Jun 17, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Mấy Suy Nghĩ Về Hiện Tượng Thích Minh Tuệ
NGUỒN : FACEBOOK * đăng lúc 09:56:37 PM, May 24, 2024 * Số lần xem: 683
Hình ảnh
#1

 

*

                   

Không biết Đông La là ai nhưng đọc bài của ông về "hiện tượng Thích Minh Tuệ" thấy rất thuyết phục.

MẤY SUY NGHĨ VỀ “HIỆN TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ”

Có mấy bạn muốn tôi viết về chuyện vị Thích Minh Tuệ, như Nguyễn Bá Vĩnh: “Dạ anh.. rất trông mong bài viết của anh, về tu sỹ Minh Tuệ ạ!”; Duong Hoài Anh: “…rất mong được đọc bài viết công tâm của chú Đông La. Có rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không được tích cực chú à”. Vậy hôm nay tôi sẽ viết đôi điều.

***
Trước hết, tôi là người được “đào tạo cơ bản” về khoa học tự nhiên, từng làm công việc nghiên cứu tại các viện và trung tâm, từng làm chủ nhiệm đề tài những công trình, có bài toán khoa học công nghệ 20 năm một ngành của cả nước không ai làm được thì tôi đã làm được, mang đề tài đi thi đã được Giải A trong cuộc thi Sáng tạo KHKT TPHCM, v.v… Khoa học tự nhiên là một hệ thống những quy luật logic, chính xác, có thể kiểm chứng và ứng dụng trong đời sống, vì vậy nó không có chỗ cho tâm linh, tôn giáo; thế nhưng, các hiện tượng xuất hiện trong tự nhiên, đời sống lại phong phú hơn KHTN, vượt khỏi tầm với của KHTN, và thú vị là do cơ duyên đưa đẩy, tôi đã được trực tiếp chứng kiến những hiện tượng siêu phàm, khả năng siêu phàm của con người. Triết học Mác đã dạy, thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất để kiểm tra chân lý, nên thực tiễn xuất hiện những hiện tượng ngoài tầm với khoa học ta cũng phải công nhận, nếu không ta sẽ thành mê tín, không phải mê tín tâm linh mà là mê tín khoa học.

***
Về vị Thích Minh Tuệ, các báo đồng loạt đưa tin: Ngày 16/5, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gửi công văn đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, “khẳng định người được mạng xã hội gọi là "sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Vì vậy, để xem xét chính xác công văn trên ta phải hiểu được vị Thích Minh Tuệ là ai, như thế nào? Thế nào là tu sĩ Phật giáo?

***
Trước hết, theo tôi, trên internet người ta gọi Sư Thích Minh Tuệ là chưa chính xác. Vì “sư” theo nghĩa Hán Việt là thầy giáo, trong giới tu sĩ là người giảng đạo, truyền đạo. Qua các cuộc trò chuyện vị Thích Minh Tuệ cũng tự cho mình không phải là sư, không phải là thầy, cũng không giảng đạo, chỉ trò chuyện khi có người hỏi. Vì vậy gọi ông là tu sĩ, tức người đi tu, là đúng nhất. Ông cũng nhiều lần nói mình không thuộc bất cứ chùa nào, tổ chức nào thuộc Giáo hội PGVN, vì vậy công văn trên viết lại điều này là thừa. Còn chuyện công văn viết Thích Minh Tuệ không phải là “tu sĩ Phật giáo”? Cộng đồng mạng đã nổi giận, đã phản đối!

***
Với Thích Minh Tuệ, khi biết có công văn trên, ông nói mình không liên quan, còn Phật, Phật Pháp là của nhân loại chứ không của riêng Giáo hội PGVN. Ông chỉ là một công dân, làm theo lời Phật dạy.

Còn tôi, muốn biết Thích Minh Tuệ có phải là tu sĩ Phật giáo không thì phải xem ông có làm theo đúng Phật pháp không? Nếu ông làm đúng thì đại diện PGVN không chỉ phạm giáo pháp mà phạm cả luật pháp, vì nhà nước ta có luật tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi công dân.

Trước hết, về chuyện khất thực, xin ăn. Một lần trên đường Đức Phật trở lại hoàng cung thăm vua cha và người thân, ngài cũng khất thực. Vua cha thấy vậy rất xót xa, hỏi ý “Con là thái tử, sơn hào hải vị không thiếu sao con lại phải đi ăn xin như vậy?” Đức Phật trả lời đại ý: “Khất thực là một pháp tu chủ yếu, để tạo phúc cho người bố thí mình, đồng thời xoá bỏ đi cái tôi kiêu mạn, cũng là một pháp tu”. Nghe nói, GHPGVN đã quy định, hiện nay không cho phép các nhà sư đi khất thực. Như vậy, xem chừng chính GHPGVN đã không theo lời Phật dạy, còn Thích Minh Tuệ thì đã thực hành đúng theo chánh Pháp của ngài.

