Apr 23, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Chuyện Đi, Về – Đọc Nếu Đi Hết Biển
Đinh Từ Thức * đăng lúc 05:36:21 PM, Nov 17, 2023 * Số lần xem: 837
Hình ảnh
#1
#2
              
 

    Chuyện Đi, Về – Đọc Nếu Đi Hết Biển

neu di het bien cover Tôi được nghe nói tới tập sách nhỏ Nếu Đi Hết Biển… như một công trình đáng chê trách, với một dụng ý nào đó. Tôi đã tự đề phòng, để khi đọc nó, đừng để ác cảm chi phối. Thế rồi, sau khi đọc, cảm tưởng khi gấp sách lại, là tập sách không đến nỗi như những gì tôi đã được nghe trước khi đọc.

Tên tác giả Trần Văn Thủy được trình bầy lớn hơn tên tựa sách, như kiểu các đại tác giả muốn cho người đọc chú ý vì tên nguời viết, trước khi tìm hiểu nội dung cuốn sách. Nhưng qua “Mấy Lời Rào Đón”, tác giả đã nói về mình “tự biết đã là hèn lắm rồi”.

Có lẽ tác giả phải rào đón kỹ, vì Nếu Đi Hết Biển … không phải là đứa con hoàn toàn do ông sinh ra. Ông Trần Văn Thủy chỉ là người “đẻ mướn”, phương tiện do Đại Học Massachusetts ở Boston cung cấp, mầm sống được cấy vào từ mấy nhà văn Việt Nam đang sống ở Mỹ.

Nội dung tập sách đã bàng bạc, phảng phất một niềm ước muốn hòa giải giữa những nguời Việt ở ngoài và trong nước, và ngụ ý chê trách chủ trương tiếp tục tích cực chống Cộng.

tranvanthuy portrait Ngoài bài giới thiệu bằng hai thứ tiếng Việt và Anh của ông Kevin Bowen, Giám Đốc Trung Tâm William Joiner Nghiên Cứu Về Chiến Tranh và Hậu Quả Chiến Tranh, thuộc Đại Học Massachusetts ở Boston, tập sách gồm bốn bài đầu của ông Trần Văn Thủy, và bảy bài sau, mỗi bài ghi lại cuộc phỏng vấn một nhà văn (6 Việt, 1 Mỹ); bài cuối cùng do một phụ nữ Việt Nam đã sống tại Mỹ từ năm 1968, ghi lại mảnh đời của mình bên lề cuộc chiến.

Chẳng hiểu có phải vì “đẻ mướn”, tác giả đã có vẻ coi thường đứa con của mình. Trong bài đầu tiên “Mấy Lời Rào Đón”, ông viết “nếu ai muốn tìm kiếm những điều cao siêu về tư tưởng, văn chương hoặc soi mói những điều kém cỏi về lập trường, quan điểm xin hãy bỏ qua, đừng đọc tiếp”. Viết sách mà khuyên độc giả đừng đọc, cũng là điều hiếm có. Nhưng rồi tác giả viết tiếp: “Ở đây tôi chỉ ghi chép lại đôi điều tôi nghĩ, tôi thấy, tôi trải qua cùng việc trò chuyện với một số trí thức, nhà văn hải ngoại”. Chính câu này khiến tôi không thể bỏ qua tập Nếu Đi Hết Biển…. Tôi cũng cần ghi lại đôi điều tôi nghĩ, sau khi đã đọc những gì người khác nghĩ về một môi trường sinh hoạt, trong đó có mình.

Trong bài thứ hai, mang tiểu tựa cùng với tên sách Nếu Đi Hết Biển, tác giả viết: “Giờ đây trên đất Mỹ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt, tôi không khỏi băn khoăn về cái điều tâm huyết tôi nói bên mộ thím tôi: ‘…Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình…’ Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến thế không. Nhưng tôi biết rất rõ không ít người Việt xa xứ ‘qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi’ mà cuối cùng không thể ‘trở về quê mình, làng mình’ được”.

Tác giả khôn lắm, thay vì viết trong lịch sử chưa bao giờ xẩy ra chuyện hãi hùng khiến hàng triệu người bất cần mạng sống bỏ nước ra đi, ông đã giả ngộ như một người mù tịt về lịch sử, khiến điều ông trình bầy nhẹ đi. Trách người biết, ai trách người không biết. Rồi tác giả khẳng định ông biết rất rõ có không ít người Việt xa xứ đã không thể trở về. Điều này đưa tới hai thắc mắc, là số người về, và tại sao không về.

Theo thống kê, hàng năm có vào khoảng từ ba đến bốn trăm ngàn người Việt hải ngoại tới Việt Nam. Rải rác trên thế giới, theo con số của nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra, có 2.7 triệu “Việt Kiều”. Như vậy, số người thăm Việt Nam mỗi năm trên 10%, chỉ cần 10 năm để mọi người cùng đi Việt Nam, nếu đa số chỉ đi một vài lần. Số người tới Việt Nam đông, nhưng tôi nghĩ ông Thủy đã nói đúng, không ít người đã chưa thể trở về, và chỉ có rất ít người đã trở về. Những người kéo nhau đi du lịch Việt Nam, như đi du lịch Âu Châu, Á Châu, rồi lại trở về nhà mình ở Mỹ, Pháp, Gia Nã Đại, hay Úc, là những người đi Việt Nam, không phải về Việt Nam. “Đi Việt Nam” và “Về Việt Nam” là hai chuyện khác nhau, không nên lầm lẫn.

Hơn hai triệu người Việt đã rời Việt Nam, không phải để đi du lịch, nên họ không dễ dàng trở về. Họ đã phải liều mình lựa chọn giữa sống và chết, sẵn sàng chết để hy vọng được sống. Khi lý do khiến họ phải ra đi vẫn còn đó, họ không thể trở về. Hơn nữa, một người Việt ở Mỹ chẳng hạn, bất cứ lúc nào cũng có thể lên máy bay du lịch nhiều nước trên thế giới, không cần xin chiếu khán. Trong khi ấy, phải xin phép, có khi phải hối lộ để được tới Việt Nam. Và nhiều người có tên trong sổ đen, chẳng những không được về, họ mất cả quyền đi Việt Nam. Có ai trên thế giới phải xin phép mới được về nhà mình? Không về là phải.

Từ chỗ xác định nhiều người Việt không thể trở về, ông Trần Văn Thủy đã giúp người đọc tìm ra nguyên nhân, qua bài thứ ba “Một Bức Thư”. Ông cho đăng lại lá thư của người bạn hồi niên thiếu, đã xa ông đúng nửa thế kỷ. Một người bạn “ngụy”, tuy chỉ là sĩ quan biệt phái cấp nhỏ, “chẳng đánh đấm gì cả”, cũng bị “cải tạo” ba năm, hai lần định tự tử, cuối cùng phải đi đạp xích lô. “Mình không quên được những bữa cơm ở vỉa hè với một đĩa cơm và một con cá khô. Nước mưa chảy từ cái mũ xuống ướt đẫm đĩa cơm như chan canh. Mình cũng không quên được những ngày đạp xích lô quần áo tả tơi. Khách hàng mình chở đôi khi là bạn bè cũ, đôi khi là học trò của mình hoặc những người bạn gái của mình.”

Người bạn của ông Thủy đã chia sẻ với ông những nỗi lầm than cơ cực của những ngày làm Ngụy, nhưng “Những gì ở trong trại cải tạo mình xin miễn kể ra đây”. Có thể chia sẻ với bạn nỗi buồn, còn niềm đau, như vết thương đụng tới sẽ rướm máu, xin miễn nhắc tới. Chính cái điều xin miễn kể này, cùng với mấy chữ bình thản “Ông anh ruột của mình thì chết trong trại cải tạo”, đã kể quá đủ.

Qua bài thứ bốn “Thầy Mù Xem Voi”, ông Trần Văn Thủy đã kể lại mấy cuộc phỏng vấn bên trời Âu, như câu chuyện với ông già Nguyễn Văn Quý: “Câu hỏi thứ nhất, tôi hỏi là lý do và hoàn cảnh nào đã dẫn đến việc bác và gia đình sang định cư tại Tây Đức. Thì bác đã nói rất rõ bác là viên chức cao cấp của chế độ cũ, cho nên bác phải đi cải tạo rất cực. Khi được về lại Sàigòn, với tư cách là phó thường dân, hàng tuần bác phải đi trình diện, đấy là một điều rất đau khổ đối với bác, vì thế bác không ở lại được”.

Ông Trần Văn Thủy kể tiếp: “Đến câu hỏi thứ hai: ‘Nghe nói vào tháng 8, tháng 9 năm 1945 bác có mặt ở Hà Nội, bác có kỷ niệm gì đáng nhớ?’ Có lẽ tôi khó tìm gặp được một người nào kể về Cách mạng tháng Tám, kể về ngày 2-9-1945 mà hào hứng, tình cảm, sinh động và da diết như bác…. Vậy mà khi qua câu hỏi thứ ba, tôi hỏi: ‘Bác có thể kể về những giấc mơ gần đây của bác được không?’….Cái quái ác là ở chỗ tuy đã sống ở nước ngoài rồi, mà bây giờ, đêm đêm nằm mơ, bác chỉ mơ thấy hàng chục lần phải trở lại trại cải tạo. Sợ hãi, ú ớ, la hét: ‘Ơ…ơ…Tôi đã hết hạn cải tạo rồi cơ mà! Đây, giấy ra trại của tôi đây. Tại sao cán bộ lại bắt tôi trở lại trại?’”

