Apr 26, 2024

Biên khảo

Những chiếc thuyền giấy
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 10:30:27 PM, Feb 27, 2017 * Số lần xem: 1204
Hình ảnh
Dương Quảng Hàm
#1

   
   Về Thiều Chửu và Dương quảng Hàm

 Mở:

Nhằm vào khoảng thời gian nào đó với những thúc đẩy nào đấy, người viết có bài viết dưới đây, rồi bỏ quên trong kho chữ. Mây vẫn bay ngày vẫn qua đi, khươm mươi niên sau tìm thấy, đọc lại và nhìn ra bài viết có cái kết luận chơi vơi, bồng bềnh cùng mười đất chín trời chẳng ra làm sao cả. Thêm nữa qua những chuyện đã được kể rồi với chữ nghĩa dày đặc như ruồi bu thế này thì ai đọc. Thế nhưng ngẫm ngợi có “mở”, có “đóng”. Đọc và viết lại không tránh khỏi có thêm, có bớt…

 Ừ thì hay là hãy đóng lại bằng vào vay mượn kết cấu của một tác giả khác!?

        ***

       Của đáng tội vì không biết gã là ai nên mới thành chuyện…Chuyện là thằng bạn đời ở phương bắc điện thoại gửi gấm bạn nó tới nhà tôi ăn chực ở đợ nhăm bữa. Gã từ Sài Gòn qua đây, ghé thành phố tôi đang…”luân lạc” có chút chuyện riêng tư.

       Theo như thằng bạn đời thì trước 75, những ngày ở bậc trung học, gã học Hán văn với ông đồ sa cơ lỡ vận nào đó như…tôi đã từng, Chỉ khác một nhẽ, nhà gã ở trong Chợ Lớn, nhòm mấy bảng quảng cáo chữ vuông nên nay bụng dạ gã chữ nghĩa như trấu trát. Vậy mà cái vốn Nho nhoe của tôi lại nông choèn, cứ xanh xao vẹo vọ chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ quá. Buồn ngủ gặp chiếu manh, nay thông hanh gã thông tỏ, thông tuệ ba mớ chi, hồ, giả, dã để tôi có cơ may biến cải càn khôn một phen thì còn gì bằng. Đại thể như trong buổi sơ giao với “tửu lạc vong bần”, tôi sẽ nho táo với gã “vong” đây nghĩa là “quên”…là uống rượu quên nghèo. Thảng như câu lạc đạo vong bần là vui đạo quên nghèo. mà người Tàu cũng có câu tương tự của Lý Bạch với trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu, cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu này nọ.

 

      Với …sầu tiêu sầu thì nghe thằng bạn đời cho hay gã chỉ uống trà không uống rượu, tôi lại có bộ ấm Thế Đức gan gà nhất quý hồ tinh bất quý hồ đa nên cũng muốn khoe mẽ. Số là bộ ấm này của một cụ bạn già bê từ Bắc qua xứ này để lại cho tôi. Dài dòng vậy chả là mấy bữa sau tôi mới biết gã và tôi đều có chung cái thú tìm tòi mấy thứ mốc mẹo cũ rích. Trong buổi phùng trường tác hí, tôi uống rượu òng ọc như uống nước rau luộc, còn gã an nhiên tự tại với bộ ấm gan gà, cái chén hạt mít. Xong bữa, gã hỏi sao gã uống trà, tôi lại uống rượu. Tôi chưa kịp rằng, thì, mà, là…thì gã đã nói chữ vô tửu bất thành lể. Chưa kịp hanh thông mình có…thất lễ gì chăng? Gã lại sổ nho biện tửu bất nan, thỉnh khách nan, thỉnh khách bất ban, khoản khách nan. Và gã…rồ chữ rằng bày tiệc không khó, mời khách khó, mời khách không khó, đãi khách mới…khó.

 

      Gã khó thế đấy, rồi đủng đỉnh vào chuyện và rào trước đón sau là chả có chữ nghĩa gì sốt cả với lập thân tối “dạ” thị văn chương như tôi. Gã dàng dênh vậy, vì tôi gia dĩ chân phương, chân truyền…hư cấu, lớ quớ dám tôi viết thành văn bài để lạc đường vào văn học sử cũng không chừng! Nào ai biết ma ăn cỗ? Tôi vặc lại gã với “thị” là chợ, chuyện gã kể lể như cụ Tản Đà mang văn lên bán chợ trời thì ai mà chả biết!

       Và chuyện của gã như thế này đây...

 

       ***

       Năm 2006, gã ra Hà Nội, ghé phố Nguyễn Khuyến tìm ít sách cổ, những sách xưa thật xưa từ thập niên 30, 40 mà năm 54 người Hà Nội vào Nam để rơi rớt lại trên hè phố. Xong việc, khi đứng bên bờ hồ Tây đợi cà phê xe, cà phê gánh đi qua, những mặt hàng từ thời cụ Tản Đà, cụ Tú Mỡ còn sót lại. Mặt hồ còn lạnh sương đêm. Trời còn tối đất, gã đứng trong cái ánh sáng nhạt nhoà mà lòng thanh thản. Ven hồ còn vắng.

       Gã chợt thấy một lão ông ngoài lục tuần đang ngồi gấp những chiếc thuyền giấy thả xuống mặt hồ. Lão gày gò, nước da đen đủi, áo quần đã cũ…Gã để hồn đi hoang và hoang tưởng lão đây là ông Phùng Quán trong giai đoạn bị trù dập có thể tóm tắt trong sáu chữ: “Cá trộm, rượu chịu, văn chui”. Vì ông luôn luôn đi câu cá trộm ở Hồ Tây, ông hay ra uống rượu chịu của bà hàng nước đầu phố, cuối tháng vợ lĩnh lương, xin tiền vợ ra trả nợ. Còn văn chui, chỉ việc ông thỉnh thoảng viết, nhưng ký tên…em vợ ông.

       Gã bối rối nhìn trời nhìn đất, trong gã đang tối như đêm, dày như đất vì không biết lão là ai. Chả lẽ không biết làm gì là làm thinh, gã cầm một tờ giấy lên. Lão gật gưỡng nhòm gã, thả xuống một con thuyền khác và đăm đăm nhìn…một chiếc thuyền câu bé tẻo teo nhấp nhô theo sóng nước như…ao thu lạnh lẽo nước trong veo.

