Khúc Ca Quy Ẩn
(gồm 404 câu lục bát và phân làm 21 khúc.)


Khúc ca quy ẩn... ô hay !
Tôi đi khép lại từng ngày tháng tôi !  
ht

*
1
Gọt Chữ Làm Thơ


Xuân qua rồi Hạ cũng tàn
Mùa Thu định nghĩa Thời Gian thật buồn:
Thời Gian là nước bỏ nguồn
Ði tìm sông biển rồi luồn về khe...

Tôi nhìn Thu dưới mái che
Mây bay trên mái nặng đè tâm tư
Một đôi chim sẻ ậm ừ
Hình như chúng biết trời mưa tối này...

Mưa không có cánh mà bay
Ðôi chim sẻ đó giấu ngày ở đâu?
Chỗ nào biển cạn sông sâu
Hay trong kẽ ngói chụm đầu nỉ non?

Bao nhiêu năm, tuổi tôi mòn
Buổi mai vời vẽ chuyện buồn làm vui
Ðôi chim sẻ chẳng là người
Ðể tôi rót chén trà mời vu vơ...

Thì thôi gọt chữ làm thơ
Lấy mây trời với nắng mưa làm nền
Mai mà có phút giây quên
Chắc chi mình đã vô duyên trọn đời?

2
Về đâu cát bụi

Tuổi Xuân ơi! Tuổi Xuân hời
Nhìn bầy cháu nhỏ giỡn cười mà vui...
Tuổi mình thì như mây trôi
Vướng vào chóp núi lưng đồi ra sao?

Những câu hỏi, đáp thế nào
Lửng lơ như gió bay vào thinh không
Bao nhiêu lần đã dặn lòng
Chuyện chi rồi cũng trong vòng ảo hư...

Bao nhiêu lần niệm chữ Như
Gẫm ra vô nghĩa biết từ xa quê
Bảo đi thì phải có về
Về đâu, cát bụi bay kìa nghĩa trang!

Ở đây không xóm không làng
Ở đây cũng chẳng họ hàng bà con
Có là sáng nắng chiều sương
Có là nỗi nhớ Quê Hương ngậm ngùi...

Chân mây góc biển là trời
Vọc chơi nắm đất tưởng người thiên thu
Là Cha là Mẹ trong mù
Trong tăm tâm địa nhớ từ phân ly!

3
Cá buồn quên cả đớp trăng

Ðược phần Ngọc Diệp Kim Chi
Chẳng qua là thuở Xuân Thì mộng mơ...
Nếu non nước chẳng bao giờ
Chiến tranh/khói lửa... ai ngờ hôm nay!

Chẳng riêng mình, chẳng riêng ai
“Tang điền thương hải” là bài thơ chung!
Cho nên bên cạnh anh hùng
Bao nhiêu khiếp nhược vẫy vùng, chẳng sao!

Mỗi lần Xuân, ngắm hoa đào
“Ðào hoa y cựu”, ai nào nhắc ai!
Hoa đào nở, hoa đào bay
Gió thơm chút gió không đầy không gian!

Không ai tin chuyện phai vàng
Không ai tin đá rồi tan thành bèo...
Thế mà bao chuyện mến yêu
Một câu chung thủy bay vèo lá Thu!

Nhớ hồi Nguyễn Khuyến đi câu
Ao Thu lạnh lẽo, nỗi sầu giá băng...
Cá buồn quên cả đớp trăng
Bèo không động nhẹ một làn sóng đưa!

4
Gác tay lên trán

Bèo không động nhẹ... thì mưa
Hình như đang nhỏ giọt đùa mặt ao?
Không đâu! Những cánh hoa đào
Bay bay như bụi phấn chào bình minh!

Tôi nghe mình bỗng giật mình
Trái tim thắt lại chữ tình vô duyên...
Hai con mắt thức nhiều đêm
Nghiêng vai mà mái tóc huyền không che...

Thì thôi cứ ngó quanh hè
Những tia nắng ngọt đang đè lên nhau
Gió buồn, buồn bã lao xao
Thương ơi con bướm qua rào hoảng kinh.

