Apr 19, 2024

Tác giả

Nguyễn Tịch - 阮籍
Hình ảnh
Nguyễn Tịch - 阮籍 - (210 - 263)
#1
tiểu sử tác giả

Nguyễn Tịch 阮籍 (210-263) tự Tự Tông , xuất thân ở Trần Lưu, nước Nguỵ đời Tam Quốc (nay là Khai Phong, Hà Nam, Trung Quốc). Ông là một trong Trúc Lâm thất hiền, phụ thân của ông là Nguyễn Vũ , từng là thừa tướng nước Nguỵ và là một trong Kiến An thất tử.

Nguyễn Tịch 阮籍 (210-263) tự Tức Tông 嗣宗, từng làm hiệu úy bộ binh, cho nên còn được gọi là Nguyễn bộ binh. Ông là người Trần Lưu Úy thị (nay là Khai Phong, Hà Nam, Trung Quốc), Nguyễn Vũ 阮瑀 trong Kiến An thất tử là phụ thân của ông. Tấn thư nói rằng ông, "tướng mạo anh kiệt, chí khí hùng hồn, ngạo nhiên tự đắc, nhiệm ý mình, mà vui cười tức giận không để lộ ngoài mặt, hoặc đóng cửa xem sách cả tháng không ra ngoài, hoặc đi chơi sông núi cả ngày quên về, học rộng, nhất là lão Trang. Uống rượu, huýt sáo, giỏi đàn. Gặp lúc đắc ý bỗng quên mình, người đương thời cho là bị si. Tịch thường tự ý một mình lấy xe đi, không theo đường lộ, đi hết tới chỗ xe không đi được nữa, khóc một hồi rồi về. Đấy chính là chỗ Vương Bột nói:
Nguyễn Tịch xương cuồng
Khởi tiếu cùng đồ chi khốc
(Nguyễn Tịch cuồng điên
Làm sao mà cười được chuyện "khóc cùng đường")
mà ra. Đại khái bản tính như vậy, chính là chỗ xuất phát tư tưởng văn học toàn bộ của ông ta.

Nguyễn Tịch cũng như Kê Khang, không muốn ra làm quan, nhưng sở dĩ khỏi bị tai họa là nhờ khác ở một điểm. Kê Khang vốn tính thẳng mà nói năng bộc lộ, chỉ biết xung đụng vào, Nguyễn Tịch trong bụng rộng rãi, mà lại hoạt kê, vì vậy đã từng nhờ rượu mà trốn thoát được tai họa. Lúc ông làm Đại tướng quân tòng sự trung lang, quan lại nói có người giết mẹ, Tịch bảo:

- Ý! Giết cha còn được, sao lại giết mẹ ?

Những người ngồi đó lấy làm bất mãn lời nói đó. Tư Mã Ý cật vấn:

- Giết cha là tội ác cực kỳ trong thiên hạ, mà nói còn được sao ?

Tịch trả lời:

- Cầm thú biết có mẹ mà không biết có cha: giết cha là cùng một loại với cầm thú, giết mẹ còn không bằng cầm thú!

Người ngồi đó phục ông biện luận giỏi. Ấy là một trong những cách ông dùng lời nói khôi hài để biện giải những đạo lý thâm sâu. Tư Mã Ý muốn cầu con gái của Tịch cho con mình là Viêm, Tịch biết tránh không khỏi, bèn uống rượu say một trận luôn sáu mươi ngày, không nói chuyện gì được, đành phải bỏ qua. Chung Hội mấy lần lại chỗ Tịch hỏi chuyện khó khăn, muốn lựa lời để gán ghép tội, Tịch chỉ biết say sưa làm cớ, mà không phải trả lời, do đó được thoát khỏi. Đấy là kiểu ông quen lấy chuyện say rượu làm cớ để tỵ họa.