Khi dạy con trai mình tập thiền, Đức Phật cũng nói ý phải xoá bỏ cái tôi kiêu mạn, hạ mình xuống thấp nhất, hãy coi mình như mặt đất, người ta có thể quăng rác, quẳng xú uế lên mà vẫn an nhiên, tự tại. Với Thích Minh Tuệ, người ta thấy lạ là ông xưng “con” với tất cả mọi người, thì ra đó cũng là cách ông hạ mình xuống “thành mặt đất” như lời dạy của Đức Phật.

Về chuyện khổ hạnh, thời Thái tử Tất Đạt Đa tu luyện cho rằng thực hành phương pháp khổ hạnh cực đoan là sẽ  đắc đạo. Ngài đã tích cực thực hiện, ở trong rừng núi, ngày chỉ ăn vài hạt đậu, uống vài giọt nước, v.v… Cơ thể ngài gầy xác xơ đến mức, tay chạm da bụng sẽ chạm được vào cả cột sống, rung chân, tay những sợi lông cũng rụng ra, v.v… Và khi đến tận giới hạn của cái chết, ngài đã tỉnh ngộ, tu kiểu này mình chết mất tiêu rồi còn đâu mà đắc đạo. Ngài đã uống một bát sữa của cô thôn nữ cúng dường rồi ngộ ra con đường Trung đạo, như lên dây đàn, chùng quá không thành tiếng, căng quá sẽ đứt, chỉ vừa phải mới cho ra tiếng đàn tuyệt diệu. Trung Đạo là phương pháp thành tựu không chỉ cho tu luyện mà còn cho tất cả các lĩnh vực đời sống. Và rồi chính thiền định đã giúp ngài đắc đạo.

Thích Minh Tuệ cho biết ông tu theo hạnh đầu đà, một pháp tu có thể là khắc khổ nhất nhưng vẫn theo con đường Trung Đạo, so với pháp tu khắc khổ cực đoan mà Thái tử Tất Đạt Đa đã thực hành thì chưa là gì.

Nhưng việc ngày ăn chay một bữa, choàng y ghép từ các mảnh vải cũ, đi bộ, ngủ ngồi ở nghĩa trang, nhà hoang, gốc cây, hang đá… nếu không bị bệnh thần kinh, bình thường như Thích Minh Tuệ mà làm được như vậy, làm một cách an nhiên, tự tại, còn thấy hạnh phúc nữa thì ông đúng là không phải là một người thường. Ông phải hiểu biết sâu sắc Đạo Phật, tin tưởng sâu sắc Đạo Phật, phải buông bỏ được tất cả, gột rửa được tất cả tham, sân, si của Đời thì mới làm được. Qua một số cuộc trò truyện, tôi thấy ông đã là người như thế. Người ta có thể trình diễn để mưu cầu điều gì đó, nhưng chỉ với thời gian ngắn, còn Thích Minh Tuệ đã tu hành 6 năm rồi. Dù Đời có những bất ngờ không thể tưởng tượng được, nhưng tôi có nhiều sự tin tưởng Thích Minh Tuệ là một vị chân tu.

***
Trong Công văn của Giáo hội PGVN có viết "… một số người đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Lê Anh Tú tạo sự hiếu kỳ, tạo nên hiệu ứng câu view và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam". Điều này thì vừa đúng vừa không đúng.

Cho cả Giáo hội PGVN, tất cả các tu sĩ thuộc Giáo hội PGVN là xấu hết thì đúng là sai. Nhưng với nhiều chuyện đã xảy ra trong sinh hoạt Phật giáo thì những lời phê phán đó xem chừng không phải là “xuyên tạc”.

Như vụ Chùa Ba Vàng trưng bầy “xá lợi tóc Phật” kêu gọi Phật tử đến cúng dường để hưởng phước báu muôn đời chẳng hạn.