Bướm tan cùng nắng lung linh
Cùng sương mấy giọt vẽ hình giấc mơ
Buồn tình gọt được câu thơ
Mừng như được Trạng Trình cho làm quà...

Ờ thì ai đó xưa xa
Giàu sang còn bỏ huống là tiếng tăm!
Tôi đi tìm một chỗ nằm
Gác tay lên trán, nghĩ thầm mình vui!

5
Con mắt lạnh tanh

Nghĩ thầm. Nghĩ thế mà thôi
Trăm năm nhìn lại, một đời có chi?
Là người Việt cứ chân đi (1)
Ðầu non góc biển, trời quê chỗ nào?

Ngàn năm trước... giấc chiêm bao
Cũng là chữ Việt, người sau vẽ vời...
Ðại Cồ Việt, nói không xuôi?
Lạc Việt, Bách Việt... chao ôi mịt mờ!

Gia Long không thể dại khờ
Việt Nam đã cắm trên bờ biển Nam! (2)
Ðể rồi Nam Việt mất tăm (3)
Ðể rồi ba cõi người lầm lũi đi...

Con Hồng cháu Lạc lê thê
Ghé vai cái dốt nặng đè tấm lưng
Ngẩng lên, ai thẹn Tiên Rồng?
Vượt non, vượt biển ai lòng không đau?

Tôi còn chưa tỉnh chiêm bao
Khi không nhớ giọt máu đào sử xanh
Ðể rồi con mắt lạnh tanh
Khép chưa khép được, mở nhìn ai đây?


6
Giữa dòng phồn hoa

Mở nhìn... Chỉ thấy trời mây
Chỉ nghe gió lạnh bờ vai... rồi buồn!
Nếu mà có giọt mưa tuôn
Liệu năm tháng trước mặt mòn mấy phân?

Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần
Nghĩ như Bùi Giáng có cần chi ai?
Giữa đường cứ đứng giơ tay
Xe qua xe lại kệ mày chửi tao!

Nghĩ về một thuở biển dâu
Bạn còn mấy bạn mà đầu biển sông
Gặp nhau hạnh phúc tưởng chừng
Chén cơm xẻ nửa nói rằng thật ngon!

Chao ôi trong cuộc vuông tròn
Nhắc chi quá khứ để buồn hôm nay!
Bốn phương Nam Bắc Ðông Tây
Một phương cũng mất một ngày ấm êm!

Tưởng rằng một chị một em
Nào hay một chị, tình em hai lòng
Nương nhau từng mấy khúc sông
Rồi quên nhau bỗng giữa dòng phồn hoa...

7
Giọt sương trên lá

Nguyễn Du nói cõi người ta
Biển dâu một cuộc chẳng qua tại Trời!
Bắt phong trần phải chịu thôi
Ðược phong lưu hỏi ai người hơn ai?

Sao bằng ngồi dưới cội mai
Nhìn sương trên chót lá dài giọt sương
Thời gian như khách qua đường
Mấy khi đứng lại mà thương nhớ thầm!

Thôi về dựng mái Tịnh Am
Nghe mùi cỏ úa, nghe tâm yên hàn
Cửa gài mây cứ lang thang
Bay theo với cọng khói nhang bàn thờ...

Chút buồn đó cũng là thơ
Bao nhiêu kỷ niệm Mẹ chờ Cha mong
Tuổi con đã hết màu hồng
Tuổi Cha Mẹ hóa cỏ bồng bay đâu?

Ngày xưa con không qua cầu
Cũng không cởi áo che đầu cho ai
Chữ tình nối sợi tóc mai
Mẹ thường thấy, trách mắng hoài: con hư!

8
Nhập Ðề Quy Ẩn

Ngày xưa... Nhắc chuyện ngày xưa
Ba mươi năm ngọn gió đùa, xa xôi?
Dẫu chi cũng một chặng đời
Dẫu chi dâu biển cũng rồi can qua?

Thương thay ai biết mình già
Biết như cây nở nụ hoa rồi tàn...
Mới mà như ngọn gió ngang
Cho lòng xẻ dọc bộn bàng hư hao!

Buổi trưa nào như chiêm bao
Sài Gòn nắng lửa, mưa rào trong tim
Lá me lãng mạn chìm chìm
Hàng cây sao lá bay êm rồi nằm...

