Apr 20, 2024

Truyện dài

Hoa Nở Làng Tôi - Chương 1 - 2 & 3
Thủy Điền * đăng lúc 01:40:39 AM, Feb 19, 2016 * Số lần xem: 2213
Hình ảnh
#1




Hoa Nở Làng Tôi

 

 

 

Chương 1

Mộng ước tuổi thơ

 
   Mẹ nó hỏi? Nhân mầy làm cái gì mà ngày nào cũng vẽ ngoằn ngoèo dưới nền đất, rồi chấp tay sau lưng đi tới, đi lui như người mất hồn vậy Nhân.

 

   Đâu có gì đâu mẹ, ngồi buồn vẽ vài ba cái hình cho vui vậy thôi. Lát nữa quyét sân, sẵn tay con quơ sơ một cái là bằng phẳng trở lại ngay.

 

   Mầy coi vào múc cho mẹ hai lu nước, có tắm heo và rửa mấy cái chén ngay đi.

Dạ, con vào liền.

 

   Năm nay nó mười sáu tuổi, vừa học hết lớp mười thì nghỉ. Lẽ ra nó phải học tiếp cho xong cấp ba, nhưng gì hoàn cảnh nhà nghèo quá, không đủ tiền đi học. Ba nó thì mất sớm, lúc nó vừa lên tám tuổi, mẹ nó chỉ sống bằng nghề đan giỏ xách, lây lất qua ngày. Tài sản cố định chỉ là một con heo và năm ba con gà chạy loanh quanh sau nhà, khi bán con nầy xong, thì bà gầy con khác. Cứ thế và cứ thế, nên mẹ nó dù muốn cho nó học tiếp bằng người ta, nhưng không thể nào thực hiện được. Nó thừa hiểu điều đó và không bao giờ trách hờn mẹ.

  

   Tuy học hành chưa đến nơi, đến chốn. Nhưng mộng ước nó từ lúc học lớp tám là muốn quê hương mình có cái gì độc đáo hơn những nơi khác. Một ý tưởng khác thường hơn những đứa trẻ cùng lứa. Hằng ngày sau khi đi học về, phụ giúp công việc nhà xong, số thời gian còn lại nó thường hay mằn mò đến những ngôi nhà trong xóm có trồng cây bông giấy, tò mò hỏi đon, hỏi ren cách trồng, rép cây. Nó hỏi đến nỗi người chủ nhà bực mình và bảo rằng. Mầy là con nít mà hỏi chi lắm thế. Nó cười cười, nhẹ giọng và bảo, nó muốn biết và trồng thử trước nhà cho đẹp. Qua những lần giao du như thế, người ta thấy nó nhỏ, thật lòng và tội nghiệp, nên cho một cây về trồng thử. Vậy mà lẻo đẻo nó xin được tổng cộng bốn cây và mang về nhà trồng. Mẹ nó thấy nó dọn dẹp trước sân một khoảng đất trống, sạch sẽ. Nên hỏi? Mầy định làm cái gì nữa vậy Nhân.

   -Dạ, con định trồng vài cây bông giấy cho nhà mình đẹp xinh ra. Mẹ nó bảo.

   *Thôi đi con, trồng chi cho chật chội thêm, nhà mình nghèo, có trồng cả sân cũng chẳng ai thèm ngắm đâu con. Mà cây bông giấy đâu con trồng?

   - Dạ mấy bác cho con bốn cây, con sẽ trồng thử, nếu sống, ra hoa thì mình ngắm cho vui. Còn  không may, chết thì thôi, đâu có tốn một xu nào đâu mẹ. Mẹ nó bỏ đi và nói.

   * Tùy mầy, muốn làm gì thì làm.

 

    Nó xách cái thúng đi sang nhà hàng xóm xin một ít phân chuồng, về đào bốn cái lỗ và trồng rất ngay ngắn. Bốn cây bốn màu sắc khác nhau trắng, vàng, cam và hồng. Người ta dặn nó một ngày chỉ tưới một lần vào lúc sáng sớm. Nó làm theo y trang mỗi ngày trước khi đi học.

 

   Đúng ba tháng sau, bốn cây bông giấy phát triển xanh um, tốt tươi và bắt đầu ra hoa. Ai ai đi ngang qua nhà nó cũng đều bảo, thằng Nhân nầy có tay trồng bông thật, bốn cây giống  nhau không khác tí nào cả. Nó được người ta khen, nên hứng chí và mừng thầm trong bụng. Đến tháng thứ tư, bông bắt đầu nở sum suê, sắc hoa rực rỡ, trông rất đẹp mắt vô cùng. Xong, nó đi thu gôm những tàn tre gai người ta bỏ, mang về kết thành hàng rào không cho ai đụng phá. Và, chờ trọn một năm, khi cây bông thật sự vững chắc và thành hình. Rồi lê la đi hỏi tiếp cách ương và rép cây. Những người láng giềng thấy nó làm nên chuyện, bèn chỉ một vài bí quyết nhà nghề và còn hứa hẹn, nếu mầy làm không thành công sẽ cho cây giống khác. Nó mừng quá và cảm ơn lia lịa, rồi về thử nghiệm.

  

   Bước đầu, nó rép cây màu trắng và màu vàng chung, rồi cây màu hồng và màu cam chung. Xong xuôi nó chờ tiếp đến bốn tháng sau. Quả thật, kết quả như mong đợi, bốn cây bông của nó bây giờ nở ra đủ sắc màu. Trông tuyệt đẹp và ngộ nghĩnh. Có lần một ông nhà giàu ngoài chợ nghe đồn thằng Nhân có bốn cây bông giấy đẹp lắm, ông lái chiếc Hon-da vào nhà nó gạn mua với giá hai trăm đồng, số tiền tuy khá lớn, nhưng nó nhất định không chịu bán. Xung quanh, ai cũng hối thúc bán đi Nhân. Nó bảo không là không, mẹ nó nhiều lần cũng muốn khuyên nó bán đi, nhưng không dám hé lời.