Vẫn lời kể của ông Trần Văn Thủy: “Thế rồi tiếp theo câu hỏi thứ tư: ‘Về những người ham chống Cộng một cách cực đoan, bác nghĩ thế nào?’…bác Quý lại là người có thái độ thẳng thắn đáng kính trọng: ‘Tôi không thích những chuyện bạo lực, những chuyện chính trị một cách hồ đồ, viển vông. Người ta chống Cộng kiểu sa lông, phòng trà. Có kẻ còn tệ hại hơn là vận động, thu tiền bỏ túi mình để…chống Cộng…’

Trong câu hỏi thứ tư trên đây của ông Trần Văn Thủy có điều không ổn, đó là mấy chữ “ham chống Cộng một cách cực đoan”. Theo sự trình bầy của ông Trần Văn Thủy, cái chế độ đã và đang tiếp tục cai trị ở Việt Nam, có những người từ trẻ đến già, từ cấp nhỏ tới cấp lớn, đều phải đi cải tạo, và dù đã cải tạo xong, vẫn không được yên thân, đến nỗi, sau nhiều năm sống ở ngoại quốc, vẫn nằm mơ thấy nhũng chuyện hãi hùng của những ngày cải tạo. Một chế độ với những người dân từ bé “đâu có được học nói thật bao giờ” (trả lời của bà Phùng Hồng Thúy, thuyền nhân ra đi từ Hà Nội, định cư ở Đức). Chống một chế độ như vậy, là chuyện đương nhiên, một bổn phận, một chuyện “chẳng đặng đừng”, đâu phải là thú vui. Chống Cộng, đâu phải là hốp-bi, mà gọi là ham? Còn chuyện bạo lực, hồ đồ, viển vông, đâu phải ai chống Cộng cũng như vậy. Cũng như những kẻ dùng chiêu bài chống Cộng để lấy tiền bỏ túi, đó là bọn lưu manh, đâu phải người chống Cộng.

Xin trích hai đoạn quan trọng trong bài “Thầy Mù Xem Voi” của ông Trần Văn Thủy: “Tôi xin nói thật lòng như thế này: Khi còn ở trong nước, tôi cứ nghĩ các khuyết tật mà xã hội Việt Nam có, thí dụ quan liêu, cửa quyền, bắt người khác nghĩ giống mình, áp đặt ý kiến là do cơ chế của chế độ chính trị, của một thứ ‘chủ nghĩa xã hội’. Bây giờ ra ngoài, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, đọc nhiều, nhất là những báo chí chống Cộng cực đoan, tôi thấy không ít chuyện kinh hoàng. Ai mà không theo mình thì giằn mặt, đánh đấm hoặc bắn bỏ. Thế tôi mới ngờ rằng cái bệnh hiếp đáp nhau, giẫm đạp lên nhau, bắt người khác phải phục tùng mình phải chăng đó là bệnh của dân tộc Việt? Nếu như đó là bệnh của một thể chế chính trị thì có thể sửa được, khi nó thay đổi tích cực lên thì những điều xấu ấy mất đi. Nhưng nếu đó là những khuyết tật của dân tộc thì thật là đau đớn vô cùng. Đè nặng lên trong tôi vẫn là cái cảm giác dân tộc mình khó mà khá lên được, khó lòng đuổi kịp các nước, dù là những nước trung bình trên thế giới. Đó là sự thật. Ai càng yêu nước nhiều càng buồn nhiều!”

“Hồi đó, phóng viên tờ Đức-Việt tại Franfurt/M đã hỏi tôi:’Thử nghĩ xa hơn một chút. Hiện tình là vậy thì lỗi lầm bắt nguồn từ đâu?’ Thay vì trả lời, tôi kể lại một lần đối thoại ngắn ngủi với một nhà báo Cộng sản Pháp. Trong một buổi chiêu đãi báo chí tại Hà Nội cuối năm 1987, nhà báo nọ nâng ly chúc mừng hai bộ phim của tôi (Hà Nội Trong Mắt Ai, Chuyện Tử Tế) được công chiếu. Rồi ông nhún vai bảo rằng: ‘Nhưng công bằng mà nói, các ông đổ lỗi cho Chính phủ, cho Nhà nước của các ông nhiều quá.’ Tôi hỏi: ‘Ông là người ngoại quốc, có thể ông có cái nhìn tinh tế hơn?’ Ông ta lại nhún vai: ‘Cũng chẳng có gì đáng gọi là tinh tế cả. Phương ngôn Pháp của chúng tôi có câu: Nhân dân nào, Chính phủ ấy’. Các ông rất xứng đáng với Chính phủ của các ông!’” (những chỗ in nghiêng và chữ đậm là do tác giả TVT).

Cứ theo hai đoạn trên, tác giả cho thấy, không phải chỉ những tệ đoan trong nước, mà chính thói chống Cộng cực đoan của người ngoài nước, cũng phải chia sẻ trách nhiệm làm cho “dân tộc mình khó mà khá lên được”. Rồi khi tìm nguyên nhân của tình trạng chậm tiến, ông Trần Văn Thủy đã khôn khéo dùng lời một nhà báo Cộng sản Pháp để bao che người cầm quyền, và buộc tội nhân dân: Các ông đã đổ lỗi cho Chính phủ, cho Nhà nước của các ông nhiều quá. Nhân dân nào, Chính phủ ấy, phải trách nhân dân trước khi trách Chính phủ mới đúng.

Nếu ông Trần Văn Thủy phải viết những điều ông đã viết, người ta có thể hiểu ông chỉ làm nhiệm vụ. Nhưng nếu đó là những suy nghĩ thành thực, như lời ông, người ta phải lấy làm tiếc, vì ông đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng đối với dân tộc ông. Việt Nam cũng có câu phương ngôn “rau nào sâu ấy” có thể thay thế cho câu “Nhân dân nào, Chính phủ ấy”. Nhưng áp dụng câu này cho tình hình Việt Nam hiện nay là sai. Câu này có thể áp dụng cho nước Pháp, hay cho Hoa Kỳ, là những nơi người dân được tự do bầu ra chính phủ của mình. Nhưng tại Việt Nam, từ nửa thế kỷ qua đối với người dân miền Bắc, và từ 1975 đối với cả nước, người dân không được tự do chọn lựa chính phủ của mình, sao có thể áp dụng câu Nhân dân nào, Chính phủ ấy?

Hơn nữa, có thể nhìn vào chính quyền Quốc Xã của Hitler tại Đức, và chính quyền Quân Phiệt của Nhật thời Đệ Nhị Thế Chiến, phải chăng nhân dân Đức và nhân dân Nhật xứng đáng với những kẻ cầm quyền tàn ác đó? Tôi đang dẫn ông Trần Văn Thủy tới một hệ luận có thể ông không muốn nghe: Hai nước Đức và Nhật đã phát triển ra sao sau khi hai chính phủ độc tài bị dẹp? Còn Việt Nam? Ngoài ra, ông Trần Văn Thủy đi nhiều, chắc ông đã thấy, mấy triệu người Việt xa xứ, chỉ cần thoát khỏi vòng kiểm tỏa của những người đang đè đầu đè cổ hơn 80 triệu dân trong nước, họ đã vươn lên mau chóng, chỉ trong vài thập niên, họ đã đuổi kịp bất cứ ai. Vậy căn bệnh chậm tiến không phải bệnh dân tộc đâu. Ông thừa biết căn nguyên của nó.

Có thể nhà báo Cộng sản Pháp và nhà làm phim Cộng sản Việt đã đi xa hơn, sâu sắc hơn, khi áp dụng câu phương ngôn “Nhân dân nào, Chính Phủ ấy”. Có thể các ông muốn nói: Một Chính phủ xấu như vậy mà nhân dân các ông vẫn chịu khuất phục, không đứng dậy loại bỏ nó đi, thì các ông ráng chịu. Nhân dân nào, Chính phủ ấy. Trong trường hợp này, có lẽ các ông có lý.

xxx

Ông Trần Văn Thủy nói rằng, nhờ đi nhiều, tiếp xúc nhiều, đọc nhiều, “nhất là những báo chí chống Cộng cực đoan, tôi thấy không ít chuyện kinh hoàng”. Rất tiếc, ông đã không gặp, tìm hiểu và ghi lại đối thoại với những người ông liệt vào hạng “chống Cộng cực đoan”, nên không biết họ có bao nhiêu, nguyên nhân nào khiến họ làm như vậy, và quan trọng hơn cả, thế nào là chống Cộng cực đoan? Chỉ trích những người cực đoan, nhưng gặp toàn người ôn hòa, khiến sự chỉ trích thiếu cụ thể, và công trình tìm hiểu thiếu toàn diện. Tuy nhiên, quan điểm của quý vị ôn hòa mà ông Thủy đã gặp, cũng có nhiều điều đáng nói.

