khi cần lửa, người ấy đập hai viên đá vào nhau, lửa tóe ra, bắt vào mồi. Khi người ấy đi, cái túi áo đánh đưa, hai viên đá đập vào nhau kêu “cọc cạch”. Do đó, “dân cọc cạch”, có nghĩa là người “dân gốc miền Trung”.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.