Ngoài ra, ông có vô số những đặc điểm khác, mà ở đây không thể trình bày ra hết. Quả thật cần muốn biết Nguyễn Tịch có những hành vi gì khác người thường, thì mới có thể biết đến văn học của ông, do đó mà tôi đã không quản chi phiền hà kể lại những mẫu chuyện trên.

Nguyễn Tịch sinh còn sớm hơn Kê Khang, năm cuối cùng Kiến An là năm 24 (219 tây lịch), chết vào năm thứ 4 Cảnh Nguyên, hưởng thọ 54 tuổi.

Tấn thư nói rằng: "Tịch giỏi văn chương, làm Vịnh Hoài thi hơn 80 bài, thế gian rất trọng vọng". Bây giờ tìm tòi sách để lại, Vịnh Hoài Thi tồn tại đến giờ còn 82 bài ngũ ngôn, ba bài tứ ngôn, cũng phù hợp với số mục trong Tấn thự Nếu mà theo Độc Thư Mẫn Cầu Ký nói rằng trong nhà của Châu Tử Chiêm có giữ tới 13 bài tứ ngôn, thì số mục lên đến hơn 90, sợ không hợp với Tấn thư, e trong đó có nhiều bài làm giả.

Theo lời Chung Vinh nói, thì thơ Nguyễn Tịch so với Kê Khang còn hay hơn nữa, do đó liệt vào loại thượng phẩm và bình luận rằng: thơ ông nguồn gốc ở Tiểu Nhã, không cần mài dũa, trong Vịnh Hoài, lấy ra được cái tính linh, phát huy được cái ý tứ thâm sâu, nói chuyện gần bên tai bên mắt, mà tình cảm biểu lộ khắp cả muôn nơi, đầy những ý của Phong Nhã, làm người ta quên cái tầm thường gần đó mà đi ra cái lớn lao ở xa, nhiều lời cảm khái, phóng khoáng khó mà kiếm ra được".

Đúng vậy, thơ Nguyễn Tịch quả thật hay hơn Kê Khang, không những mọi chỗ đều đầy những cảm tình thâm hậu, mà còn có thể lấy cái tấm lòng hào phóng khoát đạt ra tạo thành thơ cú, đúng là lời không bó được đến người nhĩ. Những hình thức, Nguyễn Tịch không bao giờ hay biết đến, không bao giờ vì đó mà bỏ công sức ra gò nắn.

Trần Quy Ngu nói rằng: Những bài Vịnh Hoài của Nguyễn công, qua lại loạn xạ, hứng để vào tình cờ, hòa dịu ai oán, hỗn tạp trong đó, làm người đọc không cần phải cần tìm tòi mà cũng thấy thú vị. Đấy chính là thơ của Nguyễn công thôi. Đó cũng là chỗ biểu hiện sự khác biệt tính tình giữa ông và Kê Khang. Tương Sư Luân nói một câu thật hay:
Bồi hồi phong nguyệt gián,
hiệu giả tự ai, minh giả tự lạc
(Bồi hồi giữa trăng và gió
Người kêu khóc tự mà đau lòng, người ca hát tự mà sung sướng)

Vương nguyên Mỹ nói rằng: Thơ Vịnh Hoài của Nguyễn công, ở giữa chuyện xa và gần, đụng cảnh là tấp vào, hết hứng là ngừng, chẳng cần phải ngồi bàn luận mất công.

Thơ Nguyễn Tịch không cố ý mà tự nhiên thành ca ngâm, ông có từng phải cố gắng làm ra đâu ? Cố ý để làm thì thành ra những câu thơ si ngốc rồi. Do đó, tuy ông và Kê Khang cùng ở trong một thời, mà thể thơ không cùng một loại.

Nghiêm Thương Lãng nói rằng: Sau thời Hoàng Sơ, chỉ có những bài Vịnh Hoài của Nguyễn Tịch, cực kỳ cao phong và cổ nhã, có phong cách đời Kiến An. Nhưng theo thiển ý của tôi thì thơ Nguyễn Tịch còn bành trướng ra xa trên Tào Vương nhiều nhĩ.