 

   Hiện tại mọi việc thử nghiệm xem như tạm thành công. Bây giờ nó cứ ngồi vẽ họa dưới đất một mô hình và chấp tay sau lưng đi tới, đi lui suy ngẫm. Tâm trí nó nhiều lúc như rơi vào nhà thương điên ở Long thành. Cứ thẩn thẩn, thơ thơ không còn chú tâm vào những việc khác. Bởi thế, mẹ nó thường hay rầy la, nhưng nó chẳng hề trả lời, trả vốn vì cả.

 

    Nó cương quyết muốn thực hiện mộng ước của nó ngay. Là làm sao cả một cái Xã nó đang ở biến thành một rừng bông giấy. Muốn thì muốn vậy, nhưng nó thừa hiểu, nó là trẻ con, lời nói hay sự bàn luận của nó chẳng có người nào tin và nghe theo. Mặc dù, nó đã chứng minh cho thiên hạ thấy, là nó trồng được bốn cây bông giấy tuyệt vời trước sân nhà. Nó cứ suy nghĩ mãi và tìm mọi cách chui vào Ủy ban nhân dân xã, may ra quen biết, va chạm với Chính quyền thì mới hầu thực hiện được ước mơ của mình. Còn đứng ngoài Ủy ban mà có la lớn, la to cách nào đi nữa, thì cũng chẳng ai thèm nghe, thậm chí còn cho là khùng điên nữa là khác.

  

   Năm nó gần mười bảy tuổi, nó lê la sang nhà ông Trưởng thôn, xin tình nguyện gia nhập vào đội Du kích bảo vệ thôn. Ông trưởng thôn hỏi? Mầy suy nghĩ kỷ chưa Nhân và có hỏi, cũng như xin phép mẹ mầy chưa? Nó bảo, suy nghĩ thì cháu đã suy nghĩ kỷ lắm rồi, còn hỏi mẹ cháu thì cháu chưa dám hỏi. Ông Trưởng thôn nói tiếp, nếu mầy quyết định thì tao bằng lòng và phải về hỏi lại mẹ mầy cho đàng hoàng, nếu bà ưng khi nào mầy đúng mười bảy tuổi bác sẽ cho cháu gia nhập vào đội Du kích ngay. Đó là bác ưu tiên cho cháu, ngoài ra đúng mười tám tuổi mới được gia nhập.

  

   Nó về nhà mấy hôm, còn đang đắn đo, do dự không biết nói ra mẹ mình có ưng bụng không hay là bị bà mắng cho một trận tơi bời. Không ngờ ! Một hôm nó đi vắng, ông Trưởng thôn phỏng tay trên, sang nhà nó tâu hết mọi chuyện cho mẹ nó nghe. Ngỡ mẹ nó phản đối, ai ngờ ! Mẹ nó đồng ý và còn nói. Nếu được bác cho cháu gia nhập vào đội Du kích bảo vệ thôn  thì quá tốt, còn ở nhà miết tôi thấy nó dường như không bình thường và có thể xảy ra những chuyện không hay. Ý bà muốn nó luôn có bổn phận và trách nhiệm. Vì người có trách nhiệm dù sao vẫn là một con người tốt và có ích cho xã hội.

 

   Một hôm, ông cho người mời nó sang nhà và kể cho nó nghe. Rằng mẹ cháu đã đồng ý. Nó mừng ra mặt, mà ở nhà mẹ nó chưa bao giờ nói với nó vấn đề gì. Ông nói tiếp. Bác sẽ làm Hồ sơ và gởi ra Ủy ban cứu xét và cháu cũng chuẩn bị tin thần trước đi.

 

   Đúng như những gì ông đã hứa, nó vừa tròn mười bảy tuổi là ông giao nó một cây súng và chỉ cách sử dụng như thế nào. Thoạt đầu nó chỉ là một Cận vệ và kiêm luôn Thư ký cho ông, vì trình độ học vấn của nó đã qua lớp mười. Đi đâu và làm việc gì nó cũng kè kè bên ông, ông không cho nó đi tuần tra trong thôn như bao Du kích khác, bởi nó còn nhỏ và chưa có kinh nghiệm.

 

   Mỗi lần ông đi họp ngoài xã, nó đều có mặt để ghi chép, nên nó cũng dần dần quen biết nhiều người. Ai ai cũng trêu ông Trưởng thôn còn ngon hơn ông Chủ tịch Xã nữa, đi đâu cũng có bảo vệ theo sau. Ông Trưởng thôn cười, cậu ta có học và luôn phụ tôi làm tốt công việc. Trải qua gần một năm làm việc với ông dần dần quen nước, quen cái nó thỏ thẻ với ông Trưởng thôn về ước mơ của nó. Ông Trưởng thôn không bàn vào, mà cũng chẳng bàn ra, cứ ò è về Tài chính. Cháu biết tình hình hiện tại ở đâu cũng vậy, làm việc gì cũng phải có tiền mới làm được và còn chờ sự chỉ đạo của cấp trên, khó khăn lắm cháu à. Nó lặng thinh và nắm được cái khó khăn của Chính quyền là tiền, nên mừng trong bụng và nói, cháu có ý kiến thế thôi, còn như sự thể bác vừa nêu thì đành chịu. Vì rõ ràng nó biết trồng loại bông giấy không mất nhiều tiền và chỉ tốn công sức mà thôi.