 

       Mảnh giấy có chữ…! Hoá ra lão cũng viết…văn chui như ông họ Phùng vậy.

       Đọc lươt qua vài hàng, gã nhận thấy đây là một áng văn hay, như ca dao ta có câu văn hay chẳng luận đọc dài, vừa mở đầu bài đã thấy văn hay. Gã dòm lão. Lão nhòm gã. Chỉ có tiếng lao xao của gió vờn lá rụng. Lão cứ nhàn nhã gấp giấy. Gã chậm rãi đọc. Va vào mắt gã là văn bài về Phạm Thái dẫn nhập bằng câu thơ: Ta mượn nâu sòng che kiếm bạc - Mười năm gió núi lộng thư phòng - Rượu cạn bình khô chiều nắng tắt - Nhớ người tê buốt ngọn thu phong”. Gã trộm thấy văn cách lão nào có khác chân cứ thung thăng bước mà không bị vướng vào câu, tay cứ tự nhiên vung vẩy mà không bị va vào chữ. Nhưng gã chỉ nhớ mài mại theo dạng sử thi cương mục như dưới đây:

      Phạm Thái còn gọi là Chiêu Lỳ, sinh tại phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Vào thời Lê Mạt chống nhà Tây Sơn. Mưu đồ thất bại, bị truy nã nên phải ẩn thân chùa Tiêu Sơn, phủ Từ Sơn thuộc Bắc Ninh. Ông nấp bóng cửa thiền, lấy pháp danh là Phổ Chiếu thiền sư.

      Sau Phạm Thái trút áo nhà sư để khoác áo thầy đồ ở nhà bạn, gặp em gái bạn là Quỳnh Như, cả hai làm thơ hẹn ước nên duyên tơ tóc, nhưng bà mẹ không chịu, Quỳnh Như đau buồn quyên sinh. Ông đâm ra bất đắc chí vì đại sự không thành, duyên nợ lỡ dở nên lang thang đó đây, uống rượu tiêu sầu để quên đời. Phạm Thái soạn Chiến tụng Tây Hồ phútruyện Sơ kính tân trang bằng chữ Nôm về chuyện tình của ông.

 

       Đến thiên niên kỷ 20, Khái Hưng dựa vào Sơ kính tân trang của Phạm Thái. Khái Hưng cũng vào chùa Tiêu Sơn viết truyện Tiêu Sơn Tráng Sĩ…

      

       Đọc xong, gã len chân vào chuyện là Khái Hưng cũng đi đây đó vào chùa Thầy tại núi Sài Sơn ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây. Sau ba tháng đàm đạo với sư trụ trì, ông thông thạo về đạo Phật, chuyện Từ Đạo Hạnh, nhất là chùa chiền. Ông học chữ Hán qua 18 vị La Hán ở hậu sự đường. Nhờ vậy ông dịch thơ Đường của Lý Bạch nào có khác gì Phạm Thái với những câu như: “Thiếp ngắt hoa trước cửa - Chàng cưỡi ngựa trúc đến”. Rồi tiếp đến: “Sầu lớn nghìn muôn mối - Ba trăm chén rượu ngon - Sầu nhiều rượu tuy ít - Rượu nghiêng sầu phải bon”.

       Lão ừ hử: “Vậy ư!”. Vậy ư xong, lão lực đực với gã:

       Ngoài ra Khái Hưng còn vào chùa Long Giáng ở Đông Triều viết Hồn Bướm Mơ Tiên. Đây là tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Năm sau, trong một chuyến đi thăm chùa Tiêu Sơn ở Bắc Ninh. Vì ông đã từng giao du với một số vị sư mà ông quen biết trong cuộc đời nay đây mai đó trước khi về Hà Nội dạy học ở trường Thăng Long. Cũng vì những vị sư ở đây và cảnh chùa Tiêu Sơn gợi cảm, đã thúc giục ông viết Tiêu sơn tráng sĩ.

 

       Cả hai vừa nói chuyện trống không vừa nhìn con thuyền giấy đang lờ lững bên ven hồ, nó không chịu trôi ra xa. Không khéo nó là một phần máu thịt của lão, dù lão có hắt hủi nó cũng không nỡ bỏ đi. Gã chẳng biết làm thế nào, chẳng nhẽ lại đứng nhìn lão xua đuổi những đứa con tinh thần do lão đẻ ra. Còn đi khuyên bảo một người lớn tuổi hơn mình thật chẳng giống ai. Gã xắn quần lội ra ven hồ. Gã vớt chiếc thuyền giấy. Lão ngẩn ngơ nhìn rồi lại tiếp tục thả con thuyền khác. May mà buổi sáng bên hồ không có người, nếu có họ lại cho gã là thằng hâm hâm cũng nên. Đất nước, con người bây giờ làm gì cũng vì miếng cơm, manh áo, có ai lại như lão viết chuyện tình áo sòng, áo nâu của ông sư Phạm Thái. Mà gã cũng vậy, khi không mang chuyện “ông đồ” Khái Hưng vào chùa học chữ Hán, chữ Nôm vào cái buổi tháng ba ngày tám ăn đong ăn vay này? Ai chứ với Khái Hưng, vì gối đầu lên chữ nghĩa bấy lâu nên gã hay biết cóc nhái qua tác giả Hoàng Yến Lưu với bài viết Nửa chừng xuân của Khái Hưng thì từ toà soạn ở đường Quán Thánh, ông thường ra hồ Trúc Bạch, uống cà phê gánh.


      
***  

       Nhặt cái thuyền dạt vào ven bờ, trở lại cái ghế đá, gã giở bản thảo lão ra đọc.

       Và ớ ra vì vừa nhắc đến cái ghế đá qua bài viết Nửa chừng xuân…trên thì dịch giả truyện Liêu trai chí dị là Khái Hưng hiện ra trước mắt gã trên giấy ngay đây…Hồn ma bóng quế Khái Hưng hiện về trong một cõi đi về với những u mê ám chướng…


 

 

      “…Khái Hưng đã chết như thế nào? Từ lâu, mỗi lần gặp lại tên Khái Hưng, tôi (Dương Nghiễm Mậu) lại nghĩ đến điều đó, cùng lúc tôi muốn biết Khái Hưng, Tự lực văn đoàn, cũng như tất cả những người ở thế hệ Khái Hưng họ đã nghĩ gì, làm gì. Họ đã hoạt động trong giai đoạn kháng chiến ra sao? Tại sao Cộng sản thủ tiêu Khái Hưng? tôi nhớ câu thơ ấy của Thanh Tâm Tuyền. Khái Hưng đã bị thủ tiêu, điều ấy đã chắc.