Tôi cũng đã viết bài “Doanh nghiệp chùa”. Ở Việt Nam ta có hiện tượng thi nhau xây chùa, chùa đẹp đẽ cao sang như cung điện. Người ta thích đứng đầu, thích là độc nhất vô nhị, thích lập kỷ lục, nên mới xây chùa to nhất, đúc tượng Phật, tượng Quán Thế âm Bồ Tát to nhất, đẹp nhất. Nhưng họ đã quên mất rằng Phật Tổ là Thái tử đã từ bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ, hành khất, tu luyện, tìm đạo cứu đời. Những sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời Ngài không xảy ra nơi cung vàng, điện ngọc mà toàn dưới tán cây ngoài thiên nhiên. Như ngài đản sinh bên gốc cây vô ưu, vườn Lâm tì ni; Ngài giác ngộ, đắc đạo bên gốc cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya). Và cuối cùng ngài nhập Niết Bàn dưới tán cây Sàla trong cánh rừng ven phía Nam Thành phố Câu-thi-na (kuṣinagara).

Khi có đệ tử hỏi ý ngài xuất gia như vậy thì ngôi thái tử cùng cung vàng, điện ngọc ngài có trao lại cho con trai không? Ngài trả lời ý rằng “Các thứ ta đã bỏ đi, không màng đến thì sao ta lại có thể trao cho con trai yêu quý của ta được?”

Thực tế ở ta, các lễ hội người ta đi đông như kiến nhưng không hiểu đạo là gì, họ đi cầu xin lợi lộc là chính, còn tìm cách hối lộ cả Trời, Phật. Vì thế mới có chuyện cổng phủ, cổng chùa có rất nhiều bàn mua bán, đổi tiền lẻ, toàn mới tinh, kẹp chì, để người dân đặt tiền, dán tiền vào tay, vào người tượng phật, ném tiền lẻ bừa bãi.

Còn tiền công đức có chuyện thất thoát, mất mát. Có chuyện nhà sư dùng tiền công đức mua xe, điện thoại quá sang trọng; có người còn gửi tiền về quê xây nhà, tậu trang trại… Ông Đỗ Đức Dục, một cán bộ làm ngành Ngân hàng, nơi nhận tiền gửi công đức của rất nhiều ngôi chùa lớn, nhỏ cho rằng, con số tiền công đức thống kê là khoảng 200-300 tỉ đồng/năm là chưa chính xác. Ông nói: “Theo tôi, thực tế lớn hơn rất nhiều” (theo motthegioi). Chính vì vậy mới có những chuyện tai tiếng. Năm 2014, một ông sư tu tại chùa ở Hải Dương khoe xe MayBack, khoe iPhone 6, điện thoại Vertu và những tài sản mình có trên facebook cá nhân, sau thanh minh là quảng cáo hộ người khác. Một ông sư ở Bắc Ninh thì “chơi” chiếc xe Ford Mustang (khoảng 2 tỉ đồng). Nhà sư Thích Thanh An, chùa Nôm, Hưng Yên nói:“Tôi thấy mấy trường hợp đó còn ít đấy. Có chùa, tôi biết, nguồn thu chỉ trong tháng sau Tết và dịp lễ hội đã có 30 tỉ đồng. Ở đó, có vị riêng dàn xe sở hữu đã trị giá 100 tỉ đồng với hơn 10 chiếc và tiền xăng một năm đi đã tốn gần 500 triệu đồng”. Một doanh nhân ở Hà Nội cũng hay đi lễ chùa kể, tháng trước, anh vào công tác tại TP Hồ Chí Minh, anh em tổ chức đi vào thăm một ngôi chùa lớn ở thành phố. Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy nhà chùa đưa cả 2 xe Lexus 570 mới coóng ra đón anh em, nhưng vẫn thiếu nên một ông trong ban quản lý chùa lại gọi thêm một chiếc nữa ra đón. “Lexus 570 cũng là xe sang, khá đắt tiền không phải xe hạng sang nhất nhưng có đến 3 chiếc mà theo tôi biết nhà chùa còn vài cái y như vậy nữa, cũng đủ biết nhà chùa rất biết chơi”, anh nói. (Cũng theo motthegioi).

Như vậy chùa chiền có nơi đã thành doanh nghiệp, dân đi chùa đông lại không hiểu đạo là gì, quan chức lấy tiền tham nhũng mua lễ vật đến chùa cầu lên ghế để tham nhũng tiếp và nhiều hơn. Tất cả là do không hiểu đạo, không biết luật nhân quả nên không sợ quả báo.

Nhưng đạo là gì? Học ở đâu? Cả những người có trọng trách và Giáo hội Phật giáo VN hiện không trả lời được!
 
20-5-2024
ĐÔNG LA
 
Nguồn : Fb Thu Huyền

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.