 

   Sau một năm, có một số Du kích thôn lần lượt lên đường đi Nghĩa vụ quân sự, ông đôn nó lên làm Trưởng đội Du kích thôn và không còn kề cận bên ông nữa. Ban ngày, cũng như ban đêm, tùy tình hình nó hay dẫn một toán Du kích đi tuần tra trong thôn. Mấy ông bạn già cho bông nó ngày trước, thường hay mời nó vào nhà uống trà và nói. Kể từ ngày cháu làm Trưởng bảo vệ ở đây các bác thấy tình hình thôn mình an ninh hơn, trộm cướp không còn lé hánh nữa, cố lên đi Nhân. Bà con sẽ ủng hộ cháu hết mình. Nó thấy công việc nó làm càng lúc, càng tốt, lòng dân càng lúc, càng ủng hộ, nó nghĩ, nếu nay mai mình thực hiện công việc trồng cây bông giấy có lẽ họ cũng ủng hộ mình thôi.

 

   Kỳ gọi Nghĩa vụ quân sự đợt hai, rất nhiều thanh niên xã phải lên đường, nhưng nó thì không được gọi vì lý do là con gia đình Ngụy. Nên họ điều nó về làm Du kích xã. Công tác Du kích xã được gần một năm, nó lợi dụng cơ hội, thỏ thẻ vấn đề trồng bông giấy với ông Chủ tịch xã. Nó ngỡ, ông sẽ có những ý tưởng giống nó hay hây hơn, ai ngờ ! Ông ta trả lời giống hệt như ông Trưởng thôn hồi năm trước và còn tệ hại hơn khi ông nói. Xã mình xưa nay nó là như vậy, bây giờ có bày biện ra việc nầy, biết có ai hưởng ứng không? Có khi còn bị cấp trên phiền hà nữa là khác. Nó nghĩ trong bụng mà không dám nói ra. Trời đất. Chưa làm mà sợ hư, sợ hỏng, làm mà cứ sợ người khác phê bình thì thành công thế nào được. Thua keo nầy, ta cố gắng gầy keo khác chứ may ra, mới tiến bộ và khấm khá hơn. Rồi tự hỏi? Cái đà nầy mãi thì chết mất và biết bao giờ ai biết đến Xã mình có cái gì đặc biệt và độc đáo chứ.

 

   Thời gian- rồi thời gian. Chính phủ đưa ra chương trình Bảo vệ môi trường. Ông Chủ tịch bàn bạc và tìm người giữ chức vụ nầy, kết cuộc không có ai đảm nhận. Lúc ấy nó đang làm Xã đội phó Du kích, được ông Chủ tịch gọi lên và phân cho chức vụ phó ban Bảo vệ môi trường. Lẽ ra, với khả năng làm việc của nó, có thể nó đã nắm giữ chức Trưởng ban nầy , Trưởng ban nọ từ lâu, nhưng gì Lý lịch quá lòe nhòe màu vàng nhiều hơn màu đỏ. Nên luôn luôn phải giữ chức phó. Đây là sự ưu đãi tối đa của Ủy ban rồi. Khi ông Chủ tịch trao Quyết định cho nó, nó vui vẻ và nhận công việc. Rất tiếc là trong thời gian làm việc dưới sự chỉ đạo của một Trưởng ban, nó gặp rất nhiều khó khăn về mặt đóng góp ý kiến và chỉ biết thừa hành. Nhiệm vụ của nó cao lắm là đôn đốc bà con hãy thực hiện nếp sống văn minh như giữ gìn sạch sẽ đường phố, không phá hoại cây xanh và trồng nhiều canh xanh khác thêm, tổ chức những thùng rác công cộng cho hợp vệ sinh, ngoài ra không còn vấn đề gì khác để làm.

 

   Không may, vừa làm được sáu tháng tình hình xã thấy cũng khả quan lên nhiều, nói chung ruồi muỗi giảm dần, đường xá khang trang, lịch sự. Bỗng đùng một cái, ông Trưởng ban ngã bệnh ung thư gan. Có lẽ, vì trong thời gian qua ông uống rượu nhiều quá. Mọi công việc coi như bị đình trệ, không có người ban lệnh, thấy ông nằm Viện lâu quá và không có khả năng trở lại nhiệm sở, nên ông Chủ tịch đành lấy ý kiến chung của Hội đồng nhân dân Xã và bầu nó vào chức vụ Trưởng ban Bảo vệ môi trường. Đứng trước Hội đồng nó thề sẽ làm tròn bổn phận của một Trưởng ban, mặc dầu nó chẳng có Đoàn, Đảng gì cả. Nó làm việc rất tích cực, người ngoài nhìn vào cứ ngỡ nó như là một Đảng viên gương mẩu không hơn, không kém.

 

   Ba ngày sau khi nhận chức, nó trình lên Chủ tịch Xã những phương án nó dự định làm trong tương lai. Ông Chủ tịch nhận và hai ngày sau trả lời. Rằng phương án thì rất hay, nhưng không được phép thực hiện.  Lý do: Xã không có Tài chính cho phương án nầy. Khi nghe ông nói xong nó bàng hoàng choáng váng, thế là mộng ước tan tành theo mây khói. Về nhà nó suy nghĩ mãi và nhất định không chịu thua, nên tìm cách khác.