 

Trong thời gian làm tờ Văn Nghệ tại nhà in ở đường Cô Bắc, tình cờ tôi được nghe truyện về Khái Hưng, người nói chuyện giới thiệu là một người cháu về đằng bà Khái Hưng, người này nói chính ông đã gặp Khái Hưng lần cuối vào ngay buổi chiều cán bộ V.M. bắt Khái Hưng dẫn đi, bọn cán bộ này là một thứ du kích tự vệ xã, Khái Hưng mặc quần áo thường, người kể truyện gặp Khái Hưng ở đầu làng, Khái Hưng có nét mặt rầu rầu buồn bã mỉm cười và giơ tay chào. Sau đó, người nói chuyện bảo dù rất kín, mấy tên du kích đã lộ ra rằng họ bỏ Khái Hưng vào bao bố đâm chết rồi quăng xuống sông.

 

Không hiểu ngoài những điều mơ hồ, không có gì làm bằng chứng kia, còn có những điều nào khác được kể về cái chết của Khái Hưng? Có điều Khái Hưng đã chết. Khái Hưng đã chết thực và tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng - theo như ghi chép - để lại cho chúng ta là tác phẩm Băn khoăn…”

 

       Vuốt chiếc thuyền giấy cho thẳng nếp, gã đọc tiếp một đoạn khác của con đẻ của Nhất Linh và là con nuôi của Khái Hưng (tác giả gọi ông bằng “papa”). Bài viết kể về những kỷ niệm, những ngày cuối trước khi ông bị Việt Minh bắt và đưa đi thủ tiêu

“…Mờ sáng hôm sau tàu giạt vào bờ bến Mễ vì sợ tàu bay bắn phá. Gia đình tôi phải tạm ngụ ở làng ven sông rồi sau thuê xe tay đi về quê. Hai ngày sau mới về tới Dịch Diệp, quê me tôi, cách tỉnh lỵ Nam Định chừng 20 cây số. Sắc mặt papa có vẻ vui hơn, không còn đăm chiêu như mấy ngày ở Hà Nội nữa.

 

Vài hôm sau, một chiều hai thanh niên mặt lạ tới “mời” papa lên huyện. Cả nhà thất sắc nhưng papa chỉ vào cái phù hiệu của Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam do chính tay Trần Huy Liệu tặng còn gắn ở ve áo, bình tĩnh nói “Chắc không có chuyện gì đâu, để tôi đi xem sao, bây giờ kháng Pháp là lúc cần đoàn kết, đâu có chuyện bắt bớ bậy bạ!”

Khi papa ra đã tới gần đầu ngõ, mẹ tôi chợt nhớ vội gói mấy quả cam đường vào tờ kinh cứu khổ rồi bảo tôi: “Con chạy theo đưa papa mau lên, nói papa nhớ tụng kinh luôn, lạy trời phật cho tai qua nạn khỏi”. Tôi chạy theo đưa papa nói vội: “Cam đường papa nhớ ăn, kinh cứu khổ papa nhớ tụng!”

 

Tôi đi theo đến đầu làng, dáng papa thất thểu vác tay nải mệt nhọc đi trước, tên công an đi theo sau. Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau dãy tre, chắc là đi về phía sông Hồng xa lắc đằng kia. Tôi bàng hoàng trở về nhà, miệng còn lẩm bẩm:

“Tội nghiệp, không biết papa có nhớ ăn cam đường và tụng kinh cứu khổ không?...”

 

      Và thêm một đoạn văn ở trong nước của ai đấy tiếp nối theo con nuôi Khái Hưng:

“…Một số tài liệu cho rằng Khái Hưng bị Việt Minh bắt giam tại Liên Khu 3 (Lạc Quần, Trực Ninh) rồi đem xử tử hình ở bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Theo con nuôi Khái Hưng, thì Khái Hưng mất tích sau Tết Ðinh Hợi (22/1/1947).

 

Hồi còn dạy học ở thị trấn Vĩnh Bảo, Hải Phòng năm 1973, tôi đã nghe chính miệng những du kích Thái Bình, những kẻ thừa hành bản án kể rằng họ được lệnh bỏ rọ trắm xuống sông nhà văn Khái Hưng trong Tự lực văn đoàn. Kẻ hành quyết kể lại thái độ của Khái Hưng rất bình thản, ung dung chui vào rọ nứa cho họ trần buộc dây, gài đá, vần xuống sông. Ở dưới đáy sông sặc nước, chắc nghẹt thở lắm…Khái Hưng chết chỉ vì ông là đảng viên đảng Đại Việt!...”

 

       Cùng một cõi đi về, gã bần thần vì bị ám ảnh bởi truyện của Bồ Tùng Linh (Khái Hưng dịch) vừa rồi có chút nào sa đà với chữ nghĩa chăng. Thế nhưng làm như có hồn ma ám chướng hay sao ấy: Những tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng mới được tìm thấy làm như có cùng một dòng sinh mệnh với tác giả như: Băn khoăn. Hay với tâm tư của một người viết trước cảnh cốt nhục tương tàn trong cuộc chiến Quốc Cộng đang diễn ra với các truyện ngắn gồm: Lời nguyền,  Khói hương, Khúc tiêu ai oán...


      
***
      
Qua cái chết của Khái Hưng, trong cái ảm đạm của một cõi đi về…Lão lặng lẽ thả. Gã lặng lờ vớt. Trong gã cứ,…u u minh minh với bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đội vầng nhật nguyệt, rọi xuống trăm năm một cõi đi về… Tất cả khoảng chục con thuyền giấy. Người thả thuyền thì hết giấy. Người vớt thuyền làm như nao nuốt, với những nắn nuôi. Gã ôm những con thuyền giấy lên ghế đá ngồi, gỡ từng con thuyền, xếp lại theo trang. Đó là những tờ giấy bị nước hồ dày vò đến thảm thiết. Người hết giấy gấp thuyền dật dờ châm thuốc. Người vớt thuyền ngồi tư lự. Mùa hè bắt đầu nắng đỏ, nắng ơi ơi gọi nhau cứ tao tác cả lên.