Không còn tiếng súng vọng âm
Phút giây lặng lẽ, người câm tiếng người
Không ai khóc, không ai cười
Chiếc xe thổ mộ kéo đời lê thê...

Soi gương tôi rẽ tóc thề
Ðường ngôi bỗng lệch không dè lạnh tay!
Ba mươi năm, đó, hôm nay
Khúc ca Quy Ẩn dở hay, cũng đành!

9
Không quên được ngoại

Cười buồn... Ờ tóc hết xanh
Bạn thân còn một chút tình là Thơ!
Lắc đầu muốn quên chuyện xưa
Mà lòng nhớ Ngoại đêm mưa kể hoài...

Bây giờ sân gạch đã phai
Còn thơm cơm Ngoại ăn chay bữa Rằm
Lúc nào thì Ngoại tịnh tâm?
Tôi đi vào bếp dọn ăn cho mình...

Bữa cơm dưa muối không tanh
Cười khan: Mình đã Phật-thành-Ðạo chăng?
Phật đưa tay chỉ vầng trăng
Ai nhìn tay Phật nói rằng trăng chưa?

Nhớ ôi là Ngoại ngày xưa
Chuyện trong tích cũ Ngoại chờ con nghe
Hiếu Trung Ngoại bảo nên khoe
Ðừng làm chuyện Ác, người chê người cười...

Ba mươi năm... chuyện Buồn Ðời
Ờ sao Ngoại chẳng một lời nhắc con?
Ngoại về với khói với hương
Con còn sống để rẽ đường tóc thưa!

10
Mưa trên ngọn cỏ

Lại buồn... Buồn quá! Trời mưa
Lẽ nào trời cũng làm thơ trên trời?
Mưa từng giọt. Giọt. Giọt rơi
Cỏ cong ngọn cỏ, hoa rời cánh hoa!

Hai con chim câu mái nhà
Rỉa lông nhau ngó chiều tà mưa bay
Mưa trời Bắc, gió trời Tây
Lạnh không một chỗ. Lạnh đầy không gian...

Hai con chim câu mơ màng
Bốn con mắt chớp ngày tàn cuối non
Lát rồi say giấc hoàng hôn
Liệu bốn con mắt có tròn trăng sao?

Tự dưng nhớ mảnh lụa đào
Nửa đêm đắp giấc chiêm bao tuổi hồng
Hồi xưa chẳng sợ mưa dông
Hồi xưa buồn có Ngoại bồng cháu ru...

Không thì... khăn gói bơ vơ
Không thì... khăn cũng lau hờ mắt cay
Có đâu như buổi chiều nay
Mưa trên ngọn cỏ, buồn đầy hành lang...

11
Buồn Theo Thời Tiết

Góc sân một chiếc lá vàng
Tôi cầm chổi quét từng hàng gạch đen
Lá bay theo ngọn cỏ hèn
Tôi bay theo lá bon chen cõi người...

Xa quê đã mấy lâu rồi
Mỗi năm lại nhớ tuổi trời gió bay
Tưởng là dâu bể đổi thay
Vài ba năm sẽ có ngày đoàn viên!

Ai ngờ muôn thuở vô duyên
Như kia... Chiếc lá bên hiên ngỡ ngàng
Lá xanh rồi lá đã vàng
Người, ôi cũng vậy, tươi, tàn, héo hon...

Ngày xưa có kẻ lên non
Ði tìm chỗ giấu nỗi buồn, tại sao?
Bây giờ tôi có chiêm bao
Mà đang mơ mộng chỗ nào thật vui?

Câu thơ mỗi lúc ngậm ngùi
Nói mơ mộng đó rồi cười bâng quơ
Nếu trời đừng nắng đừng mưa
Chắc thơ không có câu vừa thốt ra?

12
Nát đá phai vàng

Nhiều khi giận Phật sao mà
Thế gian này cõi-ta-bà là sao?
Chỗ nào là chỗ thanh cao?
Chỗ nào hèn hạ, chỗ nào phong lưu?