  

  Tuần sau nó chờ ông Chủ tịch vui vẻ, nó bàn bạc với ông tiếp. Nó nói, nó chỉ cần một diện tích đất công mà không cần tiền Ủy ban. Ông Chủ tịch trả lời? Đất thì có, còn tiền không có anh lấy gì làm. Nó bảo nó luân chuyển được. Ông nói tiếp, anh đi vay tiền người ta sao? Thành công thì không nói gì, nếu thất bại họ kéo nhau đứng trước Xã đòi tôi à. Anh suy nghĩ lại đi. Nó nói không phải thế, miễn có đất công là nó sẽ vận động một số người giúp đỡ nó, công không. Ông Chủ tịch nghe qua đứng suy nghĩ một hồi, thôi được, tôi sẽ cấp đất cho anh và anh phải ký nhận lãnh trách nhiệm mọi sự rủi ro. Anh có chịu không ? Nó dạ và ký vào giấy Quyết định. Nó dám làm như thế, là gì nó không vay mượn ai một đồng xu nào cả. Cũng may cho nó, là Xã vừa tiếp thu một căn hộ và một mẩu đất của một tay Thương gia vừa bỏ đi vượt biên cách đây một năm. Nên có nhà và đất cấp cho nó, còn không có căn nhà ấy và mẩu đất ấy thì Xã cũng bó tay và nó cũng chịu thua luôn. Khi nhận Quyết định xong nó mừng quá, chạy về khoe với bốn ông bạn già và nhờ các ông nầy giúp đỡ, hổ trợ. Các ông thấy nó còn trẻ mà nhiệt tình với dân, với Xã nên các ông ủng hộ ngay. Các ông cung cấp một số cây giống và làm một ngày ba tiếng đồng hồ không ăn lương, cho đến khi nào công việc tạm thành hình. Sau khi bàn bạc với bốn ông bạn già xong, nó nhờ người vẽ bảng hiệu treo trước nhà mang tên

„Trung tâm sản xuất và cung cấp cây Bông Giấy giống  „

 

 

 

Chương 2

„Trung tâm sản xuất và cung cấp cây Bông Giấy giống “

 

 Thành viên gồm có:

Nguyễn Thanh Nhân, Trưởng ban Bảo vệ môi trường kiêm Giám đốc Trung tâm

Lê văn Sự, Phó Giám đốc và kiêm nhân viên cung cấp cây giống

Nguyễn ngọc Minh, nhân viên Kỹ thuật

Nguyễn văn Thế, nhân viên Kỹ thuật

Phạm thái Hoàng, nhân viên Kỹ thuật

Tài khoản, không

Vật liệu ban đầu, do bốn nhân viên Kỹ thuật tự nguyện cung cấp.

  

   Trung tâm đã có, nó sau giờ làm việc ở Xã về, hoạt động âm thầm phụ giúp mấy ông bạn già làm đủ thứ việc như, ương cây, rép cây, ròng rã gần bốn tháng trời. Bây giờ, hiện tại nó có hơn một ngàn cây con đang lúng phúng lá. Trong thời gian nầy ông Chủ tịch thường hỏi? Công việc tới đâu rồi Nhân. Nó trả lời, dạ tạm ổn rồi Chủ tịch, chỉ chờ một tháng nữa ra nụ là em cho khánh thành ngay. Ông chủ tịch động viên, cố gắng nha Nhân, anh thông báo các cơ quan sơ sơ rồi đó. Dạ Chủ tịch khỏi lo, em làm được mà. Anh tin ở em.

 

   Trước khi khai mạc Trung tâm, các ông bạn già cho mượn một số chậu bông giấy trưng bày trước Trung tâm rất thịnh soạn, cộng hơn một ngàn cây con đang sắp có bông được để theo thứ tự trong rất đẹp mắt.

 

   Hôm nay là ngày khánh thành, nó mời tất cả đại diện cơ quan trong Xã đến tham dự và làm sẵn bốn bằng khen để tặng thưởng bốn ông bạn già đã bỏ công sức trong những ngày đầu. Ngoài ra không có mời đại diện Huyện và các nhà Hảo tâm. Ý nó là dành những người nầy vào kỳ sau vì cơ sở còn quá mới mẻ. Đúng tám giờ nó tuyên bố khai mạc.

 

   Ông Chủ tịch đọc diễn văn, ông khen ngợi đủ thứ và kêu gọi các cơ quan ban ngành hãy ủng hộ chương trình của ban Bảo vệ mội trường, nhằm tiếp sức đưa Xã chúng ta tiến sang một bước ngoặc mới.

  

   Sau đó đến nó, tuy chưa có kinh nghiệm đứng trước đám đông, nhưng nó cũng cố nặn ra những lời lẽ văn chương để giới thiệu Trung tâm và kêu gọi mọi người cùng ủng hộ. Thiên hạ thấy nó vừa run. vừa vui vẻ chân tình và vỗ tay thật nồng nhiệt. Kế đến nó mời ông Chủ tịch trao bằng khen cho bốn ông bạn già. Nó đứng kế bên vỗ tay như cảm ơn vác vị nầy. Cuối cùng nó mạnh dạng tuyên bố một câu Lịch sử. Tôi hứa, đúng sáu tháng nữa trước cửa các Cơ quan ban ngành của Xã đều có những chậu bông hay những hàng rào bông giấy đầy sắc màu. Các đại diện cơ quan vỗ tay thật lâu như tin tưởng và cám ơn. Đồng thời mọi người cầm một bao thơ ủng hộ bỏ vào thùng . Buổi tiệc hôm ấy nó làm một con Cầy và vài chục lít rượu đế mời bà con nhậu quắt cần câu, có người về không nổi. Sau lễ khai trương nó nhờ một số Du kích mang trả những chậu bông về chỗ cũ. Bốn ông bạn già cầm bốn bằng khen khoái chí và nói. Nhân cháu làm mấy bác hãnh diện vô cùng đó Nhân. Nó trả lời, Trung tâm nầy thành hình là nhờ công của các bác, riêng cháu chỉ là người có ý tưởng mà thôi.