 

       Để tránh những…Khói hương, những…Khúc tiêu ai oán của nhà văn Khái Hưng Trần Khánh Giư. Gã muốn đi đâu đó, nhìn quanh quất, những gánh cà phê hay xe cà phê dạo cũng biến đâu mất theo những chiến thuyền giấy. Làm như giống người xưa, bằng hữu phải thết bằng hảo tửu. Thêm nữa với câu phi tửu đồ bất thành trượng phu, bất tri tửu đạo bất hiền nhân, gã chợt nhớ đến câu thơ của hiền nhân Phạm Thái: “Sống ở dương gian đánh chén nhè - Thác về âm phủ cắp kè kè - Diêm vương phán hỏi mang gì đó -  Be”. Vì vậy gã rủ rê lão đi ăn…thịt chó. Gã muốn những tha mộ địa vừa qua nằm lại chết dí ở Hồ Tây, gã muốn ôm cái hồ trường nghêu ngao dữ nhi đồng tiêu vạn cổ sầu, hiểu theo nghĩa…cùng với mày, ta tiêu tán nỗi buồn nghìn năm.

       Ngồi trong quán nhà sàn ở khu Nhật Tân.

Đất trời còn sớm sủa, vậy mà người Thăng Long ngàn năm văn vật cũng có dăm mống, như ngày nào năm cũ ở phố Hàng Hòm, ngõ Cống Chéo. Những anh nhiêu, anh khóa đẳng cấp tôn ti với chiếu hoa cặp điều, tới trước thì mời quan bác lên chõng trên, chậm chân thôi cũng đành để quan anh an vị dưới đất thô, nhưng cũng chiếu cói như ai. Gã nhẩm chừng, thôi thì thượng điền tích thủy, hạ điền khan, nhắm cái dồi trước đã…Gã dòm lão ngỏ ý bắt cút rượu nếp than cho ra dáng tang bồng hồ thỉ. Lão nhòm gã lắc đầu và đòi uống trà…Thái Đức.

 

 

       Lão lơ đãng đảo mắt ra ngoài bờ đê, gió sông Hồng hiu hiu thổi và…thổi nhẹ tách trà, nhấp từng ngụm nhỏ. Lão như cái bóng ngồi im. Im ắng. Gã chiêu niệm chữ nghĩa tiếp. Văn chương thiên cổ sự của lão vẫn thế, chỉ phẩy vài cái mà lột được hết hồn vía của nhân vật. Gã bày tỏ cảm nhận, cảm quan với lão. Lão đang nhìn ra ngoài khoảng không. Chỉ có tiếng ầm ì của sóng nước cùng những con chữ nhẩy múa trên mặt giấy…

      Mỗi năm hoa đào nở, tôi lại đến thăm nhà thơ Tú Sót. Ông kể lại cho tôi nghe buổi "hầu chuyện" với cụ Vũ Đình Liên cách đây đúng 15 năm. Ý định ghi lại xuất xứ bài thơ Ông đồ đăng trên báo Tinh Hoa năm 1936 được ông Tú ấp ủ từ năm 1989, nhưng rồi cứ nấn ná chưa thực hiện được. Một buổi chiều thu nhạt nắng, sau khi thắp hương viếng phần mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, ông đồ xứ Nghệ đã mời nhà thơ Vũ Đình Liên lại nhà mình để được hầu chuyện. 

      Kể lại kỷ niệm này, ông đồ xứ Nghệ rưng rưng:

      Rất ít người biết bài thơ Ông đồ của cụ Vũ Đình Liên nặng kỷ niệm về người vợ tảo tần. Bà chỉ là cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Cụ khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén đó và chàng trai trẻ này đã phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, ngoài ra bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Thời đó, kẻ sĩ là ông đồ nghèo đến nỗi không có nhà phải ngồi ở vỉa hè để bán chữ, không có cả tiền mua giấy nên phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần với tay về phía cô hàng xén: "Này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái bút", vậy là được cả đôi bên. Họ cứ dung dị gắn bó mưu sinh với nhau ở một góc vỉa hè chật chội. Họ ngồi cạnh nhau trên hè phố cùng kiếm sống qua ngày.

 

      Cụ Tú Sót chậm rãi: "Thơ không phải lúc nào muốn là bật ra được, nó phải là những cảm xúc căng chật trong lòng với những khắc khoải". Ban đầu, cụ Vũ Đình Liên khắc họa hình ảnh Ông đồ : “Hàng Bạc đi lên Hàng Bồ, trên đường đi học, ông đồ buồn thiu” thế thôi. Một ngày xuân, nhà thơ đi qua con phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng, chỉ còn những bậc thềm hoang lạnh vì không thấy ông đồ đâu nữa. Người đời lãng quên ông đồ, lãng quên luôn một nét văn hóa dân gian. Chỉ kịp nghĩ đến đó, nhà thơ bỗng bật lên nỗi niềm thương xót của kẻ hàn nho mãi tự: “Năm nay đào lại nở, không thấy ông đồ xưa, những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”. Tâm sự với người bạn thơ Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên mắt ngấn nước: "Nhưng ông ạ, có lúc tôi cảm hoài bài thơ Ông đồ hình như không phải của mình mà là tiếng nói từ ngàn xưa vọng lại".

 

      Cuối trang lão ghi lại những nét chấm phá trên giấy…

      Ông Tú Sót gắn những năm cuối đời của mình ở góc phố Bà Triệu. Ông đã mãi mãi trở thành “người muôn năm cũ” từ mùa hạ 2006.

 

      ***
      Thêm một ông đồ, gã tự hỏi “Ông đồ Nghệ Tú Sót” nào nữa đây? Sách vở mua cả đống để đó, vì vậy gã đâu có hay ông Tú chỉ là bóng chiều đậu xuống bờ vai, đời còn sót lại một vài bóng quen của lão thả thuyền giấy đây. Thế nên gã đắm chìm trong một thời nho học với áo the, guốc mộc qua một chiếc thuyền giấy khác về một bến đò:

 

  

     Tranh “Ông đồ xứ Nghệ”  được vẽ

     phỏng theo bức“Ông Đồ Vũ Đình Liên”

     của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái.