Câu chuyện gia đình của ông Cao Xuân Huy, đọc mà đau. Tuy bố ông đi kháng chiến, nhưng ông ngoại bị đấu tố, chỉ vì là thầy giáo giỏi tiếng Pháp. Bố về thành, vì thuộc thành phần tư sản, không thể bảo đảm để mẹ ông ở lại Hà Nội. Gia đình ly tán, kẻ Bắc, người Nam. Sau 1975, con đi cải tạo. Rồi tới chuyện “một ngàn năm đô hộ giặc Tầu”, Hoàng Sa còn. “Một trăm năm đô hộ giặc Tây”, Hoàng Sa còn. Nhưng ba mươi năm “độc lập”, Hoàng Sa mất. “Tự do” bố không được gặp con. “Hạnh phúc” quà gửi cho con bị cán bộ ăn cắp. Nếu cái xác khô ông Hồ còn chút liêm sỉ, chắc cũng đã phải trở mình nằm sấp, che mặt để đỡ xấu hổ.

xxx

Câu chuyện giữa ông Trần Văn Thủy với nhà văn Nhật Tiến, cho thấy bên cạnh một số quan điểm rõ ràng, không hiểu vì lý do gì, nhà văn này đã không nói rõ về một vài điểm khác. Ông Nhật Tiến đã nói thẳng nhận xét của mình khi có mặt tại Việt Nam: “Cảm giác xa lạ, sự không thể hòa nhập được vào đám đông ở chung quanh mình và cái bầu không khí sinh hoạt văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật cũng như báo chí nói riêng, vẫn bao trùm một niềm kiêu hãnh rằng ‘dân tộc ta anh hùng, đã đánh cho Mỹ cút, cho Ngụy nhào”. Là một người xuất thân từ miền Nam trước đây, làm sao tôi có thể hòa nhập được’”

Cái nhìn của nhà văn Nhật Tiến đối với binh sĩ Miền Nam cũng rất rõ ràng: “Trong bao nhiêu năm khói lửa ròng rã ấy, chúng tôi biết chắc là đã có rất nhiều người gục ngã ngoài trận địa với lý tưởng là bảo vệ xóm làng, bảo vệ hậu phương trước sự tiến công của bộ đội miền Bắc. Nhân dân miền Nam biết ơn họ, đây là một thực tế trong đời sống có thể dễ dàng kiểm chứng…”

Ông Nhật Tiến cũng không ngần ngại nhìn thẳng vào các nhà lãnh đạo cả hai miền Bắc, Nam: “Trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, cấp lãnh đạo tiến hành những cuộc đấu tố, con tố cha, vợ tố chồng, cái đó có phải là sản phẩm của những người có đầu óc dân tộc, có tinh thần dân tộc không? Chủ trương dẫu có thiêu đốt cả dẫy Trường Sơn để hoàn thành việc thống nhất đất nước với cả triệu sinh mạng dân chúng ở cả hai miền có phải xuất phát từ một tấm lòng yêu thương dân tộc không? Hay như lời lẽ của một vị Tổng Thống nói công khai trên đài truyền hình là viện trợ 700 triệu thì đánh theo kiểu 700 triệu, viện trợ 300 triệu thì đánh theo kiểu 300 triệu, thì đó có phải là lời lẽ của một thứ tay sai hay một loại con bài của ngoại bang không?”

Tuy nhận mình là người xuất thân từ miền Nam trước đây, nhà văn Nhật Tiến muốn thoát khỏi vị trí bên này hay bên kia, đứng trên bình diện dân tộc để nhìn lại cuộc chiến. Và từ vị trí này, ông cho rằng: “con đường hòa hợp hòa giải dân tộc là sinh lộ duy nhất để đem quê hương ra khỏi tình trạng mất tự do dân chủ, nghèo nàn, chậm tiến và tràn lan tệ nạn tham nhũng và bất công như hiện nay”. Ông Nhật Tiến đã có can đảm, đề cập tới một đề tài cấm kỵ (ta-bu), điều mà nhiều người thường tránh, vì sợ bị hiểu lầm.

Tại sao “hòa giải” vốn là chuyện tốt đẹp đã trở thành đề tài cấm kỵ? Vì không phải một mình ông Nhật Tiến cổ võ hòa giải. Cộng Sản Việt Nam cũng đã làm điều này, khiến tiếng nói của ông Nhật Tiến như một tiếng vang từ Hà Nội. Do đó, dễ bị hiểu lầm. Tất nhiên, một nhà văn chỉ sử dụng ngôn ngữ để diễn tả ý nghĩa thực của nó. Nhưng với Cộng Sản, ngôn ngữ là một thứ cạm bẫy dùng để lừa lọc. Nhà văn nói “một tháng” để chỉ 30 ngày. Nhưng trong ngôn ngữ của Cộng Sản, “một tháng” có thể là trên dưới 10 năm, như trong vụ Cải Tạo.

Ông Nhật Tiến đã coi hòa hợp hòa giải như một phương thuốc chữa bách bệnh. Có thể ông kỳ vọng hơi nhiều, nhưng đó là chuyện khác. Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao phải hòa giải dân tộc? Dân tộc ta có chia rẽ, có thù hận nhau tới mức phải coi hòa giải là điều kiện tiên quyết để giải quyết mọi vấn đề hay không? Ở đâu cũng có chia rẽ: Những người trong cùng một gia đình, cùng một tổ chức chống nhau. Gia đình này chống gia đình kia, tổ chức này chống tổ chức khác. Ngay nội bộ Đảng Cộng Sản cũng có phe này phe kia, như phe Lê Đức Anh dùng đòn độc để hạ phe Võ Nguyên Giáp… Nhưng trên bình diện lớn hơn, có thể nói, không có bằng chứng nào cho thấy dân tộc Việt hận thù nhau tới mức sẵn sàng giết nhau.

Dù ngược dòng mấy trăm năm lịch sử, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, cũng là do hai họ Trịnh và Nguyễn chống nhau để bảo vệ quyền lợi và địa vị, người dân Bắc và Nam đâu có thù hận gì nhau. Đến thời Tây Sơn và nhà Nguyễn cũng vậy, chỉ những người đứng đầu giết nhau, dân đâu có ai hận thù gì nhau. Rồi Thực Dân Pháp chia nước ta thành ba miền, dân Bắc Trung Nam cũng đâu có thù hận gì nhau. Cùng lắm, chỉ có chuyện người miền nọ trêu chọc những thói quen của miền kia. Đó không phải thù hận, chỉ là chuyện thường tình, ở đâu cũng có. Sau Hiệp Định Genève năm 1954, gần một triệu dân miền Bắc, hòa nhập với 14 triệu dân miền Nam vĩ tuyến 17, một tỷ lệ pha trộn khá cao, nhưng người dân vẫn sống thuận hòa. Dân gốc Bắc bắt đầu ăn phở với giá sống, các cô gái Nam ra đường với áo dài.

Rồi đến cuộc chiến Quốc Cộng, chính nhà văn Nhật Tiến cho rằng lãnh đạo của cả hai miền đều là tay sai ngoại bang. Vậy nếu ông Nhật Tiến đúng, chính những tay sai này là vai chánh trong cuộc tương tàn ba mươi năm, người dân hai miền chỉ là nạn nhân, đâu phải họ giết nhau vì hận thù. Cái gốc của hận thù không bắt nguồn từ dân, bởi đó, đặt vấn đề hòa giải dân tộc, là sai. Muốn giải quyết vấn đề hận thù, phải truy tận gốc. Nó bắt nguồn từ hai guồng máy cai trị tại Bắc và Nam. Chính quyền miền Nam đã tan biến từ năm 1975. Chỉ còn lại chính quyền miền Bắc hiện đang cai trị cả nước. Đây chính là nguồn gốc còn lại của hận thù.

Nguyên do của hận thù là bất công. Cá nhân hay tập thể tạo bất công, là gây bất hòa, đưa tới hận thù. Trên lý thuyết, Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện đang nắm quyền cai trị phải chịu trách nhiệm về những bất công do mình gây ra từ 60 năm qua. Nhưng trên thực tế, hơn hai triệu đảng viên cũng chỉ là công cụ của một nhóm thực sự nắm quyền hành, đó là Bộ Chính Trị. Dù núp dưới danh nghĩa gì, cái nhóm này, thực sự chỉ là một băng đảng ăn cướp. Đừng ngần ngại gọi họ bằng tên thật của họ.

Họ đã cướp công cách mạng của các đảng phái Quốc Gia. Họ đã cướp quyền cai trị mà chính họ từng long trọng tuyên bố thuộc về toàn dân. Họ đã cướp của cải, vàng bạc của dân để hối lộ cho tướng Tầu. Họ đã cướp mạng sống của người dân trong vụ Cải Cách Ruộng Đất. Họ đã cướp tự do sáng tác của các văn nghệ sĩ trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Họ đã cướp cả Miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 đến Mũi Cà Mâu (họ nói phải đánh Miền Nam để dành lại độc lập từ tay Đế Quốc Mỹ, nhưng do những tài liệu đã được công bố, trước năm 1975, Bắc hay Nam Việt Nam đã lệ thuộc ngoại bang nhiều hơn? Miền Nam đâu có nghe lệnh Mỹ giết dân như Miền Bắc tuân lệnh Tầu trong vụ Cải Cách Ruộng Đất? Miền Nam đâu có nhượng một tấc đất nào cho Mỹ như Miền Bắc đã nhượng cho Tầu?). Họ đã cướp mạng sống của hàng triệu binh sĩ Bắc cũng như Nam vì chủ xướng cuộc chiến mệnh danh giải phóng Miền Nam. Họ đã ăn cướp hạnh phúc của hàng triệu gia đình có thân nhân phải đi cải tạo. Họ đã ăn cướp tài sản của những người phải đi Kinh Tế Mới. Và họ đã ăn cướp của cả dân tộc Việt Nam nửa thế kỷ tiến bộ.

Tóm lại, dân tộc Việt Nam không có hận thù gì với nhau, nên không cần đặt vấn đề hòa giải dân tộc. Hiện tại, chỉ có hận thù giữa băng đảng ăn cướp đang nắm quyền cai trị, và khối dân tộc bị trị. Kẻ nào, thành phần nào gây ra bất công, là nguyên nhân của bất hòa, phải đóng vai chủ động trong việc hòa giải. Do đó, không phải người dân hòa giải với nhà cầm quyền, ngược lại, Bộ Chính Trị phải hòa giải với dân. Thay vì thể hiện hòa giải qua hành động, như nhận lỗi và sửa lại những gì đã làm sai, đền bù những gì đã gây thiệt hại v.v…Họ kêu gọi người dân, nhất là những nạn nhân của họ, hãy hòa giải với họ. Nghĩa là chấm dứt chỉ trích, chống đối, hãy tiếp tay họ, chấp nhận đề họ tiếp tục gây bất công, hận thù. Đây là điều phi lý, ngược ngạo.