  

   Trong buổi tiệc thiên hạ vừa ăn, vừa xì xào ông Nhân nầy tuổi trẻ tài cao, rất tiếc là ông ta không được nằm trong Xã ủy.

    Đúng như lời hứa trong ngày khai trương chỉ năm tháng sau, các cây bông giấy lớn cao và bắt đầu ra nụ, nó ra lệnh cho nhân viên ban Bảo vệ môi trường mang số lượng cây cần dùng trồng hết các Cơ quan của Xã. Bà con đi chợ, qua đường ai ai cũng ngạc nhiên khi thấy Xã tự dưng trồng quá trời, quá đất cây bông giấy. Rồi người nầy, đồn đại người kia dần hồi cả Xã ai cũng đều biết, Xã bây giờ có Trung tâm sản xuất cây bông giấy giống. Loại cây nầy tuy đơn giản, đơn thuần, nhưng bình thường không ai nghĩ đến nó. Bỗng dưng nó hiện hữu và mang đầy sắc hoa khiến mọi người giật mình, rồi tự nhiên quan tâm đến nó.

 

   Ròng rã một tháng trời, nhân viên ban môi trường tự tay chăm sóc từ li, từ tí nay ra hoa, trổ nhụy thật xinh đẹp vô cùng. Nào vàng, nào trắng, nào cam, nào hồng sum suê. Sáng nào vào cơ quan làm việc, nó ngồi nhìn ra cửa sổ mà thấy lòng vui vô hạn. Rồi nó tưởng tượng xa hơn hằng ngày bao nhiêu chuyến xe từ Sài-gòn đi Lục tĩnh và ngược lại. Có lẽ họ sẽ khen quê mình nhiều lắm nhỉ.

 

   Sau khi cây bông giấy thành hình, nó viết thơ và nhờ Chủ tịch ký gởi đi hết tất cả cơ quan ban ngành là mỗi cơ quan phải tự chăm sóc và giữ lấy. Vì ban Bảo vệ môi trường còn phải vận động quần chúng trồng tiếp.

  

   Ở Trung tâm, bằt đầu có qũy, là nhờ ngày khai mạc người ta ủng hộ chút ít, nên nó mướn được thêm hai nhân viên mới vào để phụ giúp bốn ông bạn già. Trung tâm bây giờ kể cả nó là bảy người nên số lượng cây giống càng ngày càng tăng thêm. Mặc khác nó kêu gọi nhân dân mang những thứ thừa thải như rác rến đem vào Trung tâm ủ thành những đống phân hữu cơ. Chính nhờ lẽ ấy mà tệ trạng quăng bừa bãi ngoài đường, giảm đi rất nhiều và Xã trở nên sạch sẽ hơn xưa.

 

    Ngày 15 tháng 08 Ủy ban họp bàn tổ chức ngày lễ 2 tháng 9, sẵn dịp ông Chủ tịch thông báo thêm một tin vui là Huyện vừa gởi giấy khen Xã ta, là một Xã đứng đầu trong phong trào thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời ông cũng đề nghị cấp Ủy khen tặng nó một giấy khen dành riêng cho những Cán bộ tích cực trong công tác. Cả Hội trường vỗ tay hoan nghênh. Nó ngồi vừa hãnh diện, vừa đỏ mặt và ngại ngùng trước những người đồng nghiệp.

 

   Chiều về nó ngồi bên mâm cơm cùng mẹ nó, nó kể lại câu chuyện xảy ra ngày hôm nay. Mẹ nó chẳng khen mà dường như không hài lòng và nói. Con làm cái gì cũng vừa phải thôi, không khéo phiền hà lắm con. Con tốt là mẹ mừng, nhưng phải cẩn thận.

  

    Nó nói, mẹ nói đúng, nhưng con chẳng sợ gì hết, con làm việc cho dân, cho Xã, con đâu có hưởng lợi hay móc ngoặc vì đâu, con chỉ mang về cho mẹ với đồng lương như bao Cán bộ khác. Điển hình là hai mẹ con mình đang ngồi ăn mấy miếng tàu hũ chiên và một đĩa rau luộc chấm nước tương. Con chẳng ăn năm trâu, bảy bò hay ăn chận kẻ khác, con không gì phải ngại. Mục đích của con tham gia Chính quyền là hầu giải quyết được nguyện vọng và ước mơ của mình thôi mẹ, khi thành công rồi, con sẽ về bên mẹ cho đến suốt cuộc đời. Con nói thế thì mẹ an tâm. Và con cũng nói cho mẹ thêm rằng, hiện tại con đang bước vào giai đoạn thứ hai. Giai đoạn nầy rất khó khăn, khi con phải đề cập đến tiền trước bàn dân thiên hạ. Nếu họ hiểu cho thì tốt, còn không thì chẳng biết thế nào.