 

“…Nhà thơ Tú Sót tức Chu Thành, hay Chu Thành Thi vừa tạ thế ngày 27-3-2006, thọ 77 tuổi. Không thể kịp ra Hà Nội tiễn đưa người bạn quý, tôi (Hà Sĩ Phu) ngồi ở Đà Lạt, bùi ngùi tiếc thương. Thơ ông ngay cả khi châm biếm sâu cay vẫn cứ nhân ái. Trong những lúc trà dư tửu hậu, Tú Sót thường đọc “tếu” với bằng hữu câu:

 Hôm nay mồng tám tháng ba
Tôi giặt hộ bà cái áo…của tôi 


Câu thơ hóm hỉnh, đùa cợt, đẫm tình người với người vợ khuất núi, Tú Sót đấy. Tú Sót không tô vẽ, đẽo gọt cùng thời thế với với thế thái nhân tình…

Cổ eo, thân rỗng, mồm loe 
Nhớp nhơ cái bụng, lại khoe cái mồm 
Bị người phỉ nhổ luôn luôn 
Thế mà vẫn cứ giơ mồm ra khoe! 

      Thấy gã ngẫn ngẫn trông thấy, lão um tùm bài thơ có tên là Cái ống nhổ. Vì ông Tú Sót Chu Thành đồng thanh tương khí với ông Tú Sơn Phan Khôi qua Ông bình vôi. Bài này Phan Khôi đồng khí tương cầu với bài thơ Cái bình vôi của Lê Đạt…Cũng như ông Tú Sơn Phan Khôi có bài Cái loa, thì ông Tú Sót Chu Thành có bài Cục tẩy

Càng ăn lắm, càng bé đi 
Mềm như cái lưỡi chuyên nghề sửa sai 
Người sai mình cọ mình mài 
Khi mình khuyết phạm đố ai sửa mình? 


       Đang vun chuyện đến đây, khi không lão ngừng ngang xuơng và giơ tay ới người phục vụ như gọi đò sang sông…gọi cái chả chìà. Gã lúi húi lâm râm đọc tiếp:

       “…Năm 1988, lúc ấy những người có chút lòng ưu thời mẫn thế tự nhiên cứ tìm đến nhau, rất hồn nhiên và vì trong nhóm chưa ai bị gây khó khăn. Tú Sót đến tôi chơi. Ông thử tôi bằng một vế đối: Bác bôi tôi, không bằng tôi bôi bác.

Ông chơi chữ thật hóm ở hai chữ cuối: bôi bác. Bôi bác là hai chữ rời thì nghĩa khác, là một từ kép thì lại nghĩa khác, bác  bác nọ lại là bác kia. Tôi hỏi đã ai đối chưa. Tú Sót bảo Hữu Loan đối rồi, và đọc: Mày ăn dân hết nước, dân ăn mày.


Thú thật nghe xong tôi khoái trá lạ lùng. Quan hệ bác với tôi đã được Hữu Loan chuyển thành mày với dân. Đem chữ mày (ông Hồ) đối lại với chữ bác (ông Hồ). Chữ hết nước đã tài, nhưng “mày ăn dân, dân ăn mày” khiếp quá. Chữ ăn mày là thần bút, ăn mày là một từ kép thì nghĩa đã hay, nhưng là hai chữ rời thì quá tuyệt. Quan hệ ăn thịt nhau (Œil pour œil, dent pour dent mà!) thì chính là quan hệ kẻ thù. Đúng là Hữu Loan. 
Từ đấy tôi với Tú Sót thành thân thiết. Một ông đồ Nghệ rất thâm nho. Cái thâm nho đã gửi vào đấy, vào cái hồn nhiên. Trong một xã hội mà con người đã mất hẳn sự hồn nhiên, cười không ra cười, khóc không ra khóc, thì mơ ước đơn giản của Phùng Quán chỉ là “Yêu ai cứ nói là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét” trở thành ảo vọng, nên chẳng trách Tú Sót. Ông “dấn thân” theo cách riêng của ông. Ông “phản kháng” vừa với sức của ông, nên ông cứ vững vàng túc tắc đi tới, không quá sức nên không phải lùi.

 

Tôi giữ mãi hình ảnh cuối cùng của ông trong lần tôi đến bệnh viện Hữu nghị thăm ông trước ngày ông mất ba tuần. Tôi ghé tai ông, đọc ông nghe mấy lời tôi vừa cảm tác: 
Tú còn Sót lại hôm nay 
Cũng vùng đất chở trời che, đừng buồn 
Văn chương, chữ nghĩa có hồn 
Nghìn năm nghiên bút không mòn Tú ơi
 

 

Được tin ông mất tôi buồn, vừa buồn, vừa nhớ, vừa tiếc. Thi hài ông được hoả táng theo đúng nguyện vọng của ông: “Thác làm than củi cho đời ấm thêm!”. Ông thành than củi cho đời ấm thêm. Vĩnh biệt Tú Sót, hằng mong non sông mình còn để “sót” lại những ông “tú” như thế, những cậu tú, cô tú trên khắp non sông cẩm tú này. 

 

        ***

        Gặp buổi nắng không ưa mưa không chịu, lại tới tuổi tịch dương vô hạn hảo, bỗng dưng mang cái tâm thái sĩ tử Văn Miếu một thời văn học trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ. Có đĩa chả chìa, thế là gã làm một chai. Trong phiêu bồng, gã râm ran với lão cũng muốn có một văn bài có văn có truyện về những người xưa năm cũ như Nguyễn Bá Trác, Chu Thiên. Bởi gã thống khoái bản Hán văn Hạn mạn du ký trong đó có bài Nam phương ca khúc tức Hồ Trường. Còn Chu Thiên, gã tâm đắc Bút Nghiên (1942), và Nhà Nho (1943). Lão ậm ừ gã cũng nho táo quá lắm với thiên trời địa đất, cử cất tồn còn, tử con tôn cháu, lục sáu tam ba…vậy chứ gã có biết chuyện tác giả của bộ Hán Việt tự điển không? Nói xong lão đưa thêm cho gã một…cái thuyền:

       “…Thiều Chửu tên thật là Nguyễn Hữu Kha, tự Lạc Khổ, sinh năm 1902, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Trung Tự, phường Đông Tác, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Thân phụ của ông là Nguyễn Hữu Cầu, quen gọi là cụ cử Đông Tác, một trong những người sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục, vì tội chống thực dân Pháp nên bị đày đi Côn Đảo.