Khuyên nhau chớ chuốc oán thù
Chiến tranh, chém giết khởi từ khai thiên!
Nhìn kìa những đóa hoa sen
Vượt bùn là để bon chen với đời?

Trong muông thú có con người
Chỉ con người mới khóc cười, lạ ghê
Sống là gửi, thác là về
Về trong cát bụi... tứ bề âm u!

Tôi lau mắt sáng sương mù
Lấy tay chải tóc buồn như lạc loài
Thấy mình thật chẳng giống ai
Ðiểm tô đâu có kéo dài tuổi Xuân!

Ðó là một thoáng bâng khuâng
Ai đo hơi thở dài bằng mấy gang?
Chợt câu nát đá phai vàng
Khi không mà quặn ruột gan sáng chiều...

13
Mưa sa trên bèo

Mưa rơi trên những cánh bèo
Tấm thân nhỏ mọn eo xèo bởi mưa...
Chuyện ngàn sau, chuyện ngàn xưa
Chắc như bèo giạt bây giờ mặt ao?

Có bao giờ chuyện chiêm bao
Người ta nhớ trọn chép vào văn chương?
Thơ văn nếu có ngọn nguồn
Thì chung quy thấy chỉ buồn hơn vui...

Tôi thuyền nhân. Tôi nổi trôi
Tắp vào bến mộng rồi đời ra sao?
Vẫn là bèo nổi trên ao?
Vẫn là ngõ ngách tìm vào hư vô?

Buổi mai dõi những cánh cò
Nghĩ thương Mẹ đã lần mò nuôi con
Những chiều hé cửa hoàng hôn
Nghĩ thương Cha thuở biên cương lạnh lùng...

Tôi từ một bước sang sông
Lại như phận Mẹ bế bồng mà thôi
Nửa chừng Xuân tôi mồ côi
Mất Cha mất Mẹ mất người trăm năm...

14
Ai đâu Tri Kỷ

Nửa chừng Xuân! Kiếp lưu vong
Nửa vòng trái đất, một vòng nhân sinh
Thấy ai cũng giống như mình
Áo xiêm che đậy cái hình phù du!

Thở dài bằng những câu thơ
Nâng ly rượu tưởng trăng mờ sẽ tan
Bạn vui vừa mới chung bàn
Chia tay còn lại hàng hàng ghế không...

Tản Ðà từng đã chơi ngông*
Ðặt bàn bảo thợ chớ lòng phân vân
Với ông, hai ghế là cần
Dư bao nhiêu cái ném quăng cho người!

Ông và tri kỷ, một đôi
Chén đưa chén tạ nửa lời hiểu nhau
Tôi thì... một ghế, ước ao
Mà bàn không đặt... biết sao bây giờ?

Trùm mền cắn nát câu thơ
Nghe từng tuổi ngọc bơ vơ xế chiều
Bàn nào rồi cũng chân xiêu
Ghế nào dựng lại, ai chiều lòng ai?

(*) Tản Ðà đặt thợ mộc làm một bộ bàn ghế.
Ngày th
giao, giao một cái bàn và bốn cái ghế.
Tản Ðà chỉ lấy cái bàn và hai cái ghế, hai cái còn lại
ông cho xưởng mộc. Người giao hàng ngạc nhiên.
Ông bảo: “Tôi chỉ cần hai cái ghế thôi, một cái cho tôi,
một cái dành cho tri âm của tôi. Thêm nữa để làm gì?”


15
Còn sót chút Xuân

Bưng tai nghe gió thở dài
Tử Sinh hai chữ nghĩ hoài nhức tim
Chiếc lông ngỗng thả không chìm
Cớ sao hạt cát nằm im dưới hồ?

Chuyện đời vẫn biết quanh co
Mà thôi hạt cát ai mò lên chi!
Chiếc lông ngỗng vậy cũng thì
Tự nhiên trời đất đáng gì phân vân...

Tôi còn sót một chút Xuân
Là hoa trước ngõ, là trăng sau nhà...
Ai sinh ra chẳng lúc già,
Chẳng lâm bệnh, chẳng lúc chờ xuôi tay?