Chương 3

Vận động Cán bộ, Công nhân viên chức và các Mạnh thường quân

 

 

      Trước khi bước vào giai đoạn hai, nó xin lịch gặp Chủ tịch một tiếng đồng hồ để bàn công việc. Chủ tịch nhận lời và một ngày giữa tháng 9 họ gặp nhau. Ông Chủ tịch hỏi? Anh cần gì ở tôi mà đến một giờ đồng hồ thế. Thưa Chủ tịch chuyện rất hệ trọng và dài dòng, vì như lần trước, khi tôi mang bông đi trồng khắp Xã, mà không thâu đồng nào của ai hết thì không có vấn đề gì. Còn lần nầy tôi định bán cho các Cán bộ, Công nhân viên tôi ngại họ cho tôi là một kẻ bắt đầu kinh doanh. Anh nói đúng, ta phải cẩn thận trước thì hay hơn. Mỗi khi đụng tới tiền thì rắc rối lắm Nhân à. Dạ, em biết nên mới gặp Chủ tịch hôm nay. Và anh lấy tiền đó để dùng vào trường hợp nào, lúc trước anh nói với tôi là không cần tiền kia mà? Thưa Chủ tịch đúng thế, nhưng kế hoặch thứ hai nầy muốn bán là nhằm trả tiền cho một số công nhân viên mới và mua thêm nhiều vật dụng để gây cây giống thật nhiều và sẽ dự trù cho giai đoạn ba là biếu không cho những hộ dân nghèo. Có thế, sự ủng hộ cũng như sự phát triển sẽ đồng bộ hơn. Anh định giai đoạn ba cho không hết sao? Dạ thưa đúng đấy Chủ tịch, bởi vì em thấy họ nghèo quá, nếu bán em e họ không mua, mà khi không mua thì làm sao hoa nở toàn Xã được Chủ tịch. Kết quả nó sẽ bị lõm chõm. Đúng, khó nhỉ, mà anh định bán cho Cán bộ, Công nhân viên bao nhiêu một cây? Dạ chỉ một đồng. Còn thương gia, nhà giàu? Ta chỉ nói họ ủng hộ và có thể nhiếu hơn một đồng. Kỳ nầy anh cho sản xuất bao nhiêu cây? Dạ năm ngàn cây trước đã, vì điạ bàn Xã ta tương đối rộng và nhiều con đường hẽm nhỏ quá. Thôi được, tôi sẽ gíúp anh. Dạ bằng cách nào? Tôi sẽ viết thông báo gởi toàn Xã trước, cả Cán bộ và Công nhân viên lẫn người dân luôn một thể. Hy vọng, họ sẽ ủng hộ và anh cũng đỡ bớt phần khó khăn khi bán những cây giống. Dạ cám ơn Chủ tịch đã quan tâm.

 

   Thật đúng như lời ông Chủ tịch nói, năm ngày sau, thiên hạ ùng ùng đến Trung tâm ương cây mua sạch sẽ, thậm chí còn thiếu bán phải hẹn đến kỳ sau. Trong vòng nửa tháng Trung tâm phải mướn thêm ba người nữa thì mới chạy hết công việc. Những người nầy lần lượt thay bốn ông bạn già vì họ đã phục vụ gần cả năm nay rồi, mà chẳng hưởng một đồng lương nào của Xã.

 

   Đợt bán vừa qua cộng số tiền các thương gia ủng hộ lên đến gần mười ngàn đồng. Một con số không phải ít. Nó mang hết số tiền ấy ra trao cho ngân qũy Xã và Xã phải có bổn phận trả lương cho năm Nhân viên Kỹ thuật như bao Công nhân viên khác. Ông Chủ tịch rất hài lòng và tất cả Cán bộ công nhân viên trong Xã chẳng nghe ai phàn nàn một lời nào cả. Sau khi trao số tiền ra về, người nó nhẹ nhõm như bay trên tám tầng mây trắng.

  

   Đêm ấy, nó về tâm sự với mẹ nó, mẹ nó vui vẻ ra ngay, không cằn nhằn như lúc đầu và nói, thà vậy đi con, để tối về ngủ cho yên giấc.

 

   Mỗi ngày sáng đi làm, chiều về dọc qua mấy con đường và bao dãy nhà, nó thấy những cây bông giấy mọc dần, mọc dần và xanh dần, xanh dần lòng nó như muốn nở trăm hoa, ngàn sắc. Nó sung sướng và tự hào vô kể và dường như là một động lực, cứ thôi thúc nó đi làm việc mà không mệt mỏi để nhìn ngắm một rừng hoa.

 

   Thời gian chờ đợi để cây bông giấy ra hoa như lần trước, đều phải mất một tháng, hai tháng. Nó cố chờ và chờ nhiều hơn người trồng cây hoa ấy. Nhưng cái gì rồi cũng đến, đúng hai tháng sau, cả Xã, nơi nào cũng thấy những cây bông giấy xinh tươi, đầy màu sắc, lộng lẫy cộng những đàn Ong, đàn Bướm đang vo ve bên những nhụy hoa vào sáng sớm.

 

   Ông Chủ tịch thỉnh thoảng cho mời nó vào văn phòng và khen. Tôi bây giờ thật sự phục tài anh đó rồi anh Nhân, anh dám nghĩ, dám làm. Anh đúng thật tuổi trẻ, tài cao. Dạ thưa Chủ tịch quá khen, em mà tài cáng gì, chẳng qua lúc nhỏ em thấy quê hương người ta có những đặc thù nầy, đặc thù nọ mà quê mình chưa có gì hết, nên em trăn trở và nghĩ ra thế thôi.              Nhưng anh hay hơn người khác ở chỗ, là vừa biết làm đẹp quê hương và biết làm kinh tế nữa. Thế mới gọi anh là người có tài. Và tôi cũng xin nói thêm để anh biết, là khoảng một tuần nay ông Chủ tịch Huyện có ngang qua đây, thấy lạ và khen cả tôi lẫn anh đó. Ông nói, ông sẽ động viên các xã khác bắt chước anh, nhưng làm những mô hình khác. À Nhân nầy, chừng nào em định cho khởi động giai đoạn ba? Dạ thưa Chủ tịch khoảng ba tháng nữa, vì phải chờ cây bông con thật sự vững chắc thì mới dám giao cho dân. Em sợ còn nhỏ quá họ chăm sóc không kỷ thì uổng công ta mất. Anh nghĩ cũng đúng, thôi về lo tiếp tục công việc đi. Chúc anh thành công. Dạ, cám ơn Chủ tịch.