Đã có nhiều thí dụ hòa giải trong lịch sử. Vào thời Trung Cổ, Tòa Thánh La Mã đã có những việc làm sai trái, điển hình là tòa án dị giáo của Giáo Hội dưới thời Giáo Hoàng Urban VIII, vào năm 1633 đã xử phạt nhà thiên văn học Galileo, bắt ông phải từ bỏ khám phá cho rằng quả đất quay chung quanh mặt trời. Ngày 31 tháng 10 năm 1992, chính Đức Giáo Hoàng Gio An Phao Lồ Đệ Nhị đã hòa giải bằng cách công nhận Galileo đúng, và nhân danh Giáo Hội, xin lỗi về những việc làm sai lầm trong quá khứ.

Vào hồi Đệ Nhị Thế Chiến, những người gốc Nhật sống tại mấy tiểu bang bên bờ Thái Bình Dương đã bị chính quyền của Tổng Thống Roosevelt bắt phải bỏ nhà cửa, sống tập trung tại mấy trại ở vùng sa mạc sâu trong lục địa, hầu tránh làm nội ứng cho quân Nhật. Biện pháp cứng rắn này, tuy không đến nỗi khốn nạn như các trại “Cải Tạo” tại Việt Nam sau 1975, nhưng đã gây buồn lòng không ít, chẳng những riêng với các nạn nhân, mà đối với cả những ai hằng quan tâm tới quyền sống của con người. Thời Tổng Thống Reagan, nước Mỹ đã chính thức nhận lỗi về vụ này, và chịu bồi thường cho gia đình những người bị tập trung. Một đài tưởng niệm cũng đã được thiết lập tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, để ghi nhớ những nạn nhân đã bị đối xử bất công, cũng như nhắc nhở chính quyền Liên Bang về một lầm lỗi không nên tái phạm. Đó là hòa giải.

Cũng vào hồi Đệ Nhị Thế Chiến, Quân Phiệt Nhật đã bắt nhiều phụ nữ Triều Tiên xung vào đội “gái ủi an” (comfort girls) để phục vụ binh sĩ Thiên Hoàng. Nửa thế kỷ sau, dân Đại Hàn vẫn không quên được mối hận này. Cuối cùng, Thủ Tướng Nhật đã phải chính thức xin lỗi, và bồi thường cho nạn nhân. Đó cũng là hòa giải.

Cho đến nay, Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm gì để hòa giải trước bao nhiêu tội ác tầy trời của họ? Mới đây, Nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã ra quyết định cho “một số trường hợp” những người bị mất tài sản trong vụ Cải Cách Ruộng Đất trước đây được làm đơn xin “trợ cấp”, tới mức tối đa ba triệu đồng Việt Nam (tương đương gần 200 USD), với thủ tục vô cùng khó khăn, ít người có thể hoàn thành. Đền bù kiểu “bố thí” bánh vẽ, không phải là hành vi hòa giải qua việc nhận lỗi và bồi thường.

Nhà văn Nhật Tiến khẳng định: “Tôi chưa và cũng chẳng bao giờ lại chủ trương hòa giải, hòa hợp với độc tài hay bạo lực”. Nhưng với những người có lập trường cứng rắn đối với độc tài hay bạo lực, ông Nhật Tiến lại nói rằng “con đường cứu nước của họ chỉ là một thứ đường mòn vô dụng” chẳng những không có ích, còn cản bước tiến của dân tộc. Ông chủ trương “Ổn định và phát triển”, nhưng lại nói thêm: “Dĩ nhiên, ổn định không có nghĩa là cam chịu làm tôi tớ cho giai cấp cầm quyền…” Nếu giai cấp cầm quyền cứ ngồi lì, tiếp tục độc tài, tham nhũng và coi dân như tôi tớ, có nên tìm cách loại bỏ nó đi không? Và làm như vậy, có phạm vào chủ trương “ổn định” không?

xxx

Qua cuộc nói chuyện với ông Trần Văn Thủy, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc, ngoài nhận xét về mấy “thói hư tật xấu” trong sinh hoạt cộng đồng, như “tố cáo, mạ lỵ, chụp mũ tưng bừng lẫn nhau, người oan, kẻ ưng cá mè một lứa”, bà đã dùng một cuốn sách về tập thể những người Tiệp tỵ nạn trước kia, để nói rằng tập thể những người Việt tỵ nạn cũng có hành vi tương tự, như: “Lâu lâu lại phải đọc tuyên cáo này, tuyên cáo nọ, lên án bọn cộng sản trong nước và tay sai ngoài nước….lâu lâu lại có biểu tình lẹt đẹt vài người…” Bà còn không thích “những người hô khẩu hiệu, ở trong nước hay ngoài nước”. Đâu phải ai cũng là nhà văn, nhà báo, lúc nào cũng có khả năng và phương tiện phổ biến quan điểm của mình, nên chỉ còn cách ra tuyên cáo, đi biểu tình và hô khẩu hiệu. Ngoài ra, “biểu tình lẹt đẹt vài người” là một sinh hoạt chỉ có được tại các nước thực sự tự do. Rất đáng quý, và không nên chê trách. Về những người hô khẩu hiệu cũng vậy, nếu thiếu họ, chắc chắn ngày nay Cộng Sản vẫn còn đang ngự trị tại Liên Xô và Đông Âu.

Bà Hoàng Bắc đã căn cứ vào một cuốn sách khác, để nhận định về những người đàn ông tỵ nạn, đến từ các quốc gia chậm tiến: “Để xây dựng bản thân trong xã hội mới, thay vì nỗ lực hội nhập và vươn lên trong từng bước với sự kiên nhẫn, nhiều người lao vào và bỏ nhiều thì giờ, sức lực và ngay cả tiền bạc để tạo nên những địa vị giả….” (NĐHB, tr. 89). Nhưng chỉ 3 trang sau đó, bà Hoàng Bắc đã nhận định “…Việt Nam được coi là cộng đồng tương đối có nhiều thành công trong việc hội nhập xã hội mới” (sđd. tr. 92). Nếu cộng đồng Việt Nam chỉ toàn những người chuyên chạy theo “địa vị giả”, làm sao có thể thành công thật được?

Bà Hoàng Bắc còn nói rằng, tại California, “hiện tượng chính phủ lưu vong mọc lên như nấm”. Nhận xét này có vẻ xa sự thật, và khôi hài hóa những hoạt động hữu ích của cộng đồng tỵ nạn nói chung. Bao nhiêu ngàn người đã thoát cảnh tù đầy để tới Mỹ định cư theo diện HO. Chính phủ Mỹ và nhiều nước khác đã không tự ý mở tay đón thêm người tỵ nạn, nếu không có sự vận động hữu hiệu của cộng đồng Việt. Dầu sao, bà Hoàng Bắc cũng đã tỏ ra công bằng, khi chỉ trích cả cộng đồng tỵ nạn lẫn sinh hoạt trong nước. Nhưng trong khi những khuyết điểm ở trong nước đã khiến bà phải ra đi, rồi lại khinh rẻ cái cộng đồng mình đã lựa chọn để sinh sống ở hải ngoại, nếu phải làm như vậy để tỏ ra công bằng, chính điều này lại là một bất công.

xxx

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã nhận định về thế hệ những người tỵ nạn ra đi từ năm 1975: “Những người Việt thuộc thế hệ này cho đến nay vẫn còn mơ ước phục hồi lại một nước VNCH cũ với đầy đủ các cơ chế nhà nước của nó, để họ trở lại vai trò tướng lãnh, dân biểu, nghị viên….” Người viết cũng là người ra đi từ năm 1975, và có nhiều bạn bè “thuộc thế hệ này”, nhưng chẳng thấy ai mơ ước như vậy. Cho nên, nếu quả thật có những người như thế, không phải họ chỉ mơ ước, họ đang sống trong mơ. Không nên lấy giấc mơ triền miên của một vài người, nếu có, để giải thích cuộc sống của cả một tập thể mấy trăm ngàn người.

Ông Nguyễn Mộng Giác phát biểu thêm: “Sinh hoạt chính trị mặt nổi của các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, Canada, Úc đều có nét tương tự là tạo cái không khí huyễn tưởng như mình còn sống dưới thời VNCH, một thứ VNCH nối dài với nghi thức chào cờ, hát quốc ca, mặc niệm, chào kính theo cấp bậc cũ….Thế hệ này không muốn hình ảnh quê hương đó bị thay đổi theo thời gian. Họ sợ về lại Việt Nam vì biết chắc đã về thì thế nào hình ảnh ấy cũng bị hình ảnh khác thay thế, và họ phải thích nghi với hình ảnh mới. Để biện minh cho quyết tâm nhất định không về ấy, một quyết tâm thôi thúc về tâm lý hơn là do lập trường chính trị, thế hệ này thường đưa ra một lối giải thích rất đúng lập trường: là họ chỉ trở lại quê hương sau khi quê hương không còn bóng cộng sản nữa”.

Ông Nguyễn Mộng Giác không thuộc lớp người ra đi từ năm 1975, ông cũng không dựa trên một chứng cớ hay tài liệu nghiên cứu giá trị nào, bỗng dưng ông làm công việc phân tích tâm lý tập thể này, rồi gán cho người ta đủ thứ ý nghĩ kỳ quặc. Đó là điều người thận trọng không nên làm. Chào cờ, hát quốc ca, là một nghi thức thiêng liêng, được cử hành để biểu dương sự tôn kính đối với quốc gia, không phải hành vi nứu kéo một chế độ không còn nữa. Cũng như việc cúng cơm hay hoa quả trên bàn thờ người quá vãng, không phải là “nối dài” mạng sống của người chết. Việc chào nhau theo cấp bậc cũ, chẳng hiểu tại các nước khác ra sao, còn ở Mỹ, cũng là chuyện thường tình đối với mọi người. Chỉ trên giấy tờ chính thức, người ta mới thêm mấy chữ “cựu” vào trước các chức vụ cũ, như “cựu tổng thống, cựu chủ tịch…” hay hai chữ “hưu trí” vào sau các cấp bậc trong quân đội, như “Tướng X…., ht”. Còn khi chào nhau, người ta vẫn dùng chức vụ hay cấp bậc cũ.