 

Tử thuở nhỏ, ông bẩm sinh là người đa sầu đa cảm, chính ông từng kể về tuổi thơ của mình rằng: “Nhà nghèo quá, lúc đó mẹ tôi đã sinh đến 6 con. Nhiều con càng túng thiếu nhiều. Chị em tôi 7, 8 tuổi đã phải tập làm rồi: chăn bò, cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm, nấu cám lợn, chả làm được cũng phải làm, con đàn ai chiều? Mười tuổi đã phải tát nước, 12 tuổi đã tập cày bừa… Năm tôi 14 tuổi, bố bị giặc Pháp bắt, khép án 10 năm, bị đày ra Côn Lôn… Mẹ tôi lúc này khổ quá, đẻ được 3 ngày đã phải đi làm, đi thăm bố tôi…

Năm 16 tuổi, ông một mình xuống Đồ Sơn bán thuốc Nam và bánh kẹo kiếm sống, nhưng vì tin người nên mất hết vốn, nên suốt 2 năm trường đành phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, thậm chí có lúc phải đi ăn mày, nhưng cũng nhờ khoảng thời gian ấy mà ông ngày càng tin yêu triết lý cứu khổ cứu người của đạo Phật. Ông bắt đầu dịch kinh Phật, lấy bút hiệu Lạc Khổ (vui trong cảnh khổ), ít năm sau đổi thành Thiều Chửu (cây chổi bông lau quét sạch mọi thứ rác nhơ trong tâm thức).

Ông dịch nhiều kinh Phật căn bản như: Kinh A Di Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Kim Cương Bát Nhã,…Tây du ký (1933-1934). Riêng bộ Hán Việt Từ Điển ở lời nói đầu, ông đã viết lên thao thức của mình về Nho học: “Tôi tự nghĩ rằng Hán học thời nay đang ngày một mất dần, chỉ nhờ có học Phật thì may ra mới duy trì được ít nhiều..” . Thiền sư Lê Mạnh Thát từng nhận xét về bộ Hán Việt Từ Điển của Thiều Chửu: “Những người Việt học Hán Văn không thể không cúi đầu tri ân công trình văn hóa bất hủ mà Cụ đã để lại cho đời”. Mặc dù từ điển của ông đơn giản hơn cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, nhưng uu điểm từ điển của ông là cách tra chữ được xếp theo Bộ Thủ, đếm chữ theo số nét. Ngoài ra còn có bảng tra các chữ khó đếm nét, cách tra theo mẫu tự A,B,C rất tiện lợi cho người học, sau này còn có cách tra theo phiên âm Bắc Kinh.


Năm 1945, ông Hồ mời ông ra làm bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong chính phủ Lâm thời, ông từ chối. Nhưng tiếc thay, năm 1954 trong khi ông và đoàn tế sinh đang cư ngụ tại xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, thì miền Bắc tiến hành phong trào cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản địa chủ, làm cho không ít nông dân bị hàm oan, thống khổ. Thêm sự kiện “tai bay vạ gió” là lời vu cáo ông thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Thậm chí ông còn bị “xỉa xói mắng nhiếc luôn ba bốn giờ, vu cho đủ các tội ác, dùng những lời nói rất khinh bỉ hà khắc, chỉ khác với đấu tố là chưa phải quỳ mà thôi”.

Để chứng minh cho sự thanh bạch của mình, ông viết một bức gởi ông Hồ:

“Cái án “mạc tu hữu” (tức vu cáo, ông viết chữ Nho) mà Nhạc Phi phải chịu còn có lẽ, ai ngờ đời nay chính bản thân tôi lại bị, thì tôi còn biết van vỉ làm sao được nữa”.

 

Đêm 15 rạng ngày 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ 1954, tức cuối ngày giỗ cha, sau khi từ biệt học trò, lễ tạ bốn phương, ông ra thác Huống trên sông Cầu tại xã Vạn Thắng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên gieo mình xuống sông. Cái chết “Thiên cổ kỳ oan” của ông đã gây tiếc thương vô hạn trong dân chúng địa phương, một học trò của ông, kể ông có dặn đừng vớt xác ông, nhưng các học trò không ai nỡ làm thế.

 

Môt nhà phê bình văn học trong nước đánh giá: “Thiều Chửu là một con người chân chính, một nhà trí thức lớn của dân tộc” và tặng ông câu đối: “Nửa kiếp trầm luân, bác cổ thông kim, lòng bốn bể - Trăm năm phù thế, cứu dân báo quốc, phép muôn đời...” 

 

     ***

     Những cái chết thiên cổ kỳ oan nằm trong những chiếc thuyền giấy được lão thả xuống triền cát. Theo triền dốc thoai thoải, chúng lay lắt theo ngọn cỏ gió đùa có hai ba chiếc thuyền vướng lại đám cỏ gà. Gã không biết những ai đấy còn nằm ở đó. Trong một ngày không gió thì mưa,…mưa đâu không thấy chỉ thấy có cơn gió lốc thổi tới, bốc những chiếc thuyền kia như cánh diều theo gió bay đi về mạn sông Hồng. Những chiếc thuyền giấy sẽ theo dòng nước trôi ra biển rồi trôi dạt về đâu. Ắt hẳn là theo con nước đậu về cảng Phòng có đảo Cát Hải với Khái Hưng, hay bến bờ Trà Khúc ở Quảng Ngãi có ông Tú Sót. Mà dám cũng có chiếc thuyền nào đấy lạc về sông Cầu có thác Huống với ông Thiếu Chửu. Bỗng không gã lại tư lự, vì lại thêm một ông đồ nữa,

       Buôn đầu chợ bán cuối sông thì gã đang lạc vào một bến sông để hoài cổ, hoài cố nhân, hoài cố quận những ông đồ sa cơ lỡ vận, thảng như “ông đồ” Khái Hưng do gã…tìm thấy. Còn lão đây với ông đồ Vũ Đình Liên, Tú Sót, nay thêm Thiếu Chửu, làm như lão muốn đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi với một thời nghiên bút. Hoặc lão đang tìm về lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương qua nghìn năm gương cũ soi kim cổ, cảnh đấy người đây luống đoạn trường cùng nước còn cau mặt với tang thương…Cùng tang thương ngẫu lục, bến ngộ đâu không thấy chỉ thấy bờ mê bến lú, gã lú lẫn nhìn lão mắt tròn dấu hỏi (?). Lão ừ à. Lão vỗ vai gã đứng dậy, người thẳng đứng như cái chấm than (!). Gã thầm nhủ đã đến lúc phải chia tay vào một ngày nắng hạ. Ve sầu kêu đến chết lịm trên những ngọn cây.