 

    Bước ra khỏi văn phòng Chủ tịch. Nó cứ suy nghĩ về những công việc sắp tới, rồi vỗ tay vào trán. Sau mình ngu quá khi không vác hết mười ngàn bạc giao hết cho Xã mà không giữ lại chút ít để khi cần có dùng ngay. Tức thật, có lẽ vì quá sợ tiếng dèm pha nên mới đưa hết số tiền trên. Nhưng không sao, nếu có gì trắc trở mình sẽ nói với Chủ tịch. Chẳng lẽ ông ta ngó lơ hay sao.

 

   Vừa làm việc ngoài Xã một ngày tám tiếng, có khi nhiều hơn. Nhưng ngày nào nó cũng cố tạt qua Trung tâm một lần, xem anh em làm việc như thế nào. Thì ra được sự báo cáo là cây giống thành công trước dự định. Có nghĩa là chỉ cần một tháng nữa thôi là có biếu cho người dân nghèo được rồi. Nó mừng quá và vội cho Chủ tịch hay đồng thời nhờ Chủ tịch ký Quyết định nó được phép triệu tập bốn Trưởng thôn trong những ngày sắp tới để thực hiện cuộc tập hợp dân.

 

   Chủ tịch đồng ý và ngày 01 tháng 04 là ngày họp trọng thể giữa ban Bảo vệ môi trường và bốn vị Trưởng thôn.

   Trong cuộc họp nó nêu ra những điểm chính như sau:

1-      Là tập hợp những hộ nghèo trong thôn

2-      Phát động phong trào trồng cây bông giấy

3-      Cây giống được biếu không

4-      Cách trồng và bảo vệ cây bông giấy

5-      Địa điểm trồng

6-      Thời gian nhận cây giống

7-      Số lượng được biếu.

  

   Về vấn đề tập hợp những hộ dân nghèo là nó khỏi lo. Việc nầy nó chỉ nhận sự báo cáo của các ông Trưởng thôn.

  

   Về phần phát động phong trào, là nó đã in sẵn một chồng giấy khổ A4 và chỉ phát cho một người một tờ. Đại ý là cùng nhau tạo nên một nét đẹp độc đáo cho Xã và trong tương lai Xã ta là nơi cung cấp cây giống cho khắp nơi, là trung tâm sinh thái, nghĩ dưỡng cho du khách vào cuối tuần, xa hơn nữa cũng là nơi cung cấp một số lượng mật Ong cho cả nước v.v…Hay nói cách khác chương trình nầy cũng nằm trong dự án xóa đói, giảm nghèo của Xã. Có như thế hy vọng người dân sẽ tích cực đóng góp bàn tay vào công cuộc kiến thiết địa phương.

   Về cây giống, nó dự trù biếu cho mỗi đầu người là hai cây. Cứ tính nhân khẩu mỗi hộ mà phát. Nếu trong một tháng cây giống bị chết sẽ được cấp phát cây khác. Điều kiện chỉ mang cây chết đến Trung tâm đổi là đủ.

 

   Về cách trồng, nếu ai có khả năng thì tự trồng, còn không sẽ có nhân viên kỹ thuật Trung tâm đế giúp đỡ. Về mặt chăm sóc, bổn phận mọi người phải thường xuyên chăm sóc vì những cây bông giấy nầy thuộc quyền sở hữu của mình. Ngoài việc trồng cây bông giấy mọi người dân có quyền trồng những cây bông khác theo ý thích riêng tư. Mọi người dân phải có bổn phận bảo vệ cây bông giấy của Xã và người láng giềng.

 

   Về Địa điểm có thể trồng bất cứ nơi nào trên mảnh đất nhà mình và hay nhất là nên trồng trước cửa sân nhà.

  

   Thời gian nhận cây giống bắt đầu từ ngày 01 tháng năm cho đến ngày 15 tháng năm. Sau nữa tháng biếu không, nếu bà con nào không đến nhận, thì sau ngày đó Trung tâm buộc phải bán với giá  một đồng một cây. Nói thì nói vậy, nhưng trong thâm tâm nó muốn đưa hết cho dân, để ai cũng cùng trồng, càng nhiều, càng tốt.

 

   Sau cuộc phát động rầm rộ, kể từ ngày 01 tháng năm cả xã đi đâu cũng thấy ai ai cũng cầm trên tay cây bông giấy từ Trung tâm mang về, thậm chí nhiều gia đình đông con hoặc hai ba gia đình gọp lại đem xe ba bánh chở rất là ngoạn mục. Nó vừa phát cây giống, vừa trò chuyện với bà con, lao xao như một cái chợ không hơn, không kém.

 

   Dự án là phát tới mười lăm ngày, nhưng chỉ tới ngày thứ tám là người cuối cùng đến lãnh, theo danh sách Trưởng thôn báo cáo, thì chẳng sót nhà nào và số lượng cây cung cấp cũng còn thừa một ít.

 

   Như đã nói phần trên, nếu ai không biết cách trồng thì có nhân viên đến hướng dẫn, nhưng Trung tâm chờ đến ngày mười lăm, thì chỉ có một vài hộ gặp khó khăn mà thôi, còn bao nhiêu họ tự trồng được cả. Trong lúc phát cho những hộ nghèo, số lượng còn lại cũng được người khác mua ủng hộ về trồng thêm sau nhà và dọc theo hàng rào. Bởi thế, Trung tâm cũng thu được một số tiền đáng kể và số tiền nầy sẽ được đầu tư cho một số công việc trong tương lai.