Ngoài ra, nếu ông Nguyễn Mộng Giác chịu bỏ chút thì giờ, làm một cuộc thăm dò chớp nhoáng, ông sẽ biết được có rất nhiều tướng tá ra đi từ năm 1975 đã đi du lịch Việt Nam, chẳng phải một mà nhiều lần. Còn với những người cho đến nay vẫn nhất định không về, vẫn giữ vũng lập trường, chỉ về khi cộng sản không còn nữa, đó là những người đáng kính phục, tại sao lại chê trách? Cộng Sản là lý do khiến người ta phải ra đi, trong số này, có cả ông Nguyễn Mộng Giác. Nay, Cộng Sản, cái lý do khiến người ta phải ra đi, vẫn còn đó. Ngay cả ông Nguyễn Mộng Giác cũng chưa muốn về sống dưới ách cai trị của Cộng Sản. Nếu chưa thể trở về sống tại Việt Nam, trừ những lý do đặc biệt như thăm viếng cha mẹ, vợ con…, tại sao lại về nhìn cái bản mặt dơ dáy của những kẻ khiến mình phải ra đi?

Việc ông Nguyễn Mộng Giác gán cho lớp người ra đi từ năm 1975 những ý nghĩ và hành động hầu như hoàn toàn do trí tưởng tượng của ông, có vẻ phù hợp với với lời thú nhận của ông, liên quan tới địa hạt sách vở trước đây: “Những tiên đoán lạc quan ấy, như thời gian đã chứng minh, đều sai. Đều lạc quan tếu. Vì nghĩ cho cùng, cả tôi lẫn cô MN (người trích tự ý viết tắt) đều không dựa vào dữ kiện chính xác nào cả, chỉ mong ước sao thì đoán vậy.” Ít ra ông Nguyễn Mộng Giác cũng còn tỉnh táo đủ để nhận ra những sai lầm của mình. Hy vọng lần này, thời gian cũng sẽ chứng minh những suy đoán của ông đều sai, vì không dựa vào dữ kiện chính xác nào cả.

Ông Nguyễn Mộng Giác chê trách những người không chịu về, vì tình hình Việt Nam đã thay đổi rồi, không còn như trước nữa. Nhưng ông lại kể ra những điều xấu vẫn còn nguyên, khiến chính ông cũng có cảm giác “không thoải mái”: “đọc một tờ báo trong nước (nhất là vào những dịp lễ lạc kỷ niệm chiến thắng này chiến thắng kia), tôi không có cảm giác thoải mái (y như một bạn trẻ lớn lên ở miền Bắc đang ở Đông Âu đọc tờ báo Việt ngữ xuất bản ở đây). Cách dùng chữ, nhất là khi đề cập tới quân nhân chế độ VNCH là đối phương trong cuộc chiến tranh đã qua, vẫn mang nặng tính miệt thị, hằn học đầy sắt máu không nên có nơi cửa miệng kẻ chiến thắng. Truyện, hồi ký, bút ký, vẫn đầy dẫy những ‘thằng ngụy’ này, ‘con ngụy’ kia”. Dù cảm thấy không thoải mái, ông Nguyễn Mộng Giác vẫn cứ tới Việt Nam, đó là quyền của ông. Nhưng với nhiều người, có thể vì điều này khiến người ta không muốn, chứ không phải vì sợ cảnh cũ không còn nữa.

Hình như dưới mắt ông Nguyễn Mộng Giác, chỉ có một thứ “kẻ chiến thắng”. Thật ra, có nhiều kẻ chiến thắng khác nhau. Thắng trận trong một cuộc chiến có chính nghĩa, như quân Đồng Minh thời Đệ Nhị Thế Chiến, là kẻ chiến thắng. Thắng trận trong một cuộc chiến xâm lược, như quân Stalin cướp nước Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc, cũng là kẻ chiến thắng. Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam là bọn chiến thắng thuộc hàng con cháu Stalin và Mao Trạch Đông. Mong mỏi họ hành động có tư cách như những kẻ chiến thắng có chính nghĩa, là điều không tưởng. Và càng không tưởng hơn, khi tận mắt nhìn thấy họ không hề thay đổi, mà vẫn cứ dối lòng mình rằng họ đã thay đổi.

Tiếp tực câu chuyện với ông Trần Văn Thủy, ông Nguyễn Mộng Giác đã nhắc lại sự việc trên ở một đoạn sau: “Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi đọc những hồi ký hay truyện ngắn của những cây bút Miền Bắc. Trong say sưa của kẻ thắng, họ kể những chiến công, thành tích của quá khứ, điều đó không có gì đáng bàn. Điều đáng bàn, là khi nói tới đối phương (là quân đội Miền Nam, người dân Miền Nam), họ vẫn dùng những nhân xưng miệt thị như “y”, “hắn”, “chúng”, “bọn ngụy”, “thằng ngụy” y như trong thời chiến tranh”.

Phản ứng của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cũng giống như nhận xét của nhà văn Nhật Tiến về sách báo ở Việt Nam: “văn học nghệ thuật cũng như báo chí nói riêng, vẫn bao trùm một niềm kiêu hãnh rằng ‘dân tộc ta anh hùng, đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào’”. Những thợ viết văn viết báo ở Việt Nam vẫn tiếp tục “miệt thị, hằn học đầy sắt máu”, vẫn viết “thằng ngụy này”, “con ngụy kia”, không phải họ là những nhà văn nhà báo tư nhân có tự do sáng tác. Họ là những cán bộ viết theo đường lối của Đảng. Chừng nào Đảng không thay đổi, họ không thể viết khác. Điều này chứng tỏ Bộ Chính Trị không thay đổi, không chủ trương hòa giải. Những thay đổi đang diễn ra ở Việt Nam chỉ là sự xáo trộn bên ngoài, khi giá trị tiền bạc thay cho giá trị đạo đức. Về chủ trương đường lối Đảng CS vẫn giữ nguyên như cũ, vẫn độc quyền cai trị, độc quyền ngôn luận; người chỉ trích chính quyền vẫn tiếp tục đi tù.

xxx

Trong khi trả lời phỏng vấn của ông Trần Văn Thủy, ông Hoàng Khởi Phong có so sánh cộng đồng Việt Nam với hai cộng đồng người Do Thái và người Hoa. Theo ông, “Hai cộng đồng này mạnh vô cùng, nhưng trông bên ngoài họ không bao giờ ồn ào như cộng đồng Việt Nam. Họ không có xuống đường hoan hô, đả đảo như cộng đồng Việt, mà lặng lẽ đòi hỏi trong nghị trường hay tinh ma hơn nữa là có những đòn phép trong bóng tối, để chi phối gián tiếp nền chính trị Mỹ”.

Sự so sánh trên đây khiến người đọc có cảm tưởng như xuống đường hoan hô đả đảo là chuyện xấu, và cộng đồng Việt Nam không biết làm gì khác lơn là diễn đi diễn lại cái chuyện nên tránh này. Chính ông Hoàng Khởi Phong cũng nói: “Theo tôi nghĩ chúng ta chưa hề có kinh nghiệm lưu vong”. Câu này có thể hiểu như một lời trách móc, cộng đồng Việt chưa biết sống một đời lưu vong cho đàng hoàng (ồn ào quá, xuống đường nhiều quá), nhưng cũng có thể hiểu “chưa hề có kinh nghiệm” là còn quá trẻ trung.

Quả thật, so sánh với các cộng đồng Do Thái và người Hoa, cộng đồng Việt còn quá trẻ. Người Do Thái đã tới Mỹ từ khi tìm ra Mỹ Châu năm 1492. Trong đoàn thủy thủ 90 người trên ba chiếc tầu do Christopher Columbus chỉ huy, có 5 người Do Thái. Người Hoa đã tới Mỹ nhiều từ thế kỷ thứ 19, để làm đường xe lửa, và kiếm vàng ở California. Cộng đồng Việt mới ngót nghét ba thập niên. Hai cộng đồng Do Thái và Hoa, vì họ đã tới từ lâu, chính vì họ mạnh, nên chẳng cần ồn ào. Mình còn yếu, nên phải ồn ào, để được chú ý. Người lớn, mỗi khi cần gì, chỉ việc bỏ tiền ra mua. Nhưng đứa trẻ, không có phương tiện gì khác hơn là cái miệng để la, đôi tay để vùng vẫy. Không nên trách đứa trẻ chỉ biết đòi hỏi như …trẻ con.

Ngoài ra, khởi thủy, người Do Thái tới Mỹ vì lý do chủng tộc, người Hoa tới vì lý do kinh tế, trong khi người Việt tới vì lý do tỵ nạn chính trị. Tại miền đất mới, người bị kỳ thị chủng tộc mong được sống yên thân; người di cư vì kinh tế chỉ lo làm ăn, nhưng người tỵ nạn chính trị còn phải tranh đấu, nếu không, lý do ra đi của mình thành vô nghĩa. Đã tranh đấu chính trị, bắt buộc phải có những màn xuống đường, hoan hô, đả đảo. Tranh đấu mà không xuống đường, hay không kiếm nổi người xuống đường, sẽ bị mỉa mai là “chính trị sa-lông”!