Trong tập "Kê Khang dữ Sơn cự Nguyên tuyệt giao" có nói rằng: Nguyễn Tức Tông không bao giờ nói xấu người ta, tôi ráng học, mà còn chưa được; chí tính chí tính hơn người, không va chạm người khác, chỉ có uống rượu là sai thôi nhĩ. Còn chuyện bị người ta ràng buộc vào lễ giáo, ghét thật là thậm tệ như thù.

Bản Truyện nói rằng: Tịch ăn nói huyền diệu, miệng không gièm pha người khác.

Chúng ta căn cứ vào hai câu nói trên mà biết chỗ xuất xứ tại sao Nguyễn Tịch làm ra bài Vịnh Hoài. Trời sinh ông ra là người chí tình, lại thích uống rượu, tuy ông không gièm pha người khác, nhưng những kẻ lễ giáo ấy có chịu bỏ qua cho ông ta đâu. Những kẻ lễ giáo "hành thi tẩu nhục" ấy ngoài mặt thì cho là uống rượu là một thứ tội ác, nhưng trong bụng thì cũng muốn uống được một trận khoái chí.

Nguyễn Tịch muốn làm chuyện gì cũng đều rõ ràng bày lộ ra, không sợ tỵ hiềm nghi, những hành vi ấy chắc chắn là làm cho những kẻ khác không tha thứ được, huống gì lại còn muốn trêu chọc người ta, nói rằng: "Lễ có phải là do người ta đặt ra là được sao ?" nhỉ ?

Trong một đoạn "Đại nhân tiên sinh truyện", tuy không có chỉ mặt mắng tên ai, nhưng đương thời một bọn sĩ nhân quân tử, thực hận không được ăn tươi nuốc sống ông ta nhĩ.

Thơ tứ ngôn Vịnh Hoài của ông, cũng rất điềm đạm tự đắc, tuyệt không có một tý gì đẽo gọt.

Ngoài ra còn thấy trong "Đại nhân tiên sinh truyện", có hai bài Thái Tân giả ca, và Đại nhân tiên sinh ca, nhưng so với thi nghiệp của Tức Tông, chẳng qua chỉ là lớp võ mỏng bề ngoài thôi, chẳng cần phải đem ra khoe khoang dùm cho ông ta.

Thi Kính Tổng Luận bàn rằng: Nguyễn Tịch, tiếng nói thanh đạm trong thi ca, làm tiếng nói tự do, tiếng lòng rộng bao la vô tận, cho nên có câu: "Thi, khả dĩ quan" (Thơ, có thể xem đó - Luận Ngữ), đưa lên hình hài tình cảm, màu sắc hình tướng, đổ ra cho người ta xem.

(Trung Quốc văn học lưu biến sử, Trịnh Tân Vu)


1. Vịnh hoài thi (ngũ ngôn) kỳ 01 3. Vịnh hoài thi (ngũ ngôn) kỳ 31 5. Vịnh hoài thi (tứ ngôn) kỳ 02
2. Vịnh hoài thi (ngũ ngôn) kỳ 03 4. Vịnh hoài thi (ngũ thủ) kỳ 21

Tất cả các bài của tác giả Nguyễn Tịch - 阮籍:

Vịnh hoài thi (ngũ ngôn) kỳ 31 - Đường thi Trung Quốc - Jun 10, 2008
Vịnh hoài thi (ngũ thủ) kỳ 21 - Đường thi Trung Quốc - Jun 10, 2008
Vịnh hoài thi (tứ ngôn) kỳ 02 - Đường thi Trung Quốc - Jun 10, 2008
Vịnh hoài thi (ngũ ngôn) kỳ 03 - Đường thi Trung Quốc - Jun 10, 2008
Vịnh hoài thi (ngũ ngôn) kỳ 01 - Đường thi Trung Quốc - Jun 10, 2008