       Những con thuyền giấy đang theo gió bay đi chia tay lão về một bến vắng.

 

       Lúc này gã mới ớ ra chưa biết danh tính lão. Gã đứng lên thủ lễ vấn danh. Lão gật đầu và gật gừ rằng quên không kể cho gã nghe chuyện một người làm văn sách:

“…Gần ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Văn nghệ họp trên đồi Nhã Nam. Cuộc đấu tố văn nghệ sĩ diễn ra gay gắt căng thẳng. Người ta đã vu cáo những chuyện tày trời, quyết liệt dồn người làm văn vào tận chân tường. Tác giả Lều chõngViệc làng đã phạm tội phục cổ nhằm mục đích gì? Và, ông đã qua đời vào đêm 20 tháng 4 năm 1954 bằng cách thắt cổ tại nhà riêng ở Yên Thế, Bắc Giang. Cái sự chết của người làm văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang ở địa phương từ chối không cho chôn…”

 

       Lão nhìn gã xa vắng. Rồi tắt lặng. Trong không gian mộng mị liêu trai xao động. Gã mường tượng đến trên ngọn đồi Nhã Nam ở núi đồi Yên Thế như Đỉnh gió hú có một căn gác u ám. Tắt đến mấy giây. Gã hình tượng trong căn gác lạnh lẽo có một cái ghế đẩu, cái sà ngang. Gió thổi rì rào. Chui vào đầu gã là cái thòng lọng giây thừng lủng lẳng, lủng lẳng. Lão đập nhẹ vai gã cái nữa, miệng giật giật như muốn nói... Một cơn gió lạnh lùa vào phòng, mang theo tiếng âm u, u vắng của người xưa vừa xa, vừa gần của…ông đồ Ngô Tất Tố: “Đừng đánh tôi…Tôi bị oan… Đừng đánh tôi…Tôi bị oan…”

    

      Gã giật mình vì giọng nói của cụ Đồ Tố mang âm hưởng của lão thì phải. Mà lão nào phải là Khái Hưng với Liêu trai chí dị. Ấy là đừng nói đến Bồ Tùng Linh, vì vừa rồi gã vừa “hoài cổ”, hoài đồng vọng gì đó thì nghe chuyện cụ Đồ Tố vì “phục cổ” mà phải tìm cái chết. Thêm vài chuyện gã định gọi lão lại để hỏi thì bóng lão đã khuất nẻo gần cuối con đường Nhật Tân. Bờ vai còm cõi, dáng đi gù gù như chúi người về phía trước. Lão và cái bóng “Ông đầu xứ Tố” xa dần. Gã muốn hỏi cho ra chuyện phải chăng người đời gọi ông vậy vì ông đỗ đầu kỳ thi khảo hạch ở Bắc Ninh năm 1915 chứ chưa đỗ thi Hương. Người đọc sách biết ông qua Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng, Kinh dịch. Ngoài ra ông còn chú giải và dịch Hoàng Lê nhất thống chí. Hai cái bóng ngả nghiêng xa dần. Cả hai nhập làm một như hai cái chấm (:) mất hút ở một góc đường không một bóng người.

      Gã bần thần trong phút chốc, gã bâng khuâng trong giây lát với câu thơ “Chữ nghĩa của người này – Là cái bóng của người kia”. Với gã thì cụ Đồ Tố không ngoài “Bao năm tháng thân chìm vào bóng - Thân về trời bóng vẫn ngồi im”. (thơ Hoàng Vũ Thuật)

 

      Để chấm dứt chuyện, gã hấm húi với tôi là: “Hình như trong ai cũng có bóng của một vài con thuyền giấy. Bạn đừng để nó trôi đi, nếu nó trôi đi mất thì cuộc đời buồn lắm”. Mấy ngày dăm bữa cũng qua mau, trước ngày trở về thổ ngơi bản quán, tôi bày ra cơm cà dưa muối và uống trà Tàu với gã. Bốc điện thoại viễn liên báo thằng bạn đời là bạn nó đã về rồi, nhân tiện hỏi nó về…một vài con thuyền. Thằng bạn tôi cũng thuộc diện thông tỏ mọi chuyện như gã, cười cái hậc mà rằng: “Gã hư cấu đấy, thời buổi này làm gì có cà phê gánh với cà phê xe”. Thằng bạn phương bắc cách rách thêm: “Thế nhưng trong hư cấu của gã có cái giả, cái thật đấy”. Và dóng dứ: “Thật ra gã và lão thả thuyền giấy là…một, là…“Khi hai người gặp nhau - Họ chỉ còn một bóng”.

 

       ***

       Ngày đó, mặc thằng bạn đời phương bắc rách chuyện…

       Bây giờ quay quả với khươm mươi niên trước gặp buổi mưa chiều gió sớm, tôi gặp gã qua những chuyện của những người đã đi vào quá vãng cùng những chiếc thuyền giấy. Ngày ấy theo con thuyền lặng lẽ trôi mang theo người trăm năm cũ đang đi vào quên lãng, tôi như hoà nhập vào gã: Nổi trôi theo con thuyền mang theo một hình bóng mà một mai là người muôn năm cũ, chẳng còn ai nhớ tới nữa. Những chiếc thuyền giấy đẩy đưa gã lạc vào hoang đảo, hay nói khác đi, gã rơi vào khoảng không gian, thời gian không thuộc về gã. Bao năm trầm luân trong bể phù sinh, gã vô tình như tôi…Trong tôi vắng bóng những tác giả vang bóng một thời, cùng một thời vang vọng với một vũng tang thương nước lộn trời. Với ngày tháng đắp đổi, nay tôi đang nhập hồn nhập vía vào gã với bài tạp văn mập mờ nhân ảnh mịt mùng gió mây này đây với kết luận:

       “Rồi ra còn ai? Còn ai nữa trên những chiếc thuyền giấy…”.