Hoa cười với những đám mây
Ðó là buổi sáng một ngày nắng tươi...
Trăng thì mặc kệ mây trôi
Ðó là đêm lạnh mình tôi ngó trời...

Thời gian đi tới, nước xuôi
Thời gian đã mất, là thời cố quên
Tới hay lui một lênh đênh
Ba chìm bảy nổi ôi thuyền nhân ơi...

16
Thuyền nhân hai chữ

Thuyền nhân! Hai chữ buồn cười
Khắp trên thế giới gọi người Việt Nam!
Lạ ghê, nói mãi không nhàm
Còn thêm nước mắt rơi thầm, đôi khi...

Số tôi may, tới Hoa Kỳ
Bao phen chìm nổi... còn gì vui hơn?
Nếu mình quên được bà con...
Nếu mình đừng nhớ Quê Hương xóm làng...

Viết mà không chấm dấu than
Chỉ là những giọt lệ càng tủi sao!
Làm thơ lắm lúc thật đau
Những cái dấu chấm... ôi chao nghĩa tình!

Sớt chia chút bóng chút hình
Chút mưa chút nắng, ai gìn giữ không?
Hết lênh đênh rồi long đong
Niềm vui: hạt cát, Mênh mông: nỗi buồn...

Hình như... tôi nước về nguồn
Tôi - mây về lại đỉnh non đầu đời?
Một mình ngồi vọc cát chơi
Nhớ câu Kinh Thánh: Phận người bụi tro...

17
Gác bỏ chuyện đời

Phận người... Sống để ước mơ
Tương lai - Hiện tại - Ngày xưa... gối đầu
Bao nhiêu người giấc thiên thu
Ước mơ: Ánh nắng - Sương mù quyện nhau!

Có gì đâu! Ðược gì đâu!
Nhìn lên núi Hạc, ngôi lầu trong mây
Bao nhiêu Hoàng Hạc đã bay
Còn vân với cẩu đổi thay không chừng...

Cẩu vân, vân cẩu lạnh lùng
Ngàn năm thấy đó trong dòng cổ thi!
Bá Nha tưởng tiếc Tử Kỳ
Buồn như Từ Thức khi về trần gian!

Tôi không muốn nữa... mơ màng
Tìm vui thực tại nắng vàng mái hiên
Ẩn cư, đã tưởng mình Tiên
Phồn hoa còn chút môi duyên để cười...

Một ngày gác bỏ chuyện đời
Tâm tư như mảnh giấy rời, bay bay
Nhẹ nhàng sao hai bàn tay
Lòng vui như nước dâng đầy con sông!

18
Nói Dưới Mái Am

Nói về sông, lại đau lòng
Sao sông có khúc, người không có tình?
Có người đi giúp dân mình
Có người dè bỉu thấy hình như chê?

Người đi ai cũng muốn về
Có người về lại rồi thề hết thương!
Biết rằng đâu chẳng nhiễu nhương
Bí bầu khác giống còn thương nhau mà...

Chắc vì nước Việt Nam ta
Bắc Nam dài quá, đường xa ngại ngần?
Ðèo Ngang, xưa một lằn ranh
Bây giờ Ý Thức Hệ thành tứ tung?

Nhiều khi tôi nghĩ mình... khùng
Nói chi những chuyện ai đồng ý tôi?
Ðã đành dựng am mồ côi
Ðã đành rũ sạch chuyện đời, được chưa?

Cơm ăn thường bữa muối dưa
Câu kinh tiếng kệ nghe thừa đêm thâu
Sống, người không cảm thông nhau
Chết, đâu ai thể chia đau xẻ buồn...

19
Sóng vỗ bờ sông

Buồn tay tôi xé mù sương
Tưởng tan tác lại vẫn còn y nguyên!
Ờ thì cuộc sống vô duyên
Giống như sương trắng mái hiên không mời...

Ngày xưa người hứa giữ lời
Gươm treo lơ lửng giữa trời đất xưa...
Ngày nay người hứa như mơ
Tàn cơn khói lửa, tôi chờ muôn năm!

Con hay cười Mẹ nói thầm
Bâng quơ gì đó như nằm chiêm bao!
Ờ thì tôi thế, có sao?
Cạn rồi nước mắt đành chau đôi mày...