Ông Hoàng Khởi Phong tiếp tục khen cách ứng xử của các cộng đồng di dân khác, và chê cộng đồng Việt: “Tôi ghi nhận được một điều thích thú là tại chợ Tầu San Francisco và chợ Tầu Los Angeles, có những cửa tiệm bán sách báo, tranh ảnh, kế cận nhau, một bên trưng hình Mao Trạch Đông, một bên trưng hình Tưởng Giới Thạch, song họ buôn bán hòa thuận với nhau, không có vụ đánh nhau vỡ đầu hay cạnh tranh bất chính. Tại các khu chợ Tầu, ngày 1-10 hàng năm là ngày kỷ niệm của Hoa Lục, các cửa tiệm nghiêng về Hoa Lục tưng bừng treo đèn kết hoa, múa lân đốt pháo, trong khi các tiệm khác mặn Đài Loan thản nhiên như không có gì. Chỉ 10 ngày sau vào ngày Song Thập 10-10, tới phiên Đài Loan tưng bừng làm lễ Quốc Khánh, thì các cửa tiệm gốc Đài Loan lại treo đèn kết hoa, múa lân đốt pháo trong khi những tiệm khác lại bình thản đứng ngó. Họ cũng có hai tờ báo phản ảnh đường lối hai chính phủ, họ có thể tranh cãi, bút chiến nhưng ít khi nào họ xô xát. Chúng ta chưa có kinh nghiệm sống lưu vong trên xứ sở khác.”

Chắc ông Trần Văn Thủy phải hài lòng lắm, khi theo dõi khúc phim hòa bình do ông Hoàng Khởi Phong mô tả. Có thể thêm vào khúc phim này vài chi tiết hấp dẫn khác, như cảnh sống hòa bình giữa dân Pakistan, dân Bangladesh và dân Ấn tại hải ngoại, và cảnh hai phái đoàn lực sĩ Bắc và Nam Hàn đi chung nhau tại Thế Vận Hội. Nhưng người viết e rằng ông Hoàng Khởi Phong đã lầm, khi muốn so sánh mối liên hệ giữa di dân Đài Loan với di dân Hoa Lục, và người Việt tỵ nạn với cán bộ Việt Cộng tại hải ngoại.

Đã có những tranh chấp giữa Hoa Lục và Đài Loan từ trên nửa thế kỷ, nhưng trên thực thể, đó là hai quốc gia riêng biệt, nên tại hải ngoại, di dân nước nọ tôn trong quyền sinh hoạt của di dân nước kia, là điều tự nhiên. Giả tỉ Cộng Sản Miền Bắc không cưỡng chiếm Miền Nam (như Hoa Lục không cưỡng chiếm Đài Loan), và ngày nay có di dân từ cả hai Miền Nam và Bắc Việt Nam cùng sống tại một thành phố ở Mỹ, chắc họ cũng đối xử với nhau như dân từ Hoa Lục và Đài Loan. Nhưng Cộng Sản Miền Bắc đã cướp Miền Nam, đã và tiếp tục tàn ác với dân Miền Nam (điều này ông Hoàng Khởi Phong và quý vị nhà văn trả lời ông Trần Văn Thủy biết rõ hơn người viết bài này, nên xin miễn nhắc lại). Chẳng những thế, tuy đã phải bỏ lại tất cả, liều mạng ra đi, Cộng Sản Việt Nam vẫn không để những người tị nạn yên ổn với cuộc sống mới. Thí dụ cụ thể là qua Nghị Quyết 36, họ đã quyết định thưởng công cho những người hoạt động cho họ, và dọa có biện pháp với những ai chống đối, không theo họ.

Trong cộng đồng Việt Nam tị nạn hải ngoại, không có những người liên hệ mật thiết tới hai cơ chế cai trị khác nhau, là Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, như Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Hoa Lục), mà chỉ có những nạn nhân Cộng Sản, và bọn cán bộ hay tay sai trà trộn hoạt động cho Cộng Sản. Do đó, tập thể người tị nạn Việt không thể dùng cái lễ của người di dân nước này đối với người di dân của nước lân bang. Họ phải đối phó với những vận động bất chánh từ quốc nội để được sống yên ổn tại hải ngoại; họ phải tự cảnh giác, dùng những biện pháp tự vệ của nạn nhân, dành cho kẻ cướp và tay sai kẻ cướp. Nếu không, họ sẽ bị phiền hà, như tập thể Việt Kiều đang sinh sống tại Đông Âu.

Ông Hoàng Khởi Phong đã từng đề cao cách ứng xử của cộng đồng Do Thái. Nếu chịu chú ý một chút, ông có thể thấy rõ họ đã đối xử thế nào với những người trước đây có dính dáng tới chế độ Đức Quốc Xã, dù chuyện đã xẩy ra trên nửa thế kỷ trước. Và lại giả tỉ, nếu bây giờ Trung Cộng cũng cướp và hành hạ dân Đài Loan, như Việt Cộng đã làm đối với Nam Việt Nam, liệu sau đó ông Hoàng Khởi Phong còn cơ hội thích thú chứng kiến cách đối xử ôn hòa của dân gốc Đài Loan dành cho cán bộ Bắc Kinh không?

xxx

Người viết tưởng đã nhận xét đủ về quan điểm của ông Trần Văn Thủy, qua bốn bài của ông ở đầu sách, nhưng vẫn phải quay lại với ông, qua một câu hỏi ông dành cho nhà văn Trương Vũ: “Trước khi sang đây, tôi cứ nghĩ rằng, khi sống trên một đất nước có tự do dân chủ, với một đời sống vật chất cao, con người có thể trở nên khoan dung với nhau hơn. Chạm với thực tế, tôi thấy không hoàn toàn đúng như vậy. Tại sao lại có những hiện tượng một số người ở hải ngoại chống đối rất dữ dằn bất cứ ca sĩ nào ở trong nước ra trình diễn, dù là những ca sĩ rất trẻ sinh ra sau 1975? Tôi cũng rất buồn khi đọc một số báo chí ở hải ngoại viết thiếu chân thực cũng như rất thiếu tình người về những gì không may xẩy ra ở Việt Nam. Như vụ hỏa hoạn xẩy ra ở khu Thương xá Tam Đa, người ta hân hoan đưa những tin tang tóc, buộc tội chính quyền trong nước. Nhưng vừa xẩy ra một vụ hỏa hoạn khủng khiếp không kém ở The Station Nightclub tại tiểu bang Rhode Island, hàng trăm người chết, cháy rụi cả một khu vực, liên quan đến trách nhiệm của nhiều quan chức, có thể phải bồi thường hàng tỷ Mỹ kim, không thấy báo Việt ngữ nào săn đón tin này để lên án chính phủ Mỹ cả. Tôi thiết nghĩ người ta có thể ghét một chế độ, không ưa một tập thể cầm quyền, nhưng làm sao lại có thể tàn nhẫn với đồng bào mình như vậy?” (NĐHB tr.138)

Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng, khi sống trên một đất nước thiếu tự do dân chủ, với một đời sống vật chất thấp, con người có thể trở thành lú lẫn, tối dạ đi. Chạm thực tế, qua việc đọc câu hỏi trên đây của ông Trần Văn Thủy, tôi thấy hoàn toàn đúng như vậy. Trước hết, sở dĩ có hiện tượng một số người ở hải ngoại chống đối ca sĩ ở trong nước ra trình diễn, dù là những ca sĩ rất trẻ sinh ra sau 1975, vì không phải người ta chống cá nhân bất cứ ca sĩ nào, mà chỉ chống những ca sĩ người ta tin rằng đã được nhà cầm quyền Cộng Sản tổ chức, đưa ra hải ngoại trình diễn với mục đích tuyên truyền. Một ca sĩ sinh ra trước, hay sau năm 1975, đâu có khác gì, nếu người đó được dùng như một công cụ địch vận? Về vụ này, ông Trần Văn Thủy đã theo dõi sinh hoạt báo chí Việt Nam tại hải ngoại, mà không để ý tới lời phát biểu của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tại Đại Hội Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại, vào mùa Xuân năm 2003: “Chính vì mục đích muốn làm tinh thần chống Cộng này nguội bớt, xẹp bớt, Đảng tung ra các đoàn ca vũ nhạc, tuồng chèo, cải lương, vọng cổ, ca trù, múa rối, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, có thể có cả xiếc, nhằm tạo ra ảo giác về một chế độ hiền hòa, tươi vui.”

Về tiêu chuẩn loan tin tai nạn, báo chí tự do và báo chí độc tài hoàn toàn khác nhau. Tại một nước độc tài toàn trị, như Liên Xô trước đây, hay Cuba và Việt Nam ngày nay, những tin tức thuộc loại “thắng lợi” mới đăng lớn, còn tin về tai nạn thường bị ém nhẹm, hay chẳng đặng đừng, rút gọn tới mức tối đa, sợ nhà cầm quyền bị mang tiếng. Ví dụ tai nạn khủng khiếp tại nhà máy điện nguyên tử ở Chernobyl , Ukraine, Liên Xô vào năm 1986. Ngược lại, báo chí tự do, tai nạn càng lớn, càng loan tin lớn, vì liên hệ tới nhiều người, và để nạn nhân được chú ý nhiều, được giúp đỡ hữu hiệu hơn. Có lẽ vì vậy, khi thấy báo chí hải ngoại loan tin lớn vụ cháy Thương xá Tam Đa, ông TVT đã cho là “người ta hân hoan đưa những tin tang tóc, buộc tội chính quyền trong nước”. Ông TVT còn hạch hỏi tại sao báo Việt ngữ không lên án chính phủ Mỹ trong vụ cháy Night Club ở Rhode Island? Hỏi như vậy, cũng tương tự như hỏi tại sao mỗi năm người Việt hải ngoại gửi về nước mấy tỷ MK, mà sao không gửi về giúp dân Lào và Căm Bốt? Sau hết, loan tin lớn về một tai nạn thảm khốc, và buộc tội giới hữu trách vô trách nhiệm trước tai nạn đó, như vậy là “tàn nhẫn với đồng bào mình”?