       Nói cho ngay cách chấm dứt cô đọng trên của những chuyện đã được kể rồi có một khoảng trống với những trống vắng…Kết cấu thể loại này không hẳn lúc nào cũng bồng bềnh trên sóng nước với giấy khô mực cạn…Ừ thì hay là hãy vay mượn chữ nghĩa của một người viết trong nước Thái Doãn Hiếu qua loạt bài Chuyện bây giờ mới kể

“…Những người bị giết đều là những người làm văn học, có thành tựu văn hóa cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan khác nhau:

Lan Khai bị xô xuống vực (1), Ngô Tất Tố bị bức tử nên treo cổ tự vẫn, Phạm Quỳnh bị xử tử, Dương Quảng Hàm ra khỏi nhà đi mãi không về, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Thiếu Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận, Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng (2) Nhượng Tống bị ám sát, v…v…. Cái án “mạc tu hữu” (Giết rồi sau sẽ biết) của thời trung cổ vẫn đeo đẳng khốc liệt đến tận bây giờ! Đó là tất cả sự thực về những cái chết tức tưởi oan khuất của các nhà làm văn học! Nguyên tắc bất di bất dịch nằm trong ý thức hệ tư tưởng của những kẻ giết người này là: Mày không đi với tao, mày là kẻ thù của tao. Đã là kẻ thù thì mày không có quyền tồn tại!

 

Tôi viết “Chuyện bây giờ mới kể” từ những cái chết tức tưởi của những nhà làm văn học…là để làm gì? Để gửi tới bạn đọc và cả những ai đó đang chực lăm le bắt bẻ tôi. Tôi nghĩ mọi người Việt cần ôn lại bài học này, kể cả những kẻ giết người. Xin đa tạ…”

 

      Nói gì đến người viết lách về chiều là tôi, là đến như nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiếu cũng phải nhờ một bạn đọc cũng ở trong nước nói dùm mình:

“…Ôn lại không phải để oán trách hận thù. Ôn lại để từ thế hệ chúng ta trở đi không bao giờ còn vấp phải sai lầm của một thời mê muội…”.

 

                                                                                     Thạch trúc gia trang

                                                                              Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                                                (viết xong Mậu Tý, 2008

                                                                                    viết lại Ất Mùi, 2015)

 

Nguồn: Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Hữu Kha,

Nhật Chung, Trần Khánh Triệu, Lê Chánh Thiêm,

 

 

 

Phụ đính :

 

 

(1) Lan Khai  tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh năm 1906 tại xã Vĩnh Lộc, châu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu tập làm thơ, viết văn và sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Năm 18 tuổi, ông về Hà Nội theo học trường Bưởi. Sau khi học xong bậc Thành chung, ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau, vì tham gia vào tổ chức bí mật kháng Pháp do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, Lan Khai bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Năm 1938, ông bắt đầu viết cho Tiểu thuyết thứ Bảy, đồng thời còn cộng tác với các báo: Loa, Ngọ báo, Đông Tây, Phổ thông bán nguyệt san…Tác phẩm thành danh của ông là Truyện đường rừng, Ai lên Phố Cát, Cái hột mận, Trăng nước Hồ Tây. Lan Khai để lại một tác phẩm có thể sánh ngang với Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Ấy là cuốn Lầm than.

 

Trong một ngày gần cuối năm 1945, Lan Khai bị VM thủ tiêu tại Tuyên Quang. Nhà văn của những người lầm than Lan Khai chết thật mờ ám. Đang ăn trưa cùng gia đình, ông được giấy của ủy ban xã kêu lên có việc. Ông bỏ bữa ra đi, đi mãi, đi luôn đến 60 năm sau thân nhân mới tìm được hài cốt ở một vực sâu con suối giữa rừng Tuyên Quang.

Lan Khai bị xô xuống vực chỉ vì ông là đảng viên Quốc dân đảng!

 

(Những cái chết tức tưởi của nhà văn, chuyện bây giờ mới kể - Thái Doãn Hiếu)

 

(2) Tôn Nữ Thu Hồng, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1922 tại Tourane (Đà Nẵng), nhưng quê quán gốc là làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, Huế. Bà thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, trước học ở Tourane, sau vào học tại trường Đồng Khánh. Năm 18 tuổi (1940), bà cho xuất bản tập thơ đầu tiên (và cũng là duy nhất): Sóng thơ.

 

 

Năm 1941, bà và thơ của bà được Hoài Thanh - Hoài Chân giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942). Sau đó bà lại được giới thiệu trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển trung). Và theo sách này, thì nữ sĩ Tôn Nữ Thu Hồng đã bị giết trong một trường hợp bi đát.

Thu Hồng vì nói tiếng Pháp thành thạo, nhà cô thường tụ tập các thanh niên trí thức. Cô bị nghi ngờ làm gián điệp cho Tây, bị công an bắt, giam giữ và tra khảo mấy tháng trời, không lấy được cung. Cuối cùng, giết nhầm còn hơn bỏ sót, cô bị thủ tiêu giữa rừng Thừa Thiên. Kể lại chuyện đau lòng này, ông Đào Hữu Thiết cán bộ an ninh người chứng kiến vẫn nhớ như in vóc dạc cao to như gấu, khuôn mặt dữ dằn, rậm râu sâu mắt của tên giết người tên Trừng. Trên đường giải cô lên Ty công An Thừa Thiên – Huế, tên Trừng đã bắn cô từ đằng sau lưng. Tiếng súng chát chúa vẫn còn lộng óc ông.

Thu Hồng ra đi ở tuổi 26. Năm đó là tháng chạp năm 1948.

 Những cái chết tức tưởi của nhà văn, chuyện bây giờ mới kể

(Những cái chết tức tưởi của nhà văn, chuyện bây giờ mới kể - Thái Doãn Hiếu)

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.