Chưa Thu mà lá vàng bay
Chưa Thu, lạ nhỉ chiều nay lạnh lùng
Không cành củi mục trôi sông
Hỡi trăm con nước chia dòng đi đâu?

Có sông nào không có cầu?
Ai không cởi áo đổi nhau bao giờ?
Có sông nào không có đò?
Ôi con sóng vỗ vào bờ đuổi ai?

20
Gác kiếm rửa tay

Ðuổi ai? Ai đuổi? Hỏi hoài
Từng trang lịch sử nối dài thê lương!
Chiến tranh, chết chóc thật buồn
Hòa bình, tan tác, thấy còn thảm hơn...

Người ta nói: Nước chảy mòn
Sao thời gian... chảy, chỉ tròn bể dâu?
Ðá mòn hóa cát trôi đâu?
Thương thay tờ lịch trên đầu rớt rơi...

Chẳng chi tự tạo, biết rồi
Chẳng chỉ tự hủy, chỉ người ưu tư
Ở đâu cũng giống như tù
Ăn chi cũng giống người tu ép mình!

Nói năng ai đã linh tinh?
Bao câu kết luận Có thành ra Không!
Phải chăng triết lý cầu vòng?
Nhân sinh không chỗ tận cùng... ngộ thay!

Khúc Ca Quy Ẩn... ô hay
Tôi đang gác kiếm, rửa tay... “đi về”?
Mái am mấy nhánh liễu kề
Ðợi hoàng hôn xuống, đợi khuya trăng tàn...

21
Ru giấc miên man

Tôi ru tôi giấc miên man
Trăm năm hồng đổi một ngàn Thu xanh
Tiếc gì giọt nắng long lanh
Tiếc gì dòng nước chảy quanh chân cầu...

Nhân sinh tự cổ... là sầu
Ðến khi nhắm mắt còn câu Ngậm Cười!
Tại sao ta sinh làm người?
Hỏi Cha hỏi Mẹ hỏi Trời... bâng quơ!

Mẹ Cha khuất núi xa mờ
Trời thì cao tít có chờ hỏi đâu!
Gió qua, cây liễu cúi đầu
Con chim buồn hót vài câu... bay rồi!

Chim bay về núi tối rồi
Không cây nó đậu, không mồi nó ăn!
Câu ca dao, chợt nhớ thầm
Nỗi bơ vơ cũ còn nằm trong tim!

Phải chi thuyền vượt biển chìm
Phải chi đừng nghĩ tới chim lạc bầy
Khúc ca quy ẩn... ô hay !
Tôi đi khép lại từng ngày tháng... tôi!

*
Tháng ngày, kìa lá - lá rơi
Mới Xuân, vừa Hạ, mà trời đã Thu!
Phải chi xé được sương mù
Người ơi! Thơ cũng từng tờ xé đi!


huệ thu


(1) Chữ Việt, từ năm 1804 khi nhà Thanh buộc nước ta lấy tên nước là Việt Nam phải viết với bộ Tẩu. Chữ Việt mang nghĩa Vượt/ Chạy Ði...
(2)Năm 1802, Chúa Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lên ngôi Vua, đặt niên hiệu là Gia Long (có nghĩa là rất Thịnh Vượng), đặt quốc hiệu là Nam Việt, chữ Việt viết với bộ Mễ. Chữ Việt mang nghĩa Giàu Có/Dư Ăn Dư Ðể, phù hợp với nghĩa của chữ
(3) Gia Long. Nhà Vua cho sứ sang Tàu cầu phong năm 1802. Vua Tàu nhất định “ngâm“mãi đến năm 1804 mới hồi âm và buộc sửa chữ Nam Việt thành Việt Nam, viết khác nhau!
Vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820, đổi tên nước lại là Ðại Nam. Năm 1945, nước mình bị mang tên Việt Nam, rồi từ đó mà ra...
Từ khi mang tên nước là Việt Nam, dân ta không ngừng chạy loạn - ba cuộc tứ tán thê lương không thể nào quên được: năm 1945 chạy giặc Pháp, năm 1954 di cư từ Bắc vào Nam,năm 1975 vượt biên ra nước ngoài