Câu hỏi dài thoòng của ông Trần Văn Thủy đã được ông Trương Vũ trả lời cũng khá dài, xin được ghi lại đây phần chót của câu trả lời: “Theo tôi, những hận thù, mâu thuẫn giữa anh em lẽ ra đã phải được chấm dứt ngay sau khi chiến tranh kết thúc vào 30 tháng Tư 1975. Thế nhưng, thay vào đó lại là những trại tù, mang tên là trại cải tạo. Rồi đổi tiền, rồi ‘kinh tế mới’, rồi ăn cơm độn trên một đất nước vốn xuất cảng lúa gạo, rồi những đối xử phân biệt, rồi cả triệu người đành phải nhào xuống biển bất kể có phải làm mồi cho cá hay hải tặc. Tôi không thấy có bao nhiêu giọt nước mắt dành cho họ. Tôi chỉ đọc được rất nhiều những trang sách báo kết án ‘bọn phản quốc’, ‘bọn từ bỏ tổ quốc’. Sau bất cứ một cuộc chiến nào, người thắng trận dễ chìa bàn tay để hòa giải hơn người bại trận. Người thắng trận, tôi muốn nói người có quyền và thắng trận, đã không làm chuyện đó mà còn làm ngược lại”.

Đọc xong câu nói trên đây của ông Trương Vũ, rồi đọc lại câu chót trong câu hỏi của ông Trần Văn Thủy, sẽ thấy vô cùng thấm thía: “Tôi thiết nghĩ người ta có thể ghét một chế dộ, không ưa một tập thể cầm quyền, nhưng làm sao lại có thể tàn nhẫn với đồng bào mình như vậy?” Bây giờ, chắc ông TVT đã vỡ lẽ ai là kẻ tàn ác.

Ông Trương Vũ đã tả lại “ngày về” của mình: “Cả một loạt bạn bè giáo chức của tôi là những người đã được đào tạo rất kỹ ở trong Nam, nhiều người giỏi hơn tôi, nhưng không một ai được lên đến chức hiệu trưởng một trường trung học, dù là một trưởng trung học nhỏ, trừ một vài người, tuy không giỏi nhưng có thân nhân tập kết. Lúc tôi trở về, chiến tranh chấm dứt đã 26 năm rồi. Lúc đó, vào dịp kỷ niệm 30 tháng Tư, đài truyền hình chiếu nhiều phim về ‘lính ngụy’, bọn ‘lính ngụy’ trông thật là ác ôn! Tôi, tên ‘lính ngụy’ 25 năm trở về, nhìn hình ảnh ‘mình’ trên truyền hình, cười ra nước mắt. Nhưng nói chung, tôi rất mừng là tôi đã trở về”. Thật ra, ông Trương Vũ đâu có thực sự trở về Việt Nam. Ông đã “đi Việt Nam”, như nhiều khách du lịch khác, rồi lại “về Mỹ” với gia đình. Ông đã vui mừng được gặp lại người xưa cảnh cũ. Nhưng niềm vui không trọn vẹn, vì lý do khiến ông phải ra đi vẫn còn nguyên, “vẫn còn những cái không thay đổi chút nào”. Dù vẫn tha thiết với tình nghĩa Việt Nam, 25 năm trước ông Trương Vũ “đi Mỹ”, bây giờ ông “đi Việt Nam”, và “về Mỹ”.

Khi ông TVT hỏi về hòa hợp hòa giải, ông Trương Vũ trả lời: “Người Việt không phải là loại người thù dai, không có một nền văn hóa hay những tôn giáo khích động sự thù dai”. Ngay sau khi ghi nhận tình trạng hơn một phần tư thế kỷ sau chiến tranh, người cầm quyền Cộng Sản Việt Nam vẫn đối xử với quân dân Miền Nam cũ như một thứ công dân hạng nhì, hạng ba, thế mà ông Trương Vũ nói người Việt không phải là loại người thù dai, không có văn hóa thù dai. Một là ông Trương Vũ đã sai. Hai là tập đoàn đang cầm quyền không còn là người Việt Nam nữa.

Cũng giống như các ông Nhật Tiến và Nguyễn Mộng Giác, ông Trương Vũ đã cảm thấy buồn lòng khi gần ba thập niên sau cuộc chiến, các cán bộ thông tin văn hóa của Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tực dùng loại ngôn ngữ đầy miệt thị đối với quân dân Miền Nam, trong khi nhà cầm quyền có thái độ thân thiện với Đại Hàn, và Mỹ: “ngày nay lãnh đạo Việt Nam không còn xem người Đại Hàn là ‘bọn lính đánh thuê Phác Chính Hy’ nữa mà là bạn tốt thì cách ứng xử với nhau cũng thay đổi theo, và sự thay đổi đó được chính thức công nhận và khuyến khích. Đối với người Mỹ cũng vậy….Một điều khôi hài là báo chí Việt Nam có thể đăng hình một cựu chiến binh Miền Bắc trong bộ quân phục của Quân Đội Nhân Dân ôm một anh cựu chiến binh Mỹ trong bộ quân phục của Quân Đội Mỹ, nhưng không biết bao giờ chúng ta mới thấy một hình ảnh như vậy giữa một anh cựu chiến binh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam với một anh cựu chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa?”

Nhận xét của ông Trương Vũ rất dễ hiểu. Bọn cầm quyền hiện nay ở Việt Nam chỉ còn biết có quyền lợi. Mỹ và Đại Hàn vốn là kẻ tử thù, nhưng họ có nhiều tiền, nên được o bế. Trong khi quân dân VNCH cũ, có đồng nào đã bị Đảng càn quét mấy đợt hết sạch, còn gì đâu để được đối xử tử tế. Ông Trương Vũ còn nói thẳng: “Lãnh đạo trong nước thì rõ ràng là chưa thực lòng hòa hợp hòa giải. Nó chỉ nằm trên khẩu hiệu và nghị quyết”. Ông đã nhận xét đúng, nhưng đặt vấn đề sai, khi cho rằng: “Phần còn lại bây giờ chỉ là nỗ lực hàn gắn giữa những người Việt bình thường với nhau”. Giữa người Việt bình thường, đâu có hận thù, đâu có đổ vỡ mà cần hàn gắn? Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, những kẻ gây ra hận thù, phải đi bước đầu và thực tâm hòa giải. Gần 30 năm rồi, họ vẫn ngoan cố không chịu làm việc này, người dân bình thường chỉ còn cách đuổi họ đi.

xxx

Ngoài một số nhà văn gốc Việt, ông Trần Văn Thủy còn phỏng vấn một nhà văn Mỹ gốc Do Thái, kiêm giáo sư văn chương tại một đại học Mỹ, đó là ông Wayne Karlin. Ông này trước đây đã từng tham chiến ở Việt Nam, với nhiệm vụ một xạ thủ trên trực thăng. Ông Wayne Karlin đã đề cao tình người, vô cùng tha thiết với vấn đề hòa hợp hòa giải. Ông nói rất cảm động, như chính bản thân ông là người Việt Nam: “…bất cứ ai, ở phe nào, cũng đã mất mát nhiều trong chiến tranh Việt Nam. Cái đau khổ của chúng ta chỉ kéo dài mà thôi, nếu chúng ta tiếp tục đi tìm công bằng tuyệt đỉnh. Chúng ta không thể chờ đợi công bằng trong lãnh vực chính trị, mà phải đi tìm tình yêu và thông cảm của con người. Tôi nhớ một câu tôi thường nghe lúc dân chúng ở đây phản đối cách đối xử anh Rodney King: ‘Không có công bằng thì không thể nào có hòa bình.’Nhưng nếu ai cũng muốn được công bằng tuyệt đỉnh, thì tôi nghĩ không bao giờ chúng ta có hòa bình. Đau khổ đã lâu rồi, đây chính là lúc chúng ta nên hòa hợp hòa giải”. (NĐHB tr.162)

Người viết đã có dịp đề cập tới trong phần nhận định về lời phát biểu của nhà văn Nhật Tiến, rằng hận thù bắt nguồn từ bất công. Nay ông Wayne Karlin nói rằng, chúng ta sẽ kéo dài sự đau khổ, nếu tiếp tục đi tìm công bằng tuyệt đỉnh. Nếu bất công là nguồn gốc của hận thù, nguyên nhân của đau khổ, đi tìm công bằng, là tìm thuốc chữa. Nhưng ông Wayne lại khuyên phải thôi tìm thuốc chữa, để khỏi đau khổ. Lời khuyên khá lạ, nếu không coi như mâu thuẫn. Có lẽ ông không chống lại việc đi tìm công bằng, nhưng chỉ tìm loại công bằng vừa phải thôi, không nên đòi “công bằng tuyệt đỉnh”. Nhưng thế nào là công bằng tuyệt đỉnh? Một là có công bằng, hai là không có công bằng, làm gì có thứ công bằng nửa vời?

Mong mỏi người bị xử tệ từ bỏ cơ hội đòi lại những gì mình bị lấy mất, là điều rất khó, và tạo thêm bất công. Xin lấy một thí dụ ngay trong Nếu Đi Hết Biển, và người chủ động chẳng ai khác hơn là vai chính Trần Văn Thủy. Vào dịp Hà Nội cho xuất bản bộ sách lớn ba cuốn về cố học giả Hoàng Xuân Hãn, ông Trần Văn Thủy, người đã có dịp tiếp xúc với ông bà Hoàng Xuân Hãn, được đặt viết một bài, với lời hứa “sẽ được đăng nguyên xi, không bị cắt xén”. Sách được hoàn thành, ban tổ chức buổi ra mắt nhấn mạnh: “Cuốn sách đầu tiên của một trí thức không phải đảng viên Đảng Cộng Sản mà được in trang trọng, nhiều tập, công phu như thế này”. Cộng Sản thường rêu rao họ có đủ thứ tự do, kể cả tự do sáng tác và xuất bản. Nhưng rồi chính họ xác nhận bộ sách về Hoàng Xuân Hãn là sách đầu tiên của một trí thức không phải đảng viên được ấn hành trang trọng. Nhưng đó là chuyện phụ. Chuyện chính là bài của ông Trần Văn Thủy đã bị cắt xén 267 chữ, mà không ai nói cho ông biết, trước cũng như sau khi sách xuất bản. Tác giả cảm thấy đã bị đối xử không đẹp, lời hứa không cắt xén dành cho ông đã không được tôn trọng.