 

   Kể từ khi kết thúc giai đoạn ba, hằng ngày nó hay chạy xe đạp qua từng nhà, từng con đường, ngõ hẽm để xem bà con trồng như thế nào. Nó rất tự hào, bởi bà con trong Xã, họ làm đúng như những gì đã phát động vừa qua. Tuy chưa ra hoa, nở nhụy, nhưng cả Xã bây giờ nơi nào cũng lúng phúng những màu xanh, màu hồng, màu vàng, màu trắng trong thật tuyệt vời. Và, vài tháng nữa đây những lá xanh cũng dần dần biến mất, mà chỉ còn thấy một màu hoa đủ sắc ngập trời.

 

   Tiếng dép râu lẹp xẹp ngoài hành lang, rồi tiếng gõ cửa, nó đứng lên mở cửa. Dạ chào Chủ tịch. Nhân có rảnh không? Anh muốn trao đổi với em vài việc. Dạ được, Chủ tịch cứ nói. Theo em chương trình nầy xong, em định bao giờ trả căn nhà ấy lại cho Xã hay giữ luôn làm công việc khác? Dạ sao Chủ tịch hỏi thế, việc nầy tùy Xã. Nếu Xã thấy không cần thì em mới nghĩ chuyện khác, còn Xã cần dùng thì em trả lại ngay, không có vấn đề gì. Ý anh là muốn giao luôn cho ban Bảo vệ môi trường, không biết ban có cần không ? Nếu em không cần anh sẽ giao cho ban khác. Riêng anh, anh lúc nào cũng ưu tiên cho em. Cám ơn Chủ tịch, em cũng muốn bàn với Chủ tịch vài phương án mới trong tương lai, nhưng em thấy còn sớm quá. Sẵn nay Chủ tịch hỏi? Em xin thưa luôn, là em định làm kinh tế cho Xã như: Bán cây giống cho nơi khác và nuôi Ong. Chủ tịch thấy như thế nào? Ôi ! Thế thì quá tuyệt vời, anh giao luôn cho em đó, em muốn làm gì thì làm, việc nầy em không cần phải hỏi anh nữa, cứ thế mà làm. Anh tin tưởng ở em. Cám ơn Chủ tịch, thôi làm việc đi . Anh về phòng đây.

 

   Với câu chuyện sáng nay giữa nó và ông Chủ tịch. Nó mừng quá và sau giờ làm việc chạy thẳng về hỏi ý kiến bốn ông bạn già. Mặc dù bốn vị nầy không còn làm trong Trung tâm nữa, nhưng họ vẫn là quân sư của nó. Nó trình bày tất cả những gì ông Chủ tịch nói sáng nay, các ông tán thành ngay và đôn đốc nó, ngoài việc bán cây giống cần tổ chức thêm chương trình nuôi Ong. Muốn làm được công việc nầy, nó cần phải có những thợ nuôi sành sõi và những người nầy sẽ do bốn ông tìm giùm. Còn nó thì bó tay, bởi nó đang bận rộn với ban Bảo vệ môi trường.

 

   Mẹ nó ở nhà trông đứng, trông ngồi. Sao? Thằng Nhân hôm nay không về ăn cơm mà đi đâu mất biệt.

 

   Dạ thưa mẹ con đi làm về, mầy đi đâu để mẹ chờ vậy Nhân. Nó kể cho mẹ nó nghe, mẹ nó cản. Thôi đi con, bao nhiêu đó đủ rồi để người khác làm. Gia đình mình cũng còn nhiều việc cần con, hơn nữa mầy cũng lớn rồi, lo tính chuyện vợ con lần đi, mẹ già rồi, không còn trẻ trung đâu Nhân. Nó dạ dạ rồi ngồi im ru, dường như không chấp nhận những lời khuyên ấy.

 

   Thời gian qua nhanh quá, lẹ hơn mong đợi. Mới đây đã hai tháng rồi cả Xã bây giờ nơi nào cũng nở hoa, nơi nào cũng đậm đầy hương sắc hòa lẫn với rừng người áo xanh, áo đỏ. Những đàn Ong, những đàn Bướm đua nhau lượn qua, lượn lại như môt bức tranh.

 

   Hằng ngày đi làm, nó hay dừng lại ngay bến xe, trước cổng Ủy ban Xã vài ba phút, nó nhìn biết bao chuyến xe qua lại, ngược xuôi và bao người khách lạ cũng thế, cứ ngắm nhìn những cây bông giấy mà không mỏi mắt. Nó liên tưởng rồi đây một năm, hai năm và nhiều năm nữa, hàng trăm, hàng vạn, hàng triệu người sẽ nhìn thấy và biết đến quê hương của nó mà thèm trong bụng và bảo rằng. Nơi đây là quê hương “ Xứ Vạn Hoa Lầu “.

 

   Hết nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân Xã năm năm và bước sang nhiệm kỳ mới. Ông Chủ tịch đắc cử lại lần hai. Ông có nhã ý mời nó giữ tiếp chức Trưởng ban Bảo vệ môi trường. Nhưng nó từ chối và không làm nữa, rồi bàn giao toàn bộ kế hoạch cho người mới. Nó nghĩ rằng những mộng ước của đời nó đã thành hiện thực. Ngoài ra nó chẳng ham muốn thêm những thứ gì khác, khi nhìn thấy quê hương nó với những bông hoa giấy muôn ngàn sắc thắm.Và còn lại với ngày hai buổi làm công, bên người mẹ hiền và cái sân nhỏ ngập tràn hoa.

 

 

Hoa nở làng tôi đẹp lắm ” Người ”

Hãy về, ghé lại, lấy mua vui

Bướm, Ong thao lượn vườn hoa thắm

Trai gái hòa chung, nở nụ cười.



                 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.