Tuy là người tích cực cổ võ chấm dứt bất hòa để hòa giải, hòa hợp, ông Trần Văn Thủy đã không thể bỏ qua chuyện nhỏ này. Ông không thể quên 267 chữ đã bị lấy mất. Cuối cùng, ông đã tìm cơ hội tự đền bù sự mất mát này, bằng cách in lại cả bài về học giả Hoàng Xuân Hãn, cả phần bị cắt, trong Nếu Đi Hết Biển. Xin cám ơn ông Trần Văn Thủy, nhờ được đọc những chữ bị kiểm duyệt trong bài của ông, người viết đã có cơ hội biết là mình không lầm, khi đánh giá thấp bọn người đang cầm quyền ở Việt Nam. Nhân tiện, cũng xin hỏi ông Wayne Karlin: Người được chế độ ưu đãi như ông Trần Văn Thủy còn bị đối xử bất công, viết bài còn bị cắt xén thẳng tay, liệu những nhà văn lưu vong một khi trở về sẽ được xử dụng ra sao? Và một cán bộ văn hóa như ông Trần Văn Thủy, nếu không thể xí xóa một chuyện nhỏ như chuyện bị cắt xén 267 chữ, làm sao những người bị mất cơ nghiệp, mất người thân, mất tương lai, mất lẽ sống, có thể bỏ qua tội ác của những người đang cầm quyền?

Ông Wayne Karlin đã so sánh cộng đồng tỵ nạn Việt Nam cũng có những nét giống như cộng đồng Do Thái. Là một người xuất thân từ cộng đồng tỵ nạn Do Thái, chắc ông Wayne Karlin không thể bỏ qua sự kiện là, cho đến nay, Do Thái vẫn lùng kiếm khắp thế giới, bắt những phần tử có dính dáng tới Đức Quốc Xã để đem ra trị tội. Việc này là tìm kiếm công bằng tuyệt đỉnh, hay công bằng tương đối? Đau khổ đã lâu rồi, người chết đã nhiều rồi, sao Do Thái chưa thể hòa giải hòa hợp với những người anh em Ả-Rập? Dầu sao, ông Wayne cũng có lý, khi nói rằng “Chúng ta không thể chờ đợi công bằng trong lãnh vực chính trị”. Đúng! Chúng ta không thể chờ đợi. Chúng ta phải thay đổi chính trị, để tạo công bằng.

Là người gốc Do Thái, chắc ông Wayne Karlin không thể không biết tới một người Do Thái nổi tiếng và uy tín nhất hiện nay, không phải một người hiếu chiến đang cầm quyền ở Israel, mà một người được giải Nobel về Hòa bình năm 1986, và cũng là một nhà văn. Đó là ông Elie Wiesel, một nạn nhân thoát chết từ trại trập trung của Đức Quốc Xã. Ông Wiesel không khuyên người ta quên quá khứ đau buồn để hòa giải, mà yêu cầu mọi người cần phải nhớ, vì “Quên chẳng những nguy hiểm mà còn là điều xúc phạm; quên những người chết cũng giống như giết họ một lần thứ nhì”. Ông Wiesel đã viết cuốn “Đêm” (Night), kể lại những tàn ác thời Hitler như là một nhân chứng, vì tuy chuyện cũ đã qua, nhưng ông không thể để cho quá khứ của ông thành tương lai của thế hệ trẻ hôm nay, và thế hệ sẽ sinh ra ngày mai.

xxx

Bài cuối cùng trong Nếu Đi Hết Biển là một câu chuyện tình Việt Mỹ, Tuyết và Chris, do bà Tuyết viết. Mối tình thật đẹp, và nhiều gian nan. Bà Tuyết đã hoạt động phản chiến từ thời còn đi học, đám cưới có cả cờ MTGPMN, nhưng khi hòa bình, tên bà lại nằm trong sổ đen của Cộng Sản, và bị Công An theo dõi sát. Sau ba mươi năm gắn bó, ông Chris đã từ giã vợ con, ra đi vì bạo bệnh. Người viết cảm thấy không được quyền có lời bàn về mối tình lớn, đã trở thành thiêng liêng này.

xxx

Đoạn kết bài Lời Giới Thiệu của ông Kevin Bowen viết rằng: “Những đối thoại và tham luận trong tập sách này là những dữ liệu cần đọc cho bất cứ ai muốn hiểu sâu Việt Nam, hiểu được những cái giá phải trả cho cuộc xung đột ý thức hệ trong thế kỷ qua”. Đọc xong Nếu Đi Hết Biển, người ta thấy rõ một cố gắng vận động hòa giải, và trở về hợp tác, nhưng chính nội dung tập sách cũng cho thấy cố gắng này khó thành công, và không hiểu vô tình hay cố ý, đã hướng dẫn người đọc hiểu không đúng về vấn đề hòa giải.

Sau ba mươi năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt, vẫn chỉ có người đi, và còn đang đi khỏi Việt Nam, mà chưa có người về. Không phải người ta ra đi vì chiến tranh, mà ra đi vì những việc làm độc ác sau chiến tranh. Người ta chưa về, không phải vì không về, hay thù dai, hay thiếu tình người, mà vì những lý do khiến người ta ra đi vẫn còn đó. Đất lành dân ở, đất dữ dân đi. Nguời đi chưa thể trở về, nếu đất vẫn còn dữ.

Các ông Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Trương Vũ đều mong muốn hòa giải, nhưng hòa giải giữa ai với ai? Hòa giải dân tộc, hay hòa giải giữa người dân với nhau, là đặt sai vấn đề. Không ông nào nêu được bằng chứng là các thành phần dân tộc chống đối lẫn nhau. Dân trong nước không chống nhau, chẳng những không chống những người đã ra đi, còn tỏ ra rất âu yếm. Những người ra đi không chống dân trong nước. Gần ba triệu người, mỗi năm gửi về cỡ ba tỷ Đô La Mỹ, tính đổ đồng, mỗi đầu người gửi về hơn một ngàn Đô La. Nếu chống nhau, đâu có gửi nhiều tiền như vậy. Người ra đi, cũng như người trong nước, nếu có chống, là chống tập đoàn cai trị.

Phải chăng quý vị chủ trương hòa giải với nhà cầm quyền? Điều này cũng không ổn, vì hai lẽ: Trước hết, người dân trong nước, cũng như những người đã ra đi, đâu có lầm lỗi điều chi mà phải hòa giải với thủ phạm đã gây tội ác? Thứ đến, dù có muốn hòa giải với nhà cầm quyền, cũng không được. Họ đâu có muốn. Chính ông Trương Vũ đã khẳng định: “Lãnh đạo trong nước thì rõ ràng là chưa thực lòng hòa hợp, hòa giải. Nó chỉ nằm trên khẩu hiệu và nghị quyết”. Các quý vị cổ võ hòa giải đều ghi nhận báo chí, sách vở trong nước vẫn tiếp tục miệt thị quân dân chế độ cũ. Báo chí, và các phương tiện truyền thông khác, đều phản ảnh đường lối của nhà cầm quyền, không phải quan điểm của tư nhân. Cổ võ “hòa giải dân tộc” trong khi dân tộc không xung đột, là đặt sai vấn đề. Nếu chủ trương dân tộc thôi chống đối, hòa giải với nhà cầm quyền, trong khi đại đa số dân tộc là nạn nhân và nhóm cầm quyền gây tội ác, là hòa giải ngược. Thủ phạm tiếp tục gây tội ác, mà vận động nạn nhân từ bỏ nỗ lực đòi hỏi công lý, không phải là cố gắng hòa giải, mà là vận động đầu hàng, bỏ chính nghĩa để hợp tác với phường phi nghĩa.

Câu cuối cùng của Lời Giới Thiệu viết: “Những đối thoại của họ đã làm ngắn đi nhịp cầu của con sông đã làm phân cách dân tộc Việt Nam, và khiến cho những sự thật, dù nó không thể kém đi phần đau thương, trở nên dễ thấu hiểu và cảm nhận hơn, từ cả hai phía”. Cần nhắc lại một lần nữa, không có con sông nào ngăn cách dân tộc Việt Nam. Chỉ có sự ngăn cách giữa băng đảng cai trị, và khối dân tộc bị trị.

Tiếng nói của quý vị trong tập sách này, chỉ có thể đóng vai nhịp cầu thông cảm, nếu được nghe từ cả hai phía. Sách đã được xuất bản ở hải ngoại. Nếu nó không được ra mắt ở trong nước, nhịp cầu qua sông sẽ biến thành một thứ nhịp cầu nửa vời, một thứ cạm bẫy cho người bên này, vì tưởng “ngụy kiều” là cầu thật. Ai dùng nó, sẽ rớt xuống sông, trong khi phía bên kia không có ảnh hưởng gì cả. Quý vị lên tiếng trong sách đã tỏ ra công bằng, chỉ trích cả hai phía. Nhưng nếu chỉ có một phía được nghe, tiếng nói của quý vị đã bị xử dụng như một công cụ gây bất hòa với cộng đồng gần mình, trong khi quý vị mong mỏi hòa giải với những người ở xa. Và sau hết, nếu tiếng nói của quý vị chỉ có một phía được nghe, làm sao tạo được sự cảm nhận từ cả hai phía, như ông Bowen giới thiệu? Rút cục, cố gắng hòa giải của quý vị, đã gây thêm bất hòa!

 Đinh Từ